ABR#003: Anh Huy Nghiêm — Finhay: Giáo dục thị trường cho sản phẩm fintech và investment landscape trong mảng fintech tại Việt Nam

Louis Nguyen
G&H Ventures
Published in
16 min readMay 3, 2019

Note: Đây là bản transcript của podcast, bản audio của podcast ở link dưới đây.

Chào mừng mọi người đã đến với Always Be Raising podcast, nơi mà chúng ta sẽ phỏng vấn 1:1 các nhà đầu tư và các nhà sáng lập tại Việt Nam về các vấn đề xoay quanh gọi vốn đầu tư mạo hiểm, cũng như những chủ đề về startup và công nghệ nói chung. Tôi là Lâm Nguyễn từ G&H Ventures.

— —

Trong số lần này của Always Be Raising podcast, chúng ta sẽ có sự tham gia của anh Huy Nghiêm, nhà sáng lập của Finhay. Finhay là một huấn luyện viên tài chính, giúp các bạn trẻ hoạch định, đặt mục tiêu và theo đuổi các mục tiêu tài chính dài hạn của mình, bắt đầu với chỉ 50.000đ.

Trong đầu năm 2019, Finhay đã gọi vốn thành công vòng seed round từ một số quỹ đầu tư trong khu vực, trong đó nhà đầu tư chính là quỹ đầu tư Insignia Venture Partners tại Singapore. Hôm nay, chúng ta sẽ trò chuyện với anh Huy về câu chuyện gọi vốn và vận hành của Finhay.

Chào anh Huy, chào mừng anh đến với Always Be Raising podcast, nơi chúng ta sẽ phỏng vấn 1:1 với các investor và founder tại VN về vấn đề gọi vốn, cũng như tech và startup nói chung tại VN. Anh Huy là founder đầu tiên trong podcast của chúng ta. Chào mừng anh!

Để bắt đầu câu chuyện hôm nay, anh có thể giới thiệu về bản thân anh và Finhay được không? Con đường dẫn anh đến với quyết định sáng lập Finhay là như thế nào?

Finhay là một sản phẩm huấn luyện viên tài chính, giúp các bạn trẻ có thể lên kế hoạch và đặt ra hoạch định tài chính tương lai của mình. Ứng dụng Finhay giống như một PT, giúp mọi người theo đuổi mục tiêu tài chính bằng cách đưa ra những bài tập: ví dụ như lập ra một hũ khẩn cấp để chi trả cho các sự việc khẩn cấp, giúp các bạn trẻ tích luỹ, không chỉ dừng ở tích luỹ đơn giản mà là tích luỹ thông minh, bằng cách tiếp cận các sản phẩm đầu tư để mong đạt được hiệu quả lâu dài trong tương.

Cá nhân anh trước kia từng làm tư vấn tài chính cá nhân tại tập đoàn AMP tại . Thời gian đó, anh nhận ra các bạn trẻ bên Úc cũng có một vấn đề tương tự: chi trả cho trải nghiệm tương đối nhiều, tương tự giới trẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ đến một giai đoạn mà mọi người phải hoạch định lại tất cả mọi thứ để chi trả cho cuộc sống tương lại. Ví dụ như việc mid-life crisis sẽ thường xảy ra sau 25 tuổi: úc này, các bạn trẻ bên Úc sẽ thuê nhà mới để ở, tích luỹ dần, kiếm công việc ổn định, bắt đầu nghĩ đến chuyện cưới xin, sắp xếp lại cuộc sống của mình. Đó là vấn đề mà anh thấy khi làm tư vấn tài chính bên Úc. Một phần khác, về cá nhân, anh cũng đã từng muốn đầu tư, cả tại Úc và Việt. Tuy nhiên việc đầu tư tại Việt Nam khi mình còn đang ở bên Úc rất khó. Thế nên mình nghĩ ra một sản phẩm có thể giúp các bạn trẻ tích luỹ, lên kế hoạch tương lai, tích luỹ một cách thông minh thông qua việc đầu tư. Mình nảy ra ý tưởng này và lập ra sản phẩm như vậy.

Thường thì đối với các sản phẩm consumer: để tap vào một hành vi có sẵn của người dùng thì tương đối dễ, nhưng để tạo cho người dùng một hành vi mới như đầu tư hay tiết kiệm thì khá khó. Phần lớn người dân Việt Nam chưa có thói quen đầu tư tài chính. Không biết đây có phải là một khó khăn cho anh khi tiếp cận thị trường không. Làm thế nào để anh và đội ngũ xử lý được vấn đề này?

Về cơ bản, vấn đề giáo dục thị trường không chỉ nằm ở mảng tài chính, mà kể cả ứng dụng thanh toán điện tử hay kể cả Grab cũng đã phải chi trả rất nhiều để giáo dục người dùng một thời gian dài để hộ có thể sử dụng quen sản phẩm. Tại Finhay, anh cũng có một bài toán tương tự. Như em nói, đối với các bạn trẻ, việc đầu tư vẫn là một cái gì đó khá mới mẻ. Tuy nhiên, sản phẩm của Finhay không chỉ dừng ở đầu tư, mà còn xung quanh việc hoạch định tài chính, lên kế hoạch tương lai, giúp các bạn trẻ tích luỹ với các sản phẩm tương tự như tiết kiệm: vẫn có tăng trưởng ổn định, và những sản phẩm mang tính rủi ro hơn cho những người đã có kinh nghiệm một thời gian rồi. Đó là một nơi mà các bạn trẻ có thể hoạch định, tìm hiểu và tích luỹ một cách thông minh.

Em muốn đi sâu hơn vào mô hình kinh doanh của Finhay một chút. Đối với mô hình robo-advisory như thế này, anh sẽ sử dụng những chỉ số nào để đánh giá kết quả hoạt động của mình.

Những key metrics của bọn anh: (1) active users, (2) users nói chung, (3) số lượng sản phẩm tài chính trong hệ thống, (4) tổng tài sản của người dùng mà mình đang theo dõi.

Các chỉ số liên quan đến retention và engagement của người dùng có quan trọng không. Làm thế nào để anh đánh giá và cải thiện nó?

Có chứ. Nó giống như một cái phễu — funnel. Mỗi một khoảng của funnel sẽ có một vài yếu tố ảnh hưởng riêng. Ví dụ đối với retention, bọn anh định nghĩa retention đơn thuần là số lượng người tiếp tục tái sử dụng, tích luỹ một cách ổn định và thường xuyên hơn, từ 5 lần trở lên. Có rất nhiều thứ cần phải làm để thực hiện việc này. Vì mình là “huấn luyện viên”, vậy nên khi vào app, người dùng phải xem được xem mình cần làm gì, ví dụ như đọc một bài blog, tu bổ kiến thức tài chính cá nhân, hoặc những lời khuyên rất đơn giản, ví dụ như vào 8h tối gửi cho họ một cái notification: chuẩn bị cơm để mai mang đi ăn cơm trưa, để tiết kiệm được tiền ăn bữa cơm trưa đó, về lâu về dài là một khoản tương đối lớn. Một ví dụ khác đối với các chị em phụ nữ: có thể gửi noti cho họ nhắc uống ít trà sữa thôi. Finhay nhắm vào những cái personalized reminder như thế để tăng được engagement và retention cho sản phẩm. Đó là một số ví dụ về những thứ mà bên anh đã thực thi, tóm gọn lại có thể gọi là gamification: tạo những sản phẩm tài chính thú vị, như những cuộc chơi để mọi người có thể dễ dàng theo đuổi.

Đầu tư là một câu chuyện dài hạn: người ta sẽ phải đầu tư 5–10 năm, thậm chí là 20 30 năm trước khi nhìn thấy kết quả lớn. Không biết anh có gặp vấn đề khi một bộ phận người dùng có thói quen đầu tư ngắn hạn: khi thấy tài sản giảm giá trị, họ sẽ rút tiền ra, không đủ kiên nhẫn trước khi có một kết quả dài hạn nào đó. Làm thế nào để xử lý vấn đề đó?

Hành vi đó hiện tại bên anh có thấy trong một bộ phận người dùng nhất định. Về cách xử lý: bọn anh đang áp dụng gamification trong lộ trình của người dùng. Quay lại câu chuyện tương tự như đi tập gym, Finhay giống như một PT: nói với họ kế hoạch là gì và bạn cần phải làm gì, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của người dùng. Khi người dùng mới vào sử dụng sản phẩm, Finhay luôn nhắc nhở người dùng rằng đây là một kế hoạch tích luỹ dài hạn, không giống như cổ phiếu để giao dịch ngắn hạn. Đó là những thông điệp mà anh nhắm vào để giáo dục người dùng ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dùng có tư duy giao dịch ngay từ đầu, đó là điều không thể tránh khỏi.

Đồng thời bọn anh cũng tiến hành phân tích khẩu vị rủi ro của từng người, để đề xuất họ vào một cấu trúc thích hợp nhất, biên độ dao động giá trị tài sản vừa đủ, có thể chấp nhận được.

Đầu năm 2019, Finhay là một quỹ đầu tư trong nước đã gọi vốn thành công từ một quỹ đầu tư nước ngoài. Trước đó Finhay cũng đã hoàn thành một vòng gọi vốn từ một quỹ tại Úc. Có vẻ anh và Finhay khá có duyên với các quỹ đầu tư nước ngoài. Những sự khó khăn và thuận lợi của việc làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài so với các nhà đầu tư trong nước là gì?

Anh nghĩ, đơn thuần đây là vấn đề mong đợi đối với từng vòng gọi vốn của các nhà đầu tư khác nhau. Theo cảm nhận cá nhân, anh thấy VC nước ngoài mạo hiểm hơn so với VC Việt Nam. Tư duy seed round của VC nước ngoài giống như accelerator hay angel round tại Việt Nam, series A của nước ngoài thì giống như Seed tại Việt Nam. Ví dụ như đối với các nhà đầu tư tại Đông Nam Á, khi đã có MVP, em có thể vào được accelerator hay gọi được angel round, đó là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên khi ở Việt Nam, để vào được accelerator hay gọi được angel round, em cần có traction rồi. Khi gọi seed round ở nước ngoài, em chỉ cần một lượng traction vừa phải. Còn ở Việt Nam, nhà đầu tư yêu cầu dòng tiền khá lớn khi gọi seed round. Đó là do khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư ở những nơi khác nhau thì khác nhau.

Việc giải thích model của Finhay cho nhà đầu tư trong nước có khó hơn giải thích cho nhà đầu tư nước ngoài không? Vì dù sao thì model của anh cũng đã khá quen thuộc tại một số nước rồi?

Có, khó hơn tương đối nhiều: phải giải thích business model, underlying assets (sản phẩm tài chính), dòng tiền hoạt động ra sao… Những vấn đề đó tương đối dễ hiểu ở các nước khác, ví dụ như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Chỉ cần nói rằng tôi làm digital advisory, theo định nghĩa của MAS Singapore là nhà đầu tư có thể hiểu luôn, câu chuyện tiếp theo chỉ là tăng trưởng như thế nào.

Còn nhà đầu tư trong nước có thể hỏi digital advisory là gì, sự liên quan của digital advisory với người dùng và các quỹ, các quỹ đầu tư gì, dòng tiền của quỹ ra sao, hiệu quả như thế nào. Tương tự như một cái “rabbit hole”, mỗi lần giải thích một định nghĩa là sẽ phát sinh thêm định nghĩa mới cần giải thích.

Nói rộng hơn một chút, vậy anh có nghĩ đối với những mô hình kinh doanh đã quen thuộc tại nước ngoài, founder nên ra nước ngoài gọi vốn không?

Anh nghĩ đó là một lợi thế, đó là vấn đề pros and cons thôi. VC trong nước có rất nhiều lợi thế trong nước, đặc biệt là mạng lưới network. Anh nghĩ không hẳn là nên chỉ gọi vốn từ quỹ nước ngoài mà nên tận dụng cả trong và ngoài.

Thường thì sau khi đầu tư, các VC cũng sẽ phải làm việc khá sát với các founder leverage network và kinh nghiệm của mình để giúp founder phát triển business. Việc làm việc giữa anh và các nhà đầu tư nước ngoài có gặp khó khăn gì sau quá trình đầu tư không?

Cá nhân anh không thấy có gì khó khăn cả, vì họ khá supportive. Mình chỉ cần nhắn tin hoặc gửi email, các nhà đầu tư hỗ trợ tương đối nhiệt tình. Họ hỗ trợ anh rất nhiều trong việc gọi những vòng vốn sau, hay mở rộng network mới, đến mức anh phải cảm thấy “wow” khi đã may mắn gặp được những người đó. Làm việc với họ rất dễ dàng, “easy-going”: không cần ngôi thứ, nói chuyện thẳng thắn và không cần màu mè nhiều.

Dự định trong năm 2019 của anh và Finhay là gì?

Hiện tại, mục tiêu trong năm 2019 của Finhay là đạt được số người dùng lên mức 6 con số, đồng thời có thêm một số sản phẩm tài chính khác, cũng như partner thêm với một số ngân hàng có ví điện tử.

Sau đó anh cũng định mở rộng thêm một số sản phẩm tài chính khác của các công ty chứng khoán. Điều này sẽ dẫn đến khá nhiều thay đổi trong thiết kế, vận hành… Đó là mục tiêu của 2020.

Theo nhiều dự báo, sắp tới chúng ta sẽ phải đối mặt với một đợt economic downturn. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hành vì đầu tư của mọi người. Anh nghĩ việc này sẽ ảnh hưởng đến Finhay như thế nào và làm thế nào để xử lý được vấn đề này?

Về bản chất: quỹ là các bên quản lý và đầu tư. Về mặt nghiệp vụ, các quỹ sẽ có những sự điều chỉnh nhất định khi trường hợp đó xảy ra. Finhay thì thiên về sản phẩm công nhận để giáo dục hành vi tài chính của người dùng nhiều hơn.

Trong trường hợp economic downturn, liên đới sẽ có sự ảnh hưởng. Năm 2018, mình đã có 3 đợt correction (điều chỉnh thị trường) cực lớn. Tuy nhiên bọn anh đã thực hiện một vài biện pháp và giúp số người dùng vẫn tăng trưởng. Về cơ bản, anh nghĩ có thể áp dụng lại trong trường hợp economic downturn.

Việc giáo dục người dùng có thể quay lại câu chuyện tập tạ: tập xong ngày hôm sau có thể thấy rất đau tay đau chân. Tuy nhiên chuyện đó rất bình thường, chỉ 1 2 hôm sau là hết. Mình có thể đưa ra những con số thực tế: mọi người có thể nhìn thấy thị trường chứng khoán lúc nào cũng sẽ sụp, nhưng thực tế thì không phải. Từ năm 2000 đến nay, thị trường chứng khoán liên tục tăng trong 19 năm, đó là fact mà mình có thể đưa cho người dùng. Bọn anh đã áp dụng phương pháp đó trong 3 đợt correction năm 2018, và người dùng vẫn tăng trưởng đều.

Tiếp theo, em muốn hỏi một số câu hỏi về quan điểm của anh về business landscape và investment landscape trong mảng Fintech tại Việt Nam. Fintech là một mảng rất rộng lớn, bao gồm: payment, lending, personal finance… Có một số mảng đang rất nóng và thời điểm hiện tại, ví dụ như payment. Anh nghĩ trong một vài năm tới, cơ hội cho các startup fintech sẽ nằm trong những mảng nào?

Anh nghĩ cơ hội còn rất nhiều. Ví dụ như thị trường insurance vẫn underserved, trong tương lai, các sản phẩm insurance sẽ được chia nhỏ ra, và đó là cơ hội để các sản phẩm công nghệ để phân phối các sản phẩm insurance. Tiếp đến là dịch vụ actuary (định phí bảo hiểm), hiện tại chúng ta có công nghệ và nhiều nguồn dữ liệu hơn, vì vậy actuary sẽ không chỉ dừng ở việc sử dụng những nguồn dữ liệu truyền thống nữa. Hay e-KYC cũng là một chủ đề khá thú vị, Việt Nam vẫn hơi đi sau các nước khác một chút khi mọi người vẫn phải đến tận mặt và kí tươi. Đó chính là những cơ hội. Hay còn những mảng khác như kế toán, quản lý credit card… Payment đúng là một mảng rất cạnh tranh, nhưng đừng quên unbanked population tại Việt Nam vẫn khoảng 60%. Hay còn cả equity crowdfunding nữa.

Vì vậy, anh nghĩ cơ hội còn rất nhiều. Nhưng điều quan trọng là domain knowledge của founder như thế nào. Vì có công nghệ nhưng không có insights, không có domain knowledge thì làm fintech sẽ rất khó khăn.

Em có đọc một research vào năm 2018: trong đó có chỉ ra tỉ lệ founder có business background là cao nhất trong tất cả các lĩnh vực, trong khi các lĩnh vực khác, founder có tech background nhiều hơn. Đó cũng là một fact khá thú vị.

Vì em cần có domain knowledge — kiến thức nghiệp vụ để giải quyết vấn đề. Nếu không, em có thể rơi vào trường hợp chưa biết gì mà đã nhảy vào giải quyết vấn đề, sau đó nhận ra vấn đề không phải là vấn đề. Chưa kể đây là vấn đề liên đới tài chính, những vấn đề liên quan đến đồng tiền là một mảng rất nhạy cảm. Vì vậy, không có nghiệp vụ tài chính là một vấn đề lớn, phải hiểu những thứ như KYC (Know Your Client), KYCC (Know Your Client’s Client), AML (Anti Money Laundering), Fraud Detection… Đó là những thứ founder cần hiểu để làm Fintech.

Em có thấy một xu hướng trong mảng Fintech, hay một số mảng khác nữa, là unbundling: một startup sẽ chọn một vertical rất nhỏ của một tập đoàn tài chính nào đó, và áp dụng công nghệ để innovate nó. Ở Việt Nam, chắc xu hướng này mới đang ở giai đoạn khởi đầu?

Đúng vậy, mới khởi đầu thôi. Đối với xu hướng unbundling, Mỹ đã đi trước từ lâu. Tại Đông Nam Á, Singapore đã tiến hành việc này. Về cơ bản, các bạn trẻ là những người tech-savvy, trong khi các sản phẩm tài chính của ngân hàng khá truyền thống. Việc các ngân hàng chuyển đổi sang sản phẩm mới khá khó, vì core banking của họ cũ. Đó là cơ hội để startup chọn một niche market cực nhỏ, unbundle các sản phẩm của ngân hàng.

Một ví dụ là Toss tại Hàn Quốc, một unicorn mới, hiện tại như một ngân hàng, nhưng chỉ bắt đầu với việc chuyển tiền free. Việc chuyển tiền tại ngân hàng mất rất nhiều bước, trong khi với Toss, chỉ cần 1–2 nút ấn. Có thể thấy, đối với các startup, sự thuận tiện của người đùng được trân trọng nhiều hơn.

Các startup Việt có phải lo về việc các công ty nước ngoài gia nhập không? Ví dụ như Grab hay Go-jek là những công ty có rất nhiều tiềm lực tài chính, sẵn sàng nhảy vào trong những mảng có thể lấy tiền đè người được. Lợi thế của các startup Việt là ở đâu, làm thế nào để họ có thể cạnh tranh được với những công ty nước ngoài này?

May mắn thay một điều: chính phủ Việt Nam vẫn có những luật lệ, những hành động để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước: như việc đầu tư trong chứng khoán cũng có một sự giới hạn, hay đầu tư nước ngoài cũng bị giới hạn vào một số ngành nghề nhất định.

Đó là về phía chính phủ. Ngoài ra, các startup có lợi thế là nhỏ và cực kì linh hoạt: có thể test fast, fail fast, run fast. Tất nhiên Grab hiện tại là một tập đoàn rất nhiều tiền, có thể lấy tiền đè chết người ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đừng quên họ cũng có rất nhiều những trận chiến ở những khu vực khác, mà Việt Nam chỉ là một trong những chỗ đó. Đồng thời họ sẽ mất thời gian để ra quyết định hơn khi có nhiều phòng ban liên quan trong việc ra quyết định. Còn với startup: mình có thể thích thì làm, fail fast và test market rất nhanh.

Đối với những founder, mình có thể biết là có những ông lớn như thế ở trên thị trường. Đừng cạnh tranh trực tiếp, hãy đi vào những thị trường cực ngách để giải quyết những vấn đề nho nhỏ, sau đó mới phát triển lên dần.

Có những thị trường bị underserved, đơn thuần có thể do profit margin quá nhỏ để các ông lớn nhìn vào, nhưng đó là cơ hội cho các startup.

Ai là founder mà anh yêu thích/ngưỡng mộ nhất trên thế giới?

Anh khá thích Elon Musk và Jeff Cruttenden của Acorn, là một robo advisor ở Mỹ.

Elon Musk là người đánh đổi rất nhiều cuộc sống cá nhân, và có một tầm nhìn hơn hẳn những người bình thường, dám làm những cái mà người bình thường phải nói: “mày hâm à?” để thay đổi tư duy và cuộc sống của con người.

Jeff là founder của Acorn, là một người rất “keen to explore new things” và rất vì cộng đồng, cũng là một người rất thân thiện và thẳng thắn. Anh đã có cơ hội gặp Jeff một lần.

Giả sử nếu chưa từng nghĩ ra ý tưởng Finhay, giờ này anh sẽ làm gì?

Chắc anh vẫn sẽ làm công việc tư vấn tài chính, vì anh vẫn thích con số và lĩnh vực tài chính, đồng thời anh cũng thích những công việc có sự ảnh hưởng đến người khác.

Nếu có một quyển sách mà anh sẽ tặng cho tất cả mọi người đang làm việc tại Finhay, đó sẽ là quyển sách gì?

Zero to One của Peter Thiel. Must read cho startup.

Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của anh, Cảm ơn anh Huy đã đến với ABR podcast ngày hôm nay. Hy vọng có thể gặp lại anh trong một episode khác trong tương lai nếu có thể. Chúc anh và Finhay một năm 2019 thành công. Cảm ơn anh.

— —

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe Always Be Raising, podcast về chủ đề gọi vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, được thực hiện bởi G&H Ventures. G&H Ventures hy vọng nhận được những ý kiến đóng góp hoặc những câu chuyện muốn chia sẻ của mọi người. Thông tin liên lạc nằm trong phần mô tả.

Hẹn gặp lại mọi người trong những số tiếp theo của Always Be Raising.

— — —

G&H Ventures is an early-stage tech startup fund. We invest in early-stage tech startups that can leverage Artificial Intelligence (AI) to solve big problems in various industries, focusing on the Asian market.

Follow us:

Want to raise fund? Let’s talk!: airtable.com/shrbarABUmxqfsD56

--

--

Louis Nguyen
G&H Ventures

Basic growth/analytics for startups + fundraising + life. Contact: louis.nguyen@ghventures.vc