GÓC NHÌN CỦA MỘT “SOFTWARE QA ENGINEER”

Nguyễn Thị Bích Liên
7LAB
Published in
6 min readFeb 14, 2019

Nhiều người gọi vui QA những người “bới lông tìm vết” hay chuyên gia “soi mói”, nghe có vẻ không thân thiện lắm. Thực tế SOFTWARE TEST/QA đơn giản là người kiểm tra, tìm kiếm lỗi, khiếm khuyết để đảm bảo chất lượng phần mềm.

Ban đầu bước vào nghề QA mình chỉ nghĩ đây là công việc phù hợp với bản thân, mình thấy hứng thú và có thể làm tốt. Nhưng nhìn lại hơn 3 năm gắn bó, có rất nhiều thứ mình nhận được và muốn chia sẻ về góc nhìn riêng của mình về tố chất của một QA nên có và giá trị nhận được khi làm nghề này.

Tố chất của một QA tốt:

  1. Giao tiếp có tính xây dựng:

Trong nghề QA, giao tiếp với PM/Developer là một kỹ năng rất quan trọng, vì đó là những người trực tiếp làm việc với mình, gắn bó xuyên suốt dự án. Nhưng Mindset và góc nhìn khác nhau, không ai muốn ý tưởng của mình bị chỉ trích, cho nên việc mâu thuẫn, ý kiến trái chiều là điều khó tránh khỏi.

“Mọi việc làm đều có nguyên nhân” do đó việc lắng nghe người khác một cách cởi mở, tôn trọng là điều rất cần thiết để hiểu và phân tích lý do tại sao người đó quyết định như vậy, để bản thân mình có được nhiều góc nhìn, đưa ra quyết định đúng đắn cho mục tiêu phát triển chung của dự án.

2. Lý luận, tò mò và đặt câu hỏi:

Đặt câu hỏi giúp mình hiểu rõ hơn về sản phẩm, có được nhiều kiến thức hơn, phân tích được tạo sao chọn giải pháp đó thay vì những sự lựa chọn khác từ đó đưa ra những lý luận thuyết phục.

Tò mò làm mình luôn muốn tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thứ liên quan đến sản phẩm. Và từ đó tạo ra nhiều trường hợp kiểm tra thú vị mà tài liệu hướng dẫn ban đầu chưa bao phủ hết.

3. Trung thực, sẵn sàng nhận lỗi:

Sai sót là khó tránh khỏi với bất kì công việc nào, và với một QA để sót lỗi là điều cực kỳ nhạy cảm. Thế nhưng thay vì buồn và trách móc bản thân như khi chập chững bước vào nghề, mình chọn cách mạnh dạn đối mặt. Điều đó là cơ hội để mình nhanh chóng tìm được cách khắc phục, suy ngẫm và nhìn nhận thật sự nghiêm túc sau mỗi sự việc. Nhờ vậy mình tránh được các lỗi tương tự, cẩn thận hơn và phân tích thêm nhiều tình huống rủi ro. Và quan trọng hơn hết mình đã có được bài học kinh nghiệm quý giá.

4. Kỷ luật, can đảm:

Đóng vai trò là người ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, quyết định sản phẩm đã đạt yêu cầu, sẳn sàng bàn giao hay chưa, có thực thi đủ các bước, chạy bộ testcase cần thiết … tính kỷ luật rất quan trọng trong việc đảm bảo thực thi đúng những quy trình, dám lên tiếng khi bất kì vấn đề/cá nhân có thể ảnh hưởng đến chất lượng dự án, tôn trọng nhưng không cả nể, đưa ra yêu cầu đề xuất điều mình thấy cần để phục vụ cho công việc tốt hơn.

5. Thông cảm và tôn trọng thời gian riêng:

Tính chất công việc áp lực, cần sự tập trung cao, chính bản thân mình cũng không muốn bị thường xuyên gián đoạn, do đó nên chuẩn bị sẵn sàng những câu hỏi, gom cụm luôn những vấn đề liên quan, nếu được nên hẹn trước thời gian để đôi bên chủ động sắp xếp và sẵn sàng trong cuộc thảo luận.

Ngoài việc tập trung trong giờ làm và luôn sẵn sàng bất cứ khi nào công việc cần gấp, không có nghĩa là mình giữ công việc ở mọi lúc mọi nơi. Như trong giờ ăn, giờ nghỉ trưa mọi người đang tranh thủ giải quyết một số việc riêng hay chơi game, xem phim, lướt facebook … nếu không thật sự cần thiết nên hạn chế câu hỏi liên quan đến công việc trong thời điểm này, đừng để đồng nghiệp có cảm giác họ luôn bị trong “tầm ngắm” nếu bạn không muốn trở thành nổi ám ảnh cho Developer , và một ngày bạn nhận ra họ đang cố tránh mặt mình.

Mình nhận thấy tạo cảm giác tốt và thoải mái khi làm việc với Developer hay bất cứ bộ phận nào thì sự tương tác công việc sẻ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

6. Chia sẻ và không ngừng học hỏi:

Việc chia sẻ kiến thức/kinh nghiệm/bài học rút ra hay đơn giản là một lỗi hay gặp, không chỉ đem lại niềm vui được giúp một ai đã đó đã từng như mình, đồng thời tự ôn tập, rèn luyện khả năng truyền đạt.

Giá trị nhận được:

Trong cuộc sống mình đã chứng kiến nhiều nghề nghiệp làm thay đổi con người theo nhiều chiều hướng, riêng bản thân nghề QA đã giúp mình cải thiện và hoàn thiện nhiều thứ:

  • Suy nghĩ tích cực
  • Rèn luyện sức chịu đựng
  • Tăng khả năng giao tiếp
  • Tạo thói quen lên kế hoạch

Đơn giản như cách viết testcase “đủ ý, ngắn ngọn, dễ hiểu” cũng áp dụng trong nhiều công việc liên quan, tối giản những điều không cần thiết để tập trung vào vấn đề cốt lõi.

Điều hết sức quan trọng với mình là sự tự tin, từ một đứa rụt rè nhút nhát, chính nghề nghiệp tạo điều kiện để mình rèn luyện.

Mang vai trò của người cần hiểu, nắm nắm rõ yêu cầu cũng là người trung gian, phân tích, truyền đạt đúng ý đến Developer, trước hết cần tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận trước bất kì câu hỏi/câu trả lời nào. Điều đó hình thành thói quen chuẩn bị chu đáo đi đôi với sự chắc chắn, tự tin trong bản thân mình.

Kết luận:

Với mình điều cần thiết để trở thành một QA tốt, ngoài những tố chất, kỹ năng rèn luyện, còn xuất phát từ những giá trị đạo đức, tình yêu và cái tâm trong nghề , không đâu xa từ những điều nhỏ thường ngày từ cách bạn tỉ mỉ viết document, tạo task, tạo bug, làm rõ requirement, lắng nghe, quan tâm đến đồng nghiệp không chỉ để hoàn thành công việc của mình mà còn giúp công việc của những người liên quan dễ dàng hơn.

Được làm việc trong team Tech là một môi trường thật sự năng động và lành mạnh, không phân biệt vị trí/cấp bậc hay sự áp đặt, nơi mình nhiều cơ hội học hỏi, dám nói, dám thử, dám làm và chia sẻ mọi thứ vì mục tiêu chung hướng đến khách hàng và niềm tự hào trong mỗi dự án mình tham gia.

--

--