Coronavirus: Điệu uyển chuyển cơ bản cho mọi người

Tan Tran
Tomas Pueyo
Published in
20 min readApr 24, 2020

Tác giả: Tomas Pueyo

Liên kết đến bài gốc: Coronavirus: The Basic Dance Steps Everybody Can Follow

Nguồn: Hắt hơi và COVID-19, Tạp chí Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ

Trong Phần 1, chúng tôi đã trình bày các bước đi của một số nước ở khu vực Đông Á khi họ thực hiện bước Uyển chuyển để chống virus corona. Từ đó ta có thể nhận thấy những biện pháp đáng chú ý nhất.

Giờ là lúc đi sâu vào các biện pháp khả dĩ, để hiểu chúng hơn và quyết định xem ta sẽ đi theo cách nào. Chúng ta có thể chia chúng làm 4 nhóm:

  1. Các biện pháp rẻ tiền nhưng có thể đủ ngăn chặn virus corona, như khẩu trang, giãn cách tiếp xúc, xét nghiệm, lần vết tiếp xúc, cách ly, cô lập, v.v…
  2. Các biện pháp hơi đắt tiền nhưng có thể sẽ cần thiết trong một số trường hợp, như cấm nhập cảnh và giới hạn tập trung đông người
  3. Các biện pháp đắt tiền nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết trong bước Uyển chuyển, như đóng cửa toàn bộ trường học hay doanh nghiệp
  4. Khả năng y tế

Trong giai đoạn Uyển chuyển, khi chúng ta giảm cách ly và bắt đầu quay lại cuộc sống bình thường, mục tiêu là cần phải kết hợp các biện pháp để vừa giúp các hoạt động kinh tế trở lại như trước, vừa giữ được sự lây lan virus ở mức dưới 1 — để nó không lây lan rộng khắp — cho đến khi có thuốc chữa hoặc vắc-xin.

Hôm nay chúng ta sẽ tập trung vào các biện pháp rẻ tiền và đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng, và sức ảnh hưởng to lớn của nó. Hãy bắt đầu bằng thứ dễ thấy nhất: Khẩu trang

Khẩu trang

Như chúng ta đã thấy trong phần một, khẩu trang được dùng rất phổ biến ở các nước Đông Á: Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, chưa kể đến Hồng Kông và giờ là Singapore. Nhưng đây không phải là những nước duy nhất đặt niềm tin vào khẩu trang. Tính đến ngày 22 tháng 4 năm 2020, 51 nước đã bắt buộc việc đeo khẩu trang ở một số nơi công cộng, như Đức hay Đài Loan. Đó là 25% tất cả các nước trên thế giới:

Hình 13: Tỷ lệ những nước bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng*. * Gồm bắt buộc toàn phần hoặc bán phần (như chỉ trong một số tình huống công cộng). Chi tiết về các biện pháp của mỗi nước, theo nhóm Mask4All

Đây là những nước bắt buộc. Còn nhiều nước khác khuyến cáo đeo khẩu trang, gồm tất cả những nước thuộc nhóm G7 (ngoại trừ Ý và Anh). Ở Mỹ, nhiều thành phố như New York, Austin, Los Angeles, và San Francisco đã thông qua luật bắt buộc đeo khẩu trang vài ngày trước.

Nhưng chỉ mới cách đây không lâu, chúng ta vẫn được yêu cầu không nên đeo khẩu trang. Đến tận ngày 22 tháng 4, WHO vẫn còn khuyến cáo không nên đeo khẩu trang nếu bạn khỏe mạnh. Và phần lớn quốc gia vẫn không bắt buộc đeo nơi công cộng. Tại sao? Ai đúng?

Để biết được câu trả lời, chúng ta cần phải hiểu những yếu tố khoa học về cách virus corona lây lan.

Khoa học về cách virus corona lây lan

Các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp dùng miệng và mũi của bạn để lây lan qua ba cơ chế:

  • “Giọt bắn”: những giọt chất lỏng bắn ra từ miệng và vùng hô hấp
  • “Khí dung”: những hạt rất nhỏ quyện vào không khí và lưu lại đó trong nhiều giờ
  • Bề mặt: ví dụ, bạn dùng tay che miệng khi ho rồi mở nắm đấm cửa, sau đó có người khác chạm vào

Với virus corona, nhiều nhà khoa học ban đầu cho rằng đa số sự lây nhiễm là do giọt bắn khi ho, và những giọt này nhanh chóng rơi xuống đất, chỉ trong vài giây sau khi ho và bắn ra không quá 2 mét (6 feet). Nếu điều đó là đúng thì cách chủ yếu để bạn bị nhiễm bệnh là khi có ai đó ho thẳng vào mặt bạn, hoặc nếu bạn chạm vào một bề mặt bị ô nhiễm.

Vì thường chẳng có ai lại ho vào mặt người khác, các nhà chức trách cho rằng tác dụng của việc đeo khẩu trang không đáng kể đối với những người bình thường. Nhưng đối với các nhân viên y tế, tác dụng là rất lớn, vì họ thường xuyên bị giọt bắn vào mặt từ bệnh nhân khi họ bệnh và ho trước mặt, khi họ bị đặt ống thở, hoặc trong các tình huống tương tự.

Vì số lượng khẩu trang hiện có rất ít, một số nhà chức trách trên thế giới quyết định ưu tiên chúng cho các nhân viên y tế, và khuyến cáo dân chúng không sử dụng khẩu trang.

Việc ưu tiên cho nhân viên y tế là đúng, nhưng thay vì nói: “Chúng có ích cho nhân viên y tế hơn, do đó để dành khẩu trang cho họ là điều đúng đắn” thì họ lại tuyên bố rằng chúng vô dụng — hoặc thậm chí cả nguy hiểm — cho cộng đồng. Việc này đã làm giảm uy tín của những nhà chức trách.

Sau đó bằng chứng này xuất hiện.

Đoạn video này minh họa đám mây giọt bắn, và việc chúng có thể bắn xa hơn 2 mét mà không rơi xuống đất
Đoạn video này minh họa các nghiên cứu về giọt bắn, đám mây giọt bắn, và cách chúng có thể lây cho người khác
Các nhà nghiên cứu đã đo vận tốc của cơn ho. Với khoảng cách 1 mét tới miệng, giọt bắn ở chính giữa cơn ho vẫn di chuyển với tốc độ khoảng 1 mét trên giây (màu xanh lá). Tốc độ này cho thấy giữa khoảng cách 6 feet giữa 2 người dường như chưa đủ để ngăn ngừa virus lây lan qua cơn ho.

Có vẻ như, sau một cơn ho hoặc hắt hơi, giọt bắn có thể đi xa hơn 2 mét (~6ft), và chúng không rơi thật nhanh xuống đất. Chúng xảy ra trong một số trường hợp, nhưng nhiều lần vẫn tồn tại trong đám mây giọt bắn.

Nguồn: ảnh chụp màn hình của một trong các video ở trên, cho thấy hình thù một đám mây giọt bắn

Tiếp sau đó, người ta khám phá ra rằng bạn thậm chí không cần phải ho. Hát cũng có thể đủ. Trong một nhóm hợp xướng 60 người ở Bang Washington, 45 người bị nhiễm bệnh. Thậm chí nói chuyện cũng đã đủ:

Hoặc chỉ cần thở!

Điều này khiến cho việc việc đeo khẩu trang trở nên rất quan trọng. Khẩu trang có thể ngăn người nhiễm bệnh phóng ra giọt bắn, và ngăn người khỏe mạnh phải nhận chúng.

Nhưng không có khẩu trang! Toàn cầu đều đang thiếu. Số ít mà chúng ta đang có nên dành cho nhân viên y tế. Vậy chúng ta phải làm gì?

Thật may, một số nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng bạn không cần đến khẩu trang chuyên dụng. Khẩu trang tự làm cũng khá tốt.

Hình 14: Khẩu trang có tác dụng ra sao? Một cách đo. Cột y: Tổng số đơn vị tích tụ trong từng kích thước vật thể, thu được từ 21 tình nguyện viên thực hiện động tác ho trong khi đang đeo khẩu trang y tế, khẩu trang tự may, và không có khẩu trang. Màu đỏ: không có khẩu trang; xanh nhạt: khẩu trang tự may; xanh đậm: khẩu trang phẫu thuật. Ghi chú: Đây chỉ là một cách đo lường xem khẩu trang có tác dụng hay không. Có nhiều cách khác nữa. Để biết các phân tích chuyên sâu hơn, xem bài báo: https://www.preprints.org/manuscript/202004.0203/v1

Bài báo rất ấn tượng này (bản chưa đăng chính thức) xem xét tất cả các bằng chứng về việc khẩu trang có tác dụng hay không. Kết luận chính đó là chúng có tác dụng. Đeo chúng có thể có tác dụng to lớn trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm.

Nguồn: LaVision

Điều này đúng để bảo vệ những người khỏe mạnh, nhưng càng đúng hơn đối với những người đã nhiễm bệnh: Đeo khẩu trang sẽ giữ lại phần lớn giọt bắn và cũng ngăn ngừa chúng tạo ra một đám mây lơ lửng trong không khí, như chúng ta đã thấy trong video này.

Bạn có thể nói: “Tuyệt! Hễ có ai bệnh, người đó nên đeo khẩu trang.” Rất tiếc điều này đã quá trễ.

Hình 15.a: Cách virus corona lây cho người khác. Cột y: Số người bị lây hàng ngày, cột x: Số ngày kể từ khi bị nhiễm. Xanh dương: tiền triệu chứng, 45% số ca nhiễm xảy ra khi người bị nhiễm chưa xuất hiện triệu chứng. Xanh lá: 40% số ca nhiễm xảy ra khi người bị nhiễm có triệu chứng. Màu đỏ: Môi trường, 10% số ca nhiễm xảy ra từ môi trường. Màu cam: Không có triệu chứng, 5% số ca nhiễm xảy ra từ người không bao giờ xuất hiện triệu chứng. Liên kết tới bài báo. Liên kết tới biểu đồ gốc.

Một bài báo rất hay của Đại học Oxford đăng trong tạp chí Science mô tả rất chi tiết cách virus corona truyền từ người sang người. Trục hoành là số ngày kể từ khi một người bắt đầu bị nhiễm, trục tung là số người khác bị nhiễm từ người đó theo những cách khác nhau theo từng ngày. Ví dụ, vào Ngày 5 sau khi bị nhiễm, người mang bệnh sẽ nhiễm cho khoảng 0,4 người khác trên trung bình. Phần lớn số đó là lây trực tiếp từ người đã xuất hiện triệu chứng hoặc người sắp xuất hiện triệu chứng (do đó gọi là tiền triệu chứng). Một số ít là thông qua môi trường (có thể là bề mặt đồ vật), và còn ít hơn nữa là từ người có virus nhưng không bao giờ phát bệnh.

Nó thật sự cho thấy khoảng một nửa số lây nhiễm là từ người có triệu chứng, nhưng một nửa còn lại là từ người chưa có triệu chứng. Nếu chỉ có người có triệu chứng mới đeo khẩu trang, bạn chỉ ngừa được ít hơn một nửa số ca nhiễm. Nếu ai cũng đeo khẩu trang, bạn có thể ngừa được phần lớn chúng.

Tất cả mọi người đều nên đeo khẩu trang: Bạn có thể lây bệnh cho người khác trước khi bạn biết mình đã mắc bệnh.

Chúng ta có thể giảm R tới mức nào bằng khẩu trang? Khá nhiều.

Hình 16: Chúng ta có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm tới mức nào bằng khẩu trang? Trục y: Số người đeo (% tuân thủ), 100 là khi mọi người đeo khẩu trang, 0 là không có ai đeo khẩu trang. Trục x: Khẩu trang có tác dụng đến đâu (% hiệu quả), 100 là khi khẩu trang có tác dụng tuyệt vời! Nó giữ lại được gần như mọi thứ. Màu sắc biểu diễn tỷ lệ lây nhiễm R. Màu vàng nghĩa là không thay đổi. Màu xanh nghĩa là gần tới 0. Mũi tên ở góc dưới bên trái: Không làm gì cả, tỷ lệ lây nhiễm không đổi (ở đây, giả thiết R0 = 2,4). Mũi tên màu xám bên phải: Qua khỏi đường màu đen này (R = 1), dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Mũi tên mày đỏ: “Nếu 60% dân số đeo khẩu trang với 60% tác dụng, nó đã đủ để kiểm soát dịch bệnh.”

Theo mô hình này, với 60% dân số đeo khẩu trang với hiệu quả là 60%, thì chỉ việc này thôi cũng đủ để ngăn chặn dịch bệnh.

Điều đó chưa kể đến một giá trị khác của khẩu trang: ngăn tình huống khi những người bệnh làm ô nhiễm bề mặt, rồi người khỏe đụng chúng và đưa virus lên mặt.

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng tôi thì rất khó kiểm soát bản thân mình. Tôi chạm tay vào mặt thường xuyên. Đeo khẩu trang sẽ giúp tôi ngăn việc chạm vào mặt, sẽ có thể dẫn đến việc giảm ô nhiễm qua bề mặt bằng cách ngăn không để bàn tay dơ bẩn của tôi chạm vào mắt, mũi hoặc miệng của mình.

Do đó bạn nên đeo khẩu trang. Nhưng bạn chưa thể đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc N95 được vì phần lớn các nước không có đủ chúng, và một số ít đang có nên được dành cho nhân viên y tế. Bạn cần tự làm cho mình một cái. Bạn nên làm bằng chất liệu gì?

Hình 18: Tôi nên dùng chất liệu gì để tự may khẩu trang? Từ trên xuống: lụa, vải lanh, cotton pha, túi lọc trong máy hút bụi, khẩu trang phẫu thuật, vỏ gối kháng khuẩn, vỏ gối, khăn ăn, khăn choàng cổ, áo thun 100% cotton. Cột x: % B atrophaeus và bacteriophage MS2 được lọc. Chú ý: đừng dùng túi lọc trong máy hút bụi. Chúng có thể thải ra mảnh thủy tinh tí xíu mà bạn có thể hít phải.

Một số chất liệu tốt hơn số còn lại, nhưng đa số khá tốt. Nguyên tắc dễ nhớ là loại vải nào càng để lọt ánh sáng càng ít thì càng tốt. Tuy vậy, bạn cần phải thở được khi dùng nó. Bạn đã sẵn sàng tự làm khẩu trang? Đây là một cách làm trong 40 giây, hoặc cách làm kỹ lưỡng hơn.

Nếu bạn đeo khẩu trang, cách đeo và tháo khẩu trang sao cho đúng cũng rất quan trọng để tránh bị lây nhiễm chéo.

Vì mọi người đều có một cái áo thun cũ ở nhà, khẩu trang tự làm không tốn thêm gì cả — chính phủ còn có thể kiếm thêm tiền phạt từ những ai không đeo chúng. Như vậy mỗi một người có thể tạo ra từ 3.000 đến 6.000 đô-la Mỹ do giảm được số tử vong. Đó là khoản sinh lợi vô kể.

Với sức ảnh hưởng, chi phí, và dễ thực hiện như vậy, đeo khẩu trang là chuyện không cần phải đắn đo. Thậm chí khi hiệu quả của nó còn chưa chắc chắn, với chi phí như vậy vẫn rất đáng làm. Nhật Bản không thực hiện quá nhiều biện pháp chống virus nhưng vẫn có tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, chỉ với việc đeo khẩu trang ở khắp nơi công cộng. Séc và Slovakia, những nước đầu tiên bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng ở châu Âu, nằm trong số những nước có đường phát triển dịch bệnh tốt nhất ở châu Âu.

Các chính phủ khắp thế giới nên bắt buộc việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Cần có mức phạt cho những ai không chịu đeo. Các công ty cần yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang. Các cửa hiệu cần yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn của xã hội và đừng xem khẩu trang là dấu hiệu của một người bệnh, mà đó là dấu hiệu của một người thông minh và quan tâm đến sức khỏe của xã hội.

Và nếu chính phủ không làm điều đó, người dân vẫn nên làm. Gì thì gì, nếu Séc đi từ tỷ lệ người đeo khẩu trang từ 0% đến 100% trong vòng 3 ngày, thì bạn cũng có thể làm được.

Tóm lại, chúng ta học được gì từ khẩu trang?

  • Virus corona không chỉ lây lan qua ho trong vòng 2 mét, mà còn qua hát hoặc nói chuyện, và có thể xa hơn 2 mét nhiều
  • Đa số mọi người có thể lây cho người khác trước khi họ biết mình bị bệnh
  • Đeo khẩu trang giúp ngăn người bệnh lây cho người khác bằng cách giữ giọt bắn của họ bên trong khẩu trang
  • Chúng cũng giúp bảo vệ người khỏe mạnh không bị lây nhiễm
  • Bạn có thể làm cho 100% dân số đều đeo khẩu trang tự làm chỉ trong vòng vài ngày
  • Nếu đa số mọi người đeo khẩu trang tự làm với mức độ hiệu quả hợp lý, chỉ một biện pháp này thôi cũng đủ để ngăn chặn dịch bệnh
  • Đó là một trong những thứ rẻ tiền nhất mà một đất nước — hoặc một người — có thể làm
  • Nếu tính đến chi phí (không mất gì) và lợi ích (khủng khiếp), việc bắt buộc đeo khẩu trang là việc không cần phải bàn.

Phần này lấy ý tưởng chính và nguồn từ phân tích chuyên sâu về khẩu trang của Jeremy Howard, Masks4All, và Matt Bell’s .

Giãn cách tiếp xúc, Vệ sinh, và Giáo dục cộng đồng

Đến lúc này chúng ta đã biết rằng virus lây lan qua ho, đám mây giọt bắn, hoặc thậm chí khi nói chuyện, chúng ta cũng biết cách đeo khẩu trang. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ đeo chúng, hoặc chúng không hoàn hảo. Chúng ta có thể hạn chế lây nhiễm bằng cả những cách khác, chỉ đơn giản là thay đổi hành vi hàng ngày và môi trường của chúng ta.

Vì phần lớn ca nhiễm là từ người khác, dù người đó có triệu chứng, tiền triệu chứng hoặc không có triệu chứng, những gì chúng ta muốn là tránh tiếp xúc trong thời gian dài, trực tiếp, trong môi trường kín với người khác. Trong một môi trường khi chúng ta phải tiếp xúc gần một cách thường xuyên với người khác, hai mét rất có thể vẫn là chưa đủ. Bài báo này giải thích lý do tại sao.

Nó minh họa vị trí không gian của những bệnh nhân virus corona khác nhau tại một nhà hàng vào cùng một thời điểm ở Trung Quốc. Họ là người trong ba gia đình khác nhau, nhưng được liên kết với nhau nhờ truy vết tiếp xúc.

Hình 19: Sự lây lan của virus corona trong một nhà hàng ở Quảng Châu

Ở đây, A1 là người duy nhất bị bệnh trong nhà hàng. Người này đang ở giai đoạn tiền triệu chứng. Sau đó, bốn người trong cùng gia đình cũng bị nhiễm, cùng với năm người khác ngồi ở hai bàn khác.

Những người bị lây từ các bàn khác hoặc là ngồi gần người bị nhiễm — có lẽ đã truyền bệnh cho họ qua giọt bắn — hoặc nằm trong vùng quan sát và cách bệnh nhân khoảng vài mét. Việc lây nhiễm ở đó có thể qua tiếp xúc hoặc qua đám mây giọt bắn, chẳng ai biết được. Tuy nhiên, điều chắc chắn là họ đều lây từ A1, chứ không phải từ những người khác trong gia đình, vì lúc đó họ vẫn chưa bị nhiễm bệnh. Gia đình A ngồi cùng lúc với gia đình B và C trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Dường như đây là một trong những thứ quan trọng cần tránh: tiếp xúc gần, lâu dài, trong một môi trường kín. Chúng ta áp dụng điều này như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta cần tách bàn trong nhà hàng và giữ khoảng cách giữa mọi người. Nên có khoảng cách ít nhất là 2 mét giữa mọi người — nếu có thể, nên xa hơn — và chúng ta nên tránh nói chuyện với nhau quá lâu.

Đoạn video này cho thấy cách người ta áp dụng điều này tại Trung Quốc. Ví dụ, một nhà hàng dùng một nửa bàn để làm vùng ngăn cách và không cho phép mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc ngồi đối diện nhau.

ác biện pháp giãn cách xã hội ở Nam Kinh do phóng viên nước ngoài ghi lại

Taxi là một ví dụ khác về khu vực khép kín khi tiếp xúc có thể kéo dài. Khẩu trang và tẩy trùng là một điều rõ ràng cần thiết, nhưng có thể chưa đủ. Chúng ta có thể phải tách hành khách ra trong các chuyến taxi.

Cảnh chụp từ video trước. Nguồn: Coronavirus: Từ 93 xuống 0, thành phố này ở Trung Quốc đã làm gì để kiềm chế virus?

Phòng tập thể thao là một ví dụ khác. Những người này đánh dấu những khu vực trên sàn để đảm bảo mọi người phải đứng cách xa nhau trong khi tập luyện, và để sẵn mọi thứ cần thiết để họ tẩy trùng khu vực của mình. Khoảng cách này có lẽ chưa đủ, nhưng nó cho ta biết điều gì có thể có hiệu quả.

Bất cứ khi nào có thể, rào chắn nên được dựng lên để tách mọi người. Tiệm Starbucks này ở Đài Loan vẽ dấu lên sàn để chỉ nơi mọi người nên đứng.

Hình ảnh trong một đoạn phim minh họa về cuộc sống ở Đài Loan hiện tại, gồm có khẩu trang, thiết bị đo thân nhiệt, trường học, nước rửa tay ở thang máy, quầy rửa tay, và các biện pháp khác.

Tất cả những nơi làm việc lao động nên có các biện pháp tương tự: tách mọi người ra càng xa càng tốt, dựng rào chắn khi có thể, để không khí được lưu chuyển thường xuyên, và tránh tiếp xúc lâu dài giữa nhân công với nhau.

Đối với những người làm việc trong văn phòng, các nguyên tắc tương tự cũng được áp dụng:

  • Bắt buộc đeo khẩu trang.
  • Những ai có thể làm việc ở nhà thì nên làm việc ở nhà. Đặc biệt là những người cần phải dùng phương tiện công cộng, hoặc những người thuộc nhóm dễ tổn thương, hoặc những người lớn tuổi hoặc những người có sẵn bệnh lý nền.
  • Nên đặt nước rửa tay ở khắp nơi, và văn phòng cần được lau chùi thường xuyên.
  • Tránh các cuộc họp trong văn phòng. Nếu cần, tránh để quá nhiều người trong phòng ngồi gần nhau quá lâu. Các cuộc họp gồm mười người kéo dài trong một giờ là một ý tưởng rất dở. Thảo luận nhóm giữa những đồng nghiệp trong một thời gian dài cũng không phải là ý tưởng hay.
  • Đừng làm việc đối diện
  • Thiết kế nơi ra vào sao cho không thể tụ tập đông người
  • Đặt nước rửa tay ở thang máy, hoặc giấy vệ sinh và thùng rác để mọi người có thể nhấn nút bằng giấy thay vì dùng tay
  • Dựng rào chắn khi cần thiết. Nếu mọi người cứ thích tựa vào nó, hãy làm sao cho nó bất tiện, hoặc để bảng cấm.
  • Bất cứ khi nào có thể, tạo ra nhiều ca làm việc và chia nhân công theo ca.
  • Khu ăn uống nên chuyển sang dạng mua mang đi. Thời gian ăn uống cần được kéo dài để mọi người không tập trung vào cùng một nơi.
  • Cố gắng tránh pha trộn mạng lưới tiếp xúc trong công ty. Các nhóm luôn làm việc với nhau và không tiếp xúc với nhóm khác sẽ ít có khả năng bị lây nhiễm từ các mạng lưới khác có người bị bệnh.
  • Đương nhiên, những ai có triệu chứng nên lập tức rời khỏi và xét nghiệm, và tất cả những ai tiếp xúc cần được theo dõi hoặc cách ly.
  • Để làm được việc đó, việc ghi lại những mối tiếp xúc trong công việc sẽ có ích. Một cách để làm chuyện đó là đánh dấu những lần tiếp xúc với người khác trên lịch làm việc.
  • Với các môi trường làm việc khác, như cung ứng, tại nhà, hoặc ngoài trời, đây là các lời khuyên khác.

Có rất nhiều tài liệu đề xuất các biện pháp kiểu như trên. Đây là một trong số đó của CDC Hoa Kỳ, và Chính phủ Anh.

Ngoài công việc, cuộc sống ngoài xã hội là một nguồn lây nhiễm khác. Như chúng ta đã thấy, tiếp xúc lâu dài khi nói chuyện, hát, hoặc đụng chạm lẫn nhau cần được tránh.

Trừ khi bạn sống trong cùng một nhà, tránh ôm, hôn, bắt tay, hoặc chia sẻ thức ăn. Tránh lập nhóm hoặc tụ tập, gồm cả sinh nhật, đám cưới hoặc đám tang. Chúng có thể giết người, như người đàn ông này ở Chicago lây cho 16 người trong một lễ tang và 3 trong số họ đã chết.

Những biện pháp này sẽ giới hạn sự lây nhiễm trực tiếp từ người khác. Đây là ưu tiên cao nhất.

Nhưng chúng ta còn có thể bị lây nhiễm qua môi trường.

Hình 15.b: Cách virus corona lây cho người khác. Phần đỏ được tô sáng: Môi trường: 10% số lây nhiễm

Rất có thể bạn sẽ không bị nhiễm virus rơi lên tóc, áo quần, hoặc gói hàng: Chúng thường không rơi xuống đó, và nếu có, chúng cũng không sống được lâu. Nếu bạn không tiếp xúc với người khác, việc lây nhiễm ở ngoài trời cũng khó xảy ra, đặc biệt dưới ánh sáng mặt trời.

Tuy nhiên, điều có thể xảy ra là bị nhiễm bệnh qua bàn tay, khi bạn chạm vào một bề mặt bị ô nhiễm. Đây là lý do tại sao việc không chạm tay vào mặt, và cả việc rửa tay thường xuyên, lại quan trọng đến như vậy.

Rửa tay và khử trùng tay bằng nước diệt khuẩn đều có tác dụng, nhưng rửa tay đúng cách được cho là tốt hơn.

Đây là cách xà phòng diệt virus:

Nguồn: Madeline Marshall/Nicole Finateri/Vox

Virus có bề mặt là chất béo, do đó xà phòng dính vào nó giống như lúc nó dính vào mỡ khi bạn rửa chén.

Đoạn video này minh họa nhanh cách rửa tay đúng, và lý do tại sao:

Tất cả các biện pháp này có thể làm giảm sự lây lan của virus corona. Chúng ta không biết mỗi biện pháp đóng góp được bao nhiêu, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết. Nhưng đây là những ước tính có lý nhất dựa trên những gì chúng ta biết được về virus.

Do đó, nhân dân, doanh nghiệp và chính phủ cần áp dụng những biện pháp này qua những chiến dịch giáo dục và biện pháp cưỡng chế.

Ví dụ như về mặt giáo dục, nhiều chính phủ đã gửi tin nhắn cho mọi người vài lần mỗi ngày. Thông qua cách làm này và các phương tiện truyền thông quốc gia, họ có thể phát đi những thông điệp quan trọng này liên tục.

Kênh truyền hình thiếu nhi I ở Trung Quốc tràn ngập các thông điệp về giãn cách xã hội như cái này, khiến cho một đứa con của tác giả phải thốt lên, “Con ghét mấy quảng cáo mới này quá.” ẢNH của Christopher Thomas. Qua ThinkGlobalHealth.

Để tiếp thêm mức độ áp dụng, họ có thể phạt những ai không tôn trọng các biện pháp. Đây là điều mà Đài Loan chẳng hạn đã sử dụng.

Khi các doanh nghiệp bình thường phải thay đổi nơi làm việc và áp dụng làm việc từ xa khi có thể, điều này càng trở nên hợp lý đối với hệ thống y tế. Do đó tôi dành một đoạn cho riêng nó.

Các nhân viên y tế là những chiến sĩ chống virus tối quan trọng nhưng đồng thời cũng là những người có nguy cơ bị nhiễm cao nhất. Nhiều biện pháp có thể giảm nguy cơ, nhưng biện pháp tốt nhất là không tiếp xúc với ai cả. Điều đó có nghĩa là cần phải thăm bác sĩ từ xa càng nhiều càng tốt.

Một tweet của Bob Wachter, thuộc hệ thống bệnh viện UCSF, một trong những bệnh viện tốt nhất trên thế giới, cho thấy sự tăng vọt số lượng thăm khám bác sĩ qua video kể từ khi bắt đầu đại dịch. Hơn nửa số thăm khám hiện nay được thực hiện từ xa.

Bên cạnh việc giảm sự lây nhiễm trong bệnh viện, y học từ xa cũng sẽ giảm tải trong bệnh viện và phòng đợi. Nó cũng là cách để những người ở nhà có thể tự chăm sóc bản thân mình. Họ được gửi máy đo mạch và oxi máu hoặc ống nghe, để họ có thể kiểm tra sức khỏe và tự cô lập nếu có triệu chứng. Nó cũng là cách tốt để phân loại mọi người từ sớm, trong trường hợp họ tin rằng mình có thể bệnh nhưng triệu chứng không khớp với virus corona.

Một số nước như Mỹ đã có sẵn hệ thống pháp lý tuyệt vời cho y học từ xa. Những nước khác, như châu Âu, sẽ khó hơn. Nhưng với tình huống hiện tại, rất đáng để cải thiện nó.

Kiểm tra thân nhiệt?

Biện pháp cuối cùng mà chúng tôi nhắc đến hôm nay là kiểm tra thân nhiệt.

Đầu tiên, kiểm tra thân nhiệt chỉ có tác dụng đối với ai đã có triệu chứng — mà, như chúng ta đã biết, chỉ là một nửa số ca. Ngoài số đó, không phải ai cũng sốt. Kiểm tra thân nhiệt không bắt được hơn ~50% số người bị bệnh.

Tuy vậy Trung Quốc và Đài Loan, cùng với các quốc gia khác, vẫn kiểm tra thân nhiệt mọi người ở lối vào nhiều nơi. Những thiết bị đo thân nhiệt này không chạm vào cơ thể, để tránh ô nhiễm bề mặt. Thật không may, loại bình thường không có hiệu quả cao. Chúng để cho 45% người bệnh bị lọt qua, trong khi 97% số người bị chặn lại thì thực ra không bệnh. Đây là một mô hình nhanh để minh họa con số này, và minh họa vấn đề:

Hình 16.a: Minh họa Độ nhạy và Độ chính xác với thiết bị đo thân nhiệt không tiếp xúc. Trên: Cho phép vào; Cấm. Bên trái: Khỏe; Bệnh. Dưới: ở đây, độ nhạy là khoảng ~50%

Thiết bị đo thân nhiệt có thể được điều chỉnh để bắt được nhiều người bệnh hơn, nhưng cũng sẽ bắt nhầm những người khỏe nhiều hơn. Ví dụ, nếu một thiết bị đo có 90% độ nhạy và 90% độ chính xác, bạn có thể bắt được 90% số người bị sốt, nhưng trong số 10% số người được kết luận là không sốt, thật ra đang bị sốt. Nếu, giả sử 0,1% số người đang đi vào tòa nhà đã bị bệnh, nó có nghĩa là với mỗi người bệnh mà bạn không cho vào, bạn cũng phải không cho vào khoảng 100 người khỏe mạnh. Và nên nhớ: 50% số người bị nhiễm sẽ được cho vào vì họ không hề có triệu chứng.

Nó vẫn đáng để làm nếu nó không quá đắt tiền, vì bạn cần có người vận hành thiết bị. Nếu người vận hành này đảm nhận những nhiệm vụ khác, như hướng dẫn những người sốt vào khu vực xét nghiệm, hoặc đảm bảo việc thi hành các biện pháp khác như đeo khẩu trang, có thể sẽ đáng để làm. Nếu không, nó là một cách rất tốn tiền để lọc được một số ít người bệnh.

Thiết bị đo thân nhiệt tốt hơn nhiều — và cũng mắc hơn — như những thiết bị đặt ở sân bay có thể thay đổi cách tính toán, nhưng ngoài ra vẫn chưa rõ đây có phải là biện pháp có tính hiệu quả xứng đáng với giá tiền hay không.

Kết luận

Có những thứ có thể được thực hiện bởi những người bình thường, doanh nghiệp và chính phủ, mang lại ảnh hưởng to lớn đến việc giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm virus corona. Mọi người nên thực hiện chúng:

  • Đeo khẩu trang tự may.
  • Rửa tay.
  • Tránh tiếp xúc gần và lâu với những người đang nói hoặc đang hát.
  • Tránh những bữa tiệc và tụ họp đông người, đặc biệt nếu chúng có những người thuộc nhóm xã hội khác.
  • Giữ khoảng cách với mọi người. Tối thiểu là 2 mét. Tối ưu là xa hơn. Đừng ngồi đối diện với người khác.
  • Thay đổi môi trường doanh nghiệp để mọi người khó giao tiếp với nhau hơn.

Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ đi vào bốn biện pháp mà các chính phủ có thể áp dụng với giá khá rẻ nhưng có thể có ảnh hưởng rất lớn trong việc giảm sự lây nhiễm: xét nghiệm, lần vết tiếp xúc, cô lập và cách ly.

--

--

Tan Tran
Tomas Pueyo

Data scientist with a PhD in Statistics, based in Rhode Island