Kế hoạch cho 2021

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
8 min readMar 12, 2021

Kì 3: Làm thế nào để “sắt” thành “kim”

Khi bắt tay vào học tập và làm việc mình luôn nhớ đến hai câu nói: một câu là của Lão Tử cho những khi mình chần chừ không muốn bắt đầu, mà cũng chẳng biết bắt đầu như thế nào; câu còn lại là của Khổng Tử, cùng mình đi qua mọi khó khăn.

Mặc dù hai câu nói này nhan nhản trên mạng, bị sử dụng vô tội vạ, nhưng không vì vậy mà độ sâu và tính chính xác của chúng bị sụt giảm.

“The journey of a thousand miles begins with one step.”

Lao Tzu

kì 1, mình có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra mục đích phát triển bản thân vì mình tin, nếu chính đáng, nó là nguồn nội lực mạnh mẽ thúc đẩy con người tiến lên phía trước. Để làm nên hành trình ngàn dặm, phải luôn nhắc nhở bản thân lý do vì sao ta muốn bắt đầu.

Cất bước đi đầu tiên ấy như thế nào cũng rất quan trọng vì nó phần nào quyết định ta đi được bao xa và bao lâu. Muốn đi dài hơi, trước hết phải xác định trình độ hiện tại phong cách làm việc của bản thân. Nếu đánh giá đúng hai thứ này thì cho dù xuất phát điểm có thấp hay chậm trễ, ta vẫn có thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Lấy ví dụ khi học ngoại ngữ, kiểm tra đầu vào là điều tối cần thiết, vì từ đó ta mới có thể tìm chọn tài liệu và thiết kế phương pháp học phù hợp. Điều quan trọng khi tiến hành bước này là phải trung thực. Như mình đề cập ở kì 2, hãy dồn sự tập trung vào việc phát triển bản thân thay vì những đánh giá, tiêu chuẩn hay nhận xét của mọi người xung quanh.

Tiếp theo là xác định bản thân phù hợp với phong cách làm việc nào. Theo Volk et al. (2017), khung giờ làm việc hiệu quả cho “night owl” là khoảng trưa-chiều vì khi ấy độ tập trung có thể đạt mức cao nhất. Vì vậy, thời gian biểu của “cú đêm” như mình nên dày đặc hơn về chiều.

Ngoài ra, theo mô hình VARK, mình còn là kinesthetic learner, tức người học thông qua trải nghiệm và vận động. Phương thức này là một trong bốn phương thức tiếp thu kiến thức chính bao gồm Visual (Nhìn), Auditory (Nghe), Reading/Writing Preference (Đọc/Viết), và Kinesthetic (Vận động) được gọi tắt là VARK.

Kết quả của mình khi làm bảng khảo sát VARK là 12 điểm Kinesthetic, 8 điểm Read/Write và 9 điểm cho cả Visual và Aural. Điều này phần nào lý giải tại sao phương pháp dạy thiên Đọc/Viết của hệ phổ thông kém hấp dẫn và không tạo hiệu quả cao với dạng học sinh như mình. Đồng thời cũng lý giải việc mình hay sử dụng ngôn ngữ cơ thể thay vì ngôn từ khi gặp khó khăn diễn đạt, vì kiến thức mình thu nạp thường nằm ở dạng hình ảnh, cảm giác hay mùi vị của trải nghiệm, để biến chúng thành từ ngữ thường mất thời gian chuyển hoá.

Khi biết được điều này, mình đã thiết kế lại phương pháp học thiên kinesthetic hơn. Mình làm bài tập trước khi biết phương pháp làm bài để học từ lỗi sai, sử dụng tay để gợi ý nói hoặc viết, gắn từ vựng với những trải nghiệm mình từng có để ghi nhớ tốt hơn… Những cách thức học này có lẽ ai cũng đã từng nghe qua, tuy nhiên khi đọc kĩ về cách học kinesthetic, mình mới hiểu và đánh giá được liệu nó có phù hợp với mình. Lời khuyên của mình là hãy nắm rõ dạng tiếp thu của bản thân, cũng như ưu nhược điểm và cách vận hành của dạng tiếp thu ấy để có thể tìm chọn phương pháp học hiệu quả.

Các bạn đọc có thể trả lời bảng câu hỏi và xem qua chiến lược học tập thiết kế cho từng phương thức VARK tại trang web này. Nếu số điểm sàn sàn nhau thì cách học tổng hợp của cả bốn phương thức sẽ tối ưu nhất.

Ngoài ra, cũng nên xem xét phương thức nào tạo cảm giác thoải mái cho bạn vì tận hưởng quá trình học cũng rất quan trọng. Nếu hôm ấy bạn chán đọc sách thì hãy học qua video hoặc game. Đừng vì phương thức này hiệu quả với mình nên chỉ áp dụng nó. Thực chất phương pháp học tối ưu nhất vẫn là khiến bản thân luôn hứng thú với bài học. Thêm nữa, việc đa dạng hoá cách học sẽ giúp bạn tránh bị thiên lệch và gặp khó khăn khi bắt buộc phải học theo những cách thức khác.

“It does not matter how slowly you go as long as you do not stop.”

Confucius

Khi hành trang đã đủ, việc còn lại chỉ là đi. Tuy vậy, nếu chỉ chăm chăm nhìn đích đến, cắm đầu đi thật nhanh thì dễ thường ta sẽ đuối sức và bỏ cuộc giữa chừng.

Nhưng dù cứng rắn cỡ nào, trên một đoạn đường dài, chúng ta cũng không khỏi nản chí đôi lúc. Nếu từ bỏ khi ấy sẽ rất khó bắt đầu lại. Cách tốt nhất là quan sát, tìm hiểu kĩ bản thân mình dễ bỏ cuộc vì lý do và tại thời điểm nào để tìm cách giải quyết.

Theo kinh nghiệm cá nhân, mình thấy có hai thời điểm dễ từ bỏ là sau vài ngày đầu sau một khoảng thời gian dài giữ nguyên cường độ.

Bỏ cuộc sau một hai ngày/tuần đầu thường xuất phát từ việc nản. Cường độ luyện tập quá nặng ở trình độ sơ khai thường đẩy chúng ta đến tâm trạng ấy. Để bản thân luôn sẵn sàng học và làm, hãy bắt đầu nhẹ nhàng. Đi chầm chậm như rùa cũng về đích thắng thỏ nên dồn ép bản thân vào những ngày đầu tiên là điều không cần thiết. Thay vào đó, hãy chia đều nỗ lực cho mỗi ngày.

Những năm tháng tự học ngoại ngữ đã dạy mình rằng thói quen sự bình tĩnh mới tạo nên thành quả. Mỗi ngày chỉ 5 từ vựng thì một năm cũng được 1825 từ. Nhưng nếu ngay ngày đầu ép bản thân học 30 từ vựng, ngày thứ 2 thứ 3 thậm chí thứ n sẽ phải khổ sở ôn luyện 30 từ vựng ấy. Kể cả khi áp dụng kỹ thuật nhớ lâu hiệu quả như lặp lại ngắt quãng (spaced repetition), số lượng từ khi mới bắt đầu cũng chỉ nên từ 10 trở xuống.

Sau khi trải qua giai đoạn này, khối lượng kiến thức cần thu nạp chắc chắn sẽ phải tăng lên. Vì nếu giữ nguyên độ khó và thời lượng học thì sẽ chỉ dậm chân tại chỗ. Tại thời điểm này chúng ta cũng rất dễ bỏ cuộc, mà nguyên nhân là vì chán.

Khi tiếp xúc với tài liệu, bài tập và môi trường học quá quen thuộc, chúng ta có xu hướng làm qua loa vì tin mình đã nắm vững kiến thức ấy. Chúng ta không còn bị kích thích và vì vậy không tiếp thu được nữa. Cũng như việc tập tạ, nếu lâu ngày không nâng mức tạ, cơ bắp sẽ không còn bị kích thích và dẫn đến việc không phát triển thêm. Điều tương tự cũng đúng với “cơ não”. Để luôn lên level cần phải điều chỉnh phương pháp và đa dạng hoá tài liệu học.

Một cách để xác định thời điểm lên level là khi các bài kiểm tra năng lực của level đó trở nên dễ dàng. Trong quá trình học tiếng, cứ mỗi tháng mình thường lấy đề trên mạng, bấm thời gian và làm bài. Nếu thấy dư dả thời gian thì chứng tỏ đã đến lúc phải thay đổi kế hoạch, phương pháp và tài liệu học. Bạn có thể sáng tạo trong quá trình này. Sự thành công và cả thất bại của những lần thử nghiệm đều là kỷ niệm đáng nhớ. Đồng thời cũng là kinh nghiệm quý giá mà bạn có thể chia sẻ với mọi người.

Như mình đã đề cập ở kì 2, “con đường phát triển bản thân không có điểm dừng”. Nếu học với mục đích duy nhất là đạt được kết quả tốt thì không nỗ lực duy trì đồng nghĩa với việc kết quả ấy sẽ biến mất một ngày nào đó. Nhưng giữ khư khư vị trí cũ thì sẽ chán, mà chán thì phải tăng cường độ và vì thế ta cứ phải tiến lên không ngừng.

Nhưng việc học chưa bao giờ là một gánh nặng hay một cuộc đua có kẻ thắng người thua. Học chỉ vì học, học chỉ để biết, để thấy chân trời của mình còn nhỏ hẹp thế nào. Nếu học vì mục đích đơn giản như vậy, không chỉ tiến bộ mà ta còn luôn hạnh phúc.

Trong kì này, mình cũng muốn đề cập đến việc kiệt sức, chính xác hơn là việc burn out. Kiệt sức là cạn kiệt về sức khoẻ, sức sáng tác và làm việc, nhưng burn out theo mình còn bao hàm ý nghĩa hết đam mê.

Ngoài sức khoẻ thể chất, chúng ta cũng cần quan tâm đến sức khoẻ tinh thần. Hết đam mê và mục đích cống hiến sẽ dễ đẩy con người đến khủng hoảng hiện sinh. Với những ai sống trong môi trường lành mạnh, có gia đình bạn bè, khủng hoảng hiện sinh sẽ không để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng với những ai chỉ có sự nghiệp, hãy tập nhìn nhận việc học và cống hiến là chuyện lâu dài. Mà nếu lâu dài thì ung dung một tí cũng không sao. Cho phép bản thân được sống và tận hưởng nhiều thứ khác vì như vậy ta mới thấy việc ta làm có ý nghĩa. Sẽ có những trường hợp, giai đoạn bắt buộc ta phải dồn sức để kịp chỉ tiêu, yêu cầu, deadline,… nhưng phải luôn tạo thời gian nghỉ ngơi sau đó. Nếu liên tục ngày này qua tháng nọ lao động với cường độ mạnh thì chắc chắn chúng ta chỉ có thể đi được một đoạn đường rất ngắn.

Dưới đây là phần tổng kết ngắn gọn các bước để phát triển bản thân. Mặc dù lấy từ kinh nghiệm cá nhân nhưng mình tin những điều mình viết ra trong cả ba kì đều chạm đến một số quy luật bất biến.

Tổng kết

  • Tìm mục đích
  • Đặt mục tiêu
  • Xây dựng thái độ phù hợp
  • Xác định bản thân
  • Tìm phương pháp hiệu quả
  • Thiết kế lịch học phù hợp, có thời gian nghỉ ngơi
  • Luyện tập mỗi ngày
  • Điều chỉnh chế độ luyện tập, đa dạng hoá tài liệu

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Series Kế hoạch 2021 xin kết thúc tại đây. Mong rằng cả 3 bài viết đều đã giúp ích phần nào cho quá trình học tập và làm việc của mọi người. Hẹn gặp lại mọi người ở những bài viết tiếp theo.

--

--