Học là để quên

Mi Vân Blog
blogtamhon
Published in
4 min readJun 27, 2016

Nghe có vẻ ngược đời. Học là để nhớ mà làm việc chứ sao học là để quên. Nhưng tôi lại thấy học để quên cần thiết hơn để nhớ. Cần thiết hơn và khó hơn.

Tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi của nhiều bạn trẻ thê này.

Em đọc nhiều sách về marketing. Em thấy cái gì cũng hay nhưng không biết một số quan điểm khác nhau thế nào vì em thấy nó cứ na ná nhau. Anh phân tích dùm em với.

Anh tư vấn thương hiệu. Vậy anh cho em biết em nên theo quan điểm hay mô hình quản trị thương hiệu của ai? Em tham khảo nhiều, đi tham gia hội nhóm cũng nhiều nhưng khi thực hành cho mình em chẳng biết làm sao.

Tôi cũng không biết trả lời sao cho phải. Các bạn là những người cầu thị ham học. Trước mắt các bạn cần tập trung làm việc của các bạn trước và quên đi những điều các bạn đã đọc học đi. Thế hệ tôi ngày xưa khi mới ra trường khổ lắm. Khổ vì chẳng có ai mà hỏi. Khổ vì chẳng có sách hay mà đọc. Khổ vì đã làm gì có anh Gúc đâu mà hỏi. Tôi nhớ hồi tôi mới làm nghề, vớ được tạp chí Marketing Vietnam như vớ được bảo bối. Hồi những năm 90 đây là nguồn kiến thức khá tốt duy nhất tôi có thể tham khảo. Hàng tháng hóng số mới như hóng mẹ đi chợ về. Hồi đó chúng tôi sống trong tời đại khô hạn thông tin. Khổ lắm.

Thế hệ các bạn trẻ ngày nay sướng lắm. Sướng vì miễn là bạn cầu thị thì khối chuyên gia để hỏi. Sướng vì đầu sách chuyên môn hay search phát có ngay. Sướng vì cái trên trời dưới biển gì lý bí là có ngay anh Gúc phục vụ tận tình 24/24. Nhưng nhiều thông tin chưa chắc đã sướng. Vì ngập lụt thông tin nên dẫn đến tình trạng nhiều người dễ chết đuối. Vấn đề các bạn có biết bơi hay không. Thậm chí trong môi trường “nước lụt” bạn phải bơi giỏi mới khỏi bị lũ cuốn trôi.

Thông tin nhiều nhưng không phải thông tin nào cũng có ích. Chuyên gia nhiều nhưng mỗi người chỉ chuyên sâu một lĩnh vực nào đó thôi. Sách chuyên môn bây giờ nhan nhản nhưng đâu có dễ để đọc đúng sách bạn cần. Kể cả sách chuyên môn có giá trị của các Guru marketing thế giới viết cũng chẳng nên đọc nếu bạn chưa có đủ hiểu biết cơ bản và trải nghiệp nghề nghiệp cần thiết. Bác Gúc thật hào phóng khi bạn hỏi. Nhưng mỗi lầm hỏi bác ấy cho bạn nhiều thứ quá đến nỗi bạn chẳng biết nên dùng cái nào. Bạn thử đánh “what is brand” xem. Gần 100,000 kết quả ngay. Chỉ có một vài định nghĩa chuẩn xác, đúng bản chất và quan trọng nhất là có thể “sử dụng được”. Trong trường hợp này bạn cần có một “bộ lọc” không phải để nhớ nhiều. Bạn cần phải quên đi những định nghĩa không chính xác, thậm chí sai lệch.

Học là để hành. Muốn hành tốt thì phải học những cái đúng. Học những cái sai thì sẽ hành sai. Ghi vào đầu một thông tin sai lệch còn nguy hiểm hơn không biết thông tin này. Nghe một video clip chia sẻ làm ẩu còn nguy hại hơn không nghe. Đọc một bài báo chuyên môn viết hời hợt và lệch lạc còn khổ hơn là không đọc gì.

Tôi nói học để quên cần thiết hơn học để nhớ vì lý do này.

Nên quên những khái niệm phức tạp chẳng để làm gì. Hiểu quan trọng hơn nhớ. Nhớ vanh vanh một định nghĩa nào đó nhưng chẳng biết cái định nghĩ đó sinh ra để làm gì là không cần thiết. Hãy nói theo ngôn ngữ của bạn. Miễn là bạn hiểu. Nên quên list sách dài dằng dặc bạn sưu tầm qua chia sẻ của ai đó. Đọc những gì liên quan đến công việc của bạn thôi.

Nên coi những textbook hay là nguồn tham khảo thôi. Không nên cho rằng nó đúng cho mọi hoàn cảnh. Khác biệt giữa một marketer giỏi và một marketer bình thường là khả năng ứng dụng. Không phải ở việc họ đọc nhiều hay ít. Tất nhiên việc đọc cực quan trọng khi biết chắt lọc và ứng dụng cho riêng mình. Những cuốn sách hay là tinh tuý đúc kết từ thực tiễn xương máu.

Còn bây giờ, chúng ta cùng tìm những thứ để quên thôi.

Đức Sơn

--

--

Mi Vân Blog
blogtamhon

I’m learning to be a successful real-estate broker in HCMC!