Hệ thống cấp bậc dành cho kỹ sư phần mềm ở FANG+

Sean
Viet Tech Pros
Published in
8 min readDec 21, 2019

Tiếp tục trả lời các câu hỏi còn lại từ webinar “Từ Việt Nam đến Thung lũng Silicon”, hôm nay chúng ta sẽ cùng điểm qua cách mà các công ty thuộc nhóm FANG+ đã phân cấp đội ngũ kỹ sư phần mềm của họ.

Một số thuật ngữ có sử dụng trong bài này đã được giải thích trong một bài viết trước có tựa đề “Làm thế nào để xây dựng một resume chuẩn FANG+”.

Tổng quan hệ thống phân cấp kỹ sư phần mềm

Các công ty công nghệ lớn ngày nay có đội ngũ kỹ sư thể lên tới hàng ngàn người. Để quản lý và sử dụng có hiệu quả một đội ngũ như vậy, nhiều công ty đã áp dụng một số hệ thống phân loại cấp bậc. Từ sinh viên mới ra trường đến những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, mỗi người sẽ được phân vào một cấp nhất định dựa theo những tiêu chí công ty. Những tiêu chí này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá năng lực định kỳ cũng như ra quyết định về việc thăng và giáng chức của nhân viên.

Mức độ quy củ và chi tiết của những hệ thống phân cấp kỹ sư sẽ có sự khác nhau giữa các công ty. Cũng có những công ty không thiết lập một hệ thống cấp bậc nào cả. Ở bài viết này, chúng ta tập trung vào những công ty thuộc nhóm FANG+, nơi mà hệ thống phân cấp được áp dụng rộng rãi và có nhiều sự tương đồng.

Như đã nói ở trên, mỗi một kỹ sư được phân loại vào một cấp bậc nhất định khi gia nhập công ty. Sự phân loại này dựa vào 2 yếu tố chính: kinh nghiệm làm việc đã có và thể hiện trong quá trình phỏng vấn. Cấp bậc của một kỹ sư được thể hiện chức danh, ví dụ như Software Engineer II, Software Engineer III, Senior Software Engineer, Staff Software Engineer, v.v… Mỗi chức danh đi kèm với một số thứ tự để cho biết vị trí của cấp bậc trong hệ thống, ví dụ như ở Google thì Software Engineer sẽ tương ứng với cấp 3, còn Senior Software Engineer sẽ ứng với cấp 5.

Cần lưu ý rằng hệ thống chức danh và những con số đi kèm chỉ có giá trị nội bộ trong một công ty. Nếu muốn so sánh cùng một chức danh hoặc so sánh cấp bậc dựa theo số thứ tự của cấp bậc giữa 2 công ty khác nhau thì sẽ không hoàn toàn chính xác.

Hệ thống cấp bậc ở Google và Facebook

Hiện tại, hệ thống cấp bậc cho kỹ sư phần mềm ở Google và Facebook (áp dụng cho nhân viên làm việc full time) được chia ra từ thấp đến cao như sau:

  • Software Engineer (SWE) II — cấp 3
  • SWE III — cấp 4
  • Senior SWE — cấp 5
  • Staff SWE- cấp 6
  • Senior Staff SWE — cấp 7
  • Principal Engineer — cấp 8
  • Distinguished Engineer — cấp 9
  • Google Fellow — cấp 10

Để đi từ cấp L lên cấp L+1, một kỹ sư phải thể hiện được khả năng làm việc tương đương với kỹ sư L+1 TRONG một khoảng thời gian liên tục và ổn định.

Hiện tại, Google quy định cấp 4 — Software Engineer III là terminal level. Điều này có nghĩa là kỹ sư cấp từ cấp 4 trở lên có thể mãi mãi làm việc ở cấp bậc hiện tại mà không bị áp lực phải lên cấp hoặc nghỉ việc. Đối với cấp thấp hơn (cấp 3 — Software Engineer II), nếu sau một khoảng thời gian làm việc mà người kỹ sư không thể hiện được sự tiến bộ và được thăng cấp thì có thể bị cho thôi việc. Ở Facebook, cấp5 — Senior Software Engineer mới là terminal level.

Từ cấp 5 (Senior Software Engineer) trở lên, kỹ sư có thể chuyển qua vai trò làm quản lý kỹ thuật (engineering manager). Từ cấp 6 trở lên, vài trò quản lý của người kỹ sư ngày càng quan trọng hơn vai trò kỹ thuật. Ở cấp độ này, người kỹ sư chủ yếu tham gia vào quá trình lên kế hoạch cho team và sản phẩm, xây dựng quy trình làm việc, quản lý con người, thiết kế hệ thống, v.v…

Hệ thống cấp bậc ở Amazon và Microsoft

Ở Amazon, hệ thống cấp bậc được quy định như sau:

  • Software Development Engineer (SDE) I — cấp 4
  • SDE II — cấp 5
  • SDE III / Senior SDE — cấp 6
  • Principal SDE — cấp 7
  • Senior Principal SDE — cấp 8
  • Distinguished Engineer — cấp 10

Ở Microsoft, hệ thống cấp bậc được quy định như sau:

  • Software Development Engineer (SDE) — cấp 59 và 60
  • SDE II — cấp 61 và 62
  • Senior SDE — cấp 63 và 64
  • Principal SDE — cấp 65, 66, và 67
  • Partner — cấp 68, 69
  • Distinguished Engineer — cấp 70
  • Technical Fellow — cấp 80

(Nguồn: levels.fyi)

So sánh cấp bậc giữa các công ty

Nhìn vào hệ thống cấp bậc giữa Google, Amazon và Microsoft, dễ dàng nhận thấy, nếu chỉ dựa vào chức danh hoặc số thứ tự của cấp bậc thì sẽ rất khó so sánh 2 kỹ sư của 2 công ty khác nhau. Ví dụ như ở Microsoft số thứ tự của cấp bậc kỹ thuật thấp nhất là 59, trong khi ở Amazon là 4 và ở Google là 3. Hoặc nếu như ở Google cấp 4 là vị trí ngay dưới senior engineer thì ở Amazon cấp 5 mới là vị trí ngay dưới senior engineer.

Để so sánh chính xác hơn, cần phải có thêm những thông tin như:

  • Cấp bậc nào thường dành cho người mới ra trường?
  • Cấp bậc nào dành cho người đã có 5, 10 năm kinh nghiệm?
  • Bắt đầu từ cấp nào thì có thể đảm nhận vai trò quản lý kỹ thuật.

Nhìn chung, cấp bậc càng cao thì sẽ được giao càng nhiều việc quan trọng và ngược lại, nếu được giao nhiều việc quan trọng (và làm tốt) thì có nghĩa là bạn sắp được thăng cấp lên cao hơn cấp bậc hiện tại.

Một cách so sánh khác là căn cứ vào mức tổng thu nhập (total compensation) của 2 vị trí ở 2 công ty khác nhau. Tuy nhiên cách làm này có thể không chính xác vì một số công ty có mức đãi ngộ cao hơn đáng kể so với các công ty khác.

Vai trò của cấp bậc ở nơi làm việc

Công cụ để đánh giá kết quả làm việc củakỹ sư

Công ty càng lớn thì việc đánh giá năng lực sẽ càng có xu hướng đi theo những quy trình và tiêu chuẩn định sẵn. Mục đích của việc này là:

  • Tăng sự khách quan và bình đẳng trong việc đánh giá và đãi ngộ
  • Giảm sự chủ quan và thậm chí là thiên vị, cố ý hoặc không cố ý, trong việc mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên

Dĩ nhiên không có bộ tiêu chuẩn hay quy trình nào là hoàn hảo cả. Người ở vị trí quản lý sẽ có những sự tự do nhất định để đưa những quan điểm cá nhân vào quá trình đánh giá. Tuy nhiên, các quan điểm cá nhân cũng đều cần phải được diễn giải cho phù hợp với những tiêu chuẩn và quy định của công ty.

Mỗi công ty sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau cho mỗi cấp. Sau một khoảng thời gian (một quý, nửa năm, một năm), một nhân viên sẽ được đánh giá và cho điểm dựa theo tiêu chí đánh giá dành cho cấp bậc của mình. Kết quả đánh giá sẽ được dùng để quyết định việc tăng lương, tăng thưởng, hoặc thăng / giáng cấp.

Nếu không hoàn thành tốt những yêu cầu cơ bản đối với cấp bậc của mình, bạn sẽ có nguy cơ bị mất việc.

Công cụ để đánh giá kết quả làm việc của người quản lý

Đối với người làm quản lý kỹ thuật (engineering manager), một tiêu chí đánh giá quan trọng là khả năng phát triển con người. Một trong những cách đánh giá khả năng phát triển con người là dựa trên việc có bao nhiêu kỹ sư thuộc cấp của họ đã được thăng cấp.

Nhìn chung, việc thăng cấp một kỹ sư là một hoàn cảnh đôi bên cùng có lợi (win — win) cho kỹ sư và quản lý, vì vậy việc tạo dựng mối quan hệ tối với quản lý trực tiếp là vô cùng quan trọng.

Để hạn chế việc một người quản lý có thể quá khắt khe hoặc quá dễ dãi với nhân viên cũng như đảm bảo duy trì chất lượng đồng đều cho kỹ sư ở từng cấp bậc, một số công ty, ví du như Google, các quyết định thăng cấp đều phải được xét duyệt và thông qua bởi một hội đồng gồm những người quản lý khác, trong đó không phải ai cũng từng làm việc với người đang được xét thăng cấp để đảm bảo sự khách quan.

Công cụ để quản lý nhóm và lên kế hoạch dự án

Mỗi một cấp bậc luôn đi kèm với định nghĩa về khả năng của một kỹ sư. Nhìn vào một nhóm kỹ sư và phân bố cấp bậc của họ, quản lý cấp cao có thể đánh giá những dự án nào có thể hoàn thành và không thể hoàn thành trong thời gian một tháng, một quý, một năm, hoặc xa hơn. Việc đánh giá này có thể ảnh hưởng đến việc phân bổ vị trí mới (headcount), thay đổi cấu trúc team (reorg).

“Senior engineer” là ai?

Trở lại câu hỏi được quan tâm ở webinar, đó là “định nghĩa senior engineer ở các công ty Google, Facebook, là như thế nào?”.

Có thể thấy, dựa trên hệ thống cấp bậc đã được trình bày ở trên, “Senior engineer” ở hầu hết các công ty là một vị trí ở cấp bậc trung, nằm ở giữa những kỹ sư còn thiếu kinh nghiệm hơn và những người quản lý kỹ thuật. Vai trò của họ rất quan trọng trong việc:

  • Hỗ trợ cho cấp quản lý cao hơn trong việc ra kế hoạch và quản lý dự án
  • Hướng dẫn và phát triển khả năng của những kỹ sư cấp dưới.

Để đạt tới vị trí này, tuỳ vào quy định của công ty, thông thường một kỹ sư cần phải làm được những việc thể hiện được khả năng ở cả 3 yếu tố sau: độ khó (difficulty), ảnh hưởng (impact), và khả năng lãnh đạo (leadership). Trong 3 yếu tố đó, 2 yếu tố ảnh hưởng và khả năng lãnh đạo là yếu tố khó đạt được hơn cả nếu như làm việc trong một tập thể lớn và đã có nhiều sự ổn định.

Hiện nay không ít kỹ sư ở FANG+ xem việc đạt được vị trí senior là mục tiêu sự nghiệp quan trọng nhất, nơi mà họ có thể đạt được sự cân bằng giữa được làm những việc mình thích, mức độ áp lực vừa phải, và mức độ đãi ngộ “lý tưởng” (senior software engineer ở FANG+ có mức tổng thu nhập trước thuế vào khoảng trên $300k một năm).

--

--