“Chàng thanh niên” trong mỗi chúng ta

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
7 min readJul 4, 2021

Japanese Title: 嫌われる勇気 (Kirawareru Yuuki)

English Title: The Courage to Be Disliked

Published: 2013

__________

Japanese Title: 幸せになる勇気 (Shiawase ni naru Yuuki)

English Title: The Courage to Be Happy

Published: 2016

*Mild Spoiler*

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng gặp gỡ, và thậm chí từng là “chàng thanh niên”. Anh chàng là người luôn nhìn cuộc đời thật tăm tối, luôn nghi kị, sợ hãi mọi thứ. Anh luôn né tránh không để bất cứ ai lại gần mình. Anh khoác trên vai tấm khiên chắn được trang bị bởi: khuyết điểm bẩm sinh không thể sửa đổi, trải nghiệm đau thương không ai sánh bằng và những minh chứng đầy uy tín về sự bất công của cuộc sống.

Thật ra anh chàng không nhất thiết phải là người có nhiều trải nghiệm bi thương, anh chỉ đơn giản là người sợ bị tổn thương và mất mặt. Sống với tâm lý ấy anh không khỏi thấy mọi thứ xung quanh đều mang mầm mống hiểm hoạ, ai ai cũng chực chờ lợi dụng và hãm hại anh. Một trải nghiệm xấu đủ để anh phủ nhận mọi điều tốt đẹp của cuộc sống.

Và thật ra “chàng thanh niên” không phải là người xấu tính. Anh không nỡ làm những việc trái với lương tâm nhưng lại tin rằng tư lợi cá nhân và ăn trên ngồi trốc mới giúp anh có được cuộc sống tốt đẹp. Vì vậy, anh luôn phải chạy đua với người đời. Anh so đo, tính toán và làm mọi cách để thắng cuộc cho dù phải đánh đổi nhiều thứ giá trị hơn tiền tài và danh vọng.

“Chàng thanh niên” cũng có thể là người rất nhiệt huyết. Biểu hiện thờ ơ khi làm việc khiến nhiều người đánh giá anh lười biếng và không có chí tiến thủ. Nhưng đâu ai hay trong lòng anh chứa đựng vô vàn ý tưởng và sự quyết tâm. Nguyên nhân sâu xa khiến anh phải giấu mình sau thái độ bất cần là vì anh sợ thất bại. Sự mất mặt và chế nhạo của mọi người xung quanh khiến anh từ bỏ ngay cả khi hình ảnh ấy còn chưa có dịp xuất hiện.

Vì không hiện thực hoá ước mơ, điều duy nhất anh có thể làm là…mơ để giấc mộng ấy ngày một rõ nét trong tâm tưởng. Kì vọng cao chót vót này làm anh đánh giá sai năng lực của bản thân. Quá thấp hay quá cao đều khiến anh dừng bước ngay từ vạch xuất phát, vì anh cho rằng bản thân quá kém cỏi hoặc quá giỏi giang để bắt tay vào làm việc. Cứ thế, ngày qua ngày anh sống bất đắc chí, đè nặng bởi ước vọng ngoài tầm với.

Thêm vào đó, có thể khác xa với những nhận xét anh là kẻ ích kỉ, “chàng thanh niên” là người rất giàu tình cảm. Nhưng vì sinh trưởng trong môi trường thiếu thốn tình thương, anh luôn cảm thấy mình không được trân trọng và cần phải nỗ lực mới có được sự yêu quý của mọi người. Không nhất thiết phải bị bỏ rơi, lợi dụng và ngược đãi mới nảy sinh trong lòng đứa trẻ ham muốn được công nhận và yêu thích. Với những đứa trẻ nhạy cảm thì một lần khước từ cũng đủ khiến chúng buồn phiền. Không ai phủ nhận những trải nghiệm đau lòng, dù chỉ một hay nhiều hay ở bất cứ mức độ nào, chúng cũng là những vết thương lòng khó xoá. Nhưng đó phải là cái cớ để đóng cửa trái tim và trở nên hẹp hòi. Sâu trong tâm khảm, cho dù găng gổ đến mấy, “chàng thanh niên” biết rằng không ai mong muốn được thấu hiểu và gắn bó bằng anh. Dẫu vậy, vì lo sợ bị tổn thương, anh thà từ chối, vứt bỏ thậm chí khinh rẻ những mối quan hệ có thể gắn bó lâu dài để bảo vệ cái tôi mỏng manh.

Dễ thấy rằng định mệnh của “chàng thanh niên” đã an bài anh với bất hạnh. Anh không khác gì Sisyphus đẩy đá lên đỉnh núi. Mặc cho bao nỗ lực tảng đá rồi cũng lăn xuống. Nhưng suy cho cùng, bản chất của cuộc sống chẳng phải chính là việc đẩy đá? Chúng ta sống, làm việc, ăn uống, vui vẻ, buồn bã, ngủ nghỉ, và cứ thế lập đi lập lại cho đến ngày lìa đời. Như Camus từng nói: “One must imagine Sisyphus happy.” Chúng ta phải mường tượng Sisyphus hạnh phúc với việc đẩy đá cũng như cách chúng ta vui sướng khi được ăn ngon mặc ấm hay khi đạt được thành quả. Chúng ta cần phải giữ thái độ ấy ngay cả khi thất bại, đau lòng, bệnh tật và đối diện với cái chết vì tất cả đều là một phần không thể thiếu của quá trình “đẩy đá”.

Có lẽ xã hội đã đánh giá quá cao tầm quan trọng của việc thành công, được yêu thích và hạnh phúc mà bỏ quên những giá trị thực sự đem đến sự thoả mãn cho con người. Không phải sự thành công mà là cơ hội được cống hiến, không phải tiền bạc mà là sự đủ đầy, không phải được yêu thích mà là được tự do yêu và được yêu bởi những người ta trân trọng.

“Chàng thanh niên” đại diện cho những cá nhân túng quẫn, bị mắc kẹt giữa ý muốn cá nhân và chuẩn mực cứng nhắc mà xã hội đề ra cho một cuộc sống trọn vẹn. Tất cả những vướng mắc của anh đều xuất phát từ nỗi sợ. Anh không dám đi ngược lại với số đông để tiến tới thứ anh cho là hạnh phúc. Người nhận ra và giúp anh cởi bỏ được nút thắt ấy chính là “triết gia”.

Qua năm đêm trò chuyện, ông đã làm sáng tỏ bản chất của sang chấn tâm lý và mối quan hệ giữa người với người. Mặc dù “chàng thanh niên” phản đối gay gắt những điều ông nói, song anh không phủ nhận sức mạnh của chúng và dần bị thuyết phục. Anh đã thay đổi và trở thành một con người mạnh mẽ, tích cực hơn.

Nhưng chỉ dũng cảm bước lên phía trước thì hạnh phúc sẽ nằm trong tầm tay? Sự dũng cảm chỉ là một cú hích để chàng trai bắt đầu cuộc hành trình. Để bước đi một cách vững chãi cần sự thông tuệ và thái độ bình tĩnh. Trong ba năm kể từ lần đầu gặp gỡ “triết gia”, “chàng thanh niên” một lần nữa rơi vào tuyệt vọng. Anh quyết tâm trở lại chất vấn ông. Vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, “triết gia” chia sẻ với anh về tinh thần trách nhiệm, cảm thức cộng đồng, hình thức “thưởng phạt” trong giáo dục và tình yêu.

Vẫn giữ thái độ thù địch, “chàng thanh niên” liên tục phản bác “triết gia” bằng lý lẽ của người thất bại khi áp dụng triết lý sống mà anh học được từ ông. Nhưng càng về sau, như một môn đệ thiếu kinh nghiệm và sự uyển chuyển khi áp dụng lời răn của sư phụ, “chàng thanh niên” phải thừa nhận những thiếu sót trong hiểu biết của anh. Trời sáng cũng là lúc chàng trai trẻ tiến lên một tầm nhận thức mới và lần này, có lẽ là lần cuối, anh giã từ “triết gia” để bước tiếp hành trình của mình.

Mình không phủ nhận năng lực vực dậy ý chí phấn đấu mà bộ sách “súp gà cho tâm hồn” có thể đem lại. Nhưng mình cho rằng, một phần nào đó, chúng chứa đựng những triết lý tích cực độc hại (toxic positivity). So với những sách self-help dạng ấy, thì bộ đôi Dám bị ghét và Dám hạnh phúc chứa đựng giá trị triết học và tâm lý học cao hơn.

Cả hai cuốn đều được viết dưới hình thức đối thoại Socrate (Socratic dialogue) giữa chàng thanh niên và triết gia. Đây là nơi mà tâm lý học Adler và chủ nghĩa khắc kỷ gặp gỡ. Khối lượng kiến thức mà cả hai cung cấp cho người đọc, từ thực tiễn đến các học thuyết, khá dày đặc. Tuy nhiên, do triết gia là người tiếp nhận thuần tuý học thuyết của Adler nên ông có phần bác bỏ Phân tâm học của Freud. Mình cho rằng mọi học thuyết đều giống như những ngón tay cùng chỉ về một hướng. Không cái nào là tuyệt đối đúng cũng như tuyệt đối sai, chỉ là sâu hay nông. Quá nghiêng về một học thuyết hay một hệ tư tưởng đều có thể dẫn đến sai lệch (tuy nhiên, nghịch lý là nếu luôn giữ lập trường trung gian, chúng ta không thật sự hiểu sâu về thứ gì). Về phần chàng thành niên, thái độ dằn dỗi và lời lẽ thiếu kiềm chế của anh dễ gây khó chịu cho người đọc, nhưng có lẽ đây là chủ ý của tác giả nhằm khiêu khích những ai có cùng thái độ với chàng trai.

Giữa hai cuốn, mình đánh giá cao Dám hạnh phúc hơn vì cuộc đàm luận đi sâu vào chủ đề giáo dục và những vấn đề không phải của riêng xã hội Nhật trong giảng dạy học sinh độ tuổi mới lớn. Đặc biệt hơn cả là những phân tích của triết gia về…tình yêu. Có lẽ đây là phần ấn tượng và đáng học hỏi nhất của bộ sách vì chúng đi ngược lại với những lý lẽ thông thường. Dưới đây là một đoạn trích mình khá tâm đắc. Mong rằng một phần nào đó sẽ giúp cho bạn đọc quan tâm đến bộ sách.

Triết gia: Tự lập không phải vấn đề về kinh tế cũng không phải vấn đề về công việc. Mà là vấn đề về lối sống, thái độ đối với cuộc đời… Có lẽ trong tương lai cậu sẽ có quyết tâm yêu ai đó. Đó là khi cậu quyết định chia tay với lối sống thời nhỏ, đạt được sự tự lập thật sự. Bởi vì chúng ta trở thành người lớn nhờ yêu thương người khác.

Chàng thanh niên: Trở thành người lớn nhờ yêu ai đó…?!

Triết gia: Vâng. Tình yêu là tự lập. Là trở thành người lớn. Chính vì thế, yêu mới khó.

--

--