[TomoChain tổng hợp] Toàn tập Staking từ A đến Z

Ha Hoang
TomoChain
Published in
6 min readJul 16, 2019

Giới thiệu

Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, chúng ta đã chứng kiến sự xuống dốc không phanh của giá Bitcoin, sụt giảm 85% giá trị so với thời điểm “đỉnh cao” 20,000 BTC/USD cuối năm 2017. Sự sụt giảm của Bitcoin cũng kéo theo hệ quả lao dốc của các đồng tiền mã hóa khác, khiến cho giới đầu tư tiền mã hóa gần như chỉ biết HODL để chờ cơ hội “back to the moon”. Dù thị trường đã có sự điều chỉnh giá trong thời gian gần đây, giới đầu tư vẫn không ngừng tìm kiếm các cách thức đầu tư tiền ảo khác bớt rủi ro hơn và mang lại lợi nhuận lâu dài hơn nữa.

Một trong những lý do đi tìm kiếm cách đầu tư khác, chính là hình thức Mining (đào coin) thông thường trở nên vô cùng đắt đỏ. Mining là một hoạt động dựa trên cơ chế Proof of Work ( bằng chứng nỗ lực công việc), được giới thiệu đầu tiên trên blockchain của Bitcoin. Vì là cơ chế đầu tiên với đồng tiền mã hóa đầu tiên, Bitcoin và mining đã nhanh chóng trở thành hình thức đầu tư phổ biến nhất và lợi nhuận thu được tốt nhất. Và cho đến giờ, Bitcoin vẫn được coi là ông Vua của tiền mã hóa, khi so sánh về vốn hóa và giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu nhận ra sự hạn chế của việc đào Bitcoin, khi tiêu tốn quá nhiều điện năng, đồng thời chi phí để tạo dựng những dàn máy đào khủng cũng vô cùng tốn kém. Số lượng bitcoin mới tạo ngày một hữu hạn, phần thưởng cho các thợ đào cũng ngày một kém hấp dẫn, đi cùng với sự tốn kém kể trên, nhà đầu tư tiền ảo lại muốn tìm kiếm một hình thức khác, giải quyết được tất cả các bài toán trên.

Với hai lý do trên, cơ chế Proof of Stake (PoS — bằng chứng sở hữu) đã được giới thiệu sơ khai, ra đời và ngày một hoàn thiện hơn. Hiện nay, các đồng tiền PoS được coi là hình thức đầu tư hiệu quả nhất, thay thế mining, mang lại lợi nhuận ổn định và lâu dài cho người đầu tư. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về PoS cũng như cách thức Staking như thế nào. Hãy cùng theo dõi nhé!

Stake và Proof of Stake là gì?

Trong chứng khoán, thuật ngữ “Stake” được định nghĩa là giá trị chứng khoán của nhà đầu tư sở hữu hay nợ trên thị trường. Xuất phát từ định nghĩa trên, thuật toán Proof of Stake lần đầu tiên được giới thiệu trên Bitcointalk năm 2011, chủ yếu tập trung vào việc yêu cầu cần sở hữu ít nhất một lượng tiền ảo nhất định để tham gia validate ( xác thực) block mới. Trong cơ chế PoS, chỉ có duy nhất một validator ( người xác thực) được quyền xác thực block mới. Và điều kiện để trở thành cá nhân duy nhất đó, đầu tiên cần sở hữu một lượng tiền ảo nhất định nạp vào trong core wallet ( ví lõi) của hệ thống. Bước kế tiếp, thuật toán trong PoS sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một trong số những ứng viên thỏa mãn điều kiện đầu tiên. Bạn càng stake nhiều coin, xác suất để được lựa chọn trở thành validator càng lớn.

Vậy phần thưởng dành cho những thợ rèn trong PoS là gì? ( thợ rèn — forger — tương đương với miner trong PoW, chính là validator) Phần lớn các nền tảng PoS sẽ trả cho thợ đào hoàn toàn phí giao dịch từ block mới, do chính những người giao dịch chi trả. Một số nền tảng khác, khi có thêm cơ chế tạo ra đồng tiền mới sau những lần block được validate, sẽ trả cho thợ đào chính khoản tiền ảo mới được sinh ra.

PoS hoạt động như thế nào?

Hai cơ chế đồng thuận PoW và PoS đều có chung một mục tiêu, đó là thiết tạo một hệ thống phi tập trung hoàn hảo, an toàn, bảo mật, đồng thời khuyến khích người dùng không ngừng tham gia xác thực giao dịch. Tuy nhiên, hai cơ chế trên có những điểm khác biệt rất rõ ràng.

Trong PoW, các thợ đào đều có quyền như nhau để tham gia xác thực block mới. Thợ đào nào giải được thuật toán hash phức tạp của block đó nhanh nhất và được các thợ khác xác thực, sẽ nhận được phần thưởng là một đồng coin mới ra đời. Quá trình xác thực này không liên quan đến bất kì một cá nhân đang nắm giữ đồng coin đó trong mạng lưới. Tuy nhiên, trong PoS, mọi thứ lại hoàn toàn khác.

  • Để được tham gia vào quy trình lựa chọn validator, ứng viên cần nắm giữ một lượng coin nhất định trong ví lõi của hệ thống. Số lượng coin được stake này sẽ bị khóa lại.
  • Sau đó, ứng viên sẽ có cơ hội được lựa chọn để trở thành validator cho block kế tiếp, dựa trên lượng coin mà họ stake. Họ stake càng nhiều coin, cơ hội được lựa chọn của họ càng lớn.
  • Thuật toán trong PoS sẽ lựa chọn ngẫu nhiên validator trong số ứng viên trên.
  • Validator được lựa chọn, sau khi xác thực giao dịch, sẽ được nhận phần thưởng chính là phí giao dịch do người dùng chi trả.

Lợi ích của staking

  • Tiết kiệm chi phí — Ưu điểm lớn nhất của Staking đó là bạn không cần tốn nhiều chi phí cho việc sắm sửa các thiết bị chuyên dụng đắt đỏ như trong mining, cũng như không cần tiêu tốn nhiều điện năng để duy trì hoạt động.
  • An toàn bảo mật — Nếu hệ thống bị tấn công, hacker cần nắm giữ ít nhất 51% toàn bộ số coin trong mạng lưới. Đó là điều rất khó xảy ra, hơn nữa chi phí để nắm giữ 51% lượng coin thậm chí còn vượt quá số lượng coin hack được.
  • Lãi suất ổn định — Trong PoW, thợ đào coin có khả năng sẽ không nhận được phần thưởng sau khi xác thực block mới do số lượng coin mới tạo sinh ra là hữu hạn và ngày một khan hiếm. Tuy nhiên trong PoS, những người xác thực chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng (chính là phí giao dịch). Vì vậy, Staking cũng giống như hình thức gửi tiền tiết kiệm và nhận lãi hàng tháng ở ngân hàng.

Rủi ro khi Staking

Rủi ro duy nhất với staking đó là lượng coin dùng để stake sẽ bị khóa lại trong một thời gian. Nếu giá của đồng tiền tăng giá trong thời gian khóa, bạn sẽ không gặp rủi ro gì. Tuy nhiên, nếu giá giảm, phần thưởng coin nhận được có khả năng không bù được lỗ do giá coin giảm. Chính vì vậy, tốt hơn hết bạn hãy xem xét, lựa chọn dự án staking cẩn thận và chi tiết trước khi bắt đầu.

Staking ngày càng phổ biến

Ngay từ khi ra đời, PoS đã trở thành một chủ đề nóng hổi khắp các forum và mạng xã hội về blockchain, và nhanh chóng được ứng dụng trong một số dự án tiền mã hóa. Lần đầu tiên được thảo luận trong Bitcointalk năm 2011, sau đó PoS được ứng dụng đầu tiên với đồng tiền Peercoin vào năm 2012. Tiếp theo, đến lượt Nxt, và nhiều cái tên khác như Blackcoin, Bitshares, Qtum, TomoChain, PIVX, Lisk,EOS, DASH, TRON, vv. Theo một báo cáo của Cointelegraph và Diar.co, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các dự án stake đã lên tới 4 triệu USD (tính tới 18/3/2019)

--

--

Ha Hoang
TomoChain

Perfections is know that acheiving perfection and doing things perfectly is impossible, and yet they feel driven to keep trying anyway.