#AskADeveloper: “Một ngày chỉ kéo dài 24 giờ. Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn sử dụng 24 giờ đó như thế nào.” Nguyễn Cường Thịnh — Product Manager

Duyen Tran
lozi-teamblog
Published in
16 min readApr 1, 2020

Cuộc trò chuyện hôm nay sẽ xoay quanh một anh chàng đã gắn bó với Lozi và Loship ngay từ những ngày đầu tiên. Hiện anh đang là Product Manager kiêm Project Manager tại Loship, là người đứng đằng sau mỗi tính năng được đưa lên mobile app. Trò chuyện với anh, tôi như cảm nhận được sự máu lửa và lòng nhiệt huyết đang chảy trong mỗi công việc mà anh làm. Sự máu lửa ấy đã được tôi luyện, mài giũa qua những năm tháng chinh chiến cùng đồng đội ở Loship, và dường như đã ăn sâu vào bản chất con người anh.

Cùng lắng nghe những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về hành trình dài 5 năm của một trong những đàn anh kỳ cựu nhất tại Loship nhé!

Chào anh, em nghe nói anh là một trong những thành viên “lão làng” nhất ở Lozi phải không?

Ừ thì có lẽ thế, vì anh “mới chỉ” gắn bó với Lozi, và sau này là Loship được ngót nghét hơn 5 năm thôi. Anh tên là Nguyễn Cường Thịnh, lúc trước tại công ty mọi người hay gọi anh với nickname là Mặp, lý do tại sao thì chắc em cũng nhìn thấy rồi đó (cười). Về sau trong công ty dần xuất hiện nhiều người…mập hơn anh, bị gọi nhầm tên hoài nên anh có thêm một biệt danh khác là Gấu.

Thời gian đầu khi mới vào Lozi, anh làm ở vị trí Web Developer. Công việc chính của anh lúc đó là xây dựng & bảo trì website của Lozi và phần dashboard cho nội bộ team Lozi sử dụng. Khi Lozi ra mắt dịch vụ Loship thì anh bắt đầu đảm nhiệm vị trí mới: Product Manager kiêm Project Manager. Cụ thể, anh làm việc với anh Hoàng Trung, CEO của Loship trong việc phát triển, cải tiến và vận hành App Loship một cách tốt nhất nhằm làm hài lòng và đáp ứng nhu cầu người dùng; đồng thời anh cũng hỗ trợ anh Thịnh CTO quản lý dự án, lập kế hoạch, sắp xếp đầu mục công việc, đảm bảo hiệu quả và hiệu suất làm việc của team Tech.

5 năm không phải là một chặng đường ngắn, vậy điều gì đã đưa anh đến với Lozi và giữ chân anh ở lại?

Anh biết đến Lozi từ hồi anh còn học đại học cơ, và chính thức gia nhập đại gia đình này vào tháng 7/2015, sau lời “rủ rê” của anh Thịnh CTO. Anh với Thịnh là bạn học chung thời đại học, tới lúc ra trường thì mỗi người có một định hướng riêng. Một ngày đẹp trời, Thịnh hỏi anh “Hey, team Lozi đang mở rộng, về Lozi không ông?”. Không cần suy nghĩ nhiều, anh đồng ý ngay vì cái ý tưởng mạng xã hội ăn uống lúc đó là một điều gì đó vô cùng hấp dẫn, mà anh thì lại mê đồ ăn nữa (cười). Thời điểm đó team Tech của Lozi chỉ khoảng 3–4 người.

Ngày anh tham gia Lozi, công ty đã có sản phẩm hoàn chỉnh cho website và mobile app. Anh còn nhớ vào năm 2015 thì ReactJS, một thư viện Javascript do Facebook phát triển, mới nổi ở nước ngoài và còn khá xa lạ ở Việt Nam, chỉ được hơn 1 năm tuổi và còn đang ở phiên bản thử nghiệm. Lozi là một trong những công ty hiếm hoi ở Việt Nam khi ấy dám sử dụng ReactJS để dựng website chính thức của công ty — Lozi.vn.

Từ đó, anh nhận thấy rằng ở Lozi là không ngại thử nghiệm cái mới, là không có giới hạn nào về mặt công nghệ. Điều đó vẫn đúng trong suốt thời gian anh làm công việc developer, mọi người vẫn luôn máu lửa, không ngại học hỏi những kiến thức mới mẻ và áp dụng chúng vào công việc, vào sản phẩm của mình.

Anh tưởng chỉ có team Tech mới thế, nhưng anh đã lầm. Sau này khi anh tiếp nhận những vai trò mới, làm việc với những con người mới bên ngoài team Tech, anh hiểu rằng đó chính là tính cách của con người Lozi. Làm việc tại Lozi, anh luôn được làm mới mình. Khi anh nghĩ rằng mình đã quen với công việc hiện tại, thì anh được trao cho những thử thách mới, đòi hỏi anh phải học thêm những kiến thức mới để giải quyết chúng. Anh nghĩ đây chính là lý do giữ chân anh ở Lozi.

Ở Lozi là không ngại thử nghiệm cái mới, là không có giới hạn nào về mặt công nghệ.

Từ một Web Developer trở thành Product Manager, anh có gặp phải khó khăn gì không?

Anh xuất phát điểm là một Developer và anh rất thích code. Tuy nhiên, anh cảm thấy có gì đó không đúng lắm. Anh không code theo kiểu dân “mọt” code chính hiệu. Anh dùng code để làm ra sản phẩm giải quyết vấn đề. Anh lần mò học cách thiết kế web từ cấp hai, lên cấp ba anh tự đọc ebook để học PHP rồi code một cái sổ lưu bút (guestbook) đơn giản, xin đứa bạn cái host và đăng ký một cái tên miền miễn phí, thế là anh “trình làng” website riêng cho lớp của mình. Sau đó cả tuần lễ, cứ giờ ra chơi là anh lên bảng ghi địa chỉ web để… quảng cáo. Nhìn thấy mọi người thích thú vào đó để lại những dòng tin nhắn, anh vui cực.

Còn nói về công việc Product Manager, hiểu đơn giản là phát triển sản phẩm thông qua việc xây dựng những tính năng mang lại giá trị cho người dùng — khách hàng của công ty. Người Product Manager có thể đến từ những background khác nhau, nhưng anh cảm thấy may mắn khi mình có xuất phát điểm là Developer. Điều đó giúp anh có được những góc nhìn rất khác nhau khi nói đến việc giải quyết một vấn đề, một công việc cụ thể.

Khi là Developer, anh chỉ giao tiếp với những dòng code. Khi là Product Manager, anh phải giao tiếp với những người Developer khác trong team Tech, và những người đồng nghiệp khác ngoài team Tech mà anh gọi là người Business. Khi đó anh phải làm sao diễn đạt một ý tưởng, một nhiệm vụ mà tất cả mọi người đều có thể hiểu. Người Developer có xu hướng nói chuyện kỹ thuật, ngôn ngữ có phần “máy móc”, trong khi người Business thì dùng ngôn ngữ rất thực tế, rất “người”. Nói vui thì anh giống như thông dịch viên, giúp cho người Business và người Developer có thể giao tiếp với nhau, từ ý tưởng, biến nó thành tính năng của sản phẩm. Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị, giúp anh học hỏi và phát triển rất nhiều về kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết phục người khác.

Khó khăn trong công việc thì luôn có. Có những sáng anh thức dậy mà cảm thấy stress không muốn đi làm, nhưng cũng có những đêm anh trực chiến cùng các bạn Developer để cùng nhau làm cho xong một tính năng còn dang dở, để rồi cả team rủ nhau đi nhậu mừng ra mắt tính năng mới. Thấy người dùng hưởng ứng tính năng đó, anh lại càng phấn khởi, như thời còn học cấp ba. Những điều nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa đó, là động lực rất lớn để anh tiếp tục và không bỏ cuộc.

Một ngày làm việc của anh tại Loship sẽ diễn ra như thế nào?

Có lẽ anh là người bị réo tên nhiều nhất ở team Tech, vì anh được xem như một “cổng thông tin” giải quyết mọi vấn đề liên quan tới Tech và kỹ thuật.

Vào mỗi buổi sáng, anh sẽ kiểm tra đầu việc cần làm trong ngày trên Trello, sau đó lên kế hoạch cho các thành viên trong team, kiểm tra tiến độ để đảm bảo thời gian xây dựng và phát triển các tính năng. Tiếp theo, anh sẽ làm những đầu việc của riêng anh như phác thảo hình hài của một tính năng mới, tiếp nhận vấn đề và đề xuất giải pháp cho các bộ phận khác trong công ty, tiêu biểu có thể kể đến như Chăm sóc khách hàng, Chăm sóc tài xế, Marketing, Sale,… là những bộ phận thường gặp anh nhất.

Song song đó thì anh làm nhiệm vụ “điều phối” các thắc mắc về kỹ thuật cần giải đáp của mọi người đến những bạn Developer/Leader phù hợp. Thỉnh thoảng “nhớ nghề”, anh cũng trực tiếp code một số tính năng trên dashboard web nội bộ của công ty.

Là người “chuyên phụ trách” việc xây dựng tính năng, đâu là tính năng mà anh cảm thấy tự hào nhất?

Anh cùng với team đã xây dựng rất nhiều tính năng trên App Loship rồi, nên thật khó để kể tên chỉ một tính năng khiến anh cảm thấy tự hào nhất. Tuy nhiên, anh sẽ chia sẻ về một tính năng tuy “nhỏ mà có võ”, đó là mời khách hàng đánh giá Loship trên App Store/Play Store.

Thời điểm khi Loship mới bắt đầu triển khai dịch vụ vào năm 2017, ứng dụng chỉ nhận được 2 sao. Dịch vụ Loship khi đó còn rất nhiều điều cần cải thiện, khách hàng có trải nghiệm chưa tốt sẽ đánh giá tệ cho ứng dụng. Nhưng khách hàng có trải nghiệm tốt thì lại ít khi chủ động đánh giá tích cực. Sau này khi Loship dần đi vào ổn định, lực lượng tài xế đông đảo hơn và chuyên nghiệp hơn, khách hàng cũng vì thế mà hài lòng hơn. Lúc này, bọn anh tập trung tìm giải pháp khuyến khích khách hàng để lại đánh giá tích cực cho ứng dụng Loship, cải thiện điểm số rating trên App Store/Play Store.

Anh bắt đầu làm research và vạch ra chiến lược: Nếu đơn hàng hoàn thành sau 1 tiếng mà không nhận được phản hồi từ khách hàng thì trong ứng dụng sẽ hiện lên banner nhắc khách hàng để lại đánh giá. Banner chỉ hiển thị ở một số vị trí trên ứng dụng với tiêu chí là “vừa đủ gây chú ý, nhưng tuyệt đối không làm phiền khách hàng”.

Tính năng được hoàn thành trong vòng 1 tuần kể từ lúc đưa ra ý tưởng. Thử thách lớn nhất là anh phải xác định trong ngữ cảnh nào thì banner được hiện ra, vì nếu không xử lý cẩn thận sẽ dễ gây tác dụng ngược. Sau một tháng ra mắt, điểm số đánh giá của ứng dụng Loship tăng dần từng ngày và hiện tại ổn định ở mức 4.0+.

Niềm vui khi xây dựng một tính năng đó là bạn nhìn thấy được vấn đề, đưa ra được giải pháp và giải pháp đó có những đóng góp nhất định vào sự phát triển chung của sản phẩm.

Tính năng của bạn không nhất thiết phải làm thay đổi thế giới nhưng nó sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều từ việc lên ý tưởng và giải quyết các vấn đề liên quan. Việc dồn sức để tạo ra những tính năng giá trị chính là cách khiến công việc mỗi ngày của anh trở nên thú vị hơn bao giờ hết.

Là Product Manager, hẳn anh đã phải nhận rất nhiều request về tính năng cùng một lúc. Làm thế nào anh đánh giá đâu là tính năng ưu tiên, đâu là không?

Để đánh giá đâu là tính năng ưu tiên, anh thường dựa vào 3 tiêu chí chính. Thứ nhất là trải nghiệm người dùng: liệu tính năng đó có thật sự đáp ứng nhu cầu người dùng hay không? Tính năng có tạo ra những trải nghiệm tích cực khiến người dùng muốn quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè, người thân của họ hay không?

Thứ hai là khả năng tăng lượng giao dịch: Tính năng có giúp tăng số giao dịch và giá trị giao dịch trung bình? Tính năng có duy trì khách hàng hoạt động thường xuyên trên ứng dụng?

Thứ ba là chi phí mà công ty bỏ ra hoặc tiết kiệm được khi phát triển tính năng. Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chi phí phát triển tính năng, chẳng hạn như độ phức tạp của tính năng, nền tảng hệ điều hành,…

Nhìn chung, mọi request về tính năng từ các bộ phận đều được bọn anh lắng nghe, xem xét và đánh giá một cách kỹ lưỡng. Tùy vào thời gian, resources của team cũng như mức độ ưu tiên của tính năng mà anh sẽ sắp xếp hợp lý, hoặc cho triển khai ngay lập tức, hoặc sẽ làm ở một thời điểm khác phù hợp hơn với định hướng chung về phát triển sản phẩm.

Em có chú ý, anh là người dùng rất nhiều ứng dụng. Ứng dụng nào truyền cảm hứng cho anh nhiều nhất trong quá trình làm Product?

Có thể nói đó là Swiggy và Meituan — 2 ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến hàng đầu thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. Những gì mà Swiggy và Meituan xây dựng được không đến trong ngày một ngày hai, mà đó là cả một quá trình dài nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển. Anh cảm thấy mình được “khai sáng” và truyền cảm hứng khá nhiều khi “vọc vạch” 2 ứng dụng này. Anh học cách họ thiết kế UI/UX và phát triển tính năng, cách họ đầu tư vào trải nghiệm người dùng để giữ chân khách hàng ở lại, để từ đó anh có thể tiếp thu, áp dụng và từng bước hoàn thiện cho product của chính mình.

Chúng ta nói về maintenance. Một tính năng làm ra, chắc chắn đều cần phải maintain và tìm các điểm hở và xử lý. Làm thế nào anh có thể quan sát một lúc thật nhiều tính năng đã phát triển cùng lúc và để biết tính năng nào cần được cải thiện thêm?

Anh có một channel riêng để cập nhật và theo dõi toàn bộ dữ liệu liên quan đến mọi tính năng. Khi một dữ liệu cụ thể nào đó có dấu hiệu giảm xuống, khả năng cao tính năng liên quan đến dữ liệu đó có vấn đề, và đó là lúc anh biết mình cần phải bắt tay vào cải thiện. Ngoài ra, những phản hồi từ khách hàng và đồng nghiệp cũng giúp anh rất nhiều trong quá trình tìm ra điểm hở của ứng dụng và xử lý.

Mặt khác, anh có thói quen sử dụng ứng dụng mỗi ngày, đặc biệt là một số tính năng quan trọng, qua đó anh có thể tự trải nghiệm và tìm ra những điểm khiếm khuyết cần được khắc phục. Nếu chính bản thân anh còn bối rối trong việc sử dụng sản phẩm của chính mình, hoặc không thể tìm được một chức năng nào đó giúp ích cho trải nghiệm, thì người dùng thật sự sẽ càng cảm thấy bối rối hơn.

Nếu có quá nhiều tính năng cần cải thiện cùng 1 lúc? Anh vẫn sẽ theo 3 tiêu chí đánh giá ở trên để sắp xếp mức độ ưu tiên xử lý. Bài học anh rút ra được là phải tập trung nguồn lực và phát huy tối đa khả năng ở một hoặc hai thứ. Tránh sự cám dỗ của việc làm mọi thứ để rồi không tốt ở bất kỳ thứ nào.

Làm Product, chắc chắn sẽ cần Insight. Làm thế nào anh có Insight về việc phát triển mới?

Có 2 hướng giúp anh thu thập insight trong quá trình phát triển sản phẩm. Thứ nhất là nghiên cứu những sản phẩm chuẩn mực trên thị trường (như Swiggy và Meituan); phân tích thật kỹ những gì họ đang làm để từ đó rút ra những insight hay ho có thể áp dụng.

Điều thứ hai, và cũng là điều quan trọng nhất, chính là thông qua những đánh giá và phản hồi từ phía khách hàng. Dựa trên những bày tỏ của khách hàng về vấn đề họ gặp phải trong quá trình sử dụng, anh sẽ đúc kết được nhiều ý tưởng về hướng phát triển mới, có thể là tạo ra những tính năng mới, hoặc cải tiến chất lượng tính năng sẵn có để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dùng.

Nói tóm lại, anh giải quyết mọi thứ dựa trên vấn đề, anh phát triển tính năng để giải quyết vấn đề người dùng. Điều này giúp cho mỗi tính năng khi được làm ra sẽ thực tế và đánh thẳng vào tâm lý người dùng, hơn là một mình anh tự mày mò và tự suy nghĩ ra 1 tính năng mới.

Anh này, bây giờ mình chia sẻ một xíu về cảm nhận cá nhân nhé. Điều gì khiến anh tự hào và hạnh phúc nhất khi làm việc ở Loship?

Tại Loship, anh được làm việc với tập thể toàn những người giỏi và có chí lớn, đặc biệt là anh Trung CEO. Dù ở vị trí lãnh đạo nhưng anh Trung luôn lắng nghe ý kiến mọi người, luôn tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho từng cá nhân có thể phát triển và hoàn thiện bản thân. Anh tin là không chỉ riêng anh, mà ai đã từng tiếp xúc với anh Trung cũng đều cảm nhận được sự tận tâm và được truyền “lửa” từ người anh lớn này rất nhiều.

Thú thực anh là một đứa rất lười học, mà ở Loship thì không có cơ hội để lười. Anh được học hỏi mỗi ngày, được ném mình vào những thử thách và được trải nghiệm vô vàn thứ mới mẻ mà chưa chắc ở những nơi khác anh có thể nhận được. Điều tuyệt nhất nữa là không bao giờ anh phải trải qua thử thách một mình. Anh luôn có những người đồng đội vừa là bạn, vừa là thầy, sẵn sàng chiến đấu cùng anh, lại cũng dạy cho anh thật nhiều bài học, bất kể sáng đêm hay thậm chí là ngày nghỉ. Điều đó càng cho anh thêm tự tin để có thể đón nhận nhiều thử thách lớn hơn.

Nhìn lại mới thấy, Lozi và Loship đối với anh giống như một người bạn vậy đó, cùng trải qua khoảng thời gian dài với nhiều cột mốc và thay đổi trong cuộc sống. Giờ đây anh cảm thấy rất tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo đồng phục Loship, được nhìn thấy shipper của Loship chạy trên đường. Cũng đã có nhiều bạn rời đi để tìm cho mình hướng phát triển mới. Còn với anh, anh cảm thấy rằng mình vẫn còn có thể phát triển hơn nữa, làm được nhiều thứ hơn nữa, thì anh sẽ còn chiến đấu cùng Lozi. Bạn bè hỏi “Còn làm ở Lozi không?”, anh nhe răng, “Còn chứ, dễ gì nghỉ.”

Nếu chỉ được dùng một từ để miêu tả về team Tech, anh sẽ dùng từ gì?

Hmm, đó chính là “sự máu lửa”. Em biết đấy, Loship không phải là nơi bạn đến ngồi 8 tiếng rồi về. Loship là nơi bạn phải cháy hết mình và đặt trái tim nhiệt huyết vào từng công việc mà bạn làm. Mọi thành viên trong Loship đều sẵn sàng làm việc ngày thứ bảy, riêng bản thân anh và team Tech thì không quan trọng hôm nay thứ mấy, mà quan trọng là việc đã xong chưa? Nói như vậy không có nghĩa là bọn anh buộc phải làm thêm giờ, đó là lựa chọn của mỗi người khi muốn khẳng định bản thân khi tạo ra giá trị cho công việc, và cũng là tạo ra tương lai cho chính mình.

Một ngày chỉ kéo dài 24 giờ. Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn sử dụng 24 giờ đó như thế nào. Thời gian khi các bạn còn trẻ là vô cùng quý báu. Cách bạn sử dụng thời gian khi còn trẻ sẽ quyết định chất lượng và tiêu chuẩn phần đời còn lại của bạn.

Loship không phải là nơi bạn đến làm việc 8 tiếng rồi về. Đây là nơi bạn phải cháy hết mình và đặt trái tim nhiệt huyết vào từng công việc mà bạn làm.

Kế hoạch phát triển của team Tech trong tương lai là gì?

Trong năm nay bọn anh sẽ mở rộng team lên 40 người, đồng thời tiếp tục cập nhật và nâng cấp đều đặn những tính năng mới nhằm mang lại sự phục vụ tốt nhất cho khách hàng, cũng như san bằng khoảng cách về hạ tầng kỹ thuật với đối thủ. Anh tin rằng với bản lĩnh và sự máu lửa của người Loship, khoảng cách đó sẽ được rút ngắn sớm thôi.

Chúng ta đã đi đến cuối cuộc nói chuyện, giờ là 10 câu hỏi nhanh về anh:

  1. Google và Apple, anh thích ai? Google
  2. Google Spreadsheet và Microsoft Words, anh thích công cụ nào hơn? Google Spreadsheet
  3. Ứng dụng nào mà anh không thể không dùng mỗi ngày? Slack
  4. 3 từ để nói về ứng dụng Loship? Giao đồ ăn; Miễn phí ship; Trong một giờ
  5. 3 tính năng anh thích nhất trên Loship? Đặt giùm người thân; Đặt lại món; Gợi ý quán bán món bạn đã đặt gần đây
  6. 3 tính năng mà anh nghĩ cần cải thiện thêm trên Loship? Trải nghiệm đặt hàng; Trải nghiệm tìm kiếm; Trải nghiệm gợi ý (recommendation)
  7. 3 người tại Loship ảnh hưởng đến quan điểm của anh trong công việc? Anh Trung CEO, anh Thịnh CTO, Ngọc Kiều Chăm sóc Khách hàng
  8. Chất lượng sản phẩm của Loship so với trình độ sản phẩm chung của các công ty Việt Nam (Zalo, Tiki, Sendo,…)? Bằng hoặc hơn
  9. Chất lượng sản phẩm của Loship so với các đối thủ trên khu vực? Còn khoảng cách cần rút ngắn
  10. 3 từ để miêu tả Loship trong 2 năm sắp tới? Rất dễ dùng; Quán nào cũng có; Dùng suốt ngày

Cuối cùng, lời khuyên của anh dành cho những bạn trẻ mong muốn làm việc tại Loship?

Ở Loship, bạn sẽ được trao rất nhiều cơ hội. Một năm bạn “lăn lộn” ở Loship sẽ bằng 2 đến 3 năm bạn làm ở ngoài. Tuổi trẻ và thời gian là của bạn, do bạn tự quyết định, vì thế hãy sử dụng chúng một cách sáng suốt.

Tuổi trẻ và thời gian là của bạn, hãy sử dụng chúng một cách sáng suốt.

Những chia sẻ của anh Mặp đã khiến tôi ngộ ra nhiều điều về lý tưởng sống của người trẻ. Thành công sẽ chỉ đến với những ai biết rõ mình muốn gì, không ngừng cố gắng và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được điều đó. Nếu cứ mãi rong chơi và trì hoãn, tuổi trẻ của bạn sẽ trôi qua nhanh chóng mà không để lại một chút thành tựu nào.

Liệu bạn đã sẵn sàng để đầu tư cho tuổi trẻ của chính mình? Bạn có đủ can đảm để bắt đầu một chặng đường mới đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị? Hãy gia nhập đại gia đình Lozi chúng tôi!

Lozi Team: https://lozi.vn/career/

--

--

Duyen Tran
lozi-teamblog

A highly responsible, results-driven, and detail-oriented individual with 5+ years of experience in public relations, communications, and content marketing.