After Hours: FOMO không đáng sợ bằng việc cuốn vào dòng chảy đó mà không biết bản thân mình đang cần hay tìm kiếm điều gì — Nguyễn Nhựt Thành — Media Booking & Partnership

Phan Lê Diệu Hiền
lozi-teamblog
Published in
13 min readMay 13, 2022

🎧🎧 Lắng nghe toàn bộ buổi chia sẻ tại Life at Loship Podcast bạn nha!

After Hours hôm nay là cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Nhựt Thành — Media Booking tại Loship. Thường xuyên làm việc và tiếp xúc với rất nhiều KOLs lẫn Influencers, công việc của anh không chỉ đơn thuần là trao đổi, thương thảo hợp đồng booking mà còn cần phải nắm bắt những xu hướng đang thịnh hành và nắm bắt được insight khách hàng để đạt được hiệu quả tốt nhất về mặt thông điệp truyền thông.

Cùng đọc qua bài viết để hiểu hơn về những chia sẻ của anh về quan điểm, suy nghĩ trong công việc lẫn cuộc sống của người anh luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực này nhé !

Chào anh, đây là lần đầu tiên chúng ta phỏng vấn cùng nhau nhỉ, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân mình được không?

Anh là Nhựt Thành, hiện đang làm ở vị trí Media booking tại Loship. Một số đặc điểm cơ bản về anh là:

  • Cung hoàng đạo: Thiên Bình
  • Thuộc tuýp người: Hướng ngoại
  • Điểm mạnh: Thích giao tiếp và kết nối
  • Sở thích: Đi du lịch một mình hoặc cùng bạn bè

Cơ duyên anh gắn bó với Loship và công việc hiện tại của anh ở Loship như thế nào?

Sau dịch covid, anh muốn đi làm lại sau 2 năm làm freelance marketing . Anh thấy page Loship tuyển dụng và anh apply vào. Khi phỏng vấn, anh cảm nhận được môi trường ở đây mang tinh thần rất trẻ, và là một startup và anh có thể học hỏi và phát triển bản thân.

Công việc hiện tại của anh là: Booking KOL, Fanpage Community, làm việc với các bên báo chí và partnership, các đối tác về co branding, marketing.

Anh có thể kể qua về một ngày làm việc của anh tại Loship được không?

Anh bắt đầu công việc vào lúc 10h (vào check mail, dò lại các task đang còn tồn đọng của ngày hôm trước). 12h — 2h thì ăn trưa cùng đồng nghiệp và đi cà phê, hoặc anh có thể ra ngoài gặp gỡ bạn bè hoặc đối tác. 2h anh bắt đầu vào làm việc cho buổi chiều. 6h30 — 7h trở về nhà hoặc ra ngoài gặp gỡ hoặc dành thời gian cho bản thân.

Đặc thù công việc của anh sẽ phải tiếp xúc và trao đổi nhiều với KOLs, các kênh media, truyền thông, vậy có những khó khăn gì thường xảy ra trong lúc anh làm việc không?

Ở mỗi công việc thì luôn có những khó khăn đặc thù riêng, đối với công việc của anh, anh phải quản lý các bạn KOL. Chẳng hạn khi các bạn trễ deadline, fanpage gửi bài chậm thì mình phải hối thúc liên tục hoặc thậm chí là có thể liên hệ khuya để hoàn thành tiến độ.

Anh yêu thích điều gì nhất khi làm việc tại Loship? Trong 6 giá trị cốt lõi của công ty, anh thích nhất là giá trị nào?

Anh cảm thấy môi trường ở Loship rất trẻ trung, năng động, mọi người đều thoải mái, thân thiện, Loship mang tinh thần của một startup làm việc không ngừng nghỉ, ai cũng luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân. Và đặc biệt là anh không bị áp lực về mặt giờ giấc khi Loship không chấm công hay điểm danh bằng dấu vân tay.

Trong các giá trị tại Loship, anh thích nhất là giá trị “Mình là nguồn gốc của mọi vấn đề”. Vì anh nghĩ những khó khăn hay những vấn đề khách quan phần lớn sẽ luôn xuất phát từ chính mình, nên khi làm việc thì mình nên nhượng bộ 1 xíu, đôi bên cùng có lợi để cho tiến độ công việc được hiệu quả hơn.

Theo em được biết, Loship là công ty đầu tiên anh quay trở lại làm ở văn phòng sau hơn 2 năm làm freelancer, vậy đâu là động lực khiến anh quyết định trở lại làm công việc văn phòng sau quãng thời gian dài làm việc tự do?

Sau quãng thời gian làm việc tự do và cũng như là Covid 19, đến một thời điểm anh nhận thấy mình cần chuyển đổi qua môi trường văn phòng trở lại, anh muốn mình có thêm các mối quan hệ, có thêm kinh nghiệm và những đồng đội đồng hành cùng mình để anh có nguồn cảm hứng hơn trong công việc.

Cho đến thời điểm hiện tại, anh cũng đã có hơn nửa năm làm việc tại Loship rồi, anh cảm thấy bản thân mình cũng học hỏi được từ chị leader nhiều điều vềkiến thức công việc lẫn trong cuộc sống.

Khi làm việc ở đây, anh được trao quyền để có thể challenge và thử thách bản thân nhiều hơn, đây cũng là một môi trường mà anh muốn thức dậy mỗi sáng và đi làm mỗi ngày.

Với đặc thù công việc khá bận rộn, ngoài giờ làm việc, anh thường làm gì để có thể tái tạo năng lượng cho bản thân?

Ngoài giờ làm, anh hay đi bơi, đạp xe, đi bộ hoặc gặp gỡ bạn bè. Nhìn chung thì anh luôn luôn để cho bản thân mình ở trong trạng thái vận động.

Vậy thì làm thế nào để anh cân bằng giữa công việc và cuộc sống, anh có tin vào khái niệm work — life balance hay không, hay anh sẽ l à một workaholic và theo chủ nghĩa work — life integration hơn?

Anh nghĩ, đây vẫn là giai đoạn anh học hỏi, hoàn thiện và phát triển bản thân, anh cho phép bản mình được thử và được sai. Đối với anh, mỗi bài học đều có giá trị riêng của nó nên anh không ngại nhiều việc hoặc deadline nhiều. Song song với đó, anh vẫn cho mình quãng thời gian để nghỉ ngơi hoặc tập luyện mỗi ngày khoảng 30p, đó là những lúc anh nạp lại năng lượng và tái tạo năng lượng cho bản thân.

Nếu có một lời khuyên cho các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực này, anh sẽ muốn gửi lời khuyên nào đến họ?

Lời khuyên của anh đó là không ngại thử thách khó khăn, phải thử thì mới biết mình mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào. Tập cho mình tính cách “không bỏ cuộc” và mindset rằng “mọi vấn đề điều có thể giải quyết được” và mọi bài học trải qua đều là quý giá.

Về mặt chuyên môn, sếp anh thường hay nói rằng, không cần xuất phát điểm của mình phải quá giỏi để có thể bắt đầu mọi thứ, khi mình làm đủ lâu đủ nhiều trong một thời gian đủ dài, tự khắc mình sẽ trở thành một người chuyên gia và leader trong lĩnh vực đó.

Mỗi một người cần tối thiểu 10.000 giờ học hỏi và rèn luyện để có thể trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó — Malcolm Gladwell

Nói một chút về tương lai, nếu là phiên bản Nhựt Thành trong 10 năm nữa, anh sẽ muốn nói điều gì với bản thân mình ở thời điểm đó?

10 năm sau, anh muốn mình phải đạt được một điều gì đó mà chính thành tựu đó phải làm cho mình thật sự tự hào. Có thể là mình sẽ đi được nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm sống hơn, tạo ra một điều gì đó cho chính mình, ở một vị trí cao hơn.

Là một người trẻ thuộc thế hệ gen Z cuối cùng (1997), anh nghĩ người trẻ ngày nay có những điểm mạnh và điểm yếu nào?

Điểm mạnh mà anh đánh giá ở các bạn trẻ gen Z mà anh đang làm việc cùng là các bạn rất giỏi, năng động và sáng tạo. Các bạn làm được những điều mà anh không nghĩ là các bạn có thể làm được ở thời điểm này. Các bạn tạo ra giá trị, tạo ra thành quả, và kết quả đó đều được mọi người công nhận.

Tuy nhiên, điểm yếu ở các bạn mà anh nhận thấy, theo góc nhìn của anh, là các bạn quá tự tin, nhưng nó chỉ là một số ít, còn phần đông còn lại, các bạn vẫn cần phải học tập và cố gắng nhiều hơn nữa.

Anh có một lời khuyên cho những bạn trẻ gen Z trong thế hệ chúng ta, rằng các bạn cần phải học cách cúi đầu. Cúi đầu ở đây là khiêm nhường, lắng nghe, quan sát, học hỏi và khiêm tốn. Vì muốn thành công, mình luôn cần phải học hỏi, trau dồi rất nhiều thứ, và nếu cần, anh nghĩ các bạn nên có cho mình một người mentor có thể định hướng ở một góc độ lẫn tầm nhìn xa hơn và lâu dài hơn.

Là một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, việc phải liên tục cập nhật những xu hướng mới diễn ra mỗi ngày trên mạng xã hội là một điều thiết yếu, vậy có bao giờ anh lo sợ cảm giác FOMO (Fear Of Missing Out) khi mỗi ngày luôn có rất nhiều xu hướng được tạo nên, trước dòng chảy thông tin đó, có khi nào anh cảm thấy mình không thể bắt kịp theo mọi xu hướng hiện tại của giới trẻ hay không?

Do đặc thù công việc luôn phải tiếp xúc với các trend và xu hướng mỗi ngày, nên anh cảm thấy chúng như một phần trong đời sống hằng ngày của mình vậy. FOMO không đáng sợ bằng việc mình bị cuốn theo vào dòng chảy đó mà không biết bản thân mình đang cần hay tìm kiếm điều gì.

Liệu có bao giờ anh rơi vào cảm giác chán nản hoặc mất đi sự hứng thú trong công việc, những lúc đó anh sẽ thường làm gì để vượt qua cảm giác đó?

Tính chất công việc của anh cần tiếp xúc nhiều với những bạn trẻ, vậy nên, mặc dù có những ngày anh bị overload và quá tải về mặt công việc, anh sẽ gấp máy tính lại, retreat bản thân, đi đâu đó cho khuây khỏa đầu óc.

Đã từng làm qua rất nhiều môi trường khác nhau: Agency, In house, Freelancer, anh cảm thấy mỗi môi trường có những ưu, nhược điểm gì và anh thấy bản thân phù hợp ở môi trường nào nhất?

Làm ở agency thì anh được tiếp xúc với nhiều các ngành nghề, giúp anh có một cái nhìn bao quát hơn, được phép sáng tạo nhiều hơn nhưng đồng thời là cũng có nhiều áp lực hơn do mình phải giải quyết rất nhiều việc trong một ngày, phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người, tham gia nhiều cuộc họp từ nhiều nhãn hàng và khách hàng khác nhau. Nhưng song song đó thì đây là một môi trường rất tốt để mình phát triển nhanh hơn, có nhiều mối quan hệ hơn và học hỏi cũng nhiều hơn nữa.

Còn ở môi trường inhouse, anh được tiếp cận và làm việc 1 cách chi tiết, điều đó giúp anh hiểu hơn hơn về làm business như thế nào, cách vận hành doanh nghiệp ra sao.

Đối với freelancer thì giống như khi bạn tự mình bán chất xám, danh tiếng bản thân của mình ra “biển lớn”, anh phải vận dụng hết tất cả những kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ và uy tín vốn có của mình để đi nhận job. Tuy nhiên nhiều lúc anh cũng cảm giác cô đơn khi không có được cảm giác cùng đồng nghiệp làm việc chung ở văn phòng, hay không khí thường thấy của một môi trường công sở.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, người ta thường nhắc nhiều đến sự lên ngôi của nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy) cũng như thương hiệu cá nhân (Personal Branding) khi mỗi người đều có thể xây dựng hình ảnh và trở thành chuyên gia (Expert) và KOL, KOC, Influencers,… trong lĩnh vực của mình. Anh nghĩ sao về điều này?

Hiện tại anh đang làm việc với rất nhiều những bạn KOL, KOC, những content leader, anh cảm thấy nội dung sáng tạo của họ rất phong phú và chạm đến insight người dùng, họ chia sẻ những trải nghiệm thực tế, họ truyền được động lực đến với mọi người, và anh cảm thấy điều này hết sức ý nghĩa đối với xã hội và cộng đồng.

Ở mỗi thời điểm sẽ có một xu hướng khác nhau, mỗi trang social media đều có mục tiêu xây dựng personal branding của chính mình, họ có chiến lược, họ có đầu tư. Tất cả mọi thứ từ thương hiệu đến nhân hiệu đều được thực hiện một cách chỉn chu và chuyên nghiệp, đó là điều mà anh đánh giá rất cao.

Làm việc và tiếp xúc nhiều với những nhà sáng tạo nội dung (Content Creator), anh có đánh giá gì về xu hướng sáng tạo nội dung mà các trang social media cũng như các nhà sáng tạo nội dung đang làm ở hiện tại không?

Để trở thành chuyên gia trong 1 lĩnh vực thì bản thân họ phải học tập và rèn luyện rất nhiều trước đó, vậy nên, anh tin những nội dung, thông điệp mà họ truyền tải sẽ luôn có một giá trị riêng. Content Creator hiện nay đã và đang làm rất tốt câu chuyện “cho người khác thấy những điều mà họ muốn”, để khi nhìn vào một cá nhân hay một đội ngũ, bạn sẽ thấy sẽ thấy rõ tinh thần lẫn vibe riêng mà họ muốn mang lại.

Mỗi một nền tảng mạng xã hội như Tik Tok, Facebook, Instagram, Youtube đều có những đặc thù khác nhau, vậy với mỗi bạn Influencer, Reviewer mà anh trao đổi, liên hệ để booking, làm việc, những yếu tố nào cần lưu ý đối với mỗi một nền tảng nhất định, sự khác biệt này có nhiều không?

Đối với Tiktok, thì nó là một nền tảng nội dung ngắn, Youtube thì là một nền tảng nội dung dài, còn Facebook thì yêu cầu nhiều về mặt content và hình ảnh, ở mỗi nền tảng anh đều có những lưu ý khác nhau, sẽ có những quy định và nguyên tắc cố định mà mình cần phải tuân theo.

Mỗi một người đều luôn có Career Path cho riêng mình, định hướng sự nghiệp trong thời gian sắp tới của anh như thế nào, anh vẫn sẽ tiếp tục với lĩnh vực này hay sẽ chuyển hướng sang một công việc khác? Anh có muốn thử một công việc nào mà mình chưa từng làm từ trước đến nay không?

Để có một phiên bản anh như ngày hôm nay thì anh đã trải qua rất nhiều những công việc khác nhau trước đây, anh làm sale, event,… tất cả mọi thứ. Và cho đến marketing, anh cảm thấy bản thân vẫn rất happy khi làm công việc này, anh theo đuổi ngành marketing là vì anh được tiếp xúc với môi trường năng động, không ngừng phát triển, và biết được nhiều người trẻ và tài giỏi.

Nếu nói về việc có ý định chuyển hướng qua một công việc khác thì anh chưa nghĩ đến, hiện tại, anh muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Chúng ta sẽ đi qua một số những câu hỏi nhanh về anh nhé:

Tiktok hay Facebook? — Tik Tok

Instagram hay Youtube? — Instagram

Story hay Reels? — Story

Cảm xúc hay lý trí? — Lý trí

Một nơi mà anh rất muốn đến trong đời?

Tới Mỹỹ

Một hành động táo bạo, liều lĩnh và khác người nhất mà anh từng làm?

Một lần anh đi nhậu xong say quá ngủ luôn ngoài đường cho tới sáng :))

Một nhân vật truyền cảm hứng đối với anh?

Anh nghĩ là ba anh, vì ba anh là một người mà anh nghĩ truyền cho anh rất nhiều cảm hứng trong cuộc sống. Bản thân ba anh là một người tuy bình thường, nhưng ba đã dạy cho anh em anh những điều rất phi thường. Ba anh là một niềm tự hào của anh.

Còn một người truyền cho công việc và định hướng của anh là cô Nguyễn Phi Vân. Năm 2018, anh có biết cô Vân qua một triển lãm về nhượng quyền thương hiệu, sau đó, qua quá trình theo dõi cô Vân trên youtube, blog, nội dung của cô làm ra truyền động lực rất nhiều cho những người trẻ. Chính anh là người chịu ảnh từ cô Vân rất nhiều trong công việc lẫn cuộc sống, một nguồn năng lượng tích cực, và anh nghĩ nguồn năng lượng đó giúp mình phản triển và hoàn thiện bản thân một cách bền vững hơn.

Những giá trị trong công việc mà anh không bao giờ thỏa hiệp?

Giá trị mà anh nghĩ mình không bao giờ thỏa hiệp đó là “tự giới hạn bản thân mình vào trong một khuôn hẹp”. Mình không dám tin là mình làm được thì mình sẽ mãi không làm được.

Nếu được chọn 1 loại đồ uống đại diện cho tính cách của bản thân, anh nghĩ đó sẽ là loại nước nào?

Anh nghĩ là phê sữa đá vì nó dung hòa được cả ngọt ngào và đậm đắng :3

Nếu có 3 từ để mô tả về anh, anh nghĩ đó sẽ là những từ nào?

Thân thiện, nhiệt tình và điên rồ :))

Cảm ơn anh vì buổi nói chuyện thú vị này !

💥Theo dõi Loship để cập nhật thông tin mới nhất:

--

--