Nông Nghiệp Việt Nam Trong Thời Kỳ COVID-19

OD Mekong
Open Development Mekong
3 min readApr 30, 2021

Đây là bài viết đặc biệt được tổng hợp dựa trên các bài dự thi trong cuộc thi Kể chuyện bằng dữ liệu năm 2021 do ODV tổ chức- được tài trợ bởi SPIDER.

Tốc độ tăng trưởng cao và ít biến động của ngành nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào sự ổn định kinh tế của Việt Nam. Ngành nông nghiệp giúp cho nền kinh tế chống chịu với các cú sốc lớn như khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Một lần nữa, trong Đại dịch Covid 19 năm 2020, nông nghiệp là khu vực duy nhất tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 2,92% góp phần ổn định nền kinh tế.

Ngành Nông nghiệp là lưới an toàn cho nền kinh tế trong đại dịch COVID-19 (📈)

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mục tiêu 41,2 tỷ USD (tăng khoảng 2,5% so với năm 2019) với 9 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, rau quả, điều và gạo). Cán cân thương mại nông sản đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Xuất khẩu nông sản — điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 (📈)

Mặc dù ngành nông nghiệp hoạt động tốt khi có COVID-19, người dân nông thôn vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hộ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp dường như ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid 19 hơn so với những hộ có sinh kế chính từ các hoạt động phi nông nghiệp, tiền lương và tiền công. Trong những hộ có sinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, 52% số hộ bị giảm thu nhập với mức giảm trung bình là 29,4%. Trong khi đó, ở các hộ phi nông nghiệp, 73% số hộ bị giảm thu nhập và mức giảm trung bình 46,8%; và 59% hộ có thu nhập chính từ việc làm công ăn lương bị giảm thu nhập và mức giảm trung bình 38,3%. Đối với hầu hết các hộ nông thôn sống bằng trợ cấp và tiền gửi, thu nhập của các hộ này không thay đổi.

Tỷ lệ cao các hộ nông thôn bị giảm thu nhập trong thời kỳ COVID-19 (📈)

Để ứng phó với Covid-19, tất cả các hộ nông thôn chủ yếu phải tự lực và dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè hoặc người thân. Gần 100% số hộ gia đình cắt giảm chi tiêu sinh hoạt, khoảng một nửa số hộ phải sống bằng tiền tiết kiệm, một phần ba phải nhờ vả bạn bè và người thân giúp đỡ. Xin hỗ trợ của chính phủ là biện pháp ứng phó quan trọng tiếp theo được gần 20% hộ gia đình lựa chọn. Xu hướng này tương tự nhau giữa ba nhóm hộ gia đình (hộ thuần nông, hộ phi nông nghiệp và hộ nông nghiệp có thêm nguồn thu khác) mặc dù có sự khác biệt về mức độ trong từng biện pháp. Nhiều hộ thuần nông thực hiện cắt giảm chi tiêu và sử dụng ít tiền tiết kiệm hơn so với hai nhóm còn lại, điều này phản ánh thực tế là tiền tiết kiệm của họ rất ít hoặc thậm chí không có.

Biện pháp ứng phó của hộ nông thôn trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (📈)

Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các hộ nông thôn trong đại dịch Covid-19 chủ yếu bằng cách tăng thêm các hỗ trợ hiện có. Khoảng 34,7% tổng số hộ nông thôn được hỗ trợ thông qua kênh này. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận của họ với các hỗ trợ mới và khẩn cấp cụ thể cho đại dịch Covid 19 còn hạn chế, trong đó hỗ trợ do mất thu nhập là dễ tiếp cận nhất (12,8% tổng số hộ nông thôn), sau đó đến hỗ trợ nhu yếu phẩm miễn phí (4,2%), hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh (1,6%) và cho vay ưu đãi thông qua giảm lãi suất và gia hạn trả nợ vay (khoảng 1%). Trong các nhóm hộ nông thôn, nhiều hộ phi nông nghiệp có thể tiếp cận các hỗ trợ do mất thu nhập, nhu yếu phẩm và các hoạt động kinh doanh hơn các nhóm khác, điều này phản ánh thực trạng nhóm này bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi đại dịch Covid 19.

Tiếp cận các chính sách hỗ trợ COVID-19 của hộ nông thôn (📈)

Editorial team: Open Development Vietnam

--

--

OD Mekong
Open Development Mekong

Open Development Mekong and related country websites independently aggregate and provide objective data on development trends in the Mekong region. #opendata