Kế hoạch cho 2021

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
7 min readJan 2, 2021

Kì 1: Mục tiêu và mục đích

Sau một khoảng thời gian dài trôi nổi không định hướng không phấn đấu, mình cảm thấy đã đến lúc phải vực dậy!

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ với mọi người về kế hoạch làm việc và học tập trong năm 2021 của mình. Mong bài viết này sẽ một phần nào đó giúp mọi người thêm tinh thần.

Chia sẻ cá nhân

2020 là kẻ thù lớn nhất của mình vì mọi dự định đều bị phá hỏng, khiến mình lao đao trong một thời gian dài.

Khi dịch xuất hiện…

Trong những năm đại học, mình luôn kiểm soát quá trình học tập và làm việc rất chặt chẽ. Mình luôn dành mỗi sáng phân bổ thời gian trong ngày sao cho hợp lý. Mình làm điều tương tự cho việc chi tiêu và cả các hoạt động giải trí. Việc gì mình cũng lên kế hoạch, đặt mục tiêu đàng hoàng, thậm chí kiểm soát cả tiến độ như1 tuần xem được bao nhiêu phim? Thẩm thấu được bao nhiêu phần của 1 bộ phim?…

Thú thật là mặc dù đạt được nhiều mục tiêu, mình không cảm thấy thoả mãn. Căn nguyên vì mình bị thôi thúc bởi số ô tick được hơn là việc tận hưởng quá trình. Đó là lý do khi Covid tới, mọi dự định đều đổ bể vì mục đích của mình không lành mạnh.

Từ đó mình nhận ra: làm gì cũng cần xác định tại sao mình lại muốn đạt được nó trước khi cắm đầu vào thực thi vì một lý do không rõ ràng.

Như chuyện mình muốn du học thạc sĩ. Giờ mình tự hỏi liệu mình đã thật sự sẵn sàng? Kiến thức mình đã vững? Mình có thật sự yêu thích Ngôn ngữ học hay chỉ vì “Được bằng thạc sĩ năm 25 tuổi” nằm trong bucket list của mình? Có một chiếc bucket list là điều tốt nhưng bị nó chi phối thì không.

Mục đích và mục tiêu

Theo mình làm gì cũng cần có mục đích, tức phải luôn hỏi bản thân “Vì lý do gì mình làm việc ấy?” Nếu xuất phát từ những lý do không lành mạnh, không thực tiễn thì nên loại bỏ.

Đối với mình, mục đích cuả tất cả mọi nỗ lực và phấn đấu đều là để bản thân ngày càng tiến bộ, để trở thành một người sống tốtcó ích.

Lấy lại ví dụ học cao học, trước đây mình muốn học vì những lí do không hề chính đáng: ai cũng có sao mình không; mình chưa muốn đi làm; mình còn học được sao không học; tiến sĩ trước 30 nghe oai phết và đơn giản vì…mình thích. “Thích” nghe có vẻ chính đáng nhưng liệu cảm xúc không thôi có giúp mình vượt qua những thử thách trên con đường học vấn? Kể cả “lợi ích cho công việc mai sau” có thực sự thúc đẩy mình ngồi hàng giờ nghiên cứu?

Hiện tại, mục đích học cao học của mình là để mở mang kiến thức. Nhờ vào suy nghĩ này, mình không bị áp lực điểm số, áp lực danh tiếng của trường và kể cả xếp loại của chiếc bằng.

Cùng với cách tiếp cận ấy, mình chất vấn bản thân về những dự định khác. Khi mục đích đã rõ, bước tiếp theo là xác định mục tiêu.

  • Cụ thể hoá mục đích để xác định mục tiêu

Mình muốn là người luôn tiến bộ, điều đó đồng nghĩa với việc không ngừng học hỏi và cập nhật. Trên đời có quá nhiều thứ để học nhưng lợi thế và đam mê của mình thiên về ngôn ngữ vì vậy mình tập trung phát triển nó.

Mục tiêu bạn đề ra phải vừa phù hợp với năng lực và vừa đúng với sở nguyện cá nhân.

Sau đó, mình tìm kiếm những mục tiêu nhỏ để mình tiến gần đến mục đích, ví dụ như việc học cao học, học tiếng, đọc sách, xem phim đều là những phương pháp phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Vấn đề sống tốt bao gồm việc đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần. “Khoẻ” cơ thể và “mạnh” ý chí. Rèn luyện thể chất ra sao có lẽ ai cũng biết, vậy còn rèn luyện tinh thần? Về phương diện này, triết học và huyền học đã giúp đỡ mình rất nhiều. Chúng bồi dưỡng tri thức và rất cần thiết cho cảm xúc và tâm lý của mình. Ai cũng cần một hệ tư tưởng và niềm tin để cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Đối với bạn, không nhất thiết đó phải là hai thứ trên mà bất cứ thứ gì khiến bạn thoả mãn, hạnh phúc và mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng là có ích. Mỗi chúng ta đều có quan niệm riêng về “có ích”. Đối với mình, đó là cống hiến. Cống hiến kiến thức mình có qua giảng dạy, cống hiến những suy nghĩ, sự sáng tạo của mình qua viết lách và cống hiến tiền bạc, của cải. Đây là bổn phận xã hội của mỗi con người. Như Marcus Aurelius từng nói, việc thực hiện bổ phận này là con đường gần nhất để có được cuộc sống tốt đẹp. Không phải vì chúng ta sẽ được đền đáp. Trên thực tế, phần thưởng vật chất hay sự yêu quý, ngưỡng mộ và đồng cảm đều sẽ trói buộc chúng ta. Ngay cả khi những gì nhận lại chỉ là trái đắng, chúng ta vẫn không được từ bỏ cống hiến thầm lặng cho xã hội. Vì khi ta không sở hữu bất cứ thứ gì, kể cả thành quả và sự hi sinh, chúng ta được thưởng tặng một thứ quý giá hết thẩy đó là sự tự do. Được tự do sống, tự do trong suy nghĩ, trong cảm nhận, tự do lao động và sáng tạo, không trĩu nặng trách nhiệm, không bị kìm kẹp bởi bất cứ ai, không bị bó buộc bởi bất cứ tiêu chuẩn nào.

  • Hợp hay không hợp, xác định như thế nào?

Mình từng rất mê vẽ. Suốt quãng đời đi học, vẽ là niềm đam mê lớn của mình. Nhưng khi trưởng thành, mình phát hiện vẽ không giúp mình thể hiện nội tâm. Mặc dù không giỏi câu chữ và suy nghĩ bằng hình ảnh, viết ngày càng gần gũi với mình và giúp mình truyền tải cảm xúc dễ hơn. Vẽ giờ đây chỉ còn là một hoạt động giải trí.

Mình cũng có một thời gian đi học vẽ. Nhưng vì sốt ruột, mình đã từ bỏ trước khi đạt bất cứ thành quả nào. Điều này khá kì lạ vì mình chưa trải qua cảm xúc nóng vội này với việc học tiếng hay viết lách. Mình và vẽ đã từng xa nhau vì phải luyện thi đại học. Tự nhiên khi xong xuôi, có thời gian tập vẽ thì cảm xúc ấy lại xuất hiện, thế là mình và vẽ xa lại càng xa hơn. Có lẽ đó là cảm giác giúp ta biết thứ gì thuộc về mình.

Hội hoạ dù vẫn là nguồn cảm hứng lớn với mình, nhưng như người xem thể thao không nhất thiết phải chơi thể thao, mình chấp nhận đứng từ xa thưởng thức thay vì tự tay làm nên một tác phẩm.

Trong kì 2 của bài viết này, mình sẽ giới thiệu với mọi người một số phương pháp mình áp dụng để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả. Xin cảm ơn mọi người đã đọc đến đây và hẹn mọi người trong bài viết tiếp theo nhé!

--

--