Victor Robert Lee
Satellite Image Analysis
18 min readNov 29, 2019

--

Những hình ảnh mẫu về phía đông Bãi cạn Scarborough không cho thấy vết sẹo nào trên rạn san hô ngay sau khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bãi cạn này vào năm 2012. Tuy nhiên, vết sẹo hình vòng cung lớn đã xuất hiện rõ ràng vào tháng 11 năm 2015.

Hình ảnh vệ tinh tố giác tội ác hủy diệt sinh thái ở Biển Đông

Nạn khai thác vỏ sò tai tượng bất hợp pháp đang gây nên những vết sẹo khổng lồ ở các rạn san hô.

Tác giả Victor Robert Lee

Bài viết được xuất bản lần đầu tiên trên Tạp chí The Diplomat ngày 15 tháng 1 năm 2016

Hình ảnh Biển Đông thu từ vệ tinh cho thấy, đang tồn tại những vết sẹo do con người gây ra trên các rạn san hô với quy mô mà trước đây chưa được đánh giá đúng, phần nhiều trong số những vết sẹo này xuất hiện vào khoảng thời gian từ 2012 đến cuối 2015. Đây là hệ quả của việc ngư dân dùng chân vịt gắn trên thuyền nhỏ cắt phá rạn san hô trên diện rộng để săn tìm vỏ sò tai tượng bất hợp pháp. Có thể nhìn thấy các vết sẹo trên những hình ảnh gần đây tại ít nhất 28 rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Chứng cứ từ các bài báo cáo tin tức, ảnh chụp trên không, video và các trang web thương mại đều cho thấy phần nhiều và có lẽ là hầu hết hoạt động tàn phá rạn san hô theo hình thức “cắt phá bằng chân vịt” này có dính líu trực tiếp đến ngư dân từ Trung Quốc, đặc biệt là ngư dân từ cảng Đàm Môn (Tánmén 潭门) trên Đảo Hải Nam.

Hoạt động cắt phá rạn san hô đang diễn ra tại phía Đông của Cụm rạn san hô Thị Tứ. 31 thuyền cắt phá và 6 tàu mẹ hiện diện trên khung hình gốc. ngày 5 tháng 3 năm 2014.

Trong thời kỳ mà Bắc Kinh đẩy nhanh việc xây dựng căn cứ có năng lực quân sự trên các hòn đảo bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa, trùng với nhiệm kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các ngư dân Đàm Môn đã khai thác vỏ sò tai tượng có giá trị cao ở quy mô công nghiệp bùng nổ, đi hơn một nghìn km từ cảng nội địa đến các bãi cạn và rạn san hô ở bên kia của Biển Đông để săn tìm vỏ sò tai tượng. Sò tai tượng là loài có thể phát triển đến chiều dài hơn một mét, nặng trên 200 kg và có tuổi thọ trên một trăm năm. Vỏ của sò tai tượng đã trở thành “thứ vàng trắng của biển cả” vì có mức giá tăng vọt trong vòng bốn năm qua, dẫn đến rất nhiều ngư dân Trung Quốc đã từ bỏ hoạt động đánh bắt thủy hải sản truyền thống và lao vào cuộc săn tìm món vàng này.

Vỏ sò tai tượng có tiếng ở Trung Quốc là món đồ xa xỉ, thể hiện sự giàu sang, phú quý, là khoản đầu tư sinh lời cao, bảo vật của nhà Phật và là một biểu tượng về văn hóa; đồ trang sức làm từ vỏ sò tai tượng thậm chí còn được đồn thổi là mang lại sức mạnh siêu nhiên và giúp cải thiện sức khỏe. Cứ như thể mọi công dụng sinh lý tuyệt vời vốn dĩ vô căn cứ của ngà voi, ngọc bích, ngọc trai và vây cá mập giờ đây tất cả đều có trong mặt hàng vỏ sò tai tượng vậy. Và các sản phẩm làm từ vỏ sò tai tượng rất khó để làm giả. Nguyên liệu thật có những lớp mịn, phát triển không đồng đều kèm sự thay đổi màu sắc huyền ảo dễ dàng thấy được dưới kính hiển vi đơn giản. Một cặp vỏ sò cao cấp có thể có giá lên đến một triệu Nhân dân tệ (150.000 USD).

Hình ảnh cận cảnh cho thấy các Rạn san hô Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn đều chịu sự cắt phá bằng chân vịt trên quy mô lớn để phục vụ hoạt động săn tìm vỏ sò tai tượng vào các tháng trước khi Trung Quốc thực hiện hoạt động san lấp đất.

Mặc dù sò tai tượng là loài có nguy cơ tuyệt chủng và theo luật pháp quốc tế, luật pháp Trung Quốc (trên danh nghĩa), thì hoạt động mua bán vỏ sò tai tượng bị cấm, nhưng trong nhiều trường hợp, hoạt động nạo vét rạn san hô của ngư dân diễn ra ngay cả khi có sự có mặt của các tàu Tuần duyên Trung Quốc và ngay trên các rạn san hô mà Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc chiếm đóng. Nhiều người bình luận trên Internet tại Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ hoạt động này, đưa ra lý lẽ, chẳng hạn như, “Việc ngư dân Đàm Môn khai thác sò tai tượng ở Biển Đông giúp đảm bảo chủ quyền của Trung Quốc.” Về nghĩa đen thì điều này có thể đúng, bởi hoạt động bồi đắp gây tranh cãi của Trung Quốc tại các rạn san hô Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Xu Bi (Subi) và Đá Vành Khăn (Mischief) vào năm 2014 và 2015 diễn ra ngay sau khi các đợt thuyền tiến hành cắt phá theo hình vòng cung khắp những khu vực rạn san hô rộng lớn, cứ như thể ngư dân Trung Quốc đã được bật đèn xanh cho việc giật phần thưởng là những con sò tai tượng trước khi những rạn san hô này bị vùi lấp vĩnh viễn dưới hàng triệu tấn cát. Do đó, các hoạt động cắt phá rạn san hô làm dấy lên mối quan ngại không chỉ dừng lại ở sự hủy hoại môi trường hiển nhiên, mà chúng còn có thể là dấu hiệu cho biết những địa điểm tiếp theo sẽ được Trung Quốc tiến hành hoạt động bồi đắp đảo.

Những mô thức hình vòng cung nhìn thấy được trên các ảnh rạn san hô chụp từ vệ tinh là do chân vịt của những chiếc thuyền đa dụng nhỏ tạo ra khi chúng được kéo hoặc đẩy theo hướng ngang ở những vùng nước nông. Chân vịt, lắp trên trục dài, thổi bay cát và san hô che lấp vỏ sò tai tượng, hầu hết chúng đều đã chết do hoạt động khai thác lấy thịt trước đó hoặc do vòng đời tự nhiên. Ngư dân đeo mặt nạ lặn tìm kiếm dưới đáy biển những vỏ sò lộ ra, nhấc chúng lên khỏi đáy rạn san hô, và cuối cùng kéo lên những chiếc thuyền đa dụng có chiều dài từ năm đến sáu mét.

Những thuyền này được neo ở đằng sau bằng một dây thừng hoặc dây xích dài, nhờ đó mà hoạt động của chân vịt vẫn duy trì được sức căng trong khi di chuyển theo hướng ngang, tạo ra một vết sẹo hình vòng cung trên rạn san hô. Cứ sau một khoảng thời gian nhất định, dây neo có thể được nới dài ra và một đường mới sẽ cắt qua rạn san hô, tạo ra một mô thức các đường vòng cung đồng tâm. Hàng nghìn đường có hình vòng cung như thế này, mỗi đường đại diện cho một rạn san hô bị xé nát, có thể thấy trên các hình ảnh trong bài báo này.

Ảnh mẫu một phần về các rạn san hô ở Biển Đông cho thấy vết sẹo hình vòng cung lớn gần đây do hoạt động cắt phá bằng chân vịt.

Thuyền đa dụng của những kẻ đánh bắt bất hợp pháp lần lượt chuyển vỏ sò tai tượng lên các tàu mẹ neo đậu gần đó. Tàu mẹ sẽ dùng cần cẩu để đưa những chiến lợi phẩm khai thác được lên khoang tàu và cuối cùng sẽ nhấc luôn các thuyền đa dụng lên để trở về Đàm Môn. Quá trình đơn giản, được thực hiện lặp đi lặp lại bởi hàng trăm, hay hàng nghìn ngư dân sử dụng những thiết bị thô sơ, có thể là nguyên nhân dẫn đến hầu hết mọi vết sẹo thấy được trên các bức ảnh vệ tinh.

Ảnh chụp màn hình từ các trang Internet của Trung Quốc cho thấy sự cắt phá rạn san hô phục vụ việc săn tìm vỏ sò tai tượng; kéo vỏ sò trên các thuyền cá Đàm Môn; và chồng vỏ sò tai tượng sẽ được bán.

Một số tàu nạo vét cũng có thể gây ra các mô thức hình vòng cung trên đáy biển, vì chúng sử dụng hệ thống giống như moayơ để quay trong khi hút cát từ phía dưới; có thể nhìn thấy một số mô thức này từ ảnh vệ tinh. Nhưng phần lớn việc nạo vét theo kiểu nâng các lớp đáy biển lên để phục vụ hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại các rạn san hô Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và các rạn san hô khác để lại ít mô thức có thể nhìn thấy trên ảnh vệ tinh do hoạt động này được thực hiện ở độ sâu lớn hơn.

Vết sẹo lớn gần đây trên rạn san hô tại Cụm rạn san hô Thị Tứ, ngày 16 tháng 10 năm 2015.

Theo báo cáo từ Rupert Wingfield-Hayes của BBC vào tháng 12 năm 2015, ông đã quan sát thấy ngư dân Đàm Môn săn lùng vỏ sò tai tượng bất hợp pháp trên rạn san hô cách Đảo Thị Tứ (Pagasa) của Philippines chưa đến một dặm. “Tôi có thể nhìn thấy một chiếc chân vịt bằng thép quay tròn ở cuối một cái trục dài, nhưng không thể nói chính xác mức độ tàn phá mà nó đang gây ra,” ông viết. Rạn san hô mà ông nhắc đến là một phần của cụm rạn san hô Thị Tứ ngay phía đông Pagasa, địa điểm diễn ra hoạt động khai thác mạnh mẽ bởi các ngư dân Trung Quốc đang tham gia vào cuộc đổ xô đi tìm vàng trắng. (Cụm rạn san hô Thị Tứ bao gồm rạn san hô Đá Hoài Ân (Sandy Cay), một kết cấu nổi trên mặt nước mà đã làm dấy lên sự chú ý trong các cuộc đánh giá về hoạt động Tự do hàng hải của Tàu khu trục USS Lassen vào tháng 10 năm 2015.)

Trình tự thời gian của hoạt động cắt phá bằng chân vịt trong phạm vi Cụm rạn san hô Thị Tứ, Biển Đông.

Các hình ảnh vệ tinh về một phần của Cụm rạn san hô Thị Tứ theo trình tự thời gian cho thấy hoạt động cắt phá bằng chân vịt vào năm 2013 và 2014, đỉnh điểm là hoạt động gây sẹo quy mô lớn xảy ra vào cuối năm 2015. Hình ảnh vệ tinh về một phần khác của Cụm rạn san hô Thị Tứ, ở cực đông, cho thấy một khu vực rạn san hô có sẹo với diện tích khoảng 1,36 km2 (336 mẫu Anh). Quy mô tàn phá rạn san hô này, nhân chéo với hơn hai tá rạn san hô đã bị cắt phá bởi chân vịt, cho thấy tổng số sẽ vượt xa diện tích rạn san hô gộp lại mà Trung Quốc đã chôn vùi tại các rạn san hô Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

Có thể nhìn thấy sự cắt phá rạn san hô trên quy mô lớn tại phía tây Cụm rạn san hô Thị Tứ. ngày 16 tháng 10 năm 2015. Các mô thức vòng cung đặc trưng là vết sẹo do thuyền cắt phá gây ra.

Cực đông của Cụm rạn san hô Thị Tứ, Biển Đông. Diện tích rạn san hô đã bị “cắt phá bằng chân vịt” (đường màu đỏ) tại riêng địa điểm này lên đến 1,36 km2 (336 mẫu Anh). ngày 16 tháng 4 năm 2014.

Một video đăng trên YouTube một năm trước khi có bài báo cáo trên BBC của Wingfield-Hayes, được cho là của Phillip Imperial và có nội dung cho thấy ngư dân Trung Quốc khai thác trái phép vỏ sò tai tượng ở Bãi cạn Scarborough, cung cấp thêm chi tiết gồm cảnh quay dưới nước cảnh một cánh chân vịt trên đáy rạn san hô và hình ảnh về động cơ có thể lật nghiêng để thay đổi độ sâu hiệu quả của chân vịt. Bãi cạn Scarborough, được Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để giật khỏi tay Philippines vào tháng 4 năm 2012, theo như hình ảnh vệ tinh là đã bị cắt phá nặng nề bởi chân vịt kể từ khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát.

Ảnh chụp màn hình từ video YouTube được cho là của Philip Imperial. Được tải lên ngày 12 tháng 12 năm 2014; không rõ ngày quay phim. Nội dung cho thấy những kẻ khai thác vỏ sò tai tượng trái phép người Trung Quốc ở Bãi cạn Scarborough (còn có tên là Panatag, Bajo de Masinloc, hay Huángyán 黄岩). Chú thích của Victor Robert Lee.

Trang web thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc có hàng tá trang dành riêng cho các sản phẩm từ vỏ sò tai tượng được sản xuất tại Đàm Môn, từ vòng tay và vòng cổ đến những cặp vỏ nguyên vẹn và những sản phẩm trạm khắc tinh xảo cỡ lớn, một vài trong số đó có giá lên đến 38.000 Nhân dân tệ (5.800 USD). Danh mục hàng hóa của Alibaba có 23 trang (mỗi trang có 78 mục) chứa các mục dành riêng cho các sản phẩm làm từ vỏ sò tai tượng được khai thác cụ thể từ Bãi cạn Scarborough (tiếng Trung là Huángyán 黄 岩). Trong danh sách hàng hóa của một công ty có bức ảnh bốn ngư dân Đàm Môn trên bến tàu và cạnh đó là một chồng vỏ sò tai tượng; bốn ngư dân này được ghi chú là đã trở về nhà an toàn sau khi bị chính quyền Philippines truy đuổi trong lúc khai thác ở Bãi cạn Scarborough, trước khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát khu vực này.

Hơn 100.000 người trên Đảo Hải Nam, Trung Quốc làm việc trong ngành buôn bán vỏ sò tai tượng bất hợp pháp, chạm khắc vỏ sò thành các sản phẩm điêu khắc và trang sức có giá trị cao. Ngư dân ở bức ảnh dưới bên trái được vinh danh bởi một công ty Trung Quốc chuyên về vỏ sò tai tượng đánh bắt từ Bãi cạn Scarborough, mục tiêu của chuyến đánh bắt trái phép mà ngư dân đã từ đó trở về Hải Nam. Ảnh chụp màn hình từ các trang Internet của Trung Quốc.

Khi được hỏi để viết bài này vào tháng 12 năm 2015, chủ một nhà máy sản xuất các mặt hàng thủ công từ sò tai tượng với 100 nhân công ở Đàm Môn chia sẻ rằng mức giá cho những vỏ sò có kiểu dáng đẹp có thể cao hơn nhiều so với những vỏ sò bán trên Alibaba. Trong khi một cặp vỏ sò hạng xoàng, chưa chạm khắc có thể được bán với giá 30.000 Nhân dân tệ (4.500 USD), thì một cặp lớn và đẹp xuất sắc có thể có giá gấp ba mươi lần số đó, ông cho hay.

Khoảng ba năm trước, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích phát triển ngành công nghiệp vỏ sò tai tượng của Đàm Môn, bất chấp tính bất hợp pháp, như một cách để thúc đẩy kinh tế của “Quận Tam Sa” mà Bắc Kinh mới thành lập — một hiện thân của vùng lãnh thổ tự xưng trên Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây hơn, chính quyền đã có những động thái không nhất quán về việc có cho phép khai thác sò tai tượng hay không. Dù vậy, lượng nguyên liệu thô trong kho của các công ty ở Đàm Môn vẫn còn rất nhiều để họ sử dụng.

Chủ một nhà máy ở Đàm Môn cho biết, giá đã bắt đầu tăng phi mã vào năm 2012, đạt đỉnh năm 2013 và nửa đầu năm 2014, và sau đó, giá đã giảm không dưới mười lần. “Tôi đang nói về việc chính phủ thẳng tay xử lý nạn tham nhũng,” ông nói. “Trước kia, một lần, người ta có thể mua cả vài sản phẩm từ vỏ sò tai tượng để làm quà biếu cho các quan chức chính quyền, nhưng bây giờ, ngay cả khi bạn mua thì cũng không ai dám nhận.”

Những hình ảnh mẫu về phía đông Bãi cạn Scarborough không cho thấy vết sẹo nào trên rạn san hô ngay sau khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bãi cạn này vào năm 2012. Tuy nhiên, vết sẹo hình vòng cung lớn đã xuất hiện rõ ràng vào tháng 11 năm 2015.

Là một địa điểm tiềm năng để thiết lập một căn cứ quân sự mới của Trung Quốc, vị trí Bãi cạn Scarborough, nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa và cách Trường Sa một khoảng cách lớn, sẽ mang lại lợi thế đặc biệt để kiểm soát các tuyến đường hàng hải, gây trở ngại cho các hoạt động quân sự của Mỹ và Philippines tại Căn cứ Subic (cách đó 260 km), và tạo điều kiện cho tàu ngầm Trung Quốc đi vào Thái Bình Dương qua Eo biển Luzon — một trong số ít các hành lang mà hải quân Trung Quốc có thể sử dụng. Bãi cạn Scarborough cũng có những lợi thế lý tưởng hơn hẳn các rạn san hô Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn; bãi cạn này có ít nhất năm dải thẳng của đỉnh rạn san hô tiếp giáp mà có thể dễ dàng đủ chỗ để xây đường băng dài 3.000 mét với những đường taxi chạy song song. Antonio Carpio, Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, người đề xuất các yêu sách lãnh thổ của đất nước ông theo Luật Biển, gần đây cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ sớm quân sự hóa Bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là Panatag hay Bajo de Masinloc).

Hoạt động cắt phá rạn san hô trên diện rộng để săn tìm vỏ sò tai tượng đang diễn ra khắp Rạn san hô Cuarteron khi một tàu cắt, hút và nạo vét đang ở giai đoạn bồi đắp ban đầu. Có thể nhìn thấy tổng số 89 thuyền cắt phá trên rạn san hô. ngày 8 tháng 3 năm 2014.

Có nhiều bằng chứng cho thấy hải quân và tuần duyên Trung Quốc biết về hoạt động cắt phá các rạn san hô của ngư dân Đàm Môn, nhưng lại làm ngơ hoặc bỏ qua cho hành động này. Những vết sẹo ở khắp các rạn san hô từ hoạt động cắt phá bằng chân vịt có thể nhìn thấy trên các ảnh vệ tinh chụp các rạn san hô Đá Ga Ven (Gaven), Hughes, Đá Châu Viên (Cuarteron) và Đá Gạc Ma (Johnson South) và tất cả trong số này đều có căn cứ quân sự Trung Quốc tồn tại từ lâu. Những căn cứ đó đã được mở rộng triệt để bằng hoạt động bồi đắp sử dụng đất nạo vét lên trong vòng hai năm qua, nhưng việc nạo vét, bằng tàu lớn ở vùng nước sâu hơn, tách biệt với hoạt động cắt phá rạn san hô của ngư dân ở những vùng nước nông trên toàn bộ những rạn san hô này, lan rộng vượt xa các khu vực bồi đắp.

Việc cắt phá rạn san hô đang diễn ra gần rạn san hô Đá Chữ Thập cho thấy chính quyền Trung Quốc biết về hoạt động khai thác sò tai tượng. ngày 23 tháng 11 năm 2014.

Trong khi đó, tại Bãi cạn Scarborough, kể từ năm 2012, các tàu Tuần duyên của Trung Quốc đã kiểm soát mọi lối vào và bảo vệ hiệu quả cho ngư dân Đàm Môn khi họ cắt phá những rạn san hô ở đó để đánh bắt sò tai tượng. Vào tháng 3 năm 2014, các nhà báo của tờ Philippine Daily Inquirer đã bay qua Bãi cạn Scarborough và báo cáo rằng hoạt động khai thác sò tai tượng đang diễn ra trong khi ba tàu Tuần duyên của Trung Quốc thả neo gần đó. Bộ ngoại giao Philippines đã gửi các công hàm phản đối về những sự kiện tương tự năm 2015.

Tất nhiên, không chỉ có mỗi ngư dân Trung Quốc thực hiện hoạt động đánh bắt cá trái phép, ngư dân đến từ các quốc gia khác trong khu vực cũng tham gia hành vi này. Ví dụ: có rất nhiều ngư dân Việt Nam và Philippines đã bị bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép và sử dụng các phương pháp có tính hủy diệt như đánh cá bằng thuốc nổ, nhưng cho đến nay chưa có hình ảnh nào cho thấy ngư dân Việt Nam hoặc Philippines dính líu đến việc sử dụng kỹ thuật cắt phá bằng chân vịt mà ngư dân Đàm Môn đã áp dụng trên diện rộng. Một vài nhóm ngư dân Việt Nam đã bị bắt giữ vào năm 2014 vì có hành vi đánh bắt sò tai tượng bất hợp pháp trên vùng lãnh hải của Úc và Malaysia, nhưng các báo cáo tin tức cho biết nhóm ngư dân này chỉ kéo sò tai tượng khỏi đáy biển chứ không phối hợp cắt phá san hô. Tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực chính quyền Việt Nam nắm quyền kiểm soát không cho thấy hoạt động cắt phá san hô bằng chân vịt.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm ngư dân Đàm Môn và các thành viên dân quân tự vệ biển với các thành viên là ngư dân Đàm Môn trên Đảo Hải Nam vào tháng 4 năm 2013. Ảnh chụp màn hình từ CCTV và Tân Hoa Xã.

Vào tháng 4 năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã có chuyến thăm đến cảng Đàm Môn thu hút sự chú ý. Chuyến thăm này được nhiều người coi là tín hiệu cảnh báo cho các nước khác về yêu sách lãnh thổ mạnh mẽ của Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post) báo cáo rằng tàu đánh cá Qiong-Qionghai 09045 dài 30 mét mà ông Tập từng bước chân lên ở Đàm Môn đã bị chặn lại vì có hành vi khai thác bất hợp pháp tại Palau vào năm 2012, dẫn đến 25 ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ và một người bị cảnh sát Palau bắn chết. Các báo cáo tin tức tại thời điểm đó loan tin rằng các ngư dân này được cho là đang có hành vi đánh bắt sò tai tượng trái phép. Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với ngư dân trong chuyến thăm tàu 09045 “Đảng [Cộng sản] và chính phủ của chúng ta sẽ nỗ lực hơn nữa để chăm lo cho bà con …” Vào cùng ngày, ông Tập phát biểu trước đội dân quân tự vệ biển với các thành viên là ngư dân Đàm Môn, thúc giục họ “tích cực ủng hộ công cuộc xây dựng trên các rạn san hô” ở Biển Đông. Đền đáp lại cho sự ủng hộ của họ khả năng sẽ là đặc quyền được phép khai thác vỏ sò tai tượng quý giá.

Chính phủ, quân đội Trung Quốc và ngư dân Đàm Môn đã đồng lõa trong hoạt động phá hủy các khu vực rạn san hô rộng lớn gần đây để săn tìm vỏ sò tai tượng. Với tất cả những phát biểu của ông Tập về “Giấc mộng Trung Hoa”, thì cho đến nay, di sản bền vững rõ ràng duy nhất của ông Tập chính là sự tàn phá nặng nề môi trường của Biển Đông.

Đây là bản mở rộng của bài báo được xuất bản lần đầu tiên trên Tạp chí The Diplomat vào ngày 15 tháng 1 năm 2016.

Victor Robert Lee báo cáo từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và là tác giả của cuốn tiểu thuyết tình báo Performance Anomalies, lấy bối cảnh tại châu Á. Những bài viết dựa trên thực tế của ông về Biển Đông, Biển Hoa Đông, Trung Quốc, Indonesia và các vùng lãnh thổ châu Á khác có thể tìm thấy trên Tạp chí The Diplomat và các nguồn khác.

--

--