Việc xì xào, bàn tán chuyện bổ nhiệm một phó vụ trưởng trẻ tuổi là điều đáng tiếc — đáng lẽ người trẻ có trình độ, muốn cống hiến phải được tạo điều kiện để đóng góp cho đất nước — tuy nhiên sự việc này về cả bản chất lẫn hệ quả chính trị, cho tới thời điểm này, cũng đã thể hiện rõ những lỗ hổng trong quy trình tuyển chọn nhân tài vào khu vực công hiện nay.

Ở mức độ cá nhân, cùng độ tuổi, nhiều người cảm thông với Hoàng. Anh là một trí thức được đào tạo bài bản, có trình độ, mong muốn đóng góp, cống hiến cho đất nước. Đồng thời, rất có thể với sự tư vấn của người thân cận có nhiều kinh nghiệm, anh cũng đã lựa chọn con đường hợp lý để bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Từ một Ban Chỉ đạo tương đương cấp Bộ — trực thuộc Bộ Chính trị — nơi mà việc bổ nhiệm tưởng chừng như ít bị để ý, anh có thể có nhiều lựa chọn cho các bước đi tiếp theo như điều động, luân chuyển, “phiên ngang” mà vẫn có thể dành vài năm học tại nước ngoài để hoàn thành khoá Tiến sĩ, đồng thời hi vọng kết nối các doanh nghiệp về với địa phương. Đối với nhiều người, đây là việc nhảy cóc bất chấp quy trình và hoàn toàn chưa có tiền lệ; tuy nhiên cũng có thể cho rằng đây là những bước đi có tính toán thông minh, dù có phần vội vã. Có thể tin anh là người muốn đóng góp, cống hiến chứ không đơn thuần muốn giành chức vụ về mình chỉ để tiến thân. Nếu vì sóng gió này mà đất nước mất đi một người trẻ tâm huyết, hay tệ hơn là tạo ra một người không còn tiền đồ và niềm tin vào tương lai, thậm chí quay lưng lại với Tổ quốc thì đó quả là một điều đáng tiếc.

Tuy nhiên, ở mức độ tổ chức, không dễ để bỏ qua những câu hỏi hóc búa: Liệu việc bổ nhiệm Hoàng đã hoàn toàn đúng quy trình mang tính chất tập thể quyết định nhưng thông tin khép kín hiện nay? Liệu anh có phải người phù hợp nhất cho vị trí Phó Vụ trưởng đầy cạnh tranh? liệu những ứng viên tiềm năng khác cho vị trí này (bao gồm những người đang công tác tại Ban Chỉ đạo và những người đang công tác tại đơn vị khác, hay những người trẻ được đào tạo như anh Hoàng) có cơ hội được biết và ứng tuyển cạnh tranh vào vị trí này hay không? và rất nhiều câu hỏi khác nữa xoay quanh chuyện bổ nhiệm khi anh đang không có mặt tại Việt Nam. Nếu không trả lời được những câu hỏi nêu trên thì việc bổ nhiệm anh Hoàng sẽ luôn là một dấu hỏi lớn, vì dù anh biết 5 ngoại ngữ và có trình độ chuyên môn nhất định, nhưng không ai có khả năng khẳng định anh là người phù hợp nhât cho vị trí phó vụ trưởng mà anh chưa ngồi vào đã điều khiển từ xa. Nói một cách khác, chính quy trình hiện nay đã làm cho việc bổ nhiệm một nhân tài tiềm năng như anh trở nên ‘chướng mắt’. Phải chăng nên có một cách tiếp cận hệ thống hơn, thậm chí cải tiến quy trình tuyển dụng, để tạo điều kiện để những người như anh Hoàng khẳng định bản thân trước khi được chính thức tuyển dụng, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm?

Cuối cùng, thực sự đây không phải là vấn đề của cá nhân anh Hoàng hay bản thân tổ chức Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mà là vấn đề chung ở mức độ hệ thống của quy trình tuyển dụng nhân lực công nói riêng và phương thức thu hút nhân tài vào khu vực công nói chung. Mọi việc có lẽ đã khác nếu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (tương tự với các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, đơn vị sự nghiệp công lập và Doanh nghiệp nhà nước) đăng tải bản mô tả, khung năng lực của các vị trí việc làm mà anh Hoàng đã kinh qua lên các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội để mọi người quan tâm đều có cơ hội tiếp cận và nộp hồ sơ ứng tuyến. Nếu anh Hoàng vẫn là người được tuyển dụng sau quá trình công bố thông tin minh bạch trên và các vòng kiểm tra, sát hạch, bỏ phiếu công bằng, thì anh chính là người phù hợp nhất với vị trí việc làm, và như vậy không còn chỗ cho ai đặt dấu hỏi về việc bổ nhiệm của anh nữa. Tuy nhiên chính quy trình khép kín, khó lòng minh bạch hiện nay, đặc biệt về thông tin tuyển dụng các vị trí việc làm, đã dẫn tới tình trạng thiếu cơ sở trong tuyển dụng và sử dụng nhân tài — kể cả những người có tiềm năng như anh Hoàng. Và mọi việc sẽ không chỉ dừng lại tại đây, sẽ còn nhiều sự kiện Vũ Minh Hoàng khác nữa xuất hiện vì nội bộ cơ quan lục đục, hay đơn giản chỉ bởi vì người trẻ chưa được môi trường làm việc chấp thuận để làm lãnh đạo. Có lẽ chưa bao giờ thông tin về các trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng được tiết lộ, thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều như hiện nay. Một lí do chính là cách thức thông tin lan rộng qua mạng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với tốc độ chóng mặt. Và trong tương lai, áp lực dư luận này lên hệ thống và tính hiệu quả của nền công vụ sẽ ngày càng ra tăng.

Đã đến thời điểm chúng ta cần nâng cấp hệ thống bằng cách đưa một quy trình thu hút và tuyển dụng nhân tài ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào thực tế. Quy trình này cần cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước tập trung thông tin tuyển dụng vị trí việc làm và công bố rộng rãi qua các kênh truyền thông để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận thông tin và ứng tuyển bình đẳng. Có như vậy thì những Vũ Minh Hoàng mới có thể đường hoàng cống hiến cho đất nước trong tương lai mà không lo sợ phiền hà cho gia đình hay bản thân. Có như vậy thì khu vực công mới có thể thu hút được hiền tài để đưa ra những chính sách đúng đắn cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, kể cả nếu hiền tài ‘chỉ’ xuất thân là “con em nông dân”. Có như vậy mới đúng theo lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đăng tin tuyển dụng đầu tiên trên tờ báo Cứu quốc cho Nhà nước mới thành lập còn non trẻ những năm 1940.

Kết bài, dù sẽ còn nhiều tình tiết liên quan tới quy trình tuyển dụng Vũ Mình Hoàng liên quan tới Lãnh đạo các cấp và các thời kỳ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhưng người đọc tỉnh táo cần nhận ra rằng tất cả chỉ là biểu hiện bề mặt của một vấn đề mang tính chất hệ thống, mang tên quy trình tuyển dụng và thu hút nhân tài vào khu vực công.

--

--