Thấu hiểu để được hiểu

Tôi Có Thể Viết
Thiết Kế Cuộc Sống
4 min readJan 17, 2018

Sống trên đời sống này cần hiểu và được hiểu,
Để làm gì, em biết không?

Nói thật là không biết, các Trịnh Công Sơn hỏi những câu khó quá, nhiều khi đành phải bó tay vậy.

Nhưng mà, vì sao “Thấy hiểu để được hiểu”? Vì sao “Thấu hiểu” lại đi trước? Vì sao để “được hiểu” lại phải cần có “thấu hiểu” trước?

Tui cũng không biết, có phải cái gì tui cũng biết đâu, mấy ý này là người ta viết trong sách “7 Thói Quen Hiệu Quả” chứ có phải tui viết ra đâu. :D

Không biết thì đoán hén.

Giao tiếp là hoạt động căn bản của con người, có lẽ không ai sống được mà không giao tiếp. Và để giao tiếp thì 2 bên phải hiểu nhau thì sau đó mới đi đến kết luận cuối cùng được chứ phải không. Giống như bác sĩ phải khám bệnh trước thì mới kê toa, thì chúng ta cũng cần phải hiểu được vấn đề người khác đang nói với mình rồi sau đó mới có những phản ứng thích hợp. Và thấu hiểu phải đi trước, vì nếu không hiểu người khác thì mình sẽ có những suy nghĩ và định kiến sai lệch, dẫn đến những phản ứng sau đó của chúng ta có thể trở nên bất hợp lý.

Nghe đơn giản vậy, vậy tại sao việc “thấu hiểu để được hiểu” lại ít khi được áp dụng trong thực tế? Là một nhà “tự nhiên học” (cái gì cũng “vì tự nhiên nó thế” !?), tôi đánh giá nguyên nhân đầu tiên là vì bản tính con người. Con người luôn mong đợi người khác hiểu mình trước tiên, muốn những suy nghĩ của mình đi vào đầu người khác mà mình không phải làm gì cả, không phải cố gắng hiểu những suy nghĩ phức tạp của người khác. Rồi thì xã hội gấp gáp dần lên, thêm một nỗi sợ nữa ngăn cản chúng “thấu hiểu” người khác: Chúng ta sợ mình không được hiểu, sợ mình không được đánh giá cao, sợ mình bị lãng quên. Nên thay vì thấu hiểu người khác, chúng ta cố gắng bằng mọi cách thể hiện mình ra mạnh mẽ nhất, với mong muốn người khác hiểu và nhớ về chúng ta.

Một lý do nữa cản trở việc “thấu hiểu để được hiểu”, đó chính là những thói quen xưa cũ và định kiến ngăn trở: chúng ta không có thói quen nghe để hiểu, mà chỉ nghe để tìm cách trả lời, tìm cách thể hiện mình, nên không thể đạt được cấp độ thấu hiểu người khác.

Vậy giờ làm sao ta? Có cách nào hiệu quả để chúng ta rèn luyện khả năng nghe thấu cảm không?

Có 2 tin, một tin vui và một tin không vui. Tin vui là có cách để rèn luyện. Tin không vui là những cách này đều cần sự rèn luyện lâu dài mới có kết quả chứ không có kết quả ngay và thấy liền được.

Đầu tiên là xuất phát từ chính bản thân mình. Chúng ta là chủ thể của cuộc đời mình mà, là nên tảng của mọi hoạt động. Để rèn luyện bản thân, căn bản nhất là chúng ta cần thực hành theo 3 thói quen đầu tiên “Làm chủ chính mình”, “Bắt đầu bằng đích đến” và “Ưu tiên điều quan trọng”. Những thói quen này cho ta sự chủ động, những phẩm giá cần thiết và sự bình tâm để có thể lắng nghe người khác một cách sâu sắc đạt đến sự “thấu hiểu”.

Chúng ta cần luyện tập cách chuyển góc nhìn đối với một sự việc nào đó. “Nếu mình là cô ấy thì mình sẽ như thế nào?”, “Nếu ở vị trí của anh ta, thì mình phải hành xử ra sao?”. Chắc chắn chúng ta không có câu trả lời chính xác và trọn vẹn, nhưng những câu hỏi gợi mở như thế rất có tác dụng giúp ta đổi góc nhìn và thấy được nhiều điều khác. Thực hành này không dễ nên chúng ta phải kiên trì trong thời gian dài.

Một điều khác nữa, cũng rất quan trọng để có thể thấu hiểu người khác. Đó chính là “Khoan đánh giá”. Trong cuộc sống thì chúng ta có thói quen đánh giá mọi thứ, nhưng trong giao tiếp, việc đánh giá người khác và những ý tưởng của họ ngăn trở việc thấu hiểu. Vì khi chúng ta đánh giá, chúng ta đã bắt đầu đặt cái tôi cùng với những suy nghĩ từ góc nhìn của mình lên vấn đề, che lấp hoàn toàn sự khách quan cần thiết để có thể hiểu người khác. Khi giao tiếp, hãy tập cách dừng lại 5–10 giây để nhắc nhở mình điều này, hãy nghĩ còn nhiều khía cạnh mình chưa hiểu, chưa thể đánh giá tốt xấu ở đây.

Thấu hiểu để được hiểu. Tôi rất muốn biết suy nghĩ của các bạn về điều này như thế nào, hãy để lại comment bên dưới nhé.

YOLO!

--

--

Tôi Có Thể Viết
Thiết Kế Cuộc Sống

Những bài viết ngắn mỗi ngày về những điều quan trọng trong cuộc sống