Kinh nghiệm để học và thi IELTS tốt.

Nguyễn Đình Lộc
VietYouth
Published in
7 min readOct 24, 2016

Khi mở Ask.fm, mình đã nhận được tương đối nhiều câu hỏi của nhiều người về cách để học và thi IELTS sao cho tốt, vì trước đây mình từng đạt điểm 8.0 IELTS với hai mục Reading và Listening đạt 9 tuyệt đối. Vậy nên mình viết note này để chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, sau khi đã thi IELTS 2 lần và đạt điểm tương đối tốt. Note này không chỉ bao gồm cách học IELTS của mình mà còn cả cách mình học tiếng Anh trước đây, kèm theo trả lời 1 số câu hỏi thường gặp trong Ask của mình luôn.

Đầu tiên, cần phải hiểu IELTS là cái gì? Viết tắt của cụm từ International English Language Testing System, IELTS dịch đúng nghĩa là “Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế”. Đây là kỳ thi được dành cho những người mà tiếng mẹ đẻ không phải tiếng Anh, được tạo ra từ năm 1989 bởi Cambridge, British Council và IDP. Đây là 1 trong 2 kỳ thi tiếng Anh chính trên toàn cầu, bên cạnh TOEFL.

IELTS có hai phiên bản, một là Academic mang tính thử thách cao và General Training đơn giản hơn. Thường những ai thi IELTS để du học, có công việc … là thi Academic, còn General là dành cho những ai muốn có thêm kinh nghiệm làm việc hay định cư tại nước nói tiếng Anh. Bài viết này sẽ chỉ dành để nói về thi Academic.

Thang điểm của IELTS là từ 1 tới 9 và không có một cột mốc nào cụ thể để cho bạn biết rằng bạn đã đỗ hay chưa. Thường cái đó là do bạn quyết định, giả dụ như trường đại học bạn cần 6,5 IELTS thì mục tiêu của bạn sẽ là như vậy.

Cá nhân mình đã thi IELTS 2 lần. Lần đầu tiên là giữa lớp 12, điểm lúc đó là 7,5. Lần thứ hai là vào giữa năm 2013, khi mình cần điểm để đủ đi công tác nước ngoài. Lần này điểm là 8, trong đó các kỹ năng Reading và Listening đều 9, Writing là 6,5 còn Speaking là 7.

safe_image-php

Cấu trúc IELTS gồm 4 kỹ năng Nghe — Nói — Đọc — Viết.

Listening: Có khoảng 40 phút, với 4 phần thi và độ khó tăng dần lên. Thường bài thi này kéo dài 40 phút, gồm 30 phút làm bài và 10 phút để điền đáp án sang tờ giấy thi. Mỗi phần thi sẽ được bắt đầu bằng một đoạn giới thiệu ngắn nói về tình huống họ chuẩn bị được nghe, trước khi cho họ một chút thời gian để nhìn qua câu hỏi. Mỗi đoạn nói chỉ được nghe một lần duy nhất.

Reading: Có ba phần thi, với khoảng 40 câu hỏi.

Writing: Có hai phần thi. Phần 1 là miêu tả biểu đồ, quá trình … trong khi Phần 2 là trình bày luận điểm về một ý kiến hay sự việc.

Speaking: Bao gồm ba phần, sẽ giải thích cụ thể ở dưới.

Sau đây là phần nói về kinh nghiệm ôn thi.

Khi ôn thi, mình chọn cách tự ôn bằng bộ sách Cambridge Practice Tests For IELTS (with answer). Lý do mình chọn bộ sách này là bởi nó được tổng hợp từ những bài thi thật đã có và do chính Cambridge — một trong những đơn vị tổ chức thi — biên soạn. Hiện đã có tầm 10 cuốn sách này, do vậy mình khuyên những ai sắp thi nên sắm tầm cuốn 5 trở đi vì nó cập nhật hơn. Bạn có thể tự ôn bằng cách bấm giờ từng bài thi như thi thật, rồi sau khi hoàn thành thì đối chiếu đáp án với bài giải.

Cách ôn từng kỹ năng: (đây là phần mình trả lời 1 người bạn và đã rất đầy đủ nên mình copy lại để không phải viết nữa)

Speaking: phần nói có tổng cộng là 3 phần, trong đó 1 là những câu hỏi đơn giản dạng chit chat, hỏi về bản thân/cuộc sống/công việc của mình, phần 2 là cho chọn random 1 topic để nói (thời gian là 1 tới 2 phút) và 3 là những câu hỏi có liên quan tới phần 2 đó.

Vậy nên tốt nhất trước khi thi, mình nên kiếm các câu hỏi + topic có thể gặp ở trên mạng và tìm 1 người có tiếng Anh kha khá để người đó đặt câu hỏi, mình trả lời. Nên làm như vậy để cho quen + có người sửa cho mình + không bị bỡ ngỡ khi vào phòng thi gặp giám khảo. Việc chuẩn bị sẵn còn sẽ giúp mình nhiều để nói trơn tru lưu loát nếu trúng tủ, tạo thiện cảm với người chấm. Khi người ta hỏi thì không nên vọt luôn câu trả lời mà cứ từ từ đợi nghĩ khoảng 2s đã có thể nói để khỏi bị ngắc ngứ, cố tránh bị kiểu “à ừm” vừa nói vừa suy nghĩ => tạo cảm giác không tự tin, thiếu tự tin.

Khi nói part 2 thì nên tập trước ở nhà với các topic kiểu “Your favorite restaurant/day/memory/movie/book … blah blah” và khi người ta cho mình thời gian để take note thì nên nghĩ ra 1 cái dàn ý và ghi các keyword cần của từng phần vào giấy người ta đưa cho để quên thì cúi xuống nhìn. Ban đầu ở nhà tập có thể cho thời gian nghĩ câu trả lời thoải mái, miễn là trơn tru, về sau thì bấm giờ như thật cho quen. Cố gắng nói được tầm 1 phút 40 giây tới gần 2 phút là chấm dứt bài nói part 2 (tới 2 phút người ta tự ngắt).

Writing: phần này có 2 bài, 1 là tả biểu đồ/so sánh blah blah, 2 là nêu luận điểm của mình về 1 statement/issue … Part 1 nên viết tầm 150–175 từ (chừng đó thôi không dài quá bị trừ điểm và không có thời gian viết bài 2), bài 2 tầm 250–275 từ. Viết bài nên có mở và kết thể hiện rõ quan điểm.

Ví dụ như viết so sánh biểu đồ thì câu đầu phải nói: The Graph illustrates the … (để giới thiệu biểu đồ nói cái gì) còn kết thì Đánh giá chung cái nổi bật nhất của biểu đồ: In conclusion, it can be said that the amount of money spent in Xmas is higher than others holidays … Cách tốt nhất là tự viết thật nhiều và đọc nhiều bài mẫu. Để tham khảo thì vào link này có nhiều đề và câu trả lời để đọc học hỏi nhé: http://www.ielts-exam.net/index.php?option=com_content...

Listening: Okay cái này thì hoàn toàn về kỹ năng rồi, cá nhân tớ học Listening là rất ít, chủ yếu là rèn phản xạ, còn khả năng nghe là từ nhiều năm nghe nhạc hay xem phim tiếng Anh. Vì băng mình chỉ được nghe 1 lần nên trước khi nghe, người ta cho mình thời gian đọc trước đề thì hãy đọc, chú ý các keyword quan trọng để khi băng đọc tới từ nào thì mình biết là nó đến đâu, sắp trả lời phần nào và tập trung nghe kỹ lúc đó. Cứ rèn nhiều thì quen thôi.

Reading: Cái này thuộc về kỹ năng đọc lướt (skim). Khi tớ nhận 1 bài test, thường tớ đọc trước câu hỏi, xem các keyword quan trọng trong câu hỏi rồi đối chiếu với bài. Keyword nằm ở mảng nào trong bài thì tớ sẽ làm phần đó trước, tức là chia nhỏ bài đọc ra làm thành từng câu. Còn khi nào cần đọc kỹ thì tớ đọc đi đọc lại. Nên nhớ vì bài đọc là “the answer is always there, it’s right before your eyes” nên tập trung là được ấy mà. Về phần này khó nhất là True/False/Not Given thì true là đúng và được đề cập trong bài, False là sẽ có 1 câu ý khác/sai/ngược hẳn trong bài còn cái nào lập lờ không nhắc tới thì là Not Given.

Cuối cùng là làm sao để học tiếng Anh cho tốt:

Cách học tiếng Anh tốt nhất theo mình là sống trong một môi trường nói tiếng Anh. Khi ta không sống ở một đất nước nói tiếng Anh thì ta có thể tự tạo ra môi trường ấy. Hãy tạo thói quen đọc báo, nghe nhạc, xem phim (phụ đề) … đều bằng tiếng Anh. Ban đầu có thể bỡ ngỡ bởi nhiều từ mới hay lối hành văn song sau một thời gian mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Cách này không chỉ giúp ta biết thêm nhiều từ mới, làm quen với xã hội nói tiếng Anh mà còn dễ tiếp thu hơn vì nó giúp đầu óc giải trí (nghe nhạc + xem phim nữa). Học tiếng Anh đừng gượng ép hay gồng mình mà hãy tìm cách biến nó thành một sở thích, cái gì có đam mê cũng đều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Như trước đây hồi lớp 7 mình học tiếng Anh thuộc dạng gà nhất lớp, sau đó quyết tâm đi học để khá khẩm lên và hiểu được lời các ca khúc tiếng Anh hay nghe. Rồi sau đó xem sitcom Friends của Mỹ, rồi nhiều bộ phim khác giúp mình quen với cách nói chuyện, phát âm và hiểu được từ lóng, văn hóa phương Tây.

Hope that you en-joeyed this article and it would be helpful to you ^^

By Thịnh Joey

--

--

Nguyễn Đình Lộc
VietYouth

A Tech enthusiast with extensive experience in product development.