Woman in the Dunes

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
7 min readJun 24, 2021

--

BOOK

Japanese title: 砂の女 (Suna no Onna)

Vietnamese title: Người đàn bà trong cồn cát

Published: 1962

Genre: Fiction

MOVIE

Length: 2h 3min

Adapted: 1964

Genre: Drama, Thriller

Tựa đề của cuốn sách và bộ phim dễ khiến khán giả liên tưởng đến một câu chuyện về ái tình: yêu đương vật vã, vì hiềm khích, tư lợi dẫn đến những sự việc đáng buồn… Nhưng trên thực tế, câu chuyện khác xa kiểu phim truyền hình dài tập.

Lúc mình giới thiệu cuốn sách cho chị gái, mặc dù chưa đọc nhưng chị mình đã có một câu cảm thán rất chính xác: “Truyện tên là Người đàn bà trong cồn cát nhưng lại kể về một người… đàn ông.” Tên tác phẩm về một người đàn bà, truyện về một người đàn ông nhưng lại hữu quan với mọi con người.

Kịch bản của bộ phim không có nhiều thay đổi so với nguyên tác: mạch truyện và sự phát triển tâm lý nhân vật giữ vững tinh thần của cuốn tiểu thuyết, nên trong bài viết này mình chỉ đề cập đến cảm nhận chính thay vì phân tích sự khác biệt giữa phim và truyện.

*Spoiler alert*

Niki Junpei, một nhà giáo cũng là nhà côn trùng học nghiệp dư đã dành 3 ngày nghỉ phép để thám hiểm một vùng vịnh hẻo lánh nhằm hoàn thiện bộ sưu tập. Junpei mong muốn tìm được một chủng loài mới để ghi tên mình vào cuốn bách khoa toàn thư côn trùng học. Sau một ngày trời tìm tòi không đem lại kết quả và vì lỡ chuyến xe cuối cùng về thành phố, dân làng nơi đây đã bố trí cho anh tạm nghỉ tại một ngôi nhà nằm dưới hố cát, nơi có một người đàn bà hằng ngày xúc cát để sinh sống. Junpei không ngờ rằng việc tá túc tại đây lại kéo dài hơn một đêm. Khi trời rạng sáng, anh nhận ra chiếc thang để trèo khỏi cái hố cát đã bị lấy mất. Không có bất cứ phương tiện nào để thoát thân, không một bóng dân làng tới giúp, anh nhận ra mình đã sa vào cái bẫy: họ giam cầm anh với người đàn bà xúc cát.

Cả truyện lẫn phim đều tập trung khai thác diễn biến tâm lý của Junpei: từ hoảng hốt, tức giận khi phát hiện ra mình bị lừa, tuyệt vọng sau những lần nỗ lực tìm cách thoát thân, cho đến lúc tự nguyện giam mình trong cái ngục cát ấy.

Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng tác phẩm gợi người đọc nghĩ đến những nghịch lý của chủ nghĩa hiện sinh.

Cát. Cát bao quanh mọi thứ. Bản thân cát là sự sống nhưng lại bào mòn sự sống. Những thứ tưởng chừng đối chọi với nhau lại thực chất bổ sung cho nhau, phản chiếu lẫn nhau. Chốn thị thành phồn hoa liệu có khác gì cái hố cát đang giam cầm Junpei? Hay nó chỉ là một cái lồng lớn hơn? Nếu Junpei trở về thành phố, anh vẫn phải mài sức kiếm sống, làm những công việc ngày qua ngày không khác gì nhau. Vậy có khác biệt gì việc xúc cát? Con người tự lừa dối bản thân, cho rằng những việc mình làm có một mục đích cao cả, rằng chúng ta tự do vươn tới ước mơ. Nhưng cuối cùng, chúng ta khác gì những con dã tràng: hằng đêm xúc từng đụn cát để ngăn chiếc hố không sụp, nuốt chửng sự tồn tại của ta.

Junpei đã từng khinh miệt người phụ nữ ấy. Anh coi thường nhận thức của cô. Anh từng kinh ngạc trước những lời nói ngây thơ, sự quy phục và thản nhiên của cô khi bị tước đi quyền tự do, tước đi những thú vui, tiện nghi mà anh cho là thiết yếu với con người. Nhưng liệu thứ anh cho là cao quý còn quan trọng và thiết thực tại nơi đây?

Lì lợm đến mấy, Junpei vẫn phải quy phục trước bản năng con người, trước dục vọng của một người đàn ông. Anh ái ân với người phụ nữ anh khinh thường, dựa dẫm vào cô ấy để tồn tại.

Khi phát hiện mình bị lừa, anh nhất quyết đình công, trói giam người đàn bà để uy hiếp dân làng. Nhiều ngày không lương thực, không nước uống, anh rồi cũng thuần phục trước họ. Sau này, để đánh đổi một cơ hội được “ngắm biển”, anh chấp nhận phơi bày việc ái ân với người đàn bà để mua vui cho đám dân làng, trong khi kẻ bị anh xem thường nhận thức — người đàn bà lại vùng vẫy gìn giữ phẩm giá và danh dự.

Sự hấp tấp và chủ quan của Junpei cũng từng khiến anh đánh đổi một cơ hội ngàn vàng để thoát thân. Anh nhận ra rằng dù bản thân là một người thầy có kiến thức, anh vẫn chỉ là một con người. Anh vẫn phải đầu hàng trước những hạt cát bé nhỏ dày chưa đến 1/8mm.

Mỗi con người khi sinh ra đều thấy vạn vật xoay quanh mình. Vì vậy ta lầm tưởng vũ trụ nằm trong tay ta. Ta tin mình có đủ quyền năng để bẻ cong mọi thứ theo ý muốn. Nhưng con người quên rằng trên ta là cả một đấng sáng thế — một quyền lực tối cao. Bài học mà mỗi con người cần học trong cuộc đời này có lẽ không phải là vượt qua những quy luật của tự nhiên mà làm sao để buông mình theo dòng chảy ấy.

Ngày tháng qua đi, Junpei nhận ra sự nỗ lực của anh để trở về Tokyo thật vô nghĩa khi nơi ấy không một ai kiếm tìm anh. Sự tồn tại của anh tại nơi ấy như một vết phấn mờ trên bảng đen, dễ dàng bị xoá nhoà và lãng quên. Ngày tháng qua đi, anh dần cảm nhận được niềm vui mà những phát kiến nhỏ bé nơi sa mạc này đem lại cũng sánh ngang với những vinh quang anh nhận được ngoài kia. Tại nơi đây, anh dần tìm thấy được sự tự do để sáng tạo, để thư thả đọc báo, để được phục vụ, để được yêu chiều. Thậm chí khi nắm trong tay cơ hội ra đi, anh chấp nhận buông bỏ để trở về nơi hố cát anh đã gắn bó.

Anh nhiều lần băn khoăn tại sao người đàn bà chấp nhận chôn vùi sự tự do của mình; tại sao dân làng vẫn một mực cố thủ tại vùng vịnh hẻo lánh này trong khi thế giới ngoài kia đã bước sang trang mới? Nhưng rồi anh nhận ra: chính thế giới ngoài kia đã bỏ rơi họ, chôn chân họ dưới cái hố cát. Ranh giới giữa nạn nhân và kẻ cầm tù, giữa Junpei và những người dân nơi đây ngày một mong manh.

Và giờ đây, tháng ngày trôi qua, anh cũng giống người đàn bà. Anh đã trở thành người đàn bà hay nói cách khác cô chính là anh của tương lai. Cô tồn tại trước anh. Cô đã vượt qua những ham muốn về nơi phố thị và chấp nhận cuộc sống dưới hố cát. Chẳng phải chúng ta ai cũng từng có những hoài bão lớn lao để rồi một ngày nhận ra nó quá tầm tay và ngoan ngoãn quy phục trước những gì số phận đã an bài cho mình? Định mệnh là cái chết của ước mơ. Liệu có ai trong chúng ta có thắng lại được định mệnh?

Và Junpei. Anh là nạn nhân của số phận hay là một người dần hiểu được vị trí của mình trong vũ trụ? Anh bị tước đi sự tự do để vươn tới ước mơ hay anh đã thấu tỏ bản chất phù phiếm của điều anh mong muốn?

Người đàn bà trong cồn cát dù là tiểu thuyết hay bản điện ảnh đều đem lại xúc cảm cho người đọc, người xem. Như một câu chuyện ngụ ngôn, tác phẩm nói cho ta nghe về cuộc sống, nhưng lại vô cùng tinh tế và “kiệm lời” khi để ta tự nhìn nhận: liệu ta có đang mắc kẹt trong một hố cát vô vọng hay không.

--

--