“Ngực trái là logo Loship, sau lưng là Tổ Quốc.” — Trần Minh Sơn, General Manager.

Duyen Tran
lozi-teamblog
Published in
21 min readOct 12, 2020

This story is also available in English.

✨Chúng tôi gặp anh Trần Minh Sơn — General Manager & Co-founder Lozi trong nhà kho tại văn phòng Hà Nội khi anh đang kiểm tra số lượng hộp nhựa mới nhập về, và anh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về dịch vụ mới ra mắt: Lo-Supply — cung cấp nguyên vật liệu cho các chủ cửa hàng. Hoá ra, sự phát triển của Lozi đều có chung khởi nguồn từ việc liên tục làm điều mới mẻ.💥

✌Năm 2012, Lozi được thành lập với sự máu lửa của tuổi trẻ, giấc mơ của anh về Lozi khi đó là như thế nào?

Ý tưởng về Lozi bắt đầu vào tháng 5/2012. Khi đó, anh và Trung CEO đều đang theo học ở nước ngoài. Anh học tại Mỹ chuyên ngành Marketing còn anh Trung học khoa học máy tính tại Hàn Quốc. Bọn anh quen nhau trong dự án tình nguyện của đại sứ quán Mỹ hỗ trợ các trẻ em gặp khó khăn ở Viện Nhi Hà Nội mang tên “Nụ cười cho em”. Quay trở lại mùa hè năm đó, bọn anh có hẹn sau khi về nước sẽ đi ăn cùng nhau. Tuy nhiên khi về thì không biết ăn ở đâu, dù đã tra cứu rất nhiều trên mạng: Google, các trang báo.

Tự mình trải qua sự bất tiện khi tìm kiếm thông tin, bọn anh nuôi dưỡng mong muốn có thể làm ra một trang web chia sẻ thông tin về các món ăn ngon. Đây là một câu hỏi thường nhật, nhưng chưa một ai làm đủ tốt, vậy là mình xung phong làm.

Thời gian đầu khi thành lập Lozi, cả đội ngũ chỉ có 4 người. Trong đó, anh phụ trách Marketing, còn anh Trung thì quản lý chung về dự án. Tham vọng của bọn anh lúc ấy là làm cho Lozi trở thành ứng dụng mặc định trong điện thoại của mỗi người dân tại Việt Nam, giúp họ không còn phải băn khoăn về việc hôm nay ăn gì, ở đâu. Mục tiêu là cứ 15 người Việt Nam thì sẽ có 1 người tải ứng dụng Lozi.

Khi Lozi ra đời, bọn anh nhận ra mình đã giúp mọi người tiết kiệm thời gian như thế nào.

✌Đâu là động lực giúp anh đi tiếp hành trình này mặc cho những co-founder khác đã rẽ hướng?

Có rất nhiều thứ làm nên hành trình của Lozi; trong đó có sự khởi đầu khi tất cả muốn đi và dám đi cùng nhau trên một con đường vốn dĩ vô định. Trong hành trình đó, dù lắm bộn bề, nhiều chông gai, nhưng không bao giờ thiếu niềm vui: được làm những điều có ích cho xã hội, được khẳng định bản thân mình. Khi đó, bọn anh chọn người để làm cùng, cũng giống như chọn vợ, chọn chồng để lấy. Đã là chọn người chung đường với mình mãi thì phải chọn người phù hợp với mình nhất, chứ không phải chọn kẻ giàu, người sang hay chọn kẻ đẹp, người xinh.

Quá trình làm cùng nhau ban đầu, nhóm bọn anh cũng có nhiều tranh cãi. Anh nhớ một câu nói: “No argument, No development”. Không cãi nhau thì sẽ không ra được vấn đề, không tiến bộ được. May mắn là các đồng sáng còn lại lập thường xuyên cãi nhau, gần như cuộc họp nào cũng cãi nhau.

4 người bọn anh khá khác nhau, điều đó giúp ích rất nhiều cho Lozi vì luôn có sự phản biện. Bản thân anh là một người nhẹ nhàng, muốn suy nghĩ sâu sắc về vấn đề trước khi thực hiện, nhưng những người còn lại tính cách khá mạnh và luôn đặt ra các câu hỏi khiến anh phải suy nghĩ. Nếu để anh làm một mình, nghĩ ra điều gì, anh sẽ “cắm mặt” vào làm. Nhưng chính những đồng sáng lập, đặc biệt Trung là người kéo anh lại, để chắc chắn rằng mình đang đi đúng hướng.

Đôi khi, sau một thời gian đi cùng nhau anh nhận ra rằng có những người bên cạnh mình không thể đồng hành cùng mình trong tương lai. Chúng ta chỉ có thể bước cùng nhau đến đây thôi, rồi mỗi người phải rẽ ngang sang một nẻo đường mới. Và dù không được trọn vẹn, nhưng đó là thực tế cuộc sống.

Anh dành sự trân trọng cho những người anh em đã đi những đoạn đường đầu tiên với mình, và cả những người đồng hành hiện tại.

Lozi chọn cho mình màu đỏ bởi sự rực lửa và cảm xúc cháy hết mình mà nó mang lại. Cháy hết mình với thứ mình xem là quan trọng trong từng giai đoạn cuộc đời. Dù tưởng tượng và kết quả có thể khác nhau, nhưng quan trọng là điều đó được thực hiện nhanh nhất có thể. Bởi cách nhanh nhất để trưởng thành, không phải là từ bỏ, mà là đi đến cuối cùng của điều mình muốn và học trên con đường đó. Tương lai vốn dĩ vô định, vậy nên chúng ta hãy kiên định trên một con đường để đến đích nhanh nhất có thể.

Suy cho cùng, mỗi người đều có cho mình một con đường riêng, và không ai có thể đi thay bạn cả.

✌Trong 7 năm xây dựng và phát triển, điều gì giúp cho Lozi, và bây giờ là Loship, nằm ngoài con số 92% startup thất bại trong 3–5 năm đầu?

Dám thay đổi là yếu tố then chốt. Startup công nghệ thì thường sẽ không làm kế hoạch dài hạn kiểu 3 hay 5 năm đâu. Hồi đầu thành lập bọn anh hay nói vui với nhau là 5 năm nữa ai biết được công ty mình ở đâu. Một startup công nghệ có thể tăng trưởng rất nhanh đến độ Founder như chính bọn anh cũng không hình dung ra được, nhưng có thể 3 tháng sau thì nó chết. Cũng không biết được. Do vậy, kế hoạch sẽ được xây dựng rất ngắn hạn. Có thể tháng này khó khăn là vậy, tháng sau lại là một vấn đề hoàn toàn rất mới.

Thước đo khả năng sinh tồn của startup chính là tinh thần dám thay đổi và tốc độ thay đổi, thay vì cố bám chặt lấy mọi thứ ban đầu. Ở Lozi, bạn được phép thử và mắc sai lầm, thậm chí rất nhiều sai lầm.

✌Anh có thể giải thích rõ hơn tại sao chúng ta lại từ bỏ mô hình quảng cáo vốn đã đem về cho Lozi lợi nhuận, điều mà mọi startup khao khát?

Thời điểm đầu, Lozi đã có thể thu được nhiều lợi thế từ mô hình quảng cáo, nhưng dần về sau, mô hình đó không còn tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh.

Thứ nhất, mọi thứ đều được vận hành dựa trên sức người, nghĩa là tận dụng nguồn lực con người để scale up. Nếu cứ tiếp tục vận hành theo hướng đó, chúng ta sẽ không thể nào phát triển hơn được. Giống như đồ thị hình sin vậy, đạt đến đỉnh thì chắc chắn sẽ đi xuống.

Thứ hai, về mặt khách hàng, chúng ta nhận thấy sự chuyển đổi trong hành vi của người dùng. Cuộc sống bận rộn dẫn đến nhu cầu sử dụng các dịch vụ giao hàng tiện ích ngày càng tăng. Hiểu một cách đơn giản, hiện nay mọi người đều bắt đầu quen với việc sử dụng dịch vụ trên điện thoại thông minh. Họ dùng điện thoại để đi chợ mua thực phẩm, đặt đồ ăn, mua vé xem phim, mua vé máy bay khách sạn, mua sắm trực tuyến. Mô hình Loship giải quyết bài toán khi khách hàng có nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ở khu vực nội đô thì chỉ cần dùng điện thoại là được phục vụ ngay lập tức (instant delivery), chi phí rẻ nhất (freeship), chăm sóc khách hàng chu đáo nhất (excellent customer service).

Thứ ba, về mặt cửa hàng kinh doanh (merchant), mô hình quảng cáo không giúp làm tăng tỷ lệ chuyển đổi của cửa hàng. Trong khi đó, mô hình giao vận (ship) lại có thể tạo ra nhiều giá trị to lớn hơn, giúp chủ cửa hàng giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến: (1) chi phí (marketing, giao hàng); (2) quy trình vận hành; (3) rủi ro tài chính (thuê mặt bằng kinh doanh). Để thực hiện những thay đổi như vậy đòi hỏi sự dũng cảm nhất định, dám nắm bắt các cơ hội còn chưa hiện hữu.

Tuy nhiên, anh không nghĩ chúng ta sẽ từ bỏ hoàn toàn mô hình quảng cáo. Quảng cáo vẫn sẽ có, nhưng sẽ nâng cấp khi app Loship trở nên quen thuộc và chiếm lĩnh thị trường ở các thành phố chưa phát triển (tier-2, tier-3). Chúng ta tận dụng sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ và lợi thế của người đi đầu để vượt qua các đối thủ, tăng sự hiệu quả của quảng cáo trên platform của mình.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), các cá thể kinh doanh (individuals) là những người không được phục vụ tốt bởi các hình thức quảng cáo trực tuyến như công cụ tìm kiếm (search engine) hoặc mạng xã hội (social media). Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn trong ngân sách marketing trên platform của Loship sau khi nhìn thấy sự tăng trưởng về cả về đơn hàng và doanh thu tới từ người dùng. Khi Loship ngày càng to thì người dùng càng dựa vào nó để đặt đồ ăn, mua sắm, đi chợ, giặt ủi. Merchants cũng cần hiển thị trên App để tăng sales. Khi một Merchants bắt đầu thì các đối thủ của họ sẽ phải làm tương tự.

✌Suy nghĩ của anh khi Loship bước chân vào thị trường giao vận? Đâu là lợi thế của Loship trong cuộc chiến cạnh tranh này?

Anh không nghĩ quá nhiều về đối thủ cạnh tranh. Như anh đã nói, khi chuyển từ Lozi sang Loship, hướng suy nghĩ của chúng ta chỉ xoay quanh: (1) khách hàng, (2) chủ cửa hàng, và (3) tài xế. Chúng ta tập trung vào việc tối đa hóa lợi ích và nâng cao giá trị cho những nhóm đối tượng này.

Thứ nhất, để tăng trưởng bền vững, chúng ta cần tập trung vào giá trị và năng lực cốt lõi của công ty. Lợi thế lớn nhất của chúng ta nằm ở tính bản địa. Tính bản địa ở đây không chỉ đơn giản là bạn thuê người địa phương để vận hành, mà nó nằm ở việc bạn thực sự am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt như thế nào. Đây chính là ưu thế giúp chúng ta dễ phát triển và mở rộng đến các thành phố tier-2, tier-3.

Chúng ta chọn chiến lược đánh vào các thành phố chưa phát triển để tránh các đối thủ cạnh tranh, tốn ít chi phí acquire new users và merchants hơn. Cùng với sự tăng trưởng ổn định của new users ở các thành phố lớn, Loship có thể tiếp tục giảm chi phí qua mỗi đơn hàng (continue to lower its cost per order) dựa trên thị phần lớn của mình. Bằng chứng chưa đến nửa năm 2020, chúng ta là số 1 tại thị trường Cần Thơ, và hơn 60% user mới của chúng ta đến từ những thành phố này.

Thứ hai, chúng ta là công ty trẻ nên thực thi rất nhanh. Bởi ở quy mô nhỏ, chúng ta có thể làm mọi thứ với tốc độ nhanh nhất. Mọi điều khách hàng cần đều được lắng nghe và giải quyết ngay lập tức. Đây là pain points của những tay chơi khác — những công ty lớn về vốn nhưng chậm về tốc độ. Tới bây giờ, số điện thoại anh vẫn để sốHotline khi Merchant muốn phản ánh về việc hợp tác, và chuyện có tin nhắn buổi tối, hay gọi lúc nửa đêm là chuyện trở nên rất đỗi quen thuộc.

Thứ ba, Freeship luôn là chiến lược đường dài. Freeship giúp đưa giá trị của dịch vụ về đúng với ý nghĩa của nó — nghĩa là, bạn cần mua thứ gì, chúng tôi mua và ship cho bạn! Các nền tảng khác đốt tiền để mua lượt sử dụng của khách hàng, trong khi Loship hướng đến việc mang lại giá trị thật. Chúng ta không nuông chiều khách hàng qua các hình thức khuyến mãi. Khuyến mãi giúp tăng lượng khách hàng rất nhanh, tuy nhiên, khi hết khuyến mãi, khách hàng sẽ lại rời bỏ chúng ta.

Thứ tư, bản chất cốt lõi chúng ta là một công ty công nghệ, và anh tự hào rằng Team Tech có thể giúp chúng ta tối ưu những bài toán khó mà các công ty khác không thể làm: tối ưu cung đường và tăng số đơn hàng tài xế có thể nhận trên quãng đường từ A đến B, cho phép khách hàng đặt hàng được chuyển về cửa hàng có chi nhánh gần nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm đặt hàng.

Cuối cùng, chúng ta ra mắt dịch vụ Lo-supply. Hoạt động với Merchant, chúng ta hiểu khó khăn của chủ cửa hàng khi phải quản lý nhiều nguồn cung ứng nguyên vật liệu riêng biệt, cũng như lo ngại chi phí cao về số lượng nhập hàng phải lớn để có giá tốt. Chúng ta nhập hàng trực tiếp từ nhà máy sản xuất, loại bỏ toàn bộ nhà phân phối trung gian, nhằm cắt giảm việc đội giá sản phẩm khi bán lẻ. Tất cả sản phẩm đặt mua trên Lo-supply, đều được vận chuyển đến cho chủ cửa hàng ngay lập tức, chỉ trong vòng 1 tiếng nhờ vào mạng lưới tài xế Loship.

✌Anh có nghĩ Loship đang hoạt động trên quá nhiều dịch vụ, khi chúng ta có hơn 10 dịch vụ không chỉ là giao đồ ăn? Trong khi đó, chiến lược tập trung hóa (focus strategy) lại được đánh giá là phù hợp nhất cho những startup không mạnh về vốn?

Chúng ta vẫn đang theo đuổi chiến lược tập trung hóa, và cái chúng ta tập trung ở đây là Driver. Loship hướng tới phục vụ những đơn hàng giao vận trên xe 2 bánh, tập trung mở rộng dịch vụ xoay quanh giá trị mà một người tài xế có thể cung cấp được cho khách hàng. Chừng nào còn trong vòng xoay giá trị này thì chúng ta vẫn ổn.

✌Anh có thể chia sẻ thêm về thị trường Hà Nội, những đặc điểm của thành phố này, đâu là lợi thế và khó khăn của Loship khi tiếp cận thị trường này?

Hà Nội là một thị trường khó tính. Người Hà Nội cẩn trọng, khắt khe trong việc lựa chọn dịch vụ; vì vậy rất khó để chinh phục một khách hàng thủ đô và duy trì mối quan hệ với họ. Các đối tác cửa hàng cũng vậy, thường phải mất một thời gian dài để tiếp xúc, trao đổi và khiến họ gắn kết với nền tảng của mình. Mặt khác, khi họ đã chọn gắn bó với một thương hiệu nào rồi thì mức độ trung thành của họ là rất cao, khác hẳn với người tiêu dùng TP.HCM luôn sẵn sàng đón nhận cái mới.

Bước tiếp cận ban đầu đối với phân khúc thị trường Hà Nội luôn tốn thời gian và cần sự đầu tư lớn. Điều chúng ta cần phải làm là dành nhiều thời gian cho họ, nỗ lực nhiều hơn và điều chỉnh theo thực tế mỗi ngày. Quan trọng là nhân sự của mình phải thấm nhuần tư tưởng “Customer-first” (Khách hàng là thượng đế). Phải làm sao để mang lại những giá trị, những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và nhân sự của mình. Vì sao có yếu tố nhân sự ở đây? Vì trước hết, bản thân mình phải cảm thấy mình vui, hạnh phúc thì khách hàng của mình mới vui được.

✌Anh đánh giá thế nào về khả năng Loship tiếp cận các thị trường lân cận khu vực Hà Nội như Hải Phòng hay Quảng Ninh?

Việc tiếp cận và mở rộng ra các thành phố đô thị loại 2 & 3 luôn là việc chúng ta phải làm. Đặc biệt là những thành phố nhỏ — rất nhiều tiềm năng nhưng các đơn vị khác chưa làm đủ tốt. Lấy câu chuyện Cần Thơ, chúng ta đã thành công mỹ mãn bởi đặc tính của người Việt không có thu nhập cao mong muốn một dịch vụ tối ưu hoá về chi phí.

Khi mọi App khác đều tính phí ship thì Freeship giúp chúng ta đánh một “cú sốc” mạnh vào nhận thức hành vi khách hàng, đồng thời đây chính là sự bình thường tạo nên sức mạnh phi thường mà các đối thủ cạnh tranh không có được.

Quan trọng là đội ngũ Loship ở thị trường đó phải thật sự am hiểu địa phương để có những điều chỉnh chiến lược phù hợp. Có những thị trường mình cần phải thận trọng hơn, vì đặc thù vùng miền.

✌Làm việc chủ yếu ở Hà Nội, khoảng cách địa lý với CEO và Management Team có phải là một trở ngại đối với anh?

Anh là người làm việc theo kiểu khi gặp vấn đề là phải túm lấy nhau bằng được, dùng mọi phương thức liên lạc để kết nối và giải quyết vấn đề. Nếu mình không liên hệ được bằng Slack, thì mình liên hệ bằng email. Nếu mình không liên hệ được bằng gọi điện, thì mình để lại tin nhắn. Nếu mình không chủ động liên hệ được hãy nhắn người bên cạnh họ.

Quan trọng anh nghĩ là luôn giữ mindset: Bạn có muốn giải quyết vấn đề đến cùng hay không? Và phải xác định với nhau ngay từ đầu: tôi muốn giải quyết theo cách này, trong thời gian bao lâu, kết quả đạt được là gì, và nếu không giải quyết được thì sẽ chịu trách nhiệm gì. Anh hay truy sát người khác lắm đấy! (*cười*)

✌Đặc điểm của các startup là nhân sự đa phần đều rất trẻ và thích thay đổi. Anh nghĩ đây là thách thức hay cơ hội?

Làm việc với các bạn trẻ, anh cảm nhận rõ ràng là người Việt trẻ rất thông minh, chẳng thua kém người nước ngoài, họ nắm bắt những cái mới rất nhanh. Tuy nhiên, các bạn thiếu định hướng rõ ràng, chưa biết khai thác hết năng lực bản thân và còn thiếu chuyên nghiệp. Thực tế là, chúng ta đã và đang phải đối diện với thách thức này. Quan điểm tuyển nhân sự của anh chính là tuyển người đồng hành chứ không phải thuê người làm việc. Nhân sự phải hiểu rõ tầm nhìn, sứ mệnh của công ty, và phải xác định trong suốt khoảng thời gian gắn bó, chúng ta sẽ làm được điều gì ý nghĩa cùng nhau.

1/ Trao trách nhiệm để tăng thời gian gắn bó

Để tăng thời gian nhân sự gắn bó với công ty, anh sẽ giao cho họ những công việc có ý nghĩa và trao quyền nhiều hơn. Anh tin rằng điều này sẽ mang lại cho họ cảm giác được định hướng và trân trọng, giúp họ hình dung rõ công việc họ đang làm có ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ tổ chức. Về cuối cùng, quan trọng vẫn là 2 người có chung chí hướng và tầm nhìn hay không. Mình trao thêm trách nhiệm cho họ, nhưng họ không nhìn thấy đó là cơ hội mà là gánh nặng — thì đó lại là một câu chuyện khác.

2/ Chấp nhận những thiếu sót

Anh cũng quan tâm tới việc học cách chấp nhận những người cộng sự đi cùng mình: chấp nhận những thiếu sót, sai lầm của họ chứ không ân hận, chì chiết, đòi hỏi họ với những gì đã từng xảy ra, đã từng làm. Bởi vì cho cùng, nếu họ có thể làm lại việc đó thì họ cũng sẽ lựa chọn làm như thế, vì ở thời điểm đó, trải nghiệm, kiến thức của họ vẫn như vậy. Thần chú của anh là: Đừng cố gắng phức tạp hóa những điều vốn dĩ rất đơn giản. Như là mỗi ngày đều thấy mình thiếu sót là dấu hiệu đáng mừng. Chúng ta cứ bình tĩnh mà học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, đấy là quy luật của quá trình mà ai cũng phải trải qua thôi.

3/ Sự tử tế

Nghe thì có vẻ sáo rỗng bởi tử tế là phẩm chất đương nhiên của nhân sự bất cứ công ty nào. Với anh, tử tế là không nói xấu, đố kị nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc, khi không còn hợp tác thì vui vẻ dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Với đối thủ, thậm chí sẵn sàng bắt tay để biến đối thủ thành đối tác. Bởi vì anh quan niệm rằng thị trường rất rộng lớn, người Lozi không cần phải dìm người khác xuống để mình được đứng cao hơn. Suy cho cùng không có đối tác, đối thủ nào xấu, họ xuất hiện để giúp mình trở nên tốt hơn.

✌Quan điểm của anh về việc chia tay một nhân sự không còn phù hợp?

Lozi có 120 người, chỉ cần một vài bộ phận chạy chậm, thì con thuyền ấy sẽ không thể đạt vận tốc cực đại. Ai trụ lại được với guồng quay của Lozi cũng sẽ được thúc đẩy vượt qua giới hạn của chính mình. Anh luôn tôn chỉ dứt khoát không chấp nhận tinh thần làm việc đối phó, sợ trách nhiệm, đổ lỗi, chậm chạp.

Một trong những lời khuyên rất đúng với những người làm Startup là: tuyển dụng chậm nhưng sa thải phải nhanh chóng. Nhưng đối với anh sẽ là tuyển dụng nhanh, và sa thải nhanh bởi tuyển dụng chậm sẽ không có người thực thi các công việc được đề ra.

Anh đánh giá nhân viên dựa trên 2 yếu tố: thái độ và trình độ.

Trước đây, trong công ty có một bạn Lead rất giỏi nhưng tính cách lại không khớp với văn hoá chung. Nếu giữ bạn đó, anh có thể phải chấp nhận mất tất cả người cũ vì họ cảm thấy không phù hợp khi làm việc với bạn ấy. Quyết định về con người luôn là điều khó khăn, vì với Startup thời gian là yếu tố sống còn. Việc chia tay giống như tất cả cùng rong ruổi con thuyền trên đại dương, và khi cần, con thuyền đó phải tạm đưa một người vào bờ để giảm bớt sức nặng, giúp con thuyền có thể đi nhanh hơn. Việc sa thải đồng thời sẽ giúp cho nhân sự đó tìm được một môi trường phù hợp hơn để tích lũy kinh nghiệm.

Ở Lozi, về mặt công việc nhân sự sẽ nhanh chóng bàn giao và nhanh chóng ra về ngay lập tức. Đó không phải là câu chuyện phũ phàng, lạnh lùng hay không mà sẽ đến từ lợi ích của cả hai phía.

✌Phong cách lãnh đạo của anh trong 3 từ?

1/ Aggressive (quyết liệt): Anh luôn theo sát và bám đuổi tiến độ công việc. Với anh, tiến độ trong công việc phải luôn được đảm bảo. Anh luôn nói với những người đồng sự làm việc cùng mình rằng hãy luôn trả lời Slack, Email trong vòng 5 phút ngay khi nhận được thông tin. Đó là bước đầu tiên để một khởi đầu một công việc một cách gắt gao nhất.

2/ Empowerment (trao quyền): Đối với những nhân sự được anh tin tưởng sau một thời gian dài chứng minh năng lực, anh sẽ trao quyền cho họ tự ra những quyết định quan trọng. Khi đó, họ có sứ mệnh và trách nhiệm để hoàn thành công việc đó một cách tốt nhất.

3/Motivation (động lực): Anh muốn tạo sức bật cho nhân sự Lozi vượt qua những giới hạn của bản thân họ. Anh muốn quản trị dựa trên sự hiệu quả, thấu hiểu và yêu thương. Anh luôn quan tâm đến việc học và tiến bộ của nhân sự, quan tâm đến gia đình họ và sự hạnh phúc chung của họ.

💥Nếu không là Lozi, thì đó sẽ là gì?

Quay lại thời điểm 8 năm trước, khi anh quyết định không quay lại Mỹ và dốc toàn tâm toàn ý để phát triển Lozi, anh đã chặt đi đường lùi của chính mình, chặt đi tất cả mọi thứ có thể khiến mình bận tâm mà tiến bước. Bỏ học ở đây vì anh thấy ở ngôi trường bên Mỹ không có cái mà anh muốn học. Nhưng không có nghĩa là anh sẽ bỏ học vĩnh viễn. Anh học ở ngoài đời, ở những công việc xã hội, ở Lozi.

Trong suốt hành trình Lozi, thứ anh cảm nhận rõ nhất là áp lực. Nếu ở công ty lớn, áp lực là làm vừa lòng sếp, được thăng chức, làm đúng deadline mà người khác đặt ra, kỳ vọng cũng đến từ người khác. Còn khi mở công ty riêng, tất cả những thứ đó đều đến từ chính bản thân. Thời gian đầu, sản phẩm, nguồn lực nhân sự, tài chính, thời gian xung quanh mình rất hạn chế.

Ở công ty lớn, mình giỏi hay dở thì công ty cũng không chết được, nhưng với startup của mình, tuỳ vào nỗ lực của mình mà công ty có thể nay sống, mai chết. Nghĩa là sự tồn tại của công ty rất mong manh. Áp lực vì thế mà rất lớn.

Giờ Lozi lớn hơn một chút, có nhiều nhân sự, thì áp lực lại là làm thế nào để đem lại công việc tốt nhất cho đồng sự của mình. Họ đã bỏ bao công việc tốt khác để theo mình thì làm thế nào đáp ứng được kỳ vọng của họ.

Khi đó, và bây giờ vẫn vậy, áp lực lắm chứ. Nhưng anh chỉ có một phương án duy nhất là tiến lên, kiên định với con đường của mình.

✌Cuốn sách anh yêu thích nhất với anh ?

Chắc chắn là Tam Quốc Diễn Nghĩa. Cuốn sách không chỉ đơn thuần ghi lại một trong những thời đại loạn lạc bậc nhất lịch sử Trung Quốc, mà còn là tác phẩm chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về kinh doanh và anh học được rất nhiều từ những câu chuyện trong đó.

Đặc biệt là câu chuyện Tam cố thảo lư. Lưu Bị được nghe về danh tiếng cùng tài năng của Gia Cát Lượng nên đã không kể thân phận mình mà quyết định đích thân đến mời ông ra giúp sức. Hai lần đầu ghé thăm, cả ba anh em Lưu, Quan, Chương đều không gặp Gia Cát Lượng. Đến lần thứ 3, cả Quan Vũ cũng không vui, ngỏ ý không muốn đến. Song, Lưu Bị nhất định muốn đi. Khi đến nơi, Lưu Bị kiên nhẫn đứng đợi Gia Cát Lượng ngủ một giấc rồi mới kính cẩn bàn việc lớn. Sau khi nghe Gia Cát Lượng phân tích tình hình, Lưu Bị liền quỳ xuống mà khẩn cầu ông giúp đỡ. Cảm động bởi sự chân thành, khiêm tốn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhận lời và sau này giúp Thục đạt được nhiều thành tựu lớn.

Bài học rút ra: Trên con đường khởi nghiệp, lòng nhẫn nại là yếu tố quan trọng bậc nhất. Con đường lập thân, lập nghiệp vốn không trải hoa hồng, song không phải là bất khả thi. Sẽ có lúc, thậm chí cả mọi người: đồng nghiệp, gia đình, bạn bè cũng sẽ khuyên bạn từ bỏ một điều gì đó. Nhưng anh tin rằng mỗi một thất bại là mỗi một bước đệm đưa ta đến gần hơn với ước mơ.

✌Cuối cùng, lời nhắn cho Trần Minh Sơn ở tuổi 20 sẽ là gì?

Anh muốn mình sẽ làm việc chăm chỉ hơn nữa để ghi dấu Lozi là niềm tự hào của người Việt. Anh mong mỏi rằng mỗi người Việt Nam, dù là những người dân thường hay có địa vị, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Vietnam, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi. Mỗi cá nhân nên chịu thiệt thòi một chút. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp như Lozi còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Anh muốn mình và những người ở thế hệ này hãy cố gắng một chút vì thế hệ sau vì chúng ta đang sống trong một vận hội rất lớn về giao thương quốc tế, tương tự Nhật Bản giai đoạn 1930 -1940 hay Hàn Quốc những năm 1950–1960.

Rất cảm ơn anh Sơn về cuộc trò chuyện thú vị này!

💥 Nếu bạn cảm thấy Lozi và con người ở Lozi thú vị, hãy tham gia cùng chúng tôi: https://lozi.vn/career/

🙌 Và đừng quên follow Medium Lozi để đón đọc những bài viết mới nhất!

--

--

Duyen Tran
lozi-teamblog

A highly responsible, results-driven, and detail-oriented individual with 5+ years of experience in public relations, communications, and content marketing.