Dream a little dream

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
8 min readDec 8, 2020

Japanese title: 夢 (Yume)

English title: Dream

Length: 1h 59min

Genre: Drama, Fantasy

Do 1 số từ vựng tiếng Việt không miêu tả toàn vẹn ý mà mình muốn truyền đạt, mình xin phép giữ nguyên từ vựng tiếng Anh trong ngoặc.

Nguồn: Google

Bài đọc Tuần 6 Ngày 7 của cuốn Soumatome N3 có viết rằng:

レム睡眠のときにはいつでも夢と見ていますが、その夢を覚えているのは、夢をみた後約八分だけだそうです。

Tức trong trạng thái Ngủ REM, não bộ của chúng ta sẽ sản sinh ra giấc mơ. Tuy vậy, chúng ta chỉ lưu giữ khoảng 8 phút kí ức về giấc mơ trước khi tỉnh dậy hoặc chìm sâu hơn vào giấc ngủ. Chỉ vỏn vẹn 8 phút nhưng đã có bao nhiêu tác phẩm tuyệt vời được sinh ra. Bộ phim (Yume) — Dreams của Kurosawa Akira là một trong số ấy.

Dreams bao gồm 8 phim ngắn riêng lẻ được sắp xếp theo thứ tự trưởng thành của nhân vật chính. Từ cậu bé lẫm chẫm dám xem trộm đám cưới của cáo trong Sunshine Through The Rain’, đến cậu thiếu niên được chiêm ngưỡng vũ điệu cây anh đào; rồi nhà thám hiểm trong cơn bão tuyết, chàng hoạ sĩ trong thế giới màu nhiệm của Van Gogh, tất cả đều phải trải qua vô số thử thách trước khi dừng chân tại ‘Village of the Watermills’ để tham dự một đám ma tưng bừng náo nhiệt, trái ngược hẳn với không khí u ám của buổi lễ rước dâu mở đầu bộ phim.

Nguồn: Google

Để đạt được độ tương đồng với những giấc mơ của mình, Kurosawa đã rất hào phóng trong cách ông sử dụng màu sắc và setting để tạo không khí cho người xem. Không chỉ về mặt hình ảnh, lời thoại và hành động của các nhân vật đều cực đoan và thái quá đến mức phi logic khiến người xem cảm tưởng như đang trải nghiệm một giấc mơ dài và vô cùng tráng lệ.

Bộ phim đầu tiên mình từng xem của Kurosawa là Ran (1985). Khi xem phim, mình hiểu tại sao tác phẩm của Kurosawa là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim phương Tây. So với các đạo diễn Nhật Bản và kể cả Châu Á lúc bấy giờ, phim của ông chứa đựng “độ hoành tráng” rất hiện đại và mới mẻ. Kịch bản, setting, cinematography và cả nhạc nền đều mang khí chất hào hùng. Những thứ nhỏ bé và đầm ấm mà điện ảnh Nhật đang khai thác lúc bấy giờ không đủ để thoả mãn một tâm hồn lớn lao. Việc ông hướng ra thế giới để tìm tòi nguyên liệu điện ảnh là điều dễ hiểu. Tuy vậy, ông vẫn trung thành với xuất thân Á Đông của mình. Điều này thể hiện rõ qua phong cách diễn xuất sân khấu truyền thống của Nhật và mẫu anh hùng đậm chất Samurai trong phim của ông. Có lẽ nguyên nhân là vì cha của Kurosawa xuất thân trong một gia đình có tiền sử Samurai. Vì vậy, các nhân vật dù không vắt kiếm ngang eo vẫn luôn sở hữu khí chất 武士道 (Bushidō, nghĩa là Võ sĩ đạo).

Kurosawa được đoàn làm phim “ưu ái” tặng cho biệt danh là 天皇 (Tenno, nghĩa là Hoàng đế) ám chỉ cho phong cách đạo diễn độc tài của ông. Nhìn vào setting vuông vắn và liền lạc thì thật dễ hiểu tại sao ông có cái tên ấy. Trong tất cả các phim mình từng xem, hiếm khi nào mình tìm thấy “sạn” trong khung hình. Mọi thứ đều rất chỉn chu. Để đạt được độ “tinh tươm” ấy, chắc hẳn đoàn làm phim phải rất… mệt với ông.

Ran (1985)

Giấc mơ thứ 5 ‘Crows’ kể về một nhà hoạ sĩ trẻ tình cờ được gặp gỡ Van Gogh và tham quan thế giới tranh vẽ của ông. Thời bấy giờ CGI còn thô sơ chủ yếu nhờ vào phối cảnh và dựng setting, tuy vậy phim vẫn tạo được cảm giác chân thật, như thể nhân vật đang thật sự bước đi trên khung tranh.

Ngày xưa khi tập tành vẽ Manga, mình sợ nhất là phối cảnh. Tập 8 của bộ Anime 月刊少女野崎くん (Gekkan Shōjo Nozaki-kun) miêu tả đúng tâm trạng và khó khăn khi phải vẽ cảnh nền phù hợp với nhân vật chính đã được phác hoạ trước đó. Vậy ngược lại, dựa vào tranh nền rồi phối cảnh và setting sao cho nhân vật chính như thuộc về bức tranh thì sao? Mình nghĩ để đạt được hiệu ứng ấy, đoàn làm phim phải đổ rất nhiều công sức và sản phẩm làm ra vô cùng xứng đáng với công sức ấy.

Kurosawa-san bắt đầu làm phim vào thời đại “trắng đen”. Những bộ phim thời kì này, ông chú trọng nhiều vào kịch bản, lời thoại, diễn xuất để thông qua đó thể hiện phong cách nghệ thuật của mình. Cũng trong thời gian này, ông đặc biệt hợp tác với Mifune Toshiro — một nhân tài diễn xuất, khiến người xem chú ý nhiều hơn vào câu chuyện.

Sau này, thời đại phim màu lên ngôi, Kurosawa bắt đầu cho ra các sản phẩm có tính thẩm mĩ cao với lối chơi màu đặc biệt… “extravagant”. Về điểm này, ông học hỏi được từ Van Gogh. Cả hai đều chuộng sử dụng màu sắc đậm đặc có độ tương phản cao. Những màu ông bỏ chung trong một khung hình trên thực tế… đánh nhau chan chát. Tuy vậy, cinematography của Kurosawa-san luôn hài hoà về gam màu nhờ vào màu nền trung tính, tone và shade của các màu dù tương phản nhưng không bao giờ lạc quẻ.

Màu sắc Kurosawa sử dụng rất đa dạng. Riêng chỉ với Dreams, mình đã được chiêm ngưỡng vô số bảng màu và cách phối khác nhau. Ông có thể rất tối giản: tone on tone gu màu đất (muddy tone), tương tự như các tác phẩm đời đầu của Van Gogh…

… đồng thời cũng rất phóng khoáng và rực rỡ.

Được biết trước khi dấn thân vào làm đạo diễn, Kurosawa từng có một khoảng thời gian làm hoạ sĩ. Các tác phẩm của ông có được sự chỉn chu, ngăn nắp cao độ đều nhờ vào óc kế hoạch và hàng loạt drawing board chi tiết và đầy màu sắc. Chúng ta thường tưởng tượng các nhà làm nghệ thuật bay bổng và khoáng đạt. Cảm hứng đến và đi với họ như những cơn gió. Nhưng với một người đã đạo diễn 30 bộ phim trong sự nghiệp kéo dài 57 năm, Kurosawa không thể nào đợi chờ cảm hứng mà ông chủ động tiếp cận với nghệ thuật một cách tỉ mỉ và có kế hoạch. Gần như không khung hình nào đi ngoài tưởng tượng của ông.

Mìng từng đọc rằng bán cầu não trái và phải của con người thực hiện các chức năng khác nhau. Não trái phụ trách các con số, từ ngữ và logic, còn não phải quản lý hình ảnh, màu sắc và tính sáng tạo. Người có tính kế hoạch cao thường thiên về não trái. Những người này thường thích sự rạch ròi vì vậy mà họ bị hấp dẫn bởi các đường thẳng. Bố cục vuông vắn và chính diện kèm theo phong cách làm việc của Kurosawa khiến mình tin ông là người thiên hướng não trái. Tuy vậy, lối chơi màu và khả năng sáng tạo không ngừng của ông cũng cho thấy ông thuộc thiên hướng còn lại. Ta thấy rằng để cho ra được một bộ phim hoàn mỹ, cả một bộ óc phải đi vào vận hành.

Mình rất tin tưởng vào chất lượng phim của Kurosawa, không phải vì ông là nhà làm phim được người người tán dương mà vì ông là một người rất tâm huyết. Ông đặt cả trái tim và tâm trí vào thành phẩm của mình. Với bản tính khắt khe và cầu toàn, ông không cho phép bản thân chểnh mảng và lơ là trong quá trình sáng tạo. Điều này chính là lý dó vì sao kể từ khi ông bước chân vào làm đạo diễn cho đến ngày ông mất, Kurosawa vẫn không ngừng cho ra đời những bộ phim vô cùng chất lượng về mặt nội dung và hình ảnh.

Nguồn: Google

Nhìn chung, Dreams là một bộ phim đẹp tráng lệ như một giấc mơ. Mỗi phim lẻ đều mang một nét riêng nhưng khi ghép lại chúng vẫn tạo được một câu chuyện liền lạc và logic. So với các tác phẩm khác, đây có lẽ là bộ phim “nhẹ nhàng” nhất của Kurosawa. Nó không hàm chứa một thứ triết lý hay bi kịch thường thấy ở các bộ phim trước đây mà chỉ đơn giản phác hoạ nên những bức tranh thi vị đầy màu sắc.

Ngoài phát huy bản chất riêng, Kurosawa còn là một người ham học hỏi. Ta thấy rõ được sức ảnh hưởng lớn lao của Van Gogh lên các sản phẩm của ông, đặc biệt là trong Dreams. Có lẽ bộ phim này là món quà Kurosawa dành tặng cho bậc thầy ấy — một người mà giấc mơ cũng là nguồn cảm hứng vô cùng quan trọng.

Vincent Van Gogh (1853-1890)

I dream my painting and I paint my dream.

--

--