THE MYST — Lưu giữ Sài Gòn từ trong tim — Phần 1

Ngan Doan Thi Kim
Worksmedia Vietnam
Published in
8 min readAug 22, 2018

Au. Giao, Pham

Add.№6–8 Ho Huan Nghiep St., Ben Nghe Ward , District 1, Ho Chi Minh city

Fb. https://www.facebook.com/themystdongkhoi/?fref=ts

Web. http://themystdongkhoihotel.com/vn

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, một thành phố nhộn nhịp và phát triển bậc nhất cả nước, là nơi mỗi năm thu hút hơn hai triệu lượt khách quốc tế cũng như trong nước tới làm việc và du lịch. Nếu đứng ở góc độ một người bản xứ, thành phố này là nơi giành cho những ai yêu thích sự ồn ào và nhịp sống hối hả, với vẻ phù phiếm và xa hoa của những toà nhà cao tầng đang ngày càng mọc lên như nấm. Thành phố Hồ Chí Minh trong mắt hầu hết mọi người vẫn là một nơi đậm chất công nghiệp và khô cứng như thế.

Ở khuôn khổ bài viết được chia làm hai kỳ này, tôi hy vọng có thể cho bạn một cái nhìn khác về Sài Gòn-một tên gọi thân thương khác của thành phố Hồ Chí Minh-thông qua một khách sạn rất độc đáo mà tôi đã vô tình khám phá ra được trên con đường tìm hiểu về văn hoá Cocochin.

The Myst không như những khách sạn tôi được tới trước đây, khách sạn nằm lọt thỏm tại một con đường nhỏ ngay trung tâm thành phố, đường Hồ Huấn Nghiệp. Ngay từ lúc bắt đầu xây dựng The Myst đã tạo sự tò mò cho người đi ngang đây. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Ở khu đất đắt đỏ thế này tại sao lại có một toà nhà mọc lên không giống những toà nhà khác? Toà nhà này xây nên để làm gì? Có phải là khách sạn không? Là toà nhà chung cư để ở hay một trung tâm mua sắm?…Và khi The Myst đã xây dựng xong rồi đưa vào hoạt động những thắc mắc đó vẫn không ngừng lại.

Để giải đáp những nghi vấn đó của bản thân cũng như muốn truyền tải một thông điệp mới về Sài Gòn, vùng đất tôi đã học tập và làm việc khá lâu, tôi tìm tới The Myst vào một buổi chiều mát mẻ và gặp Hà, cô gái hướng dẫn viên của khách sạn duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam truyền thống, cô ấy đã kể cho tôi những điểm thú vị về The Myst mà chưa ai biết đến.

PART 1. CÂU CHUYỆN RA ĐỜI CỦA THE MYST

The Myst là chữ viết tắt của The Mystery: sự bí ẩn, với mong muốn khi đến đây du khách đến đây sẽ trải nghiệm được nét văn hoá xưa của một Sài gòn với tên gọi khác là Cocochin hay Gia Định…. Có một câu chuyện nhỏ về người bố của một trong những người sáng lập nên The Myst, ông ấy đã từng làm việc tại xưởng đóng tàu Ba Son-một xưởng đóng tàu lâu đời tại Sài Gòn từ thời Pháp thuộc. The Myst được hình thành từ chính những kỷ niệm và tình cảm với người cha, cũng như văn hoá đặc trưng của Sài Gòn là văn hoá tứ xứ, sự nồng hậu của người Sài Gòn khi đón tiếp khách từ phương xa tới. Bạn sẽ ấn tượng với những mái ngói tại sảnh khách sạn, ít ai biết chúng được thu mua lại từ xưởng đóng tàù Ba Son, xưởng bị dở bỏ do quy hoạch thành phố năm 2016. Mái ngói có cùng xuất xứ với ngói nhà thờ Đức Bà thành phố, được chở trực tiếp từ xưởng ngói Marseille, Pháp và có tuổi thọ hơn 100 năm.

Ngay tại đại sảnh, tôi cũng bị ấn tượng với sự trình bày chỉn chu như một bảo tàng thu nhỏ với các tượng đồ cổ đặc trưng cho những nền văn hoá khác nhau theo từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam. Cách sắp đặt sofa đón khách và để khách ngồi chờ check-in cũng không hề xa cách hay quá trang trọng mà vẫn đảm bảo sự chuyên nghiệp và thoải mái của một khách sạn 5 sao.

PART 2. VĂN HOÁ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỪNG NGÕ NGÁCH

Một ấn tượng khác mà tôi không thể không nhắc đến là thang máy của The Myst hoàn toàn dát bằng gỗ, trong thang máy có treo túi thơm mùi hoa lài và được tạo hình như một mái nhà thu nhỏ. Như chia sẻ của Hà, những người thiết kế The Myst muốn xoá bỏ sự lạnh lùng của kim loại trong các thang máy khách sạn sang trọng vốn đã quá quen thuộc nên tổ thiết kế sử dụng gỗ thay thế để tạo nên sự ấm cúng cho du khách, khiến họ có cảm giác gần gũi khi ghé thăm The Myst.

Hành lang ở đây được tái hiện lại từ các con hẻm nhỏ quanh co khắp đường phố Sài Gòn, số phòng được décor như biển số xe máy, trước nhà có đặt chậu cây, trên trần là những đèn chảo mờ ảo, không sử dụng đèn hắt tường như các hành lang khách sạn trước đây. Hành lang cũng được trang trí các ô kính màu, tựa như hình ảnh ánh đèn hắt ra từ các ô cửa xuyên suốt văn hoá phố thị Việt Nam.

PART 3. THỨC DẬY GIỮA TRÁI TIM SÀI GÒN

Phòng ngủ Suite ở The Myst không sử dụng sofa mà là chiếc phản gỗ từ gỗ tự nhiên. Trên bàn là bộ ấm trà Đông Gia, từ này có nghĩa là ngôi nhà phương Đông, cũng là một thương hiệu Việt Nam với chủ nhân sáng lập là người Pháp và vợ là người Việt Nam. Cái tinh tuý của gốm sứ Đông Gia là chất địa phương đến từ vùng đất Kiên Giang, miền Tây, gạo trắng nước trong. Bên cạnh bộ phản gỗ là một chiếc ghế tựa làm từ mây tre đan đậm chất miền quê truyền thống Việt Nam. Khách đến The Myst có thể ngồi đây thưởng thức trà trên chiếc ghế đung đưa nhìn ra ban công được thiết kế như hàng hiên, bao bọc bởi cây xanh. Có lẽ The Myst là khách sạn duy nhất trong thành phố hiện đại sử dụng đồ nội thất mang phong cách độc đáo như thế này.

Bên cạnh đó để vừa đảm bảo yếu tố 5 sao nhưng vẫn mang được tính chất tự nhiên vào không gian, tại mỗi sân thượng các phòng deluxe đều có trang bị bồn jacuji cho khách có thể hoà mình vào không khí tự nhiên của thành phố.

Để thật sự hoà mình vào không khí Sài Gòn ngày xưa không chỉ có không gian mà The Myst còn muốn đem lại sự thưởng thức về đồ uống, đánh thức mọi giác quan cho thực khách. Đồ uống được đặt trong tủ lạnh là Xá Xị Chương Dương, Sâm bí đao Tribeco,…những loại đồ uống có từ thời kỳ Pháp thuộc và còn được sử dụng cho tới nay.

Khu vực ngủ được trát tường bằng xi măng và cố tình tạo nứt. Để thi công phần tường này đơn vị thiết kế phải kiếm người chuyên làm vật liệu xi măng theo công thức của ngày xưa với duy nhất một loại xi măng của Hà Tiên để ra được cái chất bóng của xi măng thời điểm bấy giờ.

Toilet cũng được thiết kế đan xen giữa hiện đại và cổ điển. Cửa toilet được trang trí hình tượng bàn tính của người Hoa-một trong những đặc trưng văn hoá tứ xứ của đất Sài Gòn xưa. Điện thoại đặt trong toilet cũng được tìm kiếm kỳ công từ những cửa hàng đồ cổ là loại điện thoại quay số tròn với dây xoắn nhựa đặc trưng.

Đặt trên một góc bàn để bồn rửa mặt là chú heo đất màu đỏ làm từ đất nung, hình ảnh cực kỳ gần gũi với bất kỳ ai đã trải qua một thời tuổi thơ giai đoạn sau giải phóng 1975.

Để thể hiện một sự chỉn chu và quan tâm tới từng nhu cầu nhỏ nhất của du khách, trong góc tủ đồ còn có một cây dù giành riêng cho mùa mưa Sài Gòn thường kéo dai dẳng từ tháng 5 tới tháng 11 hàng năm. Treo trong tủ áo, ngoài áo choàng tắm còn có một chiếc túi rút nhỏ đựng đồ bơi giành cho khách, phòng trường hợp khách không kịp mang theo khi du lịch.

Hết phần I.

--

--