#AskADeveloper: “Số lượng vấn đề của một môi trường sẽ quyết định tốc độ phát triển của bạn nhanh tới đâu” — Nguyễn Ngọc Thịnh, CTO Loship

Duyen Tran
lozi-teamblog
Published in
16 min readNov 30, 2021

🎧🎧 Toàn bộ nội dung có thể lắng nghe tại: Life At Loship Podcast!

Mới đây, chúng mình lại có cơ hội ngồi trò chuyện cùng anh Nguyễn Ngọc Thịnh, CTO Loship để lắng nghe những quan điểm của anh về câu chuyện điều hành và quản lý đội ngũ công nghệ tại một startup có tốc độ tăng trưởng vô cùng nhanh.

“Anh luôn nói với các bạn Tech rằng: Từng dòng code bạn viết ra ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến bữa cơm của hàng ngàn shipper ngoài kia — điều đó có nghĩa rằng công việc của bạn đi kèm với trách nhiệm. Khi bạn cảm nhận rõ ràng giá trị mà mình đem lại vượt ra khỏi những khuôn khổ của bản thân, bạn góp phần tạo dựng giá trị cho những người khác và toàn xã hội, khi đó bạn sẽ không cần phải tự hỏi: Hôm nay đi làm để làm gì?” — Anh Thịnh CTO Loship chia sẻ.

Giờ thì, #AskADeveloper On! Đừng quên follow Spotify: Life at Loship của chúng mình để không bỏ lỡ những tập podcast mới nhất nhé!

Để diễn tả phong cách lãnh đạo và điều hành của anh trong vòng 3 từ, thì đó sẽ là gì?

Khi nhận được những câu hỏi như chọn ra 3 từ hay 1 từ, với anh nó thật khó để trả lời, vì anh rất ít khi chọn cho riêng mình một bảng xếp hạng top 3 hay top 1 (cười).

Để nói về phong cách lãnh đạo của anh, từ trước tới nay, anh luôn lãnh đạo theo hướng một người nhân viên mong đợi ở người leader của mình. Điều đó có nghĩa là, anh đứng ở góc nhìn của nhân viên, đặt mình vào vị trí nhân viên để có thể thật sự lắng nghe và thấu hiểu họ.

Anh muốn một mối quan hệ sâu sắc hơn thay vì chỉ đơn thuần về công việc. Anh muốn trong mối quan hệ đó, chúng ta có thể thoải mái chia sẻ cho nhau nghe những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, thậm chí những vấn đề đang gặp phải ngoài cuộc sống. Anh luôn quan niệm rằng, cuộc sống và công việc là 2 phần song hành cùng nhau và chúng ta không nhất thiết phải tách biệt chúng. Trong công việc, mối quan hệ của chúng ta là leader-nhân viên, thì ngoài cuộc sống, hãy để mối quan hệ đó được gắn bó và phát triển như những người bạn của nhau.

Nếu anh có bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống và anh muốn tâm sự với người leader, thì anh có thể nói chuyện được với họ. Chứ không phải là một người leader suốt ngày ngồi trong phòng kín và không ai dám chia sẻ hoặc nói lên suy nghĩ.

Một điều nữa, anh mong muốn một người leader có định hướng rõ ràng và đầu tư vào con người, bởi cá nhân anh luôn xem trọng Engineering-Driven, tức phải thật sự tập trung và đầu tư vào con người Engineer.

Anh nghĩ thử thách lớn nhất của 1 người CTO tại startup là gì?

Cá nhân anh, anh cảm thấy điểm khó nhất khi làm CTO tại startup đó là: sẽ không ai dạy các bạn cách để trở thành một CTO cả. Bạn sẽ phải “vừa đi vừa học” một cách đúng nghĩa, sẽ có rất nhiều thử thách mà bạn chưa bao giờ gặp hoặc chưa từng nghĩ đến bao giờ. Bạn cần phải chuẩn bị tinh thần cho tất cả những điều đó.

Thử thách thứ hai nằm ở chỗ CTO startup sẽ phải cân nhắc và đưa lên bàn cân để lựa chọn rất nhiều thứ. Khi chúng ta nhỏ, điều ta nên quan tâm là làm thế nào để tiết kiệm chi phí. Khi chúng ta lớn hơn một chút, để đáp ứng nhu cầu mở rộng và tăng trưởng của business, chúng ta nên chọn cách nào để vừa scale hiệu quả vừa giữ được mức chi phí tốt nhất. Điều đó sẽ khác hơn rất nhiều so với câu chuyện làm CTO tại big corp, vì bạn buộc phải đi những con đường khác.

Thế nhưng, không phải “ngõ hẹp” nào cũng tồi tệ và không phải “lối to” nào cũng tuyệt vời. Hầu hết những phát kiến mới ở startup sẽ nằm trong tay các bạn. Bởi một khi bạn rơi vào một môi trường có quá ít sự lựa chọn, bạn buộc phải đưa ra những giải pháp thông minh nhất, những sự lựa chọn tối ưu nhất, và những phát kiến độc đáo nhất cũng sẽ phát sinh từ những cách như vậy.

Nhân tiện chúng ta nói về những phát kiến, từ Lozi đến Loship, liệu có phát kiến nào mà anh cho là tự hào nhất không?

Có 2 phát kiến mà anh cảm thấy tự hào nhất: (1) quy trình làm việc của team Tech & (2) hệ thống hạ tầng.

Phát kiến về quy trình làm việc không phải là điều gì đó mới mẻ hoàn toàn, thế nhưng đó là một thứ đột phá ở Loship. Anh rất tự hào về khái niệm Pair làm Product, bởi đây là vị trí mà anh sẽ luôn cho mọi người được thể hiện nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn, trao cho các bạn nhiều cơ hội hơn và nhận về nhiều giá trị hơn.

Về những quy trình làm việc sâu hơn, team Tech Loship áp dụng phương pháp Agile — làm sao để đưa sản phẩm đến tay người dùng càng nhanh càng tốt. Thông thường mỗi sprint kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng ở Loship, một sprint chỉ kéo dài 1 tuần thôi. Đó là một điểm mà có thể bên ngoài nghe qua sẽ rất choáng, vì làm sao có thể triển khai mọi thứ trong vòng một tuần? Thế nhưng, khi anh áp dụng điều này trong một khoảng thời gian dài, sự hiệu quả mà nó mang lại nằm ở chỗ:

Trong 1 tuần đó, các bạn buộc phải khai thác hết tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để giải quyết càng nhiều thứ càng tốt, đạt được milestone cho từng tuần. Get things done một cách nhanh nhất để chúng ta qua một giai đoạn mới cùng với 150% công lực là vậy.

Phát kiến thứ hai là về kiến trúc hạ tầng. Anh nghĩ giải pháp tốt nhất hiện tại sẽ nằm ở hệ thống Hybrid Cloud Server, tạm gọi là hệ thống kết hợp giữa server vật lý và cloud. Quay trở lại câu chuyện lúc đầu khi anh nói về câu chuyện scale ở startup, chi phí luôn là vấn đề cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện tại, Loship đang đi theo hướng một nửa server vật lý và một nửa cloud. Anh nghĩ phát kiến này khá tốt, vì nó sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được tối đa chi phí, đồng thời đáp ứng được nhu cầu nâng cấp và mở rộng hệ thống một cách linh động nhất.

Quay trở lại câu chuyện CTO tại startup có rất ít sự lựa chọn, vậy thì có điều gì anh đã bỏ lại phía sau để có thể tiếp tục cuộc hành trình hay không? Nhất là ở startup cần câu chuyện đi nhanh, chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào làm hết được tất cả mọi thứ, và sẽ có một vài thứ bị bỏ lại. Vậy để kể tên những điều anh đã bỏ lại phía sau, đó sẽ là những điều gì?

Đúng là CTO ở startup có rất ít sự lựa chọn, tuy nhiên Loship đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, và sự lựa chọn của anh vì thế cũng lớn hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, nếu ở thời điểm em có trong tay rất nhiều sự lựa chọn, nhưng thực sự em có sáng suốt giữa vô vàn lựa chọn khác nhau và chọn ra cho mình một lựa chọn hợp lý nhất hay không thì đó lại là một câu chuyện khác nữa. Nếu nói về những thứ anh đã bỏ qua thì cũng có rất nhiều, nhưng để lấy ra 2 điểm nổi trội nhất thì nó sẽ là câu chuyện build team và đầu tư vào hệ thống.

Engineering-Driven luôn luôn là tư tưởng của anh, thế nhưng có nhiều thời điểm anh buộc phải chia bản thân ra làm nhiều phần, không chỉ là quản lý con người nữa, mà còn là những câu chuyện chuyên sâu về kỹ thuật để anh có thể duy trì và push được cả hệ thống đi lên. Những thời điểm đó anh cảm thấy khá thiệt thòi cho các bạn, bởi thời gian anh dành cho các bạn để xây dựng văn hóa và build team không được nhiều như anh mong muốn.

Câu chuyện thứ 2 là việc đầu tư hơn cho hệ thống. Ở vị trí CTO cần có tầm nhìn xa, và cần có những trao đổi chuyên sâu và thường xuyên với các top manager khác để luôn nắm rõ được sự thay đổi của Công ty. Có nhiều cách để học bài học này, nhưng anh đã học ở tình huống không vui vẻ gì. Nếu thời điểm đó, anh chịu bỏ thêm nhiều chi phí vào hệ thống hơn thì có lẽ chúng ta sẽ đỡ tiếc những thời điểm chúng ta muốn scale nhanh chóng nhưng ta buộc phải đi chậm lại.

Công nghệ là thứ luôn thay đổi và phát triển qua từng ngày, liệu anh đã bao giờ hình dung Loship trong những năm tới sẽ “thay mới” như thế nào không?

Nói về mặt công nghệ, hiện tại ở Loship không có một giới hạn nào cả, tốc độ tiếp cận công nghệ mới rất cao, độ triển khai cũng rất cao. Trong những năm tới, chắc chắn sẽ có nhiều thứ thay đổi và nhiều xu hướng công nghệ được áp dụng. Đầu tiên là AI, Machine Learning và Data Mining cho hệ thống logistics để làm sản phẩm thân thiện hơn với người dùng.

Tiếp theo là hệ thống liên quan đến kho vận, anh sẽ muốn phát triển một hệ thống tự động hóa, áp dụng robotics vào quy trình vận hành. Sức mạnh, sự chính xác của robot có thể giúp đảm nhiệm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và mang tính chất lặp lại. Nhờ đó, con người có thể tập trung vào các công việc phức tạp hơn. Trong dài hạn, hy vọng chúng ta sẽ apply thêm công nghệ blockchain vào hệ thống logistics.

Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về blockchain trong logistics sẽ như thế nào không?

Có lẽ từ trước đến giờ, các bạn đã nghe nhiều về blockchain, nhưng chủ yếu đâu đó những gì các bạn tiếp cận có thể sẽ là tiền điện tử, là bitcoin, nhưng thực sự blockchain có rất nhiều thứ có thể ứng dụng mang tính cách mạng, và nó đi rất sát với cuộc sống của con người ngoài kia.

Lấy ví dụ về blockchain trong nông nghiệp, khi bạn mua một bó rau, bạn sẽ biết được toàn bộ quá trình từ đầu đến cuối diễn ra như thế nào. Trong logistics, để mang một món hàng từ nhà sản xuất tới nhà cung cấp, đi qua kho số 1, kho số 2,… và cuối cùng là tới tay người dùng, thông qua blockchain người dùng sẽ biết được chính xác chặng đường của từng món hàng. Khi xác định nguồn gốc rõ ràng như vậy, trong một hệ thống minh bạch và không thể sửa đổi, mức độ tin tưởng của người dùng sẽ được củng cố. Tiếp theo là về câu chuyện vận chuyển đơn hàng của tài xế, bạn sẽ biết được hành trình của tài xế trong lúc đi đơn có thật sự khớp với những gì thực tế đang diễn ra hay không.

Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam còn khá mới, nhưng không quá xa lạ trên toàn cầu khi có rất nhiều tên tuổi lớn đang sử dụng blockchain để tối ưu hóa chuỗi cung ứng của họ.

Khi trò chuyện với các anh trong team Tech, có một điều mà em luôn được nghe, đó là câu chuyện về tốc độ. Chúng ta làm việc với một tốc độ cực kỳ nhanh và Get things done — hoàn thành mọi thứ nhanh nhất có thể. Anh có thể chia sẻ thêm về tinh thần tốc độ này?

Tốc độ là một trong những giá trị theo chúng ta từ thời kỳ đầu cho đến tận bây giờ, mỗi một task hằng ngày của từng bạn đều thể hiện câu chuyện tốc độ trong đó.

Anh quan niệm rằng, chúng ta buộc phải chăm chỉ và làm nhanh hơn gấp đôi, để đi được một con đường xa hơn gấp đôi. Câu chuyện Get things done — hoàn thành mọi thứ nhanh nhất có thể sẽ nằm ở chỗ bạn buộc phải làm nhiều hơn ở giai đoạn đầu tiên, tức để giải quyết được vấn đề này, thì đâu là cách nhanh nhất. Anh thường nói với các bạn rằng: hãy chọn một cách nhanh nhất, tiếp theo là cách tốt nhất. Xác định rõ ràng đâu là cách nhanh nhất, và đâu là cách tốt nhất. Nhanh ở đây không có nghĩa là nó sẽ không tốt, nhanh ở đây nghĩa là đủ tốt. “Nhanh — đủ tốt” sẽ tốt hơn là “Chậm — hoàn mỹ”. Tốc độ và sự kịp thời mới là điều quan trọng cốt yếu.

Suy cho cùng, tốc độ giải quyết vấn đề sẽ phản ánh việc một startup perform có đủ tốt hay không. Anh luôn suy nghĩ trong đầu rằng làm sao để công sức của các bạn đi ra được thế giới ngoài kia nhanh nhất có thể, đó là lý do tại sao ta phải tốc độ.

Về hai khái niệm generalist và specialist, theo khía cạnh chuyên môn của một người làm về công nghệ, anh cảm thấy một người kĩ sư lập trình nên tập trung đi sâu vào một mảng nhất định hay là một người cần phải biết bao quát về tất cả?

Anh nghĩ đây là một câu chuyện khá phổ biến. Khi các bạn vào Loship, điều đầu tiên anh cho các bạn là 2 tháng training. Anh cho các bạn tiếp cận một roadmap rất rõ ràng, dù bạn làm ở vị trí nào, bạn vẫn sẽ thấy được tổng thể môi trường này một cách tổng quan nhất. Anh sẽ cho các bạn đối diện với những điều mà dân lập trình cực kỳ sợ, đó là viết blog. Trong 2 tháng training, các bạn có nhiệm vụ chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về lập trình thông qua việc sharing trên blog.

Sau 2 tháng đó, các bạn sẽ phải đào sâu về mặt chuyên môn, sau khi đã đạt 50–70% rồi, bạn cần phải tập trung xem lại con đường tiếp theo mình thật sự muốn bước tiếp là gì. Vì khi đạt đến trình độ senior, trước mắt bạn sẽ có rất nhiều ngã rẽ. Ví dụ 1 bạn IOS Developer, rất có thể bạn sẽ muốn phát triển thêm ở mảng Android chẳng hạn.

Tổng kết lại, generalist hay specialist, đối với anh sẽ là cả hai, rộng trước, khoảng 30% tất cả mọi thứ, sau đó thì 50–70% chuyên sâu. Tốc độ thì tùy vào mỗi bạn, phụ thuộc vào việc bạn có được join vào 1 môi trường có rất nhiều vấn đề cần giải quyết hay không.

Số lượng vấn đề của một môi trường sẽ quyết định tốc độ phát triển của bạn nhanh tới đâu.

Rất nhiều nhân sự trong team tech có cá tính rất đặc biệt, và mâu thuẫn trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Những lúc xảy ra mâu thuẫn, anh và mọi người trong team sẽ xử lý như thế nào?

Mâu thuẫn là điều khó có thể tránh khỏi trong mọi mối quan hệ do mỗi người đều có suy nghĩ và ý kiến của riêng mình. Thế nhưng, không phải bất cứ trường hợp bất đồng quan điểm nào cũng tiêu cực. Khi những vấn đề này được giải quyết thông minh và hiệu quả thì những mâu thuẫn lại là nhân tố giúp mối liên kết giữa người với người trở nên bền chặt.

Một khi anh cảm thấy việc tranh luận không đi tới đâu thì anh sẽ join vào, và anh sẽ là người thuyết phục và phân tích cho cả 2 bạn tìm ra vấn đề đang nằm ở đâu. Bằng cách đó, từ mục đích ban đầu của cuộc tranh luận, thay vì 2 bạn tranh luận với nhau, anh sẽ chuyển hướng cuộc tranh luận về phía anh, và vô hình chung 2 bạn sẽ trở thành 1 “phe” và cùng đi tranh luận với anh. Output vẫn phải đi được đến cái đích là làm sao khi rời khỏi phòng họp, chúng ta phải giải quyết được vấn đề đặt ra.

Mọi xung đột và mâu thuẫn chỉ nên gói gọn trong phạm vi công việc và phòng họp. Khi ra khỏi phòng thì mọi thứ nên được trở về trạng thái bình thường, không trộn lẫn cảm xúc cá nhân vào.

Anh nghĩ như thế nào về văn hóa làm việc thứ 7 tại Loship?

Anh đã từng nói chuyện với nhiều bạn bè của anh làm việc ở những công ty, tập đoàn đa quốc gia, đa số không làm việc vào ngày thứ 7. Nhất là các bạn Developer, rất khó để các bạn đồng ý làm việc vào cuối tuần. Thế nhưng, anh luôn quan niệm rằng, cách duy nhất để mình có thể đi nhanh hơn người khác là làm việc thật sự chăm chỉ.

Suy cho cùng, câu chuyện làm việc thứ 7 có tốt hay không nó luôn là sự lựa chọn của mỗi người, rằng bạn có muốn phát triển nhanh hơn hay không, và công ty bạn join vào, những vấn đề bạn giải quyết có thật sự hấp dẫn được các bạn hay không. Nếu câu chuyện về giá trị thật sự khiến các bạn cảm thấy hứng thú, các bạn cảm nhận được giá trị của nó, thì câu chuyện làm việc thứ 7 không phải là khó để đi đến cùng.

Với anh thì làm việc thứ 7 không phải là một điều gì đó khó khăn, vì anh cảm nhận được rõ từng dòng code của mình, từng quyết định của mình có ảnh hưởng như thế nào đến sự kiếm sống và mưu sinh của hàng chục nghìn tài xế ngoài kia, đến sự hài lòng của tất cả khách hàng, sự phát triển chung của công ty. Khi ấy, làm việc thứ 6 hay thứ 7, suy cho cùng, cũng chỉ là sự khác nhau giữa con số.

CEO của Apple, Tim Cook nói với tạp chí Time rằng ngày làm việc của ông bắt đầu từ lúc 3h45 sáng. CEO của hãng General Electric, Jeff Immelt nói rằng ông đã làm việc 100 giờ mỗi tuần trong vòng 24 năm. Chưa hết, CEO Yahoo, Marissa Mayer kể với tờ Bloomberg News rằng bà đã từng làm việc 130 giờ mỗi tuần, và còn nhiều người khác cũng như thế.

Câu hỏi cuối cùng dành cho anh trong buổi ngày hôm nay, điều gì ở Loship khiến anh có động lực thức dậy và đi làm mỗi ngày? Nó sẽ nằm ở cán cân trách nhiệm hay đam mê, sở thích nhiều hơn?

Anh khá may mắn khi được làm một công việc thật sự đúng với đam mê và sở thích của mình. Đó là một nghề mà có thể tạo cho anh những giá trị lớn, giá trị lớn nằm ở chỗ nó tác động được lên cá nhân anh, gia đình anh, tác động lên cả xã hội ngoài kia.

Anh ví dụ như mỗi ngày đi làm, anh thấy shipper Loship chạy ngoài đường, anh tới hàng quán thì anh thấy sticker của Loship, anh nghe bạn bè anh kể về việc sử dụng Loship. Tất cả câu chuyện đó là một trong những động lực rất lớn để anh tiếp tục nỗ lực và cống hiến.

Khi em làm một thứ mà những giá trị vượt ra ngoài phạm vi bản thân em, thì tự nhiên em sẽ cảm thấy trách nhiệm của mình cao hơn rất nhiều. Anh hay nói với các bạn Developer rằng: các bạn chỉ cần thay đổi một dòng code thôi, thì nó đã có thể ảnh hưởng tới bữa cơm của hàng chục ngàn shipper ngoài kia rồi. Nên các bạn buộc phải rất chỉn chu với từng dòng code của mình để chắc chắn rằng các bạn tạo thêm giá trị chứ không phải bớt đi giá trị. Nó sẽ thiên về cán cân trách nhiệm nhiều hơn, nhưng anh nghĩ điều đó là cần thiết.

Để mang các bạn Developer ra thế giới ngoài kia, out of the box chính là trách nhiệm của anh. Vì anh không muốn build một team mà các bạn chỉ ngồi trước màn hình và không biết rằng thế giới ngoài kia đang vận hành và thay đổi như thế nào.

Người Developer thì không chỉ suốt ngày ngồi gõ máy tính, mà họ chính là những người dùng đầu óc của mình để tạo ra những tác động rõ ràng và phải được cảm nhận một cách rõ ràng từ 2 chiều, một là từ phía các bạn, hai là từ phía users. Đó là một người Developer chuẩn chỉnh, đó là cách mà anh build một team Developer thật sự có giá trị.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này!

🚀Những điều đáng nhớ rút ra sau buổi phỏng vấn:

Ở giai đoạn đầu sẽ luôn là giai đoạn thử thách, các nhiệm vụ rất nặng, và kể cả phải làm những điều bạn sợ và không thích, ví dụ như viết blog, người Tech rất sợ phải viết blog, viết những bài chia sẻ vì cơ bản thế mạnh của họ không giỏi diễn giải ra bằng chữ viết, mà khi viết blog lại cần viết nhiều, thậm chí là rất nhiều.

Làm ở big corp, bạn sẽ có nhiều hơn những cơ hội trong tay, nhưng yếu điểm là khi có quá nhiều sự lựa chọn, bạn sẽ không biết chắc được rằng đâu là lựa chọn tốt nhất. Và trái ngược lại, khi làm việc trong môi trường startup, bạn sẽ không được quyền trao cho nhiều cơ hội, việc hạn chế những lựa chọn khiến cho mọi quyết định của bạn trở nên kĩ càng và cân nhắc hơn, do đó, một khi đã đưa ra quyết định, thì đó sẽ là một quyết định chắc chắn và mang yếu tố lâu dài.

🥰Tham gia Loship ngay để cùng chúng tôi viết nên những hành trình tuyệt vời! https://loship.vn/careers

💥Theo dõi Loship để cập nhật thông tin mới nhất:

--

--

Duyen Tran
lozi-teamblog

A highly responsible, results-driven, and detail-oriented individual with 5+ years of experience in public relations, communications, and content marketing.