Khi kim chỉ nam lệch hướng, biết đằng nào mà đi?

Conspiracy Theories: Bàn về Thuyết Âm Mưu

Trang NP Tran
Viet Goose
6 min readMay 16, 2021

--

Photo by FLY:D on Unsplash

Bạn có biết vì sao người ta hay có vẻ diễu cợt khi nói đến ba chữ ‘thuyết âm mưu’? Vì nó ám chỉ một lối nhìn đời bi quan, không tin vào những gì mắt thấy tai nghe, mà thiên về những giả thuyết, những tin đồn thường là vô căn cứ.

Người tin vào thuyết âm mưu chia thế giới ra làm hai phe trắng đen rõ rệt, chính tà phân minh. Như trong truyện khoa học giả tưởng, họ tin vào chuyện có một hệ thống quyền hành ngầm nào đó ngoài việc có khả năng điều khiển được hết những biến cố lịch sử, còn mua chuộc được hết các cơ quan chính phủ, các ngành, các viện, các cơ quan, báo chí, v.v. hết thảy đều trở thành tay sai của hệ thống này. Đây là tà phái. Còn chính phái là tất cả những ai không tin vào chính quyền và hệ thống vận hành của một xã hội.

Vì nghi ngờ hết thảy những gì đã được xem là chính thống, một số người tin thuyết âm mưu cực đoan có những khẳng định khá buồn cười. Thí dụ như: Trái đất phẳng chứ không tròn, vì họ chỉ có thể nhìn thấy nó phẳng mà thôi. Chuyện con người đáp vào mặt trăng năm 1969 là không có thật và các hình ảnh phi thuyền được quay tại một phim trường. Ngay cả vụ không tặc tấn công làm sụp đổ 2 toà nhà World Trade Center ở New York ngày 11/9/2001 cũng bị nghi ngờ rằng hình ảnh nhìn thấy không phải là thiệt.

Do đó ta cũng không nên lấy làm lạ khi cách lý luận ngây ngô như trên cho ra đời niềm tin rằng bịnh dịch Covid-19 là một âm mưu do một tỉ phú gây nên để khống chế toàn cầu, hay rằng thuốc chích ngừa bệnh Covid-19 có chứa microchip để khống chế người bị chích.

Cách lý giải sự việc của thuyết âm mưu đánh động vào tâm lý hoang mang của con người trước những biến động của thời đại. Khuynh hướng nghi ngờ này được những kẻ đầu cơ chính trị tận dụng tối đa bằng cách trưng ra những tin đồn vô căn cứ, những thông tin không trung thực và những hình ảnh đã qua chỉnh sửa (bằng kỹ thuật tân tiến cắt ghép, lắp ráp) làm bằng chứng cho lý luận của họ. Để gia tăng mức thuyết phục, họ dốc toàn lực bài xích chê bai tất cả những ai đưa tin khác họ. Họ khuyến khích người nghe đừng tin vào khoa học, chính phủ, các cơ quan thông tấn, mà hãy tin vào họ. Và họ là ai? Xin thưa không ai biết.

Tín đồ của thuyết âm mưu lập đi lập lại những tiên đoán, những lý luận này với một niềm tin sắt đá và họ trích dẫn lẫn nhau khi được hỏi về nguồn gốc của chúng. Tỉ như trong một nhóm có 500 người, người thứ nhất sẽ bảo họ lấy tin từ người thứ hai, người này lấy tin từ người thứ ba, người này lấy tin từ người thứ tư, cứ thế mà tiếp tục đến người cuối cùng và người này sẽ dẫn lại người đầu tiên. Giả dụ trong số người loan tin có một vài chính khách hay chuyên gia theo phe ta, thì lời nói của những người này tự có sẳn sức thuyết phục cao, đến mức họ không cần chứng minh gì cả, chỉ việc ‘phán’ là được tin. Rốt cuộc lại tất cả đều mù mờ như nhau.

Thuyết âm mưu nhờ vào internet đã lan ra rất nhanh. Các tin đồn được chia xẻ và thổi phồng thêm lên, khiến một số người vừa có lòng tốt vừa có sẳn súng ống trong tay muốn dùng bạo lực để trừ gian. Pizzagate là một thí dụ điển hình. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trên mạng xã hội loan đầy các thông tin giả về việc ứng cử viên Hilary dính líu tới các quán pizza trá hình có tầng hầm dùng chứa trẻ em bị cầm giữ và ngược đãi. Các tin này đưa cả địa chỉ, hình ảnh (giả) của các quán và các tầng hầm này, khiến người xem phải nổi cơn tam bành và tự nhủ tại sao những tội ác như thế lại có thể tồn tại.

Vào hai tháng cuối năm 2016, tiệm pizza Comet Ping Pong ở Washington, D.C. bị lọt vào tầm ngắm của tin đồn này. Điện thoại hăm doạ và tin nhắn đòi trừng trị được gửi tới tấp đến tiệm. Khổ chủ của tiệm phải đương đầu với những thông tin bêu riếu tiệm ông, về gia đình và thân nhân ông, về nhân viên và các nhạc sĩ đã từng biểu diễn ở tiệm ông. Ngay cả một hoạ sĩ đã có lần vẽ một bức tranh tường ở tiệm ông và bức tranh đó đã được xoá đi và sơn chồng lên, anh này cũng bị hạch sách và hăm dọa. Không những thế, một dãy các tiệm ăn và tiệm pizza gần đó cũng bị chụp mũ cùng một tội danh, kể cả một tiệm sách gần đó, liên quan chỉ vì người ta lấy hình ảnh của tiệm sách để dẫn chứng cho tội trạng. Ngoài những rêu rao nặc danh, còn có những quan chức tai to mặt lớn trong chính trường và nghề truyền thông cũng hùa vào tung hê. Chúng ta chớ thấy chính khách tin theo mà lầm bảo tin có thật. Vì cần phải hạ bệ đối thủ Hilary, họ sẳn sàng làm bất cứ điều gì.

Chuyện phải đến cuối cùng đã đến. Vào cuối tháng 12 năm 2016, chịu không nổi các hình ảnh tàn nhẫn này, một anh Mỹ trắng tên Welch, ôm súng đến tiệm pizza hiệu Comet Ping Pong với thiện ý là diệt cho hết bọn chủ chứa tàn ác đó và cứu các em ra. Đến nơi anh nổ súng tùm lum. Nhân viên khách khứa hoảng loạn chạy trốn. Đằng sau cánh cửa khoá kín không phải là tầng hầm chứa người, mà chỉ là chỗ chứa cái máy computer. May mà không có người chết. Anh bị bắt và xin lỗi vì nghe theo thông tin giả mà gây hại. Bị tuyên án bốn năm tù từ 2017, anh được thả ra năm 2020.

Vậy mà một tháng sau, vào tháng 1, năm 2017, vẫn còn tay súng khác hăm doạ tấn công một nhà hàng pizza khác gần đó vì cùng một lý do. “Lần này tao làm cho xong cái việc thằng trước làm không xong.” Điều này cho thấy một đặc tính mang hơi hướm cuồng tín, là khi tín đồ của thuyết âm mưu tin cái gì là họ muốn điều đó phải có thực. Không có họ phải nặn ra cho nó có mới vừa lòng.

Đến tháng 10 năm 2017, một thuyết âm mưu do QAnon (tạm dịch là Cu Vô Danh) hay viết tắt là Q ra đời bên Mỹ. Cu này không lộ mặt và danh tính, chỉ gửi tin trên các diễn đàn mạng theo kiểu úp mở, hiểu sao cũng được, và khơi động trí tò mò của người xem. Các tín đồ của Cu xem ngài như thần thánh và lời phán của Cu được phân tích, diễn giải như sấm Trạng Trình hay sấm Nostradamus. Cu gieo rắc đủ loại thông tin, nào nhà nước ngầm, nào hội kín Illuminati, nào đường dây mua bán và ngược đãi trẻ con, gây nghi ngờ về mức nguy hiểm của dịch Covid-19, v.v… Cứ có chuyện gì mới xảy ra là tín đồ của Cu vơ vào bảo là nằm trong âm mưu và Cu đã tiên đoán trước. Họ sao chép, cóp nhặt tin cũ rồi xào nấu thành tin mới. Như tin giả Pizzagate và việc bạo hành trẻ em ngày nay vẫn còn được trích dẫn lại như là một sự thực.

Tóm lại, nếu bạn đã từng sống trong một xã hội độc tài chuyên chế, thì sẽ không lạ gì với phương cách thuyết âm mưu được loan truyền. Hãy cứ vừa ăn cướp vừa la làng, la càng to càng nhiều thì người ta sẽ tin bạn vô tội. Cả vú lấp miệng em là một chính sách rất hiệu nghiệm để bịt miệng người khác.

Sống trong thời đại internet với thông tin tràn lan khắp nơi, làm sao biết được tin nào đúng tin nào sai. Phần hai của loạt bài này sẽ đào sâu hơn về các phương cách kiểm chứng thông tin, cách lọc tin và tìm hiểu thêm về động cơ của thuyết âm mưu.

Viet Goose đón nhận mọi góp ý trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn thích bài viết này, xin đừng quên vỗ tay khích lệ. Cám ơn.

--

--

Trang NP Tran
Viet Goose

Lover of roses, stories, music and light reflection on water. Assistant editor at TintJournal.com. I strive to wield my pen with responsibility and compassion.