Nguyen Manh Hung
VelaCorp
Published in
4 min readApr 21, 2019

--

OKR đang thay đổi thói quen của tôi như thế nào?

Gần 1 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai OKR tại Velacorp, tôi đã cảm nhận được OKR đang dần có những tác động trực tiếp đến thói quen và công việc của mình. Bài viết này ghi lại trải nghiệm và những chia sẻ qua quá trình đầu tiên áp dụng OKR.

1. Tôi bắt đầu dùng OKR như một cách đặt mục tiêu cho từng các việc nhỏ

Trước đây, tôi thường chỉ đặt mục tiêu cụ thể cho các việc lớn (như doanh thu, số lượng khách hàng, …). Với các việc nhỏ hơn, mục tiêu thường là thời hạn hoàn thành. Sau một số tuần triển khai OKR ở cấp công ty, tôi dần sử dụng phương pháp OKR cho các việc nhỏ hơn. Ví dụ các việc sau đây, trước kia thường team chỉ lập kế hoạch và cố gắng hoàn thành kế hoạch, sau đó chúng tôi đưa vào các mục tiêu theo phương pháp OKR:

- Tổ chức ngày hội việc làm thì đặt mục tiêu đạt được bao nhiêu người để lại thông tin, phát được bao nhiêu tờ rơi

- Tổ chức Techday thì đặt mục tiêu bao nhiêu người đến tham dự, tỷ lệ tham dự/đăng ký đạt bao nhiêu %

- Hoạt động phát triển branding tuyển dụng thì đặt mục tiêu bao nhiêu kết quả hiển thị trang đầu Google, viết được bao nhiêu nội dung…

-…

Kết quả quan sát được là trong bất kỳ các việc triển khai, mọi người có đích đến cụ thể, không dừng lại ở mức “hoàn thành”. Cùng với đó là mọi người biết mục tiêu ưu tiên là gì, không lan man. Các mục tiêu đã đặt ra có thành công, có thất bại, nhưng đều rất hữu ích cho các lần triển khai sau này.

2. Tôi quan tâm đến số liệu cho mọi việc

Đặt mục tiêu theo OKR đòi hỏi kết quả then chốt (KR) phải đo đếm và có thể xác minh được. Trước kia cá nhân tôi và nhiều leader rất hay đưa ra các nhận định mang tính kinh nghiệm và luận lý. Và dù đã xây một team BI, tôi vẫn chưa sửa được thói quen đó. Khi áp dụng OKR một cách nghiêm túc, tôi bắt đầu thấy những thay đổi của chính mình. Khi nghe đồng nghiệp nói về nguyên nhân của việc bán 1 mặt hàng không tốt, phản ứng của tôi luôn là “dữ liệu chứng minh là gì”. Khi trao đổi với marketer về việc 1 chiến dịch quảng cáo hiệu quả hay không, điều tôi luôn quan tâm là “đã thử chưa và số liệu như thế nào”… Hay như tuyển dụng, tôi luôn yêu cầu phải bóc tách số liệu trong từng quy trình. Khi các đồng nghiệp CoSalon tranh cãi nảy lửa về một phương án vận hành bằng lý luận, tôi đưa ra suy nghĩ của mình “cứ thử đi rồi đo thời gian vận hành cụ thể như thế nào trước khi quyết định.

Dần dần tôi thấy mình data-driven hơn. Và quan trọng là không xa vào việc “áp đặt”, cũng không mất quá nhiều thời gian cho những tranh luận mang tính kinh nghiệm mà “ai cũng đúng”.

3. OKR thúc tôi làm các việc “dài hạn” một cách tập trung hơn

Ở vị trí của tôi có rất nhiều việc mang tính dài hơi và “vô hình”. Ví dụ như các việc về xây dựng văn hóa, hoàn thiện các hệ thống quản trị, … Các việc này thường khó hoạch định mục tiêu nếu không có phương pháp tốt, và thường đạt được kết quả “hời hợt”. OKR thúc ép tôi đưa ra kế hoạch liên tục và mục tiêu đo đếm được để triển khai. Kết quả là tôi thấy mình hành động một cách tập trung và liên tục hơn, và đã đạt được ngay những kết quả áp dụng đầu tiên dù việc đó đã nằm trong đầu tôi khá lâu trước khi bắt tay vào OKR. Nó tránh cho tôi việc chỉ nghiên cứu và xao nhãng việc đó khi có 1 việc khác xen ngang. Đây là đặc điểm của OKR vì nó hướng tới các mục tiêu ưu tiên, điều đặc biệt quan trọng đối với một người có nhiều mảng việc và hay có xu hướng “bay” với các ý tưởng mới như tôi. Một phần là nữa là vì OKR minh bạch các mục tiêu đó tới tất cả mọi người, và tôi ở vai trò CEO phải luôn nghiêm chỉnh thực hiện các mục tiêu của chính mình.

Điều tôi hướng đến tiếp theo trong quá trình rèn OKR gồm:

1. Tôi cần rèn thói quen đặt các mục tiêu mang tính thách thức hơn.

2. Đưa thói quen trở thành văn hóa, và trở thành yêu cầu đối với bản thân và mọi người xung quanh. Từ lâu tôi đã đọc nhiều về data-driven culture, về test-and-learn, về agile culture. Tuy vậy, tôi tự nhận thấy mình chưa thực sự rèn được các thói quen đó, và cao hơn là ngấm vào trong tiềm thức của mình và trở thành văn hóa của mình. Đây là điều tôi sẽ cố gắng làm. Và xây dựng nó trở thành một phần văn hóa của đội ngũ mà tôi tham gia.

--

--