Coronavirus: Học cách Uyển chuyển

Tan Tran
Tomas Pueyo
Published in
24 min readApr 22, 2020

Tác giả: Tomas Pueyo

Liên kết đến bài gốc: Coronavirus: Learning How to Dance

Phần hai của bài viết có tại Coronavirus: Điệu uyển chuyển cơ bản cho mọi người.

Khiêu vũ là khám phá, khám phá, khám phá. — Martha Graham

Cách đây một tháng chúng ta đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về Coronavirus: Tại sao phải hành động ngay. Sau đó, chúng ta đã yêu cầu các quốc gia kéo dài thêm thời gian với Coronavirus: Kiên quyết và Uyển chuyển và xem xét tình huống tại Mỹ một cách chi tiết với Coronavirus: Out of Many, One (tiếng Anh). Các bài viết này đã có tổng cộng hơn 60 triệu lượt xem và đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng.

Kể từ đó, số ca nhiễm virus corona đã tăng lên gấp 20 lần, từ 125.000 lên đến hơn 2,5 triệu người. Hàng tỷ người trên toàn cầu đang thực hiện bước đi Kiên quyết: Các chính phủ khắp nơi đang thực thi các biện pháp giãn cách xã hội để kìm hãm sự lây lan của virus.

Đa số đã làm điều cần làm: Kiên quyết là quyết định đúng đắn. Nó cho chúng ta thêm thời gian để kiềm hãm bệnh dịch và tính toán những gì cần làm trong bước tiếp theo, Uyển chuyển, khi chúng ta sẽ giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội một cách thật cẩn thận để tránh một đợt dịch thứ hai. Nhưng Kiên quyết là điều rất khó khăn. Hàng triệu người mất công ăn việc làm, mất thu nhập, mất khoản tiết kiệm, mất công việc làm ăn buôn bán, mất đi sự tự do. Thế giới cần câu trả lời: Khi nào nó sẽ kết thúc? Khi nào thì chúng ta sẽ giảm bớt các biện pháp này và trở lại cuộc sống bình thường? Chúng ta sẽ phải hy sinh thứ gì? Cuộc sống rồi sẽ ra sao?

Khi nào thì chúng ta có thể bắt đầu giai đoạn Uyển chuyển?

Bài viết này sẽ giải thích khi nào, và bằng cách nào, chúng ta sẽ thực hiện giai đoạn Uyển chuyển. Một cách cụ thể, chúng ta sẽ khám phá:

  1. Chúng ta có thể học được gì từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới?
  2. Khi thực hiện bước uyển chuyển, những biện pháp nào cần được thực hiện để chúng ta có thể có một cuộc sống bình thường theo cách mới? Và phải hy sinh những gì?
  3. Làm cách nào để biến nó thành hiện thực?

Đây là những thứ bạn sẽ tìm hiểu được:

Kiên quyết cho chúng ta thêm thời gian. Hàng triệu người đã được cứu sống.
Giờ đây chúng ta đã biết cần phải làm gì để bắt đầu bước uyển chuyển.
Nhiều nước đã vẽ cho chúng ta thấy con đường.
Chúng ta có thể học từ sự thành công và cả sự thất bại của họ.
Trên thực tế, chúng ta có thể thực hiện uyển chuyển mà không phải trả giá cao.
Có thể chúng ta sẽ không cần phải đóng cửa kinh doanh và trường học.
Nhưng chúng ta cần biết chính xác các biện pháp này là gì, vì chúng ta cần phải chuẩn bị cho chúng từ bây giờ.
Các chính phủ sẽ đóng một vai trò rất quan trọng.
Phần lớn vẫn chưa làm điều họ cần phải làm.
Họ khao khát trở lại như trước, do đó họ đang hấp tấp và thiếu sự chuẩn bị.
Nhiều nước sẽ có một đợt dịch thứ hai.
Nếu chúng ta làm đúng cách, chỉ trong vài tuần chúng ta có thể sẽ đạt đến một cuộc sống bình thường kiểu mới.
Cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi trong khoảng một năm, nhưng những thay đổi này đều hoàn toàn hợp lý.
Chúng sẽ cho phép chúng ta tránh được con số chết chóc khủng khiếp lẫn sự sụp đổ của nền kinh tế.

Bài viết này trở nên quá dài, do đó thay vì xuất bản toàn bộ, chúng tôi sẽ xuất bản mỗi ngày một phần. Nếu bạn không muốn lỡ bất cứ bài viết nào, hãy đăng ký nhận tin. Hôm nay, chúng tôi xuất bản phần 1 của bài viết: Lớp học Khiêu vũ Uyển chuyển.

Hãy bắt đầu

1. Tình hình trên thế giới

Các ca nhiễm trên thế giới vẫn tiếp tục tăng.

Hình 1: Tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới (tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2020)

Nhưng mức tăng này giấu đi một sự thật rất khả quan: Mọi việc đang dần tốt lên.

Hình 2: Số ca nhiễm mới mỗi ngày trên toàn thế giới (19 tháng 4 năm 2020)*. * Chỉ hiện các quốc gia có trên 10.000 ca nhiễm. Số còn lại được dồn vào “khác”. Để làm mượt đường cong, tôi lấy trung bình 3 ngày thay vì con số hàng ngày vì con số của Pháp đột biến vào hai ngày 4 và 7 tháng 4, làm lệch kết quả. Cột bên phải từ trên xuống dưới: Khác: Trung Quốc, Brazil, Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan, Canada, Bồ Đào Nha, Áo, Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ, Peru, Ireland, Thụy Điển, Nhật Bản, Chile; Nga; Iran; Thổ Nhĩ Kỳ; Anh; Đức; Pháp; Ý; Tây Ban Nha; Hoa Kỳ

Một số nước vẫn đang chiến đấu trong hoàn cảnh rất tồi tệ. Nhưng những nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết đã cứu được hàng triệu mạng sống.

Hình 3: Số ca nhiễm virus corona mới hàng ngày trên thế giới*. * Tính đến 19 tháng 4 năm 2020. Danh sách 60 nước đứng đầu về tổng số ca, cùng với một số nước đáng chú ý khác. Số ca mới hàng ngày được tính trung bình 4 ngày để giảm bớt giá trị biên và hiệu ứng vào cuối tuần. Thứ tự dựa trên trung bình của 5 ngày gần nhất chia cho trung bình của 25 ngày gần nhất, sau đó chỉnh lại bằng tay để biểu diễn xu hướng. Mỗi dòng trong đồ thị đại diện cho một nước. Với mỗi nước, ngày có sắc đỏ hơn tương ứng mang giá trị gần hơn tới số ca hàng ngày cao nhất. Những nước có sắc đỏ nhất kéo dài đến cuối hàng vẫn chưa đạt tới đỉnh, trong khi những nước có nhiều màu vàng/xanh hơn ở cuối đã qua được đỉnh. Định dạng màu là tương đối trong từng hàng, do đó mỗi hàng sẽ có đầy đủ các sắc màu từ xanh tới đỏ. Tôi ghi số ca tuyệt đối chứ không phải tỷ lệ theo dân số (tức là “theo đầu người”), vì tôi không đánh giá hành động của từng quốc gia mà đánh giá xem họ đã kiểm soát được dịch hay chưa. Điều này hoàn toàn độc lập với dân số của quốc gia đó. Tôi chọn quốc gia thay vì ở mức vùng hay thành phố vì quốc gia là thực thể chính trị có tác động lớn nhất đến việc quản lý khủng hoảng. Tôi không hiển thị phần trăm thay đổi sau mỗi ngày vì chúng sẽ làm đồ thị lệch về phía tăng sớm. Chú ý rằng đây là con số ca nhiễm chính thức: nghĩa là quốc gia nào đột ngột tăng cường khả năng xét nghiệm sẽ thấy số ca nhiễm tăng đột biết. Nó có thể không đại diện cho một đợt dịch, chỉ là chỉ số thể hiện nó. Tôi vẫn cho rằng đây là cách thể hiện phù hợp, vì các ca thực sẽ không bao giờ biết được, trong khi các ca chính thức được thông báo rộng rãi, và số xét nghiệm hàng ngày sẽ không đủ để tính đến hiệu ứng này. Một số nước trông có vẻ tốt ở đây vì tính đến gần đây họ không xét nghiệm được nhiều.

Hãy nhìn đồ thị này, câu hỏi đầu tiên xuất hiện: Họ đã làm gì? Chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì từ họ, cả những nước đã vượt qua khủng hoảng lẫn những nước tránh được khủng hoảng hoàn toàn?

Để trả lời, chúng ta cần biết các nước đã thực hiện các bước kiên quyết và uyển chuyển thế nào.

Hình 4: Các quốc gia ở vị trí xấp xỉ trong bước Kiên quyết và Uyển chuyển. Ghi chú: Các nước được đặt một cách xấp xỉ dựa trên số ca mới hàng ngày và dữ liệu NPI. Nó không hoàn hảo. Không thể đặt tất cả lá cờ vào hình này, so đó tôi phải lựa chọn. Tôi chọn các quốc gia phù hợp nhất với phân tích này do họ có cách làm tốt nhất, dựa vào số ca nhiễm hoặc gia đoạn lây lan của dịch. Tôi thêm vài nước khác mà tôi thấy đáng chú ý trong vài tuần rồi. Tên quốc gia từ trái sang phải, từ trên xuống dưới và mũi tên đi kèm: Belarus, Nga (Một số quốc gia dường như còn cách đỉnh khá xa), Mexico, Thụy Điển (Một số quốc goa thực hiện các biện pháp thiếu mạnh mẽ, có lẽ đang nhắm tới miễn dịch bầy đàn. Không rõ ảnh hưởng của nó sẽ ra sao), Anh, Hà Lan (Nhiều nước có thể đã rất gần đỉnh dựa trên số ca nhiễm mới hàng ngày), Canada, Pháp, Đức, Tây Ban Nha (Một số quốc gia rõ ràng đang kiểm soát được dịch), Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc (Thoát khỏi dịch), Nhật Bản, Singapore (Đang uyển chuyển qua đợt dịch), Hồng Kông, Đài Loan (Đang uyển chuyển, chưa từng phải chịu cơn dịch), Ấn Độ, Mỹ, Bỉ, Argentina, Israel, Ý, Peru. Một số nước đang khiêu vũ nhưng chưa bao giờ thực hiện Kiên quyết.

Những nước đang thực hiện Kiên quyết chiếm gần 60% dân số thế giới. Hàng tỷ người đã mất quyền tự do đi lại và sinh sống. Họ cần phải bắt đầu cuộc sống trở lại, nhưng họ lo sợ, hoặc, chỉ đơn giản là, không thể.

Đó là lý do tại sao nhiều nước đang trong giai đoạn Kiên quyết đã bắt đầu lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế từng chút một. Một số đã bắt đầu mở lại trường học, số khác mở cửa việc kinh doanh. Nhưng phần lớn vẫn chưa làm gì.

Các nước đang chú tâm thực hiện Kiên quyết làm thế nào có thể biết được bước Uyển chuyển sẽ ra sao trong tương lai? Làm cách nào để họ có thể lên kế hoạch giảm con số thương vong, trong khi dân chúng vẫn còn đủ tự tin sẽ không có đợt dịch thứ hai và lại hủy hoại cuộc sống của họ một lần nữa?

Bằng cách sử dụng cỗ máy thời gian.

Nó gọi là internet

Và tương lai đó có tên, đó là Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, và Hàn Quốc.

2. Lớp học Khiêu vũ Uyển chuyển: Hành trình đến tương lai

Đường hầm mà chúng ta đang đi rất dài và tối, nhưng le lói ánh sáng ở phía bên kia. Chúng ta biết điều đó, vì chúng ta đã chứng kiến một số nước bước ra ánh sáng.

Nếu chúng ta muốn biết điều gì sẽ xảy đến sau Kiên quyết, điểm dừng đầu tiên trong hành trình của chúng ta phải là đất nước duy nhất đã hoàn toàn đi qua bước Kiên quyết. Do đó hãy vi phạm lệnh cấm đi lại và đến thăm Trung Quốc.

Cách Uyển chuyển của Trung Quốc sau Kiên quyết

Bài viết mô tả chi tiết tình hình Trung Quốc ở đây. Dòng thời gian của sự kiện ở đây.

Trung Quốc đã đi từ đỉnh dịch với gần 6.000 ca nhiễm mới mỗi ngày đến khi còn dưới 60 ca. Con số đó, tính theo đầu người, nhỏ hơn 2.000 lần so với Mỹ. Họ đã đạt được điều đó bằng biện pháp Kiên quyết khắt nghiệt nhất mà thế giới từng chứng kiến. Trải nghiệm của người đàn ông này diễn tả một cách ngắn gọn những gì đã diễn ra. Một cách cô đọng: Đóng cửa mọi thứ, mọi người nằm nhà, liên tục, trong nhiều tuần, ở mọi nơi.

Cuộc sống hiện giờ ra sao? Dòng twitter này cho thấy hình ảnh ở Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 4.

Mọi người đã có thể bước ra đường — với khẩu trang. Đa số các công ty, trạm phương tiện công cộng hoặc cơ sở kinh doanh đều có quầy kiểm tra thân nhiệt và mã sức khỏe của từng người.

Mã sức khỏe do chính phủ gán cho mỗi người. Nếu mã màu xanh họ có thể đến mọi nơi, nhưng nếu là màu vàng hoặc đỏ bạn phải tự cách ly hoặc cô lập và cấm vào đa số tòa nhà.

Người ta tin rằng chính phủ gom toàn bộ dữ liệu từ những ứng dụng này (có thể nằm chung ở trung ương hoặc theo từng địa phương), từ đó biết được nơi mọi người đừng đi qua, và theo dấu toàn bộ những người có thể đã bị lây nhiễm từ một người bệnh.

Đi lại vẫn còn bị hạn chế, nhưng vẫn có, kèm theo đó là thực hiện rất nhiều xét nghiệm, và chuẩn bị rất nhiều thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế.

Trường học vẫn còn đóng cửa, nhưng một số sẽ mở cửa trở lại trước cuối tháng.

Các nước và vùng lãnh thổ khác đáng chú ý với chúng ta là Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.

Hình 5: Số ca nhiễm mới hàng ngày ở những nước ở Đông Á. Đỏ: Trung Quốc, Xanh Dương: Hàn Quốc, Vàng: Nhật Bản, Cam: Singapore, Xanh Lá: Đài Loan, Hồng: Hồng Kông

Hàn Quốc đáng nhắc đến vì là nước đầu tiên dập được dịch một cách thành công và hiện giờ đang uyển chuyển một cách thành công — mà không cần phải phong tỏa toàn bộ đất nước. Singapore đáng nhắc đến vì họ đã uyển chuyển thành công trong một thời gian dài; chúng ta có thể học từ sai lầm của họ. Và Đài Loan đáng nhắc đến vì họ chưa bao giờ bị bùng nổ dịch mặc dù rất gần với Trung Quốc.

Hãy xem xét từng nước.

Bước Uyển chuyển Lâu dài của Đài Loan

Đài Loan đáng nhẽ phải chịu một đợt dịch khủng khiếp do gần gũi với Trung Quốc cả về địa lý lẫn kinh tế. Vậy mà, đến ngày 19 tháng 4, nước này xếp thứ 104 trong danh sách những nước theo số ca nhiễm, với khoảng 400 ca nhiễm và chỉ một vài ca nhiễm mới mỗi ngày. Andorra, với số dân ít hơn gấp 300 lần, có số ca nhiễm gấp đôi nước này..

Đài Loan đạt được điều này mà không cần đóng cửa cơ sở kinh doanh, không đóng cửa trường học, và không cấm tụ tập. Đài Loan không cần phải chịu tổn thất to lớn như các nước khác. Họ làm thế nào? Dòng twitter này sẽ cho bạn ý niệm:

Trong câu chuyện này, một du khách kể lại trải nghiệm của anh ta từ khi đặt chân đến Đài Loan cho đến khi trải qua cách ly. Một số đoạn trích từ phần cách ly:

8:30 sáng hôm sau, tôi bị một cuộc gọi vào sáng sớm đánh thức. Hội đồng chính quyền khu vực gọi để xác nhận tôi đang ở đâu, có đúng là tôi hay không, và kiểm tra lịch sử đi lại và tình trạng sức khỏe cũng như triệu chứng của tôi.

14:30 chiều, một cuộc gọi khác của hội đồng khu vực để kiểm tra. “Là cuộc gọi ngẫu nhiên để kiểm tra thôi thưa ông Chen. Quan chức địa phương sẽ đến nhà thăm ông vào 15:00. Ông thấy có khỏe không?”

“Tôi ổn, các ông sẽ gọi ngẫu nhiên như vậy để kiểm tra xem tôi có ở nhà không à?” Tôi hỏi.

“Đúng vậy, 2–3 lần một ngày. Xin đừng rời khỏi nhà và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ gia đình của ông. Nếu ông rời nhà, tôi e cảnh sát sẽ đến tìm ông ngay.”

“Nhưng làm sao các ông biết khi nào người ta rời khỏi nhà? Tôi không nghĩ mình bị định vị vì không ai đưa cho tôi thiết bị gì ở sân bay cả?” Tôi đặt câu hỏi.

“Không. Chúng tôi chỉ cấp điện thoại nếu người đó chưa có. Vì ông có điện thoại rồi, vui lòng giữ nó liên tục bên mình trong 14 ngày tới. Nếu ông mất tín hiệu, vui lòng liên hệ với chúng tôi bằng cách khác ngay lập tức nếu không cảnh sát sẽ được cảnh báo và họ sẽ đến nhà ông…..”.

“Ý các ông là tôi đã bị theo dõi rồi…..? “

“Đúng vậy, ông đã cho chúng tôi biết số điện thoại, vậy là đủ.”

Nhận được tin nhắn sau đó lúc 20:30, yêu cầu tôi gọi vào số ngoài giờ. Tôi gọi lại và hỏi lý do vì tôi chưa làm sai điều gì cả.

“Có lẽ ông bị mất tín hiệu tạm thời hoặc không di chuyển trong một thời gian dài, do đó hệ thống cho rằng ông đã để điện thoại ở nhà và chúng tôi thì không thể để ông ra ngoài được.” Nhân viên ngoài giờ nói với tôi. Vì vậy hệ thống của họ có thể kiểm tra cả khi bạn không làm gì nếu bạn không di chuyển như dự kiến…

Phải nói thật, chương trình cách ly này thật sự rất ấn tượng…
— Jonathan Chen

Mức độ sẵn sàng của Đài Loan thật đáng kinh ngạc. Đây là danh sách hơn 100 biện pháp họ đã thực hiện vào trước tháng Ba. Dưới đây là một vài ví dụ lấy từ danh sách và các nguồn khác:

  • Cấm đi lại sớm và chặt chẽ, cập nhật hàng ngày.
  • Họ quản lý việc sản xuất khẩu trang một cách tập trung, bắt đầu với 2,4 triệu khẩu trang một ngày (gấp đôi con số 1,3 triệu khẩu trang cần thiết khi đó).
  • Họ niêm yết giá để tránh đầu cơ, bắt đầu là 0,5 đô-la Mỹ một khẩu trang.
  • Mức phạt cho việc tăng giá khẩu trang và các vật phẩm tối quan trọng khác một cách bất chính là 1–7 năm tù và mức phạt lên đến 167.000 đô-la Mỹ.
  • Lan truyền tin giả có thể bị phạt đến 100.000 đô-la Mỹ.
  • Dò tìm ca nhiễm một cách chủ động: Họ xét nghiệm toàn bộ những người từng có triệu chứng như cúm nhưng âm tính với virus cúm, từ đó tìm ra một vài ca nhiễm virus corona.

Tất cả các biện pháp trên diễn ra TRƯỚC KHI có lệnh phong tỏa Vũ Hán! Sau đó, họ tiếp tục:

  • Quân đội được điều động sản xuất khẩu trang.
  • Giá chính thức của khẩu trang sau đó giảm xuống còn ~0,20 đô-la Mỹ vào cuối tháng 2.
  • Cuối cùng, họ tăng sản lượng khẩu trang lên 10 triệu chiếc một ngày (với dân số là 23 triệu người) trước cuối tháng 3. Khẩu trang được bán ra với số lượng giới hạn đầu người và cấm xuất khẩu.
  • Cơ sở dữ liệu đi lại và y tế được kết nối, từ đó những nhân viên y tế có thể biết những ai có khả năng bị nhiễm cao. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Đài Loan có thể theo dõi những gì đang xảy ra tại hiện trường theo thời gian thực.
  • Họ phân loại khách du lịch dựa trên nguy cơ, từ tự do nhập cảnh nhưng phải tự theo dõi cho đến cách ly bắt buộc.
  • Hỗ trợ việc cách ly bằng thực phẩm và sự khích lệ.
  • Cưỡng ép cách ly thông qua tín hiệu trên điện thoại. Nếu họ không có điện thoại, chính quyền sẽ cấp điện thoại cho họ. Cảnh báo sẽ được gửi tới nhà chức trách nếu điện thoại bị tắt trong hơn 15 phút.
  • Những người không tuân thủ lệnh cách ly sẽ bị giao nộp cho lực lượng thực thi pháp luật và bị cảnh sát theo dõi. Một cặp đôi đã bị phạt 10.000 đô-la Mỹ vì vi phạm lệnh cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Nếu thế giới là một lớp học và mỗi nước là một học sinh phải thi đậu kỳ thi virus corona, Đài Loan sẽ đứng đầu lớp. Và họ đang đề nghị giúp đỡ nước khác. Nếu tôi là một học sinh, tôi sẽ nhận lời đề nghị đó.

Có một số điều cần nhấn mạnh. Đầu tiên, nước này có khả năng làm vậy vì CDC Đài Loan đã sẵn sàng và có nhiều quyền hạn sau kinh nghiệm từ SARS vào năm 2003.

Thứ hai, họ hành động nhanh và quyết liệt, áp dụng những biện pháp mới trên toàn quốc mỗi ngày.

Thứ ba, họ kết nối dữ liệu y tế với dữ liệu đi lại và gửi thông tin cho cảnh sát. Theo những gì chúng tôi được biết, họ dường như sử dụng các kỹ thuật truy dấu thông thường bằng sức người, kết hợp với dữ liệu y tế và đi lại, nhưng không dùng dữ liệu trên điện thoại di động hoặc thẻ tín dụng — trừ khi bạn đã nhiễm bệnh. Họ chỉ có khoảng 400 ca tính đến ngày 20 tháng 4, khiến cho các biện pháp này hoàn toàn có thể thực hiện được.

Kiên quyết nhẹ và Con dao mổ của Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh bại một đợt bùng nổ dịch virus corona mà không cần dùng đến biện pháp Kiên quyết toàn quốc. Không có lệnh đóng cửa nhà hàng, xí nghiệp, cửa hàng ở mức toàn quốc. Không có lệnh phải ở nhà. Không có lệnh cấm các sự kiện với số người tham dự trên một mức cụ thể.

Họ đã làm gì? Họ đã dùng biện pháp Kiên quyết nhẹ và một Con dao mổ.

Đợt bùng nổ dịch chính xảy ra ở thành phố Daegu, sau khi Bệnh nhân 31 nổi tiếng lây lan virus cho hơn 5.000 người có liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) — khoảng một nửa số ca nhiễm ở nước này tính cho đến nay.

Hình 6.a: Nhóm lây nhiễm virus corona của Giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu

Tại đó, chính phủ không đóng cửa cơ sở kinh doanh, nhưng người dân đã có kinh nghiệm từ đợt dịch MERS vào năm 2015 và vẫn không ra đường:

Trung tâm thương mại, khách sạn và đường phố ở Daegu, thành phố lớn thứ tư đất nước với dân số 2,5 triệu người, gần như vắng tanh đến mức cư dân và người dùng mạng xã hội ví nó như một bộ phim thảm họa.

“Nó giống như ai đó thả một quả bom vào giữa lòng thành phố. Nó như một bộ phim thảm họa zombie vậy,” Kim Geun-woo, một cư dân 28 tuổi nói với Reuters qua điện thoại.

Quan chức ở Daegu đóng cửa trường mẫu giáo, tạm ngưng trường học, và đóng cửa các thư viện công cộng, bảo tàng, nhà thờ, trung tâm giữ trẻ và tòa án.

Nhưng điều đó không xảy ra bên ngoài Daegu. Việc cách ly chỉ giới hạn ở khu vực tâm dịch và không ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế.

Một cách để đo lường sự ảnh hưởng của các biện pháp này là thông qua việc đi lại: Những người Hàn Quốc đi lại như thế nào trong những tháng vừa qua? Một cách rất hay để xem xét là so sánh sự đi lại của họ với một nước sử dụng biện pháp kiên quyết mạnh: Tây Ban Nha.

Hình 6.b: Thay đổi về cách đi lại so với điểm gốc của các năm khác. Bên trái: Hàn Quốc, bên phải: Tây Ban Nha. Cột bên trái, từ trên xuống: Bán lẻ và giải trí, chợ búa và nhà thuốc, công viên, trạm trung chuyển, nơi làm việc

Vậy làm thế nào mà Hàn Quốc có thể kiểm soát được dịch bệnh mà không áp dụng biện pháp kiên quyết mạnh mẽ? Bằng cách tìm một cách chính xác xem ai bệnh và cách ly tất cả những người tiếp xúc với họ.

Để biết được ai bệnh, bạn cần phải xét nghiệm càng nhiều người càng tốt.

Chúng ta đã biết về số lượng xét nghiệm tuyệt vời của họ, từ xét nghiệm trong xe cho tới buồng điện thoại, và có thể xét nghiệm nhanh trong 7 phút.

Kết quả là một trong những chiến dịch xét nghiệm toàn diện nhất trên thế giới.

Hình 7: Tỷ lệ dương tính trên xét nghiệm (tính đến 20 tháng 4 năm 2020). Chúng tôi chọn tỷ lệ % dương tính trên xét nghiệm vì đó là cách tốt nhất để đánh giá xem mức độ xét nghiệm tốt đến mức nào. Chúng tôi đã đề cập đến trong bài viết gần đây nhất, Coronavirus: Out of Many, One (tiếng Anh). Tổng số xét nghiệm là vô nghĩa nếu một nước có đông dân hoặc có nhiều ca nhiễm. Số xét nghiệm trên đầu người không có ý nghĩa gì nếu số ca nhiễm không nhiều. Nhưng một con số % dương tính thấp sẽ cho bạn biết một quốc gia có đang xét nghiệm trên nhiều người một cách tương quan đến mức độ vấn đề. Một số người đồng ý.

Các nước có rất nhiều ca nhiễm, như Pháp hay Anh, không có đủ bộ xét nghiệm để xét nghiệm tất cả mọi người. Thậm chí những nước như Đức hay Singapore, nơi đã từng xét nghiệm gần như tất cả mọi người, giờ đây không thể làm vậy khi với tầm mức bùng nổ hiện tại.

Trong khi đó, những nước/khu vực như Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam hay Hàn Quốc đều đang xét nghiệm một cách đầy đủ tới mức tỷ lệ dương tính trên mỗi xét nghiệm là dưới 3%. Họ không chỉ đang xét nghiệm những người có triệu chứng. Họ xét nghiệm cả những người đã tiếp xúc với những người này. Làm cách nào mà họ biết? Trong trường hợp Hàn Quốc, thông qua một trong những hệ thống truy dấu xét nghiệm tiên tiến nhất ngoài Trung Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc có thể truy cập vào dữ liệu điện thoại di động, dữ liệu thẻ tín dụng, và dữ liệu camera công cộng trong đại dịch, theo một luật được thông qua sau đợt dịch MERS:

“Chúng tôi có luật được điều chỉnh để ưu tiên an ninh xã hội hơn quyền riêng tư của cá nhân tại những thời điểm khủng hoảng bệnh truyền nhiễm.” — TS. Ki, thông qua New York Times

Với thông tin này, họ biết mọi người đã từng đi đến đâu. Họ sau đó gửi thông tin này cho công chúng (sau khi bỏ đi định danh cá nhân) để những người khác có thể biết được họ có từng tiếp xúc với người bệnh hay không. Họ cung cấp chi tiết từng giờ, đôi khi từng phút, lịch trình đi lại của người bị nhiễm — họ đã đi xe buýt nào, họ lên và xuống xe ở đâu, khi nào, thậm chí việc họ có đeo khẩu trang hay không.

Họ cũng dùng thông tin đó để gửi cảnh báo khẩn cấp đến điện thoại di động của mọi người bất cứ khi nào có trường hợp bệnh ở gần đó. Những người cho rằng mình đã từng tiếp xúc với bệnh nhân được khuyến cáo liên hệ với trung tâm xét nghiệm.

Đây không chỉ là một hệ thống nhắn tin rộng rãi cho tất cả mọi người ở trong khu vực. Nó có mục tiêu. Khi một bệnh nhân được xác định, các nhóm dò vết tiếp xúc sẽ dùng thông tin sức khỏe, dữ liệu sử dụng thẻ tín dụng, camera công cộng và vị trí điện thoại di động để lần theo những di chuyển trước đó và tìm ra những người tiếp xúc. Những người được xác định là đã có tiếp xúc gần với người bệnh mới nhận được tin nhắn cảnh báo.

Hình 8.b: Dữ liệu và Quy trình tại Hàn Quốc để theo dấu bệnh nhân dương tính. Nguồn

Nếu kết quả xét nghiệm của bạn là dương tính, bạn sẽ được chuyển đến cách ly tại khu vực cách ly của chính phủ nơi bạn nhận được sự chăm sóc và theo dõi y tế cơ bản hoặc đến bệnh viện, hoặc tại nhà, tùy vào triệu chứng.

Nếu bạn âm tính, nếu bạn đã hồi phục, hoặc nếu bạn chỉ có khả năng phơi nhiễm, bạn được cách ly tại nhà. Bạn phải một phần mềm khác để báo cho cảnh sát nếu bạn đi ra ngoài. Dịch vụ này được một nhóm theo dõi ở địa phương hỗ trợ, họ sẽ gọi điện hai lần một ngày để chắc chắn bạn ở yên và hỏi về triệu chứng của bạn. Mức phạt nếu rời khỏi nhà là 8.000 đô-la và tối đa một năm tù.

Các biện pháp khác được thực thi là đo nhiệt độ tại lối vào công sở, nước rửa tay đặt ở khắp nơi, và mọi người đeo khẩu trang. 98% số người được hỏi nói rằng họ đôi khi đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, và 64% luôn luôn đeo. Sau khi nhu cầu khẩu trang tăng đột biến, chính phủ đã can thiệp để quản lý nguồn cung.

Một điểm lợi khi Hàn Quốc có vụ dịch xảy ra sớm đó là lệnh cấm đi lại ngược. Đến giữa tháng 3, phần lớn quốc gia áp dụng lệnh cấm đến và đi khỏi Hàn Quốc. Thật éo le, chính điều này đã giúp cứu nhiều mạng sống ở Hàn Quốc, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau.

Bí quyết của Hàn Quốc, do đó, là xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, cô lập, cách ly, vệ sinh, khẩu trang, và cấm đi lại ra vào nước. Họ không cần một biện pháp kiên quyết nặng nề vì họ đã có thể dùng đến con dao mổ (ND: ý nói nhỏ nhưng chính xác).

Cú bước hụt của Singapore

Phản ứng của Singapore với virus corona thoạt đầu rất giống như cách của Đài Loan. Thời gian biểu của các quyết định cũng giống nhau đến đáng ngạc nhiên. Họ làm nhiều điều giống như Đài Loan hay Hàn Quốc đã làm. Vậy mà nó không có tác dụng. Tại sao vậy? Sự khác biệt là rất quan trọng.

Hình 9: Số ca nhiễm mới hàng ngày và các biện pháp chính tại Singapore (tính đến 20 tháng 4 năm 2020). Trái sang phải: Cấm du khách Trung Quốc; Cấm du khách Hàn Quốc, Iran, Bắc Ý; Cấm Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Đức; Cách ly 2 tuần với mọi người nhập cảnh; Cấm khách nhập cảnh ngắn hạn; Cấm tụ tập đông người (> 10); Đảo ngược quyết định về khẩu trang: Khuyến khích mọi người đeo khẩu trang; Đóng cửa công sở; Đóng cửa trường học

Có ba điều đặc biệt ở Singapore so với Đài Loan hay Hàn Quốc: cấm nhập cảnh, truy dấu tiếp xúc, và khẩu trang.

Đầu tiên, cấm nhập cảnh. Như bạn có thể thấy, Singapore rất nhanh chóng cấm du khách từ Hồ Bắc, khi tại đó có 6.000 ca nhiễm, trước ngày 29 tháng 1. Sau đó ba ngày họ cấm toàn bộ du khách từ Trung Quốc, vào ngày 1 tháng 2, khi nơi đó có 12.000 ca nhiễm.

Nhưng sau đó họ hành động không đủ nhanh. Họ không cấm du khách từ Ý, Tây Ban Nha và Đức cho đến tận 16 tháng 3. Vào lúc đó, những nước này tổng cộng đã có hơn 50.000 ca nhiễm, có thể còn nhiều hơn. Tất cả các khách đến thăm ngắn hạn bị cấm vào một tuần sau đó, 23 tháng 3. Khi đó, thế giới đã có 150.000 ca nhiễm bên ngoài những nước đã nằm trong danh sách cấm.

Hành động chậm trễ này đã tạo ra một nguồn ca nhiễm mới rất nghiêm trọng. Vào cuối tháng 3, 80% số ca ở Singapore là ngoại nhập. Trong vòng một tuần, số lượng ca ngoại nhập xuống còn 0, nhưng đã quá trễ. Những ca này đã đủ để tạo thành các ổ lây nhiễm trong nước và bùng nổ sau đó vài tuần. Nếu họ đóng cửa biên giới vào khoảng ngày 10 tháng 3, rất có thể vụ dịch đã không xảy ra — hoặc sẽ không tệ như hiện tại.

Hình 9.b: Tỷ lệ ca nhiễm mới hàng ngày ngoại nhập so với lan truyền nội địa của Singapore (tính đến 20 tháng 4 năm 2020).

Trong Phần 3 của bài viết này, trong vài ngày tới, chúng ta sẽ xem chi tiết cách quyết định nên dùng biện pháp hạn chế nhập cảnh nào.

Điểm khác biệt lớn thứ hai so với các nước như Hàn Quốc là truy dấu tiếp xúc. Chiến dịch này ở Singapore không xứng tầm thế giới. Cho đến cuối tháng 3, họ chỉ có thể xác định được khoảng ~600 tiếp xúc. Đó là vì quy trình của họ cực kỳ thủ công. Những người truy dấu phải dựa vào phỏng vấn hoặc camera công cộng để tìm hiểu. Không có dữ liệu điện thoại di động, không có dữ liệu thẻ tín dụng, không có kết nối giữa dữ liệu y tế và dữ liệu đi lại, theo như chúng tôi được biết. Không rõ là lực lượng điều tra của họ mạnh hay yếu hơn Đài Loan, hoặc công cụ mà họ dùng mạnh hay yếu hơn. Nhưng Đài Loan chưa bao giờ bị quá tải bởi số lượng ca ngoại nhập lớn như vậy.

Vào cuối tháng 3, nước này công bốTraceTogether, một ứng dụng di động để mọi người tải về và, thông qua bluetooth và mã hóa, ghi dấu những người bạn đã gặp một cách ẩn danh, để bạn có thể nhận được thông báo nếu một trong số được xác định dương tính.

Hình 10: Người dùng với ứng dụng truy dấu được vận hành đầy đủ. Xám: không ứng dụng, Vàng: ứng dụng hoạt động đầy đủ(1). (1) Giả thiết 20% người dùng vận hành ứng dụng đầy đủ: nó được tải về, mở ra, thiết lập, và kích hoạt Bluetooth toàn thời gian.

Ý tưởng rất tốt, nhưng chỉ tác động với tỷ lệ 20% (1 triệu người dùng so với 5,6 triệu dân số). Vấn đề là nó không đủ. Để một tiếp xúc có thể được ghi lại, cả hai người phải bật ứng dụng hoạt động. Nếu một người ngẫu nhiên có khả năng là 20% sử dụng nó, thì hai người ngẫu nhiên sẽ chỉ có 20%*20%=4% xác suất sử dụng nó. Nói cách khác, chỉ có 4% số tiếp xúc được ghi nhận thông qua ứng dụng.

Hình 10.b: Các tiếp xúc được xác định thông qua ứng dụng vận hành đầy đủ. Xám: không có ứng dụng. Vàng: ứng dụng vận hành đầy đủ. Vạch xám: tiếp xúc không được xác định. Vạch đỏ: tiếp xúc được xác định. Trên thực tế nó sẽ cao hơn 4% một ít, vì lượng dùng ứng dụng thường sẽ hoạt động theo nhóm. Ví dụ, nếu một người trong gia đình dùng nó, rất có thể những người còn lại trong gia đình cũng sẽ dùng. Nhưng thậm chí ta giả sử xác suất cao hơn một ít là 25% do gom nhóm, vẫn chỉ có khoảng 5% tiếp xúc được xác định.

Và đó là giả sử tỷ lệ 20% này dùng ứng dụng một cách đúng đắn. Nếu 20% này chỉ tải về — giống như cách nhà lập trình thường “nổ” về sự thành công của ứng dụng — thì nhiều người trong số này chỉ tải về mà không thèm mở ra, và nhiều người trong số này sẽ không phải lúc nào cũng mở bluetooth.

Hình 11: Tỷ lệ giảm dần trong việc sử dụng ứng dụng xác định tiếp xúc — Minh họa. Trong đồ thị này tôi giả sử 30% là tỷ lệ người biết đến ứng dụng, là đã 50% cao hơn những gì Singapore thông báo. Chi tiết bên trong sơ đồ. Liên kết đến một mô hình đơn giản. Trục x: Tổng dân số; Số người dùng điện thoại thông minh; Tải ứng dụng (1); Mở ứng dụng (2); Thiết lập ứng dụng (3); Thời gian kích hoạt bluetooth (4); Tỷ lệ tổng số tiếp xúc được xác định (5). (1) Tôi dùng 30% thay vì 20% của Singapore, giả sử rằng ứng dụng của Singapore sẽ tiếp tục có lượng người dùng lớn hơn. Tuy nhiên, những gì Singapore đạt được có thể sẽ rất khó cho các nước khác nếu xét đến mức độ học vấn và niềm tin của công dân đối với chính quyền. (2) Tôi giả sử 85% số người tải ứng dụng sẽ mở nó ra. (3) Tương tự đối với người thiết lập ứng dụng. (4) Trên thực tế, nó không chính xác là số thời gian bật Bluetooth, mà là phần trăm số tiếp xúc diễn ra khi Bluetooth được kích hoạt. Tôi giả sử 60%, vì nhiều người sẽ không muốn lúc nào cũng bật Bluetooth. (5) 12% là tỷ lệ người có mọi thứ để ứng dụng Bluetooth hoạt động. Số 12% này sẽ chỉ ghi nhận được tiếp xúc khi họ gặp người khác cũng có ứng dụng như vậy, và chỉ xảy ra 12%. Do đó 2% là 12% * 12%. Tôi thêm yếu tố gom nhóm (vì nếu bạn có ứng dụng, rất có thể BẠN sẽ gặp những người cũng có ứng dụng).

Nó vẫn còn sớm: Singapore phát hành ứng dụng cách đây bốn tuần. Hy vọng rằng tỷ lệ sử dụng sẽ tăng lên trong những tuần tới. Nhưng nước này được xem là một trong những nước giỏi thuyết phục người dân sử dụng ứng dụng nhất thế giới: Tỷ lệ sử dụng di động rất cao, đất nước thì nhỏ, và nhân dân thì tin vào chính quyền. Nếu Singapore không thể đạt hơn 20%, thì nước nào có thể đạt đến con số đó? Chính bản thân họ cũng nói cách làm này vẫn chưa thay thế được cách truy dấu thủ công trong hiện tại.

Nói lại cho rõ, điều đó không có nghĩa là công nghệ là tệ. Ngược lại, bluetooth trong điện thoại thông minh có tiềm năng to lớn để giải quyết vấn đề truy dấu tiếp xúc. Vấn đề ở đây là lượng sử dụng. Nó cực kỳ khó để khiến cho nhiều người dùng một ứng dụng. Hàn Quốc không cần nó, và họ vẫn có thể truy dấu dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ khám phá điều này sâu hơn trong Phần 2, trong một hoặc hai ngày tới.

Thứ ba và cuối cùng, khẩu trang. Cho tới ngày 3 tháng 4, Singapore chỉ khuyến khích dùng khẩu trang đối với người bệnh. Như chúng ta đã thấy, điều này trái ngược với cả Đài Loan (khẩu trang được quản lý tập trung) và Hàn Quốc (98% số người thỉnh thoảng đeo khẩu trang và 64% luôn đeo khi đi ra ngoài).

Điều này là quan trọng vì, như chúng ta sẽ thấy trong Phần 3 của bài viết này, khẩu trang là thứ cơ bản để ngăn virus.

Tầm quan trọng của ba yếu tố này gộp lại — hạn chế nhập cảnh, truy dấu tiếp xúc và khẩu trang — được minh họa trong hình sau:

Hình 12: Nhóm ca nhiễm virus corona ở Singapore (tính đến 18 tháng 4 năm 2020). Nguồn

Đây là hình biểu diễn mọi ca nhiễm tại Singapore lúc này.

Chấm màu đỏ là ca nhiễm hiện tại và màu xanh lá là đã xuất viện. Bạn có thể thấy một lượng lớn chấm đỏ. Chúng cho thấy sự mới mẻ của dịch bệnh.

Nếu bạn thử vài trường hợp, bạn có thể thấy thế này:

Hình 12.b: Nhóm ca nhiễm virus corona ở Singapore: Phóng gần vào một trường hợp cụ thể. Trong bảng: Ca 15. Ca 15 là một phụ nữ 47 tuổi người Singapore đã đi đến Vũ Hán cùng gia đình. Bà là một trong những người Singapore được di tản khỏi Vũ Hán vào ngày 30 tháng 1, và đến Singapore vào cùng ngày. Bà không có triệu chứng khi lên máy bay. Khi đến Sân bay Changi, bà có sốt khi được rà soát y tế, và được chuyển đến NCID. Bà xét nghiệm dương tính với virus corona vào ngày 31 tháng 1 vào khoảng 2 giờ chiều. Bà hiện đang trong phòng Hồi sức Tích cực, đã phục hồi hoàn toàn, và xuất viện vào Chủ Nhật (16 tháng 2).

Đây là một trường hợp đã được điều tra đầy đủ. Thật không may, phần lớn ca nhiễm trông như thế này:

Hình 12.c: Nhóm ca nhiễm virus corona ở Singapore: Phóng gần vào một trường hợp không thể điều tra (vào ngày 18 tháng 4 năm 2020). Trong bảng: Ca 3405. Bệnh viện: CIF.

Nó minh họa sự quá tải của việc truy dấu tiếp xúc khi những nhà điều tra không thể làm nổi. Trường hợp này chưa được điều tra đầy đủ. Đa số các ca đều như thế này.

Các nhóm màu đỏ đã hình thành quanh khu vực cụ thể: ký túc xá. Tôi nhìn vào tất cả các nhóm ở trên để xem cái nào là ký túc xá:

Hình 12.d: Nhóm ca nhiễm virus corona ở Singapore quanh khu Ký túc xá. Vòng tròn màu xanh là các ký túc xá lao động

Câu trả lời: phần lớn chúng.

Đây là những nơi tập trung những công nhân nhập cư. Như đã nói ở trên, Singapore đã mất thời gian dài để áp dụng lệnh cấm nhập cảnh, và đến tháng 3 có hơn 80% ca nhiễm là ngoại nhập.

Nhưng sau đó những ca ngoại nhập này bắt đầu lây lan vì không có hạn chế số lượng tụ tập, và không có khẩu trang.

Thậm chí sau khi có giới hạn số người tụ tập không quá 10, đây là cảnh ở một khu ký túc xá như vậy:

Hình 1: Ký túc xá S11 ở Singapore (vào ngày 5 tháng 4 năm 2020, khoảng 10 ngày sau khi có lệnh cấm tụ tập quá 10 người)

Rất nhiều người, không phải ai cũng đeo khẩu trang.

Dường như những bước đi sai lầm của Singapore bao gồm ban hành lệnh cấm nhập cảnh trễ, hạn chế tụ tập đông người trễ, yêu cầu mọi người đeo khẩu trang trễ, và hệ thống truy dấu tiếp xúc bị quá tải. Từ đây ta đã thấy những yếu tố cơ bản mà nước nào cũng cần phải làm để chống lại virus corona.

Đây là danh sách các biện pháp mà các nước cần xem xét. Có 4 loại:

  1. Những biện pháp rất rẻ tiền có thể đủ để chặn dịch bệnh
  2. Những biện pháp khá đắt tiền nhưng vẫn cần thiết
  3. Những biện pháp đắt tiền không cần thiết
  4. Những biện pháp chăm sóc y tế

Giờ là lúc đi sâu vào chúng.

Đây là Phần 1 của Bài viết, Corona: Học cách Uyển chuyển. Trong Phần 2, chúng ta sẽ xem những điều cơ bản của các biện pháp mà các quốc gia cần áp dụng: xét nghiệm, truy dấu tiếp xúc, cô lập và cách ly. Chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho từng việc, bao gồm một lời cảnh báo: Phần lớn quốc gia chưa tiếp cận cách truy dấu tiếp xúc một cách đúng đắn. Nếu họ tiếp tục con đường hiện tại, họ sẽ kết thúc như Singapore.

--

--

Tan Tran
Tomas Pueyo

Data scientist with a PhD in Statistics, based in Rhode Island