Good, Bad, Ugly, and Silent

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
19 min readJun 10, 2021

English title: 12 Angry Men

Released: 1957

Length: 1h36min

Genre: Crime, Drama

Good, Bad and Ugly are common values on the scale of morality. But there are those who cannot voice out their opinions despite the integrity of their hearts either because of their fears, lack of confidence, or the inability to see past popular judgment. They are “Silent”.

Mười hai người đàn ông giận dữ.

Giận dữ vì quan điểm về công lý của họ bị thách thức khi cùng nhau xét xử một vụ án.

Mười hai vị bồi thẩm viên khuyết danh này nắm trong tay sinh mạng của một cậu bé 18 tuổi — người bị tình nghi đã đâm chết bố ruột trong một căn hộ tồi tàn ở khu ổ chuột. Hung khí và các nhân chứng đều chỉ tội cậu bé. Tưởng chừng dễ dàng nhưng chỉ với một lá phiếu “vô tội” mọi tình tiết của vụ án đều bị đảo lộn. Khi nhân chứng và chứng cứ xuất hiện nhiều điểm đáng ngờ cũng là lúc quan điểm về công lý của từng nhân vật lộ diện.

Công lý là thứ loài người học được. Về bản chất, không phải người nào cũng tốt. Khi nắm giữ trong tay quyền lực để phán xét, ai sẽ đủ tường minh để suy xét mọi việc đến cùng? Ai sẽ dũng cảm để lãnh chịu hậu quả mà phán quyết của họ có thể đem đến?

Sử dụng quyền lực ấy như thế nào phản ánh bản chất thật của mỗi người. Khi quan sát 12 người đàn ông, mình đã phân chia họ theo 4 giá trị trên thước đo đạo đức. Thiện, Ác và Tà là 3 quan niệm phổ biến. Nhưng khi đứng trước những tình huống cam go, thật giả lẫn lộn, còn tồn tại một loại nữa. Không hoàn toàn Thiện nhưng chắc chắn không Ác, không Tà. Xuất phát từ ý tốt nhưng lại đầy hoài nghi và thiếu quyết đoán. Mình gọi đó là “im lặng”(silent). Một thước đo với hai cực là Thiện — Ác thì Im lặng và Tà đứng giữa, với Im lặng gần Thiện và Tà gần Ác.

Các bồi thẩm viên sẽ được gọi theo số thứ tự của họ

The Good (Thiện)

Lần bỏ phiếu đầu tiên, duy nhất một cánh tay “vô tội” đưa lên. Đó là Bồi thẩm viên Thứ 8. Ông yêu cầu phải truy vấn lại chứng cứ và lời khai. Tiếng phản đối lần lượt vang lên. Chỉ mười phút mà đã mấy người giận dữ…

Một giây để suy xét đáng giá hơn một đời ăn năn vì lỗi lầm. Nhưng có lẽ ít ai cảm nhận được sức nặng ấy. Vì nếu sai cũng chỉ là mạng sống của thằng bé khu ổ chuột. Sai thì cũng là lỗi của người khác: đội điều tra, luật sư, nhân chứng và các bồi thẩm viên khác.

Nếu 12 Angry Men (1957) là một bộ phim trào phúng, có lẽ nó đã xây dựng 12 người đàn ông bộp chộp đẩy người vô tội đến chỗ chết và nỗi ám ảnh họ phải trải qua khi hung thủ thật được tìm thấy. Nhưng bộ phim muốn ta tin rằng trong xã hội, dù có tàn tệ, vẫn luôn tồn tại cái tốt. Chỉ tiếc rằng nó thuộc phần thiểu số…

Cánh tay “vô tội” của Thứ 8 đại diện cho “cái thiện thuần tuý”.

“Cái thiện thuần tuý” không cực đoan và ngây ngô như nhiều người thường nghĩ. Nó không gắn liền với sự hồn nhiên của một đứa trẻ, hay ngược lại, với sự hà khắc của một vị thẩm phán. Nó đơn giản là động lực thôi thúc con người tìm ra chân tướng sự việc.

Không phải vì thương hại bị cáo mà Thứ 8 quyết đi ngược lại với số đông vì như vậy chính kiến của ông sẽ nhuốm màu cảm xúc cá nhân (như Thứ 5). Ông muốn tìm ra sự thật. Có nhiều nghi vấn trong lời khai của các nhân chứng. Bản thân hung khí gây án cũng không “độc nhất” như nhiều người cho rằng. Vả lại chẳng mất gì khi cùng nhau suy xét lại động cơ, xâu chuỗi lại các thông tin đã có để đưa ra quyết định. Dù ban đầu không ai đồng tình, ông vẫn quả quyết đấu tranh. Suy cho cùng, bị ghét, bị chửi, mất thời gian và công sức thật nhỏ nhoi so với một mạng người.

Thứ 8 nhận xét ngay từ đầu: “Không có gì là tuyệt đối”. Ông không để bất cứ thứ gì làm lu mờ nhận định của bản thân, không để bất cứ cảm xúc vị kỷ nào bẻ cong thước đo công lý của mình. “Cái thiện thuần tuý” là phải được thử qua lửa, phải đủ sáng suốt trong nhận định, đủ vững vàng đến không lung lạc và phải đủ mạnh mẽ để lan toả đến người khác.

Lá phiếu “vô tội” thứ 2 — Thứ 9 chọn tin vào niềm tin sắt son của Thứ 8. Mọi con sói đầu đàn đều cần người ủng hộ. Có lẽ ông già chỉ là chưa thấu tỏ chính kiến của mình cho đến khi Thứ 8 lên tiếng.

Sống đến từng tuổi này, Thứ 9 đã trải qua nhiều bài học về lòng người. Không phải ai cũng dũng cảm để tách mình khỏi số đông, thậm chí khiêu chiến với những nhận định bất di bất dịch. Sự cương quyết và chính trực của Thứ 8 xuất phát từ cái tâm hướng thiện — thứ mà Thứ 9 cũng muốn bảo vệ. Vì vậy ông vui lòng đứng cùng chiến tuyến với Thứ 8.

Khi xem đến phút thứ 30, mình nghĩ sẽ chọn Thứ 6 — một người đàn ông cương nghị luôn lắng nghe và bảo vệ quyền chia sẻ của mọi người trong danh sách Thiện, nhưng khi xét thứ tự bầu chọn “vô tội” và cuộc tranh cãi của nhân vật này với Thứ 7, mình thấy vị trị này xứng đáng với Thứ 11.

Cũng giống như Thứ 5, xuất thân của Thứ 11 không khiến nhiều người kính nể: Ông là dân nhập cư. Nhưng không vì vậy mà ông hổ thẹn, có xu hướng giấu giếm và phải kiềm nén bực tức như Thứ 5. Lời nói và hành xử của ông lịch sự và đứng đắn. Ông gần như không nổi nóng hay lớn tiếng với ai, nhưng khi cần ông quả quyết đến cùng. Vấn đề là trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, ông đã không nhìn ra được những khúc mắc trong lòng. Ông cần có người chỉ dẫn (Thứ 8) để những hoài nghi này thành hình.

Cả ba nhân vật này đứng ở cực Thiện không chỉ vì tấm lòng mà còn vì thái độ dám đấu tranh của họ. So với ba nhân vật tiếp theo, họ không dễ bị chi phối. Tâm Thiện mà không dám lên tiếng là một sự uổng phí, đặc biệt là trong những trường hợp như thế này.

Fun fact: Đây là 3 nhân vật duy nhất nhìn nhau cười cảm thông. Khi Thứ 9 và Thứ 11 đổi lá phiếu thành “vô tội”, Thứ 8 đã gật đầu nhìn hai người như những người bạn cùng chiến tuyến.

The Silent (Im lặng)

Người “Im lặng” có thể rất chính trực và kiên quyết; tốt bụng và biết nghĩ cho người khác. Nhưng khi đứng trước cuộc tranh luận, họ chọn đứng giữa, lặng lẽ quan sát sự việc vì chính kiến của họ là hoài nghi về cả cái xấu lẫn cái tốt. Đó là lý do cho tên gọi này.

Họ im lặng vì bên nào cũng có lý lẽ. Họ im lặng vì chính kiến non nớt của họ không đủ lấn át những điều xấu họ từng chứng kiến. Họ sợ chọn sai. Họ thiếu niềm tin và ý chí để lên tiếng.

“Im lặng” không phải là không có quan điểm, nhưng quan điểm của họ dễ bị chi phối bởi cái gọi là “đáng tin cậy”. Khác với Tà mang tính vị kỷ, luôn chọn ý kiến có lợi cho bản thân, “Im lặng” cần được chinh phục và thuyết phục bởi sự thật “hợp lý”. Nhưng sự thật mà chúng ta nhìn thấy có thể bị giả lập, bóp méo một cách dễ dàng nếu không ai chịu đào sâu tìm kiếm. Giả sử với vụ án này không có 2 luồng ý kiến trái chiều ngang tài ngang sức, có lẽ họ đã chọn theo ý kiến số đông và hại chết cậu bé vô tội.

Thứ 5 là người khiến mình băn khoăn rất nhiều vì ông đứng giữa lằn ranh rất mờ của Thiện và Im Lặng. Cuối cùng mình xếp ông vào danh sách này vì ngoài đời thực, khi phải đứng một mình, những người như Thứ 5 không hề có tiếng nói riêng. Cho dù tâm tính tốt, sự mặc cảm của ông sẽ vô tình hại nhiều người.

Thứ 5 có xuất thân tương tự với bị cáo. Ông biết điều này khiến nhiều người dè bỉu nên đã không trực tiếp nhắc đến. Nhưng khi Thứ 4 và Thứ 11 bàn luận về hoàn cảnh sống của bị cáo, kèm theo những lời nhận xét khiếm nhã và phiến diện, ông buộc phải lên tiếng với thái độ bực tức.

“Nhuốm mùi rác rưởi”, ông hiểu rằng định kiến của các bồi thẩm viên khác hoàn toàn không đúng. Sinh trưởng ở khu ổ chuột không có nghĩa con người trở nên vô lại, tàn bạo và ngu dốt. Lời miệt thị đến cậu bé trực tiếp công kích ông. Nhưng nếu không có sự công kích này hoặc nó được bọc trong lớp vỏ lịch thiệp nho nhã, liệu ông có lên tiếng?

Mặc dù là lá phiếu “vô tội” thứ 3 nhưng ông thiếu chắn chắn về bản thân và dễ bị kích động bởi người khác. Trong quá trình Thứ 8 trình bày lập luận, ông hỏi ý kiến người khác, quay sang Thứ 6 nói nhỏ ý kiến của mình. Khi quyết định đổi phiếu, điều đầu tiên ông làm là thách thức Thứ 3 vì đã có lời nặng nhẹ với ông trước đó.

Với những hành vi này, thật khó lòng tin được ông sẽ đấu tranh vì lẽ phải nếu đứng riêng lẻ một mình. Ông muốn giữ vị trí của người quan sát, đứng ngoài mọi sự việc để không rước thêm sự chú ý vào hoàn cảnh đầy tủi hổ của mình hơn.

Thứ 2 cũng tương tự, thậm chí còn hèn nhát và yếu thế hơn, như một đứa trẻ dễ bị bắt nạt. Mặc dù không bừa bãi như Thứ 7 và Thứ 12, ý kiến của ông bị đè bẹp dưới quyền uy của kẻ khác. Ông chia sẻ quan điểm nhưng không ai nghe. Các vị bồi thẩm viên này coi ông như con rối để phe cánh thêm mạnh. Nhưng là người hoà nhã, chỉ cần được “kẻ đứng đầu” coi trọng, ông sẽ đủ dũng khí mà bảo vệ ý kiến của mình. Mặc dù đổi lá phiếu sau Thứ 5 và Thứ 11, ông đã bị thuyết phục bởi Thứ 8 trước đó, khi ông đem viên ngậm ho cho Thứ 8. Từ đó ông không cho phép ai khoác vai, cười nhạo hay gọi ông “cá heo” nữa.

Bồi thẩm viên Thứ 6 là người tốt, tôn trọng người già và sẵn sàng dằn mặt những ai thiếu nghiêm túc. Ban đầu mình đã nghĩ sẽ chọn Thứ 6 cho danh sách Thiện, nhưng có nhiều chi tiết khiến mình tin nếu ở một trường hợp khác ông sẽ không cư xử được như vậy.

Thứ nhất, ông tự nhận mình thất nghiệp nên không phiền ở lại tranh luận. Thứ hai, khi nói chuyện với Thứ 8, ông nhận xét: “Giả sử anh ra sức thuyết phục được chúng tôi và thằng bé thực sự đã giết người thì sao hả?”. Và cuối cùng, xuyên suốt cuộc tranh luận, ông không đóng góp bất cứ một ý kiến nào mà đóng vai trị an.

Thứ 6 là người trung trực nhưng ông không đủ sắc sảo để nhìn xa hơn những gì trước mắt. Chính kiến của ông không có lý lẽ vững vàng mà dựa nhiều vào cảm tính. Vì vậy, ông không thuyết phục được người khác và cả bản thân tại sao ông lại có ý kiến như vậy.

Suy luận không mấy vững chắc của ông trong đời sống thực rất dễ bị thao túng bởi những ai biết cách. Với bản tính kiến định, ông chắc chắn không ngại đấu tranh đến cùng nhưng nếu đó là điều sai bọc trong cái vỏ Thiện thì thiệt hại ông gây ra có lẽ còn nhiều hơn là không làm gì.

Trong cuộc đấu trí vị công lý, ba nhân vật “nhẹ kí” này sẽ khó lòng giành chiến thắng vì họ thiếu tự tin, ý chí và lý lẽ để có thể bảo vệ cái tốt. Vị trí của họ giống như những người dân lương thiện, thầm quan sát và ủng hộ các vị anh hùng.

The Ugly (Tà)

Đặc điểm nổi bật của các nhân vật trong danh sách này là thước đo công lý của họ bất phân quy tắc. Họ không thuộc về bất cứ phe nào mà đứng riêng lẻ trên một hoang đảo, một mình một cõi, phán xét mọi thứ một cách chủ quan. Có lẽ sẽ dễ dàng để thấy Thứ 1 và Thứ 12 phù hợp với đặc điểm nhận dạng này và Thứ 4, dù rất khó để nhận biết, cũng không khác gì hai nhân vật trên.

Thứ 1Thứ 12 không có chính kiến giống những đứa trẻ đặt đâu ngồi đó, chỉ quan tâm đến chuyện của mình. Họ đợi các bên đấu đá với nhau, bên nào nhiều lập luận chặt chẽ hơn thì chọn bên ấy.

Chi tiết về quần áo của cả hai chỉ ra sự thiếu nghiêm túc của họ.

Thứ 1 không đóng bộ đàng hoàng. Ông mặc áo polo ngắn tay, nhưng vì giữ vị trí chủ tịch buổi tranh luận, ông thắt một chiếc cà vạt lạc quẻ để thêm phần long trọng. Thứ 12 khá đỏm dáng. Có lẽ làm trong ngành quảng cáo đã khiến ông ý thức hơn đến bề ngoài. Ông đóng vest chỉnh tề, thậm chí cài khuy tay áo và gấp khăn túi áo. Nhưng chiếc kính đen gọng to ông chọn lại quá khổ so với khuôn mặt. Ông hiếm khi đeo kính, đeo vào tháo ra liên tục giống như nó là thứ phụ kiện để mình thêm phần nghiêm túc.

Suốt quá trình tranh luận cả hai nhân vật này đều không nói gì. Thứ 1 dễ dàng né tránh trách nhiệm ấy vì đóng vai trò chủ tịch nhưng Thứ 12 thì không được. “Anh nghĩ thế nào?” Mồ hồi tuá ra, ông lúng túng quay đi: “Tôi không biết”. Thứ 12 phải đổi phiếu nhiều lần dưới sức của hai bên; phải tuyệt vọng thốt lên như muốn mọi người tha cho mình. Suy cho cùng, ông đến đây là để giới thiệu quảng cáo ông làm chứ không phải xét xử vụ án.

Thứ 1 cũng vậy. Ông ở đây cũng vì được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc họp. Vậy mà không ai trật tự theo ý ông, đứng cãi nhau loạn cả lên (Thứ 11 còn kêu ông trẻ con!). Ông dằn dỗi về chỗ ngồi, châm một điếu thuốc rồi nói trong miệng: “Mặc kệ các ông làm gì.”

Thứ 1Thứ 12 không hẳn là người xấu. Họ chỉ không quan tâm đến những chuyện ngoài vòng trọng trách của họ. Tà mang tính chất vị kỷ như vậy. Họ thích đánh bóng bản thân hơn là lo lắng cho thế sự ngoài kia. Tuy nhiên, trong danh sách này, có một biến số. Đó chính là Thứ 4.

Thứ 4 là một cỗ máy. Ông nhớ từng chi tiết, mốc thời gian của vụ án. Ông là bộ não của phe “có tội”, lần lượt đưa ra những chứng cứ đanh thép gây khó dễ cho Thứ 8. Nhưng ông không hẳn đứng về phe này. Ông không ngại châm chích Thứ 3 khi ông này cố biện minh Thứ 8 gài bẫy mình.

Juror 3: That guy was trying to bate me. It doesn’t prove anything. I’m an excitable person…He was just trying to bate me.

Juror 4: Then he did an excellent job.

Những suy luận của bên Thứ 8 phải chính xác và thuyết phục về mọi mặt mới mong thoả mãn ông. Nhưng cũng nhờ ông liên tục chất vấn mà tất cả mọi tình tiết đều được xem xét kĩ lưỡng. Nhưng Thứ 4 quá cứng nhắc và máy móc. Ông không khoan nhượng với bất cứ ai. Sai số không được phép xảy ra, cảm xúc không được phép ảnh hưởng đến hành động. Ông nghĩ mọi người cũng hoạt động dựa trên tính toán chi li, vì vậy mà tầm nhìn của ông bị rào lại bởi “tính khả năng”.

Không phủ nhận, ông rất khảng khái. Khi chi tiết cuối cùng chỉ chứng cậu bé bị lật đổ, ông lập tức thừa nhận mình bị thuyết phục. Nhưng nếu không nhờ Thứ 8 chỉ ra những sai phạm đầy “tính người”, ông sẽ cho rằng mình đúng. Thứ 4 thuộc diện Tà vì ông không bị chi phối hay đi theo ý kiến của bất cứ ai. Trong mắt ông chỉ có sự chính xác. Phải chinh phục được ông bằng lý lẽ xác đáng hơn, còn không đừng hòng mong tha bổng.

Không tốt, không xấu và nhẫn tâm theo một cách riêng. Trong một câu chuyện có anh hùng và những ủng hộ thì ba nhân vật sẽ đóng vai trò kẻ lang thang, người vô chính phủ hoặc ẩn sĩ, có thể tiếp tay cho kẻ xấu lẫn người tốt nhưng chắc chắn không chiến đấu vì bất cứ ai.

The Bad (Ác)

Mình cảm thấy tiếng Việt khó có thể miêu tả chính xác một số đặc tính nhất định, nhất là khi chúng liên quan đến hệ tư tưởng (có lẽ vì ít được sử dựng trong đối thoại hàng ngày đã khiến chúng trở nên khó hiểu). Trong trường hợp của ba nhân vật sau, vì họ được xây dựng dựa trên những đặc điểm tính cách tồn tại trong tiếng Anh mà có ba từ vụng miêu tả chính xác con người họ đó là:

Bigoted, Cynical và Apathetic.

Bồi thẩm viên Thứ 10 là một kẻ bigot. Cố chấp cũng đúng, cuồng tín cũng đúng nhưng chính xác hơn cả có lẽ sẽ là sở hữu lòng thù ghét cuồng nhiệt đối với ý kiến trái chiều. Xuyên suốt bộ phim, ông đã chứng minh khá rõ mình là một kẻ bảo thủ, cố hữu, phân biệt chủng tộc và giai cấp. Cậu bé là kẻ giết người đơn giản chỉ vì cậu xuất thân từ khu ổ chuột. Mọi thứ lý lẽ còn lại của ông đều rỗng tuếch và phiến diện. Ông chỉ biết nhai đi nhai lại những câu nói độc địa cho đến khi không còn ai chịu lắng nghe ông nữa.

Đây là một trong những cảnh quay vô cùng xuất sắc, đối lập với cảnh sau đó, khi Thứ 8 lên tiếng , lần lượt từng người trở về chỗ ngồi lắng nghe ông. Trước đây, các bồi thẩm viên cùng chơi ca rô khi Thứ 8 đang trình bày, nhưng vì là người tranh luận xuất sắc, ông đã dần thu phục được họ, trong khi Thứ 10 đã đẩy đi họ thật xa.

Cynical được dịch là Hoài nghi. Cách dịch này loại bỏ đặc điểm thiếu công bằng, vị kỷ và độc địa gắn liền với từ vựng ấy. Để hiểu từ vựng này, bạn đọc chỉ cần quan sát Thứ 3. Có lẽ trước đây ông phải là người xấu tính, chỉ hơi hà khắc và ngoan cố. Ngày bé, ông từng gọi cha mình là Sir — cách gọi chỉ dành cho cấp dưới với cấp trên, với những người mình không quen thân và cần nhờ vả. Có thể thấy môi trường mà ông được nuôi dạy đã ảnh hưởng tới ông cỡ nào. Dủ yêu con, cách giáo dục của ông đã bóp nghẹt thằng bé khiến hai cha con ẩu đả để rồi nó bỏ nhà ra đi.

“Nothing personal” là câu cửa miệng của ông nhưng mọi thứ đều vì tư thù. Bị cáo trong mắt ông chính là đứa con trai bất hiếu đã phản bội niềm tin của ông. Ông muốn hành quyết nó, trả thù nó vì đã tổn thương ông. Nhưng trong giây phút cuối cùng, khi mọi người đều quay lưng, mọi lý lẽ đều bị lật đổ, ông dường như vỡ vụn.

Có lẽ nếu không phải lớn lên trong môi trường độc hại mà ở đó sự mạnh mẽ được gán với những hành vi hung hăng và cậy quyền thế, Thứ 3 có lẽ sẽ là một người tốt. Thật đáng tiếc ông đã để thù hặn làm trái tím mình khô cứng đến vậy.

Thứ 10Thứ 3 có chính kiến vô cùng sai lệch nhưng họ vẫn dành sự quan tâm nồng nhiệt đến vụ việc, vẫn tranh luận mặc dù lý lẽ của họ đầy lỗ hổng (bao lần tự phủ nhận ý kiến mình vừa đưa ra). Điều này khiến họ còn tốt đẹp hơn Thứ 7 — kẻ đại diện cho chữ Apathetic.

Ngay từ đầu, ông chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng về coi trận bóng chày. Ông chẳng đưa được lập luận nào xác đáng, chỉ nổi giận khua tay múa chân, huýt sáo cười cợt rồi nhìn ngó đồng hồ chờ đợi mọi chuyện kết thúc. Ông chẳng quan tâm đến việc gì, lãnh đạm đến tột cùng. Ông đổi phiếu không phải vì bị thuyết phục, cũng không vì chưa có chính kiến mà vì ông không có và không muốn có bất cứ chính kiến gì. Ông là người duy nhất đã khiến Thứ 11 tức giận, chỉ thẳng mặt mà nói:

What kind of a man are you? You have sat here and voted guilty with everyone else because there are some baseball tickets burning a hole in your pocket. And now you’ve changed your vote because you say you’re sick of all the talking here?

Trong phân cảnh cuối cùng, Thứ 7 là người đầu tiên bước ra khỏi cửa như thể mọi chuyện vừa xảy ra chẳng mang lại bất kì ý nghĩa gì với ông.

Cái ác không chỉ thể hiện qua hành động mà còn qua sự bàng quan và lãnh cảm. Mười một người đàn ông còn lại, tốt hay xấu họ vẫn đang sống để đấu tranh cho cái họ tin. Họ xứng đáng với vị trí bồi thẩm đoàn vì quan điểm của họ khiêu khích và đóng góp cho sự phát triển của công lý. Sẽ chẳng tồn tại bất cứ thước đo nào nếu như phần lớn chúng ta có thái độ sống như Thứ 7.

12 Angry Men (1957) là một bộ phim xuất sắc về mọi mặt. Từ nội dung nhiều lớp lang, cài cắm vô số chi tiết nhỏ đầy dụng ý đến cách nó bóc tách vụ án gián tiếp qua cuộc tranh luận của 12 người đàn ông và diễn xuất đầy sức thuyết phục của dàn diễn viên. Bộ phim xứng đáng nằm trong danh sách phim hay nhất mọi thời đại vì chắc chắn một khi đã xem, khán giả sẽ không bao giờ quên được nó.

--

--