#AskADeveloper: “Nếu ví mỗi ngày là một cơ hội để mình học hỏi và khám phá, thì làm Tech lại Loship chính là như vậy.” — Ninh Văn Luyến, Driver-Merchant Pair Lead

Phan Lê Diệu Hiền
lozi-teamblog
Published in
16 min readDec 18, 2021

🎧🎧 Lắng nghe toàn bộ buổi chia sẻ tại Life at Loship Podcast bạn nha!

Lần đầu tiên trò chuyện cùng Luyến, ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một người rất chân thật, trầm tính và tình cảm. Càng đi sâu vào bên trong, tôi càng nhận bản chất đơn giản, mộc mạc nhưng không ngừng cầu tiến và chăm chỉ ngấm thuần vào con người anh một cách rất tự nhiên. “Vững chãi” có lẽ là tính từ cuối cùng mà tôi muốn dành cho anh — một con người kiên định trong công việc bên cạnh những sở thích và niềm đam mê bay bổng.

Hãy cùng #AskADeveloper đến với cuộc đối thoại thú vị cùng Ninh Văn Luyến, Driver-Merchant Pair Lead tại Loship để có thể hiểu hơn về công việc và chất xúc tác truyền cảm hứng tạo nên con người anh ở hiện tại là gì nhé! #AskADeveloper On!

Hi anh, đây là lần đầu tiên chúng ta trò chuyện với nhau, anh hãy giới thiệu sơ lược về bản thân nhé!

Xin chào! Mình là Luyến, Driver-Merchant Pair Lead tại Loship. Mình chịu trách nhiệm phát triển, xử lý và giải quyết vấn đề của 2 app Loship Driver & Loship Merchant. Mình tham gia Loship từ tháng 3/2019, tính đến nay cũng hơn 3 năm rồi.

Quá trình làm việc tại Loship gắn liền với rất nhiều thăng trầm khác nhau. Quay lại thời điểm mới bắt đầu, điều khiến mình nhớ mãi đó là văn phòng của Loship lúc ấy rất nhỏ. Thế nhưng cũng nhờ văn phòng nhỏ như thế, mình mới có thể trực tiếp nhìn thấy các “khách hàng” của mình — họ là những chiến binh, đội quân shipper của Loship.

Cảm giác khi có thể nhìn thấy cụ thể những vấn đề người dùng gặp phải và cách người Loship dùng công nghệ để giải quyết chúng thật sự rất ấn tượng.

Vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với Loship?

Mình đến với Loship theo một cách rất tình cờ. Khi ấy, mình đang trong giai đoạn tái tạo và phục hồi sau quãng thời gian làm việc cũng khá căng thẳng tại công ty cũ. Tình cờ, mình được một chị HR giới thiệu qua Loship, và trùng hợp thay, mình và chị HR ở Loship đã từng là đồng nghiệp của nhau trước đây. Trái đất rất tròn, tròn đến nỗi đi đến đâu cũng gặp người quen. (cười)

Vai trò của một Driver-Merchant Pair Lead tại Loship là gì?

Driver-Merchant Pair sẽ tập trung giải quyết các bài toán liên quan đến driver (tài xế) và merchant (chủ cửa hàng).

Đối với một Pair Lead, điều quan trọng nhất chính là định hướng hoạt động cho team, quản lý và dẫn dắt các thành viên trong team. Khoảng thời gian đầu khi mọi người mới vào team thường sẽ chưa nắm được hết mọi khía cạnh của business, mình sẽ cần phải giải thích, truyền đạt lại những tính năng, hệ thống kỹ thuật mà Loship đang có. Mình sẽ cần phải có trách nhiệm với nhiều người và học cách phân bổ công việc cho đúng người tại đúng năng lực của họ.

Ngoài vai trò Driver-Merchant Pair Lead, mình còn là một Android Developer. Bên cạnh việc phát triển những tính năng cho phiên bản Android trên app, mình cũng sẽ cần đưa ra những giải pháp, đề xuất tính năng mới phù hợp với nhu cầu của user, sau đó trình bày với anh Thịnh CTO về những đề xuất ấy. Môi trường tại Loship luôn khuyến khích mọi người đóng góp ý tưởng, điều này không chỉ giúp công ty tạo ra nhiều giải pháp, nó còn giúp mọi người tham gia tích cực hơn và cảm thấy những đóng góp của mình có giá trị hơn.

Nếu ví mỗi ngày là một cơ hội, thách thức để cho mình học hỏi và khám phá, thì làm Tech lại Loship chính là như vậy.

Không biết trải nghiệm từ 1 người Developer bình thường lên làm Pair Lead thì sẽ như thế nào anh nhỉ?

Cảm giác ban đầu khá là sợ. Mình nhớ team size lúc đó là 8 bạn và câu chuyện lead team là một câu chuyện không hề đơn giản. Trách nhiệm nhân lên gấp đôi, không chỉ hoàn thành tốt việc của mình mà còn phải theo sát công việc của những người trong team. Anh Thịnh CTO là người động viên mình nhiều nhất trong thời gian đó, anh chia sẻ với mình rằng: mọi thứ đều cần phải làm từng bước, không có sự khởi đầu nào mà không gặp bỡ ngỡ hay khó khăn, và cũng không có điều gì gọi là hoàn hảo, sẽ luôn phải đi từng bước một, và mình đã làm như thế.

Theo anh, Developer tại Loship sẽ có điểm gì khác biệt so với những nơi khác?

Mình đã từng làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, và có lẽ sự khác biệt của người Developer ở Loship nằm ở tinh thần nhiệt huyết và tính trực chiến luôn đặt lên hàng đầu. Như mình đã nói, không điều gì quý giá hơn khi có thể trực tiếp nhìn thấy phản ánh của người dùng. Đó là những chiến binh Loship, những người đang ngày ngày kiếm kế sinh nhai trên ứng dụng của mình. Chính những điều đó đã giúp mình ý thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm mà một đội ngũ mang lại đối với shipper và cả những người merchant.

Sự khác biệt của một người Developer ở Loship nằm ở tinh thần nhiệt huyết và tính trực chiến luôn đặt lên hàng đầu.

Anh có thể chia sẻ thêm về tính thực chiến ở đây?

Tinh thần thực chiến của team Tech nằm ở chỗ, bạn không cần phải quá giỏi, tuy nhiên bạn cần phải linh động và biết cách thay đổi ngay tại thời điểm đó. Lý thuyết là xương sống, nhưng không phải lý thuyết nào cũng đúng trong mọi hoàn cảnh. Điểm mấu chốt không phải ở chuyện theo lý thuyết hay thực tế, mà là tính liên kết. Bạn liên kết được lý thuyết với thực tế, và biết cách ứng dụng nhanh để giải quyết vấn đề — đó chính là thực chiến.

1 câu chuyện thực chiến về trải nghiệm trên app Loship Merchant, khi các chủ cửa hàng mở app, họ gặp phải trải nghiệm chưa tốt là tốc độ load trang khá chậm. Ngay sau khi nhận được phản hồi, team mình đã đưa ra một giải pháp tức thời là hiển thị chuyển động load trang để người dùng tiện theo dõi. Trong trải nghiệm người dùng, tâm lý chờ đợi cũng quan trọng không kém tốc độ load thực. Khi nhìn thấy chuyển động load, họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi phải chờ đợi. Ví dụ trên cũng cho thấy việc đôi khi chỉ cần một thay đổi nhỏ thì trải nghiệm người dùng cũng đã được cải thiện đáng kể.

Tinh thần thực tiến ở team Tech nằm ở chỗ, không cần bạn phải quá giỏi, tuy nhiên bạn cần phải linh động và thay đổi được ngay trong thời điểm đó.

Trong suốt quá trình làm việc, anh có vướng phải lỗi kỹ thuật nào không? Cách giải quyết và thời gian xử lý lỗi đó như thế nào?

Câu trả lời là có. Mình vẫn còn nhớ rất rõ tình huống khi shipper đứng ngay sau lưng, họ trình bày những vấn đề mà họ gặp phải với app Loship Driver. Cảm giác như việc mình làm đang trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của họ — một cảm giác bất an. Rất may sau đó, anh Product Manager đến và đưa ra giải pháp cho cả hai bên, giải quyết phần nào cho shipper, nhưng trách nhiệm của mình thì vẫn luôn còn đó.

Đấy là nỗi đau đáu của mỗi người khi quyết định gắn bó vào một tổ chức nào đó, trách nhiệm sẽ đến với bạn rất tự nhiên, tựa như trong chính mạch máu và hơi thở. Bạn thức dậy mỗi ngày với một nhiệm vụ phải làm, một mục tiêu phải đạt được, đó là khi bạn cảm thấy mình là một phần của đội ngũ.

Về phía merchant, mình cũng có một kỉ niệm đáng nhớ. Đó là khi merchant phản ánh với công ty rằng họ không in được hóa đơn trên thiết bị POS mà bên mình hỗ trợ. Team mình đã gọi cho phía merchant và ngay sáng hôm sau, mình đã xuống tận cửa hàng để tìm hiểu ngọn ngành vấn đề. Cũng giống như một người khách bình thường, mình gọi món rồi ngồi quan sát cách họ sử dụng tính năng bên mình. Sau đó, mình mới giới thiệu rằng mình ở bên Loship qua, họ đã rất bất ngờ và vui mừng khi được hỗ trợ, họ không nghĩ rằng Loship sẽ đến và giúp đỡ tận nơi như vậy.

Điều mình cảm nhận được rất rõ đó là Loship rất tận tâm với khách hàng của mình. Tại Loship, mình có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện rất thật, rất đời và được trao quyền xử lý, chủ động và chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân — điều mà khi ở trong những môi trường khác, mình chưa có cơ hội được làm. Mình nghĩ đó là giá trị cốt lõi giữ chân mình lại Loship.

Tại Loship, mình có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện rất thật, rất đời. Nếu một startup chỉ gắn với hình ảnh lung linh hào nhoáng, thì có lẽ đó không phải là startup rồi.

Tính tới thời điểm hiện tại, sau gần 3 năm làm việc tại Loship, đâu là yếu tố mang lại giá trị nhiều nhất đối với anh?

3 năm ở Loship, mình đã thay đổi rất nhiều. Điều mang lại giá trị nhất cho mình ở vị trí Android Developer là câu chuyện làm sản phẩm, cụ thể là phát triển những tính năng mới, cập nhật nó và thay đổi theo xu thế mới của Android. Đến bây giờ, có lẽ là một chút gì đó tự hào khi có thể cùng đồng đội quản lý được 3 app của Loship.

Kỹ năng mềm, cụ thể là kỹ năng giao tiếp là giá trị tiếp theo thay đổi mình rất nhiều, khi mình đã có thể tự tin hơn trong việc trao đổi với các stakeholder. Xuất phát điểm là dân Tech nên mình không giỏi giao tiếp đâu, nhưng rất may là anh Thịnh CTO và anh Trung CEO đã cho mình nhiều cơ hội lớn khi được trao đổi và nói chuyện trực tiếp với nhiều stakeholder khác nhau. Ban đầu cũng khá là tự ti và đôi khi mình bị miss thông tin bên phía stakeholder. Trải qua nhiều lần như vậy thì mình không còn sợ nữa, kể cả bạn có là dân kỹ thuật đi chăng nữa, thì kỹ năng mềm vẫn là thứ giúp bạn sinh tồn.

Làm việc tại startup, chắc chắn sẽ có những thời điểm chúng ta đi qua những thăng trầm. Có bao giờ anh cảm thấy nản chí và muốn bỏ cuộc không?

Có chứ, chắc chắn là có rồi! Lần đầu tiên là khi mình vào Loship, mình đã có những suy nghĩ tiêu cực như không gian ồn thế này thì làm sao mọi người có thể tập trung làm việc được, chắc mình chỉ có thể gắn bó ở đây vài tháng thôi. Sau đó thì mình quen dần với công việc và gắn bó từ lúc nào không hay.

Cho đến thời điểm hiện tại, Loship đã chuyển qua một văn phòng mới, rộng rãi và khang trang hơn rất nhiều. Nhìn lại quãng thời gian trước đây, mình nghĩ nếu lúc trước mình bỏ cuộc sớm, thì chắc chắn đã không có ngày hôm nay, khi mình ngồi làm việc tại văn phòng mới, số lượng nhân viên đông gấp 3 lần, và cũng từ đó, mình có thể nhìn thấy được sự tăng trưởng của công ty qua từng ngày.

Hướng tiếp cận của anh khi giải quyết vấn đề sẽ như thế nào?

Thật ra trước đây, mình tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách khá hời hợt. Mình chỉ dừng ở mức đưa ra giải pháp ở phương diện bề mặt mà không đi sâu vào ngọn ngành bên trong. Sau một quãng thời gian, khi được lắng nghe nhiều hơn những chia sẻ và tâm tư của shipper, mình nhận ra bản thân cần phải có nhiều trách nhiệm hơn với công việc này.

Khi giải quyết vấn đề, mình không chỉ giải quyết cho một khách hàng mà là cho mọi khách hàng. Mình luôn tự hỏi chính mình rằng: liệu vấn đề đó đã giải quyết được cặn kẽ và sát nguồn gốc chưa.

Để vấn đề không lặp lại, cần phải triệt tiêu được nguyên nhân gốc rễ của nó. Vì nếu chỉ tập trung loại bỏ triệu chứng, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn bởi vấn đề thì vẫn ở đó nhưng không còn dấu hiệu để nhận biết hay quản lý nó nữa. Còn nếu chỉ loại bỏ nguyên nhân cấp 1 hoặc cấp cao hơn thì cũng chỉ tạm thời giảm bớt vấn đề. Nguyên nhân gốc rễ kia vẫn còn đó, tiềm ẩn cho sự xuất hiện trở lại.

Tiêu chí của anh khi giải quyết vấn đề chính là: “Get things done”. Get things done ở đây nghĩa là giải quyết vấn đề nhanh, mang lại giá trị cao nhất cho người dùng. Thứ nhất là về tốc độ, mình sẽ phải ưu tiên đầu tiên. Nếu vấn đề nào có thể giải quyết trong vòng 5 phút, thì mình sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề đó trước, những vấn đề phức tạp hơn thì sẽ phải được thông báo lại về thời gian có thể phản hồi. Cảm giác đi trên dây là một thứ gì đó rất mạo hiểm, nhưng khi con người ta có thể đi trên dây được rồi, tức là họ đã có thể thăng bằng, điểm thăng bằng quyết định được ai sẽ là người cân bằng được tốt hơn, trong công việc cũng như vậy.

Tính năng mà anh tâm đắc nhất trong quá trình làm việc tại Loship?

Tính năng mình ấn tượng nhất trong quá trình thực hiện đó là tính năng đổi món. Trước khi có tính năng đó thì shipper sẽ phải tự nhớ hoặc ghi chú ở đâu đó mỗi khi user đổi món. Sau khi nhận được những phản hồi từ shipper, mình và các đồng đội đã cùng nhau nghiên cứu và phát triển tính năng ấy. Một cảm giác rất tuyệt vời khi mang lại được trải nghiệm tốt hơn cho các shipper trong câu chuyện đi đơn.

Là 1 người Android Developer, anh cho rằng kỹ năng nào là quan trọng nhất?

Đối với người Tech thì kỹ năng research là kỹ năng quan trọng nhất. Đồng ý với nhau tất cả những kiến thức đều có trên Internet. Vậy bạn phải làm gì để có thể tiếp cận được chúng? — Research.

Tiếp theo là khả năng tự học. Trong ngành IT, học cũng là một phần của công việc. Để làm mới những skill của bản thân, để theo kịp thời đại, không bị thụt lùi so với thế giới, bạn phải tự học. Việc học luôn luôn là một hành trình dài. Bạn không thể nào học một phát là biết hết, mà cũng không cần phải biết hết tất cả. Chỉ cần biết đủ là bạn đã có thể áp dụng thứ vừa học vào công việc được.

Khi mình tập trung vào hoàn thiện bản thân, dù chỉ là 1% thay đổi cho mỗi ngày, thì sau này khi nhìn lại cả một quãng đường đã cố gắng trước đây, cũng là một kỳ tích rồi.

Theo em được biết, hệ điều hành Android rất phân mảnh. Khi lập trình Android ở Loship, anh đã khắc phục điều này như thế nào?

Câu chuyện phân mảnh ở Android là vấn đề phải gặp mỗi ngày, nhất là screen size, font size, giải pháp duy nhất đó là sự tỉ mỉ. Có một câu nói rất hay rằng: “Beware of little expenses. A small leak can sink a great ship”- Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu.

Trong 4 thuộc tính quan trọng của ngôn ngữ lập trình: đóng gói (encapsulation), kế thừa (inheritance), đa hình (polymorphism), trừu tượng (abstraction), theo anh thì thuộc tính nào là quan trọng nhất và tại sao anh lại nghĩ như vậy?

Đối với mình thì tính trừu tượng là điểm vừa thiết thực vừa mang lại ý nghĩa trong câu chuyện lập trình. Khi tiếp cận một vấn đề, bạn cần phải suy nghĩ và hình dung ra bức tranh tổng thể, tính trừu tượng của nó ra sao, sau đó thì scale up nó lên bằng cách nào, tính trừu tượng ở đây nghĩa là khái quát, từ tổng quan mới đi tới được chi tiết.

Chắc hẳn chất thơ và sự bay bổng trong những sở thích cá nhân của anh (chơi đàn, chụp ảnh, nuôi cá cảnh) luôn tồn tại một điểm chung nào đó với công việc kỹ sư công nghệ mà anh đang theo đuổi. Theo anh, giao điểm giữa hai trường phái nghe có vẻ hoàn toàn đối lập nhau này là gì?

Khi đã gắn bó với một công việc chiếm hơn một nửa thời gian trong ngày, con người ta sẽ thường thích tìm kiếm những điều gì đó trái ngược lại với quãng thời gian bạn đã vô cùng cống hiến và tập trung đó.

Mình thích đi xa, thích đi du lịch và khám phá khắp Việt Nam mình, mình cũng thích nuôi cá, nuôi thủy sinh, chăm cây kiểng. Cảm giác được thư giãn và thoải mái hơn rất nhiều khi được đưa đôi mắt nhìn ra một góc khác của cuộc sống, thay vì mình lại ngồi chơi game và tiếp tục nhìn vào màn hình máy tính, thì mình chọn những hoạt động trái ngược lại với công việc của mình.

Ngoài công việc, anh còn có sở thích chụp ảnh, nuôi cá, đánh đàn và đôi khi chỉ là sống chậm lại đê ̉quan sát mọi thứ xung quanh mình (Nguồn ảnh: Ninh Văn Luyến)

Tái tạo nguồn năng lượng để duy trì năng suất làm việc là rất quan trọng. Trong quá trình tái tạo năng lượng ấy, anh sẽ nghỉ ngơi hay sẽ học hỏi thêm một kiến thức mới?

Mình sẽ kết hợp vừa nghỉ ngơi vừa học thêm kiến thức mới. Khi đầu óc được thư giãn và nới lỏng thì việc tiếp nhận những điều mới cũng dễ dàng hơn. Mình chọn cả hai vì nếu chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi, mình sẽ không thể nào chịu được cảm giác “nhàn rỗi” ấy, học trong cả lúc nghỉ ngơi là cách khiến bộ não mình luôn được vận động một cách tích cực mà phải không (cười).

Anh nghĩ tố chất nào mà anh tìm kiếm ở những người cộng sự làm việc chung với mình?

Mình nghĩ chính trực là điều quan trọng nhất. Khi đảm nhận trách nhiệm, hãy chịu trách nhiệm về mọi việc bạn làm, tránh đổ lỗi cho người khác về những sai sót, trễ tiến độ hoặc do bug có thể xảy ra.

Thay vì phàn nàn về một lỗi mà ai đó đã tìm ra, hãy giúp họ sửa lỗi và làm sao để tránh những lỗi đó trong tương lai. Những lời bào chữa sẽ không giúp giải quyết được vấn đề gì. Dành thời gian để hoàn thành những gì bạn đã cam kết.

Chúng ta hãy đi qua một số câu hỏi nhanh về anh nhé, anh đã sẵn sàng rồi chứ?

  • 3 từ để miêu tả về bản thân anh? Đơn giản, chân thật, chăm chỉ.
  • Khía cạnh trong công việc mà anh không bao giờ thỏa hiệp? Không trung thực.
  • 3 điều anh thích nhất về công việc hiện tại? Thực chiến, chủ động, chia sẻ.
  • 3 từ để miêu tả về văn hóa ở Loship? Thoải mái, thân thiện, nhiệt huyết.
  • 3 điểm đặc biệt anh cảm nhận về văn hóa team Tech ở Loship? Sự giúp đỡ, tinh thần chia sẻ, có người định hướng tốt.

Kết thúc buổi trò chuyện, tôi nhận ra điểm chung ở những người làm Tech tôi có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện là: tất cả mọi người đều đến và gắn bó với Loship khi mọi thứ còn vô cùng nguyên bản và sơ khai. Để có thể trụ vững và đi qua một cuộc hành trình dài không thiếu những vất vả và thăng trầm, đều là những giá trị rất đáng trân quý, là chặng đường gắn liền với những bài học, niềm vui, hạnh phúc, sự mất mát và cả những hy sinh.

Hãy cùng chúng tôi bước tiếp và viết nên những trang tiếp theo trong cuộc hành trình này. Ở Loship, chúng tôi không ngại đổi mới, không ngại sai lầm và cả thử thách, chúng tôi đã “đặt cược” vào bạn, liệu bạn có muốn “đặt cược” cùng chúng tôi: https://loship.vn/careers/

💥Theo dõi Loship để cập nhật thông tin mới nhất:

--

--