Kế hoạch cho 2021

N. T. Anh
taphoangontu
Published in
8 min readJan 9, 2021

Kì 2: Liệu pháp tinh thần cho một chặng đường dài

Vạch xuất phát

Khi quyết định tự học thi IELTS lần 2, bạn bè và gia đình hỏi mình muốn đạt được bao nhiêu điểm. Khi ấy mình bẽn lẽn trả lời: “Được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Dù vậy sâu trong tâm khảm, mình vẫn mơ về band điểm tốt, tức mình có mục tiêu, chỉ là không dám thừa nhận.

Nhiều năm liền, một cách vô thức, mình đã rèn luyện não bộ bài trừ và phủ nhận mọi khả năng đạt được mục tiêu nhằm tránh sự thất vọng cho bản thân và những người quan tâm mình. Đồng thời, mình tin sự khiêm tốn quá đà này sẽ không cho phép “haters” hả hê trước sự thất bại của mình. Với tâm lý này, nếu kết quả tốt, hẳn là mình sẽ đem khoe (dù chỉ khiêm tốn nhận là may), còn tệ thì giấu nhẹm, thậm chí nói dối để không ai hỏi gì thêm.

Nhưng “hater” duy nhất bào mòn tâm trí mình, bức tử mình bằng sự quan tâm và khinh miệt thái quá là bản thân chứ không ai khác. Câu nói “Không ai yêu mình bằng mình” cũng đúng với vế ngược lại: “Không ai ác với mình bằng mình.” Ở cực đối lập với hành vi đặt mình quá thấp là đặt mình quá cao, dương dương tự đắc. Dạng phản ứng này dễ bị đả phá hơn nhưng trên thực tế cả hai đều là biểu hiện của cùng một loại bệnh.

Nguồn: Google

Bản chất của việc tâng bốc hay hạ giá bản thân đều xuất phát từ nỗi sợ: sợ bị bẽ mặt, sợ bỏ công mà không được gì. Sự thiếu can đảm này sẽ khiến chúng ta nhìn nhận sai lệch về mục đích, thành quả và cả chặng đường phát triển: Mục đích giờ đây tập trung vào đánh giá của người khác thay vì nâng cao năng lực; thành quả trở thành thứ để khoe khoang hoặc than thở; còn chặng đường phát triển thì đầy rẫy những áp lực, hoài nghi và bực tức.

Mơ về một band điểm cao không sai nhưng mình dám hi sinh bao nhiêu để đạt được nó và liệu mình có chấp nhận khả năng vẫn đạt band điểm không như ý mặc cho bao nỗ lực?

Theo Epictetus — một nhà triết học khắc kỷ, tất cả mọi “thứ” trên đời đều rơi vào 1 trong 3 mục: thứ ta toàn quyền kiểm soát; thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát và thứ ta có thể kiểm soát một phần. Đây là sự Tam Phân Quyền Kiểm Soát. Để hiểu kĩ hơn về từng mục, mình lấy ví dụ về IELTS như sau:

Chúng ta không thay đổi được cấu trúc đề thi IELTS. Sẽ thật phí thời gian để than vãn về nó. Thay vào đó chúng ta có thể tập trung vào kế hoạch và thái độ học tập để nỗ lực ấy ảnh hưởng tốt đến điểm thi. Vì vậy phải nhìn nhận kết quả đạt được chỉ là một mốc nhỏ trên con đường, không phải đích đến. Và bài tập tâm lý này không chỉ dừng với một kì thi như IELTS mà áp dụng được với gần như mọi thứ trên đời.

Ngoài ra, để bản thân không bị phân tâm bởi các yêu tố bên ngoài như sự kì vọng, vận rủi,…mình còn chất vấn bản thân bằng 3 câu hỏi sau:

  • Tôi làm vì ai?
  • Tôi muốn đạt được gì?
  • Tôi dám hi sinh gì?

Trong một tâm thế vững vàng và “lành mạnh” mình sẽ trả lời như sau:

  • Câu 1: Mình làm vì mình. Mình muốn biết trình độ hiện tại và khả năng của bản thân có thể tiến xa tới đâu.
  • Câu 2: Mình muốn tiến bộ hơn trước khi bắt đầu học; nắm bắt được nhiều điều mới, đồng thời khắc phục được những lỗ hổng trong kiến thức và kĩ năng trước đó.
  • Câu 3: Mình dám bỏ 4 tiếng mỗi ngày. Mình dám bỏ công sức học liên tục trong vòng 3 tháng. Mình dám bỏ tiền để có tài liệu hữu ích nhất.

Khi đã suy nghĩ thông suốt, gần như không còn thứ gì có thể làm khó được bạn. Hãy dũng cảm thừa nhận những ý muốn không lành mạnh và gạt bỏ chúng để tìm kiếm những điều thật sự ý nghĩa.

Trên con đường

Người bị phức cảm tự ti hoặc tự tôn, trên thực tế, có thể rất thành đạt, giàu năng lượng và cống hiến rất nhiều cho xã hội nhưng họ không cảm thấy thoả mãn với cuộc sống và đa số đều bất lực trước muộn phiền này.

Tại sao?

Cuốn Siddhartha của Herman Hesse phần nào đã trả lời được câu hỏi này.

Siddhartha có một bạn thuở nhỏ là Govinda. Govinda luôn ngưỡng mộ bạn mình nhưng khác với Siddhartha — người quyết định đi tìm chính mình nơi thế tục, Govinda chọn đi theo tăng đoàn của các nhà sư Phật giáo. Nhiều trôi qua, hai người bạn gặp lại nhau. Govinda vẫn không khác gì ngày trẻ, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm sự đắc đạo, luôn canh cánh về thời khắc thật sự nắm bắt được chân lý. Trước những thắc mắc của bạn mình, Siddhartha đã bảo rằng:

“Khi tìm kiếm”, Siddhartha đáp, “ta thường chỉ chăm chắm nhìn vật muốn tìm. Sở dĩ ta không gặp được gì hết, không thu thập được gì hết là vì ta chỉ nghĩ đến thứ đang tìm, vì ta có một mục đích, vì ta bị mục đích ấy ám ảnh. Tìm kiếm nghĩa là có sẵn mục đích. Còn bắt gặp có nghĩa là ung dung tự tại, không cố chấp, không định sẵn mục đích.”

*Trong ảnh là phiên bản tiếng Anh của đoạn trích*

Mình thích bản tiếng Anh ở sắc thái của chữ “seek” và “find”. “Seek” là tìm kiếm thứ mà ta đã hình dung sẵn, một thứ cụ thể, cầm nắm được bằng trí tưởng tượng. Còn “find” lại khiến người nghe liên tưởng đến sự tìm tòi học hỏi, thu nạp mọi thứ đến và đi trong cuộc đời, từ đó sẽ phát hiện được nhiều điều hơn.

Ở đời, sống có lý tưởng, có mục đích và đam mê là điều đáng ngưỡng mộ nhưng giá trị của cuộc sống không đến từ những điều “vĩ mô” ấy mà đến từ chặng đường, những gì chúng ta phải trải qua.

Kì trước mình có đề cập đến cách xác định mục đích và mục tiêu. Để tránh trôi nổi vô định ta cần chúng nhưng thứ ta cần hơn cả là sự thoả mãn trên con đường ta chọn. Vì vậy những mục đích mình đề ra đều là tính từ miêu tả con người mình muốn trở thành thay vì một thứ vật chất cụ thể.

Còn mục tiêu, dưới ô dù mục đích, thì phải phù hợp với năng lực và đúng với sở nguyện.Điều này không chỉ đảm bảo khả năng hoàn thành mục tiêu cao hơn, mà còn đảm bảo bạn sẽ tận hưởng được quá trình. Phấn đấu mỗi ngày là một điều rất khó. Vì vậy hãy cho phép bản thân được làm điều mình muốn, điều mà đảm bảo sẽ đem lại giá trị cho cuộc sống của bạn.

Một trong những bài tập tâm lý mình đã áp dụng là suy nghĩ về cái chết. Nghe chừng có vẻ bi quan nhưng các nhà khắc kỷ đã chứng nghiệm sự hiệu quả của phương pháp này từ thời Hy Lạp cổ.

Mình có hối tiếc điều gì không, nếu giờ đây khi mọi thứ vẫn còn dang dở mà mình chết đi?

Mọi dũng khí chỉ trực chờ giây phút ấy để trào ra ngoài. Cuộc đời này thật ngắn ngủi. Có lẽ suy nghĩ về cái chết sẽ khiến cho những tâm hồn rong chơi phải hoảng sợ, còn những tâm hồn sầu muộn càng thêm bất lực, nhưng với liều lượng đủ, cái chết là người thầy thông tuệ luôn nhắc nhở ta về quỹ thời gian eo hẹp còn lại. Vì vậy đừng chờ đợi hạnh phúc. Hãy tạo ra nó bằng bước đi đầu tiên trên con đường phát triển bản thân. Nhưng cũng phải nhớ rằng nó luôn hiện diện trên con đường chứ không phải ở vạch đích.

Vạch đích

What's next?

Đây là suy nghĩ đáng sợ nhất. Nó mạnh mẽ, trực diện và đớn đau hơn chính cái chết. Nó là cái chết của tâm hồn. Đã có rất nhiều người phải chịu đựng mọi cay đắng, thử thách chỉ để đối diện với câu hỏi này tại vạch đích. Khủng hoảng hiện sinh thường xảy ra vào giây phút ấy. Khi rơi vào tình trạng này con người không còn cách nào khác ngoài việc tìm kiếm một thử thách mới; hoặc chọn con đường dễ dàng hơn là trốn tránh, cực đoan hơn là tìm đến cái chết thực. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng ấy. Hãy luôn chuẩn bị từ những giây phút đầu tiên và luôn nhắc nhở bản thân xuyên suốt con đường về mục đích bắt đầu và cả ý nghĩa của những trải nghiệm.

Chúng ta không “leo núi” như hình ảnh thường được dùng để miêu tả về đường đời: từng bước leo lên, đạt đỉnh cao tại một tuổi nhất định rồi từ đó xuống dốc. Về bản chất, con đường phát triển không có điểm dừng. Loài người chúng ta, từ lúc lọt lòng cho đến phút lìa đời, luôn đi trên mặt phẳng không có đích đến. Chúng ta sẽ có những giai đoạn đi nhanh đi chậm nhưng không được phép dừng lại. Vì vậy tại vạch xuất phát ta phải trang bị cho bản thân thái độ tốt nhất để không bao giờ gục ngã giữa chừng. Đừng nản chí vì hạnh phúc đến từ việc đi. Có đi mới có trải nghiệm, có niềm vui và nỗi buồn cho ta tận hưởng.

Mình xin kết thúc kì 2 của series Kế hoạch 2021 tại đây.

Trong bài viết này, mình đã chia sẻ với mọi người phương pháp chuẩn bị tâm lý. Đây có lẽ là bước quan trọng nhất để phát triển bản thân một cách có ý nghĩa.

Mình mong rằng bài viết này đã giúp ích cho mọi người, mặc dù dần về sau mức độ nghiêm trọng và bi quan của lời lẽ ngày càng tăng… Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ đề cập đến phương pháp phân bổ thời gian và lượng kiến thức/công việc để đạt được công suất làm việc và học tập cao nhất.

Xin cảm ơn mọi người và hẹn mọi người ở bài viết tiếp theo.

--

--