#AskADeveloper: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.” — Trần Việt Huy, iOS Developer

Duyen Tran
lozi-teamblog
Published in
16 min readAug 15, 2020

✌ #AskADeveloper is on, again! Chuyên mục #AskADeveloper hôm nay sẽ đưa các bạn đến với những trải lòng thú vị của một người anh có tuổi nghề lâu nhất ở Lozi — anh Trần Việt Huy, iOS Developer. Người anh lớn ở Lozi, mới làm việc tại Lozi chưa tròn 6 tháng, luôn được biết đến với hình tượng khiêm tốn, cần mẫn, không ngại thử thách và sẵn sàng cống hiến.

“Anh là người trực tiếp mời anh Huy về với team Lozi, cơ bản ảnh khác nhiều trong CV :)) Buổi phỏng vấn giúp anh nhận ra nhiều điều, hiểu hơn được cách suy nghĩ của những đàn anh trải đời hơn, nhưng điều quan trọng nhất là sự phù hợp của anh Huy và môi trường startup. Anh Huy là người có thể làm tất cả mọi công việc, và tại đâu, anh ấy cũng cháy hết mình, và cái duyên đến khi ảnh biết ảnh cần gì ngay thời điểm hiện tại, cho con người, sự nghiệp tương lai. Và rất vui là Lozi có thể cho anh Huy được những điều đó.

Trải qua thời gian tại Lozi, anh Huy càng chứng tỏ được mình là một mắt xích quan trọng với team Tech nói riêng và cả Lozi nói chung. Anh có sự tin tưởng rõ ràng về câu chuyện của anh Huy tại Lozi sẽ là một câu chuyện đẹp.” — nhận xét của anh Nguyễn Ngọc Thịnh, CTO về anh Huy. 👏

💥 Wait no more! Cùng đọc qua bài viết bên dưới để hiểu thêm về câu chuyện của anh Huy nhé.

Chào người anh lớn! Tại sao anh lại chọn Lozi?

À, chắc là do cái duyên chứ cũng không có gì phức tạp lắm đâu em! Cách đây nửa năm, lúc anh quyết định tìm một công việc có thu nhập ổn định hơn để trả nợ, anh có nhờ một vài bạn nhân sự rải giúp anh hồ sơ, và anh được sắp xếp một cuộc phỏng vấn ở Lozi. Người đầu tiên gặp và phỏng vấn anh là Thịnh CTO. Thịnh khiến anh vô cùng ngạc nhiên vì kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng dù tuổi đời còn khá trẻ (trẻ hơn anh nữa, cười!).

Lúc vào làm thì anh thấy môi trường ở Lozi rất phù hợp với định hướng nghề nghiệp, tác phong và tính cách của anh. Anh luôn tìm kiếm cho mình một môi trường làm việc ổn định, không đấu đá, không toxic — nơi mọi người có thể thoải mái thể hiện năng lực, hướng tới mục tiêu chung của tổ chức. Anh thấy rằng Lozi là một bến đỗ phù hợp sau nhiều năm tháng rong ruổi với các startup, nơi mình có thể yên tâm vừa cống hiến cho công ty vừa phát triển được bản thân.

Khoảng thời gian 6 tháng đã đủ để anh hiểu hết về Lozi?

Lozi là một business thú vị. Chúng ta sử dụng công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh, tối ưu hoá bài toán kinh doanh là giao hàng, đồng thời mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị trường một cách hiệu quả nhất. Hiện tại chúng ta đang làm rất tốt bài toán về giao hàng, trong tương lai chắc hẳn sẽ còn tốt hơn thế.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang tận dụng tệp khách hàng của mình để mở rộng mảng dịch vụ khác, như Lo-supply. Anh nghĩ đây là bước đi mang tính chiến lược rất cao, là đòn bẩy để chúng ta bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Điều thú vị ở Lozi là hầu hết các bạn đều rất trẻ, ít kinh nghiệm thực chiến hơn các đối thủ khác, và cũng gần như không có ai dẫn đường. Mọi thứ muốn làm đều phải tự mày mò, tự xông tới, tự thử và sai. Chính những điều như vậy đã tôi luyện nên lửa nhiệt huyết rất lớn của những người trẻ ở Lozi mà rất hiếm nơi nào có được.

Anh tin rằng, nếu chúng ta tiếp tục giữ vững tinh thần như thế, việc Lozi đạt được thành công to lớn trong tương lai là điều không thể nào khác đi được

Điều gì đưa anh đến với nghề code iOS?

Trước đây, anh học ở Đại học Bách Khoa chuyên ngành Xây dựng, đúng với định hướng của gia đình. Sau khi ra trường và đi làm được một năm, anh nhận ra mình có rất nhiều đam mê cần phải thực hiện.

Anh cho rằng cuộc đời này ngắn ngủi, ngày mai có thể không bao giờ đến. Nếu có thể, hãy cháy hết mình với những gì mình luôn đam mê & khao khát. Đừng sợ!

Từ bỏ nghề xây dựng, anh đến với code vì anh muốn tìm một công việc đúng đam mê, ổn định và chuyên sâu. Anh chọn một thứ là giao thoa của những gì anh thích, những gì anh làm tốt, và những gì có thể giúp anh nuôi sống được gia đình, vợ con anh — đó chính là code! Anh có thể ngồi code 365 ngày một năm mà không hề thấy chán (tất nhiên là có thấy mệt).

Anh tự học code trong công việc chứ không qua trường lớp nào cả. Ngôn ngữ đầu tiên anh tiếp cận là C#. Thời gian đầu cũng hơi trầy trật với dân “tay ngang” nhảy sang nghề mới. Nhưng anh luôn có những đồng đội làm chung hướng dẫn anh phải code như thế nào, gỡ lỗi code ra sao. Quan trọng nhất vẫn là tâm thế cày bừa giai đoạn đầu, sẵn sàng làm và học mọi thứ, chỉ có thế thì mình mới tiến bộ một cách nhanh nhất được.

Anh quan điểm thế nào về code?

Ngày xưa lúc anh còn làm ở các startup khác, ngoài việc code, anh phải lo thêm nhiều mảng khác như marketing, khảo sát thị trường, gặp đối tác, gặp khách hàng, nhân sự, đôi lúc lại phải ngó qua cả mấy cái báo cáo thuế,… Nên cách anh code chỉ là: làm cho xong tính năng, hoạt động được, không bị lỗi, phục vụ công việc kinh doanh nhanh nhất có thể — như vậy là đạt yêu cầu.

Thành ra anh code theo ý anh, không theo quy củ của thế giới nào cả, và cũng chỉ có mình anh biết là anh code cái gì trong đó. Cách code này có một ưu điểm duy nhất là nó nhanh và hoạt động được. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với những startup nhỏ, chứ một khi đã mở rộng quy mô thì… anh sẽ là người chết đầu tiên! (cười)

Hiện tại ở Lozi thì anh chỉ làm mỗi code, nên anh cố gắng code sao cho chuẩn mực nhất. Một phần vì đó là chuyện đúng đắn phải làm, một phần vì nếu có người sau vào, họ sẽ dễ dàng mở rộng và bảo trì hệ thống.

Đứng ở góc độ làm nghề, làm sao để code hiệu quả, hoạt động tốt, không để lỗi xảy ra và tối ưu hóa về hiệu năng hoạt động là một điều đúng đắn phải làm. Nhưng nếu nhìn xa hơn, dưới góc độ kinh doanh tổng thể, anh nghĩ code phải là một phần của công việc kinh doanh, phục vụ hiệu quả mục tiêu kinh doanh và mang lại giá trị nhất định mới là điều tuyệt vời.

Nếu không mang lại giá trị gì cho business thì những dòng code đó sẽ là vô nghĩa.

Trước khi có dịch Covid-19, anh Huy thường xuyên dạy lập trình miễn phí cho nhiều bạn trẻ vào mỗi sáng Chủ Nhật, số học viên đến nay gần 200 bạn

Code ở Lozi khác gì so với những startup trước của anh?

Code ở Lozi đàng hoàng hơn, tuân thủ chặt chẽ những quy chuẩn hơn. Từng dòng code được viết ra phải thật chuẩn, test rất nhiều và luôn luôn cố gắng không để lỗi xảy ra khi có thể. Ở Lozi, chúng ta ưu tiên việc code nhanh, nhưng vẫn phải đảm bảo code đúng & cố gắng tối ưu để những người developer sau có thể tiếp tục sử dụng và mở rộng. Đây là một thách thức.

Với kinh nghiệm làm nghề lâu nhất ở Lozi, anh nghĩ thế nào về việc một bạn Developer chỉ nên biết đúng lĩnh vực mình đang làm là Front-end hoặc Back-end, hay nên biết cả hai?

Theo kinh nghiệm của anh, trong quá trình phát triển sự nghiệp và trưởng thành của một bạn developer, các bạn sẽ luôn ám ảnh bởi câu hỏi mình có nên học thêm cái này, cái kia, hay một lĩnh vực khác hay không.

Với anh, câu trả lời sẽ là thế này: anh tin rằng việc chúng ta biết cả FE và BE là điều cần thiết, vì nó phục vụ công việc bạn đang làm. Và dù bạn đi đường nào, thì về lâu dài bạn cũng sẽ phải biết cả 2 mà thôi. Chỉ là mức độ hiểu biết sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng thời điểm và tính chất công việc của bạn tại thời điểm đó.

Bạn làm chuyên môn một mảng FE, bạn sẽ luôn cảm thấy mình thiếu sót về mặt BE. Rồi bạn sẽ cố gắng tìm hiểu thêm để có cái nhìn thấu đáo hơn về hệ thống, cũng như những giải pháp mà team đưa ra trong một công việc cụ thể ở BE.

Cũng có bạn làm ở rất nhiều mảng, có thể là cái gì cũng làm, nhưng độ sâu ở một mảng như bạn trên thì không bằng. Và rồi về cuối cùng, chắc chắn bạn cũng sẽ tập trung đào sâu một chuyên môn nhất định. Con đường của 2 bạn có vẻ khác nhau, nhưng cuối cùng thì lại quy về cùng một chỗ.

Trên thực tế, để làm việc & giao tiếp hiệu quả hơn với đồng nghiệp và công việc, cần có kiến thức giao thoa cả 2 mảng trên. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về từng lĩnh vực sẽ có trọng số khác nhau tùy theo tính chất công việc. Một bạn BE biết về FE và ngược lại, chắc chắn sẽ làm việc hiệu quả hơn, và đấy là điều không thể chối cãi.

Anh nghĩ thế nào về trình độ coder Việt Nam so với mặt bằng chung trên thế giới?

Anh từng có cơ hội làm việc với mấy bạn người Mỹ và Úc, thì cảm nhận của anh thế này. Nếu nói riêng về mảng công nghệ phần mềm, các nước phương Tây họ hơn mình ở hệ thống và nguồn lực đã được tích lũy từ rất lâu. Nhưng, nếu xét về mặt trí thông minh, anh tự tin là chúng ta bằng hoặc hơn họ chứ không hề kém cạnh. Thậm chí đối với việc xử lý những vấn đề có tính chất mới, cả Tây và Ta đều chưa gặp trong lịch sử, anh tin rằng chúng ta hơn hẳn họ.

Anh nghe đâu đó có một câu nói của người Mỹ rằng: “Nếu bạn giỏi một lĩnh vực nào đó, thì chắc chắn rằng luôn có một thằng châu Á giỏi hơn bạn ở chính lĩnh vực đó.”

Nếu em biết rằng, đối với mảng phần mềm, hình mẫu chuẩn mực của một startup công nghệ ở châu Á hiện tại sẽ như sau: được thành lập ở Singapore để tận dụng lợi thế về chính sách và gọi vốn, nhân sự công nghệ của Việt Nam hoặc Ấn Độ, và đội ngũ CSKH đến từ Philippines hoặc Malaysia — thì em sẽ thấy trình độ công nghệ của nhân lực Việt Nam thực sự rất ấn tượng.

Anh Trần Việt Huy và team Tech tại Lozi

Qua chia sẻ của anh thì có vẻ anh rất tự hào về đội ngũ làm công nghệ ở Việt Nam, nhưng nếu vậy thì tại sao chúng ta vẫn chưa có một phần mềm nào hay một công ty phần mềm nào ở tầm thế giới, thậm chí là châu lục?

À thực ra là chúng ta có đấy, ví dụ FPT, hoặc BKAV, sắp tới có thể là VIN.

Nhưng câu chuyện để có một công ty phần mềm hay một sản phẩm ở tầm như vậy không chỉ phụ thuộc vào công nghệ, mà còn rất nhiều thứ khác. Chẳng hạn nguồn lực về vốn, trình độ quản lý để có thể đẩy dự án vươn tầm thế giới, và thậm chí là ở tầm tư duy của người làm dự án và nhà đầu tư.

Ở Mỹ, họ có đủ hệ thống quản lý và họ luôn mang trong mình tư duy phát triển sản phẩm là scale được ở tầm global. Các công ty ở Việt Nam thì hơi khác. Đa phần chúng ta là những công ty nhỏ, nguồn lực chúng ta yếu hơn, và chúng ta có rất ít công ty quen với quy trình để scale một sản phẩm ra global.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang ngày càng thú vị. Các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang dần xây dựng cho mình một lộ trình scale rất bài bản. Và những startup nhỏ như chúng ta cũng đang thay đổi, chúng ta không còn nhắm thị trường mục tiêu là trong nước nữa mà sẵn sàng đem sản phẩm của mình đi đánh ở các nước lân cận.

Có một điều anh luôn tin chắc rằng: những gì nước khác làm được, thì con người Việt Nam chúng ta cũng làm được.

Ở thời điểm hiện tại, những xu hướng công nghệ nào khiến anh hào hứng nhất?

Anh có hứng thú với các sản phẩm IOT, real time, websockets, server-send events, công nghệ peer-to-peer và những thứ liên quan đến nó. Những công nghệ này giúp cho việc giao tiếp giữa người dùng với nhau, hoặc giữa người dùng và hệ thống trở nên tức thời, tăng trải nghiệm thời gian thực của người dùng & giảm tải lên hệ thống hạ tầng bên dưới xuống rất nhiều lần.

Đã đi làm với tuổi nghề khá lâu, có sản phẩm nào khiến anh tự hào nhất hay không?

À, sản phẩm khiến anh tự hào thì nhiều lắm, nhưng anh sẽ kể về một sản phẩm gần đây nhất thôi nhé! Trong thời điểm dịch Covid-19, anh có phát triển một sản phẩm tương tự như Zoom, với tên là hoihop (hội họp thật là hồi hộp). Sản phẩm dùng cho mục đích học nhóm và hội họp trực tuyến, em có thể lên website: https://hoihop.vn để dùng thử tính năng của nó.

Ứng dụng này sử dụng khá nhiều công nghệ thú vị từ socket, webrtc, đến công nghệ peer-to-peer, mesh network để giải quyết bài toán truyền video chất lượng đủ tốt đến nhiều user mà vẫn đảm bảo hệ thống không bị quá tải, và có thể phục vụ hàng triệu người cùng lúc.

Về sau này, công việc ở công ty chiếm khá nhiều quỹ thời gian nên anh tạm thời gác lại việc phát triển tiếp ứng dụng. Biết đâu trong thời gian tới, Slack không còn cho dùng thử miễn phí thì công ty mình lại sử dụng hoihop của anh để làm kênh nhắn tin và video nội bộ thì sao nhỉ? (cười)

Mình trò chuyện một xíu về bản thân anh nhé. Mỗi sáng khi thức dậy, điều gì thúc đẩy anh bước ra khỏi giường?

Anh luôn có rất nhiều việc để làm và nhiều thứ phải hoàn thành. Và phía sau anh, anh còn có gia đình mà anh phải chăm sóc và bảo vệ. Đó là động lực để anh tự động thức dậy vào mỗi sáng và cố gắng làm việc mà chẳng cần ai phải nhắc nhở.

Đôi lúc gặp khó khăn trong công việc, anh thường làm những gì để vượt qua?

Em có biết học thuyết con gián không? Câu chuyện đại loại thế này:

Một con gián không biết từ đâu bay vào nhà hàng và đậu lên vai một cô gái. Cô gái hoảng hốt, tái mét và la toáng lên. Con gián lại bay tiếp qua cô gái thứ 2 và cô cũng hoảng sợ không kém. Con gián lại bay tiếp qua chỗ khác, và cả nhà hàng trở nên ngày càng hoảng loạn. Rồi một anh bồi bàn chạy tới, bắt con gián, gói nó lại và bỏ vào sọt rác.

Vậy câu chuyện ở đây là gì? Nhìn sơ qua thì chúng ta sẽ dễ dàng bảo rằng, sự hỗn loạn xảy ra là do con gián. Nhưng nếu suy nghĩ kĩ hơn, nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn chính là thái độ và hành động của các cô gái với sự xuất hiện của nó, chứ không phải chính bản thân con gián.

Trong cuộc sống và công việc, những chuyện không mong muốn sẽ luôn xảy ra, ví dụ công việc không như mong đợi, đồng nghiệp xích mích lẫn nhau,… Tuy nhiên, bản thân chúng chưa phải vấn đề, chính thái độ và cách chúng ta xử lý mới biến chúng thành vấn đề.

Khi gặp vấn đề, việc đầu tiên cần làm là: có cái nhìn tích cực với vấn đề và không để tâm trí bị ảnh hưởng bởi nó. Nếu tinh thần không tốt, hãy ra ngoài chơi thể thao hoặc thư giãn, sau đó quay lại thẳng thắn đối diện với chúng.

Dường như anh rất biết cách để đối diện và giải quyết vấn đề, vậy có bao giờ anh gặp phải trường hợp quá tải?

Tất nhiên là có rồi! Mỗi khi cảm thấy quá tải thì anh tắt công tắc, nghỉ ngơi và tìm cách hồi phục lại nhanh nhất thôi (cười).

Tuy nhiên, nếu quá tải xảy ra thường xuyên, thì vấn đề không chỉ nằm ở bản thân chúng ta mà nằm ở chính công việc mà ta đang làm. Quay trở lại với câu hỏi: công việc này có thật sự phù hợp với trình độ/ khả năng hiện tại của chúng ta không? Mình có nên tiếp tục handle những công việc quá sức như vậy không?

Anh tin rằng đừng cố gắng nhảy quá cao so với trình độ của mình, cũng như đừng mãi ở một vị trí an toàn. Hãy thử hình dung, khả năng hiện tại của em là thực hiện những cú nhảy 1m, nhưng nếu em chỉ mãi nhìn vào nấc thang 1m thì sẽ không bao giờ tiến bộ được. Mặt khác, nếu em cố gắng rướn mình với những bước nhảy xa hơn lên đến 2m, thì chắc chắn em sẽ… té sấp mặt! (cười), vì cơ bản tại thời điểm đó, khả năng của em chưa đủ để bật cao như thế.

Lời khuyên của anh là: đừng đứng mãi ở cột mốc 1m, nhưng cũng đừng liên tục cố gắng bật nhảy 2m. Thỉnh thoảng hãy thực hiện những bước nhảy 1.2m, 1.5m. Dần dà về lâu dài, khả năng của chúng ta sẽ được cải thiện mà không gặp phải tình trạng quá tải thường xuyên. Nếu kiên trì & đều đặn như thế, sẽ có ngày chúng ta nhảy được cột mốc 2m.

Team Tech Lozi trong chuyến đi teambuilding ở Lâm Đồng vào tháng 6/2020

Câu nói yêu thích nhất của anh?

  • Một nghề cho chín còn hơn chín nghề
  • Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để trở nên xuất sắc
  • Stay hungry — Stay foolish
  • Don’t limit your challenges, challenge your limits

Một điều đặc biệt là, mọi câu nói yêu thích của anh, anh đều tìm thấy được ở Lozi.

Lời khuyên có ích nhất anh từng nhận được? Nếu có thể quay lại bản thân 10 năm về trước, anh sẽ cho bản thân mình lời khuyên gì?

Lời khuyên thì chắc không có đâu, vì anh không may mắn có một ai để tâm sự hay hướng dẫn anh điều gì cả. Nhưng có một điều tâm đắc mà anh tự nhận ra trong cuộc sống là:

Mọi việc đều có thể phân chia chính và phụ. Việc chính là việc cốt lõi mà chúng ta sống chết phải làm cho bằng được, việc phụ thì sẽ tuỳ tình hình để sắp xếp vào sau đó. Nhận thức được điều này giúp anh có thể hoàn thành mọi công việc theo đúng mức độ ưu tiên và giúp công việc diễn ra rất thuận lợi trôi chảy, mà bản thân sẽ không luôn bị trong tình trạng stress, quá tải, đồng thời tâm trạng cũng luôn trong hoàn cảnh rất tốt để làm việc tốt hơn.

Việc quan trọng thì không khẩn cấp, việc khẩn cấp thì không quan trọng, việc vừa quan trọng vừa khẩn cấp trên đời chỉ có: vợ đẻ, con đau, cháy nhà, ông bà già gặp chuyện. Nếu bạn có thể nhìn nhận đúng việc nào là chính, việc nào là phụ, và luôn làm việc chính trước, mặc kệ mọi cám dỗ xung quanh với việc phụ, bạn sẽ đạt được hiệu suất làm việc cao nhất có thể.

Nếu quay lại 10 năm trước, anh nghĩ sẽ tự khuyên bản thân mình rằng: Phải rành chuyên môn trước, đừng quá tham lam học mọi thứ. Biết sâu rồi biết rộng sẽ tốt hơn cho công việc & tài chính cá nhân. Việc bạn học rộng nhiều thứ nhưng về cuối cùng, lại không có thứ gì chuyên sâu cả sẽ để lại nhiều vấn đề về chuyên môn sau này.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyên môn hoá. Trong xã hội ngày nay, bạn phải trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn chọn. Học sâu rồi học rộng là con đường giúp bạn tiến bộ hiệu quả nhất.

Câu hỏi nhanh về anh:

  • 3 từ mô tả bản thân anh tốt nhất? cơ động, thích nghi, & đầy đam mê
  • 3 điều anh thích nhất về công việc hiện tại? môi trường mở, chấp nhận cái mới, mang lại giá trị
  • 3 điều không bao giờ thỏa hiệp? nói xạo, nói xạo & nói xạo
  • 3 người tại Lozi ảnh hưởng đến quan điểm của anh trong công việc? Quang, Thịnh, Trung
  • 3 từ về văn hóa Lozi? mở, đổi mới, năng động
  • 3 tính năng trên app Loship? đề xuất thông minh món yêu thích theo tính cách khách hàng, đổi món, thống kê tối ưu hóa
  • 3 từ về app Loship? thiết kế đẹp, cập nhật liên tục, nhiều tính năng thú vị.

Cảm ơn anh Huy vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Đồng nghiệp nói gì về Huy?

Quang, Pair Growth Lead: “Anh Huy là người chăm chỉ, khiêm tốn. Cách anh Huy tiếp cận vấn đề, logic code ngay từ thời gian đầu tham gia Loship cũng rất đặc biệt. Mọi thứ đều được viết ra giấy, anh luôn trong tâm thế mở để lắng nghe và góp ý dù tuổi đã không còn thuộc dạng trẻ nữa. 8 năm tham gia startup đã xây dựng cho anh Huy những kỹ năng và tính cách tốt để nhập cuộc tại đây theo cách nhanh nhất có thể.”

💥 Nếu bạn cảm thấy Lozi và con người ở Lozi thú vị, hãy tham gia cùng chúng tôi: https://lozi.vn/career/

🙌Đừng quên follow Medium của Lozi để đón đọc những bài viết mới hàng tuần nhé!

--

--

Duyen Tran
lozi-teamblog

A highly responsible, results-driven, and detail-oriented individual with 5+ years of experience in public relations, communications, and content marketing.