Ownership thực hành

Bí kíp làm chủ công việc để thành công và hạnh phúc hơn

Nguyễn Khánh Duy
8 min readNov 20, 2019

Sao tôi phải làm chủ?

Không, tôi không phải là chủ công ty. Tại sao lại bắt tôi làm chủ?

Chắc không phải bạn đang hỏi câu đó chứ? Tôi nghĩ những ai hỏi câu đó sẽ không đang ngồi đây đọc bài viết này. Tôi tin chắc bạn là một người tích cực và mong muốn được cống hiến, làm việc hiệu quả, và được ghi nhận kết quả. Ownership là thứ tinh thần giúp bạn đạt được điều đó. Nếu bạn chưa biết về Ownership, hãy đọc phần 1: Tinh thần làm chủ.

Rồi, bạn muốn học hỏi và thể hiện tinh thần Ownership. Vậy bắt đầu từ đâu?

1. Hãy tìm môi trường làm việc tốt

Bạn cần một môi trường năng động, trân trọng những giá trị mình có. Bạn cần người sếp tốt, có thể tạo điều kiện cho mình phát huy. Vậy hãy bắt đầu bằng cách tìm một môi trường làm việc phù hợp.

Nghe thì lạ, nhưng ngay cả khi bạn không tài giỏi, không có nhiều kinh nghiệm, bạn vẫn cần tìm hiểu từng công ty mình định ứng cử, xem đó có phải nơi mình sẽ muốn gắn bó hơn 30% thời gian cuộc sống trong thời gian tới hay không.

Có nhiều cách tìm hiểu. Qua người giới thiệu, qua thông tin trên website, báo chí. Nhưng có một cách tốt nhất mà nhiều bạn không thực hiện, đó là hỏi trực tiếp trong buổi phỏng vấn.

Hãy hỏi người đối diện, vì rất có thể đó sẽ là sếp, hay mentor của bạn.

  • Công ty có văn hoá như thế nào
  • [nếu được nhận thì] Sếp em là ai? Anh/chị ấy như thế nào?
  • Mọi người đón nhận thành công hay thất bại trong công việc như thế nào
  • Em muốn nhìn ngắm văn phòng, anh/chị cho phép em nhé? Hãy cảm nhận không khí khi bạn bước qua không gian làm việc.

Bạn chỉ có thể cống hiến hết mình và cảm thấy bớt mệt mỏi nếu làm việc trong một môi trường mà bạn muốn gắn bó.

Trên đây chỉ là vài ví dụ. Hãy chuẩn bị sẵn bộ câu hỏi cho mình.

Nếu có được người sếp hay mentor tốt, bạn sẽ rèn luyện ownership rất nhanh

2. Giao tiếp với sếp của bạn

Chủ động hỏi sếp về chi tiết công việc, nhất là về cách báo cáo và yêu cầu kết quả. Hỏi về định hướng công ty, về sản phẩm, về mô hình kinh doanh, về khách hàng, về cách phối hợp các phòng ban…

Nắm được định hướng và mục tiêu của công ty rất quan trọng, nó giúp bạn tính toán những công việc lâu dài (long-term), chọn giải pháp có lợi bền nhất cho công ty.

Khi nhận đầu việc, nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy hỏi: “Việc này có ý nghĩa thế nào, đóng góp điều gì, độ quan trọng ra sao?”. Điều này có 2 lợi ích: hiểu ý nghĩa công việc giúp bạn tự tin chủ động hơn, và biết độ quan trọng để sắp xếp việc gì làm trước, việc gì sau.

Càng có nhiều thông tin bạn càng dễ dàng ra quyết định trong công việc, và bạn càng có thể tập trung vào việc quan trọng trước.

Hãy trao đổi với cấp quản lý nếu bạn thấy có điều gì làm mình lo lắng. (Tham khảo phần nói về tháp Maslow trong bài viết trước) Cả cấp trên và bản thân bạn đều cần hiểu rằng nếu một số nhu cầu căn bản của bạn chưa được đảm bảo thì rất khó để bạn dốc hết sức.

Tự hiểu các nhu cầu bản thân và trao đổi với

3. Lãnh trách nhiệm

Để thực sự là owner của một công việc nào đó, bạn phải trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất về nó. Lãnh trách nhiệm (be accountable) có thể được hiểu qua mấy ý:

  • Hiểu rằng đó là nhiệm vụ
  • Sẵn lòng làm, không phải vì bạn bị buộc phải làm
  • Hiểu ý nghĩa của công việc
  • Là người trả lời cho mọi câu hỏi
  • Cam kết hoàn thành công việc

Khi là “owner” — người làm chủ đầu việc, bạn sẽ là đầu mối xử lý mọi tác vụ, trả lời mọi câu hỏi liên quan. Nếu chưa có thông tin, bạn sẽ thu thập. Nếu có lỗi, bạn sẽ tìm người biết cách sửa. Nếu việc bạn chưa biết làm, bạn sẽ đi hỏi, đi nhờ giúp đỡ. Nếu việc liên quan đến phòng ban khác, bạn sẽ tổ chức họp và thúc đẩy tiến độ.

Đừng ngại sai sót vì đó là cơ hội tiến bộ. Đừng đổ lỗi hay trốn tránh vì đây là việc của bạn. Trái lại, hãy nhận lỗi về mình và tìm giải pháp.

4. Tập trung tạo ra giá trị

Như đã nói ở trên, đến một thời điểm nào đó, khi bạn sắp xếp được thứ tự ưu tiên của công việc, bạn có thể tập trung sức lực vào những việc quan trọng. Khi được giao thêm việc, bạn có thể hỏi: “Em đang làm việc X quan trọng hơn, em có thể để việc này sau được không, vì có vẻ nó chưa quá cấp bách?”

Nếu bạn hỏi sai, sếp sẽ giải thích lại và giúp bạn sắp xếp công việc cho đúng. Đấy là cơ hội học hỏi. Làm đúng việc là cực kỳ quan trọng.

Nếu bạn hỏi đúng, đấy là điều tốt vì bạn không phải làm việc quá nhiều nhưng vẫn tạo ra giá trị. Tạo ra giá trị mới là điều công ty cần và trả lương cho bạn, không phải là đếm số giờ làm việc.

Ownership có khiến bạn phải làm quá nhiều việc? có khiến bạn suốt ngày phải đi làm cả việc của người khác? Không nhất thiết phải như vậy. Nếu bạn biết điều gì mà mình làm giúp tạo ra giá trị tốt nhất, hãy tập trung vào những việc đó. Ví dụ, bạn làm chuyên môn tốt nhưng gặp khó khăn khi phải tổ chức họp hoặc viết email cho đối tác, hãy trao đổi với sếp để có ai khác hỗ trợ mình những việc đó, tất nhiên bạn vẫn chịu trách nhiệm sau cùng.

Hãy tìm hiểu về việc quản lý thời gian và quản lý công việc, có thể sử dụng chính công cụ mà công ty bạn đang dùng.

5. Kiên nhẫn tạo lòng tin

Hãy xây lòng tin bằng từng bước nhỏ, bằng sự trung thực, cầu tiến, không ngại nhận lỗi.

Nếu bạn được giao một việc và sếp hay tập thể muốn bạn own nó, hãy yêu cầu được thực sự “trao quyền”. Trao đổi để biết khả năng tự quyết của mình đến đâu, và đảm bảo có được sự hỗ trợ khi cần thiết.

Trust is earned. Bạn phải nỗ lực để có được sự tin tưởng của sếp và đồng nghiệp. Khi có sự tin tưởng, họ mới sẵn sàng để bạn trở thành owner của công việc quan trọng. Cũng như vậy, hãy tin tưởng đồng nghiệp khi cùng họ phối hợp trong công việc. Nếu công việc của bạn không suôn sẻ, đừng ngần ngại chia sẻ ngay với sếp và đồng nghiệp để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu công việc của người khác không suôn sẻ, hãy đề nghị hỗ trợ thay vì chỉ trích.

Và cuối cùng, nên có một chút kiên nhẫn khi bạn cảm thấy tập thể đang chuyển mình chậm hơn bạn. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mình đang hừng hực khí thế chiến đấu nhưng một số mắt xích khiến mọi việc quá chậm. Đừng vội mất lòng tin. Hãy nhớ rằng bạn hay mọi người đều đang tự cải thiện bản thân và cố gắng. Giao tiếp là chìa khoá để tăng sự tin tưởng lẫn nhau trong công việc.

Teamwork, tin tưởng và tương hỗ để cùng xây dựng một môi trường dám lãnh trách nhiệm

6. Vững vàng tâm lý

Làm việc với tinh thần Ownership không dễ. Nó có thể sẽ tạo thêm sự căng thẳng hay mệt mỏi cho bạn. Trách nhiệm có thể làm bạn lo lắng, thậm chí sợ hãi. Hãy tập cách đối diện với những cảm xúc này và biến chúng thành sức mạnh.

Chủ đề về sức khỏe tâm lý công sở cũng là một thứ tôi rất quan tâm và hi vọng sẽ viết nhiều hơn về nó. Hiện nay tôi chưa có nhiều tư liệu nên chỉ có thể nói với bạn rằng đừng trốn tránh cảm xúc tiêu cực. Hãy luôn tin tưởng rằng bạn được hỗ trợ, được tin tưởng bởi mọi người xung quanh.

Điều này quan trọng để bạn nhận ra nếu mình có đang quá căng thẳng hay thậm chí là bị kiệt sức trong công việc. Hãy tìm cách nói ra những điều này và tìm giải pháp với cấp trên, đồng nghiệp, hay phòng nhân sự.

Một cách tốt để giải tỏa áp lực là làm ít việc hơn. Bạn sẽ làm tốt hơn nếu chỉ phải là owner của 1 việc và tập trung toàn lực vào đó.

7. Đi cùng nhau

Thay cho lời kết, tôi muốn nói rằng xây dựng văn hóa Ownership ở công sở là chuyện không đơn giản và không phải một sớm một chiều. Hơn nữa, văn hóa là thứ phải được cả tập thể đón nhận và xây đắp.

Hãy nhớ rằng bạn và tổ chức của bạn đều đang trưởng thành, đừng quá khắt khe nhưng cũng đừng bao giờ lùi bước. Nếu công ty bạn muốn xây dựng văn hóa Ownership, bạn chính là mắt xích quan trọng, là một thành phần không thể thiếu góp phần trong đó.

Một môi trường làm việc tràn đầy năng lượng tích cực, nơi mọi người cùng hướng tới mục tiêu chung, làm việc với trách nhiệm cao. Một nơi không làm việc quá nhiều, nhưng tập trung vào việc tạo ra những thành quả quan trọng. Nơi quan tâm đến đời sống và sức khỏe của các thành viên. Đó có thể chỉ là hình ảnh trên sách vở, nhưng cũng có thể sẽ thực sự tồn tại.

Let's build it together!

--

--

Nguyễn Khánh Duy

Platform Product Manager @ VinID. My main focuses are system architecture and leadership.