Tiền điện tử vs Tiền mã hoá trong một hệ thống tài chính mới

Kha Nguyen
TomoChain
Published in
13 min readMar 28, 2020

Bài viết này là mở rộng thêm về mặt ứng dụng của blockchain được đề cập trong một bài viết trước đây của tôi: Một đề xuất về Thiết kế Blockchain Quốc gia. Với giả thiết rằng chúng ta thiết lập được một blockchain như vậy vận hành bởi các tập đoàn lớn, ngân hàng và nhà nước để phục vụ cho những mục đích thiết yếu của một quốc gia, ứng dụng đầu tiên thiết thực nhất của nó là đồng tiền mã hoá của quốc gia đó.

Gần đây tôi đọc được một nghiên cứu của Christian Barontini và Henry Holden về khảo sát quá trình áp dụng tiền mã hoá của ngân hàng trung ương tại 63 quốc gia, cùng với một bài phân tích của anh Trần Hùng Sơn về tiềm năng tiền mã hoá tại Việt Nam. Cả hai bài viết trên đều đưa ra cái nhìn thận trọng và ít điểm sáng về Tiền mã hoá, tuy nhiên cũng đều chưa đưa ra được chi tiết của mô hình đó. Vì vậy rất mong bài viết này của tôi cung cấp thêm nhiều chi tiết cho bạn đọc quan tâm để cùng suy nghĩ.

Tiền điện tử

Hãy bắt đầu từ nhận định cơ bản rằng tiền không phải chỉ là những tờ giấy bạn có trong ví. Những tờ giấy đó của bạn được in tại Nhà Máy In Tiền Quốc Gia (NBPP) nằm ở Cầu Giấy, Hà Nội, và nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng Tiền có trong xã hội, và tất nhiên nó không phản ánh đúng thực chất về hệ thống tiền tệ. Ngành ngân hàng có chia ra các loại tiền từ Narrow money (M0, M1) đến Broad Money (M2, M3, M4) gồm tiền giấy và những tài sản khác có thể quy đổi nhanh sang tiền giấy. Trên thực tế số lượng tiền mặt lưu thông (M0) ở Việt Nam có khoảng 1 triệu tỉ đồng (TradingEconomics, 2018), tương đương khoảng 46.5 tỉ USD, bằng khoảng 19% GDP 2018, còn lại 81% tiền trong xã hội tồn tại ở những dạng khác.

Một dạng khác phổ biến chính là số tiền gửi tiết kiệm hoặc số dư trong tài khoản ngân hàng. Bạn có thể đổi những số dư tài khoản đó ra tiền mặt thông qua ATM hay vào chi nhánh ngân hàng, nhưng hầu như không mấy khi bạn rút toàn bộ ra tiền mặt, trừ những trường hợp khẩn cấp. Chúng ta hãy gọi những đồng tiền này là tiền điện tử.

Như vậy những khoản tiền bạn đang có trong các ứng dụng ebanking, mobile banking, credit card là những dạng tiền điện tử khác nhau được quản lý bởi Ngân hàng bạn đang mở tài khoản. Để tham gia hệ thống ngân hàng trong nước, những ngân hàng thương mại này buộc phải mở tài khoản và đồng bộ số dư tại Ngân hàng Nhà Nước để NHNN từ đó ra quyết định điều tiết chính sách tiền tệ. Vì vậy nên cũng có thể gọi NHNN là ngân hàng của các ngân hàng. Sơ đồ rất cơ bản như sau:

Đây là điểm mấu chốt: mọi đồng tiền điện tử bạn có đều được quản lý bởi một ngân hàng thương mại nào đó, và tiền điện tử không tồn tại bên ngoài các ngân hàng thương mại này. Thông tin về số tiền trong tài khoản của bạn được lưu trữ, bảo mật bởi ngân hàng đó. NHNN chỉ quản lý tài khoản của các ngân hàng thương mại, chứ không quan tâm tài khoản cá nhân của người dùng cuối. Hơn nữa, khi bạn mở tài khoản ở ngân hàng nào đó, bạn được hưởng — hoặc phải đau khổ chịu đựng — hạ tầng công nghệ (ebanking, mobile app) của ngân hàng đó, tuỳ vào ngân hàng đó coi trọng công nghệ đến đâu.

Hệ thống ngân hàng và sự bất nhất trong hạ tầng công nghệ

Lại nói đến sự quản lý tiền điện tử bên trong các ngân hàng hiện nay. Mỗi ngân hàng đều đã trang bị cho mình hệ thống core banking đồ sộ và tốn kém, và nó đang đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản về chuyển tiền, vay tiền, gửi tiết kiệm, vv. Người dân từ sử dụng tiền giấy có nhiều động lực để chuyển sang giữ tiền điện tử và tận hưởng những tiện lợi đó. Tỉ lệ giữ tiền điện tử trên thế giới tăng nhanh và điển hình là Thuỵ Điển chỉ còn 1.4% GDP là tiền mặt lưu hành (Bloomberg, 2016).

Tỷ lệ tiền mặt lưu thông M0/GDP một số quốc gia

Tiền điện tử rõ ràng là một bước tiến lớn so với tiền mặt, tuy nhiên còn nhiều tồn tại tới nay vẫn chưa thể giải quyết:

1. Quản lý tiền điện tử của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào các ngân hàng thương mại. Không có cách nào người dân tự mình quản lý tiền điện tử bên ngoài ngân hàng như với tiền mặt. Tiền mặt có thể lưu hành tự do bên ngoài các ngân hàng, đảm bảo sự ẩn danh cần thiết, tuy nhiên độ linh động thấp hơn nhiều: gửi qua lại khó khăn, rủi ro mất mát, rách hỏng cháy, kích thước lớn, vv. Giải pháp cho vấn đề này là các ví điện tử như Zalopay, Momo, nhưng đó vẫn chỉ là một hình thức nối dài của các tài khoản ngân hàng.

2. Mỗi ngân hàng đều có hệ thống core banking khác nhau, dẫn tới không thể có sự đồng bộ khi có giao dịch liên ngân hàng. Hiện nay các ngân hàng có sử dụng nhiều cách để có chuyển khoản liên ngân hàng nhanh, nhưng chi phí khá cao (lên tới 8,000VND — 10,000VND mỗi giao dịch).

3. Hệ thống tài chính cồng kềnh và tốn kém: Đây là hệ quả của việc bất nhất trong hạ tầng công nghệ, vì bất nhất nên phải có đồng bộ và tích hợp, nghĩa là tốn chi phí và sinh ra các dịch vụ đi kèm, ví dụ như hệ thống chuyển mạch quốc gia hay các ví điện tử kết nối đa ngân hàng, hay các dịch vụ chuyển tiền mất phí.

4. Không có cách nào để các NHNN và Chính phủ có thể có giao dịch tài chính trực tiếp với người dân mà không thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Trường hợp này không phổ biến nhưng trong những trường hợp khẩn cấp như cứu trợ khủng hoảng, kích cầu tiêu dùng thì rất hữu ích.

Có ai chưa từng?

Tiền mã hoá và sự thống nhất chưa từng có

Cơ bản về DLT (Distributed Ledger Technology — công nghệ sổ cái phân tán) và Blockchain: Như cái tên của nó, DLT chỉ đơn giản là một cách lưu trữ dữ liệu phân tán ở nhiều địa điểm, so với cách lưu tập trung tại một địa điểm của hệ thống lưu trữ tập trung. Blockchain là một kiểu DLT, nhưng các dữ liệu được sắp xếp thành các khối và nối với nhau thành chuỗi liên tiếp, nên mới gọi là chuỗi khối — hay blockchain. Tiền mã hoá là tiền được sinh ra và quản lý bằng blockchain hoặc DLT.

Nghe đơn giản nhưng về kỹ thuật lại có sự tiến hoá rất lớn, vì phải có giải thuật tạo block tại các địa điểm, thuật toán đồng thuận để dữ liệu các nơi khác nhau được đồng bộ và có các cơ chế chống tấn công — trong khi vẫn đảm bảo tốc độ xử lý giao dịch. Ví dụ với TomoChain, hệ thống sử dụng Proof of Stake Voting (PoSV), Double validation và rất nhiều cơ chế khác để đảm bảo hệ thống vận hành nhanh mà vẫn chính xác.

Nếu nhìn từ góc độ không phải dùng tiền mặt mà sử dụng điện thoại hoặc thẻ để thanh toán hoá đơn, trả tiền tại siêu thị, nhà hàng, mua đồ online, thì tiền mã hoá và tiền điện tử không khác nhau nhiều lắm. Điểm khác biệt căn bản là ở hệ thống quản lý tài khoản. Hãy nhìn vào một mô hình thiết kế blockchain đơn giản để quản lý tiền mã hoá:

Mô hình tiền mã hoá đơn giản
  1. Hệ thống lưu trữ phân tán được thiết lập bởi các máy chủ thuộc về NHNN và các ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tài chính lớn hoặc các tập đoàn lớn trong nước, giống như đề xuất trong bài viết tôi đã đề cập ở phần đầu.
  2. Mọi máy chủ đều lưu cùng một sổ cái giống nhau và chạy thuật toán đồng thuận để đảm bảo tính nguyên vẹn dữ liệu. Thuật toán mã hoá sẽ đảm bảo các máy chủ này không hiểu được nội dung của sổ cái.
  3. Các số tài khoản có thể được tạo ra bằng thuật toán mã hoá chung của cả hệ thống, tuy nhiên để được tham gia giao dịch thì phải xác minh thông tin chính chủ tại một trong các ngân hàng. Đây là cách các ngân hàng vẫn có thể quản lý được người dùng của mình, và mặc dù các máy chủ đều sở hữu sổ cái nhưng không ngân hàng nào biết được con số thực tế của nhau.

Như vậy, tất cả người dùng sẽ có địa chỉ ví được tạo ra từ một thuật toán duy nhất (thuật toán mã hoá tạo địa chỉ ví phổ biến trong blockchain hiện nay là SHA256, đã được chứng minh là tỉ lệ bị hack gần bằng 0). Khi đó, chúng ta có sự thống nhất về tài khoản giữa các người dùng, và giữa các ngân hàng. Thay đổi dường như đơn giản này liệu có thể mang lại những lợi ích gì cho NHNN, các ngân hàng thương mại, và cả xã hội?

Lợi ích của Tiền mã hoá so với hệ thống hiện hành

1. Chuyển tiền liên ngân hàng rẻ hơn, nhanh hơn: nhờ dùng chung sổ cái quản lý tài khoản, việc tăng giảm số dư trở nên đơn giản hơn rất nhiều, trong khi vẫn đảm bảo tính chính xác.

Hơn nữa, nếu nhiều quốc gia phát hành đồng tiền mã hoá, kể cả trên những blockchain riêng khác nhau nhưng được kết nối qua các cổng giao tiếp chuyên biệt, chuyển tiền xuyên biên giới và hợp tác toàn cầu còn thuận lợi hơn nữa. Hiện nay chuyển tiền xuyên biên giới thông qua hệ thống ngân hàng dùng SWIFT có phí lên tới 5% (gửi 20tr thì mất 1tr tiền phí), trong khi đó các đồng tiền mã hoá dùng blockchain hiện nay tiền chuyển không phân biệt khoảng cách địa lý đều thấp hơn rất nhiều.

2. Hệ thống luôn chạy, đảm bảo cung cấp dịch vụ 24/7: câu chuyện về chuyển khoản mất 1 ngày hay hết giờ giao dịch sẽ là quá khứ nếu tiền được quản lý bằng một blockchain chạy thuật toán đồng thuận được thiết kế chặt chẽ. Các ngân hàng thương mại có thể bỏ qua bước đồng bộ dữ liệu với NHNN trước khi xác minh giao dịch, vì bản thân các giao dịch đã được xác minh trước khi đồng bộ vào sổ cái chung. Các sàn giao dịch chứng khoán có thể lập tức vượt qua cơ chế T+2 cổ điển để thực hiện cơ chế giao dịch thời gian thực mà không tốn quá nhiều đầu tư về công nghệ.

3. Bảo mật: Giống như tiền mặt, người dùng có thể giữ tiền mã hoá bên ngoài các ngân hàng thương mại mà vẫn có thể thanh toán tại các siêu thị, hàng ăn, khách sạn, đảm bảo độ ẩn danh cần thiết. Hơn nữa những giao thức bảo mật của Blockchain như TomoP (phát triển bởi TomoChain) còn đi xa hơn trong việc bảo vệ thông tin giao dịch khi cần thiết.

4. Kết nối giữa nhà quản lý và người dân: Chính phủ và NHNN có thể trực tiếp giao dịch với các công dân mà không cần thông qua các ngân hàng thương mại trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ phân phát các gói cứu trợ thời khủng hoảng, hoặc quyên góp cứu trợ. Tất nhiên điều này đi ngược lại lợi ích của các ngân hàng thương mại, nhưng nó cũng là động lực để các ngân hàng này có các chính sách huy động vốn hấp dẫn và hiệu quả hơn, theo đúng cơ chế thị trường.

5. Nền tảng mở để xây dựng các ứng dụng tài chính: khi các hệ thống ngân hàng thống nhất trên một nền tảng với đồng tiền mã hoá chung, đó sẽ là cơ sở để các ứng dụng thanh toán tiền, bảo hiểm, cho vay, tài trợ nở rộ. Nhiều sản phẩm hơn thì các ngân hàng có nhiều nguồn thu hơn, và các ứng dụng này sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Một hệ sinh thái Fintech tiên tiến chỉ phát triển tốt nếu có sự thống nhất toàn ngành

Điều gì cản trở công nghệ đột phá này?

Chi phí và rủi ro tiềm năng: Khi hệ thống ngân hàng đã được phát triển đến mức độ trưởng thành như hiện nay, bất kỳ thay đổi nào về hệ thống lõi đều tiềm ẩn rủi ro và chi phí khổng lồ. Đây cũng là lý do Ngân Hàng Quốc Gia Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) mặc dù đã nghiên cứu DLT và Blockchain từ hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa tiến tới giai đoạn thử nghiệm thực tế.

Lợi ích cho các ngân hàng thương mại: như đã đề cập trong bài viết, hệ thống tài chính dựa trên blockchain mang lại nhiều lợi ích cho người dùng cuối, tuy nhiên lợi ích nhãn tiền cho các ngân hàng thương mại là khá mờ nhạt, trong khi những ngân hàng này lại là những bên phải thay đổi nhiều nhất — do đó chi phí cao nhất — nếu hệ thống mới được áp dụng. Vì thế động lực để đầu tư nghiên cứu và phát triển là chưa cao.

Công nghệ chưa sẵn sàng: mặc dù công nghệ blockchain và DLT được phát triển tính từ 2008 với sự ra đời của Bitcoin, nhưng những giao thức đệm và các công cụ tầng cao mới phát triển mạnh một vài năm trở lại đây để tăng tính bảo mật và thân thiện người dùng hơn. Mức độ trưởng thành đó có lẽ chưa đủ để nâng đỡ một nền tài chính phức tạp với đa dạng loại hình dịch vụ.

Chiến lược nào cho Tiền mã hoá?

  1. Theo dõi & chờ đợi: đây có lẽ là chiến lược hợp lý nhất cho những nền kinh tế có trình độ phát triển chưa cao. Tới khi nào hệ thống hiện giờ còn đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu để phát triển kinh tế, thì những đam mê đổi mới và tình yêu công nghệ chỉ là những giấc mơ xa xỉ. Tuy nhiên cần có bộ phận nghiên cứu và theo dõi xu hướng thị trường thế giới để tránh bị tụt hậu trong một mạng lưới tài chính toàn cầu ngày càng năng động và kết nối mạnh mẽ hơn.
  2. Thí điểm: Ý tưởng về tiền mã hoá đã có từ lâu, và đã có những quốc gia đầu tiên thử nghiệm ý tưởng này:

Thuỵ Điển là nước đầu tiên công bố quyết định thử nghiệm phát hành đồng e-Krona dựa trên công nghệ blockchain. Chi tiết kỹ thuật chưa được tiết lộ, nhưng chúng ta sẽ sớm biết thêm vào thời gian tới. Như đã đề cập, cũng cần chú ý là Thuỵ Điển là nước có tỉ lệ tiền mặt lưu thông so với GDP thấp nhất thế giới (1.4%), và đó là cơ sở thuận lợi để phát hành một đồng tiền mã hoá.

Mỹ: Một bản thảo về phát hành 1,000 tỉ USD tiền mã hoá trên nền tảng Ethereum được đề xuất ở Hạ Viện Mỹ vào cuối tháng 3/2020 nhằm mục đích chuyển tiền cứu trợ dịch Covid 19 tới tận tay người dân mà không thông qua ngân hàng thương mại. Đây là lần đầu tiên một dự thảo như vậy được thảo luận ở mức Quốc Hội, và nó mở ra những cuộc tranh luận mới, mà chỉ khi nào ngã ngũ chúng ta mới biết tương lai tiền mã hoá sẽ xoay theo hướng nào.

Kết

Cũng giống như những bản thảo trên giấy vẽ chiếc máy bay đầu tiên, hay những vệ tinh đầu tiên bay lên quỹ đạo, ý tưởng về đồng tiền mã hoá đầu tiên đã được thảo ra, cũng đã có nhiều thảo luận và phản biện, và đã có những bước chân dò dẫm lẫn những nghi ngại ngập ngừng. Nhưng đây là sự khởi đầu, và với mỗi bước tiếp theo chúng ta sẽ vén được tấm màn lên thêm một chút. Lịch sử đã chứng minh rằng rất nhiều mơ mộng ngông cuồng trên bàn giấy một ngày nào đó sẽ trở thành một thứ gần gũi đến hiển nhiên với tất cả mọi người. Chỉ là chúng ta chọn là người góp sức tạo ra nó hay sử dụng nó mà thôi.

Tham khảo:

Nghiên cứu của Christian Barontini và Henry Holden: https://www.bis.org/publ/bppdf/bispap101.pdf

Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing — QE): https://www.quora.com/How-do-you-explain-quantitative-easing-in-laymans-terms/answer/Andrei-Kolodovski

Bài phân tích của anh Trần Hùng Sơn: https://www.thesaigontimes.vn/td/296546/ban-ve-kha-nang-phat-hanh-tien-ky-thuat-so-cua-viet-nam-.html

Thống kê lượng cung tiền các quốc gia: https://tradingeconomics.com/country-list/money-supply-m0?continent=asia

Sự tạo tiền trong nền kinh tế hiện đại: http://www.phantichkinhte123.com/2017/04/su-tao-tien-trong-nen-kinh-te-hien-ai.html

--

--