Cuộc chiến không tiền mặt nhìn từ bán lẻ — Phần 1

Trung Luong
7LAB
Published in
6 min readFeb 4, 2020

Bạn đang xem phần 1 của bài viết có hai phần: Cuộc chiến không tiền mặt nhìn từ bán lẻ.
Phần 1: Vì sao không tiền mặt?
Phần 2: Nhìn lại Việt Nam qua lăng kính bán lẻ.

Câu chuyện người vô gia cư ở Trung Quốc cũng đặt mã QR thật to trước mặt để dễ dàng nhận tiền từ người qua đường, hẳn ai cũng từng nghe qua. Người hàng xóm Trung Quốc đang bắt kịp thậm chí có thể sẽ vượt Thụy Điển để trở thành xã hội không tiền mặt đầu tiên chỉ trong vài năm tới. Trong đó, vai trò và tầm ảnh hưởng của các ví điện tử Alipay và WeChat Pay (hay đúng hơn là Tenpay, bao gồm WeChat Pay và QQ Wallet) vô cùng to lớn. Cả hai cộng lại chiếm 90% thị phần thanh toán điện tử trị giá 30 nghìn tỷ Mỹ Kim trong năm 2018. Dịch chuyển sang không tiền mặt không dừng ở biên giới Trung Quốc hay Thụy Điển, mà là xu hướng toàn cầu. Thanh toán số không cần công nghệ cầu kỳ như blockchain, chỉ cần một ứng dụng, sticker mã QR và vài tờ giấy phép — ví điện tử đã và đang bùng nổ ở toàn Đông Nam Á, Ấn độ nơi mà thẻ tín chưa được chấp nhận rộng rãi. Thậm chí cả ở Hàn Quốc (Kaokao pay), Nhật Bản (Line pay) hay Châu Âu cũng không nằm ngoài cuộc chơi.

Vậy không tiền mặt lợi (và hại) thế nào?

Photo by Jonas Leupe on Unsplash

Giảm bớt chi phí cho việc quản lý tiền mặt vốn rất tốn công và nhiều rủi ro. Mạng xã hội vừa qua cũng lùm xùm các thông tin nhân viên chiếm đoạt tiền bán hàng. Nếu tiền mặt được loại bỏ, tiền sẽ vào thẳng tài khoản của cửa hàng, rủi ro như trên không thể xảy ra. Khi xây dựng hệ thống cho 7-Eleven năm 2016 trước khi khai trương cửa hàng đầu tiên, các chức năng để quản lý tiền mặt (cash count, cash drop, shift transfer, bank deposit) được thiết kế rất tỉ mỉ. Tuy nhiên đến hiện nay các chức năng đó vẫn luôn phải được cải tiến. Các chuyên gia tư vấn người Nhật cũng lấy làm ngạc nhiên vì sự thông minh và nhạy bén của người Việt Nam vì các hành vi gian lận tiền mặt cũng công phu và tỉ mỉ không kém các chức năng được thiết kế. Văn hóa ở Nhật khiến họ không phải xử lý vấn đề gian lận này. Cũng tương tự, nhìn ở góc độ nền kinh tế thì chi phí quản lý, in tiền, vận chuyển, bảo vệ, hủy tiền… hàng năm tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng. Tóm lại, thay vì mất tiền vào các rủi ro và công sức phát triển các chức năng như trên và chi phí nhân sự để quản lý tiền mặt, bỏ tiền vào phí hoa hồng cho không tiền mặt (trên dưới 1%) có thể là rất hợp lý.

Tiền mặt là analog, không tiền mặt là digital. Phàm là digital thì sẽ có vết dữ liệu. Các công ty như Alipay hay Tenpay rõ ràng có trong tay nguồn dữ liệu vô cùng phong phú và chất lượng. Quan trọng hơn, đó là dữ liệu “thật” nhất tồn tại trong thế giới kĩ thuật số.

Phần lớn dữ liệu trên mạng xã hội có thể là fake, likes, status, comment, thậm chí tin nhắn chat cũng có thể fake (nếu Facebook có đọc). Fake không chỉ vì lượng bot đã quá lớn mà còn vì con người ta không thể hiện ra những điều họ thực sự nghĩ. Dữ liệu của Google search có thể thật hơn 1 chút, đặc biệt là ở chế độ incognito (ẩn danh).

Nhưng dữ liệu giao dịch: bạn đã mua sản phẩm gì, dùng dịch vụ gì, ăn uống ra sao, khi nào, số lượng, khối lượng, giá trị bao nhiêu, không thể fake và không thể hoặc không dễ ẩn danh. Những công ty như Alipay, Tenpay có thể vẽ bức chân dung toàn diện nhất về một người dùng hơn cả, thậm chí có thể hiểu rõ người dùng hơn chính bản thân họ. Có bao giờ bạn mở Momo ra ở Passio và nhận ngay một popup thông báo giảm giá cafe ngay tại cửa hàng chưa?

Dữ liệu về các giao dịch ở quy mô lớn không chỉ giúp phát triển kinh tế bằng cách giới thiệu đến người dùng những sản phẩm dịch vụ phù hợp nhất, kích thích mua sắm tốt hơn. Mà còn giúp các doanh nghiệp bớt chi phí cho việc làm kế toán, thu chi rõ ràng, đối soát dễ dàng. Các giao dịch mua sắm, thu nhập đều có thể truy vết thì nhà nước từ đó thu được nhiều thuế hơn.

Không tiền mặt thúc đẩy chi tiêu. Giống như thẻ tín dụng, việc thanh toán tiện lợi và có cảm giác không chi tiền giúp người dùng tạm quên đi nỗi đau tiền rời khỏi tay. Điều này nghe có vẻ là suy đoán chủ quan, thực tế thì nó đúng khoảng 0.1%, hoặc 296 tỷ Mỹ Kim — đó là phần tăng trưởng GPD Singapore ghi nhận khi thúc đẩy không tiền mặt. Quan trọng hơn, bước tiếp theo của các ví điện tử sẽ nhắm vào đó là cung cấp tín dụng, lĩnh vực lâu nay thuộc về các ngân hàng. Các ngân hàng truyền thống yêu cầu chứng minh thu nhập cần thiết để cung cấp tín dụng đôi khi rườm rà, chính vì vậy mà mức nợ tính dụng của người Việt còn khá thấp (chỉ 2% có thẻ tín dụng). Trong khi đó người dùng ví điện tử có thể tiếp cận tiền tín dụng chưa bao giờ dễ hơn chỉ dựa vào dữ liệu người đó để lại. Ví dụ, trong 6 tháng gần nhất chi tiêu qua ví của bạn rơi vào khoảng 5–10 triệu, bạn đã vô tình chứng minh thu nhập của bạn ít nhất ở mức tương đương, Chi tiết hơn có thể xem bạn chi tiêu gì, trung bình một bữa ăn của bạn bao nhiêu để xếp hạng bạn vào tầng lớp nào. Với dữ liệu đó bạn có thể dễ dàng được cấp thêm 5–10 triệu để chi tiêu mua sắm. Nôm na là thay vì mỗi người kiếm được 100 đồng để tiêu dùng, nay với tín dụng được tiếp cận dễ dễ dàng họ có 110, 150 đồng qua các hình thức trả góp, trả sau với lãi suất nhất định để đáp ứng nhu cầu đời sống.

Điều đó áp dụng cho cả nền kinh tế đưa chủ nghĩa tiêu dùng lên một tầm cao mới — lợi hay hại còn phải ngồi xuống châm vài tách trà mà phân giải, nhưng chi tiêu tăng thì hiển nhiên kinh tế phát triển theo, công ăn việc làm sinh sôi nảy nở.

Ai đó nói, ở Trung Quốc có xu hướng gì thì chỉ một tuần sau xu hướng đó sẽ về tới Việt Nam. Đặc biệt là, kinh tế phát triển nhưng đa số dân số không dùng thẻ tín dụng (98%) hoặc ngân hàng (69%), tới 90% giao dịch bằng tiền mặt, nên dư địa phát triển cho ví điện tử còn rất lớn.

Với nhiều lợi thế: hiện đại (ứng dụng di động), tiện lợi (nhiều điểm chấp nhận thanh toán, dù giá trị thấp), dễ tiếp cận (không thủ tục rườm rà, có thể nạp tiền mặt không cần tài khoản ngân hàng)… phù hợp với tình hình kinh tế và nhân khẩu học người Việt — ví điện tử có thể vượt qua các ngân hàng truyền thống hay tổ chức tín dụng VISA, Master để chiếm phần lớn thị phần thanh toán số. Với niềm tin kì tích thanh toán không tiền mặt cũng sẽ sớm xảy ra ở Việt Nam, trong những năm gần đây các ví điện tử trong nước vô cùng mạnh mẽ dốc tiền hòng tìm chỗ đứng trên thị trường và trên màn hình chủ của điện thoại chúng ta.

Xem tiếp phần 2: Nhìn lại Việt Nam qua lăng kính bán lẻ.

Like what you’re reading? Follow us on Linkedin and Medium. We are developing the digital layer for 7-Eleven Viet Nam including the entire retail IT system as well as customer facing components like 7REWARDS and 7NOW.vn

--

--

Trung Luong
7LAB
Editor for

Doing data, tech and strategic partnership at 7-Eleven Viet Nam