Chuyện đi dạy

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
5 min readOct 16, 2020

Kì 1:“Em nhỏ à, đi dép vào!”

Ngày ấy, khi còn chân ướt chân ráo chưa vào nghề, đi lăng xăng đủ nơi làm trợ giảng theo giờ, mình từng gặp 1 em nhỏ khá…kì lạ.

Thú thật là mình không hợp với trẻ con vì mình thích sự yên tĩnh. Trẻ con khóc được mình viết bằng mực đỏ trong danh sách những thứ cần tránh xa. Ấy vậy mà em gái này lại kích thích trí tò mò của mình, khiến mình phải chú ý đến em xuyên suốt cả buổi học. Em có thói quen đeo dép vào tay còn chân thì đi đất. Cô giáo chủ nhiệm có trao đổi với mình rằng nên lưu tâm đến em hơn. Cô và các bạn trợ giảng trước từng gặp khó khăn khuyên bảo em bỏ thói quen khác người ấy. Em khá cứng đầu và có xu hướng bạo lực nếu giằng dép khỏi tay em.

Điều này làm mình nhớ đến 1 bài nghiên cứu mình từng đọc của Sperling (1963), một số trẻ em có xu hướng muốn sở hữu ái vật (fetish). Đừng nghĩ điều này có gì xấu xa, đơn giản là khi ở trong 1 môi trường lạ, hoàn cảnh không thoải mái hay khi phải ở 1 mình, trẻ em (thậm chí cả người lớn) luôn tìm kiếm sự hiện diện của 1 thứ thân quen.

Mình nhớ ngày xưa mình từng có 1 em gấu bông nhỏ tên Misa. Mình chơi đồ hàng, chăm bẵm và hay đặt em gấu trên đầu khi đi ngủ để có cảm giác em đang canh chừng giấc ngủ cho mình. Với mình là gấu Misa còn em gái này thì là dép. Nếu có ai đó giành mất Misa chắc mình cũng nhảy bổ lên và táp vào mặt người đó. Nhưng liệu em có giống mình?

Lúc chuông điểm giờ ra chơi, mình thấy em ngồi 1 mình, khua khua 2 chiếc dép trên tay. Mình bỗng thấy cuộc đời thật nhiều bài học đắng cay. Ở tuổi nhỏ như vậy em đã phải làm quen với sự cô độc. Không biết trong lòng em cảm thấy thế nào?

Mình lân la lại làm quen. Ban đầu mình hỏi thăm em rồi ô a về thời tiết và buổi học. Em không tránh né nhưng cũng chẳng nhìn mình lấy 1 lần. Được vài phút mình bạo dạn hỏi em về chiếc dép.

“Đôi dép xinh ghê ha”

“…Dạ”

“Em có nó lâu chưa?”

“…Chưa”,

“Ai mua cho em vậy?”

“Mẹ em”

Đến đây, mình đã mường tượng ra 1 câu chuyện drama theo motif các phim truyền hình hay anime đằng sau câu trả lời ấy. Liệu mình có cơ hội được làm nhân vật phụ giúp gỡ rối tơ lòng cho nhân vật chính hay không?

“Em thích dép này lắm phải không?”

“…Không” (mình đã khá trớt quẻ)

“Ủa sao vậy? Không thích sao em cầm hoài?”

“Đồ em, em cầm”

“Đồ em vậy sao em không thích?”

“…Vì không phải em mua”, em quay qua nhìn mình rồi nhanh chóng hướng ánh nhìn ấy về lại đôi dép.

“Vậy sao em không nói mẹ mua cho đôi em thích?”

“Mắc tiền lắm”, em lắc đầu ngoầy nguậy.

“Lâu lâu mới được 1 đôi, em nói mẹ mua là cái chắc!”

“Mẹ không mua đâu”, em nhìn tôi thành khẩn

“Sao vậy?”

“Đi đường mất hoài, mẹ mua dép dỏm cho đỡ mất tiền…”

“Ui chời, sao làm mất vậy?”

“Ngồi trên xe đi hay rớt”

“À, vậy nên em cầm trên tay cho khỏi rớt hả?”

…Em không nói gì tiếp tục nhìn ngắm đôi dép.

Vậy đối với em đôi dép không phải vật ái kỉ. Điều thôi thúc em giữ thói quen kì lạ ấy thực chất là hình ảnh giận dữ của người mẹ. Khi trưởng thành, chúng ta thường quên rằng ngày bé chỉ vì 1 câu nói mà ta có thể bị ám ảnh và buồn bực cả 1 thời gian dài. Nếu vượt qua được, ta sẽ mạnh mẽ hơn nhưng nếu không, ta sẽ phải mang theo vết thương ấy cả đời. Nó có thể không còn rỉ máu nhưng sự hiện diện của nó ngày 1 lớn dần trong tiềm thức.

“Không biết em sao chứ chị cầm đồ trên tay chị hay làm rớt lắm. Mà cầm dép thế này khó lấy đồ em ha. Giờ 2 tay 2 dép muốn lấy đồ cũng cực. Để chị thử giống em coi”

Rồi mình gỡ đôi giày xăng đan, mỗi chiếc một tay và dùng ngón chân với tới cây bút đặt trên chiếc bàn thấp 1 cách khổ sở dưới sự quan sát hiếu kì của em. Chắc lúc ấy em đang băn khoăn tại sao có 1 bà chị khùng thế này?

Mình không với được cây bút mà còn té khỏi ghế, may thay ghế dạng thấp cách sàn 1 khoảng khá ít, nên bàn toạ chỉ đập 1 cái bịch nhẹ nhàng. Mình phá ra cười vì sự ngớ ngẩn của bản thân. Em cũng theo điệu cười ấy mà khúc khích.

Sau khi ngồi lại chỉnh tề, đeo giày đàng hoàng mình bèn dặn dò em.

“Ey cha, khổ quá. Mà chị thấy giày dép đeo chân chắc chắn hơn. Đã thế còn sạch chân. Chị hay sợ dẫm phải miếng singum nhớp nhớp dính dính. Nói thôi mà giờ chị còn nổi da gà”

“Em cũng vậy”, rồi em cười vui vẻ như thể trước đó giữa mình và em chưa từng có bất kì bức tường ngăn cách nào…

Giờ ra chơi đã hết, tiết học lại tiếp tục rồi thời gian trôi qua, đồng hồ điểm giờ kết thúc. Cả lớp dọn dẹp và chuẩn bị xếp hàng. Chỉnh đốn các em khác xong, mình tiến lại gần chỗ em và bằng 1 giọng thân thiện nói rằng: “Em nhỏ à, đi dép vào!”

Mình đã đánh cược vào câu nói ấy. Vì nếu đời giống như mấy phim truyền hình dài tập, em sẽ nghe lời, đeo dép vào chân và đi về trong sự vui vẻ của thầy cô bạn bè. Nhưng mình đã luôn bị ám thị bởi phim anti-hero. Khả năng cao là em sẽ quay sang lè lưỡi trêu đùa và khua khua đôi dép trên tay rồi bỏ về... Mình cũng đã quá ngán ngẩm những motif sến sẩm, bác ái thừa thãi để tin rằng mình có thể thay đổi được quan điểm của 1 ai khác.

…Ấy vậy mà có lẽ phim truyền hình không gian dối như mình nghĩ, em đeo dép vào chân rồi chạy về phía cửa. Em không chào mình lấy 1 tiếng nhưng chí ít điều mình nói có tác động chút ít tới em. Mình chỉ trợ giảng lớp này 1 buổi, cuối buổi ấy có 1 em chịu nghe lời mình…vậy là cũng được coi là thành công rồi nhỉ!?

Reference:

Melitta Sperling (1963) Fetishism in Children, The Psychoanalytic Quarterly, 32:3, 374–392, DOI: 10.1080/21674086.1963.11926287

--

--