Product Design: Người mới chọn mô hình công ty phù hợp như thế nào?

Hoang Anh
One Mount Product Design
13 min readJun 4, 2024

Đối với những người mới bước chân vào lĩnh vực thiết kế sản phẩm, việc lựa chọn môi trường làm việc phù hợp là một quyết định vô cùng quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nghề nghiệp, định hướng tương lai của mỗi người. Nhưng để chọn được một môi trường phù hợp chưa bao giờ là “dễ dàng”. Là một người đã và đang trải qua quá trình tìm kiếm đó, mình xin phép chia sẻ những bài học và đúc kết từ chính trải nghiệm bản thân, hy vọng sẽ giúp ích được các bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đầy tính trải nghiệm này nha 😘

Nếu bạn “đã từng” cảm thấy bỡ ngỡ và lạc lõng khi bước vào một môi trường, nơi có quá nhiều thứ còn mới & ngập tràn khó khăn, thử thách? Thì bạn không hề đơn độc đâu, đó chính là tâm trạng chung của rất nhiều người khi mới bắt đầu trong lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần gian nan: Product Design

Sinh viên và tân binh cảm thấy bỡ ngỡ và lạc lõng khi mới bước vào ngành

Lý do người mới luôn luôn cảm thấy xa lạ, bỡ ngỡ khi bước vào ngành là gì?

Theo trải nghiệm cá nhân, khi bước vào ngành mình cũng cảm thấy ‘‘lú’’ bởi vô số kiến thức chuyên môn về thiết kế, tâm lý học, nghiệp vụ và kinh doanh. Chưa kể, ngành công nghiệp này luôn vận động và thay đổi không ngừng, đòi hỏi bạn phải liên tục học hỏi và cập nhật những xu hướng mới nhất. Khối lượng thông tin khổng lồ này có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp, lo lắng về khả năng tiếp thu và thích nghi.

Môi trường làm việc không chỉ đơn thuần là nơi bạn dành phần lớn thời gian trong ngày mà còn là nơi nuôi dưỡng đam mê, phát triển kỹ năng và định hình con người bạn. Một môi trường làm việc tốt sẽ mang đến cho bạn những cơ hội học hỏi quý giá, giúp bạn phát huy tối đa tiềm năng và gặt hái được nhiều thành công. Ngược lại, một môi trường làm việc độc hại có thể khiến bạn chán nản, mất động lực và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Theo nguồn khảo sát uy tín về thị trường lao động Việt Nam, mô hình công ty mà các UX/UI Designer mới vào nghề lựa chọn phổ biến nhất là Startup (chiếm 35%). Một môi trường rất hứa hẹn để các bạn học hỏi, thử sức và hình thành những kỹ năng cơ bản ở khoảng thời gian ban đầu.

Mô hình lựa chọn môi trường thực tập phổ biến của sinh viên/tân binh tại Việt Nam

UX/UI là một lĩnh vực sáng tạo và năng động, thu hút nhiều người đam mê thiết kế và công nghệ. Khi bước vào môi trường mới, các bạn tân binh thường cảm thấy háo hức được học hỏi những kiến thức mới, khám phá những xu hướng mới nhất và thử sức với những dự án thú vị. Chính vì vậy, môi trường thực tập sẽ là giai đoạn khá quan trọng mà được các bạn sinh viên/ tân binh đặc biệt quan tâm

Vậy tại sao người mới thường chọn Startup?

Vào quãng thời gian còn là sinh viên, mình cũng có kỳ thực tập đầu tiên vào năm 3 đại học. Hầu hết sinh viên đều có kỳ thực tập vào khoảng thời gian này do nhà trường yêu cầu/ hỗ trợ hoặc sinh viên tự chủ động tìm kiếm. Lúc đó đa phần các bạn sẽ có vài lựa chọn điển hình như sau:

1. Công ty khởi nghiệp (Startup): Đây là một môi trường có số lượng khá nhiều ở thị trường. Môi trường rất năng động và trẻ trung, thường không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn. Những kỳ thực tập này thường hướng đến mục tiêu đào tạo để trở thành nhân sự cho công ty

2. Công ty công nghệ lớn (Tập đoàn): Đây là cơ hội tiềm năng thường được liên kết bởi Nhà trường và Tập đoàn. Môi trường chuyên nghiệp, ổn định, nguồn lực dồi dào, cơ hội học hỏi từ chuyên gia. Tuy nhiên có tính cạnh tranh khá cao, có thể các bạn sinh viên/tân binh phải đấu đá để giành được cơ hội học tập và quan sát tại nơi đây.

3. Agency Thiết kế: Đây là môi trường đam mê thiết kế, sáng tạo nếu ứng viên có mong muốn phát triển chuyên sâu về kỹ năng chuyên môn. Nhưng những công ty này thường ổn định về mặt nhân sự và vận hành nên thường không có các kỳ thực tập định kỳ hay chính thức, thực tế là “thi thoảng’’

Chính vì vậy, Startup dường như là mô hình mà sinh viên hay tân binh dễ tiếp cận nhất vào khoảng thời gian đầu vì số lượng nhiều ở thị trường, không quá cạnh tranh và đòi hỏi tính chuyên môn.

Chap 1: Câu chuyện bản thân

Bản thân mình cũng là trường hợp tương tự, cũng bắt đầu những bước đi đầu tiên của sự nghiệp tại một Startup nhỏ. Sau kỳ thực tập, mình ký hợp đồng cộng tác viên rồi trở thành nhân viên chính thức sau khi ra trường. Mình có khoảng thời gian làm việc tại nơi này kéo dài khoảng 2 năm, sau khoảng quãng thời đó mình có nhận định về Startup như sau:

  • Môi trường: Đối với mình Startup là một môi trường làm việc rất năng động, cảm giác khi vào đây bạn sẽ liên tục học hỏi vì có cơ hội tham gia vào rất nhiều dự án đa dạng. Đây là cơ hội quan trọng để tiếp xúc với công nghệ và trau dồi nó một cách nhanh chóng.
  • Quy mô: Vì có quy mô nhỏ, nên trong các dự án một mình bạn có thể đảm nhận rất nhiều các vai trò khác nhau từ UX, UI, Visual, Animation,… Việc đảm nhận nhiều vai trò mang lại cảm giác bạn rất “quyền năng”. Từ đó bạn có thể khám phá ra thế mạnh của bản thân và nhận thức rõ được giá trị đóng góp vào sản phẩm có tác động trực tiếp đến người dùng và thị trường.

Tuy nhiên, làm việc tại startup cũng có một số hạn chế điển hình:

  • Áp lực công việc: Do nguồn lực hạn chế, Designer thường phải làm việc nhiều giờ và chịu nhiều áp lực để hoàn thành dự án đúng hạn. Tại nơi đây, bạn sẽ phải làm việc với cường độ khá là cao, việc phải đối mặt với các deadline “trong ngày” chắc sẽ không còn gì là gì quá là lạ lẫm.
  • Thiếu cơ hội tiếp xúc: Không phải Startup nào cũng có đầy đủ các bộ phận khác liên quan như PO/BA, FE, BE, QC,… Vì những công ty này chỉ tập chung vào 1 chuyên môn duy nhất đó chính là “thiết kế”. Trong một dự án có thể bạn sẽ phải làm việc với các phòng ban chuyên môn khác của đối tác qua hình thức online đa nền tảng. Chính vì vậy, bạn sẽ không có nhiều hiểu biết về mặt kỹ thuật để nhận thức được về những hạn chế và tính khả thi của chuyên môn đó (đặc biệt là Front-end), dẫn đến việc các đầu việc không thể thực hiện được do thiết kế của bạn quá “bay”
Kết quả của việc thiếu hiểu biết về các chuyên môn khác

Sau quãng thời gian nhận định ra những vấn đề đó, mình đã quyết định đưa bản thân sang một giai đoạn mới (cho dù mình đang làm khá tốt và phù hợp với công việc hiện tại). Mình đến một nơi có tính chất công việc hoàn toàn khác - một nơi có thể giúp mình trau dồi những kỹ năng mà bản thân còn thiếu hụt. Và mảnh đất hứa mang tên OneMount đã hiện lên trong đầu, một tập đoàn công nghệ về các sản phẩm dịch vụ Consumer, Distribution và Real Estate. Và cũng khá phổ biến trong giới Product Design, UI/UX Design.

Chap 2: Sóng gió

Đó là khoảng thời gian khá là đấu tranh khi mình đã có một vai trò nhất định tại công ty cũ. Chắc ai cũng đều có cảm xúc tiếc nuối khi gạt bỏ đi những giá trị mình đã xây dựng sau một quãng thời gian dài. Lúc đó trong đầu mình chỉ có một câu hỏi:

Liệu môi trường mới có thực sự phù hợp với mình? Liệu mình có bỏ phí những giá trị đã xây dựng ở công ty cũ sau 2 năm?

Sau một khoảng thời gian tìm hiểu về tập đoàn và các sản phẩm của OneMount sở hữu, mình quyết định “nhảy việc” đa phần là vì tò mò, ít phần cũng là muốn học hỏi và trau dồi. Lúc đó mình chỉ đơn giản động viên bản thân rằng:

Không cho bản thân cơ hội thì làm sao mà biết khả năng của mình tới đâu?

Cảm xúc trước khi onboard lúc đó phải mô tả là khá là hào hứng vì bản thân sắp được đến một nơi mới, gặp gỡ những người đồng nghiệp mới, nhưng nó đã tan biến rất nhanh chóng vào khoảng 2–3 ngày đầu tiên và thay thế vào đó là một cảm xúc mà bản thân mình sẽ chả bao giờ quên. Chắc mình sẽ gọi là “Cú shock của người mới bước vào ngành”

Cảm xúc của tôi sau khi nghe khoảng 1 tỷ thuật ngữ của Product

Trong ngày đầu tiên onboard chắc phải đến khoảng 80% các thuật ngữ mình đều không hiểu. Dường như mình không thể đếm nổi số lần mình ngơ ngác trong các cuộc họp và số lần quay sang hỏi người quản lý trực tiếp của mình rằng:

Chị ơi cái … là gì ạ?

Ở thời gian đó mình đã nhận ra các kỹ năng và kiến thức mà mình thiếu hụt nhất đó chính là:

  • Quy trình thiết kế, bàn giao
  • Vấn đề kỹ thuật, vận hành, kinh doanh
  • Kiến thức nghiệp vụ, chuyên ngành

Đâm lao thì phải theo lao, lúc đó cảm xúc mình chẳng có gì ngoài 2 chữ “hoang mang”. Cách giải quyết duy nhất của bản thân mình lúc đó chính là “Hãy Đối Mặt Với Nó”. Sau khoảng 2 tháng thử việc thì mình cũng dần catch-up và quen với tính chất công việc mặc dù vẫn có nhiều thiếu xót.

Vậy sau vài tháng làm việc tại đây, mình đã tham gia và học hỏi được những gì?

1, Hiểu về quy trình

Khi bắt đầu làm việc ở đây mình đã dần làm quen với việc designers đều phải tham gia vào những quy trình sơ khai nhất khi bắt đầu phát triển một tính năng. Nó luôn bắt đầu từ những giai đoạn:

  • Nghiên cứu và Xác định: Bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng vấn đề mà tính năng mới cần giải quyết. Điều này bao gồm việc nghiên cứu nhu cầu của người dùng, phân tích các đối thủ cạnh tranh và xác định các cơ hội tiềm năng. Đối với mình đây là giai đoạn khá là “fun” vì nó có rất nhiều tính tương tác. Trong một buổi brain-storm mỗi cá nhân đều đưa ra những quan điểm của mình để tranh luận và đóng góp cho quá trình lên ý tưởng.
  • Thiết kế và Lặp lại: Đơn giản giai đoạn này là giai đoạn “vẽ” đó. Sau khi xây dựng lên Wireframe để trực quan hóa thiết kế, team mình sẽ có những buổi sync-up và tiếp tục bàn luận và thử nghiệm về tính khả thi hay hiệu quả của nó. Từ đó thu thập phản hồi, nhận xét của tất cả thành viên trong team để cải thiện thiết kế.
  • Đo lường và Cải tiến: Và cuối cùng là tiết mục mà team mình gọi là “xem số”. Đơn giản nó là giai đoạn thu thập dữ liệu của người dùng sau khi đã sử dụng tính năng đó, sau đó sẽ phân tích dữ liệu để xác định hiệu quả của tính năng đó và lên kế hoạch cải tiến.
Product Designer sẽ tham gia phát triển tính năng từ những giai đoạn sơ khai nhất cùng với các cá nhân chuyên môn khác

Tổng quản là vậy, tuy nhiên quy trình phát triển tính năng cần linh hoạt và có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của dự án. Việc sử dụng các công cụ và phương pháp phù hợp sẽ giúp bạn tối ưu hóa quy trình phát triển tính năng và tạo ra sản phẩm hiệu quả.

2, Hiểu về lộ trình

Cái tiếp theo mà mình muốn nói tới đó là lộ trình. Lộ trình ở đây là:

Lộ trình thăng tiến của một designer cần những yếu tố gì?

Liệu bạn vẫn còn quen với việc đánh giá cấp bậc của một nhân sự dựa trên thâm niên?

Khi bạn thấy một ai đó có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành, bạn sẽ mặc định nhận định rằng: “Chắc anh ấy phải đang ở level Senior” Nhưng ở môi trường làm việc hiện đại hiện nay thì việc duy trì công việc đủ lâu không còn là một yếu tố quyết định cấp bậc, mà đơn giản dựa trên những giá trị đem lại và kết quả công việc của cá nhân đó hoàn thành.

Ở OM, team thiết kế có phát triển công cụ có tên gọi Design Competency Framework (DCF) để xác định năng lực của designers. Công cụ này được xây dựng dựa trên Thang đo Bloom’s taxonomy & được sử dụng như là một thước đo chuẩn mực để:

  • Tuyển dụng & đánh giá nhân sự
  • Đánh giá nhân viên sau mỗi kỳ & lấy cơ sở để tổ chức các buổi Sharing kỳ tiếp theo.
  • Nhân viên tự đánh giá bản thân để đưa ra kế hoạch phát triển bản thân
Competency Tracking của OMPD

Đối với góc nhìn của một nhân viên, mình thấy đây là một lộ trình phù hợp để tạo ra động lực trau dồi các kỹ năng phục vụ cho mục đích “thăng tiến”. Một vấn đề mà các nhân sự đặc biệt quan tâm, mỗi một vị trí đều có những thang điểm số của rất nhiều kỹ năng khác nhau, từ đó mình có thể tự định hình được:

  • Mình đang hướng đến vị trí nào?
  • Để đạt được vị trí đó, mình cần cải thiện những kỹ năng gì?

Team của mình có văn hóa mang tên “growth together”. Để rõ hơn về văn hóa, cách thức hoạt động… của team bạn có thể tham khảo bài viết của sếp mình Ở ĐÂY

Tập cuối: Kinh nghiệm và bài học đúc kết

Vậy vừa rồi chắc là những chia sẻ ngắn gọn của mình về quãng thời gian làm nghề ngắn ngủi. Nếu bạn là sinh viên hoặc tân binh mà đang tìm kiếm cơ hội được học hỏi và quan sát tại môi trường Product. Thì mình sẽ đúc kết ra 4 bước sau dựa trên quãng thời gian trải nghiệm của mình ở trên để giúp bạn đạt được cơ hội học hỏi tại môi trường mà mình mong muốn:

  • Bước 1: Tự đánh giá chính xác bản thân để đưa ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân là môi trường nào.
  • Bước 2: Nghiên cứu thật kỹ về môi trường đó và tìm cách để được bước vào cánh cổng mình mong muốn.
  • Bước 3: Hãy “thử sức ” tại môi trường đó, việc này sẽ giúp bạn đánh giá đúng khả năng của mình có thực sự phù hợp? Có đủ kỹ năng tới mức mong muốn của tổ chức? Mình đang thiếu hụt những kỹ năng gì?
  • Bước 4: Bổ sung kỹ năng còn thiếu để tiếp tục mục tiêu được làm đúng môi trường mình muốn

Chung quy lại, mỗi một môi trường sẽ có những đặc điểm khác nhau, không có một môi trường nào là một môi trường hoàn hảo. Sau bài viết này hy vọng các bạn cũng có thể có cái nhìn từ một tân binh mới vào nghề khoảng 2 năm như mình và từ đó rút ra được những bài học giúp ích cho quá trình làm nghề. Cuối cùng, mình có vài lời khuyên chung cho các bạn:

  • Kỹ năng mềm: Ngoài phải nắm vững những kiến thức nền tảng về Design, Product thì chúng ta cũng phải chú ý đến những kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề,…).
  • Luôn học hỏi và cập nhật: vì lĩnh vực công nghệ chưa bao giờ ngừng cải tiến và đổi mới. Hãy tham gia các cộng đồng (online lẫn offline) để quan sát, networking với những người cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau nhé các bạn
  • Xây dựng portfolio: Mình xin trân thành muốn khuyên với các bạn rằng: “ Hãy build Portfolio đi ” Bởi với cá nhân mình đa phần những cơ hội mình nắm bắt được trong công việc đều xuất phát từ Portfolio. Bởi đơn giản trong lĩnh vực này nhà tuyển dụng quan tâm đến những việc bạn đã/có thể/ từng làm hơn là chiếc CV chữ dài ngoằng, lan man. Hãy show-off những thành quả và kỹ năng của mình và đảm bảo rằng mình sẽ không bao giờ bỏ lỡ những cơ hội từ nhà tuyển dụng và khách hàng tiềm năng
  • Thái độ: Hãy giữ cho mình một thái độ luôn luôn tự tin nhưng cầu tiến, và open học hỏi, nghe góp ý và có tính commit cao. Có thể bạn có nhiều thiếu xót nhưng nó sẽ giúp cho doanh nghiệp thấy được rằng bạn là ứng viên tiềm năng và có thể đào tạo trong tương lai

Những bước đi ban đầu lúc nào cũng khó khăn, hy vọng bạn đang đi đúng con đường của mình. Bài viết của mình đến đây là kết thúc, hy vọng nó sẽ giúp ích được bạn trong sự nghiệp thiết kế sản phẩm. Và mình là Hoàng Anh — Product Designer trẻ tuổi nhất của OneMount, tạm biệt các bạn và hẹn các bạn ở những bài viết sau của các thành viên trong team của mình nhá ✌️

--

--