Tomie Thái ở Xứ sở Gương Đen

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
7 min readMay 14, 2021

English title: Girl From Nowhere

Thai title: เด็กใหม่

Date: 2018 -

Season (so far): 2

Length: 45 min/episode

Genre: Crime, Drama, Fantasy

*Spoiler*

Chỉ sau một tuần phần 2 lên kệ Netflix, vô số bài viết, bình luận và cả meme về Cô Gái Đến Từ Hư Vô đã tràn lan trên mạng xã hội. Trong số đó, có kha khá ý kiến trái chiều về việc Girl From Nowhere chỉ là một dự án phim “học đòi” từ những phim và truyện thành công trước đó, cụ thể là Tomie Black Mirror. Mình cũng cho rằng Girl From Nowhere không nguyên bản và lấy cảm hứng từ 2 tác phẩm trên nhưng đồng thời nó vẫn sở hữu 1 lối đi riêng.

Nanno = Tomie Thái?

Dễ thấy Nanno lấy cảm hứng từ Tomie — nhân vật chính trong bộ truyện cùng tên của Itō Junji. Mặc dù có nhiều nét tương đồng về ngoại hình và “phương thức gây án”, cả hai không giống nhau về bản chất vì tác giả của chúng có mục đích kể chuyện khác nhau: Tomie là tác phẩm ngụ ngôn kinh dị còn Girl From Nowhere là series tâm lý học đường có yếu tố kinh dị.

Trước hết, yếu tố kinh dị không phải là trọng tâm chính của Girl From Nowhere. Hình ảnh máu me man rợ chỉ làm nền cho câu chuyện mà biên kịch muốn kể. Còn với Tomie một tác phẩm Manga thuần kinh dị thì hình ảnh là công cụ chính để Itō Junji đem đến nỗi sợ tĩnh lặng đến chết chóc cho độc giả.

Về nội dung, Tomie là một cô gái trẻ xinh đẹp chuyên dụ dỗ và thao túng những người xung quanh nhằm khơi gợi cái ác tiềm tàng trong họ. Cô là kẻ chiêu dụ mà cũng là nạn nhân của họ. Sau mỗi lần bị giết, Tomie đều sống dậy, nhân bản và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Không ai rõ Tomie xuất hiện từ khi nào nhưng chắc chắn sự tồn tại của cô sẽ không bao giờ kết thúc. Bộ truyện Tomie là một tuyển tập ngụ ngôn không nhằm khai thác tâm lý nhân vật. Như truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ, không ai khai thác sang chấn tâm lý của Thỏ sau khi thua Rùa và cũng chẳng ai bận tâm thực hư chuyện ấy. Tương tự, Tomie cũng chỉ muốn để lại 1 dư vị đầy ám ảnh cho người đọc về cái ác.

Còn Girl From Nowhere, mặc dù cuộc phiêu lưu của Nanno được chia thành từng tập phim lẻ đậm chất ngụ ngôn, sự phát triển của phần 2 đã cho thấy series không chỉ dừng ở việc tường thuật những tình huống bi ai, man rợ trong xã hội Thái mà còn muốn dẫn dắt người xem đến với những câu hỏi về đạo đức, cái thiện cái ác qua sự phát triển nội tâm của Nanno — điều mà Tomie không bao giờ làm.

Nanno cũng chiêu dụ, cũng khơi gợi cái ác tiềm tàng trong mỗi con người. Nhưng cô chỉ châm ngòi cho 1 vụ nổ (cả bằng cái chết của bản thân) còn hậu quả là do các nhân vật khác lãnh chịu. Đây là cách cô trừng phạt kẻ ác và răn đe những ai có ý định tương tự.

Girl From Nowhere lấy bối cảnh dễ gây đồng cảm với người xem là trường học. Những sai phạm và tội ác của mỗi tập khá gần gũi và thậm chí đã từng xảy ra ngoài đời thật, ví dụ như tập 3 phần 2 “Minnie và 4 thi thể” lấy cảm hứng từ vụ án “Praewa và 9 thi thể” xảy ra năm 2010. Khác với ngoài đời khi Praewa chỉ nhận án phạt là 138 giờ lao động công ích, Minnie đã phải hứng chịu một bản án khốc liệt hơn.

Những hình phạt mà Nanno đem đến: ông thầy giáo đồi bài bị phanh phui và bắt giam, chàng Don Juan phải cực khổ mang bầu hay đàn anh hung dữ bị đàn em bắt nạt lại,… đem đến cảm giác thoả mãn cho những ai không được tận tay làm việc ấy. Nanno là đứa con của quỷ nhưng cũng là nữ thần công lý bảo vệ chốn học đường.

Tuy nhiên, khi bị đẩy đi quá xa, người xem ngày càng hoài nghi mức độ thích đáng của hình phạt. Liệu Kaye của Sotus (tập 5 phần 2) có xứng đáng bị đánh đập dã man ? Hay như Jane (tập 7 phần 2) có xứng đáng bị công kích và mất hết tất cả chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ? Khi Jane bật khóc thốt ra rằng:

Tôi thật sự sai đến thế sao, Nanno?

Tôi thực sự đáng bị đối xử thế này à?

người xem và cả Nanno buộc phải nhìn nhận lại đánh giá của bản thân. Từ giây phút ấy, vị trí của Nanno bắt đầu lung lay. Cô không còn nắm trong tay quyền lực tối cao để phán quyết, mà cũng mắc sai phạm, cũng “người” như tội đồ của cô.

Để tạo dựng sự tương phản về thiện và ác, giờ đây series cần một nhân vật phản diện mới, điên loạn hơn Nanno, đó chính là Yuri. Nanno tin rằng chính nghĩa tồn tại khi con người trả giá cho những sai phạm của họ ngay khi còn sống. Cô bắt họ nếm trải đau đớn khiến họ dằn vặt và ám ảnh về tội lỗi của mình. Trong khi đó, Yuri lại hành quyết họ bằng cách đẩy họ đến cái chết. Việc họ thực sự hối cải hay không không quan trọng bằng việc cô được chứng kiến họ quằn quại trong đau đớn. Một bên là ác quỷ có tình người, bên còn lại là con người đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Về phần này có lẽ Yuri và Tomie giống nhau hơn. Cả 2 đều đã đánh mất lương tri, không muốn răn dạy gì ai mà chỉ muốn gieo rắc loạn lạc cho thế giới.

Girl From Nowhere = Phiên bản Teen của Black Mirror?

Girl From Nowhere chứa đựng nhiều yếu tố hư cấu kỳ ảo, twisty và đen tối khá giống Black Mirror. Cấu tứ phim cũng giống nhau: Từng tập lẻ tách bạch về nội dung, được đạo diễn bởi nhiều nhà làm phim khác nhau. Nhưng thay vì bàn luận về 1 tương lai siêu thực nơi con người phải hứng chịu những hậu quả khôn lường của công nghệ, Girl From Nowhere bàn luận về những góc tối của chốn học đường. Series muốn tạo dựng sự tương phản đầy rùng rợn giữa cái vỏ trong sạch của trường học và sự tha hoá, mục ruỗng đang ngấm ngầm xảy ra. Trong khi đó Black Mirror lại ngả theo hướng kinh dị tâm lý, đe doạ người xem về sự phụ thuộc của nhân loại vào công nghệ.

Điểm khác biệt tiếp theo là tuyến nhân vật. Các nhân vật chính của “Gương đen”, đều phải trải qua những biến cố khốc liệt, đẩy họ đến đường cùng. Họ chỉ có thể dấn thấn vào con đường tội lỗi để ngăn chặn tình huống trở nên tồi tệ hơn. Hành xử thái quá và điên rồ của họ phúng dụ cho ranh giới mỏng manh giữa thiện và ác. Người lương thiện vẫn có khả năng làm điều xấu “chỉ cần một cú hích nhỏ”. Girl From Nowhere hình tượng hoá cú hích này thành 1 nữ sinh trung học đầy bí ẩn tên là Nanno.

Nanno là kim chỉ nam theo chân người xem phiêu bạt đến vô số các trường trung học ở Thái Lan. Cô đem những vấn nạn học đường từ bắt nạt, chạy đua thành tích, đến lạm dụng tình dục ra ánh sáng nhằm chứng minh cho chúng ta thấy con người yếu đuối và nhỏ bé thế nào trước cám dỗ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Nanno thường “break the 4th wall”, quay lại nhìn khán giả và mỉm cười đắc thắng.

Có thể thấy, khác với mục đích thuần sáng tạo hơn của Black Mirror, Girl From Nowhere có ý muốn “giáo dục” khán giả. Điều này trở nên rõ rệt hơn khi phần 2 chuyển hướng, xây dựng đấu tranh nội tâm của Nanno và 1 nhân vật mới đại diện cho cái ác tuyệt đối là Yuri, thách thức chúng ta về chính nghĩa và ai xứng đáng có được quyền năng ấy.

Girl From Nowhere đã tách mình khỏi các tác phẩm đi trước bằng tuyến nhân vật này. Thay vì duy trì các tập phim lẻ, dễ cạn kiệt về mặt ý tưởng, giờ đây chúng ta đã có 1 thứ đáng đón chờ không kém gì nội dung, phong cách kể chuyện và cinematography của từng tập.

--

--