Nhà Sàn — 310716

Cao Đức
4 min readJul 31, 2016

--

Mình biết tới Nhà Sàn đầu tiên là qua tumblr và facebook của anh Lu, ban đầu hứng thú với thơ và cách viết văn của anh và sau đó là dần hứng thú với quán Cafe của anh. Trước đó mình không hề có hứng thú đi uống cafe (phần lớn thời gian ở quán cafe mình nghĩ khá vô bổ khi phải sử dụng nó để nghe những thứ bạn không muốn nghe từ những người bạn không muốn tiếp — nhưng vũ trụ thì đâu có cho mình những thứ mình muốn nên đành phải ngồi) nhưng sau khi đến đây lần đầu tiên — mình vẫn nhớ hôm đó Linh dẫn mình đến là vào những ngày tháng 12 năm 2014, mình ngồi ở dưới tầng 1 chỗ có mấy cái lỗ lỗ (mình sợ nhất mấy cái lỗ)— thì mình coi Nhà Sàn là chỗ duy nhất ở Hà Nội mình có thể ngồi được và chỗ duy nhất mình muốn quay lại nếu có dịp.

Phần lớn thời gian ở Hà Nội (hiện tại mình đang ở TPHCM để học lại đại học) thì mình sẽ dành thời gian ở trường, ở nhà và thời gian rảnh là ở Nhà Sàn, và người ngồi cùng nhiều nhất cũng chỉ có Linh, thi thoảng có thêm 1 2 người nữa mình ngồi cùng là Thu hoặc là Trang hoặc bạn của Linh là Linh (khác). Tính từ thời điểm mình bắt đầu ngồi cho tới bây giờ là 1 năm 7 tháng, không quá dài cho 1 cuộc tình nhưng trước khi biết tin Nhà Sàn đóng cửa thì mình đã ngờ ngợ về việc này vào 1 hôm gần đây nhất (tháng 6–2017) khi mình ra lại Hà Nội. Mọi thứ ở đó, vào hôm đó, mình thấy lạc lõng, những bài nhạc bật lại cộng thêm vài tiếng chửi của những thanh niên ngồi tầng 2 kèm theo những hình nộm không hiểu ở đâu ra, khiến cho mình nhận ra là, ơ, đây đâu phải Nhà Sàn?

Nhà Sàn đối với mình đã trở thành 1 tính từ — mình hay hỏi Linh về việc hôm nay có cảm thấy Nhà Sàn không? nếu không Nhà Sàn thì ở đâu? hôm nay có Nhà Sàn không? rỗi không Nhà Sàn nhé? Mình không đếm được bao nhiêu lần mình hỏi Linh câu đó, cũng như ngược lại, nhưng đối với mình, hoặc chí ít là Linh, thì Nhà Sàn đã thành nhà của mình. Mình thích nghe nhạc Nhà Sàn, thích uống nước Dứa ở nhà sàn, thích uống Trà táo sữa ở Nhà Sàn, rồi bò khô, rồi bạc xỉu. Rồi thích cái màu vàng ở Nhà Sàn, thích cái hiên ở Nhà Sàn, thích con mèo chưa bao giờ ngồi lên đùi mình ở Nhà Sàn, thích cái ngõ đi vào Nhà Sàn. Ngày nắng mình đi Nhà Sàn, ngày mưa mình bắt Linh chở mình to như cái thùng ngồi sau xe cub đội mưa lên Nhà Sàn (xe máy mình đã gửi vào TPHCM) rồi sau đó Linh về nhà bị cảm, ngày các em thi tốt nghiệp với đại học mình lao ra đường vào buổi sáng để làm hồ sơ với Linh, những ngày cúp học hoặc những hôm lấy lý do làm việc để ra đó ngồi nói chuyện, những ngày mưa dột mái và nước tràn xuống dưới chỗ kệ sách và hơi láng dưới tầng 1. À đúng rồi cả những hôm có hội chợ hoặc những hôm khó chịu hơn với những khách hàng khó chịu nữa, nhưng mình vẫn thích ở đây.

Như việc những người làm nghệ thuật luôn cố gắng tìm ra tiếng nói của mình trong những thứ họ làm và tạo ra, Nhà Sàn có tiếng nói riêng, từ nhạc cho đến không gian. Nhiều người vào quán sẽ thấy hơi sợ hoặc có phần ảm đạm, hơi u tối nhưng mình nghĩ mình là người hợp với không gian đó. Vậy nên sự sôi động hơi ồn ào của Sài Gòn khiến cho mình tới giờ vẫn chưa thể tìm được chỗ nào ở TPHCM có tiếng nói và vị trí quan trọng như Nhà Sàn ở Hà Nội với mình được. Tranquil cũng của anh Lu lại là một câu chuyện khác, một thinh lặng và lắng hơn với mình, còn Nhà Sàn lại là một tự nhiên, một mộc mạc mà mình đi hoài vẫn thấy thiếu.

Hôm nay mình có hỏi Linh về lý do tại sao Nhà Sàn đóng cửa. Không đứa nào nghĩ có thể biết được câu trả lời ngoài những người đã làm việc trong quán. Câu hỏi của mình bây giờ là: vậy giờ sẽ ngồi ở đâu? giờ đâu sẽ là chỗ để mình tới, là một chỗ thoải mái ngồi một mình mà không thấy có vấn đề gì? một chỗ mà đến là sẽ biết mình an toàn hơn? đến để tự gỡ những thứ phức tạp hoặc trả lời câu hỏi của đầu mình bằng hàng loạt câu hỏi khác? hoặc đến để gặp những người mình thực sự quý trọng?

Mình vẫn luôn mong khi mình có người yêu mình sẽ dẫn anh/em đến đây, nhưng có lẽ đây cũng chỉ là một mong ước sẽ không bao giờ thành hiện thực. Vì giờ Nhà Sàn sẽ không còn là Nhà Sàn nữa.

Mình ghét sự kết thúc, nhưng nó là một phần bắt buộc của cuộc đời.

Cảm ơn Nhà Sàn.

--

--