#AskADeveloper: “Thời gian cũng là 1 loại chi phí. Đừng phí thời gian vào những nỗi sợ.” — Trịnh Minh Quang, Growth Pair Lead

Phan Lê Diệu Hiền
lozi-teamblog
Published in
15 min readOct 29, 2021

Gặp gỡ anh Trịnh Minh Quang — Growth Pair Lead tại Loship vào thời điểm Sài Gòn đã bước sang giai đoạn bình thường mới, vẫn là người anh gạo cội trong team Tech với phong thái điềm tĩnh nhưng không kém phần chắc chắn, quyết đoán trong từng câu chữ mà anh nói. Hãy cùng #AskADeveloper tìm hiểu và trò chuyện về những quan điểm và góc nhìn đầy thú vị của anh Quang trong công việc, cũng như về quá trình anh tạo dựng nên LoX — một dự án hoàn toàn mới của Loship trong thời gian kỉ lục và sát sao. #AskADeveloper On!

Đừng quên follow Spotify: Life at Loship của chúng mình để không bỏ lỡ những tập podcast mới nhất nhé!

Hi anh Quang, có mặt ở đây sau lần đầu chúng ta trò chuyện với nhau, không biết cảm giác hiện tại của anh thế nào?

Có lẽ là một chút hồi hộp xen lẫn tò mò vì không biết hôm nay anh sẽ được hỏi những gì (cười).

Được biết, anh Quang là người phụ trách triển khai phần kỹ thuật của dịch vụ mới “Siêu thị LoX”, và mọi thứ được hoàn thành chỉ trong 7 ngày. Anh có thể chia sẻ về giai đoạn đó không?

Giai đoạn thực hiện task LoX là ngay sau khi hoàn thành Loship Gamification, cũng là một trong những tính năng mới của bên mình. LoX được đánh giá là dịch vụ mũi nhọn của công ty và bọn anh dường như phải chạy đua với thời gian khi chỉ có 7 ngày để hoàn thành mọi thứ.

Nguồn lực khi ấy thì không đủ, bọn anh làm việc theo kiểu “cuốn chiếu”, nghĩa là resource đến đâu thì implement đến đấy. Lúc ấy mọi thứ rất nhanh, yêu cầu sự tinh gọn, ngay cả những sự thay đổi bất chợt cũng phải lọc lựa kỹ càng rồi mới quyết định xem có nên thay đổi hay dời lại. Các quy trình cũng vỡ ra nhằm tăng tính linh động và đạt được mục tiêu sau 7 ngày là có thể sử dụng dịch vụ. Không phải chỉ mỗi anh mà cả team LoX lúc đó đều dành nhiều thời gian và công sức cho tính năng này.

Để lên 1 tính năng quan trọng trong quãng thời gian rất ngắn, đặc biệt ngay trong giai đoạn team đang thiếu nguồn lực, anh có cảm thấy áp lực không? Và anh đã làm thế nào để vượt qua áp lực đó?

Cực kì áp lực! Anh là người đã viết ra app Loship từ những ngày đầu. Ngay sau khi team quyết định solution cho hệ thống, anh nhận ra khối lượng công việc lớn mà Front-end phải chịu tải. Và những áp lực mới nó không chỉ đến trong một ngày duy nhất, mỗi ngày team anh lại phát hiện những thứ mới: Design mới, những điểm thực hiện trong các đầu việc cần thực hiện,…Vấn đề xếp chồng vấn đề. Cuối cùng, khi tầm quan trọng của tính năng được phổ biến đến mọi người, thì anh biết 7 ngày là tất cả những gì anh có để hoàn thành nó.

Anh từng nói rằng, mọi vấn đề cũng chỉ là những câu hỏi. Buông bỏ hay giải quyết đều là những câu trả lời. Là giấc ngủ ngon trong vài ngày hay là một thành tựu về mặt giá trị của bản thân trong tương lai? Đó đều là lựa chọn của bản thân.

Về quy trình, khi task bắt đầu, anh cố làm rõ những tiêu chí cơ bản của task, lúc đó đơn sơ lắm, chỉ có vài tiêu chí cơ bản thôi. Mọi yêu cầu theo sau anh đều đi quanh những tiêu chí cơ bản đó. Ngay cả design cũng tinh gọn lại, tránh tạo ra những thứ không cần thiết. Mỗi ngày lại có một cuộc họp để nắm tình hình tiến độ team, cũng như tinh thần của team lúc đó. Cứ mỗi khi có 1 yêu cầu mới, anh lại làm rõ nó, suy nghĩ solution, cố gắng nghĩ đến những vấn đề liên quan để mang lên thảo luận với team. Mọi thứ lúc đó đều phải nhanh, nhanh trong cả lúc thảo luận và ra quyết định. Và tất nhiên để đạt được tốc độ như vậy, sự chủ động của từng người trong team là cực kỉ cần thiết để giảm thiểu sự thiếu sót trong giải pháp.

Trong team lúc đó chỉ có 1 iOS, 3 Back-end và 1 bạn làm web. Đâu đó tụi anh chỉ có khoảng 1 tuần để thực hiện tất cả các đầu việc cho tính năng. Một trong những giải pháp, hoặc có thể đó là giải pháp duy nhất, đó là chấp nhận làm việc từ 16–20 tiếng 1 ngày, kể cả ngày cuối tuần. Nhưng đó là lựa chọn, và cũng là giải pháp duy nhất để đạt được mục tiêu.

Thành thật mà nói, việc các yêu cầu thay đổi, sự thiếu sót trong giải pháp ban đầu, thêm thắt tính năng được đẩy vào liên tục khiến mọi thứ vỡ ra và bị thách thức. Sự thay đổi đi thẳng vào hạ tầng của trải nghiệm browsing và đặt hàng trên app, vốn là những tính năng gốc rễ đi theo app Loship suốt gần bốn năm. Em có thể cảm nhận cái áp lực kiểu: Mình càng cố gắng code để tạo nên một thứ, thì càng nhìn thấy nhiều vấn đề liên quan sinh ra.

7 ngày, càng làm càng nhiều vấn đề, thứ duy nhất có thể giữ lại được mọi thứ lúc đó là ý chí của bản thân. Anh không thể duy trì cường độ làm việc mỗi ngày như vậy nếu anh không có ý định hoàn thành tính năng này. Để hình thành một ý chí như vậy thì anh phải hiểu rõ vai trò của bản thân, và tin tưởng rằng đây là giải pháp duy nhất để đạt được điều mình mong muốn. Và nếu đã mong muốn và tin tưởng, thì mình thực hiện thôi, đừng để thêm điều gì ngáng đường bản thân khỏi điều mục tiêu đã đặt ra cả.

Nếu chưa bao giờ cảm thấy áp lực ép nghẹn cả cuống phổi thì đừng bao giờ nghĩ tới hai chữ trưởng thành.

Tại sao lại là 7 ngày mà không thể dài hơn?

Tại Loship, chúng ta có một truyền thống là ngày 23 hàng tháng sẽ phải lên một dịch vụ mới. Anh nhận task LoX vào ngày 18/9, vậy nên chỉ có 7 ngày để triển khai. Tức ngày 25/09 (thứ 7) phải hoàn thành.

Anh luôn tâm niệm một điều rằng, Loship là công ty công nghệ, và team công nghệ thì không được phép trở thành gánh nặng đối với Business. Và mọi vấn đề, nhu cầu của Business thì team công nghệ phải cố gắng hết sức để đáp ứng. Anh chỉ suy nghĩ rằng nếu anh có thể đáp ứng trong vòng 7 ngày thì anh sẽ làm điều đó, bằng tất cả khả năng có thể.

Loship là công ty công nghệ, và team công nghệ thì không được phép trở thành gánh nặng đối với Business.

Vậy LoX có phải là task tạo được nhiều giá trị nhất cho anh?

Xét về giá trị công sức làm ra trong thời gian rất ngắn, cùng với khả năng chịu áp lực cao, khả năng kiên định với mục tiêu của mình thì đây đúng là task giá trị nhất đối với anh. Trước khi làm task này, anh đã hoàn thành task Gamification với số dòng code chạm mốc kỷ lục trong vòng 4 năm anh làm ở Loship. Ngay sau đó là LoX, và trong 2 dự án liên tiếp đó, anh đã tự phá kỉ lục của chính bản thân mình.

Anh có thể nói thêm về định nghĩa “kỷ lục” ở đây?

Anh đã viết khoảng 11.000 dòng code trong vòng 11 ngày cho task game nhiệm vụ. Ngay sau đó lại tiếp tục 11.000 dòng code khác trong vòng 7 ngày cho task LoX. Tính về số dòng code trong khoảng thời gian ngắn, vốn dĩ task game nhiệm vụ đã phá một lần. Và điều đáng sợ hơn là anh lại tiếp tục phá kỉ lục vừa được tạo ra cách đó vài ngày bằng tính năng LoX. Sau lần đó thì anh cũng cố gắng nghỉ xả hơi một chút để cơ thể nạp lại năng lượng. Đây cũng là lần đầu tiên trong 4 năm trời anh cho phép bản thân được có một ngày nghỉ trọn vẹn.

Vậy thì, “đứa con tinh thần” LoX đã hình thành theo đúng như cách anh mong muốn?

Không hẳn đâu, anh đã phải từ bỏ một số thứ. Đó là ngày thứ 3 của task, khi anh bắt đầu cảm thấy có nhiều vấn đề hơn trên những dòng code mà anh đang viết. Chưa từng có tiền lệ, LoX là task đầu tiên anh thừa nhận có những điều anh phải chịu thua. Lần đầu tiên anh nhận ra những giới hạn của bản thân. Lần đầu tiên anh chấp nhận từ bỏ một số thứ.

Nếu là ngày xưa thì anh sẽ không bao giờ cho phép mình được cắt bớt điều gì cả, vì anh biết mọi thứ đề ra đều tốt cho người dùng. Và anh không muốn nghe những thứ như “Tôi chỉ có 8 tiếng một ngày” nếu anh còn dám nói được hai giá trị cốt lõi “Khách hàng là thượng đế”“Tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp”.

Khi anh lao vào công việc, mọi người đều biết anh là dạng người: “Hãy quăng mọi thứ cho tôi đi, tôi sẽ xử lý được hết”. Whatever it takes, bất cứ một thứ gì, anh đều không câu nệ chuyện thời gian. Vì anh nghĩ không vấn đề nào là không giải quyết được, chỉ cần mình thật sự cố gắng. Nhưng đến lúc anh làm LoX thì nó cũng chạm tới giới hạn, 1 ngày chỉ có 24 tiếng.

Anh chọn cách từ bỏ một số thứ để có thể hoàn tất những gì đã bắt đầu. Và rồi mình sẽ có thêm nhiều thời gian để hiệu chỉnh và bổ sung sau đó.

Trước đây, có thời điểm nào anh từng chạy deadline trong thời gian ngắn như vậy không? Với anh, liệu sự đánh đổi ấy có đáng để mình hy sinh nhiều như thế?

Thường để nhận định một task có đáng hay không, anh sẽ dựa vào ý nghĩa của task đó. Anh đã hỏi Product Manager của anh rằng: tại sao phải làm gấp tới vậy, tại sao lại là 7 ngày? Và sau khi anh được nghe giải thích, anh đã nói rằng: “OK, vậy thì mình làm thôi anh”.

Nếu hỏi anh liệu có đáng hay không, anh tự hào nói rằng mọi nỗ lực của anh tính đến thời điểm này đều rất đáng, bởi vì: (1) anh có cơ hội được tham gia vào tính năng mũi nhọn của công ty; (2) giá trị và giới hạn của anh đã được nới rộng ra rất nhiều.

Anh đã nói về sự khác nhau giữa trải nghiệm trên LoX và Loship. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này?

Mọi người có thể thấy trải nghiệm đặt hàng ở app Loship bắt đầu từ phía cửa hàng, có nghĩa là khách hàng lựa chọn cửa hàng cần đặt, sau đó mới lựa chọn sản phẩm. Còn đối với LoX, mọi trải nghiệm đều đi từ sản phẩm. Đó là một trải nghiệm người dùng hoàn toàn khác biệt so với những gì đã được áp dụng ở Loship trong hơn 4 năm nay, và như em đã biết, anh chỉ có đúng 1 tuần để thay đổi.

Nếu như anh muốn thay đổi một cách chuẩn chỉnh nhất có thể, anh sẽ không thể nào làm kịp trong khoảng thời gian ngắn đến vậy. Vì thế, anh phải sử dụng lại những cái cũ đang có trong hệ thống, và có những cái mới cần phải đạt được ở mức cơ bản nhưng bắt buộc phải có, tức là ở tầng cơ sở.

Điều đó làm cho công việc của anh bị nhồi nhét rất nhiều, bởi vì anh đang thay đổi 1 thứ đã đi theo anh trong suốt 4 năm, gốc rễ của nó đã lan hết hệ thống của chúng ta. Nó giống như việc khi mọi người chặt 1 cây cổ thụ, cây càng già thì chặt càng khó. Việc của anh cũng là chặt, nhưng là phải tìm những chỗ nào cần thiết để chặt thôi. Đập hết toàn bộ để xây một cái mới rất dễ, nhưng để xây lại một cái đang có và ứng dụng để phù hợp với những yêu cầu mới thì lại khó hơn rất nhiều.

Trong suốt buổi trò chuyện, anh thường hay nhắc đến từ “giá trị”. Vậy giá trị mà anh tìm kiếm trong công việc và ngoài cuộc sống là gì?

Ở trong công việc, anh nghĩ những gì anh tìm kiếm cũng giống một người bình thường: Kinh nghiệm và Tiền. Anh chỉ khác là anh đi từ góc nhìn của tất cả các bên khi nhìn vào một bản hợp đồng lao động. Anh tự hỏi bản thân: Làm sao để công ty đầu tư mình nhiều hơn? Và cách duy nhất để công ty đầu tư vào mình đó là chứng minh mình hữu dụng. Vậy thì làm sao để chứng minh mình hữu dụng? Chắc chắn là từ việc hoàn thành một điều gì đó. Hoàn thành một thứ mình nhận, đó là giá trị về nghĩa vụ. Hoàn thành một thứ với thời gian mình đặt ra, đó là giá trị về uy tín bản thân. Hoàn thành một thứ với ít sai sót, đó là giá trị về chất lượng. Hoàn thành một thứ với tất cả mọi điều kiện công ty cho phép (thời hạn, nhân lực, tiền bạc,…), giá trị về khả năng trên mọi phương diện. Mỗi một loại giá trị là thước đo để đánh giá một người nhân sự. Cũng đồng nghĩa khi có công việc và cơ hội quan trọng, thì thang giá trị này lại được mang ra cho những bên quản lý lựa chọn những nhân sự ít rủi ro nhất để thực hiện.

Anh cũng từng như mọi người, cũng từng bắt đầu với giá trị bằng không khi bước vào Loship. Qua thời gian, sự kiên nhẫn, anh dần chứng minh giá trị mình lớn trên thang giá trị để có được nhiều hơn. Nếu ai đó nói rằng anh đang làm việc vì xem Loship là nhà thì có hơi cao sang, vì thật ra anh cũng như mọi người, cũng là một người “vì chén cơm”, chỉ là cách kiếm miếng cơm của anh buộc anh phải tự nhìn nhận vấn đề ở bản thân nhiều hơn là yêu cầu từ người khác.

Một trong những giá trị cốt lõi của Loship là “tốc độ quan trọng hơn sự hoàn hảo”. Theo anh, giữa việc mình chạy quá nhanh nhưng sẽ tốn nhiều thời gian để sửa, so với việc mình đi chậm hơn nhưng chắc chắn, cá nhân anh sẽ lựa chọn cán cân nào?

Ngoại trừ các sản phẩm ăn may, để chúng ta bắt đầu một sản phẩm tốt, chúng ta phải đi từ nhu cầu của thị trường, rồi mới đến việc thực hiện tính năng. Chúng ta không làm tính năng theo kiểu xổ số là thực hiện hoành tráng 1 sản phẩm, rồi mới đi tìm thị trường sử dụng nó.

Tốc độ ở đây cũng gần như vậy. Về mặt sản phẩm, chúng ta đẩy mọi thứ nhanh nhất, cơ bản nhất theo mọi thứ có thể. Việc ưu tiên tốc độ giúp chúng ta có cái nhìn thực tế nhanh hơn từ người dùng, vốn là đối tượng cơ bản chúng ta phục vụ. Đẩy một thứ đi nhanh, nhìn nhận nhanh thì cũng yêu cầu phản ứng nhanh với sự thay đổi, để phục vụ người dùng tốt hơn, thiết thực hơn. Với cách làm này, chúng ta mang lại hiệu quả cao nhưng trong chi phí thấp. Anh đã từng nghe một công ty nào đó tốn hơn cả tỉ đồng để làm một tính năng, và sau 3 tháng doanh thu đạt được còn chưa được 10% số tiền bỏ ra.

Hoàn hảo ở đây chính là không tìm thấy vấn đề. Có 1 câu nói mà anh rất thích: “1 sản phẩm tạo ra mà không có vấn đề thì sản phẩm đó là sản phẩm chết”, vì quá ít người dùng, quá ít tiếng nói, quá ít trải nghiệm. Nếu 1 sản phẩm đạt tới 1 triệu người dùng, sẽ có 1 triệu nhận xét khác nhau, 1 triệu dự đoán đó chắc chắn sẽ ra nhiều tỉ lệ những nhận xét không hay. Nhưng nếu chỉ tạo ra 1 sản phẩm có 10 người dùng, thì chỉ sẽ ra được đâu đó 10 lỗi hoặc không có lỗi nào. Em không thể nào nói rằng 1 sản phẩm có 10 người dùng tốt hơn 1 sản phẩm có 1 triệu người dùng. Người developer hay nói với nhau rằng: “Muốn code không bug thì đừng có code, dễ mà?”.

Đừng theo đuổi sự hoàn hảo, hãy theo đuổi sự tiến bộ. Bạn có thể làm sai, nhưng ít nhất bạn đang làm điều gì đó. Và một khi bạn đang làm nó, bạn có cơ hội để làm cho nó tốt hơn.

Anh có thể chia sẻ thêm về tinh thần Fail Fast? Em được nghe mọi người trong team Tech nhắc đến khái niệm Fail Fast rất nhiều.

Fail fast là 1 tinh thần quan trọng anh luôn giữ từ thời Loship bắt đầu tới bây giờ. Fail fast giúp mình đạt được những thứ cơ bản nhất. Chúng ta có quyền sai nhưng hãy sai một cách nhanh chóng, và “fail fast” luôn đi kèm với “fix fast” — sai nhanh thì sửa lại cũng phải nhanh.

Người làm startup phải luôn trong tâm thế điều chỉnh để phù hợp hơn — mình làm tính năng như vậy, trải nghiệm như vậy có đúng với người dùng hay không, có gây quá tải hay không. Nếu bạn không biết để điều chỉnh ra sao, mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào, đẩy lên đi, quan sát, rồi nhìn thấy sai lầm của mình theo một cách nhanh nhất, tự khắc lúc ấy bạn sẽ nhìn thấy mình nên làm gì, đồng nghĩa với việc bạn sẽ học được gì từ những sai sót đó để nâng tầm bản thân.

Vì đặc tính cho phép sai, và cho phép sửa sai, fail fast tạo cơ hội làm việc và phát triển cho mọi người, từ những bạn kĩ năng chưa cao cho đến người đã dày dặn kinh nghiệm. Nếu trong một môi trường mà mọi người đều muốn làm mọi thứ thật hoàn hảo, thì có lẽ chỉ có những người cực kì giỏi mới được vào môi trường đó. Loship chào đón cả những người tuy kĩ năng và bề dày kinh nghiệm chưa đủ cao, nhưng họ luôn mang một tinh thần muốn làm, muốn học hỏi và trải nghiệm. Thời gian cũng là 1 loại chi phí, đừng phí thời gian vào những nỗi sợ. Mình không nên sợ sai, chỉ sợ là khách hàng không xài thôi, sợ 1 cái gì đó không tồn tại, nếu những nỗi sợ cứ ghim hoài như vậy thì những thứ mình muốn làm sẽ không làm được nữa.

Thời gian cũng là 1 loại chi phí. Đừng phí thời gian vào những nỗi sợ.

Chúng ta đã đi đến cuối cuộc trò chuyện. Anh có điều gì để chia sẻ với những bạn Junior Developer không?

Đừng phụ thuộc quá nhiều vào sự chỉ dạy của người khác. Tự học là điều tiên quyết với bất cứ người developer muốn thành công. Lệ thuộc vào 1 ai khác là một điều rất nguy hiểm vì suy cho cùng, chỉ có mình mới làm chủ sự nghiệp và cuộc đời của mình thôi.

Cuối cùng, đừng sợ mắc lỗi. Bạn đừng bao giờ tìm kiếm chuyện không mắc lỗi và cũng không có khái niệm mắc lỗi lần cuối cùng. Tất cả chúng ta đều sẽ mắc lỗi rất nhiều, nhưng nhớ rằng, đừng bao giờ mắc lại cùng một lỗi 2 lần.

Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện đầy thú vị và ý nghĩa này!

Sau buổi trò chuyện với anh Quang, điều tôi nhớ nhất đó là tinh thần không ngừng nỗ lực, chiến đấu với thử thách và thách thức giới hạn của bản thân từ anh. “Không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng”, những điều anh chia sẻ cũng là lời nhắc nhở tới những người trẻ, khi mọi thành tựu bạn tạo ra không phải là đích đến, mà là một cột mốc, trong suốt cả quá trình dài mà bạn đang theo đuổi.

Liệu bạn đã sẵn sàng để đầu tư cho tuổi trẻ của chính mình? Bạn có đủ can đảm để bắt đầu một chặng đường mới đầy thử thách nhưng không kém phần thú vị? Hãy gia nhập đại gia đình Loship chúng tôi!

Follow Spotify: Life at Loship của chúng mình để không bỏ lỡ những tập phát sóng mới nhất nhé!

--

--