Coronavirus: Tại sao phải hành động ngay
Tác giả: Tomas Pueyo
Bài gốc: Coronavirus: Why You Must Act Now
Các bài viết tiếp theo đã được dịch sang tiếng Việt:
- Coronavirus: Kiên quyết và Uyển chuyển (19/3): Chiến thuật để đối phó với virus corona mà các nước cần áp dụng
- Coronavirus: Học cách uyển chuyển (22/4): Bài học từ những nước đang chiến đấu tốt nhất với đại dịch
- Coronavirus: Điệu uyển chuyển cơ bản cho mọi người (24/4)
Với mọi điều đang xảy ra với virus Corona, sẽ rất khó để biết phải làm gì vào lúc này. Bạn có nên đợi thêm thông tin hay không? Hay cần phải làm gì đó ngay lúc này? Đó là gì?
Dưới đây là những điều tôi sẽ đề cập trong bài viết này, với nhiều biểu đồ, dữ liệu và mô hình từ nhiều nguồn khác nhau:
- Sẽ có bao nhiêu ca nhiễm virus corona ở khu vực của bạn?
- Điều gì sẽ đến khi xảy ra những ca nhiễm này?
- Bạn nên làm gì?
- Khi nào?
Khi bạn đọc xong bài viết này, đây những điều tóm tắt dành cho bạn:
Virus corona đang đến.
Nó đến với tốc độ cấp lũy thừa: tăng chậm, rồi tăng đột ngột.
Vấn đề được tính bằng ngày. Có thể là một hoặc hai tuần.
Khi nó xảy ra, hệ thống y tế của bạn sẽ bị quá tải.
Đồng bào của bạn sẽ phải nằm chữa ở hành lang bệnh viện.
Nhân viên y tế sẽ kiệt sức. Một số sẽ chết.
Họ sẽ phải quyết định cho bệnh nhân nào được thở oxy và bệnh nhân nào phải chết.
Cách duy nhất để ngăn ngừa điều này là thực hiện tăng khoảng cách giao tiếp. Không phải từ ngày mai. Ngay hôm nay.
Điều đó có nghĩa là càng nhiều người ở nhà càng tốt, ngay từ bây giờ.
Là một chính trị gia, người lãnh đạo cộng đồng hoặc lãnh đạo doanh nghiệp, bạn có đủ quyền hạn và trách nhiệm để ngăn ngừa điều này.
Bạn có thể sợ rằng: Có phải tôi đang làm quá mọi việc? Mọi người sẽ chế nhạo tôi? Mọi người sẽ nổi giận với tôi? Tôi có trông như tên ngốc? Chẳng phải tốt hơn là chờ mọi người thực hiện trước? Tôi có làm tổn hại đến kinh tế nhiều không?
Nhưng chỉ trong 2–4 tuần, khi toàn thế giới bị phong tỏa, khi chỉ vài ngày thực hiện tăng khoảng cách giao tiếp quý giá khiến bạn có thể cứu được mạng người, mọi người sẽ không chỉ trích bạn nữa: Họ sẽ cảm ơn bạn vì đã có quyết định đúng.
Chúng ta hãy bắt đầu.
1. Sẽ có bao nhiêu ca nhiễm virus corona ở khu vực của bạn?
Mức tăng theo quốc gia
Tổng số ca nhiễm tăng theo cấp lũy thừa cho đến khi Trung Quốc khống chế được nó. Nhưng khi đó, nó đã lan ra ngoài, và giờ là một đại dịch toàn cầu không ai có thể ngăn chặn được.
Tính đến hôm nay, số ca nhiễm tại Ý, Iran và Hàn Quốc áp đảo:
Có quá nhiều ca nhiễm ở Hàn Quốc, Ý và Iran khiến chúng ta không thể thấy tình hình ở các nước khác, nhưng hãy thử phóng to vào góc phải.
Có hàng tá quốc gia có tỷ lệ tăng cấp lũy thừa. Tính đến hôm nay, phần lớn là các nước phương Tây.
Nếu kiểu tăng số lượng theo cấp lũy thừa thế này tiếp tục chỉ một tuần, đây là điều sẽ xảy ra:
Nếu bạn muốn hiểu điều gì sẽ xảy ra, hoặc cách ngăn ngừa nó, bạn cần phải nhìn vào những ca nhiễm đã xảy ra: Trung Quốc, các nước phương Đông đã có kinh nghiệm về SARS, và Ý.
Trung Quốc
Đây là một trong những biểu đồ quan trọng nhất.
Trong hình, các cột màu cam biểu thị số lượng ca nhiễm chính thức hàng ngày tại tỉnh Hồ Bắc. Nói cách khác, đó là số người được chẩn đoán dương tính vào ngày hôm đó.
Cột màu xám biểu hiện số ca virus corona thực sự hàng ngày. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nhận thấy điều này bằng các hỏi các bệnh nhân khi nào họ xuất hiện các triệu chứng khi thực hiện chẩn đoán.
Một điều cực kỳ quan trọng là những ca bệnh thực sự này không được biết đến vào thời điểm nó xảy ra. Chúng ta chỉ có thể biết được khi nhìn ngược lại: Cơ quan chức năng không thể biết được khi một người chỉ mới xuất hiện triệu chứng. Họ chỉ biết khi có ai đó đến gặp bác sĩ và được chẩn đoán.
Điều đó có nghĩa là các cột màu cam cho thấy những gì cơ quan chức năng biết, và cột xám là những gì thật sự đang xảy ra.
Vào ngày 21 tháng 1, số ca nhiễm được chẩn đoán mới (màu cam) bắt đầu tăng vọt: có khoảng 100 ca nhiễm mới. Trên thực tế, đã có 1.500 ca nhiễm mới vào ngày hôm đó, tăng theo cấp lũy thừa. Nhưng cơ quan chức năng không biết điều đó. Những gì họ biết là đột nhiên có thêm 100 ca bệnh mới mà thôi.
Hai ngày sau đó, cơ quan chức năng phong tỏa Vũ Hán. Vào lúc đó, số lượng ca nhiễm mới được chẩn đoán là khoảng 400. Hãy chú ý con số này: họ ra quyết định đóng cửa thành phố chỉ với 400 ca bệnh mới một ngày. Trên thực tế, có hơn 2.500 ca bệnh mới vào hôm đó, nhưng họ không biết điều đó.
Ngày hôm sau, 15 thành phố khác ở Hồ Bắc đóng cửa.
Cho đến ngày 23 tháng 1, khi Vũ Hán đã bị phong tỏa, bạn có thể nhìn vào cột màu xám: nó đang tăng trưởng theo cấp lũy thừa. Số ca thật đang bùng nổ. Ngay khi Vũ Hán đóng cửa, số ca tăng chậm lại. Vào ngày 24 tháng 1, khi 15 tháng phố khác đóng cửa, số ca thực sự (xin nhắc lại, màu xám) dường như ngưng lại. Hai ngày sau, số ca thực sự đã đạt đến tối đa, và kể từ đó bắt đầu đi xuống.
Hãy để ý số ca màu cam (chính thức) vẫn đang tăng theo cấp lũy thừa: Trong 12 ngày tiếp theo, dường như nó vẫn còn bùng nổ. Nhưng thực ra không phải. Đó chỉ là những ca có triệu chứng rõ ràng hơn và họ đi thăm khám bác sĩ nhiều hơn, và hệ thống để xác định chúng trở nên tốt hơn.
Ý niệm số ca chính thức và số ca thực sự rất quan trọng. Hãy ghi nhớ điều này cho các phần sau.
Phần còn lại của Trung Quốc được chính phủ trung ương điều phối rất tốt, do đó họ đã thực hiện các biện pháp tức thời và quyết liệt. Đây là kết quả:
Tất cả các đường thẳng nằm ngang đều là các khu vực ở Trung Quốc có ca nhiễm virus corona. Mỗi đường thẳng đều có khả năng tăng lũy thừa, nhưng nhờ vào các biện pháp vào cuối tháng 1, tất cả chúng đều ngăn được virus trước khi chúng bị lây lan.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Ý và Iran đã có cả tháng trời để học, nhưng họ đã không học được. Họ bắt đầu có số lượng ca bệnh tăng lũy thừa như Hồ Bắc và vượt qua tất cả các khu vực khác của Tung Quốc vào trước cuối tháng 2.
Các nước phương Đông
Các ca ở Hàn Quốc tăng vọt, nhưng bạn có tự hỏi tại sao Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan hoặc Hồng Kông lại không?
Tất cả các nước này đều đã từng bị SARS tấn công vào năm 2003, và họ đều đã có bài học từ đó. Họ đã học được mức độ lan truyền và chết người của virus này, do đó họ biết và đối phó một cách nghiêm túc. Đó là lý do tại sao biểu đồ của họ, mặc dù bắt đầu tăng từ rất sớm, vẫn không có hình dạng lũy thừa.
Cho đến nay, chúng ta đã có câu chuyện về sự bùng nổ của virus corona, các chính phủ nhận ra nguy cơ, và khống chếchúng. Tuy vậy, đối với các nước còn lại, nó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước khi tôi chuyển chủ đề, một ghi chú về Hàn Quốc: Nước này có lẽ là một ngoại lệ. Virus corona được khống chế trong 30 ca đầu tiên. Bệnh nhân thứ 31 là một trường hợp siêu lây nhiễm, đã lây cho hàng ngàn người khác. Vì virus phát tán trước khi một người bắt đầu có triệu chứng, đến khi cơ quan chức năng nhận ra được vấn đề, virus đã ở khắp nơi. Họ đang phải trả cái giá do một ca nhiễm tạo ra. Tuy nhiên, các nỗ lực khống chế của họ cho thấy hiệu quả: Ý đã vượt qua họ về số ca nhiễm, và Iran sẽ vượt qua nó vào ngày mai (10 tháng 3 năm 2020).
Bang Washington
Bạn đã nhìn thấy sự tăng trưởng ở các nước phương Tây, và những dự đoán rằng chỉ trong một tuần, mọi thứ sẽ trở nên tệ hại đến mức nào. Giờ đây hãy tưởng tượng rằng không có sự khống chế nào như đã có ở Vũ Hán hoặc ở các nước phương Đông, và bạn sẽ nhìn thấy một đại dịch khủng khiếp.
Hãy nhìn vào một số trường hợp, như Bang Washington, Khu vực Vịnh San Francisco, Paris và Madrid.
Bang Washington là Vũ Hán của Trung Quốc. Số lượng ca nhiễm đang tăng theo cấp lũy thừa. Hiện đã có 140 ca.
Nhưng có những điều thú vị xuất hiện từ khá sớm. Tỷ lệ tử vong cao ngất ngưỡng. Có thời điểm, bang có 3 ca nhiễm và 1 ca tử vong.
Chúng ta biết được từ các nơi khác rằng tỷ lệ tử vong của virus corona là khoảng từ 0.5% đến 5% (tôi sẽ đề cập rõ hơn ở dưới). Làm thế nào mà tỷ lệ tử vong có thể lên đến 33%?
Thì ra virus đã lan truyền mà không ai biết trong nhiều tuần. Không phải chỉ có 3 ca. Đó chỉ là các cơ quan chức năng chỉ biết đến 3, và một người trong số họ đã chết là vì khi các triệu chứng càng nặng, khả năng được xét nghiệm của người đó càng cao.
Nó hơi giống như các cột cam và xám ở Trung Quốc: Ở đây họ chỉ biết các cột cam (ca chính thức) và chúng trông thì ổn: chỉ có 3. Nhưng trên thực tế thì có hàng trăm, có thể hàng ngàn ca nhiễm thực sự.
Đây là vấn đề: Bạn chỉ biết đến con số chính thức, không phải con số thực tế. Nhưng bạn cần biết con số thực tế. Làm thế nào có thể dự đoán được con số thực tế? Thì ra, có một vài cách. Và tôi có mô hình cho cả hai, và bạn có thể thử nghiệm với các con số (liên kết trực tiếp đến bản sao mô hình).
Đầu tiên, thông qua số lượng người chết. Nếu bạn có người chết trong khu vực của mình, bạn có thể dùng nó để đoán số ca nhiễm thực sự. Chúng ta biết một cách xấp xỉ mất bao lâu để một người trung bình bắt đầu nhiễm cho đến khi chết (17,3 ngày). Điều đó có nghĩa là một người chết vào ngày 29/2 tại Bang Washington có lẽ đã bị nhiễm vào khoảng ngày 12/2.
Tiếp theo, bạn biết tỷ lệ tử vong. Đối với tình huống này, tôi đang dùng 1% (chúng ta sẽ thảo luận thêm ở dưới). Điều đó có nghĩa là, vào khoảng ngày 12/2, đã có khoảng 100 ca trong khu vực (và dẫn đến 1 ca tử vong 17,3 ngày sau đó).
Bây giờ, dùng số thời gian nhân đôi trung bình của virus corona (thời gian cần có để số ca tăng gấp đôi, trên trung bình). Nó là 6,2. Điều đó có nghĩa là, trong 17 ngày để một người chết, số ca đã nhân lên khoảng 8 lần (=2^(17/6)). Điều đó có nghĩa là, nếu bạn không chẩn đoán được tất cả các ca, một ca chết hôm nay có nghĩa là đang có 800 ca thật sự vào hôm đó.
Hiện nay bang Washington có 22 ca tử vong. Với cách tính nhanh đó, bạn sẽ có khoảng 16.000 ca nhiễm virus corona thực sự vào hôm nay. Nhiều bằng số ca chính thức của Ý và Iran cộng lại.
Nếu chúng ta nhìn vào chi tiết, chúng sẽ nhận thấy 19 trong tổng số ca chết là từ một nhóm, có lẽ nó không bị phát tán rộng rãi. Do đó nếu chúng ta xem 19 ca đó là một, tổng số ca tử vong tổng cộng trong bang là 4. Cập nhật lại mô hình với con số này sẽ có ra khoảng 3.000 ca hiện tại.
Cách tiếp cận này của Trevor Bedford nhìn vào chính virus và các biến thể của nó để đánh giá số ca nhiễm hiện tại.
Kết luận là hiện tại có thể có khoảng 1.000 ca ở bang Washington.
Không có cách tiếp cận nào là hoàn hảo, nhưng chúng đều chỉ đến chung một thông điệp: Chúng ta không biết số lượng ca nhiễm thực tế, nhưng nó cao hơn nhiều so với số ca chính thức. Nó không phải là hàng trăm. Nó là hàng ngàn, thậm chí còn hơn.
Khu vực vịnh San Francisco
Cho đến ngày 8/3, Khu vực vịnh chưa có ca tử vong nào. Điều này khiến chúng ta khó biết có bao nhiêu ca nhiễm thực sự. Con số chính thức công bố là 86 ca. Nhưng số lượng người được kiểm tra ở Mỹ đang rất thấp so với nhu cầu. Nước này đã quyết định làm thêm bộ thử, để rồi nó không có tác dụng.
Dưới đây là số lượng người được xét nghiệm tại các nước khác nhau cho đến ngày 3 tháng 3:
Thổ Nhĩ Kỳ, nơi không có ca nhiễm nào, có số lượng xét nghiệm trên đầu người nhiều gấp 10 lần nước Mỹ. Đến nay, tình hình vẫn không tốt hơn là mấy, mới có khoảng 8000 lượt xét nghiệm được thực hiện tại Mỹ, có nghĩa là khoảng 4000 người được xét nghiệm.
Ở đây, bạn chỉ có thể sử dụng số ca chính thức để ước tính số ca thực tế. Làm cách nào để tìm? Đối với Khu vực vịnh, họ đã xét nghiệm tất cả những người đã đi đến nơi khác hoặc có tiếp xúc với người đã đi đến nơi khác, có nghĩa là họ biết được phần lớn các ca lây nhiễm do có liên hệ với sự đi lại, nhưng không có ca lây nhiễm cộng đồng nào. Bằng cách đánh giá mức độ lây nhiễm cộng đồng so với lây nhiễm do đi lại, bạn có thể biết được có bao nhiêu ca nhiễm thực sự.
Tôi nhìn vào tỷ lệ của Hàn Quốc, vì có rất nhiều dữ liệu. Cho đến khi họ có 86 ca, số % lây nhiễm cộng đồng là 86% (86 và 86% chỉ là trùng hợp).
Với con số đó, bạn có thể tính con số ca thực tế. Nếu Khu vực vịnh có 86 ca vào hôm nay, có khả năng cao là con số thực sự là khoảng 600.
Pháp và Paris
Pháp tuyên bố có 1.400 ca vào hôm nay và 30 tử vong. Dùng hai phương pháp ở trên, chúng ta có được khoảng dự đoán số ca: giữa 24.000 và 140.000.
Con số ca nhiễm corona virus thực sự ở Pháp hôm nay có thể là từ 24.000 đến 140.000.
Để tôi nhắc lại: con số ca thực sự ở Pháp có khả năng là từ gấp 10 đến gấp 100 lần con số được báo cáo chính thức.
Bạn không tin tôi? Hãy nhìn vào biểu đồ ở Vũ Hán một lần nữa.
Nếu bạn nhập các cột màu cam cho đến ngày 22 tháng 1, bạn sẽ có 444 ca. Bây giờ cộng dồn tất cả các cột màu xám. Chúng cộng thành khoảng 12.000 ca. Do đó khi Vũ Hán cho rằng họ có 444 ca, nó thực ra cao gấp 27 lần. Nếu Pháp cho rằng họ có 1.400 ca, nó thể sẽ có đến hàng chục ngàn ca.
Cách tính toán tương tự có thể áp dụng cho Paris. Với khoảng 30 ca trong thành phố, số ca thực sự có khả năng vào hàng trăm, có thể hàng ngàn. Với 300 ca tại vùng Ile-de-France, tổng số ca ở vùng này có đã vượt qua hàng chục ngàn ca rồi.
Tây Ban Nha và Madrid
Tây Ban Nha có con số tương đồng với Pháp (1.200 ca so với 1.400, và đều có 30 ca tử vong). Điều đó có nghĩa là cách tính toán cũng tương tự: Tây Ban Nha có lẽ đã có khoảng 20 ngàn ca.
Ở vùng Comunidad de Madrid, với 600 ca chính thức và 17 ca tử vong, con số ca thực sự có khả năng là từ 10.000 đến 60.000.
Nếu bạn đọc các dữ liệu này và nói: “Không thể nào, nó không thể đúng được”, thì hãy nghĩ thế này: Với con số ca nhiễm này, Vũ Hán đã được phong tỏa rồi.
Với số ca nhiễm chúng ta đang thấy ở các nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Iran, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển hay Thụy Sỹ, Vũ Hán đã được phong tỏa rồi.
Và nếu bạn nghĩ: “Hồ Bắc cũng chỉ là một vùng thôi mà”, hãy để tôi nhắc lại với bạn rằng tỉnh này có gần 60 triệu dân, lớn hơn cả Tây Ban Nha và gần bằng Pháp.
2. Điều gì sẽ xảy ra khi các ca nhiễm virus corona này được phát hiện?
Như vậy virus corona đã ở đây rồi. Nó đang ẩn mình, và nó đang phát triển theo cấp lũy thừa.
Điều gì sẽ xảy ra tại nước của bạn khi nó bùng lên? Rất dễ biết, vì chúng ta đã có một nơi xảy ra chuyện này. Ví dụ tốt nhất là Hồ Bắc và Ý.
Tỷ lệ tử vong
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trích tỷ lệ tử vong là 3,4% (phần trăm số người tử vong sau khi đã nhiễm virus corona). Con số này không rõ ngữ cảnh do đó hãy để tôi giải thích.
Nó hoàn toàn phụ thuộc vào quốc gia và thời điểm: từ 0,6% tại Hàn Quốc đến 4,4% tại Iran. Vậy nó là gì? Chúng ta có thể dùng một mẹo để tìm ra nó.
Có hai cách bạn có thể tính tỷ lệ tử vong là Số tử vong/Tổng số ca và Số tử vong/Tổng số khỏi bệnh hoặc chết. Con số đầu rất có thể sẽ tính thấp hơn thực tế, vì nhiều ca hiện tại có thể sẽ chết. Con số thứ hai có thể sẽ cao hơn thực tế, vì rất có thể thời gian chết nhanh hơn thời gian phục hồi.
Những gì tôi làm là nhìn vào cách cả hai phát triển theo thời gian. Cả hai con số đều sẽ tịnh tiến về cùng kết quả một khi toàn bộ các ca đều đã phục hồi hoặc chết, do đó nếu bạn chiếu xu hướng trong quá khứ vào tương lai, bạn có thể đoán được tỷ lệ tử vong cuối cùng là gì.
Đây là cái bạn nhìn thấy trong dữ liệu. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc hiện nay vào khoảng từ 3,6% đến 6,1%. Nếu bạn chiếu nó vào tương lai, nó dường như tịnh tiến về khoảng từ 3,8–4%. Nó gấp đôi con số ước tính hiện tại, và 30 lần tệ hơn cúm.
Tuy vậy, nó bao gồm hai thực tế hoàn toàn khác nhau: Hồ Bắc và phần còn lại của Trung Quốc.
Tỷ lệ tử vong của Hồ Bắc có thể sẽ tịnh tiến về 4,8%. Trong khi đó, ở phần còn lại của Trung Quốc, nó rất có thể là khoảng 0,9%:
Tôi cũng vẽ biểu đồ con số ở Iran, Ý và Hàn Quốc, những nước có đủ số lượng tử vong để làm cho con số có lý.
Tỷ lệ Số tử vong / Tổng số ca của Iran và Ý đều đang tịnh tiến về khoảng từ 3%-4%. Dự đoán của tôi là con số này sẽ kết thúc vào khoảng con số đó.
Hàn Quốc là ví dụ thú vị nhất, vì hai con số này hoàn toàn tách rời: số chết / tổng số ca chỉ là 0,6% nhưng số chết / số phục hồi hoặc chết là con số khủng khiếp 48%. Cách giải thích của tôi đó là có một số điều đặc biệt xảy ra ở đó. Đầu tiên, họ xét nghiệm tất cả mọi người (với quá nhiều số ca đang nhiễm, tỷ lệ chết có vẻ thấp), và khiến cho số ca đang nhiễm dài hơn (để họ có thể kết thúc ca nhiễm nhanh chóng khi bệnh nhân chết). Thứ hai, họ có rất nhiều giường bệnh (xem biểu đồ 17.b). Cũng có thể có những lý do khác mà chúng ta không biết. Điều đáng nói ở đây là tỷ lệ chết/ca bệnh thay đổi khoảng 0,5% từ khi bắt đầu, cho thấy nó sẽ dừng ở đó, rất có thể bị ảnh hưởng lớn bởi hệ thống y tế và cách xử lý khủng hoảng.
Ví dụ đáng nói cuối cùng là du thuyền Diamond Princess: với 706 ca nhiễm, 6 tử vong và 100 phục hồi, tỷ lệ tử vong là từ 1% đến 6,5%.
Chú ý rằng phân bố độ tuổi tại mỗi nước cũng có ảnh hưởng: Vì khả năng tử vong là cao hơn nhiều ở người cao tuổi, những nước có dân số già như Nhật Bản, về mặt bình quân, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn các nước có dân số trẻ như Nigeria. Cũng có các yếu tố về thời tiết, đặc biệt là độ ẩm và nhiệt độ, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ nó có tác động gì đến việc truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong.
Đây là những điều bạn có thể kết luận:
- Loại những yếu tố vừa kể ra, những nước có sự chuẩn bị sẽ có tỷ lệ tử vong khoảng 0,5% (Hàn Quốc) đến 0,9% (phần còn lại của Trung Quốc).
- Những nước bị quá tải sẽ có tỷ lệ tử vong khoảng 3% đến 5%
Nói cách khác: Những nước hành động nhanh có thể giảm số lượng người chết được 10 lần. Và đó chỉ là tính tỷ lệ tử vong. Hành động nhanh còn giảm đáng kể số ca bệnh, khiến cho cách làm này là điều đương nhiên phải làm.
Những nước hành động nhanh có thể giảm số lượng tử vong tối thiểu là 10 lần.
Vậy một quốc gia cần chuẩn bị điều gì?
Những áp lực lên hệ thống
Khoảng 20% số ca bệnh cần phải nhập viện, 5% số ca cần Hồi sức Tích cực (ICU), và khoảng 2,5% cần chăm sóc tích cực, với những thiết bị như máy thở hoặc ECMO (extra-corporeal oxygenation, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể).
Vấn đề ở chỗ những thiết bị như máy thở và ECMO không thể sản xuất hoặc mua một cách dễ dàng. Vài năm trước, Mỹ có tổng cộng 250 máy ECMO chẳng hạn.
Do đó nếu bạn đột ngột có 100.000 người nhiễm, nhiều người trong số họ sẽ cần phải đi xét nghiệm. Khoảng 20.000 người sẽ cần nhập viện, 5.000 người cần ICU, và 1.000 người cần số lượng máy mà hiện nay chúng ta không có đủ. Và đó là chỉ mới có 100.000 ca.
Đó là khi chưa tính tới các vấn đề như khẩu trang. Một nước như Hoa Kỳ chỉ có 1% số lượng khẩu trang cần thiết để dùng cho các nhân viên y tế (12 triệu N95, 30 triệu phẫu thuật so với 3,5 tỷ cần có). Nếu có nhiều ca xuất hiện một lần, số khẩu trang chỉ đủ dùng trong 2 tuần.
Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Singapore, cũng như các khu vực ở Trung Quốc bên ngoài Hồ Bắc, đã có sự chuẩn bị và có sự chăm sóc mà bệnh nhân cần.
Nhưng phần còn lại ở các nước phương Tây thì lại đang đi theo dấu chân của Hồ Bắc và Ý. Điều gì đang xảy ra ở đó?
Khi một hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải
Câu chuyện xảy ra ở Hồ Bắc và ở Ý bắt đầu giống nhau đến kỳ lạ. Hồ Bắc đã xây dựng hai bệnh viện trong 2 ngày, nhưng thậm chí khi đó, nó vẫn hoàn toàn bị quá tải.
Cả hai đều than phiền rằng các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân. Họ phải được điều trị ở bất cứ nơi nào có thể: ở lối đi, phòng chờ…
Các nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ hàng giờ liền, vì không đủ đồ cho họ thay. Kết quả là họ không được rời khu vực lây nhiễm trong nhiều giờ liền. Khi họ rời đi, họ gục ngã, thiếu nước và kiệt sức. Không còn khái niệm ca trực. Những người đã về hưu phải trở lại làm việc vì thiếu người. Những người không biết đến nghề y tá phải được huấn luyện trong một đêm để thực hiện những vai trò tối quan trọng. Tất cả mọi người đều túc trực, luôn luôn như vậy.
Đó là như vậy, cho đến khi họ đổ bệnh. Việc này xảy ra rất nhiều, vì họ phải phơi nhiễm liên tục với virus, mà không có đủ đồ bảo hộ. Khi điều đó xảy ra, họ cần phải được cách ly trong 14 ngày, và họ không giúp được ai trong lúc đó. Tình huống tốt nhất là họ mất đi 2 tuần. Tình huống xấu nhất, họ chết.
Tồi tệ nhất là ở khu vực ICU, nơi bệnh nhân phải dùng chung máy thở hoặc ECMO. Những thứ này thực tế là không thể chia sẻ được, do đó nhân viên y tế phải quyết định bệnh nhân nào được dùng nó. Điều đó thực sự có nghĩa là, một người được sống và một người phải chết.
“Sau một vài ngày, chúng tôi phải lựa chọn. […] Không phải ai cũng được gắn ống thở. Chúng tôi quyết định dựa trên tuổi tác và tình trạng sức khỏe.” — Christian Salaroli, bác sĩ Ý.
Tất cả đó là thứ khiến cho tỷ lệ tử vong là gần 4% thay vì 0.5%. Nếu bạn muốn thành phố hoặc đất nước của bạn là một phần với con số 4%, đừng làm gì cả.
3. Bạn nên làm gì?
Giãn đường cong
Giờ đây nó đã là đại dịch toàn cầu. Nó không thể bị loại trừ. Nhưng chúng ta có thể làm điều gì đó để giảm sự ảnh hưởng của nó.
Một số nước rất xuất sắc trong việc này. Nước tốt nhất là Đài Loan, có mối quan hệ cực kỳ khắng khít với Trung Quốc những chỉ có chưa đến 50 ca. Một bài báo mới đây giải thích tất cả các biện pháp mà họ đã thực hiện từ sớm, đều chú trọng đến việc khống chế.
Họ đã có thể khống chế nó, nhưng phần lớn các nước đều thiếu khả năng và đã không làm được. Giờ đây, họ đang chơi một trò chơi khác: giảm thiểu. Họ cần làm cho virus gây càng ít tổn hại càng tốt.
Nếu chúng ta giảm số lượng lây nhiễm càng nhiều càng tốt, hệ thống y tế của chúng ta sẽ có thể xử lý các ca nhiễm tốt hơn, khiến tỷ lệ tử vong giảm đi. Và, nếu chúng ta lây bệnh từ từ, chúng ta sẽ đạt đến điểm mà toàn bộ xã hội sẽ có thể được tiêm vắc-xin, loại bỏ nguy cơ hoàn toàn. Do đó mục tiêu của chúng ta không phải là loại trừ sự lây nhiễm virus corona. Mà đó là trì hoãn chúng.
Chúng ta càng trì hoãn các ca bệnh được bao nhiêu, thì hệ thống y tế sẽ có thể hoạt động được tốt bất nhiêu, làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, và làm tăng phần trăm dân số được tiêm vắc-xin trước khi bị nhiễm.
Vậy làm cách nào để làm giãn đường cong?
Tăng khoảng cách giao tiếp
Có một thứ cực kỳ đơn giản chúng ta có thể làm và có hiệu quả: tăng khoảng cách giao tiếp.
Nếu bạn trở lại với biểu đồ ở Vũ Hán, bạn sẽ nhớ rằng ngay khi có lệnh phong tỏa, số ca nhiễm đã giảm xuống. Đó là vì mọi người không tương tác với nhau, và virus không thể lan truyền.
Các nhà khoa học hiện thống nhất rằng virus này có thể được lan truyền trong vòng 2 mét (6 feet) nếu một người ho. Khi không dính ai, nó chỉ rơi xuống đất và không làm lây cho ai.
Sự truyền nhiễm tệ nhất là qua bề mặt: Virus sống sót tối đa 9 ngày tại các bề mặt khác nhau như kim loại, men sứ hay nhựa. Điều đó có nghĩa là những thứ như nắm đấm cửa, bàn ghế, hoặc nút bấm thang máy có thể là yếu tố lây nhiễm tồi tệ.
Cách duy nhất để thực sự giảm thiểu điều này là tăng khoảng cách giao tiếp: Để mọi người ở nhà càng nhiều càng tốt, càng lâu càng tốt, cho đến khi tình hình dịu bớt.
Điều này đã được chứng minh trong quá khứ. Cụ thể là đại dịch cúm năm 1918.
Bài học từ Đại dịch cúm 1918
Bạn có thể thấy cách Philadelphia đã không phản ứng đủ nhanh, và có cột tỷ lệ tử vong cao ngất ngưởng. Hãy so sánh với St Louis, nơi hành động nhanh.
Sau đó hãy nhìn vào Denver, nơi thực hiện các biện pháp đã nói nhưng sau đó nới lỏng chúng. Họ có hai đỉnh, với cái sau cao hơn cái trước.
Nếu tổng quát hóa, bạn sẽ thấy:
Biểu đồ này cho thấy, trong dịch cúm 1918 tại Mỹ, khác biệt về số lượng người chết của các thành phố tỷ lệ với tốc độ thực hiện các biện pháp. Ví dụ, một thành phố như St Louis đã thực hiện biện pháp 6 ngày trước Pittsburgh, và có tỷ lệ chết ít hơn một nửa. Về mặt trung bình, thực hiện biện pháp sớm được 20 ngày tương ứng với một nửa tỷ lệ chết.
Ý cuối cùng đã nhận ra điều này. Họ đã phong tỏa Lombardy vào Chủ Nhật, và một ngày sau, vào thứ hai, họ nhận ra sai lầm và quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước.
Hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy kết quả trong những ngày tới. Tuy nhiên, sẽ phải mất 1 đến 2 tuần để thấy được điều này. Hãy nhớ biểu đồ Vũ Hán: phải mất 12 ngày từ khi phong tỏa cho đến khi số ca chính thức (cột màu cam) bắt đầu giảm.
Các chính trị gia giúp được gì trong việc tăng khoảng cách giao tiếp?
Câu hỏi mà các chính trị gia đang tự hỏi hôm nay không phải là họ có nên làm điều gì đó hay không, mà phải cần làm hành động phù hợp nào.
Có một số giai đoạn để khống chế một dịch bệnh, bắt đầu bằng việc dự đoán và kết thúc bằng việc thanh tẩy. Nhưng đã quá trễ để áp dụng phần lớn các lựa chọn. Với mức độ ca nhiễm hiện tại, chỉ có hai lựa chọn ở trước mặt các chính trị gia, đó là khống chế và giảm thiểu.
Khống chế
Khống chế là đảm bảo tất cả các trường hợp đều được xác định, quản lý, và cô lập. Đó là những gì Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản hay Đài Loan đang làm rất tốt: Họ nhanh chóng hạn chế người vào nước, xác định người bệnh, lập tức cô lập họ, dùng thiết bị bảo hộ tối đa để bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế, lần theo những người đã tiếp xúc, cách ly họ… Nó hoạt động cực kỳ hiệu quả khi bạn có sự chuẩn bị và bạn thực hiện nó sớm, và không cần ngưng cả nền kinh tế để thực hiện điều đó.
Tôi đã nhắc đến cách làm của Đài Loan. Nhưng cách của Trung Quốc cũng tốt. Mức độ họ đã làm để khoanh vùng virus vẫn làm tôi thật sự kinh ngạc. Ví dụ, họ đã có 1.800 nhóm 5 người chịu trách nhiệm truy tìm từng người nhiễm một, tất cả những người đã tiếp xúc, rồi đến những người đã tiếp xúc với người đó, và cách ly toàn bộ. Đó là cách giúp họ có thể khống chế được virus tại đất nước tỷ dân.
Đó không phải là điều các nước phương Tây đã làm. Và giờ thì đã quá trễ. Thông báo của Mỹ gần đây ngưng các chuyến bay từ châu Âu là một biện pháp khống chế của một đất nước, tính đến nay, có số nhiễm gấp 3 lần Hồ Bắc khi nó đóng cửa, và đang tăng theo cấp lũy thừa. Làm thế nào chúng ta biết như vậy là đủ hay chưa? Thì ra là chúng ta có thể biết bằng cách nhìn vào lệnh cấm đi lại của Vũ Hán.
Biểu đồ này cho thấy tầm ảnh hưởng của lệnh cấm đi lại của Vũ Hán trong việc trì hoãn bệnh dịch. Kích thước quả bóng là số ca nhiễm hàng ngày. Hàng đầu tiên là các ca nhiễm nếu không làm gì cả. Hai hàng sau là mức ảnh hưởng nếu 40% và 90% lệnh cấm bị hủy. Đây là mô hình của các nhà dịch tễ học tạo ra, vì chúng ta không thể biết chắc điều gì.
Nếu bạn không nhìn thấy khác biệt, bạn đang đúng. Rất khó để thấy sự khác biệt nào trong sự phát triển của bệnh dịch.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, rốt cuộc, lệnh cấm đi lại của Vũ Hán chỉ trì hoãn sự lây lan được từ 3–5 ngày.
Bây giờ các nhà nghiên cứu nghĩ gì về tác động của việc giảm thiểu lây truyền?
Khối trên cùng giống như cái bạn đã thấy trước đó. Hai khối sau cho thấy tỷ lệ lan truyền giảm dần. Nếu tỷ lệ lan truyền giảm được 25% (thông qua tăng khoảng cách giao tiếp), nó sẽ làm giãn đường cong và trì hoãn đỉnh trong 14 tuần. Với mức độ giảm lan truyền 50%, thì bạn thậm chí không thấy đỉnh của dịch bệnh trong khung thời gian 3 tháng.
Lệnh cấm di chuyển châu Âu của chính quyền Mỹ là tốt: Nó có thể giúp chúng ta được vài giờ đồng hồ, có thể một hoặc hai ngày. Nhưng không hơn. Nó là chưa đủ. Nó là sự khống chế trong khi cái cần thiết bây giờ là giảm thiểu.
Một khi có hàng trăm hay hàng ngàn ca bệnh phát triển trong người dân, ngăn người đến, lần tìm người đang bệnh và cô lập những người có tiếp xúc với họ không còn đủ. Mức tiếp theo là giảm thiểu.
Giảm thiểu
Giảm thiểu cần phải có sự tăng khoảng cách giao tiếp. Mọi người cần ngưng gặp gỡ để giảm mức lây nhiễm (R), từ R=~2–3 khi không có biện pháp gì, đến xuống dưới 1, để cuối cùng thì mất hẳn.
Những biện pháp này đòi hỏi phải đóng cửa công ty, cửa hiệu, phương tiện công cộng, trường học, buộc phong tỏa… Tình huống càng tệ thì sự gia tăng khoảng cách giao tiếp càng tệ. Bạn càng sớm có biện pháp mạnh bao nhiêu, thì thời gian bạn cần để duy trì các biện pháp này càng ngắn lại, việc xác định các trường hợp ủ bệnh càng dễ hơn, và số người bị mắc bệnh sẽ ít đi.
Đây là những gì Vũ Hán đã phải làm. Đây là những gì Ý buộc phải chấp nhận. Vì khi virus lan tràn, biện pháp duy nhất là phải đóng toàn bộ các khu vực lây nhiễm để ngăn sự lây lan ngay lập tức.
Với hàng ngàn ca bệnh chính thức — và hàng chục ngàn ca bệnh thực sự — đây là những gì các nước như Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sỹ hay Mỹ cần phải làm.
Nhưng họ không làm điều đó.
Một số doanh nghiệp cho phép làm việc từ nhà, điều đó thật tuyệt vời.
Một số sự kiện đông người đã được hủy.
Một số khu vực nhiễm bệnh đã được tự cách ly.
Tất cả các biện pháp này sẽ làm chậm virus lại. Chúng sẽ làm giảm mức lây nhiễm từ 2,5 xuống 2,2, có thể là 2. Nhưng chúng không đủ để giúp chúng ta xuống dưới 1 để có đủ thời gian ngăn chặn dịch bệnh. Và nếu chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta cần phải làm cho nó gần 1 càng lâu càng tốt, để làm giãn đường cong.
Vì vậy câu hỏi trở thành: Điều gì chúng ta phải đánh đổi để làm giảm R? Đây là công thức mà Ý đã làm cho chúng ta thấy:
- Không ai được ra hoặc vào khu vực phong tỏa, trừ khi đó là người thân có bằng chứng hoặc vì công việc.
- Tránh đi lại bên trong các khu vực này, trừ khi điều đó là xác đáng do việc cá nhân hoặc công việc khẩn cấp và không thể trì hoãn.
- Những người có triệu chứng (nhiễm trùng đường hô hấp và sốt) đều “được khuyến cáo” ở nhà.
- Ngưng thời gian nghỉ phép tiêu chuẩn của các nhân viên y tế
- Đóng cửa toàn bộ cơ sở giáo dục, phòng tập thể thao, bảo tàng, khu trượt tuyết, trung tâm văn hóa và xã hội, bể bơi, và rạp hát.
- Các quán bar và nhà hàng hạn chế giờ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, với khoảng cách tối thiểu giữa mỗi người là 1 mét (khoảng 3 feet).
- Tất cả các quán rượu và hộp đêm phải đóng cửa.
- Toàn bộ các hoạt động thương mại phải có khoảng cách 1 mét giữa các khách hàng. Những nơi nào không làm được vậy phải đóng cửa. Đền chùa có thể mở cửa miễn là đảm bảo được khoảng cách.
- Thăm viếng gia đình và bạn bè trong bệnh viện bị hạn chế
- Các cuộc họp công việc phải trì hoãn. Làm việc từ nhà được khuyến khích.
- Tất cả các sự kiện và thi đấu thể thao, công hay tư, đều hủy. Các sự kiện quan trọng có thể diễn ra không khán giả.
Hai ngày sau, họ bổ sung: “Không, bạn cần phải đóng cửa doanh nghiệp nào không quan trọng. Do đó chúng ta đã đóng cửa toàn bộ các hoạt động thương mại, văn phòng, quán xá và cửa hiệu. Chỉ có giao thông vận tải, nhà thuốc, chợ búa là vẫn mở cửa.”
Một cách tiếp cận là tăng dần các biện pháp. Thật không may, nó sẽ cho virus thời gian quý báu để lan truyền. Nếu bạn muốn an toàn, hãy làm theo cách Vũ Hán. Mọi người có thể than phiền vào lúc này, nhưng họ sẽ cảm ơn bạn về sau.
Lãnh đạo doanh nghiệp có thể làm gì cho Tăng khoảng cách Giao tiếp?
Nếu bạn là chủ doanh nghiệp và bạn muốn biết bạn nên làm gì, tài nguyên tốt nhất cho bạn là Câu lạc bộ Ở nhà.
Nó là danh sách các quy định về tăng khoảng cách giao tiếp mà các công ty công nghệ Mỹ đã thực hiện — đến nay là 328.
Chúng từ cho phép cho đến bắt buộc làm việc tại nhà, và hạn chế thăm viếng, du lịch, hoặc sự kiện.
Có nhiều thứ mà các công ty cần xác định, như phải làm gì với nhân viên tính lương theo giờ, có mở cửa văn phòng hay không, làm sao để thực hiện phỏng vấn, phải làm gì với căn tin… Nếu bạn muốn biết cách công ty của tôi, Course Hero, đang xử lý mọi việc, cùng với thông báo mẫu cho nhân viên của bạn, đây là một mẫu mà công ty tôi sử dụng (bản không sửa được ở đây).
4. Khi nào?
Rất có thể đến lúc này bạn đã đồng ý với những điều tôi nói, và chỉ đang phân vân khi nào thì nên bắt đầu quyết định. Nói cách khác, điều gì sẽ kích hoạt những hành động cần thực hiện.
Mô hình kích hoạt dựa trên nguy cơ
Để giải quyết điều này, tôi đã tạo ra một mô hình (liên kết để chép).
Nó cho phép bạn đánh giá con số ca bệnh có thể có trong khu vực của bạn, xác suất nhân viên của bạn có thể đã mắc bệnh, cách nó tiến triển theo thời gian, và mức độ nào thì bạn vẫn có thể mở cửa doanh nghiệp được.
Nó nói với chúng ta những điều như:
- Nếu công ty của bạn có 100 nhân viên tại khu vực bang Washington, nơi có 11 ca tử vong vào ngày 8/3, có 25% khả năng ít nhất một nhân viên của bạn đã bị nhiễm, và bạn nên đóng cửa lập tức.
- Nếu công ty của bạn có 250 nhân viên đa số ở Vịnh phía nam (quận San Mateo và Santa Clara, tổng cộng có 22 ca chính thức vào ngày 8/3 và con số thực tế có thể vào khoảng ít nhất 54), đến ngày 9/3 bạn sẽ có khoảng 2% cơ hội là ít nhất một nhân viên của bạn bị nhiễm, và bạn cũng nên đóng cửa văn phòng.
- [Cập nhật ngày 12/3] Nếu công ty của bạn ở Paris (intramuros), và có 250 nhân viên, hiện nay có 95% khả năng là một trong các nhân viên của bạn đã nhiễm virus corona, và bạn nên đóng cửa văn phòng vào ngày mai.
Mô hình sử dụng các tên gọi như “công ty” và “nhân viên”, nhưng mô hình có thể dùng được cho những thứ khác: trường học, phương tiện công cộng… Do đó nếu bạn chỉ có 50 nhân viên ở Paris, nhưng tất cả họ đều đi làm bằng tàu, gặp gỡ hàng ngàn người khác, đột nhiên khả năng có ít nhất một người bị nhiễm sẽ cao hơn nhiều và bạn cần đóng cửa công ty lập tức.
Nếu bạn đang chần chừ vì không ai có triệu chứng, nhớ rằng 26% sự lây nhiễm xảy ra trước khi xảy ra triệu chứng.
Bạn có phải là một phần của nhóm lãnh đạo?
Toán học rất ích kỷ. Nó nhìn vào tất cả các nguy cơ của công ty theo từng thứ một, nhận lấy càng nhiều nguy cơ mà chúng ta muốn cho đến khi ngọn rìu virus corona bổ xuống buộc bạn phải lần lượt đóng cửa văn phòng.
Nhưng nếu bạn là một phần của nhóm lãnh đạo hoặc chính trị gia, sự tính toán của bạn không phải chỉ cho một công ty, mà cho toàn bộ. Bài toán trở thành: Khả năng có bất cứ một trong các công ty của bạn bị nhiễm là bao nhiêu? Nếu bạn là một nhóm 50 công ty, mỗi công ty có trung bình 250 nhân viên, ở khu vực Vịnh San Francisco, có 35% cơ hội ít nhất một trong các công ty của bạn có nhân viên bị nhiễm, và 97% cơ hội nó sẽ trở thành hiện thực vào tuần tới, Tôi đã thêm một tab trong mô hình để bạn có thể thử nghiệm.
Kết luận: Cái giá của sự chờ đợi
Bạn có thể sẽ cảm thấy sợ hãi để quyết định vào hôm nay, nhưng bạn không nên nghĩ về nó như vậy.
Mô hình lý thuyết này cho thấy các cộng đồng khác nhau: một không thực hiện các biện pháp tăng khoảng cách giao tiếp, một có thực hiện vào Ngày n của dịch bệnh, cái còn lại là Ngày n + 1. Tất cả các con số đều là giả thuyết (tôi chọn chúng để mô phỏng những gì đã xảy ra ở Hồ Bắc , với khoảng 6000 ca mới mỗi ngày ở đỉnh). Chúng ở đó để minh họa tầm quan trọng của một ngày đối với những thứ tăng trưởng theo cấp lũy thừa. Bạn có thể thấy rằng trì hoãn một ngày có đỉnh muộn hơn và cao hơn, nhưng số ca mỗi ngày rồi cũng tịnh tiến về 0.
Nhưng còn tổng số ca thì sao?
Trong mô hình lý thuyết này cũng mô phỏng theo Hồ Bắc, chờ đợi chỉ 1 ngày tạo thêm 40% ca nhiễm! Do đó có lẽ nếu các quan chức Hồ Bắc tuyên bố phong tỏa vào ngày 22/1 hay vì 23/1, con số cảm nhiễm có thể giảm đi đến 20 ngàn ca..
Và nhớ rằng, đây chỉ mới là ca bệnh. Tỷ lệ tử vong còn cao hơn, vì không chỉ là con số 40% ca tử vong nhiều hơn. Nó còn là sự sụp đổ của hệ thống y tế, dẫn đến tỷ lệ tử vong có thể cao hơn đến 10 lần như chúng ta đã thấy. Do đó chỉ chậm một ngày thực hiện biện pháp tăng khoảng cách giao tiếp có thể dẫn đến sự bùng nổ số người chết trong cộng đồng của bạn với con số bệnh tăng theo cấp số nhân và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đây là một nguy cơ mang tính lũy thừa. Mỗi ngày đều rất quan trọng. Khi bạn trì hoãn quyết định chỉ một ngày, bạn không phải chỉ đang góp một vài ca bệnh. Có thể đã có hàng trăm hoặc hàng ngàn ca bệnh trong cộng đồng của bạn. Mỗi ngày khi không thực hiện tăng khoảng cách giao tiếp, những ca này sẽ tăng theo cấp lũy thừa.
Hãy chia sẻ
Đây có lẽ là lần duy nhất trong thập kỷ vừa rồi mà chia sẻ bài viết có thể cứu được mạng người. Họ cần phải hiểu điều này để ngăn chặn thảm họa. Thời điểm hành động là ngay chính lúc này.