Mồng 3 Tết Canh Tý

Ngoc-Anh Mai
Ngoc-Anh Mai
Published in
6 min readJan 27, 2020

Mình ko nói chuyện với bố được quá ba câu, vì sang câu thứ tư thường bắt đầu to tiếng.

Vì thế nên ở nhà cũng ít giao tiếp (cái này vẫn ảnh hưởng đến giờ). Trừ những lúc ăn cơm (dưới tầng một) thì mình sẽ ở trên tầng hai, hoặc ở trường, hoặc ở quán nét. Có hôm “học thêm” thông ba ca từ 1h đến 9h tối, về ăn bát cơm rồi lên tầng ngủ luôn, hôm sau lại ngồi tiếp. Hoặc có hôm sáng học ở trường, chiều đá bóng, tối “học thêm” hai ca. Hồi đấy mình toàn đá chân đất mà vẫn đá hay vl, hơi tiếc bị cận chứ ko h chắc đang đá giữa với Tuấn Anh rồi.

Vì ít giao tiếp nên cứ lúc nào ở nhà thì mình đọc truyện, hoặc sách. Gần nhà có hàng cho thuê truyện, cứ trưa thứ ba với thứ năm đi học về là chạy vào thuê truyện mới, về đọc xong chiều trả. Nhà gần nên được ưu tiên cầm về, chứ hồi đấy truyện mới là phải ngồi ở quán, đọc xong trả luôn để người khác đọc. Muốn cầm về thì phải đặt cọc, hẹn đúng giờ trả. Trả trễ là bị phạt. H vẫn nhớ mùi giấy, mùi mực in mới như thế nào. Tối thì cứ sang ôm cả bộ nào đấy về đọc dần. Touch, Eyeshield 21, Kyo, Slam dunk, Inuyasha,… Chắc đọc gần hết kho truyện của bà Vui, trừ mấy bộ kiếm hiệp. Rồi Hoa Học Trò, Sinh viên Việt Nam, 2!, báo Bóng Đá,… Hồi đấy đọc mấy bài cảm thức của bác Phạm Lữ Ân cuốn vl.

Mỗi lần nói chuyện gì ở nhà thì nhiều khả năng thành to tiếng nên mình cũng có xu hướng nổi loạn, kiểu thích làm ngược lại những gì bố mẹ nói. VD bố bảo đi học thêm thầy này thì mình bảo thích học thầy khác, bảo dậy sớm chuẩn bị đi học thì mình cứ sát giờ dậy rồi xách cặp đi luôn, bảo học hành cẩn thận ko trượt đại học thì mình cứ chơi bạt mạng, hoặc bảo thi ngân hàng đi vì ngành này hot, sau này dễ xin việc thì mình sẽ chọn thi một trường bất kỳ mà ko phải ngân hàng. Kiểu đấy.

Cứ thế, quãng thời gian cấp ba chủ yếu là nổi loạn ở nhà và làm bạn với sách, truyện.

Lên đại học, thay đổi lớn nhất là ko phải “nổi loạn” nữa. Đại học giống như một thế giới khác mà mình là nhân vật chính, ko phải làm hài lòng hay chống lại bất kỳ ai. Ngồi nét cả đêm cũng không ai nói gì, ngủ dậy muộn – nghỉ học, thích thì ko ăn cơm nhà,… Hà Nội mở ra một chương mới, nhiều cơ hội và trải nghiệm hơn. Mình cũng ít về nhà, trong khi anh em hai tuần về một lần, hoặc tuần một lần thì mình tháng về một lần, hoặc vài tháng. Vì mỗi khi về nhà là lại back to version “nổi loạn” và ít nói. Mà mình thì ko thích version này lắm. Kiểu có một Joker bên trong, và mỗi lần về nhà là Joker xuất hiện. Mọi người vẫn nói nhà là nơi bình yên nhất, nhưng với mình những ngày ấy thì ko.

Hà Nội cho mình nhiều trải nghiệm và cơ hội. Mình thích cảm giác tự do, thoải mái và tràn đấy năng lượng ấy. Có ai muốn trở thành Joker all the time? Maybe someone, but not me. Đã có những thời điểm mình nghĩ nếu ko về Thái Bình thì sẽ tốt hơn, vì mỗi lần về, chỉ cần đặt chân xuống bến xe thôi là bao nhiêu năng lượng tự nhiên biến mất. Bình thường thì về cuối tuần một hai hôm, nhưng những dịp lễ Tết thì về nhà cả tuần, mỗi lần lên HN cảm giác phải mất một khoảng thời gian để bắt nhịp lại với cuộc sống tràn đầy năng lượng trước đây. Chắc Tara Westover cũng có tí đồng cảm khi viết quyển “Educated” (Được học).

Rồi mình quyết định vào Sài Gòn. Với chút kinh nghiệm và network tích luỹ được khi làm ở HN, mình tìm được một công việc ở quận ba. Vào đây thì khỏi phải về. SG lại năng động và quay nhanh hơn HN. Quá ổn.

Mới đầu mọi việc vẫn tốt. Môi trường tốt, đồng nghiệp xịn (đến h mình vẫn giữ liên lạc với một vài bạn đồng nghiệp đợt ấy). Nhưng một ngày, đi làm về muộn, về nhà tự nhiên nghe thấy hàng xóm bật nhạc. “…If you’re not the one, then why does my soul feel glad today. If you’re not the one, then why does my hand fir yours this way…”. Nhạc chờ điện thoại suốt ba năm cấp ba và năm đầu đại học, cho đến khi con Sony Ericsson đầu tiên bị mất. Tự nhiên bao nhiêu ký ức ùa về. Từ chuyện bị ghi sổ đầu bài phạt lao động, anh em xuống nhổ được tí cỏ thì có thằng kiếm được quả bóng, đ’ nhổ cỏ nữa chia đội đá luôn, đến những lần vừa uống sting vừa combat chửi nhau cả quán nghe thấy, hay những lần nằm đọc Touch của bác Míturu Adachi, thấy Tatchan kiểu ngơ ngơ mà vẫn có gấu xinh như Minami nên follow luôn,… Tất cả tự nhiên hiện ra rõ mồn một. Lúc ấy, mình nhận ra dù đi đâu, bao xa thì sẽ có những thời điểm ký ức ùa về ntn.

Mình nghĩ mỗi sự việc đều có năng lượng. Chỉ cần chạm vào một điểm thôi là có thể gợi nhớ lại những sự việc gắn liền với trường năng lượng ấy. VD chỉ cần nghe đoạn dạo đầu của bài “If you’re not the one” của Daniel Bedingfield là tự nhiên sẽ nhớ ngay đến cảm giác thoải mái mỗi khi đến lớp ngồi chém gió đủ thứ với mấy ông bạn, hoặc cảm giác phấn khích khi đọc được một bộ truyện/bài báo hay. Vì hồi đấy mình nghe đi nghe lại bài này đến mức thuộc cả lời, mặc dù chả hiểu gì. Hoặc mỗi khi nghe GD hát “…I hated this love song” là lại nhớ ngay đến team dota ngồi quán cô Lan Phan Bá Vành những ngày học ôn thi lại đại học. Ngồi nhiều đến mức cô nhờ cả team đi bê lễ đám cưới cho cháu. Năng lượng càng mạnh thì ảnh hưởng càng sâu sắc, nhất là những sự việc góp phần định hình nên con người hiện tại. Mà đã là những gì góp phần tạo nên con người hiện tại thì muốn quên cũng ko được, vì đấy là một phần của mình rồi. Càng cố gắng chối bỏ thì khi gặp lại càng khó xử. Vì có gì mâu thuẫn hơn khi ta chối bỏ một phần con người mình?

Từ ngày đi chạy, mình học được cách đối mặt với những vấn đề. Lúc chạy thì chỉ có mình mình, có suy nghĩ gì thì cũng vừa nghĩ vừa chạy. À, vừa nghĩ vừa thở. Thở xong thì cũng nghĩ xong. Mà nghĩ chưa xong cũng vẫn phải thở. Hôm nay chưa xong thì mai xong. Thêm cả chuyện chấp nhận. Chấp nhận chuyện không thể bụp phát chạy 10km, mà phải từ từ, cần thời gian tập luyện cho cơ thể quen với cường độ vận động. Chấp nhận việc muốn chạy tốt thì phải kiên trì tập đều, mặc dù mỗi lần tập lại sau một thời gian nghỉ thì cơ chân biểu tình như một người mới chạy. Cũng như có những góc khuất. Và việc của mình là tìm cách chấp nhận chứ không phải chối bỏ. Vì dù có chạy đi đâu, chạy bao xa thì cũng không thể chạy thoát được chính mình.

Nếu như trước đây, mình thường phải mượn năng lượng từ bên ngoài để át đi cảm giác “tội lỗi” của những góc khuất thì bây h, có cảm giác mình đang tự tích luỹ năng lượng từ bên trong. Cái gì xuất phát từ bên trong: năng lượng, động lực,… thì mới bền vững được. Mà cái gì bền vững thì cần thời gian để tích luỹ. Good things take time.

Thỉnh thoảng về nhà, nằm trên giường đọc sách tự nhiên kỷ niệm lại ùa về ntn. Mà h đỡ bị hẫng rồi. Mai lên làm vài vòng hồ Thành Công là xong.

--

--