The Father

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
8 min readApr 27, 2021

--

English title: The father

Length: 1h 37min

Genre: Drama

*Spoiler Alert*

Who … exactly am I?

Có lẽ điều chúng ta sợ nhất không phải là cái chết.

Như Murakami từng viết trong 1Q84: “Everyone, deep in their hearts, is waiting for the end of the world to come.” (Sâu thẳm trong trái tim, mỗi chúng ta đều chờ đợi ngày tận thế.) Chúng ta không sợ “kết thúc” mà thực chất trông chờ nó. Chúng ta nôn nao khi đọc đến hồi kết của một cuốn sách, hay khúc hạ màn của một vở kịch. Dù thể loại phim nào, cái kết—nơi mọi nút thắt đều được gỡ bỏ, luôn là phân cảnh đáng đón chờ nhất. Một bản nhạc, nếu chưa từng nghe qua, luôn khiến chúng ta tò mò về nốt nhạc cuối cùng. Chúng ta không sợ cái kết nếu nó mỹ mãn. Nếu sống trọn vẹn, đạt được mọi mục tiêu, gặt hái được thành quả, hài lòng với mọi thứ thì cái chết không đáng sợ, thậm chí yên bình.

Nhưng không phải ai cũng đủ can đảm, điều kiện và sự may mắn để có thể sống trọn vẹn (hay chấp nhận được bản chất thật của cuộc sống). Cái chết vì vậy luôn mang hình hài đáng sợ, hành hạ chúng ta về những điều ta đã làm và cả những điều ta chưa làm được. Chúng ta sợ phải đối diện với cái kết không như ý, không toàn vẹn. Chúng ta sợ giây phút phải nhận ra cả cuộc đời này chúng ta không được là chính mình, không sống theo đúng ý nguyện hoặc đáng sợ hơn cả là không biết mình là ai.

Khi xem 9 phút cuối cùng của bộ phim The Father (2020), mình đã có những suy nghĩ ấy.

The Father (2020) kể về cụ ông Anthony 80 tuổi và cuộc sống khá yên bình của ông trong chiếc căn hộ rộng rãi, ấm cúng tại London. Ông còn một người thân duy nhất là cô con gái tên Anne. Hai cha con dường như vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết qua những câu nói đùa thân mật giữa họ và những “bí mật nhỏ” của Anthony mà Anne biết. Tuy vậy, Anne vẫn có những điều không chia sẻ được với bố. Căng thẳng đầu tiên xuất hiện khi cô thông báo sẽ đến Paris chung sống với người yêu. Giọng Anthony run rẩy, pha lẫn bực tức, ông hỏi con gái:

“Con sẽ bỏ rơi ta phải không?”

Từ những thước phim đầu tiên này, dễ thấy được Anne, cho dù yêu thương bố, vẫn coi ông là một gánh nặng lớn. Cô muốn thoát khỏi cuộc sống tù tùng bên ông để đến nơi mà “không một ai nói tiếng anh”. Nhịp điệu phim kể từ ấy đứt quãng, cảnh quay sắp xếp lộn xộn, các nhân vật và địa điểm thay đổi liên tục khiến người xem bối rối không khác gì Anthony. Dù vậy, chúng ta biết rằng Anthony — một ông già gần đất xa trời mắc chứng Dementia, đã bị con gái Anne bỏ rơi để qua Pháp với chồng (?) Paul, người đã nghi ngờ thậm chí chế giễu bố cô. Cô con gái thứ hai Lucy đã mất trong một vụ tai nạn. Sau khi được khám chữa, Anthony giờ đang sinh sống trong viện dưỡng lão.

Người xem chúng ta nắm được bức tranh tổng thể này nhưng Anthony thì không. Ông không nhớ việc Lucy đã mất cũng như việc ông được đưa vào viện. Ông không nhớ khuôn mặt của gia đình, những người chăm sóc ông, thậm chí không nhận diện được cả không gian và thời gian. Việc đặt khán giả vào góc nhìn của Anthony đã cho chúng ta một trải nghiệm chân thật và đầy ám ảnh về Dementia.

Khi tìm kiếm “Dementia là gì?” trên Google, kết quả cho ra đầu tiên là Sa sút trí tuệ, một cái tên giảm nhẹ tính nghiêm trọng và bản chất đau thương của nó. Trong tiếng Latinh, dement- của Dementia được cấu thành từ de (without) và ment (mind) nên có thể nói những người bị Dementia hành hạ “không còn tâm trí”. Họ không nhận diện được sự vật, sự việc, khuôn mặt và các khái niệm về không gian, thời gian. Trí nhớ bị bóp méo, các mảnh kí ức bị sắp xếp lộn xộn thậm chí biến mất. Điều đáng sợ hơn cả là tất cả những triệu chứng này nằm ngoài tầm nhận thức của họ. Họ không biết tâm trí họ đang ngày một mục rữa, sự tồn tại của họ — cái được gọi là “họ” đang phai nhạt dần. Có lẽ với những conngười khốn khổ ấy, cái chết chưa bao giờ đáng sợ hơn. Đó là cái chết của cái tôi, của nhân dạng, của “bản thân” ngay trong chính cơ thể vẫn đang tồn tại của họ.

Dementia không gây tử vong trực tiếp nhưng vì nó mà giây phút lìa đời, người bệnh sẽ phải trải nghiệm cảm giác cô độc và sợ hãi đến cùng cực. Họ như chưa từng sống phần đời trước đó mà trở lại thành những đứa trẻ mong manh bị thời gian và xã hội bỏ rơi. Với một xã hội vị lợi, luôn tiến lên phía trước thì có lẽ chẳng còn lý do gì phải chăm sóc những “đứa trẻ lớn xác” này, bởi suy cho cùng họ còn đem lại lợi ích gì cho xã hội?

Nếu dựa vào thuyết vị lợi ấy thì bất cứ khi nào chúng ta không có khả năng cống hiến, chúng ta đều xứng đáng bị bỏ rơi, chà đạp và lợi dụng? Đây là một trong những điều mình rút ra được từ bộ phim I Care a Lot (2020) xoay quanh Marla Grayson, một người bảo hộ chuyên dụ dỗ và lừa gạt những con người bệnh tật già yếu như Anthony vào viện dưỡng lão để quản lý tài sản của họ.

Ở đây mình muốn lạm bàn một chút về I Care a Lot (2020). Chưa tính đến triết lý nông cạn của bộ phim, thì phim này cũng thất bại trong việc xây dựng “kẻ thủ ác” đáng gờm ăn theo Amy Dunne của Gone Girl (2014). Marla chủ yếu dựa vào “vận may của kịch bản” để sinh tồn đến phút cuối. Ngoài ra, trong đoạn phim đầu tiên, khi bị ông Felstrom chửi bới vì đã cãi thắng phiên toà để đưa mẹ ông vào viện, Marla đã quật lại bằng một câu nói không hề ăn nhập:

Does it sting more because I’m a woman? That you got so soundly beaten in there by someone with a vagina?

Việc phỉ nhổ nhân cách của Marla không liên quan đến việc cô là phụ nữ hay đàn ông. Dù giới tình nào, ông Felstrom cũng sẽ trù dập cô vì đã bất nhẫn tách ông khỏi người mẹ già yếu. Mình đồng ý rằng không phải cứ nữ giới thì sẽ từ bi, vị tha và dịu dàng như thánh mẫu. Việc xây dựng kẻ thủ ác là nữ nên được bình thường hoá. Nhưng tàn nhẫn không đi đôi với cool ngầu. Quyền tự do của nữ giới bao gồm quyền được xấu xa và cái giá của nó là bị phỉ nhổ lên hành vi và nhân cách. Lời đối đáp đậm chất nữ quyền độc hại của Marla dành cho ông Felstrom đã cho thấy một lỗ hổng lớn trong kịch bản.

Một kịch bản hay phải có độ chín cho dù mục đích của nó là tìm lời giải hay phản ánh hay châm biếm một vấn đề nào đó; tình tiết, lời thoại và hành động của từng nhân vật phải nhất quán với tính cách mà biên kịch đã đề ra ngay từ đầu. Với The Father (2020), một chi tiết nhỏ như việc Anne chú ý cặp đôi trẻ âu yếm ở nhà đối diện vừa cho thấy quan sát giàu insights của người làm phim, vừa mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đến quyết định Anne đưa bố vào viện dưỡng lão. Anne đã trải qua quá nhiều mối tình, cô không còn trẻ. Cho dù yêu thương bố mình, cô không thể nào chôn chân trong chiếc căn hộ này mãi. Cô cũng bất lực và tủi thân trước bệnh tật của ông, vì vậy khi đã đặt được Anthony ngồi lên chiếc giường của viện, cô không rỏ một giọt nước mắt và gương mặt có phần nhẹ nhõm khi bắt xe về.

Olivia Colman đã cho chúng ta một vai diễn nhiều lớp lang, chúng ta giận Anne vì sự ích kỷ của cô nhưng đồng thời hiểu cho những khó khăn của cô. Còn ngài Anthony… Đây có lẽ là vai diễn xuất xắc nhất của ông kể từ The Silence of the Lambs (1991), nhưng giờ đây sự sợ hãi mà ông đem đến cho người xem nhuốm màu bi thương và tang tóc của tuổi già.

Mình chưa bao giờ tiến gần đến bệnh tật và cái chết đến vậy. Trong 97 phút ít ỏi, ngài Anthony đã xây dựng một sợi dây liên kết chặt chẽ với người xem đến mức cảm tưởng ông là một người thân, một người ông, một người bố trong gia đình. Về phần này còn phải nhờ vào nhan đề cô động của bộ phim.

The Father (2020) được chuyển thể từ vở Le Père (2012) của Florian Zeller. Dù là tiếng Anh hay tiếng Pháp, mạo từ TheLe ám chỉ một người bố cụ thể (người bố của Anne) nhưng đồng thời cũng ám chỉ điều “duy nhất”: người bố chỉ có một của mỗi chúng ta.

Bộ phim không chỉ mãn nhãn về cách câu chuyện được lật giở mà ý nghĩa sâu xa của nó còn đọng lại với người xem ngay cả khi phim đã kết thúc. Có lẽ mình sẽ không bao giờ quên được phân cảnh cuối cùng của bộ phim — 9 phút đã làm nên Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của ngài Anthony Hopkins.

--

--