CNTT — Nghị lực của người khiếm thị

M
5 min readFeb 17, 2020

Hôm nay mình thấy có bạn người mù … tự quay video, tự đăng hướng dẫn sử dụng SachNoiApp lên Youtube. Ôi! cảm thấy thật sự rất ngưỡng mộ cho sự nỗ lực của các bạn. Mặc dù đôi mắt có thể không nhìn được hoặc không nhìn rõ, nhưng cũng không thể ngăn cản mong muốn và đam mê mày mò, tìm hiểu công nghệ. Các bạn ấycũng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Youtube và thậm chí quay video làm v-logger, gõ tiếng việt không hề sai chính tả, không ngừng khám phá văn hoá thế giới xung quanh thông qua audio. Mặc dù thực hiện những điều đó không hề dễ dàng, khó khăn hơn chúng ta rất nhiều lần.

Giao diện dành cho người mù và người khiếm thị

☘️ Bạn nào chưa biết thì bên cạnh giao diện nền sáng (Light Mode) và nền tối (DarkMode) thì app sách nói cũng phát triển riêng một giao diện đặc biệt dành cho người mù và người khiếm thị (Visually Impaired Mode), giao diện này sẽ tự động kích hoạt khi người dùng sử dụng chức năng đọc màn hình, đây là chức năng hỗ trợ người mù và người khiếm thị bằng giọng nói có sẵn trên các điện thoại thông minh.
Hy vọng với việc nhỏ bé này có thể giúp ích, bạn nào đang có bạn bè, người thân người quen suy giảm thị lực thì giới thiệu để có thêm một kênh thông tin bổ ích.

Tại sao lại phải phát triển giao diện riêng mà không tái sử dụng giao diện như các ứng dụng khác?

Có nhiều điều để nói, tuy nhiên tóm gọn lại là 2 đối tượng khác nhau, sử dụng nhìn bằng mắt và nghe bằng tai hoàn toàn khác nhau, trải nghiệm khác nhau.

  • Người sử dụng bằng cách nghe thì sẽ không cần thiết hiển thị hình ảnh để tiết kiệm data 3G, 4G. Các thao tác vuốt bằng ngón tay, cuộn, kéo thả, animation cũng không còn cần thiết, rất khó sử dụng với trình đọc màn hình, mà lại còn gây tốn pin. Quảng cáo và các chức năng rườm rà khác cũng cần loại bỏ. Cần sắp xếp các thông tin theo thứ tự nghe.
  • Ngược lại người sử dụng bằng cách nhìn vào màn hình, giao diện sẽ tối giản hơn, nhiều khoảng và không gian trống để mắt có thể nhận biết phân cách các khu vực, nút bấm dùng chủ yếu là ký hiệu thay vì dùng chữ, hình ảnh phải to và đẹp, nhiều thao tác vuốt lên xuống, kéo thả để tiết kiệm không gian màn hình.

Nếu để dung hoà cả hai đối tượng thì cả hai sẽ bị hạn chế, cả hai bên đều không có được trải nghiệm cận hoàn hảo. Giống như câu chuyện may quần áo cho tất cả công nhân của nhà máy, nếu chúng ta chỉ lấy số trung bình về chiều cao và cân nặng của tất cả mọi người để may hàng loạt, 500 người trên 80kg và 500 người dưới 60kg, thế là chúng ta may áo cho người 70kg, kết quả chẳng có mấy ai hài lòng cả.

Trường hợp các thành phần dùng chung. Web hay app đều hỗ trợ các thuộc tính accessibility, phần lớn mọi người đều bỏ qua. Ví dụ như các bạn có một nút bấm để mở một bài hát. Rất đơn giản, chỉ cần hiển thị hình tam giác nằm ngang thì nhìn là hiểu ▶️. Với người mù cần khai báo thêm thuộc tính aria-label (accessibility label) là “Play”. Thông tin này sẽ không hiển thị trên màn hình mà chỉ dùng cho máy đọc, tuy nhiên thế là vẫn chưa đủ vì người mù chỉ nghe được “Play” mà không biết nó nằm ở đâu, play cái gì. Vì vậy các bạn cần thêm thuộc tính thông tin vào aria-hint (accessibility hint) cho nút bấm đó là “Press to play Lady Gaga album”. Nói chung là lúc này UX content quan trọng hơn UX interface rất nhiều.

Vì sao lại ghi là người mù?

Một số bạn thắc mắc vì sao một số chỗ mình lại ghi là người mù? Nhắc mình nên ghi người khiếm thị thôi, như một cách nói giảm nói tránh. Thực ra trước đây mình cũng đã từng nghĩ vậy, tuy nhiên sau khi nghiên cứu lại mới biết điều đó không đúng, hai khái niệm này là khác nhau:

Người khiếm thị là người sau khi được điều trị và /hoặc điều chỉnh khúc xạ mà thị lực bên mắt tốt vẫn còn từ dưới 3/10 đến trên mức không nhận thức được sáng tối, và bệnh nhân vẫn còn khả năng tận dụng thị lực này để lên kế hoạch và thực thi các hoạt động hàng ngày. Trong ngôn ngữ thường ngày để nói tránh người ta gọi người mù là người khiếm thị nhưng thực ra hai khái niệm này khác nhau, người mù hoàn toàn không có khả năng nhận thức sáng tối. Để chỉ chung người khiếm thị và người mù người ta dùng thuật ngữ người mù lòa (visually impaired) mà đôi khi còn có tên khác là người suy giảm thị lực.

- Wikipedia

Cũng có người từng chia sẻ với mình là một số người mù không thích gọi họ là người khiếm thị. Làm cái gì cũng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng những thứ tưởng như rất nhỏ nhỉ, cứ dựa vào cái mình “tưởng" kiểu gì cũng ăn phải quả hớ. Mà không sao, có người nhắc sai là ít ra còn sửa được, biết thêm một điều mới, còn hơn không làm mà không biết.

Một bài học rút ra là không dùng kinh nghiệm để phán xét thiết kế của người khác khi chưa hiểu rõ. Chúng ta chưa biết những điều họ biết, chưa trải qua những điều họ đã từng trải qua.

--

--