Học ngoại ngữ

Mi Vân Blog
blogtamhon
Published in
4 min readJun 29, 2016

Nhiều bạn hỏi tôi học tiếng Anh như thế nào, nên viết riêng bài này để chia sẻ cách học ngoại ngữ của tôi. Bạn nào khác có phương pháp học tốt hơn thì cùng chia sẻ nhé.

1/ Đọc truyện, coi phim

Hồi trước tới giờ, tôi là tên nghiện truyện, nghiện phim. Nên nhiều truyện, nhiều phim tôi coi đi coi lại. Riết rồi muốn thuộc. Khi học ngoại ngữ, tôi thường tìm các tác giả mà tôi đã quen, đã mê, nổi tiếng (Harold Robbins, Athur Hailey, Erich Segal, Jackie Colins, Jack London, Dumas cha…), đã đọc tiếng Việt rất nhiều lần rồi, nên chuyển sang đọc bằng ngoại ngữ những cuốn đã đọc tiếng Việt thuộc rồi sẽ rất nhanh. Sau đó chuyển sang cùng tác giả đó, nhưng đọc những cuốn VN chưa dịch. Rồi từ từ chuyển sang các tác giả chưa từng dịch ở VN.

Phim cũng tương tự, tôi chú ý học hỏi cách từng nhân vật ứng xử, cách nói của họ, sao họ làm mình cảm động, sao họ làm mình vui, mình muốn khóc. Nhiều khúc không hiểu hoàn toàn (đoán nghĩa từ, nghĩa câu), coi riết nhiều phim rồi hiểu cách nói đó có nghĩa là gì, thấm thành ngữ của họ. Điển hình là nhưng bộ phim bộ (Friends, Sex & the City, Boston Legal, Seinfield, 2 and half men…), tôi coi đi coi lại nhiều lần. Bộ Friends coi muốn thuộc luôn rồi.

2/ Dịch sách

Theo tôi, tự dịch sách cho mình đọc là một cách học có lợi nhiều đường:

- Học tiếng Anh tốt lên

- Học tiếng Việt tốt lên

- Học chuyên môn tốt lên bằng cách chọn cuốn sách mình dịch là chuyên môn mình đang muốn giỏi lên

Tôi đã dịch vài trăm mẩu hài, 39 truyện ngắn và vài cuốn sách. Sách dịch chơi là chính, tự dịch cho mình học nên thường dịch khá ẩu. Chỉ có mấy cái kia thì dịch cho mọi người đọc nên dịch kỹ hơn. Tôi đã từng post 1 link về những truyện mình đã dịch.

Mỗi cuốn sách dịch mất khoảng 2–3 tháng, sau 2–3 năm, bạn có khoảng 10 cuốn sách. Đảm bảo bạn giỏi hơn trước khi bạn bắt đầu rất xa :))

3/ Học từ trước, ngữ pháp-nghe-nói-viết từ từ học sau

Gửi các bạn phương pháp học từ theo dạng Flashcard mà tôi đã thực hiện hồi xa xa xưa xưa. Kết qủa cực kỳ tốt. Tôi cũng hướng dẫn phương pháp này giúp một số bạn học thi DH, nói chung là học thuộc các môn lý thuyết mà có thể chia ra thành nhiều mảnh lý thuyết nhỏ (dạng lý thuyết Hoá, Lý, Toán chẳng hạn).

- Viết nội dung muốn học lên 1 mảnh giấy (bằng bàn tay). Đừng tiết kiệm giấy mà viết nhiều từ lên 1 mảnh. Như vậy sẽ không hiệu quả bằng viết 1 từ lên 1 mảnh. Nội dung dài hay ngắn tuỳ vào việc bạn muốn học sâu tới đâu. Tôi gợi ý là bạn nên học kèm các thành ngữ, tục ngữ đi kèm với từ đó.

- Mỗi ngày định ra 1 số lượng tối thiểu từ (mảnh giấy) cần viết. Tôi đề nghị ở mức 100 +/- 50.

- Tất cả từ viết xong, xếp vào nhóm 1: nhóm chưa thuộc => mỗi ngày đọc lướt qua 1 lần nhóm này. Chú ý là đọc lướt, không cần đọc kỹ.

- Sau một thời gian, thấy thuộc thuộc hơn thì chuyển các từ này sang nhóm 2: hơi hơi thuộc => đọc 1 lần sau 2–3 ngày.

- Tương tự các bạn có nhóm 3 (5–7 ngày đọc 1 lần), nhóm 4 (10–15 ngày đọc 1 lần), nhóm 5 (1 tháng đọc 1 lần).

Phương pháp này giảm áp lực phải học thuộc, nhưng đặt áp lực nặng về số lượng từ và tần xuất học ôn (đọc các nhóm từ 1–5). Từ dễ với mình thì sẽ được chuyển từ nhóm 1 sang nhóm 5 rất nhanh số lần từ này xuất hiện trước mắt mình sẽ thấp (thuộc rồi thì không cần xem lại nhiều, đúng không). Ngược lại, từ nào khó thì số lần xuất hiện rất nhiều mới vào được nhóm 5.

Tôi sử dụng phương pháp này từ hồi nhỏ, nhiều nhất là thời kỳ học ngoại ngữ trước khi đi du học và lúc ôn tiếng Anh hồi hè đầu tiên ở nước ngoài (lúc đó học bằng tiếng Slovak). Tới cách đây mấy tháng thì tình cờ biết phương pháp này có tên gọi là phương pháp Leitner. Bạn nào thích thì coi thêm link:

http://en.wikipedia.org/wiki/Leitner_system

Chúc các bạn thành công…

--

--

Mi Vân Blog
blogtamhon

I’m learning to be a successful real-estate broker in HCMC!