Làm Sao Phân Biệt Tin Giả và Tin Thật?

Tìm hiểu thêm về thuyết âm mưu. Conspirary theories and news

Trang NP Tran
Viet Goose
11 min readJul 27, 2021

--

Photo by Susan Gold on Unsplash

Thoạt nhìn các thuyết âm mưu có vẻ chỉ là tin ‘vịt’ nghe cho vui, nhưng với thời gian chúng thường lộ rõ mục đích chính trị hoặc trục lợi cho một phe phái nào đó chớ không phải đơn thuần là một quan điểm khác. Thí dụ như khi bên A muốn triệt hạ bên B thì sẽ loan truyền các tin xấu và bất lợi cho bên B, bất kể việc các tin này có thật hay không. Đây là một phương pháp xách động tuy rất căn bản nhưng khá hiệu nghiệm. Trong các chính thể độc quyền thì cách đưa tin một chiều này gọi là tuyên truyền, còn trong chính thể dân chủ thì gọi là vu khống và có thể bị kiện ra toà với tội danh phỉ báng. Nhưng khi bị kẻ nặc danh bôi nhọ thì người bị tấn công khó lòng phản công lại được.

Nặc danh là đặc tính thứ nhất của các tin đồn trong thuyết âm mưu. Không ai lộ mặt vỗ ngực xưng mình là tác giả của các tin đồn ‘dựng tóc gáy’ này và người chia xẻ các tin đồn này cũng không biết nó ở đâu mà ra, toàn là bảo rằng tôi nghe từ chỗ này chỗ kia nói.

Đặc tính thứ hai là tính giật gân của loại thông tin này. Tin ‘chó cán xe’ bao giờ cũng câu khách hơn là ‘xe cán chó’. Hàng loạt những tin như ‘tỉ phú uống máu trẻ em để sống lâu’, ‘trẻ em bị bắt cóc để lấy máu’, hay ‘thế giới đang bị hội kín Satan điều khiển’ nghe hấp dẫn hơn là các tin thường ngày ở huyện. Tuy loại tin này nghe ra đầy vẻ hoang tưởng nhưng có nhiều yếu tố khiến việc tiếp xúc với chúng lâu ngày làm người nghe chấp nhận và tin tưởng chúng, rồi đâm ra hoang mang lo sợ, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm và cạm bẩy vì không biết ai quanh mình đã bị Satan điều khiển.

Đặc tính thứ ba là tính quá khích của những người theo thuyết âm mưu. Đạo quân tín đồ này sẳn sàng tấn công, chửi rủa, hạ nhục những ai không đồng quan điểm với họ. Thay vì chấp nhận rằng mỗi người có sự khác biệt trong suy nghĩ, những tín đồ này đa phần chỉ chấp nhận có một niềm tin kiểu ‘ai không theo tui là kẻ thù của tui’.

Những thuyết âm mưu sẽ không sống được nếu không có người ủng hộ và nuôi dưỡng. Muốn thu hút người theo, nó có những phương pháp câu khách rất hữu hiệu và đáp ứng được nhu cầu tâm lý của người tin. Đây cũng là phương pháp thu hút tín đồ của các giáo phái dị giáo hay của những kẻ muốn khống chế tinh thần của người khác. Phương pháp này người Việt chúng ta đã từng được sống chung rồi, tên nôm na của nó là Tuyên Truyền và gồm có ba bước chính:

1. Đưa vào tròng: Nếu sống trong một xã hội bình an thì không ai quan tâm tới các tin đồn. Nên những kẻ áp dụng cách tuyên truyền này xử dụng những thông tin, dữ kiện, phim ảnh đã được lọc lựa và chỉnh sửa để tạo ra một bầu không khí nghi ngờ, bất an, như thể là xã hội đang có đại loạn khiến người nghe hoang mang lo sợ không biết tin vào ai.

2. Bít kín đường rút lui: Bước kế tiếp là không để cho người nghe có cách khám phá ra sự thật. Trong một thể chế dân chủ, ngoài những gì chính phủ nói, người dân hay dựa vào các thông tấn xã, báo chí, giới học giả chuyên ngành để kiểm chứng điều họ nghe. Những kẻ dùng phương pháp tuyên truyền biết thế nên đi đòn phủ đầu bằng cách tuyên bố trước rằng ngoài họ ra, hiện nay trong xã hội không còn chỗ nào đáng tin cả, rằng tất cả mọi hệ thống thông tin đều tung tin tức giả. Cũng giống như phương thức cộng sản nhồi sọ người dân vậy, chỉ có Đảng mới đúng mới đáng tin, còn toàn thể thế giới đều sai.

3. Củng cố niềm tin: Khi không còn chỗ đáng tin để kiểm chứng, người nghe chỉ còn biết nhắm mắt đi theo sự dẫn dắt của những kẻ tung ra thuyết âm mưu. Họ trở thành những tín đồ sốt sắng với hy vọng học được những bí mật mới cứu vớt họ thoát khỏi đại loạn của xã hội. Cái ảo ảnh rằng chỉ có họ mới biết được những bí mật mà chính phủ đang che giấu khiến họ tự hào và càng bám riết vào niềm tin mới bất chấp những bằng chứng nào nói khác đi.

Nhà văn Anh George Orwell trong cuốn tiểu thuyết ‘1984’ đã viết về một xã hội độc tài kiểm soát tinh thần và tư tưởng của dân chúng bằng cách kiểm soát thông tin về quá khứ. Sự thật được xoá bỏ, viết lại cho hợp gu đảng. Chỉ có đảng mới xác minh được là một biến cố có xảy ra hay không và người dân phải gạt bỏ những gì họ thấy mà chỉ tin vào những gì đảng đưa ra mà thôi. Chúng ta cũng đã từng sống trong một xứ đàn áp thông tin, thì ngày nay khi được sống trong một đất nước tự do, chúng ta càng nên trân trọng quyền tự do truyền thông và xử dụng nó một cách chín chắn, không nên dễ dãi để cho cá nhân mình vô tình trở thành một công cụ tuyên truyền cho một phe phái nào.

Làm sao phân biệt được thế nào là thông tin giả và thông tin thật?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt rõ thế nào là thông tin. Có hai loại thông tin, loại thứ nhất là tin tức, news, đơn thuần là việc kể lại những chuyện đã xảy ra. Chúng ta theo dõi tin tức hàng ngày để biết được chuyện gì đang xảy ra trong nước và ngoài nước. Từ những tin tức đơn thuần này, các nhà bình luận quan sát và rút ra các kết luận khác nhau về cùng một vấn đề. Ý kiến của họ là loại thông tin thứ hai. Tất cả chúng ta đều có thể tự xem tin tức và tự rút ra kết luận, nhưng chúng ta đọc bình luận là để mở rộng tầm nhìn, xem cách nhìn của người khác ra sao. Chúng ta không nên lầm lẫn xem ý kiến của một cá nhân là sự thật tuyệt đối.

Tin tức chính chúng ta xem hàng ngày là do các hãng thông tấn cung cấp. Cách chúng ta nhận những tin này là qua các hình thức như báo chí, đài truyền hình, radio, trang internet, v.v…. Các hãng truyền thông chính trong mỗi nước đều có các trang xã hội như Facebook, Twitter, và kênh YouTube để đưa thông tin đi xa hơn. Các hãng thông tấn lớn và tin cậy trong trời Tây hiện nay là Associated Press (AP), Reuters, Agence France Presse (AFP), v.v... Các hãng này đã có mặt trên đời hơn 150 năm, có cả một hệ thống lấy tin và thẩm tra độ chính xác của chúng trước khi cho ra lò. Nếu bạn nghi ngờ độ chính xác của các hãng gạo cội này thì có thể chọn dùng tin do hãng Xinhua của Trung Quốc hay TASS của Nga cung cấp.

Ngoài thông tin và tin tức do các hãng chuyên nghiệp đưa ra, thì tin do cá nhân tung ra cũng rải đầy trên YouTube, Facebook, Twitter, v.v… Nhưng chúng ta không có cách nào xác minh được độ chính xác và đáng tin của chúng. Có lần một người quen chuyển cho tôi một mẫu tin về một người Trung Quốc ‘ăn’ thịt hài nhi với đầy đủ hình ảnh: một em bé nằm trong nồi, người cầm một cánh tay trẻ nhỏ, v.v… Người dễ tin thì lập tức lên án không những thủ phạm mà còn đòi tẩy chay cả dân tộc TQ. Nhưng thật ra đấy chỉ là xảo thuật ghép hình và dùng mẫu giả để dựng cảnh. Đây chỉ là một thí dụ trong trăm ngàn thứ bạn có thể tìm thấy trên internet hiện nay. Không phải mọi thứ xuất hiện trên truyền hình, tuyền thanh, internet, YouTube, Facebook là đều tin được, nếu bạn nhẹ dạ tin kiểu đó thì tẩu hỏa nhập ma cấp kỳ.

Trong cộng đồng người Việt, nhiều người dựa vào các video YouTube tiếng Việt để xem tin thế giới vì không đọc được tin tức bằng tiếng Anh. Các bình luận viên YouTube này cũng sao chép thông tin lại từ một tổng hợp các nguồn tin chính thức, không chính thức và tin đồn, tin vịt. Bạn có biết tạo kênh YouTube là một cái nghề mới ra đời trong thế kỷ 21 này không? Kênh càng có nhiều người xem thì sẽ được Google đặt nhiều quảng cáo vào và kết quả là thu được nhiều tiền hơn. Mục đích chính của các kênh này là kiếm khách và giữ khách. Điều này ảnh hưởng đến nội dung của thông tin họ đưa ra. Nếu chỉ đưa thông tin bình thường thì các kênh YouTube này làm sao thu hút được nhiều người xem và tăng thu nhập. Họ phải làm như thế nào, phải nói như thế nào, tìm tòi các tin độc đáo, giật gân như thế nào mới nổi bật lên được giữa chợ trời YouTube. Làm việc một mình một cõi, không phải giữ chữ tín với khách hàng,không bị gò bó vì pháp luật, không phải sợ trách nhiệm và tai tiếng nếu bị phát giác nói ẩu, chủ nhân các kênh này tự do muốn nói gì thì nói, không cần bám lấy sự thật.

Có một bác cao niên nghe một video YouTube tiếng Việt nói về nạn trẻ em bị bắt cóc khắp thế giới để cung cấp cho đường dây Satan. Cô YouTuber hùng hồn bảo rằng ở Úc có cả ngàn em bị mất tích hàng năm. Bác này là dân Úc thứ thiệt và nhận thấy mỗi một ca mất tích ở Úc đều được truyền thông đăng tải khắp xứ, thì làm sao có việc cả ngàn trẻ mất tích mà cha mẹ thân nhân chùng không lên tiếng làm ầm lên. Từ đó bác suy gẫm tiếp, chỉ có hai cách giải thích: một là toàn bộ các đài và báo chí Úc hè nhau bưng bít hết các thông tin, hai là cô YouTuber đó nổ văng miểng. Giả thiết thứ nhất chỉ có ở những xứ độc tài nơi mà chính phủ kiểm soát được hết toàn bộ hệ thống truyền thông nhưng ngay cả Trung Quốc cũng không bít được rò rỉ. Vậy chỉ còn giả thiết thứ hai. Nhờ vậy bác mới biết là lâu nay bị cô đó cho ăn bánh vẽ khá nhiều.

Các kênh YouTube nhỏ muốn dành khách xem hay hùa nhau chê bai, mạt sát các kênh thông tin chính thức và có tên tuổi. Cách tấn công tốt nhất là đội cho các kênh lớn cái mũ loan tin giả tổ bố, cũng giống như ngày xưa ở Việt Nam và ngày nay ở Mỹ hễ bất đồng ý kiến thì cứ chụp cho cái mũ thân cộng, không cần biết đúng hay sai. Tấn công bằng hình thức chụp mũ là thiếu bằng chứng và hàm hồ, và trong trường hợp này, còn thêm phần đạo đức giả. Vì tuy các nhà bình luận trên YouTube chê các hãng tin lớn phát tin giả, họ vẫn sử dụng những bản tin này trong các cuộc bình luận của họ. Chỉ có điều họ cắt xén bỏ đi những gì bất lợi cho họ và chỉnh sửa, tạo ra những khúc phim mới để phụ họa cho quan điểm của họ đưa ra. Việc chê bai, chỉ trích các kênh chuyên nghiệp đã giúp các kênh cá nhân giữ được những khách hàng không có khả năng phân biệt giữa thật và giả. Những khán thính giả trung thành này rất hiếm khi thoát khỏi quĩ đạo kiểm soát của chủ kênh vì họ không còn phương tiện, khả năng nhìn thấy điều gì khác đáng tin hơn.

Trong thế giới nói tiếng Anh, đã có một số tổ chức lên tiếng về vấn đề tin giả lan tràn (www.snopes.com, www.factcheck.org, www.politifact.com, www.washingtonpost.com/news/fact-checker/). Họ chuyên sưu tầm, so sánh, mỗ xẻ, giải mã để xác định những tin đồn là có thật hay bịa đặt để giảm bớt tình trạng tin nhảm lan tràn và ảnh hưởng gây nguy hại cho xã hội. Nhưng rất tiếc cố gắng này không đến được với cộng đồng người Việt vì trở ngại ngôn ngữ.

Tóm lại, để phân biệt được một bản tin có đáng tin hay không, ta cần xét đến những góc cạnh sau:

1. Gốc gác của bản tin, nơi đưa tin có phải là nơi đàng hoàng hay không.

2. Đoán được động cơ của người đưa tin sẽ giúp bạn xem thông tin một cách khách quan hơn thay vì tin hết 100%. Thí dụ như khi xem một bản tin nói rằng nghiên cứu mới nhất cho thấy hút thuốc lá không hại phổi, nhưng nếu biết bản tin đó được hãng bán thuốc lá tài trợ thì liệu bạn có nên tin nó hoàn toàn không?

3. Tìm đọc một thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để so sánh và thẩm định độ trung thật của chúng.

4. Phân biệt rõ ràng điều bạn nghe là tin tức hay là ý kiến riêng của một người.

5. Quan sát giọng văn, có trung lập hay miệt thị chê bai, hay tung hứng nâng đỡ một quan điểm riêng nào không. Biết trước người nói thiên vị về bên nào giúp ta đánh giá được độ trung thực của thông tin. Thí dụ như muốn khách hàng mua xe hiệu C, thì người bán sẽ tâng bốc các giá trị của loại xe này lên mây và dìm các hiệu khác xuống đất, người nghe không thể tin hoàn toàn lời của người bán được. Xin lưu ý, trong thí dụ này, người nghe biết trước được động cơ và vai trò của người bán. Nếu người bán che giấu vai trò của họ, mà nói rằng họ chỉ là khách mua hàng bình thường thì người nghe có thể mất cảnh giác mà tin theo. Để tránh tình trạng mập mờ như thế, luật trên youtube có yêu cầu người chủ kênh phải khai rõ là ai bảo trợ họ về món hàng nào. Nhưng quan điểm không phải là món hàng rõ ràng nên nó lọt lưới luật này.

Trẻ em học bậc tiểu học ngày nay đều được dạy cách lọc tin. Kỹ năng này đa số người lớn gốc Việt chúng ta không có cơ hội học. Do đó chúng ta dễ tin, dễ nghe và dễ bị thuyết phục. Chúng ta vô tình lạc bước vào ma trận của thuyết âm mưu hồi nào không hay.

Đây là phần thứ hai trong loạt bài về thuyết âm mưu. Phần một là Khi Kim Chỉ Nam Lệch Hướng, Biết Đằng Nào Mà Đi. Cám ơn bạn đã theo dõi. Xin xem tiếp phần ba của loạt bài này vào kỳ tới để tìm hiểu thêm về cách Google bám sát và ảnh hưởng người dùng internet như thế nào.

Viet Goose đón nhận mọi góp ý trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn thích bài viết này, xin vỗ tay khích lệ bằng cách gõ vào hình bàn tay. Xin cám ơn.

--

--

Trang NP Tran
Viet Goose

Lover of roses, stories, music and light reflection on water. Assistant editor at TintJournal.com. I strive to wield my pen with responsibility and compassion.