#AfterHours Ý Trương: “Đôi Khi Say No Ở Hiện Tại Là Say Yes Trong Tương Lai”

Phan Lê Diệu Hiền
lozi-teamblog
Published in
18 min readJan 14, 2022

🎧🎧 Lắng nghe đầy đủ nội dung phỏng vấn tại Life At Loship Podcast.

Như Ý luôn mang cho chúng tôi một nguồn năng lượng lạc quan, vui vẻ và tích cực mỗi khi gặp gỡ. Có dịp được ngồi trò chuyện cùng chị trong những ngày đầu tiên của năm 2022, #AfterHours số kỳ này như một cơ hội để nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm 2021 cũng như những câu chuyện, quan điểm và góc nhìn của chị trong suốt quá trình làm việc tại Loship.

Chào chị Ý, chúng ta đang ở trong After Hours, hiểu nôm na là những cuộc trò chuyện sau giờ làm. Bình thường 1 ngày làm việc của chị sẽ kết thúc vào lúc mấy giờ?

Chị bắt đầu ngày làm việc của chị thường trễ hơn so với mọi người do tính chất công việc của chị sẽ làm việc với các đối tác cửa hàng, mà buổi sáng họ thường bận rộn và sau khoảng 10h trưa họ mới bắt đầu dành thời gian trao đổi được với mình. Vì giờ giấc bắt đầu khá muộn nên công việc của chị cũng kết thúc trễ, vào khoảng sau 7h30–8h tối.

Được biết chị đã gắn bó với Loship một thời gian dài kể từ giai đoạn Lozi, vậy mối lương duyên nào đã đưa chị đến với Lozi và Loship?

Có một điều trùng hợp là ngày hôm nay, khi đang ngồi ở đây trò chuyện với em, cũng là ngày mà chị nhận được thông báo trúng tuyển thực tập Lozi cách đây 3 năm.

Chị bắt đầu cơ duyên với công ty ở vị trí thực tập, thời điểm ấy công ty mình là Lozi — một trang review ăn uống nổi tiếng. Chị nộp đơn nhưng chị nghĩ chắc mình sẽ không có cơ hội may mắn được vào đây để làm việc cùng mọi người đâu. Vì khi đó, theo chị nhớ không nhầm thì có hơn 150 bạn cùng ứng tuyển vào vị trí intern này nhưng số lượng tuyển thì chỉ có một thôi. Và rất may mắn khi vào ngày 12/1 cách đây 3 năm, chị đã nhận được thông báo trúng tuyển vào vị trí thực tập sinh Marketing tại công ty.

Chị có thể miêu tả sơ qua về một ngày làm việc của mình không?

Một ngày của chị sẽ bắt đầu bằng việc lên checklist những cửa hàng nào cần trao đổi về vấn đề Marketing, chị sẽ trao đổi với những chủ cửa hàng về những thông tin mà họ đang cần. Trong thời gian chờ đợi cửa hàng phản hồi, chị sẽ đi set up những notification và những chương trình khuyến mãi trong tháng, trong tuần và trong ngày. Sau khi check notification xong, chị sẽ đi check những banner, dịch vụ của app, cũng như thỉnh thoảng chị sẽ dành thời gian để research xem trên social media đang có trend hoặc sự kiện nào hot không để chị làm creative cho ngày hôm đó.

Sau khi các đối tác đã phản hồi xong, chị sẽ bắt đầu trao đổi với họ về chương trình, lên timeline cho việc hợp tác với Loship và sẽ bắt đầu lên những hoạt động truyền thông cho họ về những chương trình đó.

Công việc của chị liên quan nhiều đến creative/sáng tạo, vậy không biết chị thường tìm nguồn cảm hứng ở đâu?

Thường chị sẽ tìm kiếm những ý tưởng trên các trang mạng xã hội và Youtube. Một điều thú vị là, nếu ngày hôm đó chị không tìm ra được ý tưởng nào, thì chị sẽ đi gội đầu. Hầu hết mỗi khi gội đầu xong, lần nào chị cũng sẽ nghĩ ra một cái idea nào đó rất thú vị. (cười)

Chị có thể kể về một ý tưởng nào đó được thành hình mà chị bất chợt nghĩ ra trong lúc gội đầu không ạ?

Trong thời gian cả nước đang giãn cách do dịch bệnh, thời điểm đó có rất nhiều thông tin tiêu cực lẫn căng thẳng. Vào giai đoạn Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu người dân Tp.HCM không đi ra ngoài sau 6h tối, mà Sài Gòn xưa giờ luôn được mệnh danh là thành phố không ngủ nhưng lại bắt đầu có giờ giới nghiêm như vậy, điều ấy cũng thật sự là cú sốc đối với tất cả mọi người.

Từ thông tin đó, chị đã nghĩ ra một ý tưởng với mong muốn truyền đi năng lượng tích cực cho mọi người. Đó là creative “Lọ Lem phải về nhà trước 6h tối”, diễn tả một góc nhìn hài hước và lạc quan hơn của một sự việc nghiêm trọng. Idea đó cũng được mọi người đón nhận một cách vui vẻ và thích thú — điều khiến chị vô cùng tự hào.

Người ta thường hay nói những ý tưởng “xuất thần” nhất sẽ thường đến vào những lúc mình tắm, chạy xe hoặc đang rửa chén chẳng hạn?

Chị cũng nghĩ vậy! (cười)

Em cảm nhận chị là một người vô cùng giàu năng lượng, lạc quan và hài hước, vậy liệu những lúc buồn và tiêu cực, chị thường sẽ làm gì để vượt qua cảm giác đó?

Những lúc tiêu cực nhất, chị thường có xu hướng ở một mình. Khi đó, chị sẽ tắt hết tất cả mạng xã hội, cất điện thoại và các thiết bị điện tử qua một bên rồi đi ngủ. Vì chị là một người dễ bị ảnh hưởng bởi những điều xung quanh, chị lại không muốn mang những điều tiêu cực, những điều không vui đó đến cho người khác, nên thường những giây phút không vui đó chị sẽ thường muốn ở một mình.

Điều gì là động lực khiến chị thức dậy và đi làm vào mỗi buổi sáng?

Động lực khiến chị thức dậy và đi làm vào mỗi buổi sáng đó là chị có thể được làm công việc mà chị thích, được gặp gỡ và làm việc cùng những người đồng nghiệp thú vị, tài giỏi và hợp gu với mình về cả trong công việc và cuộc sống.

Mọi người xung quanh chị giống như một tấm gương phản chiếu vậy, chị sẽ thấy mình ở trong đó, và mình cũng sẽ học được rất nhiều điều từ họ. Chị đã có rất nhiều cái được hướng dẫn, được học hỏi và chỉ dạy nhiều từ những người đồng nghiệp ở đây.

Trong môi trường startup buộc chúng ta phải không ngừng học hỏi, hoàn thiện và phát triển bản thân mình mỗi ngày. Liệu có những bài học nào được chị rút ra được trong quá trình làm việc tại startup như Loship hay không?

Mọi người hay đùa với nhau rằng một năm làm ở startup bằng 3 năm làm ở công ty bên ngoài, chị cảm thấy đúng. Vì ở startup, mình phải làm liên tục, làm rất nhiều đầu việc khác nhau. Khi chị vào công ty dưới vai trò là một thực tập sinh Marketing, chị như một tờ giấy trắng và hoàn toàn không biết gì hết, nhưng chị may mắn khi đã có anh Trung — sếp của chị, và các anh chị khác đã nhiệt tình chỉ bảo cho chị tất cả mọi thứ trong suốt 3 năm vừa qua.

Làm ở startup, điểm mạnh chính là mình được làm tất cả mọi thứ, sẽ không có giới hạn nào cho những ý tưởng và tiếng nói của từng cá nhân sẽ luôn được đón nhận.

Một bài học khác mà chị rút ra được là “Không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng”, có thể ngày hôm nay ta đạt được một điều gì đó, nhưng đến ngày hôm sau, chưa chắc mình vẫn còn giữ vững được vị trí đó. Điều cần làm là mình phải xem điều đó như một bàn đạp cho chính bản thân. Mọi thứ đều thay đổi rất nhanh và liên tục buộc ta phải không ngừng đi lên, nếu bạn đứng yên, đồng nghĩa với bạn đã bị thụt lùi so với mọi người.

Về cơ bản, mình đang là những kẻ chiếu dưới, xuất phát điểm vốn dĩ đã không hề bằng phẳng, vì vậy điều duy nhất mình cần phải có đó chính là sự chăm chỉ và nỗ lực.

Chị cũng học được một điều rằng “Đôi khi say No ở hiện tại chính là say Yes trong tương lai.” Chị thường bị ghẹo là cô tiên xanh, vì chị luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, mọi đối tác. Ở thời điểm đầu khi trao đổi với đối tác về các chiến dịch Marketing, thường chị hay bị yếu thế hơn trong việc đàm phán. Chị thường chọn cách thỏa hiệp với mọi yêu cầu của đối tác đưa ra. Vì lúc đó công ty mình bé lắm, họ lại là những đối tác lớn, và họ thường muốn quyền lợi nhiều hơn về phía họ. Sếp chị đã dạy cho chị bài học như trên. Chị đã cứng rắn hơn trong việc đàm phán bảo vệ quyền lợi của công ty, chị đã chốt được nhiều chương trình thật sự chất lượng với đối tác mà vẫn đảm bảo win-win giữa hai bên.

Nếu được kể về một kỷ niệm mà chị nhớ mãi trong quá trình gắn bó tại Loship thì đó sẽ là gì ạ?

Chị có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại Loship, nhưng có một kỷ niệm mà chị nghĩ mình sẽ nhớ hoài đó là giai đoạn công ty bị mất văn phòng. Hôm đó là một ngày đẹp trời vào tháng 8/2019, chị lên công ty và văn phòng mình khóa cửa, không có ai ở đó hết. Ngày hôm ấy chủ cửa hàng cũng như shipper gọi điện cho chị rất nhiều vì không thể lên văn phòng và nghĩ rằng công ty mình bị phá sản. Do mâu thuẫn giữa chủ cũ và chủ mới của tòa nhà dẫn đến việc các công ty thuê văn phòng trong tòa nhà đều bị lấy lại mặt bằng, quãng thời gian ấy cũng kéo dài khoảng 2 tuần cho đến khi công ty chuyển qua một văn phòng mới.

Qua lần ấy, chị cũng rất bất ngờ khi mọi người thích nghi rất nhanh, mọi người đã đối đầu với những khó khăn bằng một tinh thần vô cùng lạc quan và công việc được diễn ra trơn tru và trôi chảy ngay sau đó. Chị nhớ lúc ấy mỗi team sẽ ra làm ở một quán cafe khác nhau và chụp hình lại gửi lên group chung trong công ty, không khí rất vui vẻ và thoải mái.

Ở thời điểm hiện tại, Loship đã có một “ngôi nhà” mới, rộng rãi và tiện nghi hơn trước rất nhiều. Nhưng để có được kết quả như hiện tại là một quá trình cố gắng và thay đổi không ngừng, đó vẫn là kỷ niệm đáng nhớ mà chị nghĩ mình sẽ không bao giờ quên tại Loship.

Nếu không là chị ở hiện tại, chị nghĩ mình sẽ trở thành ai và sẽ làm công việc gì?

Nếu không phải là chị ở hiện tại, chắc có lẽ bây giờ chị đang là chủ của một tiệm trà sữa nào đó. (cười) Trước khi vào công ty để thực tập, chị có một tiệm trà sữa nhỏ và mọi thứ vẫn đang diễn ra rất ổn. Nhưng trong thời điểm đó, chị lại cảm thấy mình chưa có đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm để có thể vận hành tốt một cửa hàng, nên chị quyết định dừng lại công việc đó, không phát triển nó quá lớn, vẫn duy trì nó theo một quy mô nhỏ và “khăn gói” vào Lozi để học hết tất cả mọi thứ từ đầu.

Vậy có bao giờ chị cảm thấy hối hận về quyết định của mình hay không?

Thường chị sẽ không hối hận với bất cứ quyết định nào của mình trong quá khứ, vì chị tin rằng bất cứ quyết định nào cũng đều có giá trị và ý nghĩa riêng của nó. Nếu hồi xưa, chị quyết định vẫn bán trà sữa, thì có lẽ bây giờ chị đã không có được một người leader như anh Trung, chị cũng không có được những người đồng nghiệp tuyệt vời như team Growth, và chị cũng sẽ không có được những mối quan hệ với các đối tác cửa hàng như ở hiện tại.

Chị luôn nghĩ rằng được làm việc ở Loship là sự lựa chọn đúng đắn của chị.

Nếu được trò chuyện với mình phiên bản mình của 5 năm trước đây — khi chị 19 tuổi, chị sẽ muốn nói gì với bản thân của thời điểm đó?

Nếu được trò chuyện với bản thân ở 5 năm trước đây, chị sẽ muốn nói với bản thân mình rằng hãy chuyên tâm học ngoại ngữ nhiều hơn, bởi vì hạn chế về mặt ngoại ngữ sẽ là một điểm yếu với mình khi tiếp xúc với những case study hay những kiến thức chuyên môn khác nhau.

Trong quá trình được tiếp xúc và làm việc với chị, em cảm nhận được chị là một người dành tình yêu rất lớn cho công ty, từ việc chị sử dụng những sản phẩm mang logo công ty như túi vải, nón bảo hiểm, áo khoác, sổ tay,… Chị có thể chia sẻ một chút là công ty chiếm một vị trí quan trọng như thế nào trong lòng chị không?

Chị rất yêu công ty, đây là công ty chị gắn bó từ khi chị vừa mới tốt nghiệp Đại học cho đến thời điểm hiện tại. Thời gian đầu khi mới làm ở Loship, chị gặp một khó khăn khi phải luôn giải thích cho gia đình, bạn bè của mình rằng Loship là công ty gì, vì thời điểm đó, thật sự không ai biết Loship là ai cả.

Trong thời gian ban đầu, chị có hơi buồn một chút, nhưng chị cảm thấy rằng mình nên làm một điều gì đó để mang cái tên Loship đến nhiều hơn với mọi người, có thể là sức của mình nhỏ, nhưng ở trên trang mạng xã hội hoặc trong các mối quan hệ của chị, chị đều luôn giới thiệu Loship đến với mọi người. Không phủ nhận rằng những ấn phẩm của Loship rất đẹp, cả đi du lịch Đài Loan, chị vẫn xách theo túi của Loship, và chị luôn nghĩ rằng có thể là 10, 20 người thấy thôi, thì ít nhất thì dòng chữ Loship cũng đã có thể hiện qua trong đầu họ rồi.

Chị chưa bao giờ cảm thấy những điều mình làm là vô nghĩa hết, đến bây giờ, chị luôn tự hào nói rằng mình là một phần của Loship, đồng hành cùng Loship từ thời điểm chưa là gì cho đến ngày hôm nay.

Em được biết rằng những chuyến company trip tại Loship sẽ thường thiên về hướng du lịch trải nghiệm “hành xác” hơn là du lịch nghỉ dưỡng. Chị đã có mặt ở trong cả 2 chuyến Tà Năng — Phan Dũng với công ty, không biết có kỷ niệm nào đáng nhớ nào với chị trong chuyến đi hay không, và nếu có một lời khuyên dành cho những bạn có ý định tham gia trong thời gian sắp tới?

Tà Năng — Phan Dũng là chuyến đi được xem là dấu ấn đặc biệt mà em có thể không bao giờ tìm thấy được ở những môi trường khác. Chị đã may mắn có mặt ở trong 2 chuyến đi cùng với công ty, và mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm và trải nghiệm khác nhau, nhưng nhìn chung thì cả hai đều rèn cho chị tính trưởng thành hơn rất nhiều.

Ở chuyến đi đầu tiên, chị rất sợ, chị khóc liên tục 3 ngày, và đó là một trải nghiệm gì đó vô cùng mới lạ đối với chị như leo rừng, tắm suối, cuốc bộ 30km trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sau lưng là chiếc balo nặng trịch. Chị nhớ mãi câu nói mà anh Trung nói với chị rằng “Em cứ tiến lên về phía trước đi, vượt qua được nỗi sợ này thì những KPI mà anh đưa ra cho em sẽ không còn là trở ngại nào hết.”

Đúng thật là chị vượt qua được 3 ngày ở Tà Năng — Phan Dũng, khi đi về, chị đã nghĩ là mình sẽ đi một lần duy nhất này thôi, vì thật sự rất là cực. Vậy mà lần thứ 2, chị vẫn quyết định đi nhưng lần này chị tham gia với tâm thế là một người đã có kinh nghiệm và có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, lần này chị đã vượt qua được cung đường Tà Năng — Phan Dũng một cách trơn tru nhất, và chị cũng có nhiều kỷ niệm với mọi người hơn.

Chị sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc mọi người cùng nhau hát hò vào giữa đêm, giữa cảnh núi rừng hùng vĩ. Bạn có thể đi những chuyến du lịch Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết hay những chuyến đi nước ngoài với những công ty khác, nhưng bạn chỉ có thể trải nghiệm và hiểu được cảm giác trekking là gì khi ở tại Loship.

Trong cuộc sống, có rất nhiều khoảnh khắc chúng ta phải đối mặt với rất nhiều nỗi sợ khác nhau, vậy nỗi sợ lớn nhất trong cuộc đời của chị là gì?

Nỗi sợ lớn nhất của chị đó chính là không có tiền. Gia đình và bản thân chị đã từng đối mặt với những hoàn cảnh cần rất nhiều tiền để có thể giải quyết một vấn đề nào đó, và chị thật sự cảm thấy bất lực khi người thân mình cần tiền nhưng mình lại không có đủ số tiền cho người thân mình để duy trì sự sống hoặc khi có một khó khăn nào đó xảy ra.

“ Tiền chưa chắc sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, nhưng nó sẽ là tấm khiên ngăn ta tránh khỏi những khổ đau.”

Chúng ta đã trải qua gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, và đặc biệt là năm 2021 đầy thử thách lẫn khó khăn với tất cả mọi người trong chúng ta, liệu rằng đại dịch đã thay đổi bản thân mình như thế nào?

Năm 2021 vừa qua đúng là một năm vô cùng khó khăn và khắc nghiệt với chị và tất cả mọi người, đã có quá nhiều sự mất mát xảy ra, và đặc biệt là sau khi chị dương tính với Covid-19 trong một chuyến đi thiện nguyện.

Điều đầu tiên chị nghĩ lúc đó chính là gia đình, lúc đó, chị cảm thấy không có gì quý giá bằng gia đình của mình. Một mặt chị rất lo lắng rằng không biết mình bị nhiễm như vậy thì có lây cho gia đình hay không, một mặt rất thương vì từ trước đến nay, chị sống rất khô khan với gia đình, khi về nhà thì chị hầu như không trò chuyện nhiều với họ.

Nhưng trong đợt dịch vừa rồi, khi bị bệnh, chị liên tục nhận được những cuộc gọi hỏi thăm từ phía gia đình, lúc đó chỉ cách nhau có một cánh cửa thôi, nhưng cũng không thể gặp nhau. Đó cũng là thời điểm chị nhận ra rằng: “Ah thì ra trong thời gian qua, chị đã lao đầu vào công việc quá nhiều, bỏ hết thời gian của mình đi kiếm tiền, sau cùng thì cũng chỉ có gia đình ở bên cạnh.”

Trong đợt dịch vừa rồi, chị cũng đã có cơ hội được đi tới những nơi cách ly để làm những đợt thiện nguyện nhỏ của mình, nhưng chị cảm thấy được là ở ngoài kia vẫn còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn. Thật sự lúc đó chị chỉ ước rằng mình có thể có thật nhiều tiền để có thể giúp đỡ nhiều người hơn.

Chị cũng đã thay đổi nhiều trong suy nghĩ, trong lối sống của mình. Đầu tiên là sống chậm lại, chị là một người sống khá vồ vập và nhanh với tất cả mọi thứ, trước đây, chị dành thời gian rất nhiều cho công việc, cho bạn bè và các mối quan hệ bên ngoài, nhưng kể từ khi giãn cách xã hội và tất cả mọi người đều phải ở trong nhà, chị mới có thời gian nhiều hơn để dành cho gia đình. Đó cũng là lúc chị dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện với mẹ, xuống bếp nấu ăn, sau mùa dịch chị cũng học được thêm rất nhiều món mới nữa. (cười)

Trong giai đoạn Work From Home ở nhà, chị có gặp khó khăn gì với công việc khi không được gặp trực tiếp trao đổi với mọi người mà phải làm việc từ xa hay không?

Những ngày bắt đầu WFH là những ngày khá khó khăn với chị, vì trước giờ làm việc ở công ty, được trao đổi với đồng nghiệp, nhìn thấy mọi người một cách dễ dàng, nhưng khi WFH thì chỉ còn một mình chị, xung quanh là 4 bức tường, mọi thứ đều giao tiếp qua máy tính. Chị cảm thấy tinh thần hay năng lượng làm việc lúc đó của mình hầu như là không có, chị cũng phải tập làm quen và thích nghi dần với làm việc từ xa, chị cũng đọc những bài báo về WFH như thế nào để mang lại hiệu quả nhất. Mọi người trong team lúc đó cũng có những kỷ niệm rất vui với nhau, mọi người mở video call với nhau và trò chuyện cả sau giờ làm việc.

Khi mọi thứ chuyển từ offline qua online, chị cảm thấy những thao tác, thủ tục được giải quyết một cách nhanh chóng và tinh gọn hơn, chị nghĩ đó là một điểm sáng ở trong đại dịch.

Vậy có một kỷ niệm vui nào với chị trong quá trình làm việc ở nhà hay không?

Có nhiều hôm team chị cần phải họp đột xuất, và khi vào thì những màn hình của các chị nữ chưa được bật lên, mọi người mới bảo nhau là “xin lỗi em chưa tô son, đợi em xíu em chưa chải đầu, khi nào họp anh nhớ nói để em thay đồ”. Đó đúng là những tình huống trớ trêu, hài hước nhưng rất dễ thương trong quá trình WFH tại nhà của chị.

Em cảm nhận rằng chị là một người vô cùng hoạt bát, sôi nổi và có rất nhiều những hoạt động, vậy thì những lúc rảnh rỗi, chị thường sẽ muốn làm gì?

Những lúc rảnh rỗi, trước đây chị sẽ dành thời gian cho bạn bè, đi chơi, xem phim, shopping, nhưng ở hiện tại thì chị muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, ngồi xem một bộ phim với mẹ, xuống bếp nấu một món gì đó cho cả nhà.

Sắp đến năm mới rồi, những dự định chị muốn thực hiện trong năm mới là gì?

Một trong những dự định chị muốn thực hiện trong năm mới đó là đi mua cho mẹ một chiếc túi xách mới, và chị sẽ học tiếp khóa tiếng anh mà chị đang dang dở, chị cũng sẽ đăng ký thêm một buổi workshop hoặc khóa học để bổ sung và hoàn thiện kiến thức chuyên môn của mình.

Chúng ta sẽ đi qua một vài câu hỏi nhanh về chị nha:

Thể loại phim yêu thích? — Viễn tưởng.

1 bộ phim yêu thích? — Iron man.

1 nhân vật truyền cảm hứng? — Hà Anh Tuấn.

1 câu nói yêu thích? — Nếu bạn thật sự giỏi một thứ gì đó, đừng làm nó miễn phí.

1 điểm đến yêu thích? — Đà Lạt.

1 món ăn yêu thích? — Chị thích ăn ốc.

1 câu nói cửa miệng? — Việc gì cũng tới tay của Ý.

Tình cảm nhiều hơn hay lý trí nhiều hơn? — Tình cảm nhiều hơn.

Tàng hình hay xuyên không? — Tàng hình.

Thể loại nhạc yêu thích? — Pop, ballad.

Bài hát yêu thích? — Tháng mấy em nhớ anh.

Ca sĩ yêu thích? — Hà Anh Tuấn.

Nếu có 1 từ để diễn tả năm 2021 của mình, chị nghĩ đó sẽ là từ gì? — Mặp.

Một mùi hương mà chị yêu thích? — Mùi bánh mới ra lò.

Cảm ơn chị vì đã dành thời gian để trò chuyện với em trong một buổi chiều đầy ý nghĩa và thú vị này!

Khi tiếp xúc và trò chuyện với chị Ý, chúng tôi cảm nhận được rằng bên cạnh thế giới vui tươi, lạc quan và không ngừng kết nối với con người của người hướng ngoại, thì họ cũng có một nội tâm sâu sắc với những suy tư và nghĩ suy riêng.

#AfterHours tin rằng mỗi một con người tại Loship sẽ luôn đại diện cho những sắc thái màu sắc vô cùng riêng biệt. Cùng chúng mình đón chờ những nội dung tiếp theo để khám phá những mảng màu khác!

💥Theo dõi Loship để cập nhật thông tin mới nhất:

--

--