From first job to dream job
Các phần trước có thể được đọc ở đây:
- Phần 1: Mình đã đến với Khoa học Máy tính như thế nào (Facebook Viet Tech, Medium cá nhân)
- Phần 2: Con đường tới công việc đầu tiên (Facebook Viet Tech, Medium cá nhân)
Hôm nay mình sẽ viết tiếp chuyện mình có được job offer ở Google như thế nào.
Như có nói ở những bài trước, mình nhận được offer của Bloomberg để làm việc ở London sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ở EPFL. Tháng 11/2015 mình tới London. Trước khi bắt đầu làm việc mấy ngày mình tranh thủ đi tham quan một vòng quanh thành phố. Ấn tượng đầu tiên của mình London này vừa lạ mà lại vừa quen. Lạ vì đây là lần đầu tiên mình tới đây. Quen là vì hồi xưa sách giáo khoa tiếng Anh ở bậc phổ thông thực ra nói rất nhiều về các địa danh ở thành phố này: tháp Big Ben, vòng xoay Piccadilly, quảng trường Trafalgar, đài thiên văn Greenwich, nhà ga Kings Cross, v.v… Sách nhắc tới nhiều như vậy nhưng hồi đi học mình không để ý mấy vì trước đây chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ đi Anh.
Impostor syndrome 101
Khoảng 1 tuần sau khi tới London mình chính thức bắt đầu công việc.
Bloomberg tuyển new grads thành một batch tầm trên dưới 20 người rồi cho vào một khóa training 12 tuần. Mục đích là để vừa làm quen với môi trường công ty, vừa làm quen với những tools và technologies sẽ được dùng trong công việc. Sau khi hoàn thành 12 tuần training, new hires sẽ được phân về một team nào đó tuỳ theo nhu cầu của team và mong muốn của mỗi người.
Nhóm new grads của mình lần đó chỉ có mỗi mình là sinh viên EPFL, một sinh viên ETH Zurich, và vài người khác học ở châu Âu lục địa. Nhóm còn lại chủ yếu là các sinh viên học ở Anh. Đa số là dân Oxbridge (Oxford hoặc Cambridge). Nhìn profile của ai cũng thấy toàn hàng khủng nên mình cũng lo là không biết lúc xong 12 tuần training có cạnh tranh lại với người để tìm được team như ý muốn hay không. Sợ nhất là không có team nào rồi bị cho nghỉ việc thì chắc ác mộng luôn.
Cũng may là nội dung được training cũng không có gì quá khó khăn ngoài việc phải làm quen với software development framework mới. Làm việc chung với các bạn có profile xịn nhiều dần dần mình thấy chuyện các bạn ấy học trường này trường kia cũng trở nên bình thường và mình không còn suy nghĩ gì về điều đó nữa.
Kết thúc 12 tuần training mình được chọn vào một teams nằm trong wishlist nên có thể xem là được kết quả như ý.
Lỡ cơ hội đi New York
Cuộc sống và công việc ở London nhìn chung là vui vẻ và thoải mái. Thu nhập từ công việc sau khi trừ đi thuế và các khoản khác tuy không dư giả mấy nhưng cũng đủ cho chi tiêu và thỉnh thoảng làm vài chuyến du lịch ngắn ngày.
Thời điểm đó mình hầu như không nghĩ gì tới chuyện làm big tech nữa. Mình cũng không quen ai làm big tech ở London vào lúc đó. Bạn bè mình chủ yếu làm trong mảng ngân hàng và tài chính. Mục tiêu tạm coi là có chút tham vọng nhất của mình lúc đó là được … một chuyến business trip qua Bloomberg HQ ở New York.
Vào khoảng 6, 7 tháng sau khi mình join Bloomberg thì công ty có tổ chức một cuộc thi coding nội bộ. Cuộc thì này gồm 2 vòng. Vòng loại làm trong 24 giờ chọn ra top 50 hay 100 gì đó để vào vòng chung kết ở New York. Ai ở London mà vào được top sẽ được công ty cho một chuyến đi New York miễn phí.
Mình nghe thấy phần thưởng như vậy nên cũng lao vào thi rất máu lửa. Kết quả là vô top 10 mấy 20 gì đó. Cả team commodities engineering chỉ có 2 người vô được vòng chung kết là mình và một bạn senior người Trung Quốc. Được đi chơi miễn phí mừng không biết để đâu cho hết.
Ai ngờ đời không như là mơ. Ban tổ chức cuộc thi báo là ngày thi chung kết diễn ra sau khi có kết quả vòng loại cỡ 1 tuần gì đó. Bạn senior người Trung Quốc vài tháng trước mới đi business trip ở New York về nên visa còn hạn. Mình cầm hộ chiếu Việt Nam nên phải xin visa để vào Mỹ và dĩ nhiên là không có cách gì xin kịp khi chỉ còn 1 tuần. Lịch hẹn của Đại sứ Mỹ ở London để cấp visa đã được booked hết từ trước nửa tháng.
Lần đó ở London có đâu đó chừng 5 người không thể đi Mỹ được vì lý do visa. Công ty bù đắp bằng cách dắt đi ăn nhà hàng rồi cho thi vòng chung kết từ xa. Ở Mỹ thi lúc 7pm. Đám London đi ăn tối xong 12 giờ đêm ngồi ở office thi. Thực ra là vừa thi vừa ngủ gục.
Lần đó không đi được vừa buồn vừa tức. Nhưng thôi nghĩ lại ráng ở Anh đủ thêm vài năm nữa rồi sau đó muốn đi đâu cũng được.
Mở ra cánh cửa tàng hình
Mặc dù không được đi New York chơi, kết quả thi lần đó giúp mình được mọi người trong team chú ý hơn. Dần dần mình được tin tưởng giao cho làm thêm nhiều việc quan trọng hơn và mình cũng hoàn thành tốt tất cả mọi thứ.
Sự tiến bộ và phát triển của mình lúc đó cũng được skip manager chú ý. Nói riêng về skip manager này, ngoài việc là engineering lead cho toàn bộ mảng commodities của Bloomberg thì bà còn là quản lý trực tiếp của team làm cùng sản phẩm với team mình nhưng cho thị trường Bắc Mỹ. 2 teams này hợp tác với nhau khá thường xuyên nên bà cũng nắm rõ những việc mình làm cho team ở London.
Skip manager làm ở New York. Vài tháng bà lại đi qua London một lần để thăm các teams và team members ở đây. Mình lúc đó chưa hiểu mấy về tầm quan trọng của các cuộc họp 1–1 với managers nên khi gặp skip cũng chỉ nói chuyện trao đổi linh tinh chứ không chủ động bàn bạc cụ thể một việc gì.
Tình cờ trong một lần gặp như vậy, skip manager hỏi là mình có mong muốn hay dự định gì về mặt career. Mình nói là mong muốn sẽ được sang Mỹ làm việc ở New York trong tương lai vì đó là nơi có HQ của công ty. Lúc đó mình nghĩ ra điều gì đầu tiên thì nói ra ngay chứ cũng chẳng chuẩn bị gì. Nói xong rồi một thời gian sau mình cũng quên luôn là đã nói câu đói với skip manager.
Mình quên nhưng skip manager không quên.
Khoảng nửa năm sau đó hồ sơ đi Mỹ do người thân bảo lãnh gia đình mình hoàn tất. Mình được cấp visa để đi định cư ở Mỹ. Việc bảo lãnh này được làm từ khoảng 13, 14 năm trước và chẳng ai biết trước là khi nào nó sẽ xong. Lúc được gọi đi phỏng vấn visa mình đang sống ổn ở London và không nghĩ là thời điểm phải qua Mỹ đến đột ngột như vậy.
Mình đem chuyện gia đình nói với direct manager và nói thêm quan tâm lớn nhất của bản thân lúc này là được sớm qua Mỹ với gần gia đình rất muốn đi Mỹ. Ba mẹ mình đã lớn tuổi nên mình muốn ở gần để chăm sóc.
Khoảng 1 tuần sau cuộc nói chuyện đó thì skip manager của mình có việc đến London. Bà ấy kéo mình vào họp 1–1 rồi hỏi chuyện
- Skip manager: hồi mấy tháng trước gặp nhau cậu nói là muốn một ngày nào đó qua New York làm việc? Thế bây giờ có muốn đi Mỹ không?
- Mình: tôi cũng muốn đi nhưng bây giờ thời gian tôi ở trong team chưa đủ 18 tháng nên theo quy định của công ty là chưa được phép làm internal transfer. Thôi chắc tôi để ba mẹ qua Mỹ trước vài tháng rồi khi nào đủ 18 tháng tôi sẽ chuyển.
- Skip manager: thế cậu đã check xem team mình ở Mỹ có đang tuyển vị trí nào hay không chưa?
- Mình: tôi check hôm qua mà không thấy gì.
- Skip manager: thực ra vị trí trống nhiều khi muốn là có thôi. Nếu cậu muốn qua Mỹ cùng lúc với gia đình thì để tôi tạo headcount mới cho team commodities ở New York rồi đưa cậu qua.
Mình nghe skip manager nói xong câu đó vừa bất ngờ vừa mừng nên đứng hình hết một lúc không nói được gì.
Chưa đầy 2 tuần sau cuộc nói chuyện đó với skip manager mình rời London sang New York.
Thực hiện ước mơ
Mình qua New York và làm việc trong team mới ở Bloomberg tầm 9 tháng thì bắt đầu có cảm giác công việc hơi nhàm chán. Trong khi công việc giữa team mới và team cũ hầu như không có nhiều khác biệt thì job market cho software engineer giữa London và New York thực sự một trời một vực. Mình vẫn rất biết ơn manager của khi bà đã giúp cho mình được chuyển việc và định cư ở Mỹ theo cách không thể thuận lợi hơn nhưng thực sự mình nghĩ đã tới lúc phải ra đi.
Mình bắt đầu phỏng vấn với một vài công ty, trong đó có Amazon, Google, Facebook, Two Sigma, và Citadel.
Mình phỏng vấn Amazon ở đối diện Empire State Building. Tòa nhà này ở tầng trệt là cửa hàng Amazon Go còn ở trên là văn phòng. Phỏng vấn coding ở Amazon lần đó không khó. Chỉ có một cái mệt mỏi là Amazon hỏi nhiều về leadership principles quá. Có câu hỏi behavioral mà người trước đã hỏi rồi người sau còn hỏi lại nên mình cảm thấy rất mệt mỏi sau cuộc phỏng vấn. Lúc đó mình nghĩ nếu có offer Amazon thì không biết vô đây làm có vui không.
Mình phỏng vấn Google ở building chính nằm giữa 7th và 8th Avenue. Nếu bạn đọc những báo như New York Times hay Wall Street Journal mà thấy có chụp hình office Google thì khả năng cao là chụp cái building này. Cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ. Mình cảm giác performance của mình hôm đó rất tốt. Nếu mà không có offer chắc sau lần đó mình give up với Google luôn chứ cũng không biết làm sao tốt hơn nữa.
Mình phỏng vấn Facebook qua được vòng phone. Công ty báo với mình về việc được vào vòng onsite được hơn 1 tuần thì bảo là hết headcount nên không thể tiếp tục phỏng vấn.
Cũng trong thời gian đó mình hoàn thành vòng onsite với Citadel ở Chicago cho một vị trí ở New York. Lúc mình chuẩn bị vào vòng onsite với Two Sigma cũng là lúc mình có offer ở Amazon và Google.
Ước mơ của mình lúc đó là đi làm cho một công ty FAANG, trong đó Google và Facebook là 2 lựa chọn lý tưởng nhất. Offer của Google cao hơn của Amazon. Mình hoàn toàn mù tịt về compensation ở các công ty như Citadel hay Two Sigma. Vì vậy mình đã làm 3 việc sai lầm sau:
- Rút lui khỏi vòng onsite với Two Sigma
- Citadel chưa có kết quả. Recruiter gọi điện check in. Mình báo với recruiter là mình rút lui vì sẽ vào Google
- Nhận offer của Google mà không thương lượng thêm gì
Nếu hồi đó mà có một group Facebook như Viet Tech chắc mình đã không mắc những sai lầm này.
Tháng 1/2018 mình bắt đầu làm việc cho Google ở New York. Hành trình từ first job tới dream job đến đây là hoàn thành. Khi ước mơ trở thành hiện thực có lẽ cũng là lúc người ta bắt đầu tìm kiếm những ước mơ khác. Về giai đoạn làm việc ở Google mình sẽ kể ở một bài khác.
Vài kỷ niệm khi làm Bloomberg
Có một số kỷ niệm khó quên trong thời gian mình làm ở Bloomberg. Mấy cái này không liên quan tới công việc gì.
- Tháng 5/2016 tổng thống Obama sang Việt Nam. Những lúc ông Obama ăn bún chả, diễn thuyết, lẩy Kiều, hay lúc ông ra sân bay Tân Sơn Nhất và được người dân Việt Nam săn đón đều được tường thuật liên tục trên Bloomberg TV. Nhiều đồng nghiệp trong team cũng nhân dịp đó mà hỏi mình nhiều điều về Việt Nam.
- Tháng 6/2016 xảy ra sự kiện Brexit. Công ty nháo nhào. Mọi người bàn ra tán vào rôm rả suốt mấy tháng.
- Tháng 11/2016 có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chuyện không nhỏ tí nào bất kể quan điểm chính trị của bạn là gì.