Tương lai của Blockchain UX

Bitmark
Bitmark Inc. Blog Tiếng Việt
10 min readAug 8, 2019

Tác giả: Ellie Yang

Ảnh bởi Alexander Milo trên Unsplash

Khởi đầu của một chuỗi các bài blog post

Là một nhà nghiên cứu về UX trong ngành công nghiệp blockchain, tôi đã đắm chìm vào nó trong suốt nhiều tháng qua. Trong thời gian này, tôi đã nhận ra sức hấp dẫn của thế giới UX cho Blockchain. Do đó, tôi quyết định viết một loạt chuỗi bài đăng trên blog để chia sẻ các kết quả nghiên cứu của mình với những nhà thiết kế UX khác và những người có niềm đam mê với lĩnh vực này.

Vùng đất mới cho Blockchain UX

UX cho blockchain là một lĩnh vực rất mới. Nó là sự giao thoa giữa hai lĩnh vực đang rất thịnh hành, tân tiến và phát triển nhanh chóng — đó là ngành công nghiệp blockchain và ngành thiết kế và nghiên cứu trải nghiệm người dùng. Lĩnh vực này mới tới mức hầu như không một kỹ sư blockchain hay một nhà thiết kế UX nào có thể khẳng định rằng họ hiểu hết về nó. Đây có thể coi là một miền đất mới mà bất kỳ ai cũng sẽ muốn khám phá.

Blockchain UX đang phải đối mặt với một số vấn đề như tính khả dụng kém, các địa chỉ khó đọc, và những thuật ngữ kỹ thuật phức tạp khiến nó trở nên khó tiếp cận với người sử dụng (Tham khảo Current UX Issues of the Blockchain Technology). Bài viết Why design is the killer app for crypto giải thích về việc vì sao thiết kế nên đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng sử dụng của các hệ thống blockchain, và làm thế nào để nó có thể tạo ra một thế giới blockchain tuyệt vời hơn.

Theo thời gian, các ứng dụng của công nghệ blockchain đã và đang lan rộng khắp thế giới, len lỏi vào bất kỳ ngõ ngách và bất kỳ ngành công nghiệp nào. Công nghệ có thể thay đổi cuộc sống của con người một cách đáng kể và nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu một công nghệ mới không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng và trải nghiệm của người dùng thì nó sẽ không thể trở nên gần gũi cuộc sống của con người.

Hầu hết các bài viết về blockchain UX đều được viết bởi những nhà thiết kế, những người tìm kiếm giải pháp thông qua những nguyên tắc thiết kế. Tuy nhiên, nếu bạn suy nghĩ rộng hơn, sẽ luôn luôn có những cách khác để giải quyết vấn đề (mà cụ thể ở đây là không chỉ về mặt thiết kế). Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng dự đoán về tương lai của blockchain UX thông qua việc quan sát những kiểu mẫu hành vi xã hội hiện nay để có thể tìm ra bất kỳ những hành động (giải pháp) UX nào mà chúng ta hiện đang thiếu sót.

Sử dụng các Hợp đồng như UX cho blockchain

Nhà kinh tế học Geoffrey M. Hodgson định nghĩa thể chế là “những hệ thống các quy tắc xã hội phổ biến và được thiết lập để cấu thành các tương tác xã hội. Do đó, ngôn ngữ, tiền bạc, luật pháp, những hệ thống đo lường và cân nặng, quy tắc ứng xử và các doanh nghiệp (và các tổ chức khác) đều được gọi là các thể chế.”

Một thể chế là một mô hình của trật tự xã hội. Tôi tin rằng công nghệ blockchain đang dần phát triển với vai trò xã hội như một thể chế.

Nếu đồng ý với nhận định này, thì UX cho blockchain trong tương lai sẽ cần phải tương đồng với UX cho các thể chế (Blockchain UX = Insitution UX). Trong các hình thái xã hội hiện tại, thiết kế UX cho các thể chế được quy định bởi các hợp đồng.

Hodgson cũng viết: “Các thể chế vừa quy định, vừa tạo điều kiện cho các hành vi. Sự tồn tại của các quy tắc chính là biểu hiện cho các quy tắc.”

Các quy tắc ở đây được thể hiện qua các hợp đồng. Các hợp đồng thể chế có nhiệm vụ điều chỉnh hành vi của người dùng, bao gồm cả những việc họ có thể và không thể làm, cũng như những việc họ nên và không nên làm. Do đó, các hợp đồng thể hiện cả quyền và nghĩa vụ của người sử dụng. Nó hình thành nên trải nghiệm của người dùng.

Nói cách khác, chúng ta có thể coi các hợp đồng là các trải nghiệm người dùng chính của hệ thống.

Hơn nữa, nếu chúng ta xem xét Hiệu ứng Lindy, một lý thuyết khẳng định rằng một cách để dự đoán công nghệ trong tương lai là xem xem công nghệ nào tồn tại đến hiện tại, chúng ta có thể đặt cược rằng hợp đồng cũng sẽ đóng vai trò UX cho blockchain bởi công nghệ blockchain đang ngày càng đóng vai trò giống như một thể chế xã hội. Khi nói đến những dự đoán mơ hồ, người ta thường sử dụng lý thuyết này để tiên lượng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Do đó, nếu chúng ta muốn tìm hiểu về tương lai của blockchain UX, chúng ta nên tìm hiểu UX của các thể chế hiện nay. Khi mà các trải nghiệm người dùng hiện tại của các thể chế dựa trên các hợp đồng thì nó cũng có thể coi là một khởi đầu đúng đắn của việc nghiên cứu các trải nghiệm người dùng cho blockchain trong tương lai.

Bốn mẫu Hợp đồng phổ biến

Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm rằng những mẫu thường xuất hiện trong các hợp đồng thông thường cũng sẽ xuất hiện lặp đi lặp lại trong các hợp đồng blockchain trong tương lai và sẽ tạo nên trải nghiệm người dùng, thì:

Các mẫu hợp đồng hiện nay = Các mô hình blockchain UX trong tương lai.

Để có được cái nhìn rộng hơn về các mẫu hợp đồng — thay vì việc tập trung vào một ngành công nghiệp hay một lĩnh vực nhất định — tôi đã chọn ra các hợp đồng từ bốn ngành công nghiệp khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau:

  1. Đầu tiên là hợp đồng tài khoản ký kết giữa ngân hàng và khách hàng.
  2. Thứ hai là hợp đồng lao động giữa hãng sản xuất phim và nữ diễn viên của Hollywood.
  3. Loại thứ ba là hợp đồng vé máy bay giữa công ty hàng không và hành khách.
  4. Và loại hợp đồng cuối cùng là hợp đồng giữa Facebook và người sử dụng — Điều khoản dịch vụ.

Tất cả các hợp đồng nêu trên đều có chung một vài mô hình phổ biến. Tất cả các hợp đồng, về cơ bản đều quy định về quyền tài sản. Theo Wikipedia, hợp đồng là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý nhằm quy định và công nhận quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thỏa thuận.

Trong hầu hết các trường hợp, một hợp đồng, hay một “thỏa thuận ràng buộc”, có vai trò bảo đảm một giao dịch liên quan tới các quyền tài sản. Do đó, những hành vi xung quanh hợp đồng sẽ đảm bảo độ tin cậy của các giao dịch và bảo vệ quyền tài sản, nhờ đó, các thỏa thuận ràng buộc có thể được thực hiện một cách suôn sẻ.

Khi xem xét bốn loại hợp đồng nêu trên, tôi đã xác định được bốn kiểu mẫu hành vi phổ biến:

  • Xác minh danh tính
  • Tạo tài khoản và mật khẩu
  • Ký kết
  • Xác thực

Và thường sẽ cần có ba thứ để có thể thực hiện những kiểu mẫu hành vi nêu trên:

  • Danh tính
  • Chữ ký
  • Mật khẩu

Xác minh danh tính

Trong quá trình ký kết một hợp đồng mới, các bên cần phải cung cấp các thông tin cá nhân, bao gồm họ và tên, độ tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, địa chỉ, địa chỉ email, nghề nghiệp, số điện thoại, liên hệ khẩn cấp và Số Căn cước công dân hoặc Số hộ chiếu để chứng minh danh tính của bản thân. Bước xác minh danh tính này cho phép các tổ chức có thể tin tưởng vào danh tính của các bên khác và đồng ý ký kết hợp đồng với họ. Những hồ sơ định danh lưu trữ các thông tin trên thường do chính phủ cấp và bao gồm căn cước công dân, thẻ công dân, bằng lái xe, và hộ chiếu.

Tạo Tài khoản và Mật khẩu

Sau khi đã cung cấp thông tin cá nhân cũng như những hồ sơ định danh, người dùng cần tạo một tài khoản trong hệ thống. Đối với mọi loại hệ thống, từ hệ thống ngân hàng, đặt vé máy bay trực tuyến, đến Facebook, người dùng đều cần phải tạo ra tài khoản và sử dụng tài khoản đó để tương tác với các bên và để đại diện cho chính họ trong hệ thống.

Trong quá trình tạo tài khoản, người dùng cũng cần phải tạo một mật khẩu. Vì chỉ người dùng mới biết được mật khẩu tài khoản của họ, nên sau khi tạo tài khoản, họ chỉ cần cung cấp mật khẩu để hệ thống cho phép họ tiếp tục quyền truy cập vào tài sản của mình.

Ký kết

Dựa theo Contract Signing: Everything You Need to Know, ký kết hợp đồng có nghĩa rằng:

  • Bạn đã đọc nội dung của hợp đồng
  • Bạn đồng ý với các điều khoản và điều kiện của hợp đồng
  • Bạn chủ động muốn ký kết hợp đồng
  • Bạn được ủy quyền theo pháp luật để ký hợp đồng
  • Bạn hoàn toàn làm chủ tinh thần khi ký kết hợp đồng.

Toàn bộ bốn ví dụ về hợp đồng chúng tôi đưa ra đều bao gồm việc ký kết. Việc ký kết thể hiện rằng người dùng đã hiểu đầy đủ và chủ động chấp thuận các điều khoản và điều kiện của hợp đồng, cũng như xác nhận rằng người dùng hoàn toàn chủ động trong việc ký kết hợp đồng. Sau khi ký kết, hợp đồng sẽ có giá trị pháp lý.

Có rất nhiều hình thức chữ ký khác nhau, bao gồm chữ ký viết tay, con dấu, và dấu vân tay. Trong bốn trường hợp chúng ta xem xét, hợp đồng ngân hàng yêu cầu có chữ ký viết tay của khách hàng trên hợp đồng bằng giấy — đôi khi, thận trọng hơn — sẽ yêu cầu kèm theo cả con dấu để thiết lập bảo mật hai lớp. Hợp đồng lao động của một hãng sản xuất phim cũng yêu cầu diễn viên ký bằng bút trên hợp đồng giấy. Tuy nhiên, hợp đồng vé máy bay và Facebook lại có kiểu chữ ký khác. Các điều khoản và điều kiện của hợp đồng được trình bày trên một trang internet và yêu cầu sự đồng ý của người dùng. Việc người dùng tích vào ô “Tôi đồng ý” hoặc “Tôi chấp nhận” trên màn hình đồng nghĩa với việc họ đã đồng ý và ký tên vào hợp đồng.

Xác thực

Việc xác thực là hành động để xác nhận rằng một thứ gì đó là thật. Trong các hợp đồng, điều này có nghĩa rằng một tổ chức muốn biết người dùng là ai — Là người thuộc một bên trong thỏa thuận hay là chủ sở hữu của một tài sản nào đó. Trong quá trình xác thực, các tổ chức và các hệ thống thường yêu cầu nhập mật khẩu, nhằm bảo vệ quyền riêng tư và ngăn chặn các hành vi trái phép. Mục đích của quá trình này là để các tổ chức xác thực rằng bạn chính là người chủ sở hữu của tài sản và quyết định xem họ có cho phép bạn truy cập vào tài sản đó hay không. Ví dụ như, mọi người cần cung cấp mật khẩu khi đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình hoặc tài khoản vé máy bay trực tuyến để có thể truy cập vào hệ thống.

Một số người coi mật khẩu là chìa khóa của một ngôi nhà (như tôi quan niệm trước kia). Tuy nhiên, hai thứ này không hề tương đương với nhau. Để có thể dễ dàng phân biệt chúng, hãy tưởng tượng khi một người có mật khẩu ứng với một tài khoản, người đó có thể thực hiện tất cả các hành vi liên quan đến quyền tài sản trong tài khoản đó, tuy nhiên nếu người đó chỉ nắm trong tay chìa khóa của một ngôi nhà mà không có chứng nhận sở hữu tài sản, người đó sẽ không thể thực hiện các hành vi tương tự đối với ngôi nhà. Đồng thời, chúng ta cũng không nên nhầm lẫn việc xác minh danh tính và xác thực. Việc xác minh danh tính giúp các tổ chức xác minh rằng người dùng chính là người có danh tính như được khai báo; trong khi việc xác thực giúp các tổ chức biết được người dùng chính là một bên trong hợp đồng. (Tham khảo: Authentication Vs. Authorization Vs. Identity Verification)

Trong thế giới kỹ thuật số, các mật khẩu thường bao gồm các chữ cái, chữ số và ký tự đặc biệt. Mỗi hệ thống sẽ yêu cầu một kiểu mật khẩu khác nhau với hướng dẫn kèm theo, ví dụ như “mật khẩu gồm 6 chữ số và chữ cái, có ít nhất một chữ in hoa và một chữ in thường”, hay “một dãy số dài từ 4 đến 18 chữ số.” Các mật khẩu dùng cho các hệ thống blockchain hiện nay bao gồm các khóa riêng tư dưới dạng một chuỗi các ký tự hoặc một tổ hợp các từ dễ nhớ.

Kết luận

Tóm lại, chúng tôi tin rằng tương lai của blockchain UX sẽ giống như những hợp đồng thể chế ngày nay. Ngoài ra, các thiết kế UX cho blockchain trong tương lai nhiều khả năng sẽ tuân thủ theo các kiểu mẫu hành vi nêu trên. Đặc biệt, sẽ bao gồm toàn bộ các hành động như cung cấp thông tin cá nhân, ký kết, thoả thuận và xác minh danh tính như trong các hợp đồng. Các kiểu mẫu và vật dụng trong thế giới hiện đại có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ như, việc ký bằng bút có thể được thay bằng chữ ký điện tử. Tuy nhiên, những kiểu mẫu hành động này sẽ tồn tại khi mà các hợp đồng vẫn tạo ra các ràng buộc về UX đối với các tổ chức.

Tôi xin chân thành cảm ơn caseyalt đã trau chuốt cho câu chuyện và Sean Moss-Pultz đã thảo luận về ý tưởng này với tôi.

Nếu các bạn có những ý tưởng muốn thảo luận, vui lòng gửi email cho tôi theo địa chỉ ellie@bitmark.com :)

Hoặc bạn có thể theo dõi trang Tiếng Anh/Tiếng Trung của Bitmark để đọc thêm các bài viết về dữ liệu, tài sản kỹ thuật số, và những nội dung khác mà bạn quan tâm!

--

--