Nếu bạn đang làm việc tại một văn phòng tồi tàn, thì đừng tự ti vì đây là điều mà Loship đại diện của Việt Nam đã trải qua.

Duyen Tran
lozi-teamblog
Published in
9 min readAug 4, 2020

This story is also available in English.

Công thức thành công của những tượng đài công nghệ như Apple, Microsoft hay Amazon là: ý tưởng, đam mê và khát vọng theo đuổi giấc mơ lớn, bỏ qua những vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Văn phòng đầu tiên của Amazon là trong một nhà xe cùng chiếc bàn làm việc là cánh cửa gỗ cũ; nơi làm việc sơ khai của Google là một phòng ngủ tại trường Đại học Stanford, hay những nhân viên đầu tiên của Alibaba đã cùng sống và làm việc trong căn hộ nhỏ của Jack Ma.

Tương tự, một đại diện nổi bật trong giới startup công nghệ Việt Nam — Loship cũng đang viết nên câu chuyện thành công của riêng mình từ chính công thức đã sản sinh ra những gã khổng lồ. Cùng đọc qua bài viết dưới đây để hiểu Loship đã chuyển mình mạnh mẽ như thế nào trong dòng chảy 5 năm qua nhé!

Loship là cái tên thu hút sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước với những bước đi chiến lược và câu chuyện gọi vốn đầy cảm hứng. Song, ít ai biết rằng những thành tựu kia đều được bắt nguồn từ một nhà kho lộn xộn và chật chội.

Nhà kho cũ nằm trên đường Tô Hiến Thành được xem là “đại bản doanh” của Loship

“Tồi tàn” là một từ khá đúng để miêu tả văn phòng Loship. Không view cửa sổ tầng cao, không khu vực café thư giãn, cũng không có phòng họp riêng với máy chiếu hiện đại… Văn phòng Loship là một hội trường với sân khấu tạm bợ đã bị bỏ xó từ rất lâu. Đặt chân vào Loship, bạn sẽ thấy một bên là nhóm tài xế đông đúc chen lấn, một bên là mớ hàng hóa chất cao — cách khu vực làm việc của nhân viên chỉ vỏn vẹn vài bước chân.

Kho hàng hóa Lo-supply (trái) và Khu vực training shipper (phải).
CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung rất tự hào về nhà kho bừa bộn này.

Loship đã phơi bày một bức tranh “trần trụi” nhất có thể, những sự thật xấu xí đằng sau một startup đình đám. Chúng ta chấp nhận thực tại chưa hoàn hảo và không cố gắng đánh lừa nhà đầu tư cũng như nhân viên bằng những thứ hào nhoáng mà truyền thông vẫn luôn nói về khởi nghiệp.

Những gì của chúng ta vẫn sẽ là của chúng ta. Nếu nhân viên đến phỏng vấn thích, họ sẽ thích. Nếu họ không thích, việc dẫn ra quán cafe và cố gắng gây ấn tượng là vô nghĩa. Giấc mơ của chúng ta được định nghĩa bởi sự khát khao, chấp nhận thực tại và nguồn năng lượng mà chúng ta tạo dựng.

Nhân tài thực sự, sẽ tự khắc ở nếu họ chấp nhận thực tại mà chúng ta đang sống cùng — CEO Nguyễn Hoàng Trung nhấn mạnh.

Trước khi chính thức “định cư” tại nhà kho này, Lozi, tiền thân của Loship, đã rong ruổi qua nhiều nơi khác nhau. Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung bắt đầu từ một căn hộ nhỏ nơi anh cùng những người đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi, cho đến một gara đỗ xe khác khi đội ngũ của Trung dần mở rộng.

Từ căn hộ nhỏ nơi khai sinh ra Lozi, đến gara đỗ xe bụi bặm khi đội ngũ Lozi dần mở rộng.

Thậm chí đã có lúc cả team phải làm việc tại một quán cafe khi buộc phải dọn đi do một số mâu thuẫn với chủ nhà xe. Trải qua nhiều lần chuyển văn phòng “bất đắc dĩ”, phần đông người đã chọn rẽ sang hướng khác, thế nhưng lửa nhiệt huyết thì vẫn luôn cháy trong mỗi nhân tố chọn ở lại và đồng hành cùng Loship từ những thuở ban đầu.

Truyền thông thường có xu hướng “lãng mạn hóa” khởi nghiệp. Những bài viết thú vị luôn là công ty này nhận được bao nhiêu tiền đầu tư, công ty kia có những nhà đầu tư nào mới. Họ lột tả startup như một thế giới hào nhoáng và quyến rũ với những vòng gọi vốn ấn tượng, những thương vụ IPO khổng lồ, hay văn phòng làm việc đẹp như mơ. Rồi họ nghĩ về nhà sáng lập của startup với những hình ảnh bóng bẩy, xe hơi sang trọng cùng tham vọng giấc mơ tỷ đô.

Nhưng sự thật thì chẳng phải vậy. Về cơ bản, startup là những doanh nghiệp nhỏ và không hề hào nhoáng như bạn thường nghĩ. Đằng sau mọi startup thành công đều là những năm tháng vất vả trong thầm lặng mà báo chí ít khi nhắc tới.

Startup không hề hào nhoáng, và không nhất thiết phải tìm kiếm sự hào nhoáng.

Gọi được vốn chỉ là bước khởi đầu tốt nhưng nó không đảm bảo cho sự thành công sau này. Chỉ đến khi chứng kiến cú ngã ngựa của Wework hay Uber, người ta mới bừng tỉnh rằng bản chất cuối cùng của startup là kinh doanh và mang về lợi nhuận.

Ở startup, mỗi đồng tiền đều giá trị, và nó cần được đầu tư vào phát triển sản phẩm và mang lại giá trị cho người dùng, chứ không phải chạy theo danh tiếng phù phiếm và hào nhoáng bên ngoài.

Về bản chất, startup cũng giống như việc đi tàu lượn siêu tốc, sẽ có lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm. Miễn là bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua và tận hưởng những cung bậc lên xuống đó, thì khi về đến đích, bạn sẽ nhận được những phần thưởng giá trị không chỉ trong sự nghiệp, mà còn là một niềm tự hào về một thời “lăn lộn” với hoài bão.

Điều cuối cùng còn lại, không phải là một chỗ ngồi hoặc một văn phòng đẹp. Chúng ta thường nhớ về những nghịch cảnh khi mình cố gắng vượt qua, sống với sự khát khao khi trong tay và mọi thứ quá đỗi đời thường. Nếu chúng ta sống được với những tinh thần và lý tưởng đó khi còn khổ, chúng ta mới có thể hiểu được tận sâu những giá trị khi ở trong một môi trường đẹp hơn.

Bạn sẽ thường nghe những công thức sáo rỗng về chìa khóa thành công của startup, rằng “All in the same boat — tất cả trên cùng một chiếc thuyền”, mọi người đều đặt niềm tin lớn vào nhà lãnh đạo.

Mặt khác của sự thật, hầu hết mọi người đều nghi ngờ về những gì startup đang theo đuổi. Họ lo ngại về “bong bóng” khởi nghiệp, họ nghĩ giấc mơ startup là “thiển cận” và “ảo tưởng”, là một con đường mịt mờ, không rõ phương hướng và lối thoát. Ngay cả khi trong cùng một công ty, những người khác nhau có quan điểm khác nhau và niềm tin khác nhau về sự thành công cũng là điều rất đỗi bình thường.

Sự thật phũ phàng là, chưa đến 10% người thực sự tin vào giấc mơ Loship. Ai đó từng nói: Nếu một giấc mơ mà ai cũng đồng ý, nghĩa rằng giấc mơ đó có vấn đề. Đôi khi bạn chỉ cần một người tin, cùng đi và khi dần đạt được các cột mốc tiếp theo, mọi người sẽ nhận ra giấc mơ đó rõ hơn, và đồng hành cùng bạn trong cuộc hành trình này.

Startup là chinh phục những giấc mơ lớn, là làm những điều vĩ cuồng, theo đuổi những tham vọng mà đôi khi hiếm ai tin vào.

Lấy ví dụ như Netflix — từ một dịch vụ nhỏ bé trở thành đế chế truyền hình trực tuyến bành trướng toàn cầu. Thế nhưng ngay tại thời điểm ban đầu, đã có rất nhiều người hoài nghi về khả năng sống sót và phát triển bền vững của gã khổng lồ này. Hoặc Jack Ma khởi sự kinh doanh tại chính căn hộ nhỏ của ông, nơi chỉ có 18 người thực sự tin vào giấc mơ Alibaba, trong khi hàng trăm người khác đều chỉ trích sự điên rồ đó.

Câu chuyện tương tự cũng đến với Loship khi chúng ta liên tục vấp phải hoài nghi về hành trình mình đang theo đuổi. Người ta e ngại, thậm chí dè bỉu, liệu Loship có đủ sức đấu tay đôi với những đối thủ khác trong cuộc đua vô tiền khoáng hậu. Song, không có thành công nào mà không nhận hàng trăm lời chỉ trích. Người Loship vẫn tiếp tục làm, bước qua những lời chỉ trích và phát triển theo đúng định hướng của mình, để rồi giờ đây trở thành một trong những startup có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Nếu chúng ta có một giấc mơ, hãy theo đuổi nó đến tận cùng. Theo đuổi đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận những cảm giác khó chịu từ sự hoài nghi của những người xung quanh trong suốt hành trình khởi nghiệp. Về cuối cùng, những nỗi buồn hay sự cô đơn rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những cảm xúc và sự hạnh phúc có được trên con đường đi đến giấc mơ đó sẽ là của riêng những con người mơ mộng trên chiếc thuyền mà họ đang cười, và là điều sống mãi với họ sau này.

Sau rất nhiều khó khăn và trở ngại, 2019 đánh dấu một năm ngọt ngào với Loship khi đã gọi vốn thành công lên đến 8 chữ số từ nhà đầu tư Hàn Quốc Smilegate Investment trong vòng vốn Series C, nâng giá trị công ty lên gấp 30 lần.

CEO và CFO Loship chụp hình cùng nhà đầu tư Smilegate vào cuối năm 2019.

Và lẽ dĩ nhiên — nhu cầu mở rộng quy mô cũng đã đến. Giữa năm 2020, chia tay nhà kho chật chội, Loship chuyển đến một văn phòng lớn hơn ở tòa nhà Lữ Gia, quận 11. Với diện tích hơn 100 chỗ ngồi, nơi đây ấp ủ hy vọng đưa vị thế của Loship ngày càng phát triển, tiến gần hơn với đích đến Kỳ lân.

Trải qua nhiều giai đoạn, nhưng đặc điểm của văn phòng Loship vẫn chưa bao giờ thay đổi: Không gian làm việc hòa cùng với nhà kho bừa bộn — đây chính là niềm vui cũng như nguồn cảm hứng bất tận cho người Loship, giúp chúng ta có thêm động lực cống hiến trong công việc, vượt qua thử thách và cùng nhau hướng tới một tương lai xa hơn.

Chúng ta sẽ không đánh mất văn hóa và tinh thần nơi nhà kho ấy, bởi vì không có chúng, sẽ không bao giờ có Loship ngày hôm nay.

Văn phòng mới của Loship tại Tp.HCM với sức chứa đến hơn 100 người, là sự kết hợp giữa văn phòng làm việc thuần túy và nhà kho.

Bài viết nói về sự thay đổi văn phòng về mặt địa lý, nhưng cũng chính là hành trình trưởng thành của một startup Việt vươn mình ra biển lớn — đồng thời là minh chứng cho thấy: bạn không cần một background hoành tráng để theo đuổi giấc mơ vĩ cuồng. Và nếu đã mơ, thì hãy mơ thật lớn!

Bức tường huyền thoại về khẩu hiệu và 6 giá trị cốt lõi ở Loship.

Nếu bạn muốn trở thành một phần trên hành trình phát triển của Loship, hãy tham gia cùng chúng tôi: https://lozi.vn/career/

--

--

Duyen Tran
lozi-teamblog

A highly responsible, results-driven, and detail-oriented individual with 5+ years of experience in public relations, communications, and content marketing.