Educated (Được học) – Tara Westover Review
“Trước hết hãy khám phá xem khả năng của em là gì, sau đó hãy quyết định em là ai.”
Tara sinh ra trong một gia đình theo chủ nghĩa tự cung cấp. Gia đình cô sống ở núi Buck, và nói không với những dịch vụ của chính phủ như đi học, đến bệnh viện khám bệnh (thay vào đó là chữa ở nhà),… Trong suốt 17 năm đầu tiên của cuộc đời, Tara không tiếp xúc nhiều với “thế giới bên ngoài”, với những người ở ngoài núi Buck nên cô bị ảnh hưởng rất mạnh từ bố – một người có niềm tin mãnh liệt vào Chúa và vào ngày tận thế (thảm hoạ Y2K vào những năm 1999 2000, nếu bạn còn nhớ). Mãnh liệt đến mức ông dành phần lớn thu nhập của gia đình để chuẩn bị lương thực và nhiên liệu cho ngày tận thế. Tất cả được chôn ở một cái hầm trong nhà.
Niềm tin của bố là niềm tin của Tara, suy nghĩ của bố là suy nghĩ của Tara. Đức tin vào Chúa cũng vậy.
“…Tôi bước ra khỏi nhà vệ sinh (sau khi đi vệ sinh) mà không rửa tay. Bà ngoại khẽ nhíu mày không hài lòng. Khi bố đến đón, bà hỏi tại sao tôi lại hành động như vậy? Bố không dạy tôi rửa tay sau khi sử dụng toa lét sao?
- Con dạy chúng không đái lên tay.
Bố phẩy tay và nói”.
Nhưng đến một ngày, Tara muốn đến trường học. Cô tò mò về cuộc sống ngoài kia, cuộc sống bên ngoài núi Buck mà cô vô tình được tiếp cận. Cô nghĩ mình cần nói chuyện với bố, nhưng chưa cần mở lời mà chỉ cần đứng đối diện với bố thôi, cô đã cảm thấy tội lỗi. Tara cảm thấy ham muốn được đến trường của mình là một sự láo toét, một sự lăng mạ với những gì bố đã hì sinh để nuôi gia đình.
Nhưng nếu tiếp tục ở nhà thì Tara sẽ mãi mãi là một đứa bé.
Nếu muốn đi học, cô phải chấp nhận mạo hiểm.
Cuối cùng, Tara đã chọn đến trường, chọn phản bội lại niềm tin rằng “trường học sẽ bắt bọn trẻ rời xa Chúa, đến trường là giao con cho quỷ dữ” của bố . Cô tự ôn thi ACT, đỗ đại học BYU sau hai lần thi, sau đấy học tiếp ơn Cambridge, rồi tiếp tục học tiến sĩ ở Harvard.
Mặc dù được tiếp cận với những tri thức nhân loại tại môi trường giáo dục mới nhưng thỉnh thoảng, Tara vẫn cảm thấy cô khác “mọi người”. Cô không thuộc về nơi này.
“Tôi là người không thuộc về Cambridge: một đứa lợp nhà (công việc Tara từng làm khi còn ở núi Buck). Tôi có thể đến trường, có thể mua những bộ đồ mới. Nhưng tôi vẫn là Tara Westover. Cứ cho là chúng ta ăn vận theo bất cứ cách nào mà bạn thích, nhưng chúng ta vẫn đâu có giống nhau. Quần áo không thể khắc phục được những gì đã sai hỏng (lời của dịch giả, chắc là sai lầm và hỏng hóc (?)).”
Rồi Tara nhận ra, mỗi lần về thăm nhà, về núi Buck thì cô đều có cảm giác này. Cảm giác tội lỗi, xấu hổ. Cảm giác mình không xứng đáng. Khi nào Tara còn connect với gia đình, với bố mẹ dù trực tiếp hay gián tiếp thì cô còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng, suy nghĩ và hành động cũ. Vì núi Buck là nơi cô sinh ra và lớn lên, định hình nên tính cách và con người Tara thuở nhỏ, là nơi cô xuất thân. Là một phần con người cô. Cô buộc phải chọn giữa con người cũ và con người mới với tính cách mới, niềm tin mới, khác hoàn toàn với niềm tin và tính cách từ trước đến giờ của cô và của cả gia đình. Không có chỗ cho sự tồn tại của cả hai con người cũ và mới này. Cũng như không có chỗ cho sự tồn tại của cả bố và cô trong hành trình trưởng thành.
“Từ trước cho tới lúc đó đứa con gái ấy luôn ở trong ấy (cái gương ở nhà). Dù tôi trông có vẻ thay đổi ra sao – dù con đường học hành của tôi có rạng rỡ đến mức nào, dù vẻ ngoài của tôi có thay đổi ra sao – tôi vẫn luờn là đứa con gái ấy. Trong điều kiện tốt nhất tôi là hai con người với một phần hồn rạn nứt. Đứa con gái ấy ở bên trong, và xuất hiện bất cứ khi nào tôi bước vào cửa nhà.”
Và cô đã chọn từ bỏ gia đình, từ bỏ nơi mình xuất thân để tiếp tục theo học tiến sĩ tại Harvard.
“Những quyết định mà tôi thực hiện sau thời điểm đó không phải là những quyết định mà đứa con gái ấy gây ra. Đó là những quyết định của một người đã thay đổi, của một bản ngã mới.
Bạn có thể gọi bản ngã này bằng nhiều cái tên.
[…]
Tôi gọi đó là hành trình giáo dục.”
Đôi khi để theo đuổi những gì mình tin là đúng, ta phải chọn giữa niềm tin của mình và niềm tin của những người khác. Vế thứ hai có thể là mong muốn, kỳ vọng của người thân. Và điều này thường dẫn đến mâu thuẫn. Tara chọn ko liên hệ với gia đình thay vì thuyết phục mọi người tin vào những tri thức mình được học, không phải vì cô chưa thử, mà vì cô đã thử nhưng không thành công. Núi Buck vẫn ở đó để bảo vệ gia đình cô. Theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực.
Có lẽ mỗi chúng ta đều từng sống trong một “núi Buck” của riêng mình. Kỳ vọng của gia đình khác với những gì mình muốn làm, tự hạn chế khả năng học hỏi bởi sự bảo thủ và những định kiến không chính xác,… Chỉ có điều, ta nhận ra là mình đang ở trong núi vào thời điểm nào. Liệu ta có muốn “rời núi” không? Và nếu muốn, liệu ta có đủ can đảm để vượt qua sự bảo vệ của “núi”, có dám chấp nhận mạo hiểm để thay đổi không? Mà núi thì có bao giờ hết đâu, leo hết đỉnh này lại có đỉnh khác. Mình chạy hơn 3h ở Đồng Đò đã leo chắc phải 5 đỉnh rồi.
Vì thực sự, lựa chọn như Tara không hề đơn giản.
Nhưng nếu không mạo hiểm, không “rời núi” thì có thể ta sẽ mất đi cơ hội khám phá bản thân, mất đi cơ hội tiếp cận với những cái mới. Dù kết quả có thế nào, nhưng chỉ cần chọn thay đổi thì ta đã dũng cảm hơn một chút. Như Brené Brown đã viết trong quyển “Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead” (sách đã được Alphabooks dịch ra tiếng Việt, tên là “Sự liều lĩnh vĩ đại”):
“The willingness to show up changes us, It makes us a little braver each time.”
(Tạm dịch là: Khát vọng lộ diện bản thân một cách trần trụi thay đổi chúng ta. Nó khiến ta dũng cảm hơn dù chỉ một chút.)
Hoặc như lời tiến sĩ Kerry – giáo sư dạy môn Lịch sử Do Thái tại BYU đã nói với Tara khi cô nghi ngờ vào khả năng học tại đại học Cambridge của mình:
“Trước hết hãy khám phá xem khả năng của em là gì, sau đó hãy quyết định em là ai.”
Chuyện này làm mình nhớ đến một post trên Vietcetera. Đại ý là sau gần hai thập kỷ cãi nhau với bố thì tác giả rút ra được vài bài học:
- Bố mẹ không hiểu bạn thì không phải lỗi của họ hay của bạn, mà đó là do quan điểm sống của các thế hệ được nhào nặn bởi các bối cảnh xã hội quá khác nhau. Có thể 40 năm trước, sống sót qua ngày đã là một thành công. Tốt nghiệp đại học là kỳ tích. Làm việc gì cũng được miễn “ổn định”. Lập gia đình là điều đương nhiên vì không ai muốn lẻ loi trong điều kiện sống khắc nghiệt như vậy. Còn với thế hệ tôi bây giờ, sống qua ngày là điều hiển nhiên. Tốt nghiệp đại học là chuyện bình thường. Kiếm tiền từ đam mê của mình là một thành công. Tìm được người phù hợp để lập gia đình là một kỳ tích. -> xung đột. Những lần cãi nhau của tôi và bố không hẳn là cuộc chiến giữa thế hệ cũ và mới, mà có thể là một phần trong cuộc chiến giữa một xã hội với những thay đổi chóng mặt ngoài tầm kiểm soát của chính những người trong đó.
- Chọn chuyện để cãi. Không phải việc gì cũng cần tranh luận đến cùng. Hạn chế những việc không đáng tranh luận – những việc không ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc ko có cách nào mình có thể tác động lên bố mẹ. VD chuyện “tại sao đi Grab từ nhà lên Mỹ Đình hết có 2000”, hay “thằng A nó có con hai tuổi rồi đấy”,… Cứ dạ, vâng,.. là xong. Còn những chuyện “đáng tranh luận” – những chuyện ảnh hưởng trực tiếp đến mình thì hãy trao đổi nghiêm túc với bố mẹ. VD “con muốn gap year”, “con muốn làm công việc này một cách nghiêm túc trong một năm, nếu ko đạt được kết quả gì thì con sẽ làm việc mà bố mẹ đã thu xếp,…”
- Đôi khi, không cần phải cãi vã, bạn đã là người thắng cuộc. Vì chừng nào ta còn sống lâu hơn cha mẹ, ta đã là người thằng cuộc trong những cuộc tranh luận.
- Càng độc lập thì càng ít phải tranh cãi với bố mẹ. Độc lập từ trong suy nghĩ, cách ứng xử, ý thức chăm sóc bản thân, tài chính,… Khi gặp vấn đề, tự biết cách đứng dậy -> Mọi cuộc tranh luận sẽ tự biến mất. Còn chừng nào bạn vẫn xin tiền hàng tháng thì bố mẹ có quyền biết bạn dùng tiền đấy để tiêu gì, có trách nhiệm nhắc bạn ko nên tiêu xài hoang phí. Vì đấy có phải tiền bạn tự kiếm được đâu. F’’’ing true!