Con đường trở thành một Digital Nomad - Vừa làm việc vừa tung tăng khắp thế giới

Hieu Pham
My translation
Published in
64 min readNov 11, 2014

--

Tên gốc: “Digital Nomad — How to Travel the World and Work as a Freelancer”, tác giả Tomasz Nowak. Cuốn sách này ra mắt dưới dạng ebook và hoàn toàn free (http://digitalnomadebook.com). Cuốn sách viết về cuộc sống rất thú vị và “đáng sống” của một web designer người Ba Lan. Với mình (người dịch) thì nó rất là viễn tưởng và nằm ngoài khả năng bản thân. Tuy nhiên có thể với những người khác, những bạn trẻ khác thì nó đang rất gần. Việc của mình chỉ là dịch thôi :D

Ngoài ra thì (theo cuốn sách) anh này cũng đã có thời gian du lịch và làm việc ở Việt Nam.

Lời người dịch

Cuốn sách viết về cuộc sống rất thú vị và “đáng sống” của một web designer người Ba Lan. Với mình (người dịch) thì nó rất là viễn tưởng và nằm ngoài khả năng bản thân. Tuy nhiên có thể với những người khác, những bạn trẻ khác thì cuộc sống như thế này đang rất gần.

Tác giả 25 tuổi, nếu đúng như những gì bạn ấy viết trong cuốn sách này, với mình quả thật rất đáng ngưỡng mộ. Đã từng nghe rất nhiều về các bạn người nước ngoài sống độc lập, trưởng thành từ rất trẻ và giờ càng ngày càng được thấy nhiều nhân chứng sống ngoài đời, nên khá tin. Hoặc cứ cho là cuốn sách này có gì đó cường điệu hay “chém” (như vụ lùm xum bạn gì xách bao ngô và đi ở VN mình hồi trước), thì như mình đã nói ở trên, cũng là một cuộc sống rất đáng để mơ ước và các bạn trẻ có thể biến thành sự thật. Các bạn có thể đọc về những con người như vậy ở đây 7 ‘digital nomads’ explain how they live, work and travel anywhere in the world.

Bìa sách Digital Nomad - How to Travel the World and Work as a Freelancer

Đây là cuốn nhật kí hành trình của một người trẻ, không chứa đựng quá nhiều triết lý nhân sinh cao siêu nên đọc cũng không quá mệt. Nhưng đâu đó mình cũng rút ra được những điều có ý nghĩa cho bản thân, nhất là trong những ngày tháng “nghỉ hè” sau 4 năm đi làm.

Tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ của tác giả nên mình dịch nhiều chỗ thấy cũng khá mệt. Trong quá trình dịch không tránh khỏi (nhiều) sai sót do buồn ngủ, trình độ có hạn, đói,…

Tận dụng lợi thế là một bản phát hành trên web nên mình có chèn thêm link tham khảo cho một số khái niệm hoặc từ khoá trong bài để tiện tra cứu nhanh.

Đây là một dự án cá nhân và hoàn toàn không lợi nhuận. Mình sẽ rất buồn nếu như nội dung bị copy và không ghi rõ nguồn. Mọi đóng góp và ý kiến xin liên hệ trực tiếp với mình.

LinkedIn: https://www.linkedin.com/in/hieupv

Facebook: https://www.facebook.com/mrhieu

Twitter: https://twitter.com/MrHieu

Hà Nội, 11:11pm 2014/11/11

Update 30/10/2014: qua email tác giả đã đồng ý cho mình dịch cuốn sách này. Anh cũng muốn gửi bản dịch tiếng Việt hoàn thiện đến những người bạn Việt Nam anh đã gặp.

Update 12/03/2016: một anh bạn kể với mình là sau khi đọc bản dịch này của mình, anh ấy đã quyết định nghỉ việc 2 tuần sau đó, và mở công ty của riêng mình, theo đuổi những ước mơ riêng. Không biết là nên cảm thấy có lỗi hay là nên chúc mừng anh ấy.

Update 09/12/2016: website của cuốn sách ko còn tồn tại nữa. Các bạn có thể download lại bản EPUB ở đây.

Mở đầu

Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này?

Đã bao giờ bạn tự hỏi là công việc của bạn sẽ như thế nào nếu như bạn không ở yên một chỗ? Sẽ thế nào nếu bạn vẫn làm được công việc thường ngày của bạn: làm thiết kế đồ hoạ, lập trình phần mềm, hay viết lách trong khi vẫn được đi du lịch vòng quanh thế giới? Bạn có bao giờ tự hỏi là cảm giác sẽ thế nào khi được làm việc trên một bãi biển tuyệt đẹp ở Philippines hay quần đảo Caribbean? Tôi đã bắt đầu tự hỏi bản thân những câu hỏi tương tự như vậy cách đây 2 năm và từ đó bắt đầu vừa du lịch khắp thế giới vừa làm việc.

Pulau Perhentian, Malaysia. Một trong những nơi đẹp nhất mà tôi từng đặt chân đến

Cuốn sách này sẽ kể lại từng bước từng bước tôi đến với cuộc sống của một Digital Nomad - “vừa làm việc vừa đi du lịch" như thế nào. Nếu bạn không thích mùa đông lạnh giá, hay nếu bạn cảm thấy đang bị bóc lột một cách tệ bạc, nếu như cảm thấy công việc của bạn ngày qua ngày thật là vô nghĩa và làm bạn héo hon từng ngày. Thì đây, tôi có tin vui cho bạn.

Bạn có thể làm việc từ bất kì nơi nào trên thế giới. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy nhạt nhẽo, bởi vì mỗi ngày mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ. Bạn sẽ phá vỡ sự đơn điệu trong công việc từ 9h sáng đến 5h chiều hàng ngày (9-to-5 job). Bạn sẽ cảm nhận được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Bạn sẽ không phải ngập trong nợ nần để có thể mua nhà, mua xe hay nội thất IKEA, như rất nhiều người khác. Phong cách sống này không chú trọng vào các tiện nghi tiêu dùng cá nhân.

Câu chuyện đời tôi

Sau khi đi làm được 3 năm, tôi bắt đầu sự nghiệp riêng của mình trong vai trò một web designer. Công việc làm ăn cũng thuận lợi giúp tôi có đủ tiền để có xe đẹp, thuê nhà đẹp để ở, mua được hai dàn máy tính ngon, đồ đạc mới, TV màn hình rộng và hệ thống giải trí hoành tráng tại nhà. Ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản tiền kha khá nữa. Tuy nhiên, nhiều khi tôi cũng cảm thấy những gì tôi đang làm thật là vô nghĩa. Tôi luôn thích di chuyển, thích đi du lịch.

Tôi luôn mơ sẽ được đặt chân đến những nơi mà tôi xem trên TV hay qua sách báo. Những “thứ" mà tôi đã mua không thật sự làm tôi cảm thấy hạnh phúc. Thế giới này còn rộng lớn lắm. Và thế là tôi quyết định sẽ đến với nó, trong khi vẫn tiếp tục công việc của mình, nghề của mình.

Sau khi tống đi hết những thứ không cần thiết, tôi đóng đồ đạc vào balo và mua vé máy bay. Từ cái khoảnh khắc ấy cho đến nay, tôi đã đi qua 34 nước (con số này rất có thể đã tăng lên khi bạn đang đọc cuốn sách). Tôi đã từng nhảy dù, nhảy bungee, bay bằng dù lượn, đạp xe đổ dốc, chạy xe quad trên sa mạc ở Ai Cập, trượt tuyết ở Ý hai tháng, đi thuyền buồn trên biển Baltic vào tháng 10 (mùa bão rất to), cưỡi voi, cưỡi lạc đà và cưỡi lừa,… Tôi còn học quyền Thái và học nấu món ăn của Thái.

Tôi đã từng chạy xe máy trên quãng đường 2500km ở Việt Nam, đi nhờ xe 8000km ở Châu Âu và 2000km ở Châu Á. Tôi cũng đã lái xe tuk tuk, chèo thuyền kayak trên năm con sông ở Châu Á, và chèo thuyền dọc theo sông Mekong. Tôi được dự một đám cưới trên bãi biển Colombia, đã đến tham dự lễ hội Oktoberfest ở Đức và một lễ hội tôn giáo ở Barcelona. Tôi đã uống rất nhiều rượu và gặp gỡ hàng nghìn con người thú vị từ khắp nơi trên thế giới.

Giờ tôi mới 25 tuổi. (gato chưa?- người dịch)

Làm sao để đưa ra quyết định

Nếu bạn muốn có một phong cách sống như vậy, bạn phải ghi nhớ một điều này, duy nhất một điều thôi:

Đừng nghe theo lời khuyên của gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp

khi bạn kể cho họ về chuyện bạn nghỉ việc.

Hầu hết mọi người đều chỉ muốn sống một cuộc sống ổn định, vốn đã trở thành tiêu chuẩn mặc định của xã hội ngày nay. Chúng ta đi học, rồi chúng ta kiếm công ăn việc làm.

Thế rồi chúng ta tiêu tiền vào những thứ không hoàn toàn cần thiết cho cuộc sống. Tuy vậy, hầu như chúng ta không muốn thừa nhận điều đó. Những thứ chúng ta sắm hầu như chỉ để gây ấn tượng với người khác. Sau đó, chúng ta lập gia đình, đi nghỉ mát 2 lần mỗi năm và chụp vài bức ảnh trong các dịp đó (mà phần lớn là để up lên Facebook để các friend vào like và gatô). Rồi chúng ta sinh con đẻ cái và dạy chúng cách sống và thái độ với cuộc sống tương tự như vậy.

Vì lẽ đó, khi bạn kể với ai về kế hoạch kết hợp đi chơi - đi làm của mình, bạn sẽ được những câu đại loại như: “Mày không sợ à?… Đi như thế có đắt không?… Đừng mày không sống như thế được đâu… Ủa ôi mày cứng nhở/điên nhở!… Tài sản thế chấp của mày bị sao à?… Mày nên dành dụm để mua nhà…” Quan trọng là bạn phải giữ vững lập trường. Mà này, cũng có thể bạn chỉ đang đọc cuốn sách này cho vui thôi. Đừng làm theo. Tuỳ bạn thôi.

Tuy nhiên, nếu bạn đã muốn chọn con đường giống như tôi đã chọn, bạn phải tập trung 100% tâm sức. Đừng kể với quá nhiều người về dự định này của bạn. Nếu như mục đích của bạn chỉ là để gây chú ý thì bạn chỉ là người nói mồm thôi. Bạn không làm được đâu.

Tôi đã trải qua việc này vài lần rồi. Hồi ở Cambodia, một anh bạn người Đan Mạch, một anh người Úc và tôi đã quyết định mua một chiếc xe tuk tuk (xe giống xe lam) và sẽ đi xuyên Việt Nam. Ý tưởng rất độc và thú vị, bởi vì hầu hết khách du lịch ở Việt Nam chỉ toàn đi xe khách hoặc xe máy.

Khi tôi kể về ý tưởng này với một vài người bạn của tôi, mọi người đưa ra rất nhiều lời khen. Bọn tôi đã nhận được rất nhiều like và comment trên Facebook nên khiến chúng tôi rất phấn khích. Dù chưa đi được một kilô mét nào nhưng hai anh bạn của tôi đã cảm thấy rất là tự hào. Tôi cũng thế. Tuy nhiên cuối cùng thì giá của một chiếc tuk tuk quá đắt nên bọn tôi phải từ bỏ ý định đó. Có lẽ nếu như không nhận được những lời khen ngợi quá sớm trên Facebook như vậy thì chắc chúng tôi đã có nhiều động lực hơn để theo đuổi ý tưởng đó đến cùng.

Một sự thay đổi then chốt trong cuộc đời đòi hỏi bạn phải chấp nhận hi sinh rất nhiều. Nó có thể khiến cho bạn cảm thấy không thoải mái chút nào và nhanh chóng kiệt sức. Tuy nhiên, sau khi những khó khăn qua đi, phần thưởng dành cho bạn chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều những hi sinh ấy.

Tại sao bạn muốn thoát khỏi vòng quay Rat Race

Khi đi qua những đất nước phát triển, tôi luôn cảm nhận thấy một điểm chung: người ta chạy theo những giá trị và thứ hạnh phúc giả tạo.

Cứ thử hỏi 5 người bất kì xem đối với họ, ý nghĩa của hạnh phúc là gì? Chắc sẽ có người nghĩ đó là tình yêu, có người nghĩ đó là luôn gặp những điều tốt đẹp, không bao giờ gặp khó khăn, hay có người nghĩ đó chính là gia đình. Mấy câu hỏi kiểu này nhiều khi cũng thật nhảm nhí. Con người luôn không ngừng kiếm tìm thứ mà họ cho là hạnh phúc, và bên cạnh đấy thì cũng có rất nhiều kẻ kiếm tiền dựa trên tâm lý này. Họ bán vài thứ hàng hoá cho bạn với lời cam kết những thứ đó sẽ giải quyết hết mọi vấn đề mà bạn gặp trong cuộc sống, tức là sẽ khiến bạn hạnh phúc đấy. Và họ thì kiếm được tiền. Đó là nhờ việc thoả mãn tiện nghi cá nhân được đánh đồng với khái niệm hạnh phúc.

Tôi thì chỉ ước mọi người đều trở nên giàu có, nổi tiếng và có được tất cả những thứ trên đời mà họ hằng mơ. Đến lúc ấy họ sẽ nhận ra rằng mơ mộng bao giờ cũng đẹp hơn đời thực, và giàu có không phải là câu trả lời cho hạnh phúc. Còn với riêng tôi, được đi du lịch, được trải nghiệm là hạnh phúc. Nó là sự rời xa khỏi những ham muốn về một cuộc sống vật chất giàu có, xe đẹp, nhà to, nội thất IKEA (anh này nghiện đồ IKEA hay sao ấy - người dịch). Những người đam mê du lịch như tôi chỉ cần sống một cuộc sống tối giản. Càng ít càng nhiều.( The less “stuff" you have in your life, the less trouble you will have).

Nhưng trước hết, bạn cần phải có tiền thì mới mua vé máy bay nhở? Đừng lo, vì lý do đó nên tôi mới viết cuốn sách này. Làm freelance là kiểu công việc đặc biệt cho phép bạn có thể tự do khám phá thế giới trong khi vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình. Nó mang lại cho bạn rất nhiều cơ hội trong đời, vậy thì sao không chớp lấy? Freelancer là một trong số rất ít những hình thức làm việc mà người ta có thể làm từ bất kì đâu trên thế giới. Trong khi rất nhiều người đi du lịch trong kì nghỉ của họ xong lại phải trở về với công việc nhàm chán hàng ngày thì bạn, là một freelancer, có một kì nghỉ kéo dài mãi mãi. Bạn sẽ không bao giờ bị hạn chế thời gian cho kì nghỉ của mình.

Một điều thú vị khác nữa đến từ những chuyến đi, đó là những trải nghiệm của cuộc sống, những con người thú vị mà bạn gặp sẽ làm cho bạn mở mang đầu óc rất nhiều.

Bước 1: Sẵn sàng cho một sự nghiệp riêng

Quá trình chuyển từ làm full-time sang làm việc từ xa (remote job)

Nếu bạn muốn từ bỏ hình thức làm việc full-time tại chỗ làm, bạn phải có sự chuẩn bị từ trước. Câu hỏi quan trọng nhất là: “Liệu có khả thi không?”. Thật ra gần như lúc nào câu trả lời cũng là “Có". Có một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng con người ta làm việc hiệu quả hơn khi làm việc từ xa. Khi đó, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của con người trở thành “Làm sao để hoàn thành công việc sớm", thay vì ngồi từ 9h sáng đến 5h chiều ở chỗ làm cho mau mau chóng chóng đến giờ tan sở. Có rất nhiều designer, lập trình viên, phân tích viên lãng phí thời gian theo cách đó. Thậm chí một số người còn trốn vào toilet để “giết thời gian”.

Vì sao làm việc từ xa lại hiệu quả hơn đến vậy?

  1. Vì bạn có thể lựa chọn việc mà bạn thực sự muốn làm

Bạn, và chỉ có thể là bạn quyết định xem có nên nhận một dự án hay không. Khi bạn làm việc trong một công ty, quyền quyết định đó nằm trong tay sếp của bạn và nhiệm vụ của bạn là phải hoàn thành nó, bất kể dự án là gì, bạn có thích hay không.

2. Bạn có thời gian làm việc linh hoạt

Bạn có thể tự mình lên lịch làm việc, lịch nghỉ. Bạn có thể thích thức dậy vào buổi sáng mấy giờ tuỳ thích. Và nhất là không có cảm giác bị sếp lườm.

3. Kiếm được nhiều tiền hơn

Khi bạn làm việc cho chính mình, bạn có thể tự mình quyết định giá cả và chi phí cho toàn bộ dự án.

4. Bạn có thể làm việc trong lúc đi du lịch

Freelancer là những người “đặc biệt" có thể vừa đi du lịch thế giới và vừa làm tốt công việc của mình.

Điều tối quan trọng khi làm việc cho chính bạn là bạn phải có ý thức tự giác và kỉ luật cao. Vì bạn không chịu sự kiểm soát của ai cả, nên bạn có thể mặc đồ ngủ ngồi làm việc, luộm thuộm lôi thôi và râu ria xồm xoàm. Chẳng ai quan tâm đến những điều như thế bởi vì kết quả công việc là tiêu chí đánh giá duy nhất.

Làm theo 4 bước sau nhé

  1. Thử đề nghị sếp của bạn cho phép làm việc ở nhà 1 hôm xem sao

Để thuyết phục được sếp của bạn, chắc chắn bạn phải chứng minh được rằng việc này sẽ đem lại hiệu quả công việc rõ rệt. Chỉ cần 1 ngày thôi.

2. Thể hiện kết quả công việc tăng cao khi ngồi làm việc ở nhà

Trong ngày xin làm việc ở nhà, bạn phải cố gắng hết sức để tỏ rõ khả năng và hiệu quả công việc của mình. Bên cạnh đấy thì bạn cũng cần (e hèm -người dịch) giả vờ giảm năng suất khi làm việc ở văn phòng xuống một chút. Làm như thế thì sếp bạn mới nhận ra được sự khác biệt và thấy là “Uh, nó ngồi nhà làm việc hiệu quả hơn thật".

3. Chuyển qua làm việc full-time ngoài văn phòng

Sau khi thể hiện cho sếp của bạn thấy là khi làm việc ở nhà công việc của bạn hiệu quả hơn, công ty lại tiết kiệm được chi phí hơn về lâu về dài, thì đây là lúc thương lượng và đàm phán để sếp cho làm việc full-time mà không phải đến văn phòng.

4. Cố gắng xây dựng sự nghiệp riêng cho bản thân từng bước một

Trong khi vẫn làm công việc hiện tại, bạn cần lên kế hoạch để bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng. Hãy lấy công việc hiện tại làm chỗ dựa tài chính và nguồn vốn để khởi nghiệp.

Nếu bạn có thể tiết kiệm được chút tiền trong vòng vài tháng, thì đã đến lúc xin nghỉ việc và tiếp tục tập trung vào xây dựng sự nghiệp của riêng bạn. Bạn đã có kinh nghiệm làm việc rồi, bạn hoàn toàn có thể tạo nên sự nghiệp của bạn. Nhưng nếu muốn đỡ vất vả hơn, có thể xem xét đến chuyện mời ai đó hợp tác. Vài designer và lập trình viên có thể cùng nhau làm việc ở nhà hoặc thuê một chỗ chung để làm việc. Điều này giúp cho bạn duy trì môi trường để giao tiếp, điều mà sẽ không có được khi bạn làm một thân một mình.

Trên mạng có vài trang giúp bạn tìm địa điểm để thuê chỗ ngồi làm việc , có internet tốc độ cao. Bạn có thể dễ dàng kết hợp đi du lịch và ngồi làm việc cùng với những người khác bởi vì ở các thành phố lớn trên thế giới luôn có rất nhiều người cũng muốn như vậy và có thể chia sẻ nơi làm việc với bạn. Gặp những con người mới mẻ cũng là một cách tìm kiếm niềm cảm hứng mới cho công việc.

Những nghề freelance mà bạn có thể vừa làm vừa đi du lịch

Có một sự thật là, không phải nghề nào bạn cũng làm từ xa được. Ví dụ nếu bạn là công nhân sản xuất dao cạo hay công nhân mỏ thì đúng là bất khả thi. Và cũng có một số ngành nghề mà bạn có thể làm việc bất kể bạn ở đâu. Cũng phải nói là phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo và quyết tâm của bạn, bạn hoàn toàn có thể bỏ công việc full-time để làm việc từ xa. Đặc biệt là các công việc trong ngành IT.

Sau đây là list để các bạn tham khảo: (xin phép không dịch - người dịch)

  • Web Designer
  • UI/UX Designer
  • Graphic Designer
  • Motion Designer
  • Animation Designer
  • Web Developer
  • Copywriter
  • Illustrator
  • Usability Tester
  • Conversion Rate Optimizer
  • SEO Consultant
  • Mobile Applications Designer
  • Mobile Applications Developer
  • Logo Designer
  • Video Designer
  • Page/Book Designer
  • Photographer
  • Translator
  • Journalist
  • Market Strategist
  • Email Marketer
  • 3D and Flash Animator
  • Accountant
  • Advertiser
  • Administrative Assistant
  • Article Writer
  • Career Coach
  • Virtual Assistant
  • Data Entry Provider
  • Data Specialist
  • Database Developer
  • E-book Writer
  • Marketing & Lead Generation Campaigner
  • Press Release Writer
  • Project Manager
  • Resume Writer
  • Sales Presentation Designer
  • Foreign Language Voice Talent
  • Technical Support
  • Travel Planner Typist
  • Video Editor
  • Web Content Writer
  • Website Translator
  • Stock Photographer
  • Voice-overs Cartoonist
  • Online Legal Advisor
  • Game Developer
  • Travel Writer
  • Online Games Player

Thật ra list này vẫn còn dài nữa. Bản thân tôi là một web designer, thuộc ngành IT và thiết kế đồ hoạ nên tôi ưu tiên liệt kê ra những công việc như trên. Tập trung vào một lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao là rất quan trọng. Bạn không thể cùng một lúc vừa là một lập trình viên giỏi, vừa là một designer xuất sắc. Thay vì tham gia 5 lĩnh vực cùng một lúc, hãy tập trung vào một thứ thôi và phải trở thành chuyên gia về lĩnh vực đó.

Và cuối cùng, nếu bạn không nằm ở vị trí nào trong list trên thì cũng không gì có thể cản trở việc bạn bắt đầu học để trở thành một trong số đó. Không bao giờ là quá muộn cả. Thay vì ngồi xem TV, lướt Facebook hay làm những việc lãng phí thời gian, bạn hãy dành thời gian chuyên tâm học một thứ gì đấy. Có thể phải mất cả năm trời, nhưng quyết tâm là được. “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường” mà.

Nếu bạn có thể làm việc khi ngồi nhà, thì không có lý do gì mà không thể làm việc từ những nơi khác. Khi bạn du lịch, cách chi tiêu cũng sẽ khác so với khi bạn ở nhà. Khi đó bạn sẽ học được cách chi tiêu giống với những người sống ở nơi bạn ghé lại.

Sau khi hoàn thành một dự án, bạn không cần phải kiếm một dự án tiếp theo ngay làm gì vội. Hay dành thời gian nghỉ ngơi và thực sự tận hưởng chuyến du lịch. Bạn kiếm được nhiều tiền hơn trong khi làm việc ít hơn. Bởi vì bạn không mua sắm nhiều giống như khi bạn ở nhà: TV, tủ lạnh, máy giặt, hay thậm chí mua nhà, mua xe,…

Làm thế nào để đạt được mục tiêu

Điểm mấu chốt là bạn cần thiết lập một mục tiêu. Bạn phải biết được dịch vụ hay sản phẩm bạn có thể cung cấp là gì. Hay nói cách khác, bạn muốn bạn trở thành người như thế nào? Tiếp theo, thử suy nghĩ xem các kĩ năng và các bước cần thiết nào cần thực hiện để đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu đã đề ra. Viết hết chúng ra giấy và đánh dấu lại từng mục tiêu mà bạn đã đạt được. Coi chúng như list các công việc phải làm của bạn. Hoàn thành thì gạch đi, cần thì thêm dòng mới vào.

Ví dụ thế này. Nếu bạn muốn chạy xe từ London đến Tokyo, bạn cần một list các thứ sau: bằng lái quốc tế, visa, một chiếc xe máy, lốp dự phòng, bản đồ, quần áo bảo hộ khi lái xe, dầu máy, bộ dụng cụ sửa xe, … Sau đó bạn sẽ lần lượt tìm mua hoặc thực hiện những thứ này. Khi bạn mắc ở một thứ nào đó thì cứ bỏ qua và chuyển qua thứ tiếp theo. Vướng ở đâu thì sẽ giải quyết sau đấy.

Nếu bạn muốn xuất bản một cuốn sách của riêng mình, như tôi chẳng hạn, list các công việc cần thực hiện sẽ bao gồm: viết, chính sửa, dịch, xuất bản, quảng bá,…

Qui trình tương tự có thể được áp dụng để giải quyết rất nhiều vấn đề trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Xây dựng một sự nghiệp freelance cũng gần giống thế. Trước tiên, đặt ra một mục tiêu và viết ra tất cả mọi thứ bạn cần phải làm, rồi phải học cách để đạt được nó.

Nếu bạn muốn trở thành một lập trình viên chuyên về Wordpress, bạn phải học XHTML/CSS, Worpress, Responsive Web Design, … Sau khi đã học xong các kiến thức cơ bản, hay tiếp tục học các kiến thức sâu hơn và liên tục cập nhật kiến thức. Các công nghệ và các nền tảng luôn thay đổi và cập nhật liên tục.

Bước tiếp theo là lập một kế hoạch kinh doanh. Tương tự, cần phải thiết lập mục tiêu và nghĩ xem cần làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Ở đây là phải mua domain, thuê dịch vụ máy chủ, một tài khoản sử dụng các dịch vụ lưu trữ ảnh, mua phần mềm cần thiết. Có thể cần vài thứ khác nữa. Nhớ ước lượng chi phí đầu tư ban đầu cho các mục này.

Một khi viết ra được, sẽ dễ dàng thực hiện hơn rất nhiều vì những gì cần làm đã ở trong đầu rồi.

Làm thế nào tạo được một trang Portfolio tốt ?

Nếu bạn muốn đi du lịch và làm việc như một freelancer, trước tiên bạn phải tìm được những mối khách hàng đầu tiên từ hồi còn đang ở nhà. Nếu không có porfolio riêng hay thông tin khách hàng quen thì sẽ rất khó để bạn kiếm được dự án khi đang tận hưởng chuyến đi của mình. Phải mất một thời gian bạn mới có thể gây dựng được nền tảng đó. Nếu chưa có khách hàng cũ hay những dự án đã hoàn thành để làm showcase, bạn vẫn có thể tự tạo ra các dự án mẫu để chỉ ra các khách hàng tiềm năng mà bạn có thể cung cấp dịch vụ.

Bạn cũng có thể tham gia các cuộc thi nhỏ trên các trang như freelancer.com hay 99designs.com. Cách nào cũng được. Quan trọng là cần thể hiện là mình có thể đem lại gì cho khách hàng, chứ không phải cứ trưng học vấn hay CV ra là được.

Nếu bạn vẫn đang làm việc full-time thì tôi khuyên bạn nên tạo một website cá nhân và cho porfolio của mình lên đó. Nếu bạn sắp xếp thời gian làm freelance khi còn đang làm việc ở công ty thì càng có nhiều cơ hội để tìm kiếm khách hàng mới.

6 bước để tạo ra một porfolio thật hấp dẫn

  1. Chọn tên miền phù hợp

Sở hữu một tên miền phù hợp là cực kì quan trọng. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm tên miền như vậy, và cuối cùng cũng tìm ra một cái rất ưng ColourFreak. Thật ra, ColourFreak nghe khá là kỳ cục. Có lẽ chính vì kỳ cục nên nó đã không chìm nghỉm giữa các tên miền khác (hay ít ra là tôi tự sướng như vậy). Nhìn chung tên miền nên tạo cảm giác thu hút, dễ nhớ, dễ đọc. Sẽ là tốt nhất nếu như mua được tên miền giống tên của mình. Nhưng trong trường hợp của tôi thì không ổn vì ở Ba Lan cái tên Tomasz Nowak cực kì đại trà (giống như kiểu John Smith ở Mỹ vậy).

2. Câu chữ thật ấn tượng

Website là để thể hiện nội dung. Vì thế không đơn giản chỉ là chèn chữ cho đầy các chỗ trống. Nhiều khi chỉ là vài câu chữ thuộc về nội dung lại trở thành nấc thang đưa bạn đến thành công. Đó thường là những câu giới thiệu ngắn về bản thân, hay về công ty của bạn, giúp thể hiện một cách ấn tượng về lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ: “33 Bananas là một văn phòng thiết kế đồ hoạ ở London với những con người đầy tài năng. Chúng tôi có thể chắp cánh cho những thương hiệu nhỏ trở thành những công ty thành công rực rỡ”

33 Bananas is a talented graphic design studio based in London. We transform small brands into large businesses.

Nếu cảm thấy không xuất sắc trong chữ nghĩa thì có thể thuê một copywriter viết.

3. Thiết kế và code cho website

Đến bước thiết kế và code cho website, cần luôn nhớ mục tiêu quan trọng là phải đưa phần portfolio vào. Phải có chiến thuật. Ví dụ ở porfolio của tôi, bên cạnh các dự án đã thực hiện, tôi liệt kê ra thêm các dự án tương tự mà tôi biết. Vì sao ư? Bởi vì khách hàng sẽ nhìn vào các phong cách thiết kế giống với trang họ cần, và họ có thể tin tưởng là tôi sẽ hiểu những điều họ muốn. Và ngược lại, họ cũng chính là những khách hàng mà tôi cần.

Trang ColourFreak.com của tôi đây. Trông có vẻ hơi cổ nhưng bây giờ trông khác rồi.

Tôi dùng một số dịch vụ để test hiệu năng giao diện người dùng (usertesting.com, trymyui.com) có một số người phàn nàn là nội dung các dự án đã thực hiện của tôi thiếu sự đa dạng. Tốt thôi, trúng ý định ban đầu của tôi. Nếu bạn đang tìm mua một đôi giày màu đỏ và đang phân vân giữa lựa chọn giày ở một trung tâm thương mại lớn với đủ chủng loại, hay vào một hiệu giày nhỏ xinh có tên Giầy đỏ ? Tôi tin chắc bạn sẽ chọn phương án thứ hai.

4. Thiết lập Google Analytics

Việc tiếp theo là thiết lập Google Analytics cho trang của bạn. Việc thống kê xem đặt quảng cáo thế nào cho hiệu quả, hay người vào trang của bạn đến từ đâu, điều gì níu chân họ ở trang của bạn, rất quan trọng. Google Analytics cung cấp một công cụ lượng hoá, cho phép bạn đưa ra đánh giá tính hiệu quả của các phương án, từ đó giúp đưa ra quyết định hiệu quả hơn.

www.google.com/analytics

5. Xây dựng uy tín

Ghi tên, số điện thoại, nick Skype, địa chỉ liên hệ trên trang web. Up cả ảnh mặt mình lên nữa, đừng lo kể cả mặt xấu cũng được, nhưng điều đó góp phần xây dựng sự tin tưởng. Không có gì phải giấu giếm cả.

Ngoài ra, có thể gia tăng sự tin tưởng của người xem bằng cách đưa thêm những lời khen ngợi, đề xuất của các khách hàng cũ đối với bạn. Kèm thêm ảnh và tên khách hàng hay công ty đó thì càng tốt (đừng dại mà dùng tên giả hay ảnh lấy trên mạng). Nó sẽ tạo sự khác biệt tương đối lớn. Một xu hướng hiện nay là làm video quay lại lời khen ngợi từ khách hàng. Có một thứ tự ưu tiên thế này, người xem sẽ thấy thu hút và đỡ “tốn não" nhất khi họ xem các video, tiếp theo là hình ảnh mang tính minh hoạ cao, sau cùng là các dòng chữ (cũng giống như khi làm slide thuyết trình, hình ảnh minh hoạ giúp cho người nghe dễ hình dung về nội dung hơn - người dịch). Những video dạng này giúp nâng cao sự thu hút và niềm tin từ người xem bởi vì họ hiểu rằng phía sau mỗi video, các khách hàng cũ đã phải đầu tư thời gian và uy tín của mình, xuất hiện trong video và đề xuất dịch vụ này cho bạn/công ty của bạn. Trên thực tế, việc chèn thêm các video này giúp cho website của tôi tăng 20% hiệu quả thu hút khách hàng.

6. Test trang

Theo Jakcob Nielsen, khi test hiệu năng giao diện web, đừng test với nhiều hơn 5 người, và chú trọng test các chi tiết nhỏ càng nhiều càng tốt.

Có test có hơn. Và tiện lợi một điều là việc test có thể tiến hành từ nguồn lực bên ngoài. Bạn cần 5 người dùng để test trang. Nếu bạn chịu khó chăm chút cho khâu này, bạn sẽ phát hiện ra 80% các lỗi trên trang của bạn. Ngoài ra, có thể sau quá trình test bạn sẽ hiểu được cách nhìn từ phía người dùng đối với trang của bạn và so sánh xem nó khác gì so với chủ ý ban đầu.

Làm sao để thu hút và duy trì khách hàng

Freelancer nên hiểu rằng công việc của chúng ta giờ phải bao gồm cả các hoạt động sale và quảng bá cho dịch vụ. Kiến thức về marketing là vô cùng cần thiết, cũng giống như trong các ngành hàng khác. Điểm khác ở đây là bản thân chúng ta chính là công cụ để marketing. Học thêm được ngôn ngữ lập trình mới hay biết cách sử dụng một phần mềm design mới không có nghĩa là kiếm được thêm tiền, mà vấn đề là làm sao để nâng cao danh tiếng và quảng bá bản thân.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao những công ty lớn có thể ra giá gấp 5 lần trong khi chất lượng sản phẩm hay dịch vụ chỉ ngang bằng (thậm chí thấp hơn) so với những gì bạn có thể làm? Câu trả lời rất đơn giản: chi phí marketing. Bạn có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, nhưng để cho những người khác biết đến bạn và tìm đến bạn thì bạn phải sở hữu các kĩ năng sale. Khách hàng đánh giá bạn không phải qua những gì bạn có thể làm, mà là qua những kinh nghiệm làm việc của bạn. Điều nằm lòng đối với các freelancer.

Để tôi đưa ra một ví dụ. Apple không phải là công ty sản xuất laptop tốt nhất trên thị trường. Các thông số của sản phẩm của họ chỉ ở mức bình thường so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, trải nghiệm người dùng trên các sản phẩm của họ là tuyệt vời, từ đầu đến cuối. Khi trên tay một chiếc hộp laptop Apple mới tinh, bạn sẽ cảm nhận được thiết kế tinh tế và tiện dụng. Bạn chẳng cần phải cắt băng dính để mở nắp hộp. Sau khi mở ra, bạn đọc hướng dẫn sử dụng và qua vài bước đơn giản, chỉ sau 3 phút bạn đã có thể bắt đầu “thưởng thức" chiếc Macbook của mình. Qua đó cho thấy chất lượng của trải nghiệm người dùng mang lại ưu thế lớn hơn giữa các sản phẩm có cùng chất lượng.

Công việc freelance cũng tương tự như vậy. Nếu bạn muốn trở nên chuyên nghiệp hơn, bạn cần phải quan tâm đến sự hài lòng của khách hàng kể từ khi họ vừa bước chân vào trang web của bạn cho tới khi dự án kết thúc. Trong suốt quá trình đó, khách hàng càng có nhiều trải nghiệm tốt thì họ càng hài lòng với chất lượng dịch vụ của bạn.

Để làm được điều đó, một số yếu tố cần quan tâm là: mẫu email gửi cho khách hàng, form nhập thông tin dành cho khách hàng(giúp cho khách hàng mô tả nội dung yêu cầu của dự án) phải được thiết kế thật tốt, form báo giá và mẫu hợp đồng nữa.

Basecamp là một công cụ quản lý dự án rất tốt. Lời khuyên của tôi là đừng dùng email làm kênh liên lạc chính với khách hàng. Nếu bạn đang làm một dự án lớn, trao đổi qua email nhiều có thể làm bạn rối tung lên. Trong những trường hợp này, dùng email có thể bị coi là kém chuyên nghiệp. Bạn có thể dùng thử Basecamp. Không đắt lắm và dùng khá thích.

www.basecamp.com

Khách hàng thường rất chú trọng vào tốc độ phản hồi kịp thời của bạn khi trao đổi công việc. Cho nên khi nhận được mail từ khách hàng mà chưa thể trả lời ngay thì bạn nên viết reply thông báo rằng bạn đã nhận được mail và sẽ trả lời sau vào thời gian cụ thể. Nhờ vậy khách hàng có thể an tâm rằng bạn không “mất tích” hay bị “bắt cóc”, và biết được lúc nào sẽ nhận được câu trả lời. Tôi hay dùng cả Skype và Basecamp trong trao đổi công việc là vì thế.

Nếu giữa bạn và khách hàng có nảy sinh mâu thuẫn hoặc họ yêu cầu làm thêm những việc không ghi trong hợp đồng thì cũng đừng bao giờ nổi nóng. Tác phong làm việc chuyên nghiệp là không để cảm xúc xen vào công việc. Bạn chỉ việc đối chiếu tất cả các mục đó với hợp đồng đã kí giữa bạn và khách hàng, trong đó đã ghi rõ bạn phải bàn giao những gì khi hoàn thành, thời gian thực hiện và chi phí tổng cộng. Bạn cũng nên thêm mục báo giá (thường tính theo giờ) cho các hạng mục bổ sung trong trường hợp khách hàng yêu cầu thêm.

Kênh quảng bá hiệu quả nhất chính là “tiếng lành đồn xa”. Điều này có thể vận dụng được trên mạng LinkedIn. Uy tín của bạn sẽ được tăng lên khi có những lời đánh giá từ khách hàng cũ. Sẽ là tốt hơn nữa nếu trong lời đánh giá của họ có ghi thêm mức giá gợi ý khi làm việc với bạn, dựa trên các dự án đã thực hiện trước đây.

Bước 2: Chuẩn bị lên đường

Thanh lý đồ đạc

Trước khi lên đường, tôi đã bán gần như toàn bộ đồ đạc của mình: ô tô, nội thất, thiết bị giải trí, TV, máy tính, máy tập thể dục, và quần áo. Tôi chỉ giữ lại 2 laptop, 2 ba lô, ít quần áo, và 1 máy ảnh. Tôi cũng chuyển khỏi căn hộ đắt tiền đang thuê. Khi bạn không còn gì cả, bạn sẽ cảm thấy thanh thản hơn. Bạn không bị trói buộc vào bất kì thứ gì nữa. Khi bạn không có xe, bạn không phải lo đổ xăng, không phải lo đi rửa xe, đem xe đi bảo dưỡng, mua bảo hiểm, hay cãi nhau với hàng xóm khi người ta làm xước xe của bạn. Nếu bạn thực sự nghiêm túc với kế hoạch đã nêu, bạn không cần xe làm gì cả (trừ khi bạn đến một nơi và mua xe làm phương tiện đi lại ở đó). Nếu bạn quyết định giữ lại chiếc xe, nó sẽ mất giá từng ngày trong khi bạn ko dùng đến nó.

Tương tự với các thứ đồ dùng khác cũng vậy. Bạn không cần đồ đạc gì nhiều, tuy nhiên miếng lót chuột thì chắc chắn phải cần rồi (tác giả là web designer mà - người dịch). Càng giữ nhiều đồ đạc thì bạn càng khó di chuyển đi chỗ khác. Thà hi sinh một chút sự tiện nghi còn hơn. Nên nhớ là khi thuê phòng khách sạn kiểu gì mấy chỗ đó cũng có bàn và giường ngủ.

Thanh lý hết toàn bộ đồ đạc là một quyết định khó. Có nhiều người quyết định chỉ bán một số thứ đồ và giữ lại kha khá nhiều đồ. Quả là rời xa những thứ tiện nghi quen thuộc là cảm giác không mấy dễ chịu. Nhưng nghĩ lại thì tôi đã làm được và đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong đời tôi. Nó giúp cho cuộc sống của tôi trở nên đơn giản hơn.

Làm thế nào để “xử lý” đống đồ đạc

  1. Kiểm kê

Dọn dẹp tủ quần áo, ga-ra, gác mái và xem xem thứ gì bạn muốn giữ và thứ gì không cần thiết nữa. Viết hết ra một list. Xem cả trong bếp xem có thứ gì không dùng đến không, có thể là vài cái cốc.

2. Phân loại

Phân loại riêng những thứ chưa thể bán hoặc vất đi ngay bây giờ mà có thể xử lý sau này khi bạn sắp lên đường. Đôi khi có một số đồ bạn vẫn cần dùng đến cho đến khi bạn chính thức không còn ở nhà nữa.

3. Cố gắng bán tất cả những gì có thể

Không phải những thứ không dùng nữa thì vất đi hết. Nhiều khi vẫn bán lấy tiền được, như một chiếc điện thoại cũ đã hỏng nhưng có thể bán linh kiện chẳng hạn.

4. Đừng lưu luyến nhiều

Nhiều khi cảm giác rất đau khổ khi phải bỏ đi thứ đồ gì đó. Nhưng không sao đâu. Rồi bạn sẽ thấy là sẽ dễ chịu hơn khi không có chúng. Và thiếu mấy thứ ấy, cuộc sống chẳng ảnh hưởng gì cả.

5. Lên kế hoạch

Lên kế hoạch để bán đồ đạc. Cũng có thể đem đi cho thuê hoặc để lại cho người quen.

Nên mang những đồ gì theo?

Laptop

Hiển nhiên. Làm sao bạn đem cả cái máy tính để bàn đi du lịch được. Thú thật là có lần tôi đã đem cả case máy tính theo ô tô đi du lịch. Đó là trong chuyến đi đến dãy Apls, và lần đó tôi chỉ ở nguyên một chỗ trong một tháng. Lại nói tiếp, bạn nên chọn loại laptop nào để mang đi ? Không có câu trả lời chuẩn nào ở đây cả. Tôi là dân làm thiết kế đồ hoạ nên tôi chọn một chiếc Apple Macbook Pro 17". Theo cảm nhận cá nhân của tôi thì Photoshop trên Mac chạy tốt hơn trên Windows.

Laptop luôn là mục tiêu thu hút trộm đạo nên đó là lý do tôi dùng đến 2 loại túi khác nhau. Một cái ba lô to để đựng tất cả quần áo, dây cáp, sạc, … Tôi đã thấy nhiều trường hợp hành lý bị thất lạc, mất, cầm nhầm hay đánh cắp ở các sân bay, nên tôi có cái túi thứ hai nhỏ hơn để đựng lap, máy ảnh và những thứ quan trọng. Nếu đi máy bay, tôi xách cái túi nhỏ làm hành lý xách tay.

Tôi mua cả case chống sốc và chống nước cho laptop. Bạn nên mua một cái như vậy bởi vì kẻ thù lớn nhất của các thiết bị điện tử là cát, nước, nhiệt độ (quá thấp hoặc quá cao) và độ ẩm.

Ngoài laptop ra, bạn cũng cần chuột và miếng lót chuột. Tôi thường xuyên phải làm việc trên những chiếc bàn không bằng phẳng nên nếu không có miếng lót chuột thì sẽ rất bất tiện. Ngoài ra bạn cũng nên chuẩn bị giắc cắm mở rộng cho 3–4 đầu cắm một lúc và đầu cắm chuyển đổi để dùng với các loại ổ cắm ở các quốc gia khác nhau (Anh, Châu Âu,…) Tôi đang dùng bộ chuyển Skross World Travel Adapter 3, rất gọn và tiện dụng. Nó có thể chuyển đổi thành nhiều loại đầu cắm khác nhau, cổng USB,… Nói chung là rất ngon.

Smartphone

Trước đó, tôi đã cố không dùng đến smartphone trong khoảng một năm rưỡi. Tuy nhiên khi đi du lịch tôi cảm thấy nó rất hữu ích trong những hoàn cảnh đặc biệt như lạc đường, cần phiên dịch tiếng địa phương hoặc ra ngoài mà không muốn mang theo laptop. Vì thế tôi cũng đã mua một chiếc smartphone phục vụ cho công việc đúng nghĩa. Công nghệ phát triển quá nhanh cho nên nếu tôi không biến đến smartphone và không thiết kế cho các sản phẩm trên smartphone thì tôi sẽ mất hết khách mất. Trên thị trường đầy cạnh tranh, chỉ có những kẻ thích nghi tốt mới có thể tồn tại. Có rất nhiều công ty thất bại bởi vì họ không theo kịp tiến trình phát triển của công nghệ. Bạn cần phải dự đoán trước và đón đầu các xu thế.

Nếu bạn có smartphone, bạn nên cài thêm các ứng dụng cần thiết như: Google Maps, LinkedIn, Dropbox, Paypal, Mobile Banking, Skype, và Translator. Chẳng có lý do gì để cài quá nhiều ứng dụng nếu bạn không dùng đến, bởi vì càng cài nhiều thì sẽ càng ngốn pin và làm chậm máy (chắc anh ấy dùng Android ;)) - người dịch)

Cũng như laptop, bạn cần mua case bảo vệ cho điện thoại.

Phần lớn thời gian sử dụng smartphone của tôi là để check mail, Google Maps, nghe nhạc và ghi chú. Tôi không dùng bất kì một ứng dụng chuyên về du lịch nào cả. Thay vào đó, trước khi đến một nơi nào, tôi luôn vào trang wikitravel.org để xem thông tin. Khi đến nơi không có mạng, trình duyệt vẫn hiển thị các dữ liệu đã được tải trước đó và tôi vẫn có thể xem lại được.

Tôi cũng không cầm theo mấy quyển sách dày cộp kiểu Lonely Planet làm gì. Những cuốn sách kiểu thế làm cho những người đi du lịch lười tư duy và tự hạn chế trải nghiệm của họ theo những gì học, đọc được trong cuốn sách. Đối với tôi, chúng là những câu chuyện kể theo một chiều, và chỉ là một chiêu thức kinh doanh. Phần lớn các địa điểm được giới thiệu bởi Lonely Planet thực tế đều đắt hơn gấp mấy lần giá ghi trong sách. Nếu bạn vẫn giữ ý định đến những nơi đó thì tôi khuyên bạn nên để mắt đến những quán xung quanh đấy tầm 20m, có thể rẻ hơn nhiều. Wikitravel trong trường hợp này hữu ích hơn.

Nhiều người có thói quen mang theo smartphone khi di du lịch. Và bạn sẽ có nhiều dịp để quan sát thói quen sử dụng smartphone của họ. Người dân Đông Âu, Mỹ hay Úc thường để laptop ở nhà và sử dụng smartphone khi đi ra ngoài (thường là iPhone). Đó là một tín hiệu tốt cho công việc của tôi. Tôi quan sát họ và cố gắng tìm hiểu thói quen sử dụng, thao tác với điện thoại của họ, khi nào họ dùng và họ dùng để làm những việc gì.

Hầu như ở tất cả mọi nơi, bạn sẽ thấy rất nhiều sự hiện diện của smartphone và máy tính bảng. Lượng người dùng máy tính truyền thống giảm và lượng người sử dụng các thiết bị di động đang tăng nhanh chóng.

Backup dữ liệu

Dropbox là công cụ lý tưởng để sao lưu dữ liệu. USB thì cũng tốt nhưng sẽ rất phiền nếu làm mất. Mà dropbox thì chẳng bao giờ mất được cả.

Sao lưu các dữ liệu quan trọng là việc đương nhiên. Khi làm việc ở ngoài, các mối nguy cơ đe doạ đến máy tính của bạn (rơi, va đập, hỏng hóc,…) cao hơn đến 500 lần so với khi bạn ngồi làm việc ở trong văn phòng. Còn khi ngồi ở nhà, nguy cơ có thể đến từ việc đổ cà phê hay đồ uống lên máy. Ngoài ra thì đừng quên rằng thiết bị nào cũng có tuổi thọ nhất định.

Cách của tôi là mua một tài khoản Dropbox premium để phục vụ việc sao lưu. Tôi có thể truy cập dữ liệu của mình trên Dropbox từ mọi thiết bị. Hàng ngày, tôi upload tất cả dữ liệu làm việc của mình lên Dropbox. Chỉ mất khoảng 1 giờ để upload xong. Nếu lỡ hôm ấy có điều gì không may xảy ra thì cùng lắm tôi chỉ mất phần công việc thực hiện trong ngày. Trước tôi cũng có USB nhưng làm mất rồi. Với Dropbox thì chẳng phải lo mất gì cả.

Có nhiều giải pháp có tính năng tương tự như Dropbox nhưng hiện tại tôi vẫn đang dùng và cảm thấy hài lòng với nó. Các dịch vụ khác có thể liệt kê ra đây như là iDrive, SugarSync, CarboniteMozy. Các tiêu chí để lựa chọn dịch vụ phù hợp đối với tôi là: giá cả, đảm bảo an toàn, dễ sử dụng, dung lượng, định dạng dữ liệu, và tuỳ chọn chia sẻ dữ liệu.

Cần thêm những gì nữa?

Sau đây là danh sách nhưng thứ tôi chuẩn bị từ trước và cả những thứ mua trên chuyến đi

1. Túi đeo cỡ nhỏ, 2. Túi bảo vệ, 3. Balo to đựng quần áo, 4. Laptop, 5. Smartphone, 6. Túi đeo trước bụng, 7. Chuột và giắc chuyển, 8. Sạc, tai nghe, 9. Router mini, sạc pin, 10. Túi chống nước
  • Balo dung tích 55L và một balo nhỏ 10L. Có một thực tế là balo to đến mấy thì cũng vẫn đầy ắp đồ. Balo càng rộng bạn càng muốn nhét thêm nhiều thứ. Càng nhiều thứ thì bạn phải đeo cái balo càng nặng. Bạn nên đi theo tiêu chí tối giản. Đừng nghĩ là “ôi có thể mình cần đem theo cái này, có thể mình cần dùng cả cái kia". Đừng để những đồ vật chỉ dùng 1–2 lần chiếm chỗ trong balo của bạn, và lại còn tốn tiền mua chúng nữa.
  • 4 áo phông
  • 2 quần short
  • 5 quần dài
  • 5 đôi tất
  • áo len
  • Áo sơ mi
  • Áo gió
  • Dép tông (mua loại bình thường thôi. Suốt 5 tháng qua tôi đã dùng hết 6 đôi)
  • Một bộ túi bảo vệ chống nước
  • Máy ảnh compact
  • Đồ dùng vệ sinh cá nhân
  • Dây thừng (để phơi quần áo)
  • Khăn tắm
  • Bút dạ
  • 2 thẻ ngân hàng. Tôi để thẻ tín dụng (credit card) ở nhà. Khi đi tôi chỉ mang theo thẻ Debit. Tôi cũng ghi lại số thẻ credit và ghi nhớ mã số bí mật trong đầu phòng khi cần dùng đến.
  • Các loại sạc
  • Túi đeo bụng
  • 1 điện thoại cơ bản để nghe gọi
  • Bộ chăn ga du lịch (sleeping sack). Đừng nhầm với túi ngủ
  • 1 đôi giày (màu tối)
  • Đèn pin

Những thứ khác thì bạn có thể mua trong chuyến đi hoặc không cần thiết vì cũng chẳng cần dùng nhiều đến chúng.

Bước 3: Lên đường

Làm thế nào để kết hợp du lịch và công việc

Làm việc kết hợp với đi du lịch nghe có vẻ dễ nhưng thật ra không phải như vậy. Trong chuyến đi, bạn cần luôn sẵn sàng đối mặt với những tình huống không mong muốn xảy ra. Ví dụ, bạn có thể không may làm mất ví và trong ví đựng tất cả các loại thẻ thanh toán của bạn. Tôi cũng đã có lần rơi vào tình huống như vậy hồi ở Sihanouk, Cambodia. Vào một buổi tối, chiếc ví đựng thẻ Debit duy nhất của tôi bị móc mất. Lúc ấy tôi còn không có áo để mặc, mặc mỗi quần, đi nhờ xe để về hostel. Sau đó tôi phải chuyển tiền qua dịch vụ Western Union. Phí chuyển tiền rất cao, mất $95 để chuyển khoản tiền $600. May mắn thay, đấy là lần duy nhất tôi phải làm việc đó.

Tôi cũng đã ở lại đó thêm một thời gian để làm dự án. Khi bạn làm việc: thiết kế, sáng tác hay viết code, bạn phải ở lại một nơi đủ lâu để hoàn thành các phần chính của dự án. Sau đó bạn có thể dành thêm thời gian chỉnh sửa trong khi di chuyển đi nơi khác. Thực tế không phải lúc nào trông cũng giống như hình minh hoạ ở bìa cuốn sách này đâu.

Có 3 giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn 1: Làm dự án

“Ngồi yên một chỗ và làm việc”. Khi nhận về một dự án, tôi thường chọn một nơi (khách sạn) có internet ngon, bàn làm việc và giá cả phải chăng để làm việc. Tôi nhắn trước với nhân viên khách sạn ở đó là sẽ ngồi trong phòng làm việc, để họ đỡ hiểu nhầm và nghi ngờ mục đích của mình. Tôi nghĩ không nên ở trong một hostel, đặc biệt là những hostel được giới thiệu trong sách của The Lonely Planet. Thứ nhất, hostel đắt chứ không hề rẻ. Thứ hai, ở đó thường tập trung những con người rất thú vị, thích hợp để giao lưu và vui vẻ hơn, và điều đó cũng đồng nghĩa với mất tập trung cho công việc.

Dừng chân lâu lâu ở một nơi nào đó cũng là cơ hội tốt để học ngôn ngữ địa phương, hiểu thêm về con người, ăn các món ăn địa phương và thú vị nhất là trải nghiệm những điều bất ngờ mà những người chỉ biết làm theo sách The Lonely Planet không bao giờ biết được.

Giai đoạn 2: Chỉnh sửa

“Làm việc trong khi di chuyển”. Nghĩa là thời gian dành cho di chuyển chiếm khá nhiều. Ví dụ khi bạn đi bằng xe bus đến một thành phố khác để chơi, hoặc tham gia một hoạt động mới mẻ nào đó.

Thức dậy vào buổi sáng, thư giãn và ngồi ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Buổi tối, ngồi chỉnh sửa lại một số chi tiết của sản phẩm, trả lời email, đọc các bài viết hay tạp chí chuyên ngành trên mạng. Nếu trên đây là những gì đang diễn ra thì đã đến lúc bạn sẵn sàng tìm đến một nơi mới.

Cần lưu ý là sau khi hoàn thành sản phẩm, bạn cần phải gửi tất cả các file gốc cho khách hàng nên phải đảm bảo có đường truyền internet thật tốt.

Giai đoạn 3: Lại lên đường

Toàn bộ thời gian dành cho việc di chuyển. Trong suốt giai đoạn này bạn sẽ gần như không động đến laptop, có thể chỉ thỉnh thoảng bật lên để check mail hoặc Facebook vào buổi tối. Giai đoạn này là quãng thời gian sau khi hoàn thành một dự án, và là phần thú vị nhất đối với tôi. Mỗi ngày, tôi được trải nghiệm những điều mới mẻ — gặp những con người mới, nhìn ngắm những cảnh vật mới, và hoàn toàn tự do trên cuộc hành trình.

Trên đường di chuyển. Gần như không động đến laptop. Đôi khi chỉ bật máy check email vào buổi tối.

Trong suốt khoảng thời gian này, tôi có báo trước với khách hàng của mình là sẽ không online trong vài ngày và không thể trả lời email thường xuyên. Tôi cũng chuyển qua chế độ trả lời email tự động để khi có ai gửi email thì họ hiểu rằng tôi không phớt lờ họ, và rằng họ không cần lo lắng đã có chuyện gì xảy ra với tôi. Nội dung đại loại là: Vì đang trên đường di chuyển nên hiện nay tôi không thể trả lời email ngay được. Tôi sẽ cố gắng trả lời chậm nhất là một tuần.

Tôi cũng biết có một số người có cách xếp lịch kiểu khác. Họ lên kế hoạch trước cho cả tuần trong đó dành 3 ngày để làm việc và 4 ngày để du lịch. Như vậy thì sẽ có những ngày họ bắt buộc phải dậy làm việc bất kể tối hôm trước có tiệc tùng say sưa thế nào hay mệt mỏi ra làm sao.

Tôi không hợp với kiểu đó. Gò bó quá. Làm sao bạn có thể biết trước được nơi sắp đến liệu có đường truyền mạng tốt hay không. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cụ thể ở từng nơi.

Thêm vào đó, cách bố trí thời gian như trên có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng giao sản phẩm đúng hạn. Tôi không thể tưởng tượng nổi cái cảnh di chuyển 500km bằng xe máy trong cả một ngày, trong khi đó đầu phải nghĩ về ý tưởng thiết kế để trình bày với khách hàng vào ngày hôm sau. Tôi thấy làm việc như vậy sẽ không thể có kết quả cao. Cách tiếp cận theo 3 giai đoạn như của tôi sẽ loại bỏ được nguy cơ giao sản phẩm không đúng hạn, vừa có thể tận hưởng chuyến du lịch 100% lại vừa có thể làm việc với hiệu suất cao nhất.

Thông báo với khách hàng về việc di chuyển thường xuyên

Gần như tất cả mọi khách hàng đều cảm thấy sự rủi ro khi giao dự án cho một người thường xuyên di chuyển, và tôi hoàn toàn hiểu tâm lý của họ. Cách làm của tôi là nói trước với khách hàng rằng tôi đang trên đường đi và vẫn sẽ đảm bảo thời gian làm việc hàng ngày khi dự án bắt đầu. Tôi sẽ tự sắp xếp để có thể ở một nơi cố định trong khi làm việc. Tiếp theo, sẽ cam kết với khách hàng rằng tiến độ dự án sẽ không bị chậm. Có một số người giấu diếm rằng họ đang vừa làm việc vừa di chuyển liên tục. Điều đó là không trung thực và rất rủi ro trong việc giữ uy tín với khách hàng.

Cũng có vài khách hàng cảm thấy rất ấn tượng khi biết tôi làm việc trong khi đang đi du lịch. Con số này chiếm khoảng 70% khách hàng của tôi. Còn lại 30% thì không hề quan tâm đến điều đó, và chỉ cần biết công việc hoàn thành là xong. Tôi hoàn toàn hiểu được tâm lý của cả hai kiểu khách hàng này.

Nhưng thú thực là cũng chả hay ho gì khi khoe khoang quá nhiều về những chuyến du lịch của bạn với họ. Bạn thử nghĩ mà xem, khách hàng của bạn thì đang ngồi co ro tại bàn làm việc ở một đất nước lạnh giá nào đó, sẽ cảm thấy thế nào khi tưởng tượng ra cảnh bạn đang tận hưởng cuộc sống ở một bãi biển miền nhiệt đới, và đang làm việc cho họ để kịp deadline.

Khách hàng cũng không quan tâm đến những lý do gây ảnh hưởng đến công việc của bạn, ví dụ chỗ bạn bị mất điện cả ngày. Đó là vấn đề bạn phải tự giải quyết và là trách nhiệm của bạn.

Khách hàng của tôi đánh giá chất lượng dịch vụ dựa trên hai tiêu chí chủ yếu là: chất lượng sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ. Việc bạn có thể đem lại sản phẩm với chất lượng tốt là chưa đủ, bạn còn phải biết cách làm việc với khách hàng nữa. Trong đó, trễ deadline là điều tồi tệ nhất. Vì vậy bạn cần dự trù trước một khoảng thời gian nhỏ trong bản kế hoạch để bù đắp cho các tình huống xấu có thể gây chậm tiến độ.

Làm sao tìm được chỗ tốt để ngồi làm việc

Trước hết phải xác định xem bạn sẽ đến nước nào, vùng nào. Điều đó phụ thuộc vào sở thích và ngân sách cho phép. Nếu bạn thích trượt tuyết thì không hẳn là phải chuyển đến sống gần khu trượt tuyết suốt một thời gian dài. Chỉ cần vào mùa đông, đến vùng núi tuyết để làm việc và tận hưởng thú vui của mình. Đó là những gì tôi đã làm trong năm nay. Tôi dành một tháng ở Ý, sau đó chuyển đến Áo và rồi đến Thuỵ Sĩ. Sáng sáng tôi chơi trượt tuyết ván còn buổi tối thì làm việc. Mùa đông ở Châu Âu và Bắc Mỹ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3, trong khi đó lại đang là mùa hè ở Châu Á và Nam Mỹ. Tiện quá còn gì?

So sánh sinh hoạt phí ở các vùng trên thế giới, dựa trên kinh nghiệm của tôi và tham khảo từ những khách du lịch khác. Màu đỏ: đắt hơn, màu lục: rẻ hơn.

Mức sinh hoạt phí dao động tuỳ theo từng quốc gia. Ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Châu Phi, chi phí này là rẻ nhất. Tuy nhiên ở Châu Phi chất lượng internet khá là tệ. Trong khi đó, Bắc Mĩ, Úc, Nhật, Bắc Âu và một vài nước Mỹ Latinh là những nơi đắt đỏ nhất. Khi tìm một điểm đến thì hãy tìm kiếm thông tin trên mạng trước. Có thể rất khó để tìm một địa điểm thích hợp để có thể làm việc ở đó nhưng đôi khi cũng không khó như bạn tưởng. Lưu ý là tôi không tìm kiếm trên CouchSurfing (mạng xã hội cho phép người đi du lịch có thể tìm và xin ở nhờ nhà của ai đó) trong trường hợp này. Tận dụng nhà của người khác và lòng hiếu khách của họ cho mục đích công việc cá nhân thì không hay lắm.

Tôi luôn bị ấn tượng bởi những người tự do làm việc và du lịch khắp nơi. Trong những bức hình của họ là cảnh họ ngồi trên bãi biển, uống bia, view đẹp. Tôi không muốn nói những hình ảnh đấy là giả tạo, nhưng thực tế thì nó không giống như thế lắm.

Có những nơi có khí hậu mặc dù cảm thấy rất tuyệt nhưng lại không thích hợp để làm việc. Máy móc của chúng ta không chịu được độ ẩm, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, cát và bụi. Khi bạn ngồi làm việc ngoài trời (ngoài bãi biển chẳng hạn), mặt trời chói chang gây loá màn hình rất khó chịu. Không tin thì bạn cứ thử mang laptop ra ngoài trời và ngồi làm việc một lúc mà xem. Ngoài ra khi trời quá nóng, bạn sẽ không thể làm việc nổi vì mồ hôi ướt đầm đìa và laptop nóng ran. Còn khi trời mưa, tất nhiên rồi, không thể làm việc nếu không có mái che.

Khi ngồi ngoài trời làm việc, nắng chói chang và màn hình thì loá.

Bạn sẽ sớm nhận ra là cần một chỗ làm việc trong phòng, có điều hoà. Nếu bạn xem những bức ảnh tôi đăng trên album “Workplace” trên Facebook của tôi, bạn sẽ thấy rằng phần lớn được chụp trong phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ.

Tìm chỗ làm việc ở đâu?

  1. Lonely Planet

Cách đơn giản nhất là mua một cuốn Lonely Planet. Tuy nhiên thông tin trong đó thường không được cập nhật. Và nếu một địa điểm được đăng trên Lonely Planet thì chủ nhân của nó kiểu gì cũng sẽ tăng giá. Những chỗ như thế sẽ rất đông người và giá cả bị đội lên. Nói gì thì nói bạn cũng nên sử dụng Lonely Planet làm điểm khởi đầu. Trong bán kính 200 mét xung quanh địa điểm đăng trong đó, bạn có thể tìm thấy nhiều chỗ khác rẻ hơn, yên tĩnh hơn và vắng người hơn.

2. AirBnb.com

Trên trang này bạn sẽ tìm thấy một nơi phù hợp để ở trong thời gian làm việc. Bạn có thể tìm được một căn hộ đầy đủ tiện nghi hay ngược lại chỉ có mỗi một cái ghế bành. Giá cả có thể thương lượng được. Trước khi quyết định ở đâu thì nhớ kiểm tra chất lượng đường truyền mạng trước. Bạn cũng có thể nấu ăn tại nơi ở, và tìm hiểu thêm về cuộc sống ở nơi đó. Nên nhớ là bạn sắp ở nhà một người lạ vì thế cần phải kiểm tra thông tin cho cẩn thận. Phải cảm thấy yên tâm khi đi ra ngoài và để đồ đạc ở nhà.

3. Wikitravel.org

Cũng tương tự như Lonely Planet, trang này cũng là kho dữ liệu đồ sộ về thông tin du lịch. Giá cả ghi trên đó được cập nhật hơn do người dùng đóng góp thường xuyên. Bản thân tôi sử dụng trang này rất nhiều.

4. Co-working

Một cơ hội tuyệt vời để được làm việc chung trong một không gian với những con người tuyệt vời khác: chuyên gia lập trình, designer,… Có khá nhiều trang web để bạn có thể tìm kiếm những nơi làm việc chung như trang ShareDesk chẳng hạn. Trao đổi kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ hay chỉ đơn giản là được ngồi làm việc với mọi người là vui rồi. Các kết quả nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cộng tác trong công việc giúp gia tăng năng suất làm việc của bạn.

5. WebWorkTravel Guide

Được tạo ra bởi Johannes Volkner, được xem là cuốn cẩm nang dành cho những người làm việc và di chuyển. Ở đây bạn có thể tìm thấy hơn 70 điểm đến lý tưởng trên thế giới với mạng internet tốc độ cao. Xem thêm tại WebWorkTravel

Để làm việc với khách hàng ở xa, bạn cần internet. Tuỳ từng đất nước khác nhau mà tốc độ và mức độ phổ biến của internet khác nhau.

ShareDesk cung cấp thông tin về những nơi làm việc ngồi chung. Trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ, ngồi làm việc với nhau. Bạn sẽ thu được nhiều điều giá trị.

Ở một số nước, đường truyền internet rất tuyệt vời (ví dụ Hàn Quốc). Tuy nhiên cũng có những nước mà mặc dù tiền thuê phòng khách sạn thì đắt mà bạn phải đợi 10 phút để vào Google Maps, hay trong ngày chỉ có điện vào một số thời điểm nhất định. Bạn có thể không làm được việc gì ở những nơi như thế. Vì lý do đó, tôi luôn mua một SIM điện thoại để dùng 3G khi đến mỗi quốc gia. Tôi luôn luôn kiểm tra tốc độ mạng bằng điện thoại trước khi quyết định thuê phòng ở một khách sạn. Nếu tôi có kế hoạch ở lại lâu hơn thì tôi càng kiểm tra kĩ càng về chất lượng mạng.

Có phần mềm dành cho smartphone dùng để kiểm tra tốc độ mạng. Với tôi mạng trên 4Mb/s là chấp nhận được. Đôi khi tốc độ upload chậm sẽ là trở ngại khi tôi cần gửi file cho khách hàng hoặc sao lưu dữ liệu online.

Những điều tôi cân nhắc khi chọn chỗ nghỉ

  • Địa điểm đó ở khu vực nào
  • Giá cả khi thuê một thời gian dài (1 tháng)
  • Wifi thế nào? Tôi thường thuê một phòng thử trong 1 ngày trước, nếu thấy mạng ổn thì tôi thuê tiếp. Nếu không thì sau đó tôi sẽ chuyển đến chỗ khác
  • Có chỗ ngồi làm việc không? Cụ thể là tôi chỉ cần một cái bàn, ghế ngồi, chỗ đặt laptop và bàn rê chuột. Nếu mặt bàn không phẳng lắm thì tôi dùng bàn rê chuột là được hay thậm chí chỉ cần kê lên tờ giấy.
  • Tôi không bao giờ đặt phòng ngay khi vừa đến nơi. Cần phải tham quan một vòng xem có phù hợp với yêu cầu của mình.
  • Cách tốt nhất để tìm một nơi ở phù hợp là thuê một chiếc xe máy và lượn tầm 1–2 tiếng quanh thành phố. Nhờ đó bạn có thể duyệt qua 80% các địa điểm trong list của mình.

Kiểm soát chi tiêu trong chuyến đi

Càng đi nhiều thì càng phải tiêu nhiều. Bạn có thể nổi hứng lên chọn một quán ăn bất kì mà chưa kịp để ý đến giá cả chẳng hạn. Chi phí cho phương tiện đi lại bao giờ cũng tốn kém. Khi bạn thuê một nơi trong một thời gian ngắn hơn thì bao giờ cũng đắt hơn. Do đó nên tìm hiểu trước trên mạng để tìm chỗ ở với giá hợp lý. Tuỳ vào giai đoạn của chuyến đi, bạn có thể tìm kiếm trên Couchsurfing hoặc đơn giản là dựng lều để ngủ. Thường là nếu dành thêm một ít thời gian đi bộ ngó nghiêng xung quanh nơi bạn đến, có thể tìm được những thứ có giá rẻ hơn.

Rất khó để có thể dự trù chính xác chi phí cho một chuyến đi vì còn phụ thuộc rất nhiều vào đất nước mà bạn đi đến, phương tiện di chuyển mà bạn sử dụng và mức độ chi tiêu vào vui chơi giải trí. Hồi đầu, tôi định sẽ dùng 30% ngân sách để tham gia vào tiệc tùng ăn uống. Mặc dù tốn tiền nhưng trong những cuộc vui ấy tôi sẽ gặp được rất nhiều con người thú vị. Giờ thì tôi cắt giảm bớt khoản đấy đi rồi. Dù sao đấy cũng là cơ hội tuyệt vời để học một ít ngoại ngữ từ người bản địa, nói chuyện với họ về những chuyến đi, hoặc thậm chí có được các mối quan hệ công việc mới. Có lần trong một chuyến đi tôi đã gặp một người làm art director cho một công ty quảng cáo ở Amsterdam, Hà Lan và một lập trình viên đến từ Singapore. Sau này chúng tôi đã có lần hợp tác trong công việc.

Trước khi bắt đầu con đường này, tôi đã tiết kiệm tiền từ lúc còn đi làm. Mặc dù cuốn sách này là cẩm nang hướng dẫn cách sinh sống ở những nước miền nhiệt đới với chi phí rẻ hơn, nhưng bạn cần biết là phong cách sống cũng sẽ phải thay đổi theo. Mới đầu bạn sẽ thường tiêu nhiều hơn số tiền bạn có thể kiếm được. Sau một thời gian làm quen, bạn sẽ giảm dần chi tiêu. Rồi bạn sẽ thấy tháng sau rủng rỉnh hơn tháng trước. Đấy là khi bạn đã có kinh nghiệm chi tiêu tương đối rồi và không còn bị ảnh hưởng từ những người xung quanh. Và cũng đến lúc đó, có thể bạn sẽ hiểu được vì sao khách du lịch phải trả giá cao cho những thứ tưởng chừng như rất bình thường mà họ nhận được. Và bạn cũng có thêm kinh nghiệm tìm thức ăn và khách sạn giá tốt. Bạn sẽ gia tăng được kĩ năng chuyên môn của mình, từ đó tăng giá dịch vụ mà bạn cung cấp. Nếu bạn quản lý được dịch vụ của mình và tự quảng bá tốt, bạn có thể tăng giá. Trong các chuyến đi, tôi tiêu trung bình $1500 mỗi tháng. Có thể ít hơn nữa nếu như tôi không tiệc tùng vui chơi. Tôi nghĩ tôi có thể sống thoải mái với khoảng $1000–1500 mỗi tháng. Những lúc đi nhờ xe, chi tiêu hàng ngày của tôi có thể chỉ mất $15. Ngoài những chi phí này ra, tôi còn phải trả tiền thuê host, tên miền, dịch vụ Dropbox, bảo hiểm và thuế hàng năm. Nhưng nhìn chung các chuyến đi cũng không tốn kém như người ta vẫn tưởng. Giả dụ bạn chưa có nhà, chưa có vợ hay con cái và bạn đang đi du lịch thì những chi tiêu kể trên là những thứ duy nhất bạn phải lo.

Trong các chuyến đi từ nơi này đến nơi khác, người ta coi bạn như một cái máy tiêu tiền. Nhưng khi bạn đi rồi, bạn lại cảm thấy mình như một thành viên trong gia đình họ vậy

Tôi luôn luôn mang theo mình hai thẻ debit còn thẻ tín dụng thì để ở Ba Lan. Tôi ghi lại số thẻ và ghi nhớ mã số bí mật cùng thời hạn của thẻ. Tôi luôn sử dụng một trong hai thẻ debit thôi. Thẻ còn lại tôi chỉ dùng trong trường hợp không may bị mất cái kia. Tôi cũng không bao giờ để quá $1000 trong thẻ. Cứ khi nào tài khoản còn ít hơn $1000 tôi mới chuyển thêm tiền từ Paypal sang. Như thế cho an toàn. Nếu chẳng may bị bắt cóc và bạn buộc phải giao nộp hết số tiền bạn mang trên người thì bạn cũng chỉ mất tối đa là $1500. Số tiền không nhỏ nhưng còn tốt hơn là mất sạch tất cả số tiền mà bạn có. Tôi cũng luôn giấu một tờ $100 ở dưới đáy ba lô phòng trường hợp bất khả kháng cần dùng đến.

Tôi không phải là một vị khách du lịch keo kiệt, nhưng tôi cũng không vung tiền một cách tuỳ tiện. Khi tìm quán ăn tôi thường tránh những quán mà có nhiều vị khách với mái tóc bạch kim đặc trưng của miền Tây Âu. Ở những quán đó hẳn là thức ăn ngon nhưng giá chắc chắn sẽ cao. Tôi chỉ tìm đến các quán nhỏ của người dân bản địa. Thỉnh thoảng tôi cũng ăn ở nhà hàng để cảm nhận sự khác biệt so với những quán tôi thường ghé đến.

Những chỗ mà được gọi là “không đến hơi phí” thường là những nơi đáng thất vọng nhất mà lại còn đắt nhất. Tôi đã có vài lần như vậy. Ví dụ như vịnh Hạ Long ở Việt Nam hay lâu đài Neuschwainstein ở Đức, hoặc là công viên quốc gia Plitvička Jezera ở Croatia. Đấy toàn là những địa danh nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO và cực kì quen thuộc đối với khách du lịch. Và chính bởi thế, bạn phải trả giá cao cho mọi thứ ở đấy và thường hi vọng chất lượng dịch vụ tương xứng, nhưng thường là bạn sẽ thất vọng. Tôi cảm thấy thất vọng và kết luận rằng đừng bao giờ kì vọng quá cao vào dịch vụ du lịch ở những nơi đó.

Giờ chuyển sang nói về chuyện mua quà lưu niệm, postcard, quần áo hoặc đồ linh tinh khác. Bạn nên nhớ rằng những gì bạn cần dùng thì đã đều ở trong hành lý cả rồi. Trừ khi bạn cần những thứ đồ dùng cơ bản như kem đánh răng hay dầu gội đầu, nếu không thì đừng mua thêm gì cả. Cân nặng dành cho hành lý là có hạn (nhất là khi đi máy bay) nên đừng mang theo những thứ không thực sự cần thiết. Trong những chuyến đi dài ngày thì đừng nghĩ đến chuyện mua quà lưu niệm làm gì.

Tôi từng mua một cái đèn ngủ cho chị gái tôi vì biết chị ấy thích chúng. Nó cũng nhỏ gọn thôi nhưng sau 3 tháng ở trong túi thì nó cũng tan tành. Chuyện tương tự cũng xảy ra với mấy cái bưu thiếp. Tôi cũng mua cả một con dao đa năng Thuỵ Sĩ, không đắt lắm, tôi cất trong hành lý nhưng rồi cuối cùng phải vất vào sọt rác khi đến sân bay. Từ đấy về sau, trước khi muốn mua một cái gì đấy tôi thường tự hỏi: “Liệu tôi có thể sống trong cả tháng tiếp theo mà không có thứ này?” Nếu câu trả lời là có, tôi sẽ không mua. Càng ít đồ thì càng ít bị lệ thuộc vào chúng.

Đảm bảo an toàn và sức khoẻ trong chuyến đi

Ưu tiên đầu tiên phải là đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu bạn muốn đảm bảo an toàn cho một số đồ dùng của mình thì cũng nên mua bảo hiểm luôn. Tôi thì không quan tâm loại bảo hiểm ấy, chỉ mua bảo hiểm cá nhân đề phòng tai nạn hoặc cho dịch vụ y tế đắt tiền. Thật là phiền phức nếu gọi điện cho nhân viên bảo hiểm mỗi khi bạn gặp một xây xát nhỏ. Thay vào đó, hãy học cách đề phòng trộm cướp và giảm thiểu mất mát. Hãy tìm đọc các bài đánh giá đối với những nơi mà bạn định tới. Nếu bạn đi vào các khu nhà ổ chuột và giơ cái máy ảnh đắt tiền của mình lên để chụp ảnh thì đấy không phải là ý hay đâu.

1. Hỏi người dân địa phương

Hỏi chuyện người dân sống ở đấy hoặc hỏi chủ khách sạn, nhà nghỉ xem những nơi nào bạn nên tránh. Và cũng nên nhớ rằng nhân viên phục vụ ở khách sạn cũng có thể muốn lấy trộm của bạn.

Chú ý chăm sóc sức khoẻ. Khi sống ở những nước đang phát triển, bạn có thể dễ bị tiêu chảy. Tôi luôn mua vài hộp sữa chua khi lần đầu tiên tôi đến một nước nào đó. Trong đó có chứa các vi khuẩn “bản địa" có lợi cho tiêu hoá.

2. Ăn ở những quán có đông người bản địa

Khi gặp đồ ăn để lâu hoặc ôi thiu, trực giác của bạn sẽ lên tiếng. Tìm những quán ăn nơi có đông người dân đến ăn, thường sẽ rẻ hơn và tươi ngon hơn. Đôi khi đồ ăn đường phố còn tươi ngon hơn đồ ăn trong nhà hàng vì trong đó toàn dùng thức ăn đông lạnh.

3. Scan giấy tờ tuỳ thân

Lưu bản scan hộ chiếu, giấy tuỳ thân và bằng lái. Luôn luôn để các bản sao này khác chỗ so với bản gốc. Bạn sẽ cần đến nó trong trường hợp mất hộ chiếu.

4. Luôn thương lượng giá cả trước khi bước chân lên taxi

Học một vài câu cơ bản bằng ngôn ngữ địa phương: “Xin chào”, “Bao nhiêu tiền?”, “Đắt thế anh bạn”,… Hiệu quả lắm đấy. Tài xế sẽ nghĩ là bạn đã sống quen ở đây rồi và họ sẽ ngần ngại hơn nếu muốn lừa tiền của bạn.

5. Tiêm chủng

Tiêm vắc-xin là việc đặc biệt quan trọng trước khi bạn đến một quốc gia nào đó. Đầu tư tiền một lần và sẽ không phải lo lắng về việc bị nhiễm bệnh. Thậm chí nếu bạn bỏ ra $500 tiêm vắc-xin thì cũng chỉ mất một lần tiền đấy thôi.

MalariaMalaria vẫn là dịch bệnh nghiêm trọng ở miền Trung và Nam Phi

6. Nếu bạn không định đến Châu Phi, đừng uống thuốc Malaria

Tôi chưa và tôi không định uống thuốc chống Malaria. Đôi khi tác dụng phụ còn nặng tương đương sốt xuất huyến hoặc malaria. Thay vào đó, tôi mua thuốc Jungle Killer, thành phần chứa 95% DEET (một loại tinh dầu chống muỗi). Khi nào ở gần khu có rừng hoặc có nhiều muỗi, tôi xịt thuốc xung quanh mắt cá chân và bàn tay nơi mà muỗi hay đốt. Chân tôi thì nhiều lông nên chắc muỗi phải cần cả một tấm bản đồ thì mới tìm được đến da của tôi. Đôi khi chỉ cần xịt lên quần áo là được. Tinh dầu DEET có thể gây kích ứng da cho nên đừng lạm dụng quá.

Duy trì việc học trong các chuyến đi

Phát triển kĩ năng và hiểu biết luôn là yếu tố bắt buộc đối với bất kì một freelancer nào. Thật ngạc nhiên, tôi nhận ra rằng trong các chuyến đi tôi có thể học và nghiên cứu nhiều hơn so với hồi tôi ở nhà. Trên chuyến bay, trên xe buýt, trên phà, trên tàu, bạn có rất nhiều thời gian rảnh. Thường những lúc đó bạn không có internet và cũng không thể làm gì khác được. Hầu hết dân phượt và khách du lịch thường ngủ hoặc nghe nhạc. Tuy nhiên nếu bạn không quá mệt thì hãy thử tạo thói quen để phát triển bản thân trong những khoảng thời gian đó.

Tôi muốn học rất nhiều thứ. Tôi muốn thật giỏi tiếng Anh và cải thiện tiếng Đức, Tây ban Nha, và tiếng Nga của mình. Tôi đọc rất nhiều về online marketing và về thiết kế. Tôi thích xem các video trên TED hoặc đọc các bài viết trên ZenHabits. Tôi chẳng biết bao giờ sẽ dùng đến những kiến thức này nhưng tôi tin là chúng sẽ có ích trong tương lai. Tôi luôn yêu thích được khám phá và tôi tin điều đó sẽ giúp mở rộng chân trời tri thức của tôi.

Nếu bạn muốn phát triển bản thân, hãy tập cho mình những thói quen trên trở thành bản năng. Tuy nhiên, không cần phải lúc nào cũng gồng mình lên như vậy. Bản thân tôi cảm thấy không thể học, đọc, làm việc liên tục không ngưng nghỉ được. Tôi nghĩ thỉnh thoảng cũng nên thả lỏng và thư giãn một chút.

Bạn sẽ học được thêm rất nhiều điều khi đi đây đi đó. Bạn sẽ gặp rất nhiều người đến từ châu Âu, Anh, Úc và Nam Mỹ. Hầu hết họ nói tiếng Anh rất lưu loát. Quán rượu sẽ là nơi thực hành tiếng Anh lý tưởng. Nghe, học và thực hành luôn là cách học hiệu quả hơn rất nhiều so với trong trường học. Bạn học được các cụm từ thông dụng từ những người nói tiếng Anh gốc nên điều đó giúp cho tiếng Anh của bạn nghe “sành điệu” hơn.

Tận hưởng chuyến đi một cách trọn vẹn

Hãy thư giãn.

Đây là điều quan trọng nhất trong mọi chuyến đi. Và đừng biến chuyến đi thành một hành trình lặp lại và tẻ nhạt. Nếu bạn muốn tìm hiểu về một đất nước, đừng viếng thăm đủ tất cả những địa danh đã trở nên quá nổi tiếng ở đó. Chọn hai hoặc ba nơi mà tự bản thân bạn cảm thấy thích thú và hãy tìm hiểu thật sâu. Như vậy bạn mới có thêm nhiều thời gian để quan sát và tìm hiểu.

Kiên nhẫn là một trong những bài học quan trọng mà tôi học được từ các chuyến đi. Giữ bình tĩnh trong các tình huống éo le nữa. Bạn cần phải luôn sẵn sàng tâm lý cho những điều không may xảy ra. Nếu nó xảy ra — hãy thật thư giãn. Hít thật sâu cho đến khi cơn bực tức qua đi và suy nghĩ một phương án để giải quyết. Cái gì rồi cũng có cách giải quyết. Nhiều khi không hề dễ dàng, nhưng luôn có cách.

Hãy mỉm cười.

Đôi khi là nụ cười công nghiệp, những hãy cứ cười. Phát huy tác dụng lắm đấy. Bạn có nhớ là trên các TV show người ta hay chèn thêm âm thanh của những tràng cười mỗi khi các nhân vật chính đang kể một câu chuyện hài hước? Làm như vậy để kích thích khán giả, những người xem cũng cười theo. Con người luôn chịu ảnh hưởng của tâm lý bầy đàn, do đó người ta có xu hướng bắt chước theo những hành động của người khác.

Sống chậm lại.

Có thật là lúc nào bạn cũng ngập ngụa trong công việc? Hay có những nơi nhất định bạn phải viếng thăm trong chuyến đi của mình? Tìm một nơi yên tĩnh, uống một tách cà phê và chậm lại một phút. Đừng lên kế hoạch trước cho mọi việc và đừng cố gắng ghi nhớ tất cả mọi thứ. Tập trung nhìn vào thực tại thôi. Tắt hết điện thoại và máy tính đi. Bạn sẽ cảm thấy trân trọng những giây phút này.

Tôi khuyên bạn theo dõi tình hình thời sự và tin tức ở quốc gia nơi bạn sắp đến. Có một lần, tôi suýt đến một nơi đang có giao tranh. Hồi ấy tôi định đến Borneo đúng đợt đang có bạo loạn xảy ra giữa quân đội Philipin và Malaysia. Bạn sẽ không thể ngủ yên nổi trong tiếng đạn xé gió đâu!

Giữ form

Du lịch, ăn uống, vui chơi thì cũng đừng quên luyện tập thể dục thể thao, bất kì bộ môn gì. Lợi ích là quá rõ ràng rồi. Bạn sẽ thấy khoẻ hơn, hút ít thuốc hơn (nếu bạn là người hút thuốc), hô hấp tốt hơn, tất cả tạo nên thể trạng tốt hơn cho cơ thể. Thân hình sẽ thon gọn hơn và trí não sẽ tràn trề năng lượng.

Chạy bộ là một môn thể thao ngoài trời hoàn hảo

Theo tôi, phương tiện tốt cho sức khoẻ nhất trong thành phố chính là đi bộ. Đi bộ là bài tập tốt nhất cho hệ tuần hoàn và không đòi hỏi nhiều sức như chạy bộ hay đạp xe. Bạn cũng có thể tập các bài tập dùng chính sức nặng của cơ thể như: chống đẩy, xà đơn, các bài khởi động đơn giản, shadow boxing, …

Nếu bạn muốn tập các bài tập ngoài trời thì chạy bộ là hoàn hảo nhất. Bạn không cần đến giầy chạy chuyên nghiệp, trang phục hoặc dụng cụ gì đặc biệt đâu. Và khi tập chạy về, tắm xong, bạn sẽ thấy cực kì sảng khoái. Tốt hơn nhiều so với hút một điếu thuốc hay một tách cafe sáng.

Không mua đồ lưu niệm. Tận dụng tối đa tiền mặt

Nguyên tắc của tôi là không mua đồ lưu niệm trong suốt chuyến đi. Tôi chỉ mua vài thứ vào hôm trước ngày lên máy bay về nước. Khi ấy có thể tôi còn dư ít tiền mặt và tôi sẽ mua một vài thứ cho người thân để họ có thể hiểu thêm về nơi tôi đã đến: cà phê, rượu, … không bao giờ mua vải vóc, đồ chạm khắc hay những thứ tương tự như vậy. Những món đồ như thế chỉ làm chật nhà và khi nhìn lại bạn cũng chẳng có cảm xúc gì cả. Tuy nhiên đấy là với tôi thôi, còn tuỳ bạn. Nếu bạn muốn mua quà lưu niệm thì cứ mua thôi, nhưng hành lý của bạn sẽ nặng thêm kha khá đấy.

Cũng phải nói thêm, hãy tìm cách tiêu hết các đồng tiền xu càng sớm càng tốt. Rồi sẽ có lúc bạn thấy phiền phức với chúng. Bạn sắp ra khỏi một đất nước và bỗng bạn phát hiện ra trong túi mình còn một đống tiền xu, nhưng lại không thể vất chúng đi đâu được. Rồi cuối cùng bạn sẽ mang theo bên mình vài kg tiền xu đi khắp thế giới. Tôi khuyên bạn nên tiêu hết chúng sớm, hoặc đổi chúng cho những người vừa đáp chuyến bay đến. Nếu chỗ tiền xu không trị giá hàng triệu đô thì có thể đem cho một người vô gia cư nào đó.

Những bức ảnh và những giá trị ảo trên Facebook

Thật thú vị khi thấy rất nhiều người đi du lịch chỉ để có ảnh và post ảnh lên Facebook. Thú vị hơn, tôi nhận ra chính mình cũng là một trong số đó.

Nó diễn ra kiểu như thế này

Trước khi lên đường, chúng ta viết một status với nội dung chứa đựng tên của điểm đến. (Nha Trang thẳng tiến, Bali ơi tui đến đây,… - người dịch). Tiếp theo, chúng ta cần check-in khi đến nơi. Và thế là được 500 like. Tiếp nữa, lấy máy ảnh và liên tục chụp các view đẹp và up lên facebook bất kì khi nào có thể. Thế rồi cả đời chúng ta cố gắng đi khắp thế giới mục đích chỉ để tìm kiếm sự ngưỡng mộ và được bạn bè biết.

Mọi người hầu như đều thích thế. Tuy nhiên, đôi khi cũng nên nghĩ về mục đích thực sự của các chuyến đi là gì chứ? Tại sao họ lại khoái làm thế nhỉ? Thật sự tôi không có ý chỉ trích ai chỉ vì họ mải mê chụp ảnh. Có những người cảm thấy rất vui sướng khi làm điều đó, và cũng có thể đó là mục đích thực sự của chuyến đi của họ. Chính tôi cũng thích chụp ảnh. Nhưng nếu thời tiết không được thuận lợi hoặc thiếu sáng quá thì tôi cũng cất máy ảnh đi.

Tôi thích video hơn ảnh. Cũng vì thế mà tôi đã mua một cái camera có chức năng quay phim HD. Sau mỗi chuyến du lịch thì xem lại video thấy thú vị hơn nhiều so với xem ảnh. Hầu như tôi up hết lên Dropbox để nếu lỡ máy quay bị mất hoặc hỏng thì tôi không bị mất các đoạn video. Dropbox đúng là một công cụ tuyệt vời để chia sẻ video với gia đình và bạn bè tôi. Bạn có thể share đường link của một thư mục rồi người thân và bạn bè có thể xem tất cả các file trong đó. Hồi xưa, tôi phải ghi file video ra đĩa CD hoặc copy ra USB nhưng rồi đĩa CD bị xước và USB tôi làm mất.

Không cần phải chi tiêu quá nhiều vào các đồ chơi ảnh chuyên nghiệp nếu bạn không định hành nghề nhiếp ảnh. Tôi có một máy ảnh du lịch đủ dùng, để vừa trong túi, có thể mang theo khắp nơi và chỉ tốn $360. Nếu bị mất, tôi sẽ mua một cái mới. Iphone có chức năng chụp ảnh HDR khá tốt nhưng ảnh vẫn nhiễu lắm.

Mỗi tối tôi lại copy ảnh mới vào máy tính. Sau đó chúng sẽ được đồng bộ tự động lên Dropbox. Thời gian up cũng khá lâu nhưng ít nhất sau đấy chúng được an toàn trên cloud. Nếu mạng chỗ bạn chậm, cứ bật máy tính để suốt đêm là ổn.

Độc hành. Có đáng không?

Đã có rất nhiều người hỏi tôi rằng tôi có thấy cô đơn khi đi một mình thế này không. Tôi luôn đáp, “Không hề!”. Tôi yêu thích điều đó. Tôi cũng đã từng đi theo nhiều đoàn và nhóm khác nhau.

Tôi đã từng đi theo một nhóm rất đông nhưng cuối cùng lại bị tách ra thành nhiều nhóm nhỏ nếu như không có trưởng nhóm. Nhưng kể cả khi các nhóm có trưởng nhóm thì rồi cũng sẽ bị chia ra tiếp vì kiểu gì cũng có người muốn A, nhưng người khác thì muốn B.

Tôi từng đi trong một nhóm có 4 người, như vậy để dễ chia thành hai cặp. Nếu nhóm có 3 người, sẽ có lúc có một người cảm thấy lạc lõng bởi hai người muốn đi đến nơi A, nhưng người còn lại muốn đi đến nơi B. Như thế luôn có đa số và thiểu số.

Đi theo cặp 2 người sẽ dễ dàng hơn nhưng bạn phải đảm bảo tìm được người cùng sở thích, năng động và hợp tính. Nhưng dường như càng đồng hành lâu thì con người ta càng cảm thấy không hợp. Tôi đi một mình vì như thế tôi cảm thấy tự do. Tôi không phải chờ đợi ai, không thấy khó chịu, và luôn làm những gì tôi muốn. Không cần phải giữ ý với ai cả. Lúc nào tôi muốn làm gì thì tôi có thể thực hiện luôn. Đi theo nhóm nhiều khi còn khiến bạn ít có cơ hội xã giao hơn. Khi đi một mình, số người tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn 3-4 lần so với khi tôi đi cùng bạn đồng hành. Tôi cũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với người dân bản địa nhiều hơn. Một mình không có nghĩa là đơn độc.

Điều quan trọng nhất là, khi đi một mình bạn có thể phát triển năng lực cá nhân hiệu quả hơn. Bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi tác phong và suy nghĩ của người đi cùng. Ở gần người khác càng lâu thì bạn càng có xu hướng giống họ. Cũng vì thế mà càng dành nhiều thời gian tiếp xúc với nhiều người khác nhau, đầu óc bạn sẽ càng mở mang nhiều hơn.

Nếu muốn trò chuyện, tôi sẽ đi tìm một ai đó. Giao tiếp như một bản năng tự nhiên của tôi. Tôi đã từng gặp những con người cực kì thú vị và họ đã chia sẻ trải nghiệm của những chuyến đi của họ cho tôi. Và tôi cũng đã đồng hành cùng họ trong vài ngày. Bọn tôi đã có thể chia tiền phòng và tiếp tục đi du lịch khắp đất nước đó nhưng cuối cùng tôi vẫn muốn tự do một mình hơn và không muốn thay đổi kế hoạch vì người khác.

Trên suốt cuộc hành trành của mình, bạn cũng sẽ bắt gặp những con người ấu trĩ. Một trong những câu hỏi mang tính dò xét nhất bạn nhận được là “Cậu là người nước nào?” Nghe qua thì có vẻ bình thường, nhưng con người ta thường dùng những định kiến và áp đặt để đánh giá bạn ngay khi mới chỉ biết bạn đến từ nơi đâu, từ quốc gia nào. Tôi thì luôn thích những người cởi mở khi tiếp xúc. Nếu cảm thấy nói chuyện được tiếp thì ok, nói tiếp. Không tiếp tục được nữa thì thôi. Thái độ như vậy không mang chút gì định kiến và phán xét về xuất xứ của bạn.

Mọi người hỏi tôi có sợ khi đi một mình không. Tôi phải sợ điều gì nhỉ? Chúng ta sợ những điều mà chúng ta không hiểu, nhưng nỗi sợ trong trường hợp này là vô căn cứ. Chúng ta thường tưởng tượng ra những điều tồi tệ khi mà thực ra không phải như vậy. Khi nó xảy ra thì thật sự lại chả có vấn đề gì đáng lo cả.

Con người là sự phản chiếu của tất cả sự vật xung quanh. Bạn là sự phản chiếu của chính bạn. Bạn là ai? Làm sao những người khác nhận thức được bạn? Bề ngoài bạn có ưa nhìn không? Đó chính là căn nguyên của những suy nghĩ phức tạp trong con người chúng ta. Sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ hiểu thêm về tôi. Theo cách mà bạn muốn.

Khi tôi kể với mọi người về những chuyến đi của mình, nhiều người cảm thấy thích thú. Tôi không nghĩ là tôi đã làm được những điều gì kì diệu cả. Tôi đã đặt ra một mục tiêu và đã hi sinh rất nhiều để đạt được nó. Có thể là tôi đã đặt nó trong một hệ qui chiếu khác với mọi người.

Tôi thực sự bị ấn tượng bởi những nhà du hành vĩ đại, ví dụ như Tony Halik. Ông đã đi từ Patagonia đến Alaska bằng một chiếc xe jeep. Rồi tôi cũng sẽ thực hiện những chuyến đi như vậy.

Tôi cũng ấn tượng bởi Wojciech Dabrowski vì ông đã hoàn thành 10 chuyến thám hiểm một mình vòng quanh thế giới và đi qua 235 quốc gia. Còn có rất nhiều những con người mà không ai biết đến đã làm được những điều tương tự. Tôi đã gặp một anh người Đức lái một chiếc VW Beetle cũ từ Đức sang Thái Lan cùng vợ và hai đứa con nhỏ. Tôi đã gặp một người đàn ông Pháp đạp xe xuyên Trung Quốc.

Tôi đặc biệt thích thú với những câu chuyện về những người đi du lịch bằng những cách khác biệt: bằng thuyền kayak, đạp xe, xe máy, tuk tuk hay đi bộ. Tôi hiểu cảm giác của họ khi thực hiện những điều đó bởi những người như chúng tôi đều điên như nhau. Họ thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Nếu bạn có ý tưởng độc đáo gì đó về những chuyến đi, gửi mail cho tôi nhé.

Kế hoạch tiếp theo

Tôi không biết bao giờ những cuộc hành trình của tôi mới kết thúc. Tôi không biết cuộc đời tôi sẽ kéo dài bao lâu. Cho đến giờ, tôi vẫn an toàn. Đối với tôi, việc trở lại với cuộc sống văn phòng bàn giấy là điều không tưởng. Đi nhiều là nghiện. Yên một chỗ là không thể chịu nổi. Hai năm cùng những chuyến đi đã thay đổi con người tôi. Đất nước tôi không có nhiều thay đổi, nhưng cách suy nghĩ của tôi đã đổi khác nhiều, tôi tin là như vậy. Đến một lúc nào đó, một người sẽ không đếm cuộc đời họ bằng số năm họ sống, mà bằng những trải nghiệm trong cuộc đời họ. Tôi cảm thấy như tôi đang chạy marathon.

Tôi viết cuốn sách này sau 9 tháng sống ở Châu Á. Điểm đến sắp tới của tôi sẽ là Nam Mỹ. Tôi đã từng đến Colombia và Venezuela và giờ tôi muốn đi dọc cả lục địa từ Argentina cho đến Panama. Sau đó tôi sẽ nghĩ xem đi đâu tiếp. Tôi chưa biết sẽ đi bằng gì. Jeep, xe máy, xe bus, cũng có thể là đi nhờ xe.

Có thể bạn phải đeo chiếc balo nặng trịch trên vai trong suốt những cuộc hành trình. Nhưng khi nhìn lại những trải nghiệm đã qua, bạn sẽ thấy đó là điều tuyệt vời nhất bạn đã làm trong cuộc đời mình.

Bước đầu tiên tới mục tiêu của mình

Như bạn đã thấy, vừa làm việc vừa đi du lịch quả thật không dễ dàng. Sẽ có thể có những chuyện không đoán trước sẽ xảy đến. Nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi khuyên bạn nên bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Nghỉ phép và đi du lịch trong 1 tháng và thử xem bạn có làm việc từ xa được không. Nếu bạn thấy ổn, hãy xách ba lô lên và đi thôi.

Nó giống như là một bài kiểm tra để bạn đến với phong cách sống hoàn toàn mới mẻ. Nếu bạn thích nó, bạn sẽ không bao giờ muốn quay trở lại cuộc sống cũ. Nếu không dễ dàng, đừng bỏ cuộc. Phân tích sai lầm vừa gặp, đứng dậy và tiến lên. Tôi sẽ rất sẵn lòng chia sẻ thêm kinh nghiệm với bạn. Thông tin liên hệ tôi ghi ở chương tiếp theo.

Chúc may mắn!

Về tác giả

Tomasz Nowak

Tomek (Tomasz) là một freelancer, dân du lịch bụi, một web designer 6 năm kinh nghiệm. Trong suốt 2 năm qua, anh đã kết hợp công việc của mình với niềm đam mê du lịch. Anh không có một bằng cấp chính thức nào cả, có một chiếc ô tô thể thao, một căn hộ đắt tiền trang bị đầy đủ nội thất IKEA. Thay vì sống cuộc sống bình thường, anh đã bán tất cả mọi thứ ngoại trừ chiếc ba lô và một vài thứ đồ dùng cần thiết để làm việc. Cho đến nay, anh đã đi qua 34 quốc gia trên thế giới. Anh là một người đầy tham vọng, và là một người bạn rất thân thiện.

Tham khảo

  1. Website của cuốn sách: www.digitalnomadebook.com (hiện không còn tồn tại, download EPUB ở đây)
  2. Porfolio của tác giả: www.colourfreak.com
  3. Facebook: https://www.facebook.com/DigitalNomadEbook

Xin để lại comment

Nếu bạn thích cuốn sách này, xin hãy vào trang www.digitalnomadebook.com và để lại comment. Dùng code A8B8C8 để tôi biết không phải là nội dung spam

Donate

Cuốn sách này là một dự án không lợi nhuận. Hãy thoải mái share với bạn bè và download miễn phí. Tuy nhiên nếu bạn thực sự thích cuốn sách và muốn tôi viết thêm, xin hãy đóng góp cho tôi. Vào trang www.digitalnomadebook.com, click vào nút Free Download sau đó bạn sẽ thấy nút Paypal “Donate".

Cảm ơn!

--

--

Hieu Pham
My translation

I'm a Frontend Engineer in Singapore. I might care about user experience more than your UX designer · https://hieugoesto.com