Année de césure (gap year) tại Pháp — Tại sao không nhỉ ?

Bisous France
7 min readJul 19, 2020
Icons made by Freepik from https://www.flaticon.com/

Không biết mình có đang theo học đúng ngành không nhỉ ? Mình có ít kinh nghiệm làm việc quá, không biết sau này khi ra trường thì tìm việc có dễ dàng không ? Mình muốn tham gia dự án cộng đồng này quá mà bận học thế này không biết bao giờ mới có thời gian tham gia ?… Nếu như bạn cũng đang tự hỏi bản thân mình những câu hỏi này thì hãy đọc tiếp bài viết này của Bisous France nhé vì hôm nay chúng mình sẽ cùng nhau tìm hiểu về année de césure, hay là gap year trong thời gian theo học tại Pháp.

Vậy thì année de césure là gì mà có thể giúp chúng mình trả lời những câu hỏi liên quan đến định hướng tương lai và tìm kiếm các cơ hội việc làm nhỉ ? Année de césure là khoảng thời gian “nghỉ” (thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm) trong lộ trình học, tạo điều kiện cho sinh viên có những trải nghiệm mới và thời gian thực hiện các dự án cá nhân. Trong khoảng thời gian này dù không tới trường và không tham gia các kỳ thi, chúng mình vẫn giữ được những quyền lợi của sinh viên như các năm học khác và hồ sơ sẽ được bảo lưu trong trường đang theo học.

Vậy thì trong khoảng thời gian “nghỉ” này chúng mình có thể làm gì nhỉ ? Khi mọi người nghĩ đến année de césure hay gap year, mọi người thường sẽ tưởng tượng ra hình ảnh một anh chàng hay cô nàng sinh viên với ba lô trên vai và đi du lịch khắp thế giới đúng không nào ? Nhưng ở Pháp, khi đăng ký cho année de césure, sinh viên thường sẽ được yêu cầu có một kế hoạch cụ thể cho khoảng thời gian “nghỉ” này của mình. Có thể là một kỳ thực tập trong ngành nghề mà bạn yêu thích, hay tham gia một hoạt động xã hội, đóng góp cho một dự án cộng đồng, hay đăng ký một khoá học khác hoàn toàn so với chương trình học bạn đang theo đuổi,…, hãy chứng minh cho trường thấy khoảng thời gian année de césure này sẽ giúp bạn xác định được rõ ràng hơn con đường tương lai phía trước của mình nhé !

Giúp bạn có thời gian và cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm thêm những ngành nghề mà bạn cảm thấy hứng thú. Trong nhiều video trên YouTube của mình, mình vẫn thường khuyên mọi người nên thử ít nhất 2 ngành trước khi lựa chọn một công việc đầu tiên trên thị trường lao động. Thông tin trên mạng rất đa dạng, những chia sẻ của những anh/chị/bạn đi trước cũng rất nhiều, nhưng mình nghĩ không gì tốt hơn việc chúng mình tự trải nghiệm để biết mình thích những gì và phù hợp với những gì. Cùng một công việc, cùng một vị trí nhưng ở 2 ngành khác nhau thì công việc cũng sẽ khác nhau, ví dụ như bộ phận bán hàng của một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm văn phòng phẩm chắc chắn sẽ đòi hỏi những kỹ năng và phẩm chất khác với một công ty cung cấp dịch vụ du lịch hay chăm sóc sức khoẻ chẳng hạn. Vì vậy mọi người hãy tận dụng khoảng thời gian “nghỉ” này để làm “phép thử”, làm việc trong những môi trường khác nhau để thu về những kinh nghiệm và thông tin quý giá cho bản thân nhé !

Video của mình chia sẻ những lời khuyên về định hướng nghề nghiệp và tìm việc tại Pháp sau tốt nghiệp

Giúp CV của bạn ấn tượng hơn. Mình có nhận được khá nhiều comment, tin nhắn của mọi người về việc tìm kiếm việc làm ở Pháp sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là những câu hỏi xoay quanh câu chuyện nhà tuyển dụng có coi trọng bằng cấp của chúng mình hay không. Mình luôn trả lời rằng trường hay bằng cấp là yếu tố quan trọng nhưng không hẳn là yếu tố quyết định để nhà tuyển dụng lựa chọn một ứng viên nào đó. Nếu như chúng mình biết đầu tư thời gian, công sức để làm nhiều kỳ thực tập, alternance, thu thập những kiến thức thực tế cho bản thân mình, đồng thời thực hiện những dự án cá nhân thì những cơ hội làm việc sau này luôn rộng mở.

Giúp bạn tăng khả năng quản lý tài chính của bản thân hoặc có một nguồn thu nhập ổn định hơn. Dù có lựa chọn thế nào cho année de césure của mình, thực hiện 2 kỳ thực tập liên tiếp trong 1 năm, thực hiện 1 kỳ thực tập sau đó dành thời gian đi du lịch hay tham gia một hoạt động xã hội hay dự án cộng đồng nào đó, khoảng thời gian này cũng sẽ giúp bạn thoát khỏi nhịp đi học — về nhà — làm bài tập của những năm học khác và có thêm nhiều bài học quý giá về quản lý tài chính của bản thân. Làm thế nào để những nguồn thu của bản thân có thể đáp ứng cho nhu cầu chi tiêu trong khoảng thời gian césure và có thể cả cho năm học tới, làm thế nào để có thể tận hưởng thời gian này và du lịch, khám phá những vùng đất mới…, chắc chắn bạn sẽ trở nên vững vàng hơn rất nhiều trong việc quản lý chi tiêu đấy !

Đơn đăng ký với trường cùng các thông tin về dự định của bạn trong năm césure

Như mình có đề cập ở phần đầu của bài viết, khi quyết định đăng ký année de césure, việc đầu tiên chúng mình cần làm là nộp đơn đăng ký cho trường. Mỗi trường sẽ có những hạn nộp đơn khác nhau, thường sẽ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 của năm học trước nếu như bạn muốn “nghỉ” học kỳ 1 hoặc cả năm học sau đó, hoặc trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 nếu bạn muốn “nghỉ” học kỳ 2.

Trong đơn đăng ký này chúng mình sẽ phải điền những thông tin liên quan đến dự định của bản thân trong thời gian không có mặt ở trường, những thông tin này càng chi tiết sẽ càng giúp đơn đăng ký của chúng mình dễ được chấp nhận hơn. Vì lý do này, nếu như mọi người đã bắt đầu quá trình tìm thực tập, tìm hiểu thông tin về một khóa học hay một hoạt động xã hội mình muốn tham gia thì hãy đừng ngại ghi vào đơn đăng ký của bản thân nhé !

Tuteur/tutrice trong năm học

Khi đơn đăng ký đã được trường chấp nhận cũng là lúc chúng mình bước vào hành trình année de césure. Trong suốt học kỳ hay năm học mà chúng mình vắng mặt, trường thường sẽ chỉ định một giáo viên để làm tuteur/tutrice, có nhiệm vụ hỗ trợ chúng mình khi cần thiết. Giúp chúng mình định hướng tốt hơn trong quãng thời gian này, hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của bản thân, chuẩn bị cho kế hoạch tương lai khi trở lại trường trong năm học sau đó…, tất cả để giúp chúng mình vững tâm hơn trong khoảng thời gian rất đặc biệt này.

Báo cáo tổng kết năm césure

Trong quãng thời gian année de césure, chúng mình vẫn giữ được những quyền lợi của sinh viên (chế độ chăm sóc sức khỏe, nhà ăn sinh viên, thư viện điện tử của trường…), nhưng đi kèm với đó cũng là những trách nhiệm của sinh viên nữa. Thời gian césure chúng mình sẽ không có những đợt kiểm tra hay thi học kỳ như khi đi học, nhưng ở cuối mỗi kỳ thực tập hay tham gia một hoạt động xã hội, một khóa học, hãy chuẩn bị tinh thần để viết một bản báo cáo ngắn gọn về những gì chúng mình học được và vì sao hoạt động đấy sẽ giúp bạn định hướng tương lai tốt hơn nhé !

Mình hi vọng bài viết lần này đã có thể mang lại cho mọi người những thông tin đầu tiên về hình thức année de césure ở Pháp, cũng như những lợi ích mà quãng thời gian này mang lại cho sinh viên chúng mình.

Nếu như mọi người có câu hỏi gì về chủ đề này thì đừng ngại comment ở phía dưới cho mình biết nhé, và đừng quên follow Medium của Bisous France để có thể đón đọc thêm thật nhiều bài viết thú vị về chủ đề du học Pháp và học tiếng Pháp.

Hẹn gặp mọi người trong các bài viết lần tới,

Quỳnh Trang

--

--

Bisous France

Những thông tin về du học Pháp và học tiếng Pháp từ trải nghiệm của một du học sinh Việt Nam.