Những thách thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 tại Việt Nam

OD Mekong
Open Development Mekong
13 min readOct 19, 2020

Sau khi kiểm soát thành công dịch COVID-19 vào nửa đầu năm 2020, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai khiến một số địa phương phải quay lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, cả chính quyền trung ương và địa phương đều gặp khó khăn trong việc làm thế nào để triển khai các biện pháp quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của vi-rút mà không xâm phạm các quyền tự do công dân. Tại Việt Nam, các biện pháp này bao gồm yêu cầu cách ly xã hội và hạn chế di chuyển, triển khai truy vết tiếp xúc và cố gắng ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch có chủ ý và không có chủ ý.

Ảnh của Daniel Barreto trên Unsplash.

Hiến pháp Việt Nam công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và quyền công dân (Điều 14 (1)). Nội dung bao gồm, nhưng không giới hạn ở các quyền sau:

(i) quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước (Điều 23);

(ii) quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư của cá nhân (bao gồm cả thông tin) (Điều 21); và

(iii) quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin (Điều 25).

Các quyền này cũng được bảo vệ theo một số công ước quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam có tham gia.

Hiến pháp Việt Nam cũng quy định các quyền này chỉ có thể bị hạn chế nếu được pháp luật quy định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và phúc lợi của cộng đồng (Điều 14 (2)). Lệnh về Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia là một trong những luật như vậy. Tương tự, ICCPR cho rằng các hạn chế cân xứng (proportionate restriction) về một số quyền có thể được cho phép nếu trước đó đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các hạn chế này “phải phù hợp với nguyên tắc cân xứng (proportionality)” và nguyên tắc này phải được tôn trọng “không những trong luật quy định các hạn chế, mà còn bởi các cơ quan hành chính và tư pháp trong quá trình áp dụng luật”.

Ảnh của Elena Mozhvilo trên Unsplash

Cho dù được quy định bởi công ước hay xuất phát từ mục đích đưa ra những biện pháp nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng của Chính phủ thì những hệ quả tiêu cực (của các chính sách giới hạn) là điều khó tránh khỏi. Những hệ quả này có thể xảy ra do việc diễn giải không thống nhất từ ngữ của văn bản luật, các lỗ hổng trong pháp luật hiện hành hoặc sự thiếu minh bạch trong việc thực thi luật. Những bài học từ kinh nghiệm trong và ngoài nước có thể giúp Việt Nam cải thiện khả năng chống chịu với đại dịch trong tương lai.

Các cách hiểu khác nhau về quy định giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển

Chính phủ Việt Nam đã công bố đại dịch trêntoàn quốc vào ngày 30 tháng 3 năm 2020, theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Không giống như một số quốc gia khác trong khu vực (cụ thể là Campuchia, Thái Lan và Myanmar), Việt Nam không chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ngày hôm sau, ngày 31 tháng 3 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu thực hiện “giãn cách xã hội” trên phạm vi toàn quốc trong 15 ngày bắt đầu từ ngày 1 tháng 4 năm 2020. Chỉ thị này cũng yêu cầu cách ly bắt buộc đối với những người đến từ các “ổ dịch” và yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong “trường hợp thật sự cần thiết”. Chỉ thị gốc được thực hiện bởi chính quyền cấp tỉnh và địa phương.

Ảnh của Kai Pilger trên Unsplash

Tuy nhiên, không phải tất cả các cấp chính quyền đều hiểu chỉ thị này theo cách giống nhau và trong một số trường hợp dẫn đến việc triển khai không tương xứng với tình hình thực tế. Ví dụ, “giãn cách xã hội” được hiểu là “phong tỏa”, từ cấp làng xã đến cấp tỉnh. Trên thực tế, một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chặn các đường vào khu dân cư để kiểm soát việc đi lại của người và phương tiện, điều này vượt quá thẩm quyền pháp lý của chính quyền địa phương. Tương tự, Hải Phòng đã cấm tất cả người và phương tiện đi vào thành phố, đồng thời yêu cầu mọi người ra khỏi thành phố phải có giấy phép.

Thêm vào đó, khái niệm “vùng dịch” hay “ổ dịch” chưa được quy định rõ trong Chỉ thị. Do đó, một số tỉnh — Đà Nẵng và Quảng Nam — đã ban hành văn bản trong đó coi toàn bộ thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là vùng dịch, mặc dù mỗi thành phố chỉ phát hiện một vài điểm lây nhiễm. Tất cả người dân đến từ hai thành phố này đều được yêu cầu cách ly. Hải Phòng cũng thực hiện biện pháp tương tự trên diện rộng, yêu cầu tất cả người dân Hải Phòng khi quay trở lại thành phố phải cách ly bất kể họ có đến từ vùng dịch hay không.

Ngoài ra, cụm từ “các trường hợp thật sự cần thiết” cũng không được quy định rõ trong Chỉ thị, dẫn đến một loạt cách thực hiện khác nhau. Phường Trúc Bạch ở Hà Nội đưa ra định nghĩa theo thời gian, phạt người đi ra ngoài sau 22h giờ tối. Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng quy định giống như phường Trúc Bạch, nhưng bổ sung thêm việc hạn chế người dân không được đi chợ hơn hai lần một ngày. Những hạn chế này không được nêu trong quy định và được triển khai bằng các biện pháp như nêu tên những người vi phạm.

Ảnh của Olga Vel trên Unsplash

Sau bước đầu thực hiện Chỉ thị 16, đã có những quan ngại liên quan đến phạm vi thực hiện theo văn bản của Chỉ thị 16. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn rõ ràng hơn về việc thực hiện Chỉ thị 16, và một số biện pháp không phù hợp đã được các tỉnh gỡ bỏ.

Những lỗ hổng trong pháp luật hiện hành và công tác truy vết tiếp xúc

Truy vết tiếp xúc được Tổ chức y tế thế giới coi là một công cụ y tế cộng đồng cần thiết và đã được nhiều nước áp dụng, rất hiệu quả trong một số trường hợp. Ví dụ, Hàn Quốc được coi là rất thành công trong việc ngăn chặn COVID-19, một phần nhờ tiến hành truy vết tiếp xúc chi tiết và sâu rộng, cụ thể là ngoài phỏng vấn bệnh nhân, nước này còn sử dụng dữ liệu trích xuất từ camera giám sát CCTV, hoá đơn mua sắm và thông tin y tế. Việt Nam đã tiến hành truy vết tiếp xúc nhanh chóng và trên diện rộng kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, theo dõi lịch sử di chuyển thông qua khai báo y tế, thu thập hoá đơn mua thuốc và hệ thống báo cáo và giám sát từ cán bộ địa phương. Điều này đã góp phần đáng kể vào thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn làn sóng COVID-19 đầu tiên. Một công cụ nữa được chính phủ sử dụng là ứng dụng truy vết tiếp xúc, BlueZone. Kể từ khi được giới thiệu vào tháng 4 năm 2020, hơn 10 triệu công dân Việt Nam đã tải ứng dụng này. Báo cáo đánh giá hiệu quả của ứng dụng này trên phương diện truy vết tiếp xúc sử dụng công nghệ sốvà các quan ngại về quyền riêng tư đã được AppAssay — một tổ chức độc lập thực hiện. Tổ chức này tiến hành khảo sát các ứng dụng trên điện thoại thông minh về COVID-19 và các phương pháp liên quan kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đánh giá của AppAssay chỉ ra rằng mặc dù hiệu quả của BlueZone tương tự như các ứng dụng cùng chức năng khác, vẫn có những lo ngại về quyền riêng tư đáng kể do sự phát triển của phần mềm và những sai sót còn tồn tại trong cách ứng dụng này sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Ảnh của CDC trên Unsplash

Những vấn đề phức tạp khác liên quan đến quyền riêng tư cá nhân phát sinh khi có lỗ hổng trong luật và chính sách liên quan cùng với việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Những quan ngại này đã được nêu ra trên toàn cầu và tại các quốc gia trong công tác truy vết tiếp xúc. Vấn đề chính ở đây là luật pháp và chính sách vẫn chưa điều chỉnh tất cả các hình thức lạm dụng dữ liệu cá nhân và vi phạm quyền riêng tư, nếu có. Trong các trường hợp như truy vết tiếp xúc, các khuôn khổ pháp lý hiện nay của chính phủ còn hạn chế trong việc cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, quyền riêng tư về dữ liệu được bảo vệ bởi Hiến phápcác luật khác. Tuy nhiên, một số hành vi xâm phạm quyền riêng tư vẫn chưa được ngăn chặn, chẳng hạn như buôn bán dữ liệu cá nhân (đặc biệt là dữ liệu của khách hàng), tiết lộ thông tin của người nổi tiếng, công bố thông tin của những người dễ bị tổn thương (ví dụ: trẻ em, người nhiễm HIV / AIDS) và ăn cắp dữ liệu cá nhân. Tình trạng này một phần là do những lỗ hổng trong luật pháp: ví dụ, “thông tin cá nhân” chưa được định nghĩa một cách rõ ràng và nhất quán trong các văn bản pháp luật; và các quy định không rõ ràng và cụ thể về quy trình và thủ tục để xử lý thông tin cá nhân. Thực thi pháp luật thiếu chặt chẽ và yếu kém là một vấn đề khác. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra một số lỗ hổng này và đang thúc đẩy việc hoàn thiện Hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, đồng thời đưa ra mức phạt đối với hành vi sử dụng sai dữ liệu cá nhân theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Mặc dù truy vết tiếp xúc là một công cụ cần thiết và hữu ích để phòng chống COVID-19, những nỗ lực ban đầu của Việt Nam trong việc truy vết một cách toàn diện cũng đã cho thấy rõ hơn khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu công khai thông tin trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và tầm quan trọng của quyền riêng tư cá nhân. Thông tin chi tiết cá nhân được thu thập thông qua truy vết tiếp xúc (bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp và lịch sử đi lại) ban đầu được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, như một cách bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đối với bệnh nhân số 17, người được coi là nguồn gốc của làn sóng vi-rút đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, dữ liệu cá nhân của cô hiện đã bị phát tán rộng rãi. Các tác động của việc vi phạm quyền riêng tư như vậy không chỉ liên quan đến dữ liệu; mà còn bao gồm phân biệt đối xử, tấn công tinh thần và cảm xúc, và bị đổ lỗi một cách sai trái. Bệnh nhân số 17 nhận được rất nhiều sự chú ý theo cách tiêu cực trên mạng xã hội, và kết quả bị căng thẳng và lo lắng.

Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra rằng việc công khai các thông tin nhận dạng cá nhân (PII) và những công bố sau đó thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là vấn đề, và không còn đưa tin như vậy nữa. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn tiếp tục bị rò rỉ qua các phương tiện không chính thức và được phát tán bằng các ứng dụng mạng xã hội như Zalo và Facebook Messenger.

Ảnh của NeONBRAND trên Unsplash

Một mặt, Chính phủ cần phải công bố thông tin cụ thể để kiểm soát sự lây lan của vi-rút Corona; mặt khác, nếu thông tin quá chi tiết, nó có thể bị lạm dụng. Thách thức đối với Chính phủ là phải cân bằng cả hai mặt này thông qua việc thực thi và chế tài minh bạch, dựa trên luật pháp. Do đó, việc hoàn thiện các luật về bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam là rất cần thiết.

Ngăn chặn thông tin sai lệch có chủ đích và không có chủ đích

Nhờ có sự phát triển của công nghệ và internet, dữ liệu và thông tin, bao gồm cả thông tin sai lệch có chủ đích và không có chủ đích , hay “tin giả”, có thể được truyền đi nhanh hơn và xa hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam, một trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu người dùng Facebook và 35 triệu người dùng YouTube.

Ảnh của Sara Kurfeß trên Unsplash

Trong thời kỳ dịch COVID-19, sự lan truyền thông tin cả chính xác lẫn không chính xác với tốc độ quá nhanh và khối lượng lớn đến mức nó được gọi bằng thuật ngữ “bệnh dịch thông tin”(infodemic). Tác hại do lan truyền thông tin sai lệch trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng rất nghiêm trọng. Các rủi ro bao gồm việc thực hiện sai các phương pháp phòng ngừa và điều trị, cũng như các tác động tiêu cực do sợ hãi và định kiến. Chính phủ đã vào cuộc để giúp cho công dân có thể tiếp cận thông tin chính xác và minh bạch một cách nhanh chóng, điều này đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thành công vi-rút cho đến nay. Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cần ngăn chặn những thông tin sai lệch có chủ ý và không có chủ ý về đại dịch COVID-19.

Các biện pháp nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch của Việt Nam được quy định trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020. Nghị định này đưa ra hình thức phạt tiền đối với hành vi phát tán “tin giả” hoặc tin đồn trên mạng xã hội để gây rối trật tự công cộng và gây hoang mang dư luận. Mặc dù nghị định không dành riêng cho đại dịch, nhưng nghị định này đã phát huy vai trò kịp thời trong bối cảnh thông tin thông tin trực tuyến về loại vi-rút mới lan truyền nhanh chóng. Phần lớn trong số 21 trường hợp vi phạm kể từ khi Nghị định được ban hành đều liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, Nghị định chưa đưa ra được định nghĩa rõ ràng về thông tin sai lệch và tin giả, chưa đưa ra được cách thức để xác định được thông tin sai lệch, tin giả cũng như cách phân biệt thông tin sai lệch với hành vi tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm hoặc thái độ. Lỗ hổng về định nghĩa này có thể gây ra một số tranh cãi trong quá trình thực hiện. Ví dụ, trường hợp một hướng dẫn viên du lịch đã bị phạt vì khoe khoang trên Facebook rằng anh ta đã giúp một nhóm khách du lịch “tẩu thoát” khỏi thành phố Đà Nẵng trước đợt COVID-19 thứ hai. Một số người đồng ý rằng việc sử dụng từ “tẩu thoát” là không đúng, trong khi những người khác cho rằng đó không phải là tin giả mà chỉ là một trải nghiệm cá nhân.

Ảnh của Nguyen Dang Hoang Nhu trên Unsplash

Trước những tác hại có thể xảy ra của thông tin sai lệch, cần phải có các biện pháp kiểm soát. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là việc thực hiện các biện pháp kiểm soát này phải được định nghĩa một cách rõ ràng, để cho phép hiểu và giải thích chính xác, minh bạch và công bằng trong thực thi nhằm tránh vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Tóm tắt

Mặc dù việc hạn chế các quyền dân sự và cá nhân có thể cần thiết trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng như đại dịch Covid-19, điều này cũng đi kèm với nhiều thách thức. Ở kịch bản lý tưởng, các luật và quy định liên quan sẽ tồn tại và định nghĩa rõ các điều khoản cần thiết để bổ trợ cho việc thực thi luật một cách nhanh chóng. Tuy nhiên trên thực tế,ngay cả trong những kịch bản mà ở đóchính phủ phản ứng nhanh nhạy và cùng với các biện pháp bảo vệ về mặt pháp lý, các khoảng trống vẫn còn đó. Do đó, cần phải liên tục duy trì cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của cá nhân và lợi ích quốc gia.

--

--

OD Mekong
Open Development Mekong

Open Development Mekong and related country websites independently aggregate and provide objective data on development trends in the Mekong region. #opendata